• Nền Tảng Phật Giáo - Quyển VI

    PHÁP HẠNH BA-LA-MẬT

    (Tập 3)

  • Soạn giả: Hộ Pháp

 

 

6- Pháp Hạnh Nhẫn Nại Ba-la-mật có 3 bậc:

     ( Khantipāramī )

 

6.1 - Pháp Hạnh Nhẫn Nại Ba-la-mật Bậc Hạ        

         (Khantipāramī )

 

Tích  Mahiṃsarājājātaka (Ma-him-xá-ra-cha-cha-tá-ká)

 

Trong tích Mahiṃsarājājātaka ([1])Đức Bồ Tát tiền kiếp Đức Phật Gotama sinh làm Trâu chúa thực hành pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật bậc hạ (khantipāramī).

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, Ngài thuyết về ch Mahiṃsarājājātaka này đề cập đến pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật của Ngài. Tích này được bắt nguồn như sau:

 

Trong kinh thành Sāvatthi, một con khỉ tinh nghịch hay quấy phá được nuôi trong một gia đình trong kinh thành, nó đi đến chuồng voi nhảy lên ngồi trên lưng một con voi có giới, tuy nó đi tiểu tiện, đại tiện, đi qua đi lại trên lưng con voi ấy, nhưng con voi không hề phát sinh tâm sân, không tỏ vẻ bực tức nó, bởi vì con voi có giới đặc biệt có tâm từ và đức tính nhẫn nại. 

Một hôm, con voi con hung dữ đứng nghỉ chỗ con voi có giới, theo thói quen, con khỉ đi đến nhảy lên ngồi trên lưng con voi con ấy, tưởng như con voi lớn có giới kia. Con voi con nhanh nhẹn lấy cái vòi bắt con khỉ đập xuống đất, rồi lấy bàn chân chà xát thân con khỉ tan xương nát thịt, chết ngay tại chỗ.

Chuyện con voi hung dữ và con khỉ tinh nghịch ấy được chư tỳ khưu nghe biết như vậy. Một hôm, chư Tỳ khưu tụ hội tại giảng đường đàm đạo với nhau rằng:

- Này chư pháp hữu! Nghe nói rằng: Con khỉ tinh nghịch hay quấy phá nhảy lên ngồi trên lưng con voi con hung dữ, tưởng như con voi lớn có giới. Con khỉ tinh nghịch ấy bị con voi con hung dữ bắt chà xát tan xương nát thịt chết ngay tại chỗ.

Khi ấy, Đức Thế Tôn ngự đến giảng đường, ngồi trên pháp toà, bèn truyền hỏi rằng:

- Này chư tỳ khưu! Các con đang đàm đạo về chuyện gì vậy ?

Chư tỳ khưu bạch với Đức Thế Tôn về chuyện con khỉ như vậy. Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:

- Này chư tỳ khưu! Con khỉ tinh nghịch hay quấy phá có thói quen xấu như vậy không chỉ trong kiếp hiện tại này mà còn tiền kiếp xa xưa của con khỉ tinh nghịch hay quậy phá cũng có thói quen xấu như vậy.

 

Tích Mahiṃsarājājātaka   

 

Truyền dạy như vậy xong, Đức Thế Tôn thuyết về tích Mahiṃsarājājātaka được tóm lược như sau:

 

Trong thời quá khứ, Đức Vua Brahmadatta ngự tại kinh thành Bārāṇasī. Khi ấy, Đức Bồ Tát tiền kiếp Đức Phật Gotama sinh làm con Trâu chúa ở trong rừng núi Himavanta.

Khi trưởng thành, Đức Bồ Tát Trâu chúa có thân hình to lớn, có sức mạnh phi thường, đi kiếm ăn dọc theo sườn núi, triền núi, trong rừng sâu. Thấy một cây to lớn sum sê có bóng mát, nên đi kiếm ăn nơi nào, đến buổi trưa, Đức Bồ Tát Trâu chúa cũng đến đứng dưới gốc cây to lớn ấy nghỉ mát.

Khi ấy, một con khỉ tinh nghịch hay quấy phá từ trên cây leo xuống, đứng trên lưng Đức Bồ Tát Trâu chúa, đi tiểu tiện, đại tiện, nắm 2 cái sừng lắc chơi chán, rồi nắm

cái đuôi đưa qua đưa lại chơi như vậy.

Đức Bồ Tát  Trâu chúa vẫn đứng tự nhiên, dù con khỉ tinh nghịch hay quấy phá thế nào, Đức Bồ Tát Trâu chúa vẫn không hề phát sinh tâm sân, bực tức con khỉ ấy, bởi vì Đức Bồ Tát Trâu chúa thực hành pháp hạnh nhẫn nại  Ba-la-mật. Cho nên, thường ngày, dù con khỉ tinh nghịch hay quấy phá như thế nào, Đức Bồ Tát Trâu chúa vẫn giữ thái độ nhẫn nại tự nhiên, không hề phát sinh tâm sân bực tức con khỉ tinh nghịch ấy.

Vị chư thiên cội cây ấy nhìn thấy con khỉ có hành vi tinh nghịch đáng ghét thường ngày như vậy. Một hôm, vị chư thiên cội cây ấy hiện ra đứng chỗ cội cây ấy thưa với Đức Bồ Tát Trâu chúa rằng:

- Kính thưa Ngài Trâu chúa cao thượng, do nguyên nhân nào mà Ngài nhẫn nại chịu đựng những nỗi khổ do con khỉ tinh nghịch hay quấy phá làm khổ Ngài vây?

Ngài nên húc nó bằng đôi sừng nhọn, nên đạp nó bằng chân khoẻ mạnh của Ngài, làm cho nó chết ngay tại nơi ấy.

Nếu Ngài không giết nó chết thì nó mãi quấy phá những chúng sinh khác.   

Nghe vị chư thiên cội cây thưa như vậy, Đức Bồ Tát Trâu chúa thưa rằng: 

- Này chư thiên cội cây! Xét thấy ta với con khỉ thì ta là chúng sinh có thân hình to lớn, dòng dõi cao quý, tuổi tác cao hơn con khỉ, nếu ta không chịu nhẫn nại tha thứ lỗi cho con khỉ thì nguyện vọng cao cả thực hành pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật của ta thành tựu làm sao được?

Nếu con khỉ tinh nghịch ấy vẫn có thói quen bậy bạ đối với con trâu hung dữ khác, tưởng như ta thì nó sẽ bị con trâu hung dữ khác trừng trị hại nó chết tại nơi ấy.

 Như vậy, ta sẽ không bị phạm tội sát sinh nào cả.

Vài ba hôm sau, Đức Bồ Tát Trâu chúa đi ở nơi khác, một con trâu hung dữ khác đến đứng ngay tại chỗ cội cây ấy, con khỉ tinh nghịch ấy theo thói quen nhảy lên trên lưng con trâu hung dữ ấy, đi tiểu tiện, đại tiện, tưởng như Đức Bồ Tát Trâu chúa. Con trâu hung dữ liền lắc mạnh thân mình, con khỉ tinh nghịch rơi xuống đất, ngay tức khắc, con trâu hung dữ lấy cái sừng húc vào tim, rồi lấy chân đạp con khỉ tinh nghịch ấy tan xương nát thịt chết ngay tại chỗ ấy. 

Sau khi thuyết tích Mahiṃsajātaka này xong, Đức Thế Tôn thuyết pháp vể pháp tứ Thánh Đế tế độ chư Tỳ khưu chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh nhân thấp hoặc cao tuỳ theo pháp hạnh Ba-la-mật của mỗi vị Thanh văn đệ tử của Đức Phật.

 

 Tích Mahiṃsajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện Tại

 

Trong tích Mahiṃsarājājātaka này, Đức Bồ Tát Trâu chúa tiền kiếp của Đức Phật Gotama. Đến khi Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu kiếp những nhân vật trong tích Mahiṃsarājājātaka ấy liên quan đến kiếp hiện tại của những nhân vật ấy như sau:

- Con khỉ tinh nghịch (kiếp quá khứ) ấy, nay kiếp hiện tại cũng là con khỉ tinh nghịch  này.

- Con trâu hung dữ (kiếp quá khứ) ấy, nay kiếp hiện tại là con voi con hung dữ (kiếp hiện tại).

- Đức Bồ Tát Trâu chúa, nay kiếp hiện tại là Đức Phật Gotama.

 

Nhận Xét Về Tích Mahiṃsarājājātaka

 

Trong tích Mahiṃsarājājātaka, con trâu có tính hung dữ trong kiếp quá khứ, nay kiếp hiện tại là con voi con cũng có tính hung dữcon khỉ có tính tinh nghịch trong kiếp quá khứ, nay kiếp hiện tại cũng là con khỉ có tính tinh nghịch.

Như vậy, nếu chúng sinh có thói quen xấu nào phát sinh từ tâm ác được biểu hiện ra bằng thân hoặc bằng khẩu đã trở thành thói quen tật xấu gọi là tiền khiên tật xấu (vāsana) được tích lũy trong tâm từ kiếp này sang kiếp khác, trong mỗi kiếp tử sinh luân hồi của chúng sinh ấy, dù cho phần thân mỗi kiếp thay đổi khác nhau tùy theo nghiệp và quả của nghiệp, song phần tâm vẫn còn tích lũy thói quen tật xấu ấy.

Tiền khiên tật xấu này rất khó diệt đoạn tuyệt được. Thật vậy, đối với chư bậc Thánh A-ra-hán có khả năng diệt đoạn tuyệt được tất cả mọi phiền não, tất cả mọi tham ái không còn dư sót, nhưng không thể diệt đoạn tuyệt được tiền khiên tật xấu này.

 Tiền khiên tật xấu này duy nhất chỉ có Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được tất cả mọi tham ái, mọi phiền não, đồng thờì diệt đoạn tuyệt được tất cả mọi tiền khiên tật xấu (vāsana) không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trên toàn cõi thế giới chúng sinh, có danh hiệu là Đức Phật Chánh Đẳng Giác độc nhất vô nhị.

 

(Xong pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật bậc hạ)

 

 

 

6.2 - Pháp Hạnh Nhẫn Nại Ba-la-mật Bậc Trung

         ( Khanti upapāramī )

 

Tích Cūḷadhammapālajātaka (Chu-lá-tham-má-pa-lá)

 

 Trong tích Cūḷadhammapālajātaka ([2]) Đức Bồ Tát tiền kiếp Đức Phật Gotama sinh làm hoàng tử Dhammapāla của Đức Vua  Mahāpatāpa thực hành pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật bậc trung (khanti upapāramī).

 

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh thành Rājagaha, Ngài thuyết về tích Cūḷadhammapālajātaka đề cập đến pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật của Ngài. Tích này được bắt nguồn như sau:

 

Một hôm, chư tỳ khưu hội họp tại giảng đường bàn luận về tỳ khưu Devadatta tìm mọi cách để giết hại Đức Thế Tôn, như tuyển các xạ thủ bắn tên giỏi bắn Đức Thế Tôn, lăn đá đè Đức Thế Tôn, thả voi Nāḷāgiri chạy đến chà Đức Thế Tôn… nhưng cách nào cũng không thể giết hại Đức Thế Tôn được.

Khi ấy, Đức Thế Tôn ngự đến giảng đường, ngồi trên pháp toà, truyền hỏi chư tỳ khưu rằng:

- Này chư tỳ khưu! Các con đang bàn luận về chuyện gì vậy?

Chư tỳ khưu bạch với Đức Thế Tôn về câu chuyện đang bàn luận như vậy.

Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:

- Này chư tỳ khưu! Không chỉ kiếp hiện tại này, tỳ khưu Devadatta tìm mọi cách để giết hại Như Lai, mà còn có nhiều kiếp quá khứ của Như Lai cũng bị tiền kiếp của tỳ khưu Devadatta giết hại. Nhưng kiếp hiện tại Như Lai này, tỳ khưu Devadatta chắc chắn không có khả năng giết hại được, thậm chí cũng không thể làm cho Như Lai giựt mình nữa.

 

Tích  Cūḷadhammapālajātaka

 

Nhân dịp ấy, Đức Thế Tôn thuyết về tích Cūḷadham-mapālajātaka được tóm lược như sau:

 

Trong thời quá khứ, Đức Vua Mahāpatāpa ngự tại kinh thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi. Khi ấy, Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama tái sinh đầu thai vào lòng Chánh cung Hoàng hậu Candādevī của Đức Vua Mahāpatāpa.

Đủ 10 tháng, Chánh cung Hoàng hậu Candādevī sinh hạ Đức Bồ Tát, đến ngày làm lễ đặt tên Đức Bồ Tát là  Dhammapālakumāra: Hoàng tử Dhammapāla.

Khi Đức Bồ Tát Hoàng tử Dhammapāla  lên 7 tháng, mẫu hậu của Đức Bồ Tát, Chánh cung Hoàng hậu Candādevī ẵm Hoàng tử Dhammapāla tắm nước thơm, rồi trang y phục hoàng tử xong,  Chánh cung Hoàng hậu Candādevī vô cùng hoan hỷ ngồi ham nựng nịu Hoàng tử Dhammapāla.

Khi ấy, Đức Vua Mahāpatāpa ngự đến lâu đài của Chánh cung Hoàng hậu Candādevī, thấy Chánh cung Hoàng hậu mãi ham nựng nịu Hoàng tử Dhammapāla bằng tình thương mẫu tử, nên không để ý đứng dậy đón rước Đức Vua Mahāpatāpa. 

Đức Vua Mahāpatāpa nghĩ rằng: “Sở dĩ Chánh cung Hoàng hậu Candādevī sinh tâm ngã mạn là vì nương nhờ Hoàng tử Dhammapāla này, nên không để ý ta đến,  không đứng dậy đón rước ta như trước.

Nếu sau này, Hoàng tử Dhammapāla trưởng thành thì Chánh cung Hoàng hậu không còn coi ta ra gì nữa cũng nên. Vậy, ta nên giết Hoàng tử Dhammapāla ngay bây giờ.”

 Nghĩ như vậy, Đức Vua Mahāpatāpa nổi cơn thịnh nộ, bực tức ngự trở về, ngồi trên ngai vàng giữa nơi hội triều, rồi truyền lệnh gọi tên đao phủ mang con đao và tấm ván đến chầu.

 Tên đao phủ đến tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, kẻ hạ thần này sẽ làm việc gì? 

Đức Vua Mahāpatāpa hằn học truyền lệnh rằng:

- Này tên đao phủ! Ngươi hãy mau đến lâu đài của Chánh cung Hoàng hậu Candādevī, đem Hoàng tử Dhammapāla đến đây cho Trẫm.

Biết Đức Vua Mahāpatāpa nổi cơn thịnh nộ, bực tức nên ngự trở về, Chánh cung Hoàng hậu Candādevī ẵm Hoàng tử Dhammapāla vào lòng, than khóc thật thảm thương. 

Khi ấy, theo lệnh của Đức Vua Mahāpatāpa, tên đao phủ đến bắt buộc Chánh cung Hoàng hậu Candādevī trao Hoàng tử Dhammapāla cho y. Nhưng vì thương yêu Hoàng tử, Chánh cung Hoàng hậu không đành lòng trao Hoàng tử, nên tên đao phủ giật Hoàng tử từ trên tay của Chánh cung Hoàng hậu, đem hoàng tử Dhammapāla mới lên 7 tháng, đến trình lên Đức Vua Mahāpatāpa, tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, kẻ hạ thần này sẽ làm gì?

Đức Vua Mahāpatāpa truyền lệnh rằng:

- Này tên đao phủ! Ngươi hãy đem tấm ván đặt nằm trước mặt Trẫm, rồi đem Hoàng tử Dhammapāla đặt nằm ngửa trên tấm ván này.

Tuân theo lệnh Đức Vua Mahāpatāpa, tên đao phủ thi hành như vậy.

Chánh cung Hoàng hậu Candādevī ngự đến ngồi gần Hoàng tử Dhammapāla khóc than thảm thiết.

Tên đao phủ tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, kẻ hạ thần này sẽ làm gì?

Đức Vua Mahāpatāpa truyền lệnh rằng:

- Này tên đao phủ! Ngươi hãy chặt 2 bàn tay của Hoàng tử Dhammapāla này.

Nghe lệnh của Đức Vua Mahāpatāpa truyền như vậy, Chánh cung Hoàng hậu Candādevī đảnh lễ Đức Vua, rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng Thượng, Hoàng tử Dhammapāla của thần thiếp mới lên 7 tháng còn bé nhỏ không biết gì, Hoàng tử Dhammapāla hoàn toàn vô tội, chỉ có thần thiếp là người có tội lớn đối với Hoàng Thượng, vì không đứng dậy đón rước Hoàng Thượng mà thôi.

Vì vậy, kính xin Hoàng Thượng truyền lệnh chặt 2 bàn tay của thần thiếp.

Kính xin Hoàng Thượng tha cho Hoàng tử Dhamma-pāla vô tội, còn nhỏ quá chưa biết gì cả.

Không quan tâm đến lời tâu xin của Chánh cung Hoàng hậu Candādevī, Đức Vua Mahāpatāpa lại truyền lệnh tên đao phủ rằng:

 - Này tên đao phủ! Ngươi chớ nên chậm trễ, hãy mau chặt 2 bàn tay của Hoàng tử Dhammapāla.

 

Đức Bồ Tát Dhammapāla Thực Hành Pháp Nhẫn Nại

 

Tên đao phủ lấy lưỡi đao bén chặt 2 bàn tay của Hoàng tử Dhammapāla như chặt vào mụt măng non, máu chảy ra từ 2 vết thương cổ tay.

Khi ấy, Đức Bồ Tát Hoàng tử Dhammapāla nằm yên không hề lay động, không hề khóc, thực hành pháp hành nhẫn nại Ba-la-mật, chịu đựng nỗi đau khổ của vết thương 2 bàn tay. Đức Bồ Tát  Hoàng tử Dhammapāla còn có tâm từ đối với Đức Phụ Vương và tên đao phủ.

Chánh cung Hoàng hậu Candādevī, mẫu hậu của Hoàng tử Dhammapāla khóc than thảm thiết nhặt 2 bàn tay bỏ vào trong hộp.

Tên đao phủ tâu nữa rằng:

 - Muôn tâu Bệ hạ, kẻ hạ thần này sẽ làm gì nữa?

Đức Vua Mahāpatāpa truyền lệnh rằng:

 - Này tên đao phủ! Ngươi hãy chặt 2 bàn chân của Hoàng tử Dhammapāla.

Nghe Đức Vua Mahāpatāpa truyền lệnh như vậy, Chánh cung Hoàng hậu Candādevī tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng Thượng, chỉ có thần thiếp mới là người có tội lớn đối với Hoàng Thượng mà thôi.

Vậy, kính xin Hoàng Thượng truyền lệnh chặt 2 bàn chân của thần thiếp, và xin tha cho Hoàng tử Dhamma-pāla vô tội, lại còn bé nhỏ quá chưa biết gì.

Không quan tâm đến lời tâu xin của Chánh cung Hoàng hậu Candādevī, Đức Vua Mahāpatāpa truyền lệnh cho tên đao phủ lập tức thi hành lệnh ngay.

Tên đao phủ chặt 2 bàn chân của Hoàng tử Dhammapāla, máu chảy ra từ vết thương 2 bàn chân.

Dù đã bị chặt 2 bàn tay và 2 bàn chân, Đức Bồ Tát  Hoàng tử Dhammapāla vẫn nằm yên tự nhiên bất động, thực hành pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật, chịu đựng mọi nỗi đau khổ cùng cực mà không hề khóc. Đức Bồ Tát  Hoàng tử Dhammapāla còn có tâm từ đối với Đức Phụ Vương và tên đao phủ.

Chánh cung Hoàng hậu Candādevī khóc than thảm thiết, nhặt 2 bàn chân của Hoàng tử Dhammapāla đặt vào hộp, rồi đảnh lễ Đức Vua Mahāpatāpa, tâu rằng:

 - Muôn tâu Hoàng Thượng, Đấng Phu quân của thần thiếp, Hoàng tử Dhammapāla đã bị Hoàng Thượng truyền  lệnh chặt 2 bàn tay và 2 bàn chân rồi, thần thiếp là mẫu hậu của hoàng tử có bổn phận nuôi dưỡng.

 - Muôn tâu Hoàng Thượng, kính xin Hoàng Thượng ban Hoàng tử Dhammapāla cho thần thiếp nuôi dưỡng.

 

 Khi ấy, tên đao phủ tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, kẻ hạ thần này đã thi hành theo lệnh của Bệ hạ.

Vậy, công việc của kẻ hạ thần xong hay chưa?

Đức Vua Mahāpatāpa truyền bảo rằng:

- Này tên đao phủ! công việc ngươi chưa  xong đâu!

 - Muôn tâu Bệ hạ, kẻ hạ thần này còn phải làm gì nữa?

Đức Vua Mahāpatāpa truyền bảo rằng:

 - Này tên đao phủ! Ngươi hãy chặt cái đầu của Hoàng tử Dhammapāla.

Nghe Đức Vua Mahāpatāpa truyền bảo tên đao phủ như vậy, Chánh cung Hoàng hậu Candādevī tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng Thượng, chỉ có thần thiếp mới là người có tội lớn đối với Hoàng Thượng mà thôi.

Vậy, kính xin Hoàng Thượng truyền lệnh chặt cái đầu của thần thiếp, và xin tha cho Hoàng tử Dhammapāla vô tội, lại còn bé nhỏ quá chưa biết gì.

Tâu xong, Chánh cung Hoàng hậu Candādevī đưa cái đầu của Bà cho tên đao phủ chặt.

Tên đao phủ tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, kẻ hạ thần này phải làm thế nào?



[1] Bộ Jātakaṭṭhakathā, phần Tikanipāta, Tích Mahiṃsajātaka

[2] Bộ Jātakaṭṭhakathā,  Pañcakanipāta, Cūḷdhammapālajātakavaṇṇanā


 

Hoàng tử Dhammapāla Bị Chặt Đầu

 

Đức Vua Mahāpatāpa truyền bảo rằng:

 - Này tên đao phủ! Ngươi hãy mau chặt cái đầu của Hoàng tử Dhammapāla ngay lập tức.

Tên đao phủ liền chặt cái đầu của Hoàng tử Dhamma-pāla, rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, kẻ hạ thần này thi hành theo lệnh của Bệ hạ xong rồi hay chưa?

 

- Này tên đao phủ! Ngươi còn phận sự phải làm nữa.

Tên đao phủ tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, kẻ hạ thần này còn phải làm phận sự nào nữa?

Đức Vua Mahāpatāpa truyền lệnh rằng:

- Này tên đao phủ! Ngươi hãy dồi cái thây của Hoàng tử Dhammapāla lên trên hư không, rồi đưa mũi đao nhọn lên đón cái thây ấy.

Tuân theo lệnh của Đức Vua Mahāpatāpa, tên đao phủ thi hành, dồi cái thây của Hoàng tử Dhammapāla lên trên hư không, khi cái thây rơi xuống, tên đao phủ đưa mũi đao nhọn lên đón xuyên thủng qua cái thây của Hoàng tử Dhammapāla, rơi xuống giữa sân rồng, trước mặt các quan trong triều. 

Chánh cung Hoàng hậu Candādevī phát sinh nỗi thống khổ cùng cực, vừa khóc than thảm thiết, vừa nhặt cái đầu và từng miếng thịt của Hoàng tử Dhammapāla bỏ vào trong hộp, than vãn rằng: “Có ai là bạn thân thiết và là bề tôi trung thành của Đức Vua Mahāpatāpa có tâm từ, tâm bi tại nơi đây không?

 Chắc chắn là không có rồi! Bởi vì không có một ai khuyên can Đức Vua Mahāpatāpa rằng: “Muôn tâu Bệ hạ, kính xin Bệ hạ không nên truyền lệnh giết hại Hoàng tử Dhammapāla yêu quý của Bệ hạ”     

Có ai là bạn thân thiết và là thân quyến của Đức Vua Mahāpatāpa có tâm từ, tâm bi  tại nơi đây không?

Chắc chắn là không có rồi. Bởi vì không có một ai khuyên can Đức Vua Mahāpatāpa rằng: “Muôn tâu Bệ hạ, kính xin Bệ hạ không nên truyền lệnh giết hại Hoàng tử Dhammapāla yêu quý của Bệ hạ”

 

Chánh cung Hoàng hậu Candādevī khóc than vãn rằng: “Hoàng tử Dhammapāla sẽ là đứa con nối ngôi Hoàng Thượng,  Hoàng tử Dhammapāla được nâng niu từ khi mới sinh, hai bàn tay, hai bàn chân, đầu và mình được thoa bằng lõi trầm đỏ thơm tho. Nay, Hoàng Thượng đã truyền lệnh chặt đứt rời ra cả rồi!”

- Muôn tâu Hoàng Thượng, sinh mạng của thần thiếp chắc sẽ bị chết thôi!

 

Chánh cung Hoàng hậu Candādevī Quy Thiên

 

 Chánh cung Hoàng hậu Candādevī phát sinh nỗi thống khổ cùng cực không sao chịu nổi được, nên vỡ tim ngã xuống chết tại nơi ấy.

 

Đức Vua Mahāpatāpa Bị Đất Hút

 

Khi ấy, Đức Vua Mahāpatāpa không thể ngồi vững trên ngai vàng được, ngã lăn xuống nền nơi hội triều, Đức Vua Mahāpatāpa rơi xuống nền đất, mặt đất dày không thể đỡ được tội ác của Đức Vua Mahāpatāpa, nên mặt đất nứt ra làm đôi, ngọn lửa địa ngục loé lên hút Đức Vua Mahāpatāpa vào dưới lòng đất.

Sau khi Đức Vua Mahāpatāpa băng hà, ác nghiệp sát sinh Hoàng tử Dhammapāla ấy cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt trong cõi đại địa ngục ấy suốt thời gian lâu dài cho đến khi mãn hạn quả của ác nghiệp ấy, mới thoát ra được.

Thi thể của Chánh cung Hoàng hậu Candādevī và Đức Bồ Tát Hoàng tử Dhammapāla được các vị quan trong triều làm lễ hoả táng theo truyền thống của hoàng tộc. 

Sau khi Đức Thế Tôn thuyết tích Cūḷadhamma-pālajātaka  xong, Chư tỳ khưu hiểu rõ tiền kiếp của tỳ khưu Devadatta như vậy.

 

Tích Cūḷadhammapālajātaka Liên Quan Kiếp Hiện Tại

 

Trong tích Cūḷadhammapālajātaka này, Đức Bồ Tát Hoàng tử Dhammapāla sinh ra được 7 tháng tiền kiếp của Đức Phật Gotama. Đến khi Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu kiếp những nhân vật trong tích Cūḷadhammapālajātaka ấy liên quan đến kiếp hiện tại của những nhân vật ấy như sau:

- Đức Vua Mahāpatāpa, nay kiếp hiện tại là tỳ khưu Devadatta.

- Chánh cung Hoàng hậu Candādevī, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức tỳ khưu ni Mahāpajāpatigotamī.

 

- Đức Bồ Tát Hoàng tử Dhammapāla, nay kiếp hiện tại là Đức Phật Gotama .

 

Nhận Xét Về Tích Đức Bồ Tát Hoàng Tử Cūḷadhammapāla

 

Pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật bậc trung là 1 trong 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc trung, cũng là 1 trong 30 pháp hạnh Ba-la-mật mà Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cần phải thực hành cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha).

Pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật đó là tâm sở vô sân (adosacetasika) đồng sinh với thiện tâm chịu đựng mọi đối tượng không đáng hài lòng xảy đến bất ngờ, mà không hề phát sinh tâm sân không hài lòng trong các đối tượng ấy.

Tích Cūḷadhammapālajātaka, Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm Hoàng tử Cūḷadham-mapāla của Đức Vua Mahāpatāpa, còn nhỏ mới lên 7 tháng tuổi.

Vậy, do nguyên nhân nào mà Đức Phụ Vương Mahāpatāpa tàn nhẫn truyền lệnh cho người đao phủ chặt 2 bàn tay, 2 bàn chân, chặt cái đầu của Đức Bồ Tát Hoàng tử Dhammapāla, dùng lưỡi đao nhọn đâm phân thây chết thê thảm như vậy?

Đức Bồ Tát Hoàng tử Dhammapāla là tiền kiếp của Đức Phật Gotama và Đức Vua Mahāpatāpa là tiền kiếp của tỳ khưu Devadatta.

Sở dĩ Đức Phụ Vương Mahāpatāpa đối xử tàn nhẫn với Hoàng tử Dhammapāla con của mình như vậy, là vì trong tiền kiếp xa xưa của Đức Vua Mahāpatāpa phát sinh tâm sân hận điên cuồng kết oan trái với tiền kiếp của Đức Bồ Tát Hoàng tử Dhammapāla, trong tích Serivavāṇijajātaka được tóm lược như sau: 

Trong thời quá khứ, một người buôn bán đồ nữ trang tham lam và gian xảo là tiền kiếp của tỳ khưu Devadatta và một người buôn bán đồ nữ trang lương thiện là tiền kiếp của Đức Phật Gotama.

Một hôm, người buôn bán đồ nữ trang tham lam và gian xảo đi ngang qua nhà người nghèo vốn trước kia là một gia đình phú hộ giàu sang, nay còn lại một bà ngoại và một cháu gái nhỏ.

Thấy người buôn bán đồ nữ trang tham lam và gian xảo, cháu gái muốn có được món nữ trang, nên năn nỉ xin bà ngoại mua cho món nữ trang, nhưng bà ngoại bảo cháu gái rằng:

- Này cháu yêu quý! Gia đình mình là nhà nghèo, không có tiền nhiều để mua nữ trang cho cháu, trong nhà có một chiếc mâm cũ kỹ kia, để bà ngoại hỏi người lái buôn xem thử có đổi được món nữ trang nhỏ nào cho cháu được hay không.

 

* Gọi người buôn bán đồ nữ trang tham lam và gian xảo vào nhà, bà đem chiếc mâm cũ kỹ ấy đưa cho người buôn bán nữ trang ấy xem, bà thiết tha trình bày hoàn cảnh nghèo khổ của bà cho y thông cảm, rồi nói cho biết ý muốn của bà.

Sau khi săm soi kỹ với con mắt nhà nghề, người buôn bán đồ nữ trang ấy biết rõ đó là chiếc mâm vàng ròng được chạm những phù điêu, hoa văn rất tinh tế, thật là cổ vật vô giá, nhưng mà hai bà cháu hoàn toàn không hề biết giá trị của nó. Y vốn có tánh  tham lam và gian xảo, nên nghĩ rằng: “Ta sẽ chiếm đoạt chiếc mâm vàng cổ vật này, mà chỉ cần đổi một món nữ trang không đáng giá mà thôi.” 

 Nghĩ xong, y giả vờ bực dọc ném chiếc mâm cũ kỹ xuống đất, nói rằng: 

- Này bà cụ! Chiếc mâm cũ kỹ này có đáng giá gì đâu, mà bà đòi đổi một món nữ trang?

Nó chưa đáng giá 12 xu rưỡi mà thôi!

Nói xong, người buôn bán đồ nữ trang tham lam và gian xảo kia làm bộ bỏ đi nơi khác.

 

* Ngày hôm sau, thấy người buôn bán đồ nữ trang lương thiện (Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama) đi ngang qua nhà, đứa cháu lại xin bà ngoại

mua đồ nữ trang.

Vì thương đứa cháu mồ côi cha mẹ, nên bà chiều ý cháu, gọi người buôn bán đồ nữ trang vào nhà, lại đem chiếc mâm cũ kỹ ấy, đưa cho người buôn bán đồ nữ trang ấy xem.

Lần này, bà kể lể hoàn cảnh khốn khổ của mình cho người lái buôn ấy nghe, với hy vọng người lái buôn ấy cảm thông hoàn cảnh khổ của cháu bà, nhận chiếc mâm cũ kỹ ấy, để đổi lấy món nữ trang nào cho cháu.

Đức Bồ Tát buôn bán đồ nữ trang lương thiện cầm chiếc mâm lau chùi lớp bụi sạch sẽ, phát hiện ra chiếc mâm này không chỉ là một chiếc mâm vàng ròng quý báu, mà còn chạm trỗ những phù điêu, hoa văn rất tinh tế, thật công phu, mỹ thuật tuyệt vời là cổ vật vô giá .

Đức Bồ Tát lái buôn đưa hai tay nâng niu chiếc mâm ấy và từ tốn thưa rằng:

- Kính thưa mẹ, chiếc mâm này không chỉ là bằng  vàng ròng quý báu, mà còn là một cổ vật mỹ thuật tuyệt vời vô giá, có giá trị ít nhất trên 100 ngàn đồng kahāpaṇa (tiền Ấn xưa).

- Kính thưa mẹ, tất cả các món nữ trang và số tiền của con mang theo trong người cũng chưa bằng một phần trăm, thì con đâu dám đụng đến cổ vật vô giá ấy được. Nhưng con sẽ tặng cho bé gái một món đồ nữ trang mà bé gái thích nhất.

Nghe Đức Bồ Tát lái buôn thưa như vậy, bà già vô cùng cảm kích trước tấm lòng chân thành của người lái buôn lương thiện, nên bà bảo rằng:

- Này con! Chính tấm lòng chân thật của con quý hơn chiếc mâm vàng cổ vật này gấp trăm, gấp ngàn lần.

Hôm trước, một người buôn bán đồ nữ trang như con đến nhà, y đã chê chiếc mâm này chưa đáng 12 xu rưỡi. Khi đi ra, y ném chiếc mâm này xuống đất, còn nói lời hằn học trách móc nữa.

Nếu quả thật, chiếc mâm này là bằng vàng quý báu như con nói thì đó chính là quả phước của con.

Vậy, con hãy lấy chiếc mâm này, rồi cho cháu gái của bà một món nữ trang nào cũng được, để cho nó vui mừng. Con chớ nên ái ngại gì cả.

 Tuy nghe bà cụ nói như vậy, nhưng Đức Bồ Tát lái buôn xét thấy tất cả đồ nữ trang và số tiền của mình ít quá so với chiếc mâm vàng cổ vật vô giá kia, nên Đức Bồ Tát lái buôn không dám nhận nó.

Đã nhiều lần từ chối không được, nên Đức Bồ Tát lái buôn đem trao tất cả đồ nữ trang còn lại và trao trọn cả số tiền của mình, tổng cộng giá trị khoảng một ngàn (1.000) đồng tiền Ấn xưa, cho hai bà cháu, xin nhận lấy chiếc mâm vàng cổ vật vô giá ấy, rồi chỉ xin lại tám (8) đồng để chi phí dọc đường trên đường trở về quê mà thôi.

Sau khi Đức Bồ Tát buôn bán đồ nữ trang mang chiếc mâm vàng cổ vật đi ra đến bờ sông lên thuyền sang sông. Khi ấy, người buôn bán đồ nữ trang tham lam và gian xảo trở lại nhà tìm bà cụ, y bảo rằng:

- Này bà cụ! Bà hãy đem chiếc mâm cũ kỹ kia ra đây, tôi sẽ cho cháu bà món nữ trang nho nhỏ.

Nhìn thấy y, con người tham lam và gian xảo đáng khinh bỉ, nên bà mắng rằng:

- Này ông kia! Chiếc mâm vàng của tôi đáng giá 100 ngàn đồng, thế mà ông dám chê rằng: “Nó chưa đáng giá 12 xu rưỡi.”

 Tôi đã trao cho người buôn bán đồ nữ trang lương thiện rồi. Người ấy đã trao cho tôi tất cả số nữ trang còn lại và trọn số tiền mà người ấy có, rồi nhận chiếc mâm

vàng cổ vật vô giá vừa mới đem đi rồi.

Nghe bà cụ nói như vậy, người buôn bán đồ nữ trang tham lam và gian xảo hối tiếc vì đã làm mất món lợi lớn, nên y gào thét lên rằng:

“ Ôi! Ta đã thất bại quá lớn rồi! Tên buôn bán đồ nữ trang kia đã cướp chiếc mâm vàng ròng đáng giá 100 ngàn đồng kahāpaṇa của ta rồi!

Gào thét khô hơi tắt tiếng, tâm uất hận đến cực độ, nên tên buôn bán đồ nữ trang ấy nằm lăn xuống đất ngất xỉu. Khi tỉnh lại, y như người điên nóng nảy xả bỏ y phục, vung vãi các đồ nữ trang xuống đất, với đầu bù tóc rối, y chạy đuổi theo ra bờ sông, thấy Đức Bồ Tát buôn bán đồ nữ trang đã qua quá nửa sông, y gào thét lớn rằng: 

“Hãy quay thuyền trở lại! Hãy quay thuyền trở lại! ”

Tuy nghe tiếng gọi, nhưng Đức Bồ Tát buôn bán đồ nữ trang bảo người lái đò chèo sang bờ bên kia.

Người buôn bán đồ nữ trang tham lam và gian xảo phát sinh tâm sân uất hận thốt lời thề kết oan trái với người buôn bán đồ nữ trang lương thiện, rồi máu trào ra miệng nằm chết ngay tại chỗ bờ sông ấy.

Đó là lần đầu tiên tiền kiếp của tỳ khưu Devadatta kết oan trái với Đức Bồ Tát tiền kiếp Đức Phật Gotama.

Do điều oan trái ấy đó là nguyên nhân mà trong vòng tử sinh luân hồi, mỗi khi tiền kiếp tỳ khưu Devadatta gặp Đức Bồ Tát tiền kiếp Đức Phật Gotama, bất cứ ở địa vị nào cũng tìm mọi cách để hại Đức Bồ Tát tiền kiếp Đức Phật Gotama. 

 

(Xong pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật bậc trung)



6.3- Pháp Hạnh Nhẫn Nại Ba-la-mật Bậc Thượng

  (Khantiparamatthapāramī)

 

6.3- Tích Khantivādījātaka (Khăn-tí-wà-đì-chà-tá-ká)

 

Trong tích Khantivādījātaka([1]), Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm vị đạo sĩ Kuṇḍala thực hành pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật bậc thượng (Khanti- paramatthapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

 

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi. Khi ấy, một vị tỳ khưu có tính hay nóng giận, vì không có tính nhẫn nại. Một hôm, Đức Thế Tôn truyền bảo vị tỳ khưu ấy rằng:

- Này tỳ khưu! Con đã xuất gia trở thành tỳ khưu trong giáo pháp của Như Lai, Như Lai là Bậc không nóng giận. Tại sao con thường phát sinh tâm sân hay nóng giận như vậy?

- Này tỳ khưu! Trong thời quá khứ, bậc thiện trí là đạo sĩ dù bị Đức Vua truyền lệnh cho người đánh đập tàn nhẫn, chặt hai tay, hai chân, cắt hai lỗ tai, cắt lỗ mũi mà vẫn nhẫn nại chịu đựng không hề phát sinh tâm sân, tức giận Đức Vua và những người khác hành hạ mình.

 

Tích Khantivādījātaka

 

Nhân dịp ấy, Đức Thế Tôn thuyết về tích Khantivādī-

jātaka, tiền kiếp của Ngài là đạo sĩ Kuṇḍala được tóm lược như sau:

Trong thời quá khứ, có Đức Vua tên là Kalābu ngự tại kinh thành Bārāṇasī, trị vì nước Kāsiraṭṭha. Thời ấy, Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh trưởng trong một gia đình Bà-la-môn giàu sang phú quý có của cải tài sản nhiều đến 800 triệu Kahāpana, tên của Đức Bồ TátKuṇḍalakumāra (công tử Kuṇḍala).

Khi trưởng thành, Đức Bồ Tát công tử Kuṇḍala được cha mẹ gởi đi học tại kinh thành Takkasilā. Sau khi học thành tài, Ngài trở về nhà giúp đỡ cha mẹ. Đến khi cha mẹ qua đời, Ngài được thừa hưởng tất cả của cải tài sản ấy.

Một hôm, Đức Bồ Tát Kuṇḍala suy xét thấy tất cả của cải tài sản lớn lao mà tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã tích luỹ trải qua nhiều đời kế tiếp. Đến khi chết, không có ai có thể mang theo được, nên Ngài nghĩ: “Cuộc đời của ta chắc chắn cũng sẽ là như vậy mà thôi. Vậy, ta nên đem tất cả của cải tài sản lớn lao này ra làm phước thiện bố thí đến cho những người nên bố thí.

 Như vậy, ta sẽ được phước thiện bố thí thuộc về của riêng ta, rồi ta hồi hướng phần phước thiện bố thí ấy đến cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, bà con thân bằng quyến thuộc cùng tất cả chúng sinh.

Khi họ hoan hỷ phần phước thiện bố thí này, họ sẽ được thoát khỏi cảnh khổ, được an lạc lâu dài”.

Suy nghĩ xong, Đức Bồ Tát Kuṇḍala thực hiện ý định của mình, đem tất cả của cải tài sản làm phước thiện bố thí cho những người cần được sự bố thí.

Sau đó, Ngài bỏ nhà đi vào rừng núi Himavanta, xuất gia trở thành đạo sĩ trú trong rừng núi ấy. Hằng ngày, Đức Bồ Tát Đạo sĩ Kuṇḍala đi vào rừng tìm các thứ trái cây lớn, nhỏ, hoặc các thứ củ, các loại rau rừng, để nuôi mạng, thực hành pháp hành thiền định.

Sau một thời gian dài trú trong rừng núi Himavanta,

Ngài rời khỏi khu rừng núi ấy đi đến xóm làng để khất thực. Dần dà Ngài đến vườn thượng uyển của Vua Kalābu trú ngụ.

Một buổi sáng, khi đi vào kinh thành Bārāṇasī để khất thực, Đức Bồ Tát Đạo sĩ Kuṇḍala đứng trước ngôi nhà của vị quan Thừa tướng của Vua Kalābu. Nhìn thấy tướng mạo oai nghi, đường hoàng, lục căn được thu thúc thanh tịnh của Ngài, vị Thừa tướng liền phát sinh đức tin trong sạch nơi Ngài, cung kính cúng dường những vật thực đến Ngài, rồi bạch rằng:

- Kính bạch Ngài Đạo sĩ, trong thời gian Ngài còn trú trong vườn thượng uyển này, mỗi ngày chúng con kính thỉnh Ngài đến khất thực tại ngôi nhà của chúng con, để cho chúng con có cơ hội tạo phước thiện bố thí, cúng dường các món vật thực đến Ngài.

Đức Bồ Tát Đạo sĩ Kuṇḍala làm thinh nhận lời thỉnh mời ấy. Mỗi ngày, Ngài đi đến khất thực tại ngôi nhà vị quan Thừa tướng ấy.

Một hôm, Vua Kalābu đang say rượu, ngự đến du lãm vườn thượng uyển cùng với các quan quân theo hộ giá và đoàn vũ nữ ca hát theo sau. Đến vườn thượng uyển, Vua Kalābu nằm trên tảng đá quý, đầu gối lên người của cô mỹ nữ yêu quý, rồi ngủ say. Nhóm vũ nữ ca hát bảo nhau rằng:

- Chúng ta nhảy múa, ca hát để cho Đức Vua xem và nghe. Bây giờ, Đức Vua đã ngủ say rồi, chúng ta ca hát nhảy múa có ích lợi gì đâu!

Nhóm vũ nữ ấy liền ngưng nhảy múa ca hát, dẫn nhau đi dạo chơi xem hoa quả trong vườn thượng uyển. Khi ấy, Đức Bồ Tát Đạo sĩ Kuṇḍala đang trú dưới gốc cây Sālā đang mùa hoa nở. Nhìn thấy Ngài, nhóm vũ nữ dẫn nhau đến đảnh lễ, kính thỉnh Ngài thuyết pháp cho họ nghe, cho đến khi Đức Vua tỉnh giấc. Ngài đạo sĩ đã thuyết pháp tế độ nhóm vũ nữ ấy.

Khi ấy, Vua Kalābu nằm ngủ gối đầu trên mình cô vũ nữ, cô cựa mình làm cho Đức Vua tỉnh giấc, liền truyền hỏi rằng:

- Nhóm vũ nữ đi đâu cả rồi?

Cô mỹ nữ ấy tâu rằng:

- Tâu Hoàng Thượng, nhóm vũ nữ ấy đi nghe một vị đạo sĩ thuyết pháp.

Nghe cô mỹ nữ yêu quý tâu như vậy, Vua Kalābu giận dữ, nổi cơn thịnh nộ, cầm thanh gươm báu ngự đến, thì một cô vũ nữ xinh đẹp trong nhóm chạy tới đón rước nhà Vua, rồi nhận lấy thanh gươm báu trên tay Vua.

Vua Kalābu ngự đến nơi Đức Bồ Tát Đạo sĩ Kuṇḍala, truyền hỏi rằng:

- Này tên đạo sĩ! Ngươi thường thuyết pháp gì?

Đức Bồ Tát Đạo sĩ tâu rằng:

- Tâu Đại Vương, bần đạo thường thuyết pháp nhẫn nại (Khantivādī), thường tán dương ca tụng pháp nhẫn nại.

- Này tên đạo sĩ! Pháp nhẫn nại ấy như thế nào?

- Tâu Đại Vương, pháp nhẫn nại là pháp không sân, dù người ta chửi mắng mình, hăm doạ mình, đánh đập mình v.v… mà mình vẫn nhẫn nại chịu đựng, không hề phát sinh tâm sân hận người ấy.

Vua Kalābu hằn học truyền bảo rằng:

- Lát nữa, ta sẽ thấy pháp nhẫn nại của ngươi!

Vua Kalābu truyền gọi tên đao phủ chuyên chặt đầu kẻ trộm cướp đến. Tên đao phủ tâu rằng:

- Tâu Đại Vương, kẻ hạ thần phải làm gì?

Vua Kalābu truyền lệnh rằng:

- Này đao phủ! Ngươi hãy xô ngã tên đạo sĩ ác này nằm xuống đất, rồi lấy chiếc roi gai đánh 2.000 roi ở bốn nơi: đằng trước, đằng sau và hai bên hông cho ta.

Tuân theo lệnh nhà Vua, tên đao phủ xô ngã Đức Bồ Tát Đạo sĩ nằm xuống đất, rồi đánh Ngài 2.000 roi ở bốn nơi.

Dù bị đánh làm cho rách da, nát thịt, máu chảy ra khắp toàn thân như vậy, nhưng Đức Bồ Tát Đạo sĩ vẫn nhẫn nại chịu đựng một cách tự nhiên, không hề phát sinh tâm sân tức giận nhà Vua và tên đao phủ.

Vua Kalābu truyền hỏi rằng:

- Này tên đạo sĩ! Ngươi còn có pháp gì nữa không?

Đức Bồ Tát Đạo sĩ ôn tồn tâu rằng:

- Tâu Đại Vương, bần đạo chỉ có pháp nhẫn nại mà thôi. Bần đạo thường tán dương ca tụng pháp nhẫn nại. Pháp nhẫn nại của bần đạo không phải ở chỗ da thịt, mà ở trong tâm của bần đạo. Đại Vương không thể nào làm hại được đâu!

Vua Kalābu tức giận truyền lệnh rằng:

- Này đao phủ! Ngươi hãy chặt hai cánh tay của tên Đạo sĩ ác này!

Tuân lệnh nhà Vua, tên đao phủ chặt hai cánh tay của Đức Bồ Tát Đạo sĩ lìa khỏi thân. Máu từ vết thương 2 cánh tay chảy ra lênh láng trên mặt đất.

Dù bị chặt hai cánh tay như vậy, nhưng Ngài vẫn nằm yên nhẫn nại chịu đựng, không hề phát sinh tâm sân tức giận nhà Vua và tên đao phủ.

Thấy Đức Bồ Tát Đạo sĩ như vậy, Vua Kalābu càng thêm tức giận, truyền lệnh rằng:

- Này đao phủ! Ngươi hãy chặt hai chân của tên Đạo

sĩ ác này!

Tuân lệnh của nhà Vua, tên đao phủ chặt hai chân của Đức Bồ Tát Đạo sĩ lìa khỏi thân. Máu từ vết thương 2 chân tuôn ra xối xả trên mặt đất.

Dù bị chặt hai chân như vậy, nhưng Đức Bồ Tát Đạo sĩ vẫn nằm yên nhẫn nại chịu đựng đau đớn một cách tự nhiên, không hề phát sinh tâm sân tức giận nhà Vua và tên đao phủ.

Vua Kalābu truyền hỏi tiếp rằng:

- Này tên Đạo sĩ! Ngươi còn có pháp gì nữa không?

Đức Bồ Tát Đạo sĩ nhẫn nại, từ tốn tâu rằng:

- Tâu Đại Vương, bần đạo chỉ có pháp nhẫn nại mà thôi. Bần đạo thường tán dương ca tụng pháp nhẫn nại. Pháp nhẫn nại của bần đạo không ở trong hai cánh tay, hai chân mà ở trong tâm của bần đạo. Đại Vương không thể nào làm hại được đâu!

Nghe Đức Bồ Tát tâu như vậy, Vua Kalābu càng thêm nổi cơn tức giận truyền lệnh rằng:

- Này đao phủ! Ngươi hãy cắt hai tai, cắt mũi của tên Đạo sĩ ác này cho Trẫm.

Tuân lệnh của nhà Vua, tên đao phủ cắt hai tai, cắt mũi của Đức Bồ Tát Đạo sĩ.

Dù bị cắt hai tai, cắt mũi nhưng Ngài vẫn nằm yên nhẫn nại chịu đựng đau đớn một cách tự nhiên, không hề phát sinh tâm sân giận nhà Vua và tên đao phủ.

Vua Kalābu truyền hỏi tiếp rằng:

- Này tên Đạo sĩ! Ngươi còn có pháp gì nữa không?

Đức Bồ Tát Đạo sĩ nhẫn nại chịu đựng, cố gắng từ tốn tâu rằng:

- Tâu Đại Vương, bần đạo cũng chỉ có pháp nhẫn nại mà thôi. Bần đạo thường tán dương ca tụng pháp nhẫn nại. Pháp nhẫn nại của bần đạo không có trong hai lỗ tai, lỗ mũi, mà ở trong tâm của bần đạo. Đại Vương không có thể nào làm hại được đâu!

Vua Kalābu tức giận như điên, truyền lệnh tên đao phủ dựng Đức Bồ Tát ngồi dậy, chính Vua Kalābu đưa chân đạp mạnh vào ngực của Đức Bồ Tát Đạo sĩ, làm cho Ngài ngã ngửa ra sau, rồi hậm hực rằng:

- Này tên Đạo Sĩ! Ngươi nằm nơi đó mà tán dương ca tụng pháp nhẫn nại của ngươi!

Vua Kalābu tức giận bỏ đi. Sau khi Vua Kalābu rời khỏi nơi Đức Bồ Tát Đạo sĩ đang nằm, vị quan Thừa tướng đến lấy tấm vải sạch lau sạch máu toàn thân của Ngài, nhặt hai cánh tay, hai chân, hai lỗ tai và lỗ mũi lau sạch sẽ, rồi gói lại bằng tấm vải sạch, đỡ Đức Bồ Tát Đạo sĩ ngồi dậy, rồi nâng Ngài đến nằm một nơi đáng tôn kính. Vị Thừa tướng đảnh lễ Ngài, rồi tha thiết khẩn khoản rằng:

- Kính bạch Ngài Đạo sĩ cao thượng! Nếu Ngài có tức giận thì xin Ngài chỉ tức giận một mình Vua Kalābu mà thôi, vì nhà Vua là người truyền lệnh đánh Ngài, chặt hai tay, hai chân, cắt hai tai và mũi của Ngài.

- Kính xin Ngài có tâm đại bi thương xót đến những người khác, xin đừng giận họ, để cho đất nước này tránh khỏi tai hoạ.

Nghe vị Thừa tướng tha thiết khẩn khoản như vậy, Đức Bồ Tát Đạo sĩ ráng nhẫn nại chịu đựng những cơn đau đớn, bình tĩnh, sáng suốt dạy bảo rằng:

- Thưa ân nhân thân mến! Tuy Vua Kalābu đã truyền lệnh đánh bần đạo, chặt hai cánh tay, hai chân, cắt hai tai, cắt mũi của bần đạo, nhưng bần đạo có pháp nhẫn nại, nên không hề phát sinh tâm sân tức giận Vua Kalābu

 và người hành hạ.

Thật ra, bần đạo có pháp nhẫn nại, nên không hề phát sinh tâm sân tức giận bất cứ một ai cả. Xin ân nhân hãy an tâm.

 

Vua Kalābu Bị Đất Rút

 

Khi ấy, Vua Kalābu ngự đi một đoạn đường ngắn, cách Đức Bồ Tát Đạo sĩ, thì mặt đất nứt làm đôi, ngọn lửa phun lên, rút Ông vào trong lòng đất.

Sau khi Vua Kalābu băng hà, ác nghiệp tàn nhẫn đối với Đức Bồ Tát Đạo sĩ cho quả tái sinh trong cõi địa ngục Avīci, phải chịu quả khổ thiêu đốt trong cõi địa ngục ấy.

Đức Bồ Tát Đạo sĩ Kuṇḍala cũng viên tịch ngay trong ngày hôm ấy, các quan trong triều đình của Vua Kalābu, hoàng tộc, dân chúng trong thành Bārāṇasī đem những vật thơm, hoa đến làm lễ cúng dường thi thể Đức Bồ Tát Đạo sĩ, rồi họ tổ chức lễ hoả táng thi thể của Ngài một cách trọng thể.

Sau khi thuyết về tích Khantivādījātaka xong, Đức Thế Tôn thuyết bài kệ rằng:

Acetanaṃ va koṭṭente, tiṇhapharusunā mamaṃ.

Kāsisāje na kuppāmi, esā me khantipārami([2])


Ý nghĩa:

 

Đức Bồ Tát Đạo sĩ Kuṇḍala, tiền kiếp Như Lai thực hành pháp hạnh nhẫn nại,

Dù Vua Kalābu nước Kāsi đã truyền lệnh đánh Đạo sĩ Kuṇḍala, tiền kiếp Như Lai,

Chặt hai tay, hai chân, cắt hai tai, cắt mũi của Đạo sĩ Kuṇḍala, tiền kiếp Như Lai,

Bằng mã tấu sắc bén, như chặt vào khúc gỗ vô tâm.

Đạo sĩ Kuṇḍala, tiền kiếp Như Lai không hề phát sinh tâm sân tức giận Vua Kalābu.

Đó là pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật bậc thượng của

Đức Bồ Tát Đạo sĩ Kuṇḍala, tiền kiếp Như Lai.

 

Sau khi lắng nghe Đức Thế Tôn thuyết về tích Khantivādījātaka, Đức Bồ Tát Đạo sĩ Kuṇḍala, tiền kiếp của Ngài như vậy, vị tỳ khưu thường hay phát sinh tâm sân, có tính hay nóng giận ấy chế ngự được tâm sân, thực hành pháp hành thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn; Nhất Lai Thánh Đạo - Nhất Lai Thánh Quả và Niết Bàn, cho đến chứng đắc Bất Lai Thánh Đạo - Bất Lai Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được tâm sân, trở thành bậc Thánh Bất Lai trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.

 

Tích Khantivādījātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện Tại

 

Tích Khantivādījātaka này, Đức Bồ Tát Đạo sĩ Kuṇḍala, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, thực hành pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật trong thời quá khứ. Đến khi Đức Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu kiếp của những nhân vật trong tích Khantivādījātaka ấy liên quan đến kiếp hiện tại như sau:

-   Vua Kalābu nước Kāsi, nay kiếp hiện tại là tỳ khưu Devadatta.

-   Vị quan Thừa tướng của Vua Kalābu, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại đức Sāriputta.

-   Đức Bồ Tát Đạo sĩ Kuṇḍala, nay kiếp hiện tại là Đức Phật Gotama.

 

10 Pháp Hạnh Ba-la-mật

 

Tóm lược tích Đức Bồ Tát Đạo sĩ Kuṇḍala, tiền kiếp của Đức Phật Gotama đã thực hành pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật bậc thượng, ngoài ra, còn có 9 pháp hạnh Ba-la-mật khác là phụ cũng đồng thời thành tựu như sau:

- Đức Bồ Tát Kuṇḍala đem tất cả của cải tài sản làm phước thiện bố thí, đó là pháp hạnh bố thí Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát Đạo sĩ Kuṇḍala giữ gìn giới trong sạch, đó là pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát Đạo sĩ Kuṇḍala từ bỏ nhà cửa đi xuất gia trở thành đạo sĩ, đó là pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát Đạo sĩ Kuṇḍala có trí tuệ sáng suốt, đó là pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát Đạo sĩ Kuṇḍala có sự tinh tấn không ngừng, đó là pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát Đạo sĩ Kuṇḍala giữ gìn lời nói chân thật, đó là pháp hạnh chân thật Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát Đạo sĩ Kuṇḍala phát nguyện không lay chuyển, đó là pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát Đạo sĩ Kuṇḍala có tâm từ, không phát sinh tâm sân đến tất cả chúng sinh, đó là pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát Đạo sĩ Kuṇḍala có tâm xả đối với tất cả chúng sinh, đó là pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật.

Đó là 9 pháp hạnh Ba-la-mật phụ đồng thời thành tựu cùng với pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật bậc thượng.

 

Nhận Xét Về Tích Đức Bồ Tát Đạo sĩ Kuṇḍala

 

Đức Bồ Tát Đạo sĩ Kuṇḍala, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, thực hành pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật bậc thượng (Khantiparamatthapāramī).

Pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật bậc thượng là 1 trong 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc thượng cũng là 1 trong 30 pháp hạnh Ba-la-mật mà Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác, cần phải thực hành cho được đầy đủ, để hỗ trợ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha).

Nhẫn nại Ba-la-mật đó là tâm sở vô sân đồng sinh trong các thiện tâm, mỗi khi tiếp xúc những đối tượng bất bình, không hài lòng một cách bất ngờ, vẫn giữ gìn thiện tâm trong sáng một cách tự nhiên.

Những đối tượng không hài lòng một cách bất ngờ này dễ làm cho phát sinh tâm sân, nhưng chư Đức Bồ Tát thực hành pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật với đại thiện tâm trong sáng, cho nên dù tiếp xúc những đối tượng ấy mà không hề phát sinh tâm sân, không cảm thấy bất bình trong đối tượng ấy, vẫn giữ gìn thiện tâm trong sáng một cách tự nhiên, để thành tựu pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật.

10 pháp hạnh Ba-la-mật là bố thí, giữ giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, phát nguyện, tâm từ, tâm xả. Trong 10 pháp hạnh Ba-la-mật này, thì pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật là pháp hạnh khó có cơ hội để thực hành, bởi vì những trường hợp bất bình này xảy đến một cách bất ngờ và hoàn toàn bị động đối với Đức Bồ Tát, nên Đức Bồ Tát có trí tuệ sáng suốt suy xét rằng: “Đây là cơ hội tốt, hiếm có, giúp cho ta thực hành pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật. Đó là một pháp hạnh Ba-la-mật mà không thể thiếu được”.

Do đó, Đức Bồ Tát thực hành pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật với đại thiện tâm trong sáng, không phát sinh tâm sân trong các đối tượng bất bình ấy, để thành tựu pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật của mình.

Ngoài pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật ra, còn lại 9 pháp hạnh Ba-la-mật khác, chư Đức Bồ Tát hoàn toàn chủ động mỗi khi thực hành pháp hạnh Ba-la-mật nào tùy theo ý nguyện của mình.

Như trường hợp Đức Bồ Tát Đạo sĩ Kuṇḍala gặp Vua Kalābu một cách bất ngờ và hoàn toàn bị động. Đức Bồ Tát Đạo sĩ thường đề cao pháp hạnh nhẫn nại, nên, khi Vua Kalābu truyền hỏi Ngài thường nói pháp gì, thì Ngài đã tâu “thường nói pháp nhẫn nại (khantivādī)”.

 Vua Kalābu vốn đã kết oan trái với Đức Bồ Tát Đạo sĩ từ kiếp quá khứ xa xưa. Vì vậy, khi gặp lại nhau trong kiếp ấy, là Vua Kalābu trả thù ngay. Còn đối với Đức Bồ Tát Đạo sĩ đó là cơ hội hiếm có, để thực hành pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật bậc thượng.

 

(Xong pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật bậc thượng)



[1] Tích Khantivādījātaka trong bộ chú giải Jātakaṭṭhakathā, phần Catukanipāta.

[2] Bộ Khu. Jātakaṭṭhakathā phần Nidāna, Khu. Cariyāpiṭaka.





[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024