• Nền Tảng Phật Giáo - Quyển VI

    PHÁP HẠNH BA-LA-MẬT

    (Tập 3)

  • Soạn giả: Hộ Pháp

 

5.3- Pháp Hạnh Tinh Tấn Ba-la-mật Bậc Thượng

  (Vīriyaparamatthapāramī)

 

5.3- Tích Mahājanakajātaka (Má-ha-chá-ná-ká-cha-tá-ká)

 

Trong tích Mahājanakajātaka([1]) Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm Hoàng tử tên Mahājanaka (Mahājanakarājakumāra) thực hành pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật bậc thượng (Vīriyaparamat-thapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

 

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi. Chư tỳ khưu hội họp tại giảng đường, tán dương ca tụng Đức Thế Tôn từ bỏ ngai vàng đi xuất gia. Khi ấy, Đức Thế Tôn ngự đến ngồi trên pháp toà, bèn hỏi chư tỳ khưu rằng:

- Này chư tỳ khưu! Các con đang đàm đạo về chuyện gì vậy?

Chư tỳ khưu bạch với Đức Thế Tôn rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con đang tán dương ca tụng Đức Thế Tôn đã từ bỏ ngai vàng đi xuất gia. Bạch Ngài.

Đức Thế Tôn truyền bảo rằng:

- Này chư tỳ khưu! Không chỉ kiếp hiện tại này Như Lai đã thực hành đầy đủ trọn vẹn các pháp hạnh Ba-la-mật, rồi từ bỏ ngai vàng đi xuất gia, mà còn những tiền kiếp Như Lai còn là Đức Bồ Tát đang thực hành, bồi bổ các pháp hạnh Ba-la-mật, cũng đã từng từ bỏ ngai vàng đi xuất gia như vậy.

Nghe Đức Thế Tôn truyền dạy như vậy, chư tỳ khưu kính thỉnh Đức Thế Tôn thuyết về tiền kiếp của Ngài.

 

Tích Mahājanakajātaka

 

Khi ấy, Đức Thế Tôn thuyết về tích Mahājanaka-jātaka được tóm lược như sau:

 

Trong thời quá khứ, Đức Vua Mahājanaka([2]) ngự tại kinh thành Mithilā xứ Videha. Đức Vua có 2 Thái tử: Thái tử trưởng AriṭṭhajanakaHoàng tử thứ Polajanaka. Khi 2 Thái tử trưởng thành, Đức Vua tấn phong Thái tử trưởng Ariṭṭhajanaka làm Phó vương tấn phong Hoàng tử thứ Polajanaka làm quan tế tướng.

Khi Đức Vua Mahājanaka băng hà, Thái tử trưởng Ariṭṭhajanaka lên ngôi Chánh vương Hoàng tử thứ Polajanaka làm Phó vương.

Một quan nịnh thần tâu với Đức Vua Ariṭṭhajanaka rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, Đức Phó vương Polajanaka có âm mưu làm phản, có ý định giết Bệ hạ để lên ngôi làm vua.

 Ban đầu, Đức Vua Ariṭṭhajanaka không tin, nhưng nghe tâu nhiều lần, nên làm cho Đức Vua nghi ngờ, ra lệnh bắt Phó vương Polajanaka xiềng 2 tay 2 chân, đem giam trong nhà lao về tội âm mưu làm phản, có ý định giết Đức Vua để chiếm ngôi. Đức Phó vương Pola-janaka phát nguyện với lời chân thật rằng:

“ Nếu tôi có âm mưu làm phản, có ý định giết hoàng huynh của tôi, để chiếm đoạt ngôi vua thì những xiềng xích này vẫn dính chặt 2 tay, 2 chân của tôi, cửa nhà lao

vẫn đóng chặt, giam hãm tôi suốt đời.

Nhưng nếu tôi không có âm mưu làm phản, không có tác ý giết hoàng huynh của tôi để chiếm đoạt ngôi vua, thì tất cả những xiềng xích này hãy rời khỏi 2 tay và 2 chân của tôi ngay tức thì, và cửa nhà lao hãy mở rộng ra, tôi được tự do đi ra khỏi nhà lao mà không một ai có thể ngăn cản.”

Sau khi phát nguyện bằng lời chân thật xong, những xiềng xích đều bị đứt rơi xuống đất, cửa nhà lao được mở rộng ra, Đức Phó vương Polajanaka ngự ra một cách tự nhiên mà không có một quân lính nào ngăn cản cả.

Đức Phó vương Polajanaka ngự đến một vùng biên giới, dân chúng trong vùng nhận ra Ông, họ hết lòng bảo vệ phụng sự Ông, cho nên lính triều đình của Đức Vua Ariṭṭhajanaka không thể nào bắt Ông đem trở lại kinh thành Mithilā được.

Đức Phó vương Polajanaka ngự tại vùng biên giới ấy được dân chúng tôn kính và ủng hộ, do đó, vùng biên giới ấy trở thành căn cứ địa của Ông. Về sau, dân chúng các vùng khác cũng tôn kính và ủng hộ Đức Phó vương Polajanaka ngày càng đông, và đất đai ngày càng được mở rộng. Ông tổ chức thành các đội quân bảo vệ dân chúng và giữ gìn đất đai, cho nên, triều đình Đức Vua Ariṭṭhajanaka không còn chủ quyền nữa.

Khi có các đội binh hùng mạnh trong tay, Đức Phó vương Polajanaka nghĩ: “Ngày trước ta không có tác ý âm mưu chiếm đoạt ngôi vua của hoàng huynh ta. Nhưng nay, ta sẽ đánh nhau để tranh giành ngôi vua của hoàng huynh của ta”.

Đức Phó vương Polajanaka thân chinh dẫn đầu các đội binh hùng mạnh, cùng với một số đông dân chúng kéo đến kinh thành Mithilā. Ông truyền lệnh đóng trại các đội binh ở bên ngoài kinh thành Mithilā.

Nhìn thấy quân đội của Đức Phó vương như vậy, lính canh gác bảo vệ kinh thành Mithilā đến chầu Đức Vua Ariṭṭhajanaka tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, Đức Phó vương Polajanaka thân chinh dẫn đầu các đội binh: đội tượng binh, đội mã binh, đội quân xa, đội bộ binh, cùng với một số đông dân chúng kéo đến kinh thành Mithilā. Tất cả đều đóng trại ở bên ngoài kinh thành Mithilā.

Khi ấy, Đức Phó vương Polajanaka truyền một phái đoàn đến chầu Đức Vua Ariṭṭhajanaka dâng tờ biểu rằng: “Tâu Hoàng huynh, ngày trước hoàng đệ không có tác ý âm mưu làm phản Hoàng huynh, để chiếm đoạt ngôi vua. Nhưng nay, hoàng đệ đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu giành ngôi vua của Hoàng huynh.

Vậy, tâu Hoàng huynh, xin Hoàng huynh nhường ngôi vua lại cho hoàng đệ, nếu không thì cuộc chiến sẽ xảy ra giữa huynh đệ chúng ta”.

Nhận được tờ biểu, Đức Vua Ariṭṭhajanaka không chấp nhận nhường ngôi vua, mà phải chiến đấu để phân tranh thắng bại. Đức Vua cho truyền gọi Chánh cung Hoàng hậu đến rồi truyền bảo rằng:

- Này ái khanh! Trẫm thân chinh cầm quân ra trận đánh nhau với Phó vương Polajanaka lần này, cuộc chiến đấu thắng hay bại chưa có thể biết được.

Nếu nghe tin Trẫm bị băng hà thì ái khanh nên thận trọng giữ gìn bảo vệ thai nhi cho được an toàn.

Sau khi truyền bảo Chánh cung Hoàng hậu xong, Đức Vua Ariṭṭhajanaka ngự trên con voi báu thân chinh dẫn đầu đoàn quân xuất trận. Trong cuộc chiến đấu xảy ra giữa hai Huynh Đệ, Đức Vua Ariṭṭhajanaka là kẻ bại trận, rồi băng hà tại trận địa, còn Đức Phó vương Polajanaka là người chiến thắng kéo quân vào kinh thành Mithilā.

Nghe tin Đức Vua Ariṭṭhajanaka đã băng hà tại nơi trận địa, toàn dân chúng trong kinh thành Mithilā đều ở trong tình trạng bất an, hỗn loạn. Còn Chánh Cung Hoàng Hậu của Đức Vua Ariṭṭhajanaka cảm thấy vô cùng khổ tâm khi nghe tin Hoàng Thượng của Bà băng hà. Nhớ lời truyền bảo của Đức Vua Ariṭṭhajanaka, Bà lấy những viên ngọc quý giá, những báu vật quý giá gói gọn đặt trong một giỏ, mặc bộ đồ cũ giả dạng dân thường, đội giỏ trên đầu rời khỏi cung điện, ngự đi ra cửa thành phía bắc, mà không một ai nhận ra Bà được.

Bà vốn là người không từng đi ra khỏi kinh thành một mình, nên không biết phải đi đâu. Bà nhớ lại đã có lần nghe đến tên thành phố Kālacampā, nhưng lại không biết đường đi, nên Bà ngồi nghỉ bên đường chờ người đi qua để hỏi thăm đường đi.

Thai nhi nằm trong bụng của Chánh cung Hoàng hậu là Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama, do năng lực các pháp hạnh Ba-la-mật của Đức Bồ Tát, khiến cho chỗ ngồi của Đức Vua trời Sakka nóng lên, cho nên, Đức Vua trời Sakka xem xét bằng thiên nhãn thấy rõ nguyên nhân làm nóng ấy, nên nghĩ: “Thai nhi trong bụng Chánh cung Hoàng hậu là Đức Bồ Tát có nhiều oai lực của pháp hạnh Ba-la-mật. Vậy, chính ta phải hiện xuống cõi người, để rước Chánh cung Hoàng hậu đến thành phố Kālacampā”. Nghĩ xong, Đức Vua trời Sakka liền xuất hiện xuống cõi người, biến hoá ra một người đánh xe ngựa chở khách đi ngang qua chỗ Chánh cung Hoàng hậu đang ngồi bèn hỏi rằng:

- Có ai đi thành phố Kālacampā hay không?

Nghe ông già đánh xe hỏi như vậy, Chánh cung Hoàng hậu truyền bảo rằng:

- Thưa ông lão, con nhờ ông lão đưa con đến thành phố Kālacampā, con có thai đã già ngày già tháng rồi, khó bước lên xe được, xin ông lão hãy bỏ cái giỏ trên xe, còn con xin đi theo sau xe.

Ông già đánh xe (Đức Vua trời Sakka) bước xuống xe đến gần Chánh cung Hoàng hậu thưa rằng:

- Thưa bà, lão là người đánh xe chuyên môn, xe chạy rất êm, xin bà an tâm.

Do oai lực của Đức Bồ tát thai nhi nằm trong bụng Chánh cung Hoàng hậu, khiến cho mặt đất nhô cao lên sát sàn xe ngựa, nên Bà bước lên xe một cách dễ dàng. Chiếc xe khởi hành, Bà nằm ngủ yên trên xe như nằm trên chỗ nằm sang trọng của một thiên nữ. Đức Vua trởi Sakka chở Chánh cung Hoàng hậu đến cửa thành phố Kālacampā vào buổi chiều. Xe dừng lại, Bà bèn hỏi Đức Vua trời Sakka rằng:

- Thưa ông lão, nơi đây là nơi nào? Thưa ông.

- Thưa Bà, nơi đây là cửa thành phố Kālacampā.

- Thưa ông lão, con nghe nói từ kinh thành Mithilā đến thành phố Kālacampā, cách xa 60 do tuần, sao mà ông lão đánh xe nhanh quá vậy?

- Thưa Bà, đúng vậy, từ kinh thành Mithilā đến thành phố Kālacampā khoảng cách 60 do tuần, nhưng lão biết con đường đi tắt, nên đến nhanh như vậy.

Đức Vua trời Sakka mời Chánh cung Hoàng hậu xuống xe trước cửa thành phố phía nam. Bà ngự đến ngồi tại nhà nghỉ bên đường. Đức Vua trời Sakka đánh xe đi tiếp một đoạn, rồi biến mất, ngự trở lại cung trời Tam thập tam thiên.

Khi ấy, vị giáo sư Bà-la-môn Udicca dẫn nhóm 500 đệ tử đi tắm, nhìn thấy Chánh cung Hoàng hậu đang ngồi tại nhà nghỉ bên đường, vị Bà-la-môn đoán biết người đàn bà đang ngồi đó là hạng người cao quí. Do oai lực của Đức Bồ Tát thai nhi nằm trong bụng Chánh cung Hoàng hậu, khiến vị giáo sư Bà-la-môn phát sinh thiện tâm thương mến như một người em gái của mình. Truyền bảo nhóm đệ tử đứng bên ngoài, vị giáo sư Bà-la-môn một mình đến gặp Bà bèn hỏi rằng:

- Này cô em gái thân thương! Cô em một mình từ đâu đến đây?

Chánh cung Hoàng hậu thưa thật rằng:

- Kính thưa Ngài, con là Chánh cung Hoàng hậu của Đức Vua Ariṭṭhajanaka tại kinh thành Mithilā nước Videha, Hoàng thượng Ariṭṭhajanaka của con chiến đấu với Hoàng đệ Polajanaka. Trong cuộc chiến đấu ấy, Hoàng thượng Ariṭṭhajanaka bị thua, rồi băng hà tại trận địa. Trước khi thân chinh cầm quân xuất trận, Hoàng thượng của con truyền bảo con rằng: “Trẫm thân chinh cầm quân ra trận đánh nhau với Phó vương Polajanaka lần này, cuộc chiến đấu thắng hay bại chưa có thể biết được. Nếu nghe tin Trẫm bị băng hà thì ái khanh nên thận trọng gìn giữ, bảo vệ thai nhi cho được an toàn”.

Vì vậy, con đã cải dạng trốn khỏi kinh thành đi đến đây với hy vọng bảo vệ thai nhi được an toàn.

Nghe Chánh cung Hoàng hậu thưa như vậy, vị giáo sư Bà-la-môn hỏi rằng;

- Này cô em gái thân thương! Cô em có thân quyến trong thành phố này hay không?

- Kính thưa Ngài, con không có thân quyến, người quen biết nào trong thành phố này cả, Thưa Ngài.

- Này cô em gái thân thương! Xin cô em an tâm, tôi là giáo sư Bà-la-môn Udicca giàu có, khá giả trong thành phố này, tôi xem cô như người em gái của tôi, cô em sẽ được chăm nom săn sóc, nuôi dưỡng như một người em ruột. Từ nay, xin cô em hãy gọi tôi là anh trai.

Nghe lời dạy của giáo sư Bà-la-môn, Chánh cung Hoàng hậu vô cùng hoan hỷ cúi đầu xuống đưa hai bàn tay vuốt nhẹ trên hai bàn chân của vị Bà-la-môn Udicca để tỏ lòng kính trọng, Bà sung sướng gọi lên rằng:

- Dạ vâng! Thưa anh trai kính yêu của em!

Vị giáo sư Bà-la-môn Udicca và Chánh cung Hoàng hậu cảm thấy vui mừng, thân thiết với nhau. Nhóm đệ tử bên ngoài nhìn thấy như vậy, nên họ kéo nhau vào bèn thưa với vị giáo sư rằng:

- Kính thưa Tôn sư, có sự việc gì vui mừng như vậy?

- Này các con! Người em gái của thầy từ phương xa đến, cho nên, khi gặp lại nhau, thầy và người em gái cảm thấy vui mừng như vậy.

Nghe Tôn sư nói như vậy, nhóm đệ tử cũng đều phát sinh tâm hoan hỷ với Ông.

Vị giáo sư truyền bảo rằng:

- Này các con! Các con hãy đem chiếc xe của thầy đến, rồi mời người em gái của thầy lên xe, các con đưa về nhà thưa với phu nhân của thầy rằng: “Cô gái này là em gái của thầy, xin bà lo chăm nom săn sóc cô cho chu đáo”.

Vâng lời Tôn sư, các đệ tử đưa Chánh cung Hoàng hậu về nhà giáo sư Bà-la-môn, thưa lại với phu nhân của Thầy những lời dặn dò ấy. Vâng lời vị phu quân, bà phu nhân tiếp đón Chánh cung Hoàng hậu rất đặc biệt.

Mời Bà nghỉ trong một căn phòng sang trọng lộng lẫy.

Sau khi tắm xong, vị giáo sư Bà-la-môn trở về nhà, cho người mời người em gái đến phòng dùng cơm chung với ông cùng phu nhân. Chánh cung Hoàng hậu được chăm sóc nuôi dưỡng tử tế trong gia đình của vị giáo sư Bà-la-môn.

Sau đó không lâu, Chánh cung Hoàng hậu sinh hạ một Thái tử, chính là Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama, có màu da như màu vàng ròng, Bà lấy tên của Đức Thái Thượng Hoàng đặt tên cho con là Thái tử Mahājanaka.

Khi Đức Bồ Tát Thái tử Mahājanaka còn nhỏ thường chơi với nhóm trẻ trong thành, hễ đứa trẻ nào chọc tức, thì Ngài bắt đánh đòn đứa trẻ ấy, bởi vì, Thái tử có sức mạnh vô địch. Nhóm trẻ ấy khóc la rằng:

- Đứa con không cha của bà goá chồng đánh tôi!

Thật ra, Chánh cung Hoàng hậu chưa muốn nói rõ về tung tích của con, cho nên, Thái tử chưa biết cha của mình là ai. Nghe nhóm trẻ khóc la nói xấu mình là đứa con không cha của bà goá chồng, Đức Bồ Tát Thái tử Mahājanaka chạy về nhà sà vào lòng mẹ, hai tay ôm chặt mẹ, thưa rằng:

- Kính thưa mẹ, xin mẹ hãy nói cho con biết rõ sự thật rằng: Cha của con là ai?

Chánh cung Hoàng hậu biết không thể giấu tông tích của Thái tử Mahājanaka được nữa, cho nên, Bà nói thật cho Thái tử biết rằng:

- Này con yêu quý! Con vốn là Thái tử của Đức Vua Ariṭṭhajanaka tại kinh thành Mithilā, trị vì nước Videha. Trong khi Mẫu hậu đang mang thai con, thì xảy ra cuộc chiến giữa Đức Phụ Vương Ariṭṭhajanaka của con với Đức Phó vương Polajanaka, Hoàng thúc của con. Trước khi thân chinh cầm quân ra trận, Đức Phụ Vương của con truyền bảo Mẫu hậu rằng:Trẫm thân chinh cầm quân ra trận đánh nhau với Đức Phó vương Polajanaka lần này, cuộc chiến đấu thắng hay bại chưa có thể biết được. Nếu nghe tin Trẫm bị băng hà thì ái khanh nên thận trọng giữ gìn bảo vệ thai nhi cho được an toàn”.

Trong cuộc chiến đấu ấy, Đức Phụ Vương của con bị thua, rồi băng hà tại trận địa. Khi nghe tin ấy, vâng lời truyền bảo của Đức Phụ Vương con, Mẫu hậu phải giả làm thường dân trốn ra khỏi kinh thành Mithilā, đi lánh nạn, đến thành phố Kālacampā này, để bảo vệ con.

Thật vô cùng diễm phúc, Mẫu hậu gặp được vị giáo sư Bà-la-môn Udicca này. Ông đã nhận Mẫu hậu như là người em gái của ông và gia đình ông đã cưu mang, nuôi dưỡng hai mẹ con ta. Gia đình ông Bà-la-môn này là vị ân nhân của chúng ta.

Bây giờ, con đã biết rõ thân thế của con, con là Thái tử của Đức Vua Ariṭṭhajanaka. Vậy, từ nay về sau, con không nên bực tức đánh đòn các bạn của con nữa.

Vâng lời dạy của Mẫu hậu, từ đó Thái tử Mahājanaka đối xử tốt với bạn bè và cố gắng tinh tấn học các bộ môn Bà-la-môn và các môn của Thái tử.

Khi Đức Bồ Tát Thái tử trưởng thành, Ngài có thân hình khoẻ mạnh phi thường, có tài đức vẹn toàn không ai sánh bằng. Khi ấy, Ngài nghĩ: “Ngôi vua của Đức Phụ Vương ta đã mất, ta quyết tâm giành lại cho được”. Ngài vào tâu với Mẫu hậu rằng:

- Tâu Mẫu hậu, Mẫu hậu có đem theo của cải quý giá nào không? Mẫu hậu cho con làm vốn đi buôn bán kiếm được nhiều của cải, rồi chiêu mộ binh lính kéo đến kinh thành Mithilā, chiến đấu, tramh giành lại ngôi vua của Đức Phụ Vương con đã mất.

Chánh cung Hoàng hậu truyền bảo rằng:

- Này Hoàng nhi yêu quý! Mẫu hậu có mang theo ba viên ngọc quý của Đức Phụ Vương con: ngọc Maṇi, ngọc Mutta và ngọc Vajira. Dù chỉ một viên ngọc cũng đủ cho con thực hiện ý nguyện chiêu mộ binh lính kéo đến kinh thành Mithilā, để chiến đấu, tranh giành lại ngôi vua của Đức Phụ Vương con đã mất.

- Này Hoàng nhi yêu quý! Con hãy nhận ba viên ngọc quý này làm của cải, để gầy dựng lên cơ nghiệp đế vương của con. Con chớ nên đi buôn làm gì cho nguy hiểm.

Mặc dù Chánh cung Hoàng hậu khuyên bảo như vậy, nhưng Đức Bồ Tát Thái tử Mahājanaka vẫn muốn đi buôn bán nên tâu rằng:

- Muôn tâu Mẫu hậu, xin Mẫu hậu ban cho con một nửa của cải, để con làm vốn đi buôn bán trong vùng Suvaṇṇabhūmi (vùng đất vàng).

Chánh cung Hoàng hậu truyền bảo rằng:

- Này Hoàng nhi yêu quý! Trên đại dương có nhiều nguy hiểm, con chớ nên đi! Với 3 viên ngọc báu này có thừa cho con thực hiện ý nguyện chiêu mộ binh lính để đánh chiếm, tranh giành lại ngôi vua của Đức Phụ Vương con.

Mặc dù Chánh cung Hoàng hậu đã truyền bảo như vậy, nhưng Đức Bồ Tát Thái tử mahājanaka muốn cậy vào sức mạnh của mình là chính, nên Ngài thuê đóng một chiếc thuyền lớn, tuyển chọn thuỷ thủ, mua sắm các loại hàng hoá chất đầy thuyền. Mọi công việc đã chuẩn bị hoàn tất, sẵn sàng cho chuyến vượt đại dương đi buôn, Ngài đến chầu đảnh lễ Mẫu hậu, xin phép ra đi.

 

* Thái tử Mahājanaka Khởi Hành,

* Đức Vua Polajanaka Bị Lâm Bệnh

 

Ngày hôm ấy,Thái tử Mahājanaka cùng với 700 thuỷ thủ lên thuyền, Thái tử Mahājanaka ra lệnh cho thuyền khởi hành ra biển cả đại dương, hướng chiếc thuyền đến vùng đất Suvaṇṇabhūmi (vùng đất vàng). Và cũng ngày hôm ấy, tại kinh thành Mithilā, Đức Vua Polajanaka bị lâm bệnh trầm trọng. Hai sự việc ấy xảy ra cùng một ngày.

 

Đức Bồ Tát Thực Hành Pháp Hạnh Tinh Tấn Ba-la-mật

 

Chiếc thuyền lớn của Đức Bồ Tát Thái tử Mahā-janaka vượt ra ngoài biển khơi được 7 ngày.

* Đến ngày thứ 7 chiếc thuyền ấy gặp cơn bão lớn làm cho chiếc thuyền bị vỡ rồi chìm giữa biển cả đại dương.

* Và cũng ngay trong ngày hôm ấy, tại kinh thành Mithilā, Đức Vua Polajanaka băng hà.

Sau khi chiếc thuyền lớn bị chìm trong đại dương, 700 thuỷ thủ đều bị chết làm mồi cho cá, chỉ còn Đức Bồ Tát Thái tử Mahājanaka vẫn đang còn cố gắng tinh tấn bơi lội, với đôi tay và đôi chân của Ngài, suốt 7 ngày đêm giữa đại dương mà thôi.

Nhìn lên hư không thấy vầng trăng tròn trong sáng, Đức Bồ Tát Thái tử Mahājanaka tính nhẩm hôm ấy nhằm vào ngày giới Uposathasīla, nên Ngài nguyện thọ trì bát giới Uposathasīla.

Vào thuở ấy, Đức Vua trời cõi Tứ Đại Thiên Vương truyền lệnh cho vị thiên nữ Maṇimekhalā làm phận sự bảo vệ những chúng sinh có giới đức trong sạch, có các pháp hạnh Ba-la-mật cao thượng… không được để chúng sinh ấy chết trong biển đại dương. Vị thiên nữ Maṇimekhalā đã không làm tròn phận sự quan sát trên biển cả đại dương trong suốt 7 ngày qua, nên không biết sự việc gì xảy ra trên đại dương. Chợt nhớ đến phận sự của mình thì đã đến ngày thứ 7, vị thiên nữ quan sát nhìn thấy Đức Bồ Tát Thái tử Mahājanaka đang cố gắng tinh tấn bơi lội trên biển cả đại dương đã suốt 7 ngày qua. Vị thiên nữ ấy nghĩ: “Nếu ta để Thái tử Mahājanaka này chết trên đại dương này, thì chắc chắn ta phải chịu tội với Đức Đại Thiên Vương”.

Nghĩ như vậy xong vị thiên nữ Maṇimekhalā vội vàng hiện đến đứng trên hư không gần Đức Bồ Tát Thái tử Mahājanaka, hỏi Ngài bằng bài kệ rằng:

- Ai đó cứ cố gắng tinh tấn bơi lội ở giữa biển đại dương, khi không nhìn thấy đâu là bờ bến.

Vậy, Ngài thấy sự lợi ích gì mà vẫn cố gắng tinh tấn bơi lội như vậy?

Đức Bồ Tát Thái tử Mahājanaka nghĩ: “Ta đã cố gắng tinh tấn bơi lội ở giữa đại dương suốt 7 ngày qua không thấy người thứ hai nào. Vậy, ai đang hỏi ta như vậy?”

Ngẩng nhìn lên hư không, Ngài nhìn thấy vị thiên nữ, nên trả lời rằng:

- Này thiên nữ! Ta suy sét thấy sự lợi ích của pháp hạnh tinh tấn và quả báu của pháp hạnh tinh tấn ấy. Cho nên, dù ta không thấy đâu là bờ bến, ta vẫn cố gắng bơi lội ở giữa đại dương này.

Vị thiên nữ Maṇimekhalā muốn nghe pháp của Đức Bồ Tát Thái tử Mahājanaka nên đọc cậu kệ rằng:

- Thưa Ngài, bờ bến đại dương xa tít mù khơi không hiện rõ đối với Ngài, thì sự cố gắng của con người như Ngài chỉ là vô ích mà thôi. Ngài sẽ chết trước khi chưa đến bờ bến đại dương.

Đức Bồ Tát Thái tử Mahājanaka bảo với thiên nữ rằng:

- Này thiên nữ! Khi con người có sự cố gắng tinh tấn, dẫu có chết cũng không bị cha mẹ, bà con, chư thiên, phạm thiên chê trách. Nếu con người có sự cố gắng tinh tấn hết sức mình thì sẽ không hối hận về sau.



[1] Tích Mahājanakajātaka trong bộ chú giải Jātaka, phần Mahānipāta.

[2] Trong tích này: Mahājanaka là tên của 2 Đức Vua: 1- Mahājanaka là tên của Đức Thái Thượng Hoàng (Ông Nội). 2- Mahājanaka cũng là tên của  Thái tử  (cháu nội).


Vị thiên nữ Maṇimekhalā thưa rằng:

- Thưa Ngài, phàm công việc nào mà người cố gắng tinh tấn, nhưng không thành tựu thì công việc ấy không có kết quả gì, chỉ làm khổ thân vất vả mà thôi. Sự cố gắng tinh tấn trong công việc nào mà con người đang thực hiện chưa đạt đến kết quả, sự chết xảy ra đối với người ấy, thì sự cố gắng tinh tấn ấy có lợi ích gì đâu?

Nghe vị thiên nữ nói như vậy, Đức Bồ Tát Thái tử Mahājanaka giảng giải, để làm cho vị thiên nữ phải khâm phục bằng bài kệ rằng:

- Này thiên nữ! Nếu người nào biết rõ rằng sự cố gắng tinh tấn trong công việc mà mình đang thực hiện chắc chắn sẽ không đem lại kết quả, rồi buông xuôi thì người ấy gọi là người không biết bảo vệ sinh mạng của mình. Người ấy từ bỏ sự cố gắng tinh tấn trong trường hợp như vậy, sẽ thấy hậu quả của sự lười biếng.

- Này thiên nữ! Nếu người nhận thấy rõ sự lợi ích công việc mà họ đang thực hiện, dù công việc ấy có được thành tựu, hoặc không thành tựu thì sự cố gắng tinh tấn vẫn phải nên tiếp tục tiến hành.

- Này thiên nữ! Ngươi đã thấy rõ kết quả của pháp hạnh tinh tấn của tôi rồi phải không? Những người thuỷ thủ khác không có sự cố gắng tinh tấn đều bị chết chìm trong đại dương làm mồi cho cá, chỉ còn một mình tôi đang bơi lội để đến bờ đại dương và tôi được nhìn thấy ngươi ở bên tôi. Tôi quyết tâm cố gắng tinh tấn hết sức, để đạt đến mục đích của tôi. Cho nên, pháp hạnh tinh tấn là pháp hạnh mà con người cần phải cố gắng thực hành không nên ngừng nghỉ.

Nghe những lời nói khẳng khái quyết tâm của Đức Bồ Tát Thái tử Mahājanaka, vị thiên nữ rất cảm phục rồi tán dương ca tụng rằng:

- Kính bạch Ngài, Ngài là người có pháp hạnh tinh tấn bậc thượng, có chánh tinh tấn không ngừng bậc thượng.

Kính bạch Ngài, Ngài muốn đến nơi nào, tôi xin đưa Ngài đến nơi ấy. Bạch Ngài.

Nghe vị thiên nữ hỏi, Đức Bồ Tát Thái tử Mahājanaka bảo rằng:

- Này thiên nữ! Tôi nhờ thiên nữ đưa tôi đến kinh thành Mithilā.

Vị thiên nữ đáp xuống nước, nâng Đức Bồ Tát Thái tử Mahājanaka như đón nhận một bó hoa xinh đẹp bay lên hư không, hai tay ôm Ngài vào lòng như bồng một đứa con yêu quý. Đức Bồ Tát bơi lội suốt 7 ngày đêm trên biển đại dương, thân thể mệt mỏi rã rời, nay tiếp xúc với thân thể êm ái của vị thiên nữ, nên Ngài nằm ngủ thiếp đi trong lòng vị thiên nữ Maṇimekhalā.

Trong khoảng thời gian không lâu đã đến kinh thành Mithilā, vị thiên nữ Maṇimekhalā đặt Đức Bồ Tát Thái tử nằm nghiêng về bên phải trên tảng đá an lành trong khu vườn xoài thuộc vườn thượng uyển, bên ngoài kinh thành Mithilā. Vị thiên nữ Maṇimekhalā nhờ chư thiên trong khu vườn xoài chăm nom săn sóc Ngài, rồi trở về chỗ ở của mình.

 

Chọn Người Có Tài Đức Lên Ngôi Vua

 

Trong khi Đức Vua Polajanaka đang bị lâm bệnh nặng, nằm trên long sàng sắp băng hà, các quan đến chầu Đức Vua tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, Bệ hạ không có Thái tử nối ngôi, chỉ có công chúa Sīvalidevī mà thôi. Vậy, sau khi Bệ hạ băng hà rồi, chúng hạ thần nên chọn người như thế nào lên ngôi vua trị vì đất nước này?

Đức Vua Polajanaka truyền bảo rằng:

- Này các khanh! Các khanh nên chọn, suy tôn người nào có đủ tài đức song toàn như sau:

* Người nào có khả năng làm cho công chúa Sīvalidevī hài lòng, thì các khanh hãy suy tôn người ấy lên ngôi vua.

* Người nào có khả năng biết được đầu nằm của long sàng hình vuông (caturassapallaṅka), thì các khanh hãy suy tôn người ấy lên ngôi vua.

* Người nào có sức mạnh phi thường có khả năng nhấc nổi cây cung có sức nặng 1.000 người khiêng (sahassathānadhanu), thì các khanh hãy suy tôn người ấy lên ngôi vua.

* Người nào có khả năng biết rõ chỗ 16 hầm báu lớn (mahānidhi), rồi đem về đủ nộp vào kho triều đình, thì các khanh hãy suy tôn người ấy lên ngôi vua.

Các quan tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, xin Bệ hạ truyền cho biết mật hiệu của mỗi hầm báu vật cho chúng thần.

Đức Vua Polajanaka truyền bài kệ chỉ cho biết mật hiệu của 16 hầm báu rằng:

 

- Hầm báu lớn ở chỗ mặt trời mọc.

- Hầm báu lớn ở chỗ mặt trời lặn.

- Hầm báu lớn ở bên trong.

- Hầm báu lớn ở bên ngoài.

- Hầm báu lớn không phải ở bên trong lẫn bên ngoài.

- Hầm báu lớn ở chỗ chân bước lên.

- Hầm báu lớn ở chỗ chân bước xuống.

- 4 hầm báu lớn ở 4 đại cội sālā (mahāsālā).

- Hầm báu lớn ở chỗ xung quanh do tuần.

- Hầm báu lớn ở giữa hai ngà của con voi báu.

- Hầm báu lớn ở chỗ đuôi của con voi báu.

- Hầm báu lớn ở chỗ dưới nước.

- Hầm báu lớn ở chỗ đầu ngọn cây.

Sau khi Đức Vua Polajanaka băng hà, các quan tổ chức lễ hoả táng. 7 ngày sau, các quan hội họp bàn luận về những điều mà Đức Vua đã truyền lại, để chọn người có tài đức xứng đáng suy tôn làm lễ đăng quang lên ngôi vua. Họ thảo luận từng điều một như sau:

 

Điều thứ nhất:

- “Người nào có khả năng làm cho công chúa Sīvalidevī hài long.”

- Công chúa Sīvalidevī là người có trí tuệ sáng suốt rất thông minh. Vậy, ai là người có khả năng làm cho công chúa hài lòng?

Các quan xét thấy rằng: Vị quan Thừa tướng thân cận với Đức Vua có khả năng làm cho công chúa Sīvalidevī hài lòng nhất. Họ mời vị Thừa tướng vào chầu công chúa Sīvalidevī. Được các quan chọn mời, vốn muốn được lên ngôi vua, nên vị Thừa tướng rất vui mừng vội vàng đến chầu, đứng chờ bên ngoài lâu đài của công chúa Sīvalidevī. Để thử cho biết vị Thừa tướng có phải là người có đủ tài đức xứng đáng lên ngôi vua hay không, Công chúa truyền rằng:

- Cho phép Thừa tướng hãy chạy nhanh vào chầu ta!

Vị Thừa tướng nghĩ: “Ta phải làm cho công chúa Sīvalidevī hài lòng” nên chạy nhanh vào.

Công chúa truyền bảo rằng:

- Ngươi hãy mau đến gần ta.

Thấy vị Thừa tướng mau lẹ đến gần, Công chúa Sīvali-

devī nhận xét thấy ông là người không có tài đức, không có trí tuệ nên truyền bảo rằng:

- Ngươi hãy xoa 2 bàn chân của ta.

Vị Thừa tướng rất hân hạnh được xoa 2 bàn chân của Công chúa Sīvalidevī, để làm cho công chúa hài lòng. Ngay khi ấy, công chúa đạp vào ngực của ông ta, vì bị bất ngờ nên ông ta ngã ngửa ra tại chỗ ấy. Công chúa Sīvalidevī truyền lệnh các tỳ nữ đuổi con người kém tài đức ra khỏi nơi ấy. Quan Thừa tướng vừa ra khỏi lâu đài của Công chúa Sīvalidevī thì các quan đến hỏi rằng:

- Thưa Thừa tướng, Ngài có làm cho công chúa Sīvalidevī được hài lòng hay không?

Vị Thừa tướng vừa mới bị công chúa khinh thường, nên bực tức trả lời rằng:

- Thưa quý vị! Xin quý vị đừng hỏi tôi về Công chúa Sīvalidevī nữa. Công chúa là người rất khó tính đáng sợ, không dễ làm cho cô ấy hài lòng được đâu!

Tiếp theo tuyển chọn vị quan lớn Thủ kho báu của triều đình vào chầu công chúa Sīvalidevī, vị quan này cũng không có khả năng làm cho Công chúa hài lòng. Tuần tự các vị quan khác trong triều, nhưng không có vị quan nào có khả năng làm cho Công chúa hài lòng được. Khi ấy, các quan cùng dân chúng bàn bạc với nhau rằng:

- “Nếu điều thứ nhất này không có vị nào có khả năng làm cho Công chúa Sīvalidevī hài lòng, thì tiếp đến điều thứ nhì là:

 

Điều thứ nhì:

- “Người có khả năng biết được đầu nằm của long sàng hình vuông”.

Điều thứ nhì này, cũng không có vị nào có khả năng biết đúng được đầu nằm của long sàng hình vuông, thì tiếp đến điều thứ ba là:

 

Điều thứ ba:

- “Người nào có sức mạnh phi thường nhấc nổi cây cung 1.000 người khiêng”

Điều thứ ba này, cũng không có một vị nào có khả năng nhấc nổi cây cung 1.000 người khiêng, thì tiếp đến các điều khác là:

 

16 hầm báu:

- “Người nào có khả năng biết rõ chỗ 16 hầm báu lớn, rồi đem về đủ nộp vào kho triều đình”.

Điều này cũng không có một vị nào biết được chỗ 16 hầm báu lớn, dù chỉ là một hầm cũng không được. Các quan lại bàn bạc với nhau rằng:

- “Triều đình của chúng ta không thể không có một Đức Vua. Vậy, bây giờ chúng ta phải làm sao”?

Khi ấy, vị quan lớn Purohita phát biểu ý kiến rằng:

- Xin quý vị chớ nên lo lắng quá! Chúng ta nên sử dụng c long xa Phussa đi tìm người có đủ tài đức vẹn toàn, để lên ngôi vua trị vì đất nước.

Nghe lời phát biểu của vị quan lớn Purohita, tất cả các quan cùng dân chúng đều đồng tâm nhất trí. Các quan cho người trang hoàng c long xa Phussa lộng lẫy có bốn con ngựa báu, trên xe đặt năm thứ báu vật để phong vương, hoàng cung trang hoàng đẹp đẽ, trong kinh thành cũng trang hoàng đẹp đẽ. Mọi người đều đã chuẩn bị xong, vị quan lớn Purohita làm lễ phát nguyện rằng: “Xin cho c long xa Phussa này ngừng ngay chỗ người nào đại phước có tài đức vẹn toàn thì sẽ làm lễ đăng  quang suy tôn người ấy lên ngôi vua, rồi thỉnh ngự lên c long xa Phussa này hồi cung”.

Sau khi vị quan lớn Purohita phát nguyện xong, liền ra lệnh cho cỗ long xa Phussa dẫn đầu khởi hành, theo sau có đội nhạc triều đình trỗi lên, các đội binh chỉnh tề đi theo hộ tống.

Cỗ long xa Phussa dừng lại cung kính cung điện, rồi phi nhanh ra, các quan trong triều như Thừa tướng đều hy vọng cỗ long xa Phussa sẽ dừng trước tư dinh của mình, nhưng cỗ long xa vượt qua các tư dinh của các quan, đi ra cửa hướng đông kinh thành, thẳng đến vườn thượng uyển, vào vườn xoài, đi vòng quanh tấm đá an lành (maṅgalasilāpaṭṭa) tỏ vẻ cung kính, rồi đứng lại nghiêm trang, bởi vì trên tấm đá an lành ấy có Đức Bồ tát Thái tử Mahājanaka đang nằm ngủ say.

Nhìn thấy Đức Bồ tát Thái tử đang nằm ngủ trên tấm đá an lành ấy, vị quan lớn Purohita thưa với các quan rằng:  

- Nếu người đang nằm ngủ trên tấm đá an lành ấy là bậc đại phước có tài đức vẹn toàn xứng đáng lên ngôi vua thì sẽ không ngồi dậy.

Nếu người ấy là kẻ hèn thì thức dậy phát sinh tâm kinh sợ, hốt hoảng, thức giấc ngồi dậy chạy trốn.

Vậy, các ngươi hãy trỗi các loại nhạc lên vang rền khắp vùng không gian này!

Nghe tiếng nhạc, Đức Bồ tát Thái tử Mahājanaka tỉnh giấc, mở mắt nhìn thấy cỗ long xa Phussa đứng trang nghiêm, các quan nghiêm chỉnh, đằng sau có các đội binh các loại nhạc triều đình vẫn trỗi lên. Ngài suy nghĩ: “Ngai vàng Đức Vua đã đến với ta rồi!” Suy nghĩ xong, Ngài vẫn nằm yên. Vị quan lớn Purohita nhìn đôi bàn chân của Ngài, xem tướng của Ngài rồi tuyên bố rằng:

- Người này là bậc đại phước có tài đức vẹn toàn, có khả năng làm vua không chỉ trị vì một châu này mà còn có khả năng trị vì bốn châu thiên hạ, có bốn biển làm ranh giới.

Vị quan lớn Purohita ra lệnh trỗi nhạc lớn hơn nữa, khi ấy, Đức Bồ Tát Thái tử Mahājanaka mở mắt nhìn xung quanh. Vị quan lớn ra lệnh các quan, dân chúng tránh ra xa, ông cung kính chắp hai tay tâu rằng:

- Muôn tâu bậc Đại phước, kính thỉnh Ngài ngồi dậy. Kính thỉnh Ngài lên ngôi vua, ngự tại kinh thành Mithilā, trị vì đất nước Videha.

Khi ấy, Đức Bồ Tát vẫn nằm, truyền hỏi vị quan lớn Purohita rằng:

- Này các ngươi! Đức Vua của các ngươi không có hay sao?

- Muôn tâu bậc Đại phước, Đức Vua chúng thần đã băng hà rồi!

- Này các ngươi! Đức Phó vương hoặc vị Thái tử của Đức Vua các ngươi không có hay sao?

- Muôn tâu bậc Đại phước, Đức Vua của chúng thần không có Đức Phó vương cũng không có Thái tử nối ngôi, chỉ có một Công chúa mà thôi.

Nghe vị quan lớn Purohita tâu trình như vậy, Đức Bồ Tát Thái tử Mahājanaka truyền bảo rằng:

- Này các ngươi! Ta chấp thuận lời thỉnh cầu của các ngươi, lên ngôi vua.

Truyền bảo xong, Đức Bồ Tát Thái tử Mahājanaka

ngồi dậy. Tại tấm đá an lành ấy, các quan đem nước uống, nước dùng vào kính dâng lên Ngài.

Sau khi Ngài làm vệ sinh thân thể xong, các quan đem bộ Vương phục và 5 thứ báu vật suy tôn vương (cái mũ miện báu, thanh kiếm báu, cây gậy báu, quạt báu và đôi hia báu) đến kính dâng lên Ngài. Ngài mặc bộ Vương phục, đội mũ, mang gươm báu v.v…

Tại tấm đá an lành ấy, các quan làm lễ đăng quang suy tôn Ngài lên ngôi vua. Đức Vua có tên gọi là Mahājanaka, rồi cung thỉnh Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka ngự lên cổ long xa Phussa dẫn đầu hồi cung, theo sau là đoàn nhạc triều đình, các bộ binh hộ giá trở về kinh thành Mithilā.

Khi đến kinh thành Mithilā, Đức Vua Mahājanaka ngự xuống cỗ long xa Phussaka, rồi ngự vào cung điện. Công chúa Sīvalidevī truyền lệnh vị quan đến chầu Đức Vua tâu rằng:

- Tâu Đại Vương, Công chúa Sīvalidevī thỉnh Đại Vương ngự đến lâu đài gặp công chúa.

Dù nghe lời tâu của vị quan ấy như vậy, Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka không quan tâm vẫn ngự đi xem các lâu đài, cung điện một cách tự nhiên, như con sư tử chúa, bởi Ngài là bậc đại thiện trí. Vị quan ấy không thể làm cho Ngài quan tâm đến lời tâu của mình, nên trở về tâu với công chúa rằng:

- Muôn tâu Công chúa, kẻ hạ thần đã cố gắng tâu lời truyền của Công chúa, nhưng Đức Vua vẫn ngự đi xem các lâu đài, cung điện một cách tự nhiên, không hề quan tâm đến lời tâu của hạ thần.

Nghe lời tâu của vị quan, Công chúa Sīvalidevī nghĩ: “Đức Vua này là bậc đại nhân, bậc đại thiện trí”.

Tuy nhận xét biết như vậy, nhưng Công chúa vẫn truyền bảo vị quan ấy đến chầu Đức Vua Mahājanaka lần thứ nhì, lần thứ ba tâu như các lần trước. Cũng như những lần trước, Ngài vẫn ngự đi tự nhiên, không hề quan tâm đến lời tâu của vị quan ấy. Vào cung điện, Ngài ngự lên ngồi trên ngai vàng, các quan đứng chầu ở phía dưới.

Khi ấy, do oai lực của Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka, công chúa Sīvalidevī ngự đến làm lễ tôn kính Đức Vua, rồi kính dâng hatthālampaka (chiếc vòng đeo tay của công chúa) lên Ngài. Ngài nhận chiếc vòng ấy của công chúa Sīvalidevī. Ngự trên ngai vàng dưới chiếc lọng trắng, Đức Vua  truyền bảo các quan rằng:

- Này các khanh, trước khi Đức Vua Polajanaka của các khanh băng hà có truyền bảo điều gì phải không?

Vị quan lớn trong triều tâu trình các điều mà Đức Vua Polajanaka truyền lại trước khi băng hà rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, Đức Vua Polajanaka của chúng thần trước khi băng hà có truyền lại rằng: “Người nào có khả năng làm cho công chúa Sīvalidevī hài lòng, thì các khanh hãy suy tôn người ấy lên làm vua”.

Đức Vua Bồ Tát truyền rằng:

- Công chúa Sīvalidevī đã ngự đến chầu Trẫm và đã dâng báu vật Hatthālampaka (chiếc vòng đeo tay của Công chúa). Như vậy, Trẫm đã làm cho công chúa Sīvalidevī hài lòng rồi.

Các khanh hãy tâu điều khác.

- Muôn tâu Bệ hạ, Đức Vua Polajanaka truyền lại rằng: “Người nào có khả năng biết được đầu nằm của long sàng hình vuông, thì các khanh hãy suy tôn người ấy lên ngôi vua”.

Nghe vị quan tâu xong, Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka nghĩ: “Điều này ta nên dùng kế để biết”. Ngài rút chiếc trâm vàng trên đầu truyền bảo Công chúa Sīvalidevī đến, trao chiếc trâm vàng ấy tận tay của Công chúa, rồi truyền bảo Công chúa đặt lên trên long sàng hình vuông.

Tuân lệnh Đức Vua Bồ Tát, Công chúa Sīvalidevī cung kính đặt chiếc trâm vàng ấy lên trên đầu nằm của long sàng hình vuông. Sau khi đã biết rõ đầu nằm của long sàng, nên Ngài đưa tay phải ra chỉ bằng ngón trỏ về phía đầu nằm của long sàng. Rồi truyền bảo:

- Các khanh hãy tâu điều khác.

- Muôn tâu Bệ hạ, Đức Vua Polajanaka truyền lại rằng: “Người nào có sức mạnh phi thường có khả năng nhấc nổi cây cung có sức nặng 1.000 người khiêng, thì các khanh hãy suy tôn người ấy lên ngôi vua”.

Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka truyền lệnh các quân lính khiêng cây cung ấy ra. Từ trên ngai vàng Ngài ngự xuống đến chiếc cung ấy, Đức Vua Bồ Tát đứng tư thế vững vàng, tay phải nhấc bổng cây cung có sức nặng 1.000 người khiêng một cách dễ dàng. Ngài truyền bảo tiếp:

- Các khanh hãy tâu điều khác.

- Muôn tâu Bệ hạ, Đức Vua Polajanaka truyền lại rằng: “Người nào có khả năng biết rõ chỗ 16 hầm báu lớn, rồi đem về đủ nộp vào kho của triều đình thì các khanh hãy suy tôn người ấy lên ngôi vua”.

Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka truyền hỏi rằng:

- Đức Vua Polajanaka có truyền mật hiệu của mỗi hầm báu lớn cho các khanh hay không?

- Muôn tâu Bệ hạ, Đức Vua Polajanaka có truyền cho

biết mật hiệu của mỗi của báu lớn cho chúng thần như sau:

1- Hầm báu lớn ở chỗ mặt trời mọc.

2- Hầm báu lớn ở chỗ mặt trời lặn.

3- Hầm báu lớn ở bên trong.

4- Hầm báu lớn ở bên ngoài.

5- Hầm báu lớn không phải ở bên trong lẫn bên ngoài.

6- Hầm báu lớn ở chỗ chân bước lên.

7- Hầm báu lớn ở chỗ chân bước xuống.

8…11- 4 hầm báu lớn ở 4 đại cội Sālā (mahāsālā).

12- Hầm báu lớn ở chỗ xung quanh do tuần.

13- Hầm báu lớn ở giữa hai ngà của con voi báu.

14- Hầm báu lớn ở chỗ đuôi của con voi báu.

15- Hầm báu lớn ở chỗ dưới nước.

16- Hầm báu lớn ở chỗ đầu ngọn cây.

 

Nghe những lời tâu của các vị quan, Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka biết rõ thấy rõ mỗi hầm báu lớn ấy liên quan đến mỗi mật hiệu, như nhìn thấy rõ vầng trăng trên hư không trong sáng. Khi ấy, Ngài truyền bảo rằng:

- Hôm nay, Trẫm bãi triều, ngày mai Trẫm sẽ chỉ đủ 16 hầm báu lớn ấy.

Ngày hôm sau, các quan văn võ hội triều đầy đủ, Đức Vua Mahājanaka ngự trên ngai vàng có lọng trắng truyền bảo rằng:

- Này các khanh! Đức Vua của các khanh có thỉnh Đức Phật Độc Giác đến cung điện làm phước bố thí cúng dường vật thực hay không?

- Muôn tâu Bệ hạ, Đức Vua Polajanaka của chúng thần thường thỉnh Đức Phật Độc Giác đến cung điện làm phước bố thí, cúng dường vật thực. Tâu Bệ hạ.

Đức Vua Bồ Tát suy nghĩ: “Mặt trời ở đây không có nghĩa là mặt trời trên hư không, mà chính là Đức Phật Độc Giác”. Vậy, hầm báu lớn ở tại chỗ đón rước Đức Phật Độc Giác và chỗ đưa tiễn Đức Phật Độc Giác.

 

1. Hầm báu lớn ở chỗ mặt trời mọc.

Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka truyền hỏi rằng:

- Này các khanh! Khi Đức Phật Độc Giác ngự đến cung điện, Đức Vua Polajanaka ngự ra đón rước Đức Phật Độc Giác tại chỗ nào?

Nghe các quan tâu chỗ đứng đón rước Đức Phật Độc Giác, Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka truyền lệnh đào ngay chỗ ấy. Quả nhiên, khi đào ngay tại chỗ ấy thì gặp hầm báu lớn thứ nhất.

Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho triều đình. Các quan cùng dân chúng đều tán dương ca tụng Ngài có trí tuệ siêu việt.

 

2. Hầm báu lớn ở chỗ mặt trời lặn.

Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka truyền hỏi rằng:

- Này các khanh! Khi Đức Phật Độc Giác ngự trở về, Đức Vua Polajanaka đứng đưa tiễn Đức Phật Độc Giác tại chỗ nào?

Nghe các quan tâu chỗ đứng tiễn đưa Đức Phật Độc Giác, Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka truyền lệnh cho đào ngay chỗ ấy. Quả nhiên, khi đào ngay chỗ ấy thì gặp hầm báu lớn thứ 2.

Đức Vua Bồ Tát truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.

 

3. Hầm báu lớn ở bên trong.

Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka truyền lệnh đào ngay bên trong cửa chính vào cung điện. Quả nhiên, khi đào ngay chỗ ấy thì gặp hầm báu lớn thứ 3.

Đức Vua Bồ Tát truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.

 

4. Hầm báu lớn ở bên ngoài.

Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka truyền lệnh đào ngay bên ngoài cửa chính vào cung điện. Quả nhiên, khi đào ngay chỗ ấy thì gặp hầm báu lớn thứ 4.  

Đức Vua Bồ Tát truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.


7. Hầm báu lớn ở chỗ chân bước xuống.

Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka truyền lệnh đào ngay chỗ Đức Vua Polajanaka bước xuống con voi báu. Quả nhiên, khi đào ngay chỗ ấy thì gặp hầm báu lớn thứ 7.

 Đức Vua Bồ Tát truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.

 

8-9-10-11. Bốn hầm báu lớn ở 4 đại cội sālā.

Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka truyền lệnh đào ngay bốn chỗ dưới đất từ bốn chân long sàng thẳng xuống đất. Quả nhiên, khi đào ngay chỗ ấy thì gặp hầm báu lớn thứ 8-9-10-11.

Đức Vua Bồ Tát truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.

 

12. Hầm báu lớn ở chỗ xunng quanh do tuần.

Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka truyền lệnh đào dưới đất xung quanh khoảng cách bằng cái ách con bò từ long sàng thẳng xuống đất. Quả nhiên, khi đào ngay chỗ ấy thì gặp hầm báu lớn thứ 12.  

Đức Vua Bồ Tát truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.

 

13. Hầm báu lớn ở giữa hai ngà của con voi báu.

Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka truyền lệnh đào ngay giữa hai ngà của con voi báu đứng. Quả nhiên, khi đào ngay chỗ ấy thì gặp hầm báu lớn thứ 13. Ngài truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.

 

14. Hầm báu lớn ở chỗ đuôi của con voi báu.

Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka truyền lệnh đào ngay chỗ đuôi của con voi báu đứng. Quả nhiên, khi đào ngay chỗ ấy thì gặp hầm báu lớn thứ 14.

Đức Vua Bồ Tát truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.

 

15. Hầm báu lớn ở dưới nước.

Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka truyền lệnh đào xuống chỗ hồ nước lớn trước hoàng cung. Quả nhiên, khi đào  

ngay chỗ ấy thì gặp hầm báu lớn thứ 15.

Đức Vua Bồ Tát truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.

 

16. Hầm báu lớn ở đầu ngọn cây.

Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka truyền lệnh đào ngay chỗ đỉnh bóng cây sālā trong vườn thượng uyển. Quả nhiên, khi đào ngay chỗ ấy thì gặp hầm báu lớn thứ 16.

Đức Vua Bồ Tát truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.

Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka đã chỉ đúng chỗ 16 hầm báu lớn, rồi đào lấy đem nộp vào kho triều đình đầy đủ. Các quan cùng dân chúng ca tụng rằng:

- Thật phi thường chưa từng có! Đức Vua Mahājanaka là bậc đại thiện trí có trí tuệ siêu việt xuất chúng.

Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka nghĩ: “Ta sẽ làm phước bố thí”. Nên Ngài truyền lệnh xây dựng 6 trại bố thí; 1 trại trước cung điện, 4 trại ở bốn cửa thành và 1 trại giữa kinh thành Mithilā.

Đức Vua Bồ Tát truyền lệnh cho các quan đi đến thành phố Kālacampā, thỉnh mời Mẫu hậu cùng ông bà giáo sư Bà-la-môn Udicca đến kinh thành Mithilā để phụng dưỡng báo ân.

 

Lễ Mừng Lên Ngôi Báu Và Thành Hôn

 

Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka truyền lệnh tổ chức đại lễ mừng lên ngôi báu và thành hôn với Công chúa Sīvalidevī, rồi tấn phong Công chúa lên ngôi Chánh cung Hoàng hậu

Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka lên ngôi vua, ngự tại kinh thành Mithilā trị vì đất nước Videharaṭṭha, thần dân thiên hạ được sống an lạc trong cảnh thanh bình thịnh vượng.

Trong đất nước Videharaṭṭha, thần dân thiên hạ biết Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka vốn là Thái tử của Đức Vua Ariṭṭhajanaka, là Đức Vua đại phước, đại thiện trí không một ai sánh được, nên dân chúng trong kinh thành Mithilā, ngoại thành và các tỉnh thành, các làng mạc đủ các thành phần giai cấp khắp mọi nơi trong nước mang các phẩm vật quý giá đến yết kiến Đức Vua, kính dâng các phẩm vật của xứ sở của họ lên Đức Vua.

Cho nên, Đức Vua có nhiều của cải lớn lao. Đức Vua   ngự trên ngai vàng dưới chiếc lọng trắng cao quý, như Đức Vua trời Sakka trên cõi Tam thập tam thiên.

Đức Vua hồi tưởng lại cảnh chìm thuyền ở giữa đại dương:“Pháp tinh tấn là pháp hạnh Ba-la-mật nên hành, nếu ta không có sự cố gắng tinh tấn bơi lội suốt 7 ngày đêm trong đại dương thì ngày nay, làm sao mà ta được ngự trên ngai vàng, được hưởng mọi sự an lạc như thế này!

Sở dĩ ngày hôm nay ta được ngự trên ngai vàng, được hưởng mọi sự an lạc là nhờ pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật ấy”.

Hồi tưởng như vậy, Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka phát sinh thiện tâm hoan hỷ mới tự thuyết những bài kệ có ý nghĩa rằng:

 “Người là bậc thiện trí nên có niềm tin và hy vọng, có sự tinh tấn trong công việc của mình, không nên lười biếng, không nên chán nản. Ta đã thấy điều mong muốn được lên ngôi vua đã thành tựu đối với ta.

Người là bậc thiện trí nên có niềm tin và hy vọng,

sự tinh tấn trong công việc của mình, không nên lười biếng, không nên chán nản. Ta đã thấy sự tinh tấn bơi lội suốt 7 ngày đêm giữa đại dương, rồi ta được vớt lên đặt nằm trên tảng đá an lành trong vườn thượng uyển.

Người là bậc thiện trí nên có sự tinh tấn không ngừng trong công việc của mình, không nên lười biếng, không nên chán nản. Ta đã thấy điều mong muốn được lên ngôi vua đã thành tựu đối với ta.

Người là bậc thiện trí nên có sự tinh tấn không ngừng trong công việc của mình, không nên lười biếng, không nên chán nản. Ta đã thấy sự tinh tấn bơi lội suốt 7 ngày đêm giữa đại dương, rồi ta được vớt lên đặt nằm trên tảng đá an lành trong vườn thượng uyển.

Người có trí tuệ dù gặp hoàn cảnh khổ cùng cực vẫn có sự tinh tấn không ngừng, có niềm tin và hy vọng, rồi sẽ được sự an lạc.

Phần đông mọi người, khi sống trong cảnh an lạc thì mới có sự tinh tấn tạo được những điều lợi ích cho mình, nhưng khi gặp hoàn cảnh khổ cùng cực thì thoái chí nản lòng, không có tinh tấn thực hành đem lại điều lợi ích cho mình. Bởi vì, những người ấy không biết suy xét kỹ.

Thật ra, dù sống trong cảnh an lạc, hoặc gặp hoàn cảnh khổ cùng cực cũng đều có thể tinh tấn thực hành đem lại những điều lợi ích cho mình được.

Những người ấy không chịu khó suy nghĩ điều ấy, nên sự chết đến với họ. Do đó, pháp tinh tấn không ngừng là pháp hạnh nên thực hành.

 Ta lên ngôi vua mà không cần phải chiến đấu, tranh giành. Đó là điều mà ta không nghĩ, lại xảy đến với ta. Còn điều ta nghĩ phải chiến đấu để giành lại ngôi vua cha, thì điều đó không xảy ra đối với ta.

Những thứ của cải tài sản của người đàn ông hoặc người đàn bà được thành tựu không phải do suy nghĩ suông, mà thật ra, những thứ của cải tài sản ấy được thành tựu do sự tinh tấn không ngừng trong công việc của mình. Cho nên, sự tinh tấn không ngừng là pháp hạnh cần phải thực hành.

Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka trị vì đất nước Videha bằng 10 pháp vương (10 pháp hành của Đức Vua), thường hộ độ cúng dường đến chư Phật Độc Giác.

Về sau, Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī sinh hạ được Thái tử, đặt tên là Dīghāvu. Khi Thái tử Dīghāvu trưởng thành, Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka tấn phong Thái tử làm Đức Phó vương.

Đức Vua Bồ Tát trị vì đất nước Videha được 7.000 năm, thần dân thiên hạ trong nước đều sống trong cảnh thanh bình, thịnh vượng.

Một hôm, người trông nom vườn thượng uyển đem những quả xoài có vị ngon ngọt thơm tho, những đoá hoa xinh đẹp đến kính dâng lên Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka.

Nhìn thấy những phẩm vật ấy, Ngài tán dương ca tụng người trông nom vườn thượng uyển, rồi truyền bảo rằng:

- Này ngươi! Trẫm muốn du lãm vườn thượng uyển. Vậy, ngươi nên trang hoàng vườn thượng uyển.

Tuân theo lệnh của Đức Vua Bồ Tát, sau khi trang hoàng vườn thượng uyển xong, người trông nom vườn thượng uyển đến chầu Ngài, rồi tâu thỉnh Ngài ngự đi du lãm vườn thượng uyển.

 

Bài Học Về 2 Cây Xoài

 

Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka cưỡi trên lưng con voi báu ngự đến vườn thượng uyển cùng với đoàn hộ giá đông đảo. Khi ngự đến cổng vườn thượng uyển, Ngài nhìn thấy 2 cây xoài gần cổng:

 

* Một cây xoài không có quả xanh tươi.

* Một cây xoài có quả chín trĩu các cành.

 

Đức Vua Bồ Tát ngự trên lưng con voi báu, đưa tay hái một quả xoài chín dùng thử, quả xoài có hương vị thơm tho ngon ngọt như hương vị trời. Ngài nghĩ: “Khi hồi cung ngự trở về, ta sẽ dùng thêm đôi quả xoài ấy nữa”. Đức Bồ Tát tiếp tục ngự vào vườn thượng uyển để du lãm cảnh vật những hoa quả trong vườn.

Nhìn thấy Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka đã hái quả xoài dùng trước rồi, phái đoàn hộ giá mới dám hái những quả xoài để dùng. Khi miếng xoài chạm vào lưỡi, họ thưởng thức được hương vị thơm tho ngon ngọt lạ thường, nên để hái những quả xoài chín ở trên các cành cây cao, họ đã chặt những cành cây ấy, làm cho cây xoài có quả ấy trụi các cành, đứng trơ trọi. Còn cây xoài không có quả vẫn xanh tươi tự nhiên.

Sau khi du lãm vườn thượng uyển xong, khi Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka hồi cung, ngự ra cổng vườn thượng uyển, Ngài nhìn thấy cây xoài vừa mới đây có quả chín trĩu các cành, nay nó bị chặt các cành, đứng trơ trụi, nên Ngài bèn truyền hỏi các quan rằng:

- Này các khanh! Vừa mới đây cây xoài này có quả chín trĩu các cành, sao nay như thế này?

Các quan tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, sau khi Bệ hạ đã dùng quả xoài chín xong, những người trong đoàn hộ giá, mỗi người đều hái quả xoài chín để ăn, quả xoài có hương vị thơm tho ngon ngọt lạ thường, nên ai cũng muốn thưởng thức hương vị ấy. Để hái những quả xoài chín ở trên các cành cây cao, họ đã chặt những cành cây ấy, cho nên, làm cho cây xoài có quả ấy trụi các cành, đứng trơ trọi như vậy. Tâu Bệ hạ.

Nghe các quan tâu như vậy, Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka truyền hỏi rằng:

- Này các khanh! Tại sao cây xoài này có quả thì lại bị chặt trụi các cành, đứng trơ trọi, còn cây xoài kia không có quả vẫn xanh tươi như thường?

- Muôn tâu Bệ hạ, bởi vì, cây xoài này có quả chín trĩu các cành, quả xoài chín có hương vị thơm tho ngon ngọt lạ thường, nên ai cũng muốn thưởng thức hương vị của quả xoài ấy. Do đó, nó bị chặt trụi các cành cây, để hái quả chín. Còn cây xoài kia không có quả, thì không ai quan tâm đến nó. Do đó, cây xoài kia vẫn được xanh tươi tự nhiên. Tâu Bệ hạ.

 

Đức Bồ Tát Phát Sinh Động Tâm

 

Nghe các quan tâu như vậy, Đức Vua Bồ Tát phát sinh động tâm, nên suy nghĩ:

* Một cây xoài này có quả chín trĩu các cành, quả xoài chín có hương vị thơm tho ngon ngọt, nên nó bị chặt trụi các cành, để hái quả ấy.

* Một cây xoài kia không có quả, thì không ai quan tâm đến nó, nên nó vẫn xanh tươi như thường.

Cũng như vậy, nếu ta ngự trên ngai vàng có đầy đủ mọi sự an lạc thì cũng giống như cây xoài này có quả chín thơm tho ngon ngọt. Nhưng nếu ta từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo sĩ, sống trong rừng thì cũng giống như cây xoài không có quả kia.

Sự tai hại thường xảy đến đối với người có nhiều của cải tài sản lớn, sự tai hại ít xảy đến đối với người không có của cải tài sản.

Vậy, ta nên là người không giống như cây xoài có quả chín thơm tho ngon ngọt này, mà ta nên là người giống như cây xoài không có quả kia.

Khi ấy, Đức Bồ Tát Mahājanaka phát nguyện:

- “Ta nguyện chắc chắn sẽ từ bỏ ngôi vua, đi xuất gia trở thành đạo sĩ”.

Sau khi hồi cung, Đức Vua Bồ Tát một mình đi thẳng lên lâu đài, cho truyền gọi vị Thừa tướng đến rồi truyền lệnh rằng:

- Này khanh! Bắt đầu từ hôm nay, Trẫm chỉ cho phép một người đem vật thực, đồ dùng đến hầu Trẫm mà thôi. Ngoài ra, Trẫm không cho phép một ai đến quấy rầy sự yên tĩnh của Trẫm cả. Mọi công việc triều đình, các quan tự điều hành, còn Trẫm ở một mình trên lâu đài này, thực hành theo pháp hạnh của Sa-môn.

Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka thực hành pháp hạnh của Sa-môn ở trên lâu đài suốt 4 tháng, Ngài cảm thấy bị giam hãm trong lâu đài như ở trong địa ngục. Ngài nhận thức thấy rõ: “Tất cả chúng sinh trong trong tam giới này bị giam hãm, bị thiêu, bị đốt”. Cho nên, Ngài hướng tâm đến sự xuất gia trở thành đạo sĩ, nên Ngài tự hỏi: “Khi nào ta mới được từ bỏ kinh thành Mithilā to lớn này, đi vào rừng núi Himavanta, để xuất gia trở thành đạo sĩ đây?”

 

Thời Đại Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka

 

Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka sinh ra trong thời đại con người có tuổi thọ khoảng 10.000 năm, Ngài đã lên ngôi báu làm vua được 7.000 năm. Sau khi Ngài chứng kiến về 2 cây xoài trước cổng vào vườn thượng uyển:

* Một cây xoài có nhiều quả chín ngon ngọt thơm tho, thì bị chặt trụi các cành, để hái quả xoài chín ấy.

* Một cây xoài không có quả thì vẫn xanh tươi như thường.

Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka suy ngẫm thấy rõ: “Đời sống Đế Vương dễ phát sinh nhiều điều phiền não, dễ bị tai hại. Còn đời sống của bậc xuất gia khó phát sinh phiền não, được an toàn”. Cho nên, Đức Vua Bồ Tát quyết định từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo sĩ. Ngài truyền bảo vị quan hầu cận thân tín rằng:

- Này khanh! Khanh hãy đi tìm cho Trẫm một bộ y màu lõi mít và một cái bát đất, tuyệt đối giữ kín, không được cho ai biết cả.

Tuân theo lệnh của Đức Vua, vị quan hầu đi tìm bộ y và một cái bát đất, đem về dâng lên Ngài. Đức Vua truyền lệnh cho gọi người thợ cắt tóc đến, Ngài truyền bảo người thợ, cắt tóc và cạo râu sạch sẽ xong, Ngài ban thưởng cho người thợ cắt tóc xóm làng để lấy thuế nuôi mạng. Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka cởi bộ triều phục và những đồ trang sức ra, mặc bộ y màu lõi mít, mang cái bát đất đi lại trên lâu đài, Ngài cảm thấy hoan hỷ thốt lên rằng:

- Ô! Đời sống của bậc xuất gia thật là an lạc quá! Thật là thanh cao quá!

Đức Vua Bồ Tát đạo sĩ ngự tại lâu đài suốt ngày hôm ấy. Sáng ngày hôm sau, Chánh cung Hoàng hậu Sīvali-devī truyền bảo 700 cung phi mỹ nữ rằng:

- Này các em yêu quý! Suốt 4 tháng qua, chúng ta chưa đến chầu Hoàng thượng. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau đến chầu Hoàng thượng. Vậy, các em hãy trang điểm cho đẹp duyên dáng đáng yêu, để làm cho Hoàng thượng hài lòng.

Khi Đức Bồ Tát đạo sĩ Mahājanaka ngự từ trên lâu đài đang đi xuống, thì cũng là lúc Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī trang điểm đẹp đẽ lộng lẫy như thiên nữ, dẫn đầu 700 cung phi mỹ nữ ngự lên lâu đài, gặp Đức Bồ Tát  trong hình tướng đạo sĩ với bộ y phục màu lõi mít ôm bát đất ngự từ trên lâu đài đi xuống, không nhận ra Đức Vua, Bà tưởng lầm là Đức Phật Độc Giác ngự đến khất thực trở về.

Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī cùng 700 cung phi mỹ nữ đảnh lễ Ngài rồi tiếp tục ngự bước lên lâu đài.

Khi đến nơi, Bà không thấy Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka, mà chỉ thấy bộ triều phục và các đồ trang sức của Đức Vua để trên long sàng, và nhìn thấy tóc râu của Đức Vua  ở một nơi, Bà biết ngay và nói rằng:

- Bậc xuất gia mà chúng ta gặp từ trên lâu đài ngự đi xuống không phải là Đức Phật Độc Giác như chúng ta tưởng lầm. Sự thật, bậc xuất gia ấy chính là Hoàng thượng của chúng ta.

Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī cùng 700 cung phi mỹ nữ vội vàng ngự xuống lâu đài, đi theo Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka thì bắt kịp Đức Bồ Tát đạo sĩ tại trước cửa hoàng cung. Bà xõa tóc trước trán, chắp hai tay đặt sát mặt đất lạy Đức Vua, khóc than khẩn khoản kính thỉnh Đức Vua hồi cung.

Không quan tâm đến lời tha thiết khẩn khoản cầu xin của Chánh cung Hoàng hậu, Đức Bồ Tát đạo sĩ vẫn ngự đi một cách tự nhiên. Ngài ngự đi trước, còn Chánh cung Hoàng hậu cùng 700 cung phi mỹ nữ ngự theo sau.

Dân chúng trong kinh thành Mithilā biết tin Đức Vua Mahājanaka từ bỏ ngôi vua đi xuất gia, họ đi theo sau

khóc than rằng:

- Đức Vua của chúng ta là bậc minh quân đức độ, nay đã từ bỏ chúng ta đi xuất gia rồi!

Dân chúng cùng kéo nhau đi theo sau Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī cùng 700 cung phi mỹ nữ, tất cả đều đi theo sau Đức Bồ Tát Đạo sĩ.

Khi ấy, Chánh cung Hoàng hậu truyền lệnh các quan cận thần rằng:

- Này các khanh! Các khanh trở về gom các xác nhà cũ, cỏ rác… đốt cháy trước cửa cung điện làm cho cột khói to bốc lên hư không cho ta.

Tuân lệnh của Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī, các quan đốt lửa thành cột khói to bốc lên hư không. Bà lạy tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng thượng, các kho vàng, kho ngọc, kho báu… của Hoàng thượng đều bị cháy. Kính thỉnh Hoàng thượng hồi cung, truyền lệnh các quan dập tắt lửa để bảo vệ của cải sản nghiệp của Hoàng thượng.

Đức Bồ Tát Đạo sĩ truyền bảo Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī rằng:

- Bần đạo không còn gì bị cháy cả.

Đức Bồ Tát Đạo sĩ tiếp tục ngự ra cửa thành hướng bắc, Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī cùng 700 cung phi mỹ nữ, dân chúng ngự đi theo. Bà Chánh cung Hoàng hậu bày ra nhiều mưu kế khác, nhưng cũng không thể nào làm cho Đức Bồ Tát Đạo sĩ hồi cung được. Ngài vẫn cứ tiếp tục ngự đi trước, mọi người vẫn theo sau mà Ngài cũng không thể nào ngăn cản, hoặc làm cho họ trở về cung điện, về nhà của họ được.

Đến đoạn đường, Đức Bồ Tát Đạo sĩ đứng lại, quay mặt về phía mọi người truyền hỏi các quan rằng:

- Này các khanh! Phần đất này thuộc về ai vậy?

Các quan tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, phần đất này thuộc về Bệ hạ.

Đức Vua dùng cây gậy gạch ngang phần đất rồi truyền lệnh rằng:

- Này các khanh! Phần đất này thuộc về Trẫm, nếu người nào vượt qua đường gạch ngang này, người ấy sẽ bị phạm tội.

Truyền lệnh xong, Đức Bồ Tát Đạo sĩ quay mặt về phía trước tiếp tục ngự đi. Do oai lực của Ngài, nên Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī cùng 700 cung phi mỹ nữ, đoàn dân chúng không có một ai dám vượt qua đường vạch ngang trên mặt đất ấy. Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī khóc than nằm lăn xuống mặt đất, ngước nhìn theo Đức Bồ Tát Đạo sĩ ngự đi phía trước, làm cho con đường vạch ngang trên mặt đất bị xoá mất đi, không còn thấy đường vạch ngang trên mặt đất nữa. Thế là Bà cùng các cung nữ, và dân chúng lại tiếp tục đi theo Đức Bồ Tát Đạo sĩ.

 

Đạo Sĩ Nārada

 

Khi ấy, vị đạo sĩ Nārada nhập thiền hưởng sự an lạc suốt 7 ngày tại động Suvaṇṇagūhā trong rừng núi Himavanta. Sau khi xả thiền rồi tự thốt lên rằng:

- Ô! thiền định thật là an lạc!

- Sự an lạc trong thiền định thật là thanh cao!

Với nhãn thông, Vị đạo sĩ Nārada xem xét chúng sinh trong cõi nam thiện bội châu, có ai mong ước sự an lạc thanh cao ấy hay không? Nhìn thấy Đức Bồ Tát Đạo sĩ Mahājanaka có mầm mống sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác trong thời vị lai, nên vị đạo sĩ Nārada nghĩ: “Đức Vua Bồ Tát đã từ bỏ ngai vàng, đi xuất gia trở thành đạo sĩ, thế mà Ngài không ngăn cản được Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī cùng 700 cung phi mỹ nữ, dân chúng đi theo sau, làm trở ngại việc hành đạo của Ngài. Ta nên hiện đến đàm đạo với Ngài”.

 Sau khi nghĩ xong, vị đạo sĩ Nārada bay trên hư không đáp xuống đứng trước Đức Bồ Tát Đạo sĩ Mahājanaka, rồi đàm đạo với Ngài. Sau khi được gần gũi thân cận đàm đạo với Đức Bồ Tát Đạo sĩ, Vị đạo sĩ Nārada vô cùng hoan hỷ cảm thấy đó là điều hạnh phúc cao thượng. Vị đạo sĩ Nārada xin phép từ giã trở về chỗ ở của mình.





[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024