• Nền Tảng Phật Giáo - Quyển VI

    PHÁP HẠNH BA-LA-MẬT

    (Tập 3)

  • Soạn giả: Hộ Pháp

 

Đạo Sĩ Migājina

 

Vị đạo sĩ Migājina nhập thiền hưởng sự an lạc trong rừng núi Himavanta, sau khi xả thiền rồi xem xét chúng sinh với nhãn thông, nhìn thấy Đức Bồ Tát Đạo sĩ Mahājanaka, nên nghĩ: “Ta sẽ hiện đến gần gũi thân cận đàm đạo với Đức Bồ Tát Đạo sĩ. Đó là cơ hội tốt của ta”.

Sau khi nghĩ xong, vị đạo sĩ Migājana bay trên hư không đáp xuống gần gũi thân cận với Đức Bồ Tát Đạo sĩ Mahājanaka, bèn thưa rằng:

- Kính thưa Đức Đạo sĩ,  Ngài nhận thức như thế nào mà từ bỏ ngai vàng điện ngọc, từ bỏ hoàng gia, từ bỏ đất nước thần dân thiên hạ, để đi xuất gia trở thành đạo sĩ sống đời khất thực bằng cái bát đất như vậy? Thưa Ngài.

Nghe vị đạo sĩ Migājina hỏi như vậy, Đức Bồ Tát Đạo sĩ Mahājanaka thưa rằng:

- Thưa đạo sĩ Migājina, tôi nhận thức thấy rõ cuộc đời của hạng phàm nhân tại gia thường bị ràng buộc bởi phiền não. Nếu hạng phàm nhân tại gia nào phát sinh phiền não trong đối tượng nào, thì tâm của hạng phàm nhân ấy bị ô nhiễm, bị ràng buộc bởi phiền não, bị sa lầy đắm chìm trong đối tượng ấy. Đó là điều mà tôi tư duy tự dạy mình rằng: “Nếu tôi phát sinh phiền não trong đối tượng nào thì tâm của tôi cũng bị ô nhiễm, bị ràng buộc bởi phiền não, bị sa lầy đắm chìm trong đối tượng ấy.

Vì vậy, tôi quyết tâm từ bỏ ngai vàng điện ngọc, từ bỏ tất cả, đi xuất gia trở thành đạo sĩ, hoan hỷ sống theo cách khất thực bằng cái bát đất này”.

Nghe Đức Bồ Tát Đạo sĩ Mahājanaka giải đáp với lời lẽ rất hay, sâu sắc, vị đạo sĩ Migājina muốn nghe Ngài thuyết pháp nên bạch rằng:  

- Kính bạch  Đức Đạo sĩ, lời dạy của Ngài thật là hay, vô cùng sâu sắc. Vậy, Ngài đã từng nghe lời giảng dạy từ bậc Sa-môn nào, mà Ngài chưa nói đến bậc Sa-môn ấy?

- Thưa đạo sĩ Migājina, thật ra, tôi là người rất kính trọng các bậc Sa-môn, nhưng điều mà tôi đã thưa với Ngài, là do chính tôi đã mục kích sự việc xảy ra, rồi tư duy tự dạy mình.

- Thưa đạo sĩ Migājina, tôi đang hưởng sự an lạc trên ngai vàng. Một hôm, tôi ngồi trên con voi báu, ngự đi du lãm vườn thượng uyển cùng với đoàn tuỳ tùng hộ giá đông đảo, có nhạc vang rền theo sau. Đến cổng vườn thượng uyển, tôi nhìn thấy 2 cây xoài: Một cây xoài có quả chín trĩu các cành và một cây xoài không có quả. Tôi ngự trên lưng con voi báu, đưa tay hái một quả xoài chín dùng thử, quả xoài có hương vị thơm tho ngon ngọt như hương vị trời. Tôi nghĩ: “Khi hồi cung ngự trở về, ta sẽ dùng thêm đôi quả xoài này nữa”.

 Tôi tiếp tục ngự đi vào vườn thượng uyển để du lãm cảnh vật những hoa quả trong vườn.

Nhìn thấy tôi đã hái quả xoài dùng trước rồi, phái đoàn tuỳ tùng hộ giá mới dám hái những quả xoài để dùng. Khi miếng xoài chạm vào lưỡi, họ thưởng thức được hương vị thơm tho ngon ngọt lạ thường. Muốn hái những quả xoài chín ở trên cành cây cao, họ đã chặt những cành cây, làm cho cây xoài có nhiều quả ấy trụi các cành, đứng trơ trọi.

Sau khi du lãm vườn thượng uyển xong, tôi hồi cung, ngự ra cổng, tôi nhìn thấy cây xoài có nhiều quả chín trĩu các cành vừa mới đây, nay trở thành cây xoài bị trụi các cành, đứng trơ trọi. Còn cây xoài không có quả vẫn xanh tươi tự nhiên.

Nhìn thấy 2 cây xoài như vậy, nên tôi suy xét: “Những kẻ thù muốn chiếm ngai vàng, họ có thể sát hại ta, như những người muốn ăn quả xoài chín ngon ngọt thơm tho, họ chặt trụi các cành cây, để hái quả xoài chín dùng”.

 Như vậy, một cây xoài có quả chín trĩu các cành, quả có hương vị thơm tho ngon ngọt và một cây xoài không có quả vẫn xanh tươi tự nhiên là vị thầy dạy dỗ tôi, giúp tôi có nhận thức đúng đắn về cuộc đời, nên tôi đã từ bỏ ngai vàng điện ngọc, từ bỏ tất cả, đi xuất gia trở thành đạo sĩ, hoan hỷ sống đời khất thực bằng cái bát đất này.

Sau khi nghe Đức Bồ Tát Đạo sĩ giải đáp xong, vị đạo sĩ Migājina rất hài lòng, vô cùng hoan hỷ lời dạy của Ngài, rồi xin phép trở về chỗ ở của mình.

 

Chuyện Miếng Thịt Nướng

 

Đức Bồ Tát Đạo sĩ Mahājanaka ngự vào thành Thūnanagara đi khất thực, khi ấy, tại cửa thành có người nướng miếng thịt vừa chín, người ấy đem miếng thịt chín còn đang nóng đặt một nơi chờ cho nguội để ăn, thì một con chó đánh mùi thịt nướng, đi đến ngậm miếng thịt ấy chạy ra ngoài cửa thành. Người ấy đuổi theo con chó mà không kịp nên quay trở lại.

Khi con chó đang ngậm cắm cúi chạy ra ngoài cửa thành thì gặp Đức Bồ Tát Đạo sĩ Mahājanaka từ ngoài ngự vào thành đi khất thực, nó hoảng sợ bỏ lại miếng thịt để chạy trốn.

Nhìn thấy miếng thịt chín mà con chó bỏ lại, không có chủ, Đức Bồ Tát đạo sĩ cúi xuống lượm miếng thịt nướng ấy, phủi bụi dơ, bỏ vào bát đất, đi đến chỗ có nước, ngồi suy xét về vật thực chỉ là tứ đại mà thôi, rồi Đức Bồ Tát Đạo sĩ dùng miếng thịt nướng ấy.

Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī theo dõi mọi hành vi cử chỉ của Đức Bồ Tát Đạo sĩ nên nghĩ: “Nếu khi Hoàng thượng còn ngự trên ngai vàng, thì chắc chắn Hoàng thượng không bao giờ dùng món thịt đã dính đất dơ bẩn, của con chó bỏ lại. Món thịt thật đáng nhờm gớm làm sao!” Nghĩ xong Bà tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng thượng, tại sao Hoàng thượng có thể dùng món thịt thật đáng nhờm gớm như vậy được?

- Này Sīvalidevī! Bà không thể nào biết được tính chất đặc biệt của món ăn khất thực này đâu!

- Muôn tâu Hoàng thượng, người ta thà chịu chết đói, chứ không dùng món thịt dính đất dơ bẩn. Còn Đại Vương lại có thể dùng món thịt dính đất dơ bẩn của con chó bỏ lại. Miếng thịt ấy thật đáng nhờm gớm biết dường nào!

- Này Sīvalidevī, miếng thịt nào của con chó hoặc của con người đã bị xả bỏ, vô chủ. Vậy, bần đạo có được miếng thịt ấy một cách hợp pháp. Món ăn nào mà người ta có được một cách hợp pháp thì chư bậc thiện trí dạy: “Người dùng món ăn ấy không có lỗi”.

Món ăn nào mà người ta có được một cách không hợp pháp, dù món ăn ấy có giá trị gấp trăm ngàn lần thì món ăn ấy vẫn là món ăn không sạch sẽ. Đó mới thật là món ăn đáng nhờm gớm!

 

Chuyện 2 Chiếc Vòng Đeo Tay

 

Khi Đức Bồ Tát Đạo sĩ Mahājanaka ngự đi trước, Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī ngự đi theo sau thường gợi hỏi chuyện Ngài, trên con đường vào thành Thūnanagara. Những đứa trẻ đang chơi trò chơi với nhau, một bé gái đeo trong tay một chiếc vòng thì không nghe tiếng, đeo trong tay 2 chiếc vòng khi cánh tay này cử động thì chiếc vòng này va chạm với chiếc vòng kia phát ra tiếng kêu.

Nhìn thấy vậy, Đức Bồ Tát Đạo sĩ nghĩ: “Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī đi theo đằng sau ta thường hay nói chuyện với ta. Bậc thiện trí dạy: Đàn bà thường làm ô nhiễm đến bậc hành phạm hạnh’. Nhìn thấy Sīvalidevī đi theo sau ta, người ta sẽ chê trách: ‘Vị đạo sĩ là bậc xuất gia, mà còn chưa từ bỏ được vợ’”.

Nếu bé gái này là đứa bé thông minh, thì nó sẽ giải thích về một chiếc vòng và hai chiếc vòng đeo trong cánh tay của nó. Sau khi nghe lời giải thích của bé gái ấy, Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī sẽ ý thức được việc đi theo sau vị đạo sĩ là điều không nên. Bà sẽ chịu hồi cung trở về kinh thành Mithilā”. Nghĩ xong, Đức Bồ Tát Đạo sĩ Mahājanaka ngự đến gần cô bé hỏi rằng:

- Này cô bé dễ thương! Hai cánh tay của con, một bên đeo 1 chiếc vòng, một bên kia đeo 2 chiếc vòng. Khi con cử động cánh tay đeo 1 chiếc vòng thì không có tiếng kêu, và khi con cử động cánh tay đeo 2 chiếc vòng thì phát ra tiếng kêu. Do nguyên nhân nào vậy?

- Kính thưa Ngài Sa-môn, cánh tay này của con được đeo 2 chiếc vòng, mỗi khi con cử động nó thì chiếc vòng này va chạm với chiếc vòng kia, nên phát ra tiếng kêu. Còn cánh tay kia của con chỉ có 1 chiếc vòng mà thôi, dù cho con cử động nó cách nào, thì chiếc vòng cũng không thể phát ra tiếng kêu được, bởi nó không va chạm

chiếc vòng khác. Cũng giống như bậc Sa-môn nên sống vắng lặng một mình.

Kính thưa Ngài Sa-môn, nếu khi có 2 người thì mới chuyện trò, cãi cọ, tranh luận với nhau. Còn chỉ có 1 người thôi, thì chuyện trò, cãi cọ, tranh luận với ai! Ngài là bậc Sa-môn nên sống vắng lặng một mình.

Kính thưa Ngài Sa-môn, thông thường các bậc Sa-môn không dẫn theo em gái cùng đi chung một con đường. Ngài là bậc Sa-môn tại sao Ngài cho vợ đi theo Ngài như vậy. Người vợ này sẽ làm trở ngại cho việc thực hành pháp hạnh cao thượng của Ngài.

Vậy, xin Ngài nên từ bỏ người vợ này, đi một mình để thuận lợi cho việc thực hành pháp Sa-môn của Ngài.

Sau khi nghe lời giải thích 2 chiếc vòng đeo tay và lời khuyên của bé gái, Đức Bồ Tát Đạo sĩ Māhajanaka và Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī ngự đến một con đường rẽ 2 bên, Ngài đứng lại truyền bảo với Bà rằng:

- Này Sīvalidevī! Bà đã nghe lời giải thích 2 chiếc vòng đeo tay và lời khuyên của bé gái còn ngủ với mẹ, nó là đứa bé nhà quê, nó chê trách bần đạo đi chung với bà cùng một con đường.

Này Sīvalidevī! Con đường rẽ đôi này có 2 bên. Ngay bây giờ, xin bà chọn trước một con đường, con đường còn lại thuộc về bần đạo. Bần đạo và bà phải chia tay nhau tại nơi này. Kể từ nay, xin bà không nên nghĩ bần đạo là phu quân của bà và bần đạo cũng không còn nghĩ

bà là phu nhân của bần đạo nữa.

Nghe lời truyền bảo của Đức Bồ Tát Đạo sĩ Mahājanaka, Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī vô cùng khổ tâm tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng thượng, Hoàng thượng là bậc cao thượng, Hoàng thượng nên đi con đường bên phải, còn thần thiếp là kẻ thấp hèn sẽ chọn con đường bên trái.

Tâu xong, Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī chắp hai tay đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức Bồ Tát Đạo sĩ, rồi chia tay mỗi người ngự đi một con đường. Nhưng Bà chỉ đi được một đoạn, thì nỗi khổ tâm cùng cực phát sinh không sao chịu được nữa, nên đành phải quay trở lại, đi theo sau chung con đường với Đức Bồ Tát Đạo sĩ Mahājanaka.


Chuyện Người Thợ Làm Mũi Tên

 

Đức Bồ Tát Đạo sĩ Mahājanaka ngự vào trong thành Thūnanagara đi khất thực, đến trước cửa nhà người làm mũi tên, có Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī đứng phía sau. Khi ấy, Ngài nhìn thấy người thợ làm mũi tên đang hơ mũi tên trên lò than cháy nóng, lấy nó ra, nheo mắt một bên ngắm mũi tên với con mắt bênh kia, để thấy chỗ nào cong thì uốn lại cho thẳng.

Nhìn thấy người thợ làm mũi tên như vậy, Đức Bồ Tát Đạo sĩ nghĩ: “Nếu người thợ làm mũi tên này là người thông minh thì y sẽ giải thích về sự lợi ích về hành động của y, và sẽ làm cho Chánh cung Hoàng hậu thức tỉnh không theo sau ta nữa mà hồi cung trở về kinh thành Mithilā”. Nghĩ xong, Ngài đến gần người thợ làm mũi tên, hỏi rằng:

- Này người thợ! Ngươi nheo mắt một bên, ngắm mũi tên với con mắt một bên kia. Vậy, ngươi thấy sự lợi ích như thế nào mà hành động như vậy?

Người thợ làm mũi tên giải thích rằng:

- Kính thưa Ngài Sa-môn, nếu tôi ngắm mũi tên với cả 2 con mắt, mắt sẽ nhòa, không thể thấy chỗ cong của mũi tên ở phía trước, thì không thể uốn nó cho thẳng được. Khi tôi nheo mắt một bên, ngắm mũi tên với con mắt một bên kia, thì tôi có thể thấy chỗ cong của mũi tên, để uốn nó thẳng được.

Cũng như vậy, nếu có 2 người đi với nhau thì mới có chuyện trò, cãi cọ, tranh luận với nhau, nếu chỉ một người thì chuyện trò, cãi cọ, tranh luận với ai được! Bậc Sa-môn nên sống vắng lặng một mình.

Thông thường các Sa-môn không dẫn em gái đi chung một đường, Ngài là Sa-môn tại sao Ngài lại cho vợ đi theo với Ngài như vậy? Người vợ này sẽ làm trở ngại việc thực hành phạm hạnh cao thượng của Ngài.

Thật ra, Ngài nên từ bỏ người vợ này, Ngài nên đi một mình để thuận lợi cho việc thực hành phạm hạnh cao thượng của Ngài.

Nghe người thợ làm mũi tên khuyên như vậy, Đức Bồ Tát Đạo sĩ hoan hỷ xin từ giã để đi khất thực, khi được các món vật thực, trộn chung lẫn nhau đủ dùng, Ngài ngự đi ra khỏi thành đến một nơi có nước, Ngài ngồi độ vật thực xong, súc miệng rửa bát, rồi tiếp tục ngự đi đến một con đường rẽ đôi 2 bên.

Đức Bồ Tát Đạo sĩ dừng lại truyền bảo Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī rằng:

- Này Sīvalidevī! Bà đã nghe người thợ làm mũi tên chê trách bần đạo đi chung với bà cùng một con đường rồi phải không?

- Này Sīvalidevī! Tại đây con đường rẽ đôi có 2 bên,

bà nên chọn trước một con đường, con đường còn lại thuộc về bần đạo. Kể từ nay, xin bà không nên nghĩ bần đạo là phu quân của bà, và bần đạo cũng không còn nghĩ bà là phu nhân của bần đạo nữa.

Tuy Đức Bồ Tát Đạo sĩ Mahājanaka truyền bảo như vậy, nhưng Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī không thể nào cách xa Đức Bồ Tát đạo sĩ được, vì vậy, Ngài ngự đi trước, còn Chánh cung Hoàng hậu vẫn ngự đi theo sau, mà Ngài không thể nào ngăn cản hoặc khuyên bảo Bà nên hồi cung trở lại kinh thành Mithilā được.

Thật ra, không chỉ có Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī, mà còn có 700 cung phi mỹ nữ, dân chúng cùng đi theo sau Bà nữa.

Đến một khu rừng, Đức Bồ Tát Đạo sĩ Mahājanaka muốn Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī và số đông dân chúng trở về kinh thành Mithilā, nên Ngài nhổ một cây cỏ tranh bên đường, rồi đưa cây cỏ lên truyền bảo Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī rằng:

- Này Sīvalidevī! Bà hãy nhìn cây cỏ tranh này, nó không thể sống lại chỗ đất cũ của nó được nữa. Cũng như vậy, kể từ nay, bần đạo cũng không thể nào sống chung với bà như trước được nữa. Bần đạo chỉ sống một mình mà thôi. Còn bà nên hồi cung dẫn đoàn người trở về kinh thành Mithilā.

Nghe lời truyền bảo dứt khoát của Đức Bồ Tát Đạo sĩ Mahājanaka: “Kể từ nay, bần đạo cũng không thể nào sống chung với bà như trước được nữa”. Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī biết: “Kể từ nay, ta không thể nào sống chung với Đức Vua Mahājanaka nữa”. Bà phát sinh nỗi khổ tâm cùng cực, úp mặt vào hai bàn tay khóc than thảm thiết, nằm lăn xuống đất chết ngất tại mặt đường ấy. Đức Bồ Tát Đạo sĩ Mahājanaka tuy thấy Chánh cung Hoàng hậu chết ngất tại nơi ấy như vậy, nhưng Ngài vẫn ngự đi vào rừng núi Himavanta.

Khi ấy, các người hầu cận cấp cứu Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī. Vừa tỉnh lại, Bà liền truyền hỏi rằng:

- Này các ngươi! Hoàng thượng ngự đi đâu rồi?

Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī truyền lệnh đi tìm Đức Bồ Tát Đạo sĩ Mahājanaka, nhưng các quan không tìm thấy Ngài ở chỗ nào cả. Bà truyền lệnh xây dựng một ngôi tháp kỷ niệm chỗ chia tay lần cuối cùng với Đức Vua Mahājanaka, cúng dường hoa, vật thơm… 

Khi ấy, Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī hồi cung cùng với 700 cung phi mỹ, các quan, dân chúng đông đảo dẫn nhau trở về kinh thành Mithilā. 

 

Đức Bồ Tát Đạo sĩ Vào Rừng

 

Đức Bồ Tát Đạo sĩ Mahājanaka ngự thẳng vào rừng Himavanta thực hành pháp hành thiền định, dẫn đến chứng đắc các bậc thiền hữu sắc, và ngũ thông: thần túc thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, túc mạng thông và tha tâm thông trong vòng 7 ngày. Từ đó, Ngài không trở ra tiếp xúc với mọi người nữa, mà trú trong rừng núi Himavanta suốt đời. Sau khi Ngài tịch, sắc giới thiện nghiệp cho quả hoá sinh làm phạm thiên trên cõi trời sắc giới phạm thiên.

 

Chánh Cung Hoàng Hậu Sīvalidevī

 

Sau khi Đức Bồ Tát Đạo sĩ Mahājanaka đã ngự vào rừng sâu, Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī truyền lệnh các quan xây dựng những ngôi tháp để kỷ niệm như sau:

- Ngôi tháp tại nơi Đức Bồ Tát Đạo sĩ hỏi chuyện

người làm mũi tên.

- Ngôi tháp tại nơi Đức Bồ Tát Đạo sĩ hỏi chuyện với bé gái.

- Ngôi tháp tại nơi Đức Bồ Tát Đạo sĩ dùng miếng thịt nướng của con chó bỏ lại.

- Ngôi tháp tại nơi gặp đạo sĩ Migājina.

- Ngôi tháp tại nơi gặp đạo sĩ Nārada.

Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī ngự về đến kinh thành Mithilā liền tổ chức làm lễ đăng quang Thái tử Dīghāvu lên ngôi vua, trị vì nước Videharaṭṭha.

Sau khi Thái tử Dīghāvu lên ngôi, Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī đã xuất gia trở thành nữ đạo sĩ trú tại vườn xoài trong vườn thượng uyển, thực hành pháp hạnh thiền định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền hữu sắc.

Sau khi nữ đạo sĩ Sīvalidevī tịch, sắc giới thiện nghiệp cho quả hoá sinh làm phạm thiên trên cõi trời sắc giới phạm thiên.

Đức Phật thuyết về tiền kiếp của Ngài là Đức Bồ Tát Mahājanaka thực hạnh pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật bậc thượng với bài kệ rằng:

Atīradassījalamajjihe,  hatā sabbeva mānusā.

Cittassa aññathā natthi,  esā me vīriyapāramī.([1])

Ý nghĩa:

Tiền kiếp Như Lai cùng với 700 thuỷ thủ bị chìm thuyền giữa đại dương, không nhìn thấy bờ bến. Tất cả thuỷ thủ đều chết chìm làm mồi cho cá, chỉ còn một mình tiền kiếp Như Lai có sự tinh tấn không ngừng bơi lội giữa đại dương, không hề thoái chí nản lòng.

Đó là pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật bậc thượng của tiền kiếp Như Lai.

Sau khi thuyết về tiền kiếp của Ngài là Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka xong, Đức Thế Tôn dạy rằng:

- Na bhikkhave idāneva, pubbepi Tathāgato mahābhi-nikkhamanaṃ nikkhantoyeva.

 - Này chư Tỳ khưu! Không chỉ kiếp hiện tại này, Như lai từ bỏ ngai vàng đi xuất gia, mà tiền kiếp của Như Lai cũng đã từng từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo sĩ như vậy.

 

Tích Mahājanakajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện Tại

 

Tích Mahājanakajātaka này, Đức Vua Bồ Tát Mahā-janaka, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, thực hành pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật trong thời quá khứ. Đến khi Đức Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu kiếp của những nhân vật trong tích Mahājanakajātaka ấy liên quan đến kiếp hiện tại như sau:

-   Đức Phụ Vương và Mẫu hậu, nay kiếp hiện tại là Đức Vua Suddhodana và Mẫu hậu Mahāmayādevī.

-   Vị đạo sĩ Nārada, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Sāriputta.

-   Vị đạo sĩ Migājina, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna.

-   Bé gái, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức tỳ khưu ni Khemā.

-   Thiên nữ Maṇimekhalā, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā.

-   Người thợ làm mũi tên, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Ānanda.

-   Chánh cung Hoàng hậu Sīvalidevī, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức tỳ khưu ni Yasodharā.

-   Thái tử Dīghāvu, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Rāhula.

-   Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka, nay kiếp hiện tại là Đức Phật Gotama.

 

10 Pháp hạnh Ba-la-mật


Tóm lược tích Đức Bồ Tát Mahājanaka tiền kiếp của Đức Phật Gotama đã thực hành pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật bậc thượng, ngoài ra còn có 9 pháp hạnh Ba-la-mật khác là phụ cũng đồng thời thành tựu như sau:

- Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka lập 6 trại bố thí, đó là pháp hạnh bố thí Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka thọ trì và giữ gìn ngũ giới, bát giới trong những ngày giới hằng tháng, đó là pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo sĩ, đó là pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka có trí tuệ siêu việt thấy rõ biết rõ những điều mà người khác không biết, đó là pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật

- Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka có đức tính nhẫn nại trong mọi cảnh khổ, đó là pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka luôn luôn nói lời chân thật, đó là pháp hạnh chân thật Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka phát nguyện không thoái chuyển, đó là pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka có tâm từ đến tất cả

chúng sinh, đó là pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Mahājanaka có tâm xả đối với tất

cả chúng sinh, đó là pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật.

Đó là 9 pháp hạnh Ba-la-mật phụ đồng thời thành tựu cùng với pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật bậc thượng.

 

Nhận Xét Về Tích Đức Bồ Tát Mahājanaka


Trong tích Mahājanakajātaka này, Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm Thái tử Mahājanaka thực hành pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật bậc thượng (Vīriyaparamatthapāramī) tinh tấn không ngừng bơi lội suốt 7 ngày đêm giữa đại dương dù không nhìn thấy đâu là bờ bến.

Đópháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật bậc thượng của Đức Bồ Tát Thái tử Mahājanaka.

Pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật bậc thượng là 1 trong 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc thượng, cũng là 1 trong 30 pháp hạnh Ba-la-mật mà Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cần phải thực hành cho được đầy đủ, để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha).

Tinh tấn Ba-la-mật đó là tâm sở tinh tấn đồng sinh với các thiện tâm cố gắng tinh tấn, không thoái chí nản lòng trong mọi phận sự của mình.

Nhờ sức mạnh nào mà Đức Bồ Tát Mahājanaka tinh tấn bơi lội suốt 7 ngày đêm giữa đại dương như vậy?

 

Sức mạnh có 2 loại:

 

1- Sức mạnh của thân: nếu khi con người khoẻ mạnh, không có bệnh hoạn ốm đau thì thân này có sức mạnh. Sức mạnh của thân này tuỳ thuộc vào vật thực, nước uống, thuốc men trị bệnh, v.v… nếu thân này bị đói, bị khát,… thì thân này bị yếu đuối, mệt lử người có thể dẫn đến chết như chết đói, chết khát,…

 

      Thân (kāya) thuộc về sắc pháp (rūpadhamma) đó làtứ đại hoàn toàn vô tri vô giác. Con người còn sống, thân và tâm nương nhờ lẫn nhau, nếu khi tâm rời khỏi thân thì thân này trở thành tử thi.

Đức Phật ví thân này như chiếc xe, còn tâm như người tài xế. Chiếc xe chạy tới, chạy lui, quẹo trái, quẹo phải,… do người tài xế điều khiển. Cũng như vậy, thân này có thể đi, đứng, ngồi, nằm, thở ra, hít vào, nói năng,… đều do tâm điều khiển, sai khiến.

 

Tâm (cita) thuộc về danh pháp (nāmadhamma) không có hình dáng, màu sắc. Tâm gồm có 89 hoặc 121 tâm chia làm 4 loại tâm:

1- Bất thiện tâm (ác tâm) gồm có 12 tâm.

2- Thiện tâm gồm có 21 hoặc 37 tâm.

3- Qủa tâm gồm có 36 hoặc 52 tâm.

4- Duy tác tâm gồm có 20 tâm.

 Tâm có chức năng đặc biệt là tích luỹ đầy đủ tất cả mọi thiện nghiệp, mọi ác nghiệp từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp cho đến kiếp hiện tại của mỗi chúng sinh.

 

2- Sức mạnh của tâm:  Mỗi tâm có sức mạnh của nó.

 - Sức mạnh của tâm ác:

Ví dụ: khi tâm sân phát sinh khiến cho thân có sức mạnh phá hoại đối tượng không hài lòng, nhưng cũng có khi tâm sân phát sinh làm cho khổ tâm sầu não, khóc than thảm thiết khiến cho thân trở nên yếu đuối, thoái chí nản lòng, tuyệt vọng.

Như trong tích Mahājanakajātaka, trường hợp khi chiếc thuyền lớn bị chìm đắm, 700 thuỷ thủ phát sinh tâm sân sợ chết, mất bình tỉnh khiến thân yếu đuối, không

thể bơi lội được, nên đều bị chết chìm.

- Sức mạnh của tâm thiện:

Khi thiện tâm hợp với trí tuệ sáng suốt phát sinh,

đức tin hy vọng, tinh tấn không ngừng, đức tính nhẫn nại chịu đựng, khiến cho thân có sức mạnh phi thường

bền bỉ

Như trong tích Mahājanakajātaka, trường hợp khi chiếc thuyền lớn bị chìm đắm, Đức Bồ Tát Mahājanaka có thiện tâm hợp với trí tuệ sáng suốt, bình tĩnh, có sự tinh tấn bơi lội không ngừng, đức tính nhẫn nại chịu đựng, đặc biệt có niềm tin hy vọng sẽ đến nơi bến bờ đại dương, nên khiến cho thân có sức mạnh phi thường.

Chính nhờ thân tâm như vậy, nên Đức Bồ Tát Mahājanaka có sự tinh tấn không ngừng bơi lội suốt 7 ngày đêm giữa biển đại dương.

Đó là pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật bậc thượng của Đức Bồ Tát Mahājanaka.

Phàm làm việc gì cũng nên có đức tin, hy vọng trong công việc của mình, có sự tinh tấn không ngừng và đức tính nhẫn nại chịu đựng chờ đợi.

Đức Phật dạy: Vīriyena dukkhamacceti[2]

Chúng sinh giải thoát khỏi khổ sinh tử luân hồi do nhờ pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật.

* Trong tích Mahājanakajātaka này có những điều nên suy xét về 2 cây xoài:

* Một cây xoài không có quả được xanh tươi tự nhiên.

* Một cây xoài có quả chín trĩu các cành, quả có hương vị thơm tho ngon ngọt thì bị người ta chặt trụi cành, để hái quả.

 Đó là điều mà Đức Bồ Tát Đạo sĩ Mahājanaka suy gẫm sự thật về cuộc đời.

 

 (Xong pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật bậc thượng)



[1] Bộ Khu.Jātakaṭṭhakathā, Nidāna, khu. Apadāna, Khu. Cariyāpiṭaka.

[2] Kinh Āḷavakasutta trong bộ Khu. Suttanipātapāḷi.






[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024