• Nền Tảng Phật Giáo - Quyển VI

    PHÁP HẠNH BA-LA-MẬT

    (Tập 3)

  • Soạn giả: Hộ Pháp


7 - Pháp Hạnh Chân Thật Ba-la-mật  (Saccapāramī)

 

7.1 - Pháp Hạnh Chân Thật Ba-la-mật Bậc Hạ 

 

Tích Vaṭṭakajātaka (Wat-ta-ka-cha-ta-ka)

 

Trong tích Vaṭṭakajātaka,([1]) Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm kiếp chim cút con (vaṭṭaka) thực hành pháp hạnh chân thật Ba-la-mật bậc hạ (Saccapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

 

Đức Thế Tôn ngự đi khất thực cùng với số đông chư tỳ khưu Đại Đức Tăng trong xóm nhà dân Magadha. Sau khi độ vật thực xong, Đức Thế Tôn ngự trở về cùng với số đông chư tỳ khưu Đại Đức Tăng đến giữa khu rừng. Khi ấy, vào mùa nắng nóng, các cành cây khô cọ xát vào nhau phát ra lửa, trở thành đám cháy rừng lớn dữ dội cả phía trước lẫn phía sau, xung quanh, đám cháy rừng khói lửa bốc lên nghi ngút đang cháy lan đến chỗ đứng của chư tỳ khưu Đại Đức Tăng.

Trong số chư tỳ khưu ấy, có vị còn là phàm nhân sợ bị chết thiêu nên bàn tính với nhau rằng:

- Này các pháp hữu! Chúng ta nên châm lửa đốt cháy rừng ngược lại, để ngăn chận ngọn lửa cháy lan đến chỗ đứng của chúng ta.

Họ đang cặm cụi lấy 2 viên đá đánh cho phát ra lửa.

Một nhóm tỳ khưu khác hỏi rằng:

- Này các pháp hữu! Các  pháp hữu đang làm gì vậy?

Các vị tỳ khưu ấy nói cho biết ý định đốt cháy rừng chận đường lửa.

   Nghe nói như vậy, nhóm tỳ khưu nói rằng:

- Này các pháp hữu! các pháp hữu không thấy Đức Phật Chánh Đẳng Giác là bậc Tối Thượng trong toàn thể chư chiên, phạm thiên, nhân loại, Ngài đang ngự đứng phía trước chúng ta hay sao!

Các pháp hữu làm như người không nhìn thấy vầng trăng rằm đang chiếu sáng trên hư không, hoặc như người không nhìn thấy mặt trời đang chiếu sáng trong bầu trời, hoặc như người đứng bờ đại dương mà không nhìn thấy đại dương mênh mông bao la, hoặc người đứng gần núi Sineru to lớn và cao mà không nhìn thấy núi Sineru được hay sao!

Cho nên, các pháp hữu mới có ý định đốt cháy rừng, chận đường lửa cháy lan đến chỗ các pháp hữu.

- Này các pháp hữu! Các pháp hữu hãy cùng nhau đến hầu đứng quanh Đức Thế Tôn.

Nghe lời khuyên bảo như vậy, tất cả chư tỳ khưu đều đến hầu đứng quanh Đức Thế Tôn. Đám lửa rừng cháy lớn đến khoảng cách Đức Thế Tôn 16 karīsa  ngọn lửa tự dập tắt, như gặp phải nước.

(Tại chỗ Đức Thế Tôn đứng giữa, phía trước, phía sau, bên phải, bên trái, xung quanh 4 phía khoảng 32 karīsa (khoảng 32 mẫu) ngọn lửa rừng tự dập tắt hẳn).

Nhìn thấy như vậy, chư tỳ khưu vô cùng hoan hỷ tán dương ca tụng Đức Thế Tôn rằng:

“Thật là phi thường! Do oai lực của Đức Thế Tôn, ngọn lửa rừng không có tâm, mà tự dập tắt, như gặp phải nước, không còn cháy lan đến chỗ đứng của Đức Thế Tôn.”

Nghe chư tỳ khưu tán dương ca tụng như vậy, Đức Thế Tôn dạy rằng:

- Này chư tỳ khưu! Ngọn lửa rừng cháy lan đến  khoảng cách xa chỗ đứng Như Lai, rồi tự dập tắt ngay, như gặp phải nước, do oai lực của Như Lai không chỉ trong kiếp hiện tại này, mà còn tiền kiếp của Như Lai sinh làm chim cút con phát nguyện bằng chân thật. Do oai lực phát nguyện bằng lời chân thật của chim cút con ấy, khiến cho đám cháy rừng, ngọn lửa tự dập tắt ngay, như gặp phải nước, cách xa tổ chim cút con nằm khoảng 16 karīsa (khoảng hơn 16 mẫu), xung quanh 4 phía.

Từ đó về sau, lửa rừng không phát sinh suốt kiếp trái đất. Đó mới thật là phi thường!  

Khi ấy, Ngài Đại Đức Ānanda trải tấm y 4 lớp, rồi thỉnh Đức Thế Tôn ngự ngồi kiết già, còn chư tỳ khưu đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi trải toạ cụ ngồi xung quanh. Chư tỳ khưu kính thỉnh Đức Thế Tôn rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, do oai lực Đức Thế Tôn, ngọn lửa rừng tự dập tắt ngay, như gặp phải nước, trong kiếp hiện tại thì chúng con đã thấy rõ, còn ngọn lửa rừng tự dập tắt trong tiền kiếp của Đức Thế Tôn như thế nào thì chúng con chưa biết.

Vậy, chúng con kính thỉnh Đức Thế Tôn thuyết về chim cút con, tiền kiếp của Ngài.

 

Tích Vaṭṭakajātaka

 

Khi ấy, Đức Thế Tôn thuyết về tích Vaṭṭakajātaka được tóm lược như sau:

   Trong thời quá khứ, trong khu rừng vùng Magadha, Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh vào loài chim cút. Đức Bồ Tát tái sinh trong trứng cút, đến khi phá vỡ vỏ trứng cút, Đức Bồ Tát chim cút con nở ra nằm trong tổ. Cha mẹ cút tha mồi đem về nuôi Đức Bồ Tát chim cút con, Bậc đại thiện trí có trí tuệ.

Khi Đức Bồ Tát chim cút con có 2 chân còn yếu, nên chưa có thể bước đi được, có 2 cánh chưa đủ lông, nên chưa có thể bay lên hư không được,

Hằng năm, vào mùa nắng nóng, cây rừng khô cọ xát vào nhau phát sinh ra lửa, gây ra nạn cháy rừng tại khu rừng vùng Magadha ấy.

   Khi ấy, đám cháy rừng dữ dội, những tiếng nổ lớn nghe kinh hồn, các con thú rừng, các loài chim sợ chết đều bay đi nơi khác lánh nạn. Cha mẹ cút của Đức Bồ Tát cút con tuy thương cút con nhưng không thể tha cút con đi được, nên đành phải để Đức Bồ Tát chim cút con nằm một mình trong tổ, còn cha mẹ cút sợ chết bay đi lánh nạn nơi khác.

Nghe những tiếng nổ kinh hồn, Đức Bồ Tát chim cút con nằm một mình trong tổ ấy, đưa đầu ra nhìn thấy đám khói mù mịt, ngọn lửa rừng đang cháy lan đến tổ của mình nên nghĩ rằng: “ Nếu 2 chân của ta có sức lực thì ta chạy đi nơi khác lánh nạn, nếu 2 cánh của ta có sức lực  thì ta vỗ mạnh bay lên hư không đến nơi khác lánh nạn. Cha mẹ của ta sợ chết đã bay đi lánh nạn nơi khác rồi, bỏ lại một mình ta nằm trong tổ này.

Bây giờ, ta không có nơi nương nhờ, không có nơi ẩn náu. Vậy, ta nên làm cách nào để thoát khỏi chết thiêu. 

Tiếp theo, Đức Bồ Tát chim cút con tư duy rằng: “Trong đời này, giới đức đang hiện hữu, sự thật chân lý đang hiện hữu.

Trong thời quá khứ, chư Đức Bố Tát Chánh Đẳng Giác đã thực hành đầy đủ 30 pháp hạnh Ba-la-mật xong, ngự đến ngồi tại đại cội Bồ Đề, chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có đầy đủ giới đức, định đức, tuệ đức, giải thoát đức, giải thoát tri kiến đức, có đầy đủ tâm từ, tâm bi, đức nhẫn nại đối với tất cả chúng sinh muôn loài vô lượng, có Ân đức Phật, Ân đức Pháp, và chính nơi ta cũng có các điều chân thật nữa.   

Vậy, ta nên niệm tưởng đến Ân đức Phật, Ân đức Pháp ấy và các điều chân thật đang hiện hữu trong ta.

 Ta nên phát nguyện bằng lời chân thật, khiến cho ngọn lửa tự dập tắt ngay, để giải cứu ta thoát nạn chết thiêu và các loài chim, các sinh vật khác cũng được thoát nạn chết thiêu.”  

 

Suy xét xong, Đức Bồ Tát chim cút con phát nguyện bằng lời chân thật rằng:

 

“ Santi pakkhā apatanā , santi pādā avañcanā.

   Mātā pitā ca nikkhantā  Jātaveda paṭikkama.([2])

 

- Này lửa! Tôi có 2 cánh mà không bay được,

Tôi có 2 chân mà không bước đi được,

Cha mẹ của tôi đã bay đi lánh nạn nơi khác rồi.

- Này lửa! Ngươi hãy nên tự dập tắt ngay!

 

Sau khi Đức Bồ Tát cút con phát nguyện bằng lời chân thật xong, ngọn lửa đang cháy dữ dội kia tự dập tắt ngay như gặp phải nước, cách xa tổ của Đức Bồ Tát chim cút con xung quanh khoảng 16 karīsa (khoảng 16 mẫu).

Do oai lực lời chân thật của Đức Bồ Tát chim cút con ấy, từ đó về sau, suốt một kiếp trái đất không xảy ra nạn cháy rừng như hằng năm.

Trong khu rừng ấy, chúng sinh muôn loài sống được an toàn, không còn kinh sợ nạn cháy rừng nữa.

Đức Bồ Tát chim cút sống được an lành cho đến hết  tuổi thọ.

Sau khi Đức Bồ Tát chim cút chết, thiện nghiệp cho quả tái sinh trong cõi thiện giới: Cõi người, các cõi trời dục giới an hưởng mọi sự an lạc tại cõi ấy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn thuyết dạy rằng:

- Này chư tỳ khưu! Ngọn lửa cháy rừng tự dập tắt, không còn cháy lan đến chỗ đứng này do oai lực của Như Lai không chỉ trong kiếp hiện tại, mà còn tiền kiếp của Như Lai sinh làm kiếp chim cút con phát nguyện bằng lời chân thật, khiến cho ngọn lửa cháy rừng tự dập tắt, không còn cháy lan đến tổ của Đức Bồ Tát chim cút con cũng như vậy.

  Sau khi thuyết tích Vaṭṭakajātaka xong, Đức Thế Tôn thuyết giảng về chân lý tứ Thánh đế, chư tỳ khưu chứng ngộ chân lý tứ thánh đế, số tỳ khưu trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, v.v…  tùy theo năng lực Ba-la-mật của mỗi vị Tỳ khưu.

 

Tích Vaṭṭakajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện Tại.

 

Trong tích Vaṭṭakajātaka, Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm chim cút trong thời quá khứ. Đến khi Đức Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian thì hậu kiếp của những nhân vật trong tích Vaṭṭakajātaka liên quan đến kiếp hiện tại những nhân vật ấy như sau:

- Cha mẹ của Đức Bồ Tát chim cút, nay kiếp hiện tại là Đức Phụ Vương Suddhodana và Mẫu hậu Mahā-mayādevī.

- Đức Bồ Tát chim cút, nay kiếp hiện tại là Đức Phật Gotama. 

 

10 Pháp hạnh Ba-la-mật

 

Tóm lược tích chuyện Đức Bồ Tát chim cút con (Vaṭṭaka),tiền kiếp của Đức Phật Gotama đã thực hành pháp hạnh chân thật Ba-la-mật bậc hạ, ngoài ra, còn có các pháp hạnh Ba-la-mật khác cũng đồng thời thành tựu:  

- Đức Bồ Tát chim cút con có tâm bi cứu sống các sinh vật trong rừng, đó là pháp hạnh bố thí Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát chim cút con có trí tuệ suy xét các pháp sâu sắc, đó là pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát chim cút con có tinh tấn, đó là pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật. 

- Đức Bồ Tát chim cút con có đức nhẫn nại, đó là pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát chim cút con phát nguyện bằng lời chân thật, đó là pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát chim cút con có tâm từ đối với tất cả chúng sinh, đó là pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát chim cút con có tâm xả đối với tất cả chúng sinh, đó là pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật.

 

Đó là 7 pháp hạnh Ba-la-mật cũng đồng thời thành tựu cùng với pháp hạnh chân thật Ba-la-mật bậc hạ này.

 

 Nhận Xét Về Tích Đức Bồ Tát Chim Cút Con.

 

Trong tích Vaṭṭakajātaka này, Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm kiếp chim cút con (Vaṭṭaka) còn nhỏ chưa bước đi được, chưa bay được,    nằm trong tổ, cha mẹ cút tha mồi đem về nuôi Đức Bồ Tát chim cút con.

Khi ấy, đám cháy rừng dữ dội, ngọn lửa đang cháy lan đến chỗ của Đức Bồ Tát chim cút con nằm một mình trong tổ. Đức Bồ Tát chim cút con ấy, tuy có 2 chân, nhưng không thể bước đi được, tuy có 2 cánh, nhưng không thể bay được, Đức Bồ Tát chim cút con ấy không còn nơi nương nhờ, không có nơi ẩn náu nào cả. Ngài tư duy rằng: “Trong đời này, giới đức đang hiện hữu, sự thật chân lý đang hiện hữu…

Trong thời quá khứ, chư Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Chánh Giác tự mình chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác. 

Ta nên niệm tưởng Ân đức Phật, Ân đức Pháp,  ấy, và chính ta cũng có các sự thật.

Vậy, ta nên phát nguyện bằng lời chân thật ấy.”

 

Sau khi tư duy xong, Đức Bồ Tát chim cút con phát nguyện bằng lời chân thật rằng:  

 - Này lửa! Tôi có 2 cánh mà không bay được.

 - Này lửa! Tôi có 2 chân mà không bước đi được.

 - Này lửa! Cha mẹ của tôi đã lánh nạn nơi khác rồi.

 - Này lửa! Ngươi hãy nên tự dập tắt ngay!

 

Sau khi Đức Bồ Tát chim cút con phát nguyện bằng lời chân thật xong, ngọn lửa đang cháy dữ dội tự dập tắt ngay, như gặp phải nước, cách xa tổ của Đức Bồ Tát chim cút con xung quanh 16 karīsa (khoảng 16 mẫu). 

Từ đó về sau, do oai lực lời phát nguyện chân thật của Đức Bồ Tát chim cút con ấy, nạn cháy rừng hằng năm không còn xảy ra suốt kiếp trái đất ấy. (kappaṭṭhāyiṃ mahātejaṃ). 

Hậu kiếp của Đức Bồ Tát chim cút con quá khứ ấy, nay kiếp hiện tại là Đức Phật Gotama ngự đi cùng chư tỳ khưu tăng Đại Đức Tăng giữa khu rừng trong vùng Magadha, gặp đám cháy rừng dữ dội, ngọn lửa đang cháy lan đến chỗ đứng của Ngài, do oai lực lời phát nguyện chân thật của Đức Bồ Tát chim cút con tiền kiếp của Ngài, khiến ngọn lửa tự dập tắt ngay, như gặp phải nước, cách xa chỗ đứng của Đức Phật xung quanh 4 phía khoảng 32 karīsa (khoảng 32 mẫu).

Sự thật, tử sinh luân hồi của mỗi chúng sinh, phần thân bị tan rã theo mỗi kiếp, còn phần tâm sinh rồi diệt liên tục không ngừng từ kiếp này sang kiếp khác, từ vô thuỷ cho đến kiếp hiện tại trải qua vô số kiếp không sao kể được.

Tâm có chức năng tích luỹ tất cả mọi thiện nghiệp và mọi ác nghiệp. Nghiệp có khả năng cho quả ngay trong kiếp hiện tại, kiếp kế tiếp (tái sinh kiếp sau), và kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán, trước khi tịch diệt Niết Bàn. Nếu nghiệp nào có cơ hội thì nghiệp ấy mới có khả năng cho quả của nghiệp ấy.

Sự thật, lời phát nguyện chân thật của Đức Bồ Tát chim cút con (tiền kiếp) trong thời quá khứ vẫn còn có oai lực trong kiếp hiện tại của Đức Phật Gotama, làm cho ngọn lửa tự dập tắt ngay, cách xa chỗ đứng của Đức Phật Gotama xung quanh khoảng 32 karīsa (khoảng 32 mẫu). Cho nên, lời phát nguyện chân thật có oai lực rất phi thường.

Ví như trong tích  Kaṇhadīpāyanajātaka(1) này, Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama là vị đạo sĩ Kaṇhadīpāyana  (trích một đoạn ngắn) ở tại cốc lá.

Một hôm, một người bạn cũ tên Mandabya dẫn vợ và đứa con trai nhỏ tên Yaññadatta đến thăm, cúng dường các thức vật dụng đến  đạo sĩ  Kaṇhadīpāyana tại cốc lá.  

Trong khi Đức Bồ Tát đạo sĩ Kaṇhadīpāyana tiếp chuyện với 2 vợ chồng người bạn, còn đứa bé trai Yaññadatta chạy ra ngoài vườn chơi đánh con quay, con quay xoay chạy rơi xuống miệng hang đụng đầu con rắn hổ mang, cậu bé Yaññadatta đưa tay xuống hang lấy con quay thì bị con rắn hổ mang cắn nơi tay của cậu bé, nọc độc rắn hổ mang xâm nhập vào thân mình làm cho cậu bé Yaññadatta đau đớn hét lớn lên, rồi nằm xuống đất chết giấc. 

Nhìn thấy con như vậy, cha mẹ cậu bé chạy đến bồng con vào đặt dưới chân của ngài đạo sĩ Kaṇhadīpāyana,  bạch rằng:

- Kính bạch Ngài đạo sĩ, cầu xin Ngài chữa trị, cứu mạng con của chúng tôi.

Đức Bồ Tát đạo sĩ Kaṇhadīpāyana bảo rằng:

- Này 2 bạn! Bần đạo không có thuốc chữa trị nọc rắn độc.

- Kính bạch Ngài đạo sĩ, nếu Ngài không có thuốc chữa trị nọc rắn độc, thì kính xin Ngài phát nguyện bằng lời chân thật vậy!

Đức Bồ Tát đạo sĩ Kaṇhadīpāyana nhận lời:

Lành thay! Bần đạo phát nguyện bằng lời chân thật.

Đức Bồ Tát đạo sĩ Kaṇhadīpāyana đưa bàn tay phải đặt trên đầu của bé Yaññadatta phát nguyện bằng lời chân thật rằng:

“Bần đạo mong tạo nhiều phước thiện, nên từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành đạo sĩ với đức tin trong sạch.

Bần đạo rất hoan hỷ thực hành phạm hạnh một cách hoàn toàn trong sạch chỉ có được 7 ngày đầu mà thôi.

Từ đó về sau, dù không hài lòng đời sống đạo sĩ, bần đạo vẫn ráng chịu đựng thực hành phạm hạnh trải qua suốt hơn 50 năm, mà không một ai biết được.

 Do oai lực của lời chân thật này của bần đạo, xin cho nọc rắn độc trong thân thể của bé Yaññadatta hãy được tan biến.

Cầu mong sự an lành đến với bé Yaññadatta. Xin bé Yaññadatta được hồi sinh.”

Sau khi Đức Bồ Tát đạo sĩ Kaṇhadīpāyana phát nguyện bằng lời chân thật trên vừa chấm dứt, thì nọc rắn độc trong thân thể của bé Yaññadatta được tan biến dần xuống đến ngực.

Bé Yaññadatta mở mắt gọi “Mẹ kính yêu của con!” rồi nằm yên.  

Khi ấy, Đức Bồ Tát đạo sĩ Kaṇhadīpāyana động viên khuyến khích người cha của bé Yaññadatta rằng:

- Này bạn Maṇḍabya! Oai lực của bần đạo chỉ có bấy nhiêu. Vậy, bạn hãy nên phát nguyện bằng lời chân thật của bạn thêm nữa, để làm cho nọc độc rắn được tan biến.

Tiếp theo người cha của bé Yaññadatta đưa bàn tay đặt trên ngực của con, rồi phát nguyện bằng lời chân thật của mình rằng:

“Khi tôi thấy người khách đến xin nghỉ lại, dù đôi khi tôi không hài lòng cho người khách ấy, mà tôi vẫn để cho người khách ấy nghỉ lại nhà. 

Đó là điều mà các sa môn, Bà-la-môn không biết tôi không hài lòng, và chính tôi cũng không muốn cho ai biết điều ấy.

Do oai lực lời chân thật này của tôi, xin cho nọc rắn độc trong thân thể của Yaññadatta con tôi hãy được tan biến ngay.

Cầu mong sự an lành đến với con của tôi. Xin Yaññadatta con của tôi được hồi sinh”.

Sau khi người cha của bé Yaññadatta phát nguyện bằng lời chân thật trên vừa chấm dứt, thì nọc rắn độc trong thân thể của bé Yaññadatta con của ông được tan biến xuống phía dưới, Yaññadatta con của ông có thể ngồi dậy được, nhưng chưa có thể đi được.  

Ông Maṇḍabya cha của bé Yaññadatta bảo người vợ của ông rằng:

- Này em yêu quý! Anh chỉ có oai lực bấy nhiêu. Vậy, em hãy phát nguyện bằng lời chân thật của em thêm nữa, để cho con của chúng ta được hoàn toàn bình phục.

Vâng lời chồng, với tình thương yêu của người mẹ đối với con, nên bà can đảm phát nguyện bằng lời chân thật của bà rằng:

- Này Yaññadatta con yêu quý của mẹ! Con rắn hổ mang có nọc độc kinh khủng cắn con như vậy. Con rắn hổ mang ấy không phải là nơi yêu thương của mẹ trong ngày hôm nay. Cũng giống như cha của con không phải là người chồng yêu thương của mẹ đã từ lâu. Đó là điều mà không một ai biết được.

 Do oai lực của lời chân thật này của mẹ, xin cho nọc rắn độc trong thân thể của Yaññadatta con của tôi hãy được tan biến hết thảy.

Cầu mong sự an lành đến với Yaññadatta con của tôi, Yaññadatta con của tôi được hoàn toàn bình phục.

Sau khi người mẹ của Yaññadatta phát nguyện bằng lời chân thật trên vừa chấm dứt, thì nọc rắn độc trong thân thể của bé Yaññadatta con của bà được tan biến hết thảy, Yaññadatta con của bà hoàn toàn bình phục, đứng dậy nói năng chạy đi chơi như trước.

Như vậy, lời phát nguyện chân thật có oai lực làm tan biến được nọc rắn độc. Thật là điều phi thương!

Oai lực của lời phát nguyện chân thật phải là điều có thật của mình hoặc của người khác. Điều có thật ấy dù là điều tốt, dù là điều xấu cũng vẫn là điều chân thật mà người phát nguyện bằng lời chân thật ấy chắc chắn có được oai lực phi thường.



[1] Bộ Jātakaṭṭhakathāpāḷi, phần  Ekakanipāta,  Tích Vaṭṭakajātaka

[2]

 

7.2- Pháp Hạnh Chân Thật Ba-la-mật Bậc Trung  (Sacca Upapāramī)

 

 Tích Macchajātaka (Mach-chá-cha-tá-ká)                                                  

 

Trong tích Macchajātaka(1), Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm Vua loài cá thực hành pháp hạnh chân thật Ba-la-mật bậc trung (Sacca upapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

 

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi. Khi ấy, trong đất nước Kosala gặp lúc hạn hán kéo dài, không mưa làm cho mùa màng khô héo, không trồng trọt được, bởi vì các con sông, suối, hồ nước lớn đều khô cạn. Ngay cả hồ nước lớn ở trong khuôn viên của ngôi chùa Jetavana, gần cổng ra vào cũng bị khô cạn. các loài cá, rùa v.v…đều tìm chui vào lớp bùn để lánh nạn.

Nhìn thấy cảnh tượng bầy quạ, bầy diều v.v… bay đến hồ, dùng mỏ bới lớp bùn bắt các con cá đang vùng vẫy để ăn, Đức Thế Tôn phát sinh tâm đại bi, muốn cứu sống các con cá, v.v... thoát khỏi cảnh khổ chết chóc này, nên Đức Thế Tôn nghĩ rằng:

“Như Lai nên khiến cho trời mưa xuống tràn đầy hồ nước này”

Buổi sáng hôm ấy, Đức Thế Tôn ngự vào kinh thành Sāvatthi khất thực cùng với số đông chư tỳ khưu Tăng. Sau khi độ ngọ xong, Đức Thế Tôn ngự trở về ngôi chùa Jetavana cùng với số đông chư tỳ khưu Tăng.

Khi vào cổng chùa Jetavana, Đức Thế Tôn ngự đến đứng tại bậc cấp hồ nước lớn của ngôi chùa Jetavana, rồi truyền bảo Ngài Đại Đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda! Con hãy đem tấm y tắm đến đây, Như Lai sẽ tắm tại hồ nước này, 

Ngài Đại Đức Ānanda bạch rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, nước trong hồ lớn này đều khô cạn, chỉ còn lại bùn mà thôi. Bạch ngài.

- Này Ānanda! Thông thường, oai lực của Chư Phật thật là phi thường. Vậy, con hãy nên đem tấm y tắm đến cho Như Lai.

Vâng lời dạy của Đức Thế Tôn, Ngài Đại Đức Ānanda đem tấm y tắm đến dâng lên Đức Thế Tôn.

Nhận tấm y tắm, Đức Thế Tôn thay bộ y, mặc tấm y tắm vào, một tấm trùm cái đầu, đứng tại bậc cấp hồ nước lớn, có ý định rằng:

Như Lai sẽ tắm nước hồ Jetavana này.”

Ngay khi ấy, tảng đá quý của Đức Vua Trời Sakka phát nóng, Đức Vua Trời Sakka xem xét nguyên nhân, thì biết rõ ý định của Đức Thế Tôn. Cho nên Đức Vua Trời Sakka truyền gọi Đức Thiên Vương làm mưa (Vassavalahaka devarājā) đến, rồi truyền bảo rằng:

- Này vị Thiên Vương, Đức Thế Tôn có ý định sẽ tắm nước hồ Jetavana này. Ngài đang đứng tại bậc cấp hồ nước Jetavana ấy.

Vậy, ngươi hãy mau đến nơi ấy, làm cho trời mưa khắp mọi nơi trên toàn đất nước Kosala.

Tuân theo lệnh của Đức Vua Trời Sakka, Đức Thiên Vương làm mưa hiện đến nơi ấy hóa ra từng đám mây những tia chớp…. , một lúc sau, mưa trút xuống tràn khắp mọi nơi trên đất nước Kosala. Tại hồ nước lớn Jetavana nước đã lên đầy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tắm nước hồ Jetavana xong, thay tấm y tắm bằng bộ y, rồi Ngài ngự đến cốc Gandhakuṭi, cùng với chư tỳ khưu Tăng, Đức Thế Tôn đứng trên tảng đá truyền dạy chư tỳ khưu Tăng xong, Đức Thế Tôn ngự vào cốc Gandhakuṭi nghỉ ngơi, còn chư tỳ khưu trở về chỗ ở của mình.

 

Vào buổi chiều, số đông tỳ khưu đến tụ hội tại giảng đường, đàm đạo về chuyện Đức Thế Tôn khiến cho trời mưa xuống khắp mọi nơi rằng:

- Này các pháp hữu! Quý vị thấy ân đức của Đức Thế Tôn thật là phi thường! Tâm đại từ, tâm đại bi của Đức Thế Tôn đối với tất cả chúng sinh.

Khi thấy đồng ruộng bị khô hạn, các con sông, suối, hồ nước lớn nhỏ đều bị khô hạn, dân chúng trong nước lâm vào cảnh khổ, các loài cá, rùa, những sinh vật sống dưới nước, v.v… đang chịu cảnh khổ phải chui xuống dưới bùn để lánh nạn.

Muốn cứu giúp tất cả chúng sinh thoát khỏi cảnh khổ, Đức Thế Tôn mặc tấm y tắm đứng tại bậc cấp hồ nước Jetavana, với ý định tắm nước hồ Jetavana này.

Ngay khi ấy, Đức Thiên Vương hiện đến làm mưa xuống khắp mọi nơi trên toàn đất nước Kosala. Trong chốc lát, hồ nước lớn Jetavana có nước lên tràn bờ, để cho Đức Thế Tôn tắm nước hồ Jetavana. Các loài sinh vật sống ở dưới nước đều được an toàn sinh mạng, dân chúng trong đất nước Kosala có nước đầy đủ để cày cấy gieo trồng các loại hoa màu khác, để cuộc sống của người dân được no đủ.

- Này các pháp hữu! Oai lực của Đức Thế Tôn thật là phi thường quá!

Nghe bằng thiên nhĩ cuộc đàm đạo của chư tỳ khưu, Đức Thế Tôn ra khỏi cốc Gandhakuṭi, ngự đến giảng đường, ngồi trên pháp toà truyền hỏi chư tỳ khưu rằng:

- Này chư tỳ khưu! Các con đang đàm đạo về chuyện gì vậy?

Chư tỳ khưu bạch với Đức Thế Tôn về chuyện đang đàm đạo.

Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:

- Này chư tỳ khưu! Không chỉ kiếp hiện tại Như Lai là Đức Phật Chánh Đẳng Giác khiến cho trời mưa xuống khắp mọi nơi trên đất nước Kosala, để cứu giúp mọi chúng sinh trong cảnh khổ, mà còn tiền kiếp của Như Lai sinh làm Vua loài cá, khi gặp lúc hạn hán kéo dài làm cho các sông, suối cạn nước. Các loài cá, rùa, các sinh vật sống dưới nước, v.v… đều bị lâm vào cảnh khổ. Đức Bồ Tát Vua cá ấy phát nguyện bằng lời chân thật, khiến cho trời mưa xuống khắp nơi trên đất nước Kosala, làm cho các con sông, suối, hồ lớn, nhỏ đều có nước đầy đủ, cứu sống các loài cá, rùa, các sinh vật sống dưới nước, … đều thoát khỏi cảnh khổ chết chóc.

Chư Tỳ khưu kính thỉnh Đức Thế Tôn thuyết về tiền kiếp của Ngài.

 

Tích Macchajātaka

 

Khi ấy, Đức Thế Tôn thuyết về tích Macchajātaka được tóm lược như sau:

Trong thời quá khứ, một suối nước lớn nằm ở giữa khu rừng. Nay thời hiện tại, ngay tại hồ nước lớn Jetavana gần kinh thành Sāvathi trong đất nước Kosala này. Khi ấy, Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm Vua các loài cá đông đảo tại suối nước lớn.

 Thời gian hạn hán kéo dài, không có mưa như bây giờ, dân chúng gieo trồng đều bị khô héo, các con sông, suối, hồ nước lớn, nhỏ đều bị khô cạn, cho nên các loài cá, rùa, các sinh vật sống dưới nước, v.v… đều lâm vào cảnh khổ chết chóc.

Ngay dòng suối nước lớn nơi mà Đức Bồ Tát Vua cá đang sống cũng bị khô cạn, các loài cá, rùa, v.v… đều chui xuống bùn nằm lánh nạn.

Khi ấy, bầy quạ, bầy diều,… bay đến dòng suối ấy, dùng mỏ bới lớp bùn bắt con cá còn sống đang vẫy vùng, mổ ăn thịt con cá ấy.

Nhìn thấy cảnh tượng bà con dòng họ cá bị bầy quạ, diều, … sát hại ăn thịt như vậy, Đức Bồ Tát Vua cá nghĩ rằng: “ Ngoài ta ra, không có ai có thể cứu sống các bà con loài cá của ta thoát khỏi cảnh khổ chết chóc này. Vậy, ta nên phát nguyện bằng lời chân thật khiến cho trời đổ mưa xuống, nước tràn đầy bờ, để cứu sống bà con loài cá của ta, thoát khỏi mỏ của bầy quạ, diều, v.v..

Đức Bồ Tát Vua cá ngoi đầu lên khỏi bùn, lộ ra thân hình xinh đẹp, có đôi mắt sáng như hai viên ngọc maṇi, nhìn lên hư không dõng dạc phát nguyện bằng lời chân thật với Đức Thiên Vương Pajjuna làm mưa rằng:

- Muôn tâu Đức Thiên Vương Pajjuna, nhìn thấy cảnh tượng bà con loài cá của tôi bị bầy quạ, bầy diều, … bắt ăn thịt, nên tôi phát sinh tâm đại bi muốn cứ khổ chúng sinh.

Tôi có giới hạnh trong sạch đang bị khổ tâm như thế này, sao Đức Thiên Vương không cứu giúp làm mưa xuống, nước tràn đầy các dòng suối, các con sông, các hồ nước lớn, nhỏ, để cứu sinh mạng của chúng tôi?

- Muôn tâu Đức Thiên Vương Pajjuna, tuy tôi sinh làm loài cá, nhưng tôi chưa hề ăn thịt đồng loại cá dù chỉ là một con cá nhỏ bằng hột gạo, và tôi cũng không có tác ý sát sinh giết hại một sinh vật nào cả.

 Do lời phát nguyện chân thật này, cầu xin Đức Thiên Vương Pajjunna hãy làm mưa xuống, nước tràn đầy các dòng suối, các con sông, các hồ nước lớn nhỏ, để cứu  sống bà con loài cá chúng tôi thoát khỏi nạn diệt vong.

Đức Bồ Tát vua cá truyền dạy các thuộc hạ loài cá đọc câu kệ rằng:

 

"Abhitthanaya Pajjunna,   nidhiṃ kākassa nāsaya.

Kākaṃ sokāya randhehi,   mañca sokā pamocaya”

 

- Muôn tâu Đức Thiên Vương Pajjuna, cầu xin Đức Thiên Vương Pajjunna hãy phát ra những tiếng sấm sét vang rền, những tia chớp sáng ngời cả không gian, rồi làm mưa đổ xuống, nước tràn đầy các dòng suối, các con sông, các hồ nước lớn, nhỏ, làm cho kho vật thực của bầy quạ, diều, v.v… không được nữa.

Cầu xin Đức Thiên Vương Pajjuna làm cho bầy quạ, diều… nóng nảy sầu não, đồng thời giải cứu tôi và bà con dòng họ loài cá chúng tôi cùng với các loài sinh vật khác được thoát khỏi khổ sầu não bởi nạn chết.

Đức Bồ Tát Vua cá và các thuộc hạ đọc bài kệ này xong, trời đổ mưa xuống khắp mọi nơi trên đất nước Kosala, nước đầy tràn các dòng suối, các con sông, các hồ nước lớn, nhỏ không chỉ giải cứu các loài cá, rùa, các sinh vật sống trong nước, mà còn giúp cho dân chúng có nước để cày cấy, trồng trọt các loại cây hoa màu, được thoát khỏi nạn đói khát nữa.

Sau khi thuyết về tích Macchajātaka xong, Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:

- Này Chư tỳ khưu! Không chỉ kiếp hiện tại Như Lai là Đức Phật Chánh Đẳng Giác khiến cho trời mưa đổ xuống, mà còn trong tiền kiếp của Như Lai, sinh làm Vua các loài cá cũng đã từng phát nguyện bằng lời chân thật khiến cho trời mưa đổ xuống khắp mọi nơi trên đất nước Kosala này.

 

Tích Macchajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện Tại.

 

Trong tích Macchajātaka này, Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm Vua các loài cá trong thời quá khứ. Đến khi Đức Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian thì hậu kiếp của những nhân vật trong tích Macchajātaka liên quan đến kiếp hiện tại của những nhân vật ấy như sau:

- Bà con dòng họ loài cá, nay kiếp hiện tại là tứ chúng: Tỳ khưu, tỳ khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ.

- Đức Thiên Vương Pajjunna, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Ānanda.

- Đức Bồ Tát Vua cá, nay kiếp hiện tại là Đức Phật Gotama.

 

10 Pháp Hạnh Ba-la-mật

 

Tóm lược tích Đức Bồ Tát Vua cá tiền kiếp của Đức Phật Gotama đã thực hành pháp hạnh chân thật Ba-la-mật bậc trung, ngoài ra, còn có pháp hạnh Ba-la-mật khác cũng đồng thời thành tựu như sau:

- Đức Bồ Tát Vua cá giữ giới trong sạch, không giết hại chúng sinh, là bố thí sự an toàn sinh mạng của chúng sinh, đó là pháp hạnh bố thí Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát Vua cá giữ giới trong sạch, đó là pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát Vua cá có trí tuệ suy xét đúng đắn, đó là pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát Vua cá có sự tinh tấn không ngừng, đó là pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát Vua cá có đức nhẫn nại, đó là pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát Vua cá phát nguyện bằng lời chân thật, đó là pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát Vua cá có tâm từ đối với chúng sinh, đó là pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật.

 

Đó là 7 pháp hạnh Ba-la-mật khác đồng thời thành tựu cùng một lúc với pháp hạnh chân thật Ba-la-mật bậc trung này.

 

Nhận Xét Về Tích Đức Bồ Tát Vua Cá

 

Pháp hạnh chân thật Ba-la-mật bậc trung là 1 trong 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc trung, cũng là 1 trong 30 pháp hạnh Ba-la-mật mà Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cần phải thực hành cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác ( Sammāsambuddha).

Pháp hạnh chân thật Ba-la-mật đó là lời nói chân thật bằng thiện tâm trong sạch.

Tích Macchajātaka này, Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm Vua các loài cá, thực hành pháp hạnh chân thật Ba-la-mật bậc trung.

Khi ấy, thời gian nạn hạn hán kéo dài, trời không mưa, nước các dòng suối, các con sông, các hồ nước lớn, nhỏ đều bị khô cạn, nên các loài cá, rùa, các sinh vật, v.v… đều ẩn mình dưới lớp bùn lánh nạn.

Gặp lúc nước bị khô cạn, các bầy quạ, diều, v.v…. bay đến bới lớp bùn bắt những con cá còn sống ăn thịt.

Nhìn thấy cảnh tượng đồng loại các loài cá bị bầy quạ, diều, … ăn thịt, Đức Bồ Tát Vua cá phát sinh tâm đại bi muốn cứu giúp các loài cá, rùa, các loài sinh vật sống trong nước được thoát khỏi cảnh khổ chết chóc này. Cho nên, Đức Bồ Tát Vua cá phát nguyện bằng lời chân thật, rồi khuyên bảo các loài cá thuộc hạ cũng đọc bài kệ cầu Đức Thiên Vương Pajjunna làm cho mưa đổ xuống, nước đầy tràn các dòng suối, các con sông, các hồ nước lớn, nhỏ, để cứu sinh mạng các loài cá, rùa và các sinh vật sinh sống dưới nước, bằng bài kệ như sau:

 

"Abhitthanaya Pajjunna,   nidhiṃ kākassa nāsaya.

Kākaṃ sokāya randhehi,   mañca sokā pamocaya"

 

Thật vậy, sau khi đọc bài kệ này xong, trời mưa từ trên hư không rơi xuống như nước đổ, chẳng mấy chốc, nước đầy tràn các dòng suối, các con sông, các hồ nước lớn, nhỏ, cứu sinh mạng các loài cá, rùa và các sinh vật sinh sống dưới nước, đồng thời làm cho bầy quạ, diều, … phải khổ tâm sầu não, vì mất đi kho vật thực loài cá ở trong nước.

 

Bài Kệ Cầu Mưa

 

Về sau, bài kệ này trở thành bài kệ cầu mưa. Mỗi khi trời hạn hán kéo dài, mùa màng không canh tác được, người ta cùng nhau đọc bài kệ cầu mưa  ấy.

Để lễ cầu mưa cho được thành tựu, trời mưa xuống như ý. Những người làm lễ cầu mưa phải là những người có giới đức trong sạch, có thành tâm cầu nguyện bằng lời chân thật mới linh ứng.

Như vậy, trước khi làm lễ cầu mưa, những người ấy phát nguyện bằng lời chân thật của mình, rồi tụng niệm đến 9 ân Đức Phật, 6 ân Đức Pháp, 9 ân Đức Tăng,  tiếp theo đọc bài kệ cầu mưa  ấy.

Cầu mong chư thiên, nhất là Đức Thiên Vương Pajjunna tế độ, giúp làm cho trời mưa xuống, có nước đầy đủ, để tất cả chúng sinh thoát khỏi cảnh khổ thiếu nước,  cuộc sống được an lành.

 

(Xong pháp hạnh chân thật Ba-la-mật bậc trung)



(1) Bộ  Jātakaṭṭhakathā,  Phần Ekakamipāta.Tích Macchajāttaka, 



7.3- Pháp Hạnh Chân Thật Ba-La-Mật Bậc Thượng

   (Saccaparamatthapāramī)

 

Tích Mahāsutasomajātaka (Má-hà-xu-tá-xô-má)

 

Tích Mahāsutasomajātaka([1]) Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm Đức Vua Sutasoma thực hành pháp hạnh chân thật Ba-la-mật bậc thượng (Sacca- paramatthapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi. Một hôm, Đức Thế Tôn một mình ngự vào trong rừng sâu, để tế độ tên cướp sát nhân có biệt danh là Aṅgulimāla, xuất gia rồi trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Trước khi xuất gia tỳ khưu trở thành bậc Thánh A-ra-hán, Ngài Aṅgulimāla([2]) là tên cướp sát nhân có võ thuật cao cường, đã từng giết trên cả ngàn người tại khu rừng rậm, Đức Thế Tôn một mình ngự đến khu rừng ấy, sử dụng phép thần thông để tế độ tên cướp sát nhân Aṅgulimāla.

Sau khi đã tỉnh ngộ, y vất bỏ khí giới, quỳ xuống đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức Phật, xin xuất gia trở thành tỳ khưu.

Đức Phật đã cho phép xuất gia tỳ khưu bằng cách gọi “Ehi bhikkhu!” – Này Aṅgulimāla! Con hãy đến với Như Lai, con trở thành Tỳ khưu như ý nguyện….

Đức Phật ngự trở về chùa Jetavana cùng với tỳ khưu Aṅgulimāla theo sau. Về sau không lâu, tỳ khưu Aṅgulimāla thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng, đặc biệt Ngài là 1 trong 80 vị Thánh A-ra-hán Đại thanh văn đệ tử của Đức Phật Gotama.

Một hôm, Ngài Đại Đức Aṅgulimāla đi vào kinh thành Sāvatthi khất thực, thấy một người đàn bà mang thai đang đau khổ vì khó sinh, Ngài phát sinh tâm bi muốn cứu người đàn bà ấy khỏi khổ.

Sau khi khất thực xong, Ngài Đại Đức Aṅgulimāla trở về đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn bạch chuyện người đàn bà ấy. Đức Phật thuyết dạy Ngài phát nguyện bằng lời chân thật, rồi truyền bảo Ngài trở lại gặp người đàn bà ấy.

Vâng lời dạy của Đức Thế Tôn, Ngài Đại Đức Aṅgulimāla trở lại gặp người đàn bà ấy, Ngài phát nguyện bằng lời chân thật rằng:

- Này em gái, kể từ khi xuất gia trở thành tỳ khưu trong giáo pháp của Đức Phật Gotama, bần tăng biết rõ mình không có tác ý sát hại chúng sinh. Do lời chân thật này, xin cho em gái sinh nở được dễ dàng, thai nhi và em gái được an toàn.

Quả nhiên, sau khi Ngài vừa phát nguyện xong, người đàn bà ấy sinh ra đứa con và người mẹ được an toàn.

Một hôm, chư Tỳ khưu tụ hội tại giảng đường đang đàm đạo về Ngài Đại Đức Aṅgulimāla rằng:

- Này chư pháp hữu! Thật là điều phi thường chưa từng có, Đức Thế Tôn một mình ngự đến khu rừng sâu, tế độ được kẻ cướp sát nhân có võ thuật cao cường, rất hung ác, có biệt danh là Aṅgulimāla, bởi vì y giết người xong, liền cắt đầu ngón tay xâu làm vòng đeo trên cổ. Đức Thế Tôn, không cần sử dụng đến khí giới, đã thuyết phục được tên cướp sát nhân Aṅgulimāla thức tỉnh từ bỏ ác nghiệp sát sinh. Y đã kính xin Đức Thế Tôn cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu.

Chư Phật thường tế độ chúng sinh một cách phi thường như vậy.

Khi ấy, tại gandhakuṭi, Đức Thế Tôn nghe rõ cuộc đàm đạo của chư Tỳ khưu bằng thiên nhĩ thông. Đức Thế Tôn nghĩ: “Đây là cơ hội, Như Lai thuyết về tích Bồ Tát Mahāsutasoma, tiền kiếp của Như Lai, sẽ đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc cho tất cả chúng sinh”. Cho nên, Đức Phật từ gandhākuṭi ngự đến giảng đường. ngồi trên pháp toà, Đức Phật bèn hỏi chư Tỳ khưu rằng:

- Này chư Tỳ khưu! Các con đang đàm đạo về chuyện gì vậy?

Chư Tỳ khưu bạch với Đức Thế Tôn rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con đang đàm đạo về chuyện phi thường chưa từng có! Đức Thế Tôn đã tế độ Đại Đức Aṅgulimāla.

Đức Thế Tôn dạy rằng:

- Này chư Tỳ khưu! Nay Như Lai là Bậc Chánh Đẳng Giác đã tế độ Aṅgulimāla trong kiếp hiện tại này chưa phải là chuyện phi thường đâu! Khi Như Lai còn là Bồ Tát đang bồi bổ các pháp hạnh Ba-la-mật trong thời quá khứ. Bồ Tát tiền kiếp của Như Lai, đã từng thuyết phục được tiền kiếp của Aṅgulimāla, kẻ cướp sát nhân ăn thịt người có tên là Porisāda.

Truyền dạy như vậy, Đức Thế Tôn làm thinh.

Chư Tỳ khưu kính thỉnh Đức Thế Tôn thuyết về tiền kiếp của Ngài.

 

Tích Mahāsutasomajātaka

Khi ấy, Đức Thế Tôn thuyết về tích Mahāsutasoma-jātaka được tóm lược như sau:

Trong thời quá khứ, Đức Vua Korabya ngự tại kinh thành Indapatta trị vì đất nước Kuru bằng thiện pháp, thực hành 10 pháp vương (10 pháp hành của Đức Vua). Khi ấy, Bà Chánh cung Hoàng hậu của Đức Vua Korabya mang thai Đức Bồ Tát, tiền kiếp của Đức Phật Gotama. Đức Bồ Tát Thái tử sinh ra đời được đặt tên là Sutasoma.

 

Khi Đức Bồ Tát Thái tử Sutasoma trưởng thành được Đức Phụ Vương ban cho số tiền 1.000 Kahāpana, gửi đi học tại kinh thành Takkasilā với vị thầy Disāpamokkha, để theo học các bộ môn truyền thống của dòng dõi vua chúa. Đức Bồ Tát Thái tử Sutasoma nhận số tiền ấy, đảnh lễ Đức Phụ Vương và Mẫu hậu, rồi xin phép lên đường đến kinh thành Takkasilā.

Khi ấy, Thái tử Brahmadatta của Đức Vua Kāsi ngự tại kinh thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi, cũng được Đức Phụ Vương gửi đến kinh thành Takkasilā, để theo học các bộ môn truyền thống của dòng dõi vua chúa với vị thầy Disāpamokkha.

Đức Bồ Tát Thái tử Sutasoma vừa đến cửa kinh thành Takkasilā, ngồi nghỉ ở nhà mát trước cửa thành, thì Thái tử Brahmadatta cũng vừa đến và ngồi nghỉ tại nhà mát ấy. Đức Bồ Tát Thái tử Sutasoma hỏi làm quen với Thái tử Brahmadatta rằng:

Suta: - Thưa bạn, bạn từ nước nào đến đây, đi đường  

xa có vất vả lắm không?

Bra: - Thưa bạn, tôi từ kinh thành Bārāṇasī đến đây, đi đường xa cũng khá vất vả lắm!           

Suta:- Thưa bạn, bạn là con của ai? đến nơi đây với mục đích gì?

Bra: - Thưa bạn, tôi là Thái tử Brahmadatta của Đức Vua nước Kāsi, từ kinh thành Bārāṇasī đến kinh thành Takkasilā này, để theo học các bộ môn truyền thống của dòng dõi vua chúa với vị thầy Disāpamokkha.

Thưa bạn, xin bạn giới thiệu cho tôi biết về bạn.

Suta:- Thưa Thái tử Brahmadatta, tôi là Thái tử Sutasoma của Đức Vua Korabya, từ kinh thành Indapatta đến đây, cũng để theo học các bộ môn truyền thống của dòng dõi vua chúa với vị thầy Disāpamokkha.

Như vậy, bạn và tôi đều là Thái tử, hai chúng ta đều sẽ học chung với nhau một vị thầy.

Vậy, hai chúng ta nên kết bạn với nhau.

Thái tử Brahmadatta vô cùng hoan hỷ kết bạn với Thái tử Sutasoma. Hai Thái tử cùng nhau đi vào nội thành đến gặp vị thầy Disāpamokkha, đảnh lễ vị thầy xong, mỗi vị Thái tử tự giới thiệu thân thế của mình, với mục đích được theo học các bộ môn truyền thống của dòng dõi vua chúa. Vị thầy Disāpamokkha nhận hai Thái tử làm học trò, nên bảo rằng:

- Này 2 Thái tử! Thầy rất hoan hỷ tiếp nhận 2 vị làm học trò của Thầy.

Hai vị Thái tử xin dâng tiền học xong, bắt đầu học các bộ môn truyền thống. Trong thời gian học, không những có 2 Thái tử ấy mà còn có 101 Thái tử, hoàng tử từ các nước trong cõi Nam thiện bộ châu cùng theo học các bộ môn truyền thống của dòng dõi vua chúa với vị thầy Disāpamokkha nữa.

Trong tất cả Thái tử, hoàng tử, học trò của vị thầy Disāpamokkha, Đức Bồ Tát Thái tử Sutasoma là người học trò xuất sắc nhất về của các bộ môn.

Trải qua một thời gian lâu, các Thái tử, hoàng tử, đều đã học xong các bộ môn, làm lễ mãn khoá, và làm lễ tạ từ vị thầy Disāpamokkha. Các Thái tử, hoàng tử xin phép trở về cố quốc của mình.

Trên đường đi trở về, đến con đường rẽ đôi, đứng dừng lại nói lời chia tay với các bạn đồng môn, Đức Bồ Tát Thái tử Sutasoma thưa rằng:

- Thưa quý vị Thái tử, Hoàng tử thân mến! Chúng ta, mỗi người khi trở về đất nước của mình, vào chầu đảnh lễ Đức Phụ Vương và Mẫu hậu. Về sau, khi lên ngôi làm vua, xin quý vị nên thực hành theo lời khuyên của tôi rằng:

* Xin quý vị giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch và thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng.

* Xin quý vị kính trọng và thương yêu lẫn nhau, không nên làm khổ lẫn nhau, không nên làm khổ các người khác.

* Mỗi khi vị Thái tử hoặc hoàng tử nào được làm lễ đăng quang lên ngôi vua, vị Thái tử hoặc hoàng tử ấy gửi thư mời các bạn đến tham dự, để gắn bó tình thân hữu giữa các nước trong cõi Nam thiện bộ châu với nhau.

Các vị Thái tử, hoàng tử đều hoan hỷ vâng lời dạy của Đức Bồ Tát Thái tử Sutasoma. Sở dĩ khuyên các Thái tử, hoàng tử như vậy, là vì Đức Bồ Tát Thái tử Sutasoma đoán biết rằng sau này sẽ có tai hoạ lớn sẽ xảy ra từ Đức Vua Brahmadatta tại kinh thành Bārāṇasī.

Sau khi làm lễ chia tay, mỗi vị Thái tử, hoàng tử trở về cố quốc của mình.

Thời gian sau, Đức Bồ Tát Thái tử Sutasoma lên ngôi vua ngự tại kinh thành Indapatta trị vì đất nước Kuru. Thái tử Brahmadatta cũng lên ngôi vua ngự tại kinh thành Bārānasi trị vì đất nước Kāsi. Và 101 vị Thái tử, Hoàng tử, mỗi vị cũng đều được lên ngôi vua tại mỗi nước của mình. Vâng theo lời khuyên dạy của Đức Vua Bồ Tát Sutasoma, tất cả các Đức Vua đều có tình thân thiện bang giao các nước lớn nhỏ với nhau.

 

Đức Vua Brahmadatta Dùng Thịt Người

 

Riêng Đức Vua Brahmadatta ngự tại kinh thành Bārāṇasī trị vì nước Kāsi, thường có thói quen là mỗi bữa ăn đều phải có món thịt, đó là món ăn không thể thiếu đối với Đức Vua.

Trong thời kỳ ấy, vào những ngày giới uposathasīla hằng tháng, không ai giết các loài gia súc, gia cầm để ăn thịt. Cho nên, thường vào trước ngày giới, người đầu bếp của Đức Vua Brahmadatta phải mua thịt làm món ăn nấu chín, để dành cho ngày giới dâng lên Đức Vua.

Một hôm, vào trước ngày giới, người đầu bếp mua thịt làm món ăn nấu chín, rồi cất không cẩn thận, con chó nuôi trong cung đã ăn hết sạch phần thịt ấy. Chiều hôm ấy, người đầu bếp biết món thịt không còn nữa, nên đi tìm mua món thịt khác khắp nơi, nhưng không mua được món thịt nào cả.

Biết tính Đức Vua là mỗi bữa ăn không thể thiếu món thịt, người đầu bếp sợ Đức Vua bắt tội, cho nên, tối hôm ấy, lén đi vào nghĩa địa gặp một tử thi vừa mới chết, người đầu bếp xẻo một miếng thịt đùi đem về làm món ăn nấu chín, rồi cất giữ cẩn thận.

Sáng ngày hôm sau, người đầu bếp làm các món ăn có món thịt người ấy xong, một vị quan có bổn phận mang các món ăn dâng lên Đức Vua.

Hôm ấy, Đức Vua vừa mới đặt món thịt người trên đầu lưỡi, vị ngon của món thịt người ấy lan toả khắp toàn thân. Đức Vua nghĩ: “Vị ngon như thế này, ta chưa từng thưởng thức bao giờ trong kiếp hiện tại này, nhưng chắc chắn ta đã từng thưởng thức trong tiền kiếp”.

Thật ra, tiền kiếp vừa qua của Đức Vua Brahmadatta là kiếp Dạ-xoa ăn thịt người. Cho nên, kiếp hiện tại này, khi Đức Vua nếm vị thịt người liền có cảm giác ngon hơn các món thịt khác, do bởi vị tưởng (rasasaññā) trong quá khứ.

Đức Vua nghĩ tiếp: “Nếu ta làm thinh, thì người đầu bếp sẽ không tâu cho ta biết rõ món thịt này là món thịt gì”. Nghĩ xong, Đức Vua truyền lệnh gọi người đầu bếp vào chầu và cho vị quan hầu ra ngoài. Khi ấy, chỉ còn Đức Vua và người đầu bếp, Đức Vua truyền hỏi rằng:

- Này khanh! Hôm nay, ngươi nấu món thịt gì cho Trẫm dùng vậy?

Người đầu bếp hoảng sợ tâu dối rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, món thịt thường ngày, Bệ hạ dùng.

- Này khanh! Ngươi đã tâu dối, Trẫm biết không phải món thịt như thường ngày. Nếu ngươi không tâu thật cho Trẫm biết, món thịt ấy là món thịt gì thì Trẫm sẽ truyền lệnh giết ngươi.

- Muôn tâu Bệ hạ, kính xin Bệ hạ tha tội chết, kẻ hạ thần này xin tâu thật.

- Muôn tâu Bệ hạ, món thịt thường ngày mà kẻ hạ thần mua ngày hôm qua, đã làm món ăn nấu chín xong nhưng cất không cẩn thận nên con chó nuôi trong cung đã ăn phần thịt ấy. Chiều hôm qua, kẻ hạ thần đi tìm mua khắp nơi mà không được món thịt nào. Vì sợ Bệ hạ trị tội, nên tối hôm qua, kẻ hạ thần lén đi vào nghĩa địa xẻo miếng thịt người vừa mới chết, đem về làm món ăn thay món thịt thường ngày. Vậy, món thịt ấy là món thịt người.

Tâu Bệ hạ, tha tội chết.

Đức Vua truyền rằng:

- Này khanh! Kể từ hôm nay, các món thịt khác, Trẫm ban cho ngươi dùng, còn Trẫm chỉ dùng món thịt người  mà thôi.

Người đầu bếp tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, điều đó khó lắm! Làm sao kẻ hạ thần có món thịt người hằng ngày được.

Đức Vua truyền rằng:

- Này khanh! Điều ấy không có gì khó, trong khám nhà lao có nhiều phạm nhân. Vậy, ngươi bắt phạm nhân giết, lấy thịt làm món ăn dâng lên Trẫm.

Người đầu bếp tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, kẻ hạ thần xin tuân lệnh.

Tuân lệnh Đức Vua, từ ngày đó, người đầu bếp của Đức Vua bắt phạm nhân giết, rồi làm món ăn có món thịt người, mỗi ngày dâng lên Đức Vua Brahmadatta, mà chưa ai hay biết. Qua một thời gian sau, phạm nhân không còn trong khám nhà lao. Người đầu bếp tâu lên Đức Vua rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, trong khám nhà lao không còn phạm nhân nào, bây giờ kẻ hạ thần phải làm thế nào?

Đức Vua truyền lệnh cho người đầu bếp rằng:

- Này khanh! Ngươi đem gói tiền rải ngoài đường, rồi

ẩn núp một nơi kín theo dõi, hễ người nào lấy gói tiền ấy, thì bắt người ấy về tội trộm cắp, rồi giết người ấy chết lấy thịt, làm món ăn dâng lên Trẫm.

Về sau, người ta nhìn thấy gói tiền, vì sợ chết, nên không một ai dám nhặt gói tiền ấy, người đầu bếp tâu lên Đức Vua Brahmadatta rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, người ta sợ chết, nên không có một ai dám nhặt gói tiền nữa. Bây giờ, kẻ hạ thần phải làm thế nào?

Đức Vua truyền lệnh cho người đầu bếp ẩn núp một nơi nào kín đáo, khi nhìn thấy một người đàn ông hoặc người đàn bà nào đi, đứng một mình thì giết người ấy chết, rồi lấy thịt, làm món ăn dâng lên Đức Vua.

Không lâu sau, những con đường vắng trong kinh thành có rải rác những tử thi bị lóc lấy thịt, làm cho mùi hôi tỏa ra xung quanh. Có nhiều gia đình mất cha, mất mẹ, mất con, mất chị, em, bà con, khóc than thảm thiết. Những người trong kinh thành tụ họp bàn tán với nhau. Người thì nói rằng: “Những người ấy bị con cọp ăn thịt”, còn có người khác thì nói rằng: “họ bị sư tử ăn thịt”,… rồi nhìn kỹ những tử thi bị lóc lấy thịt, thấy có vết thương bị đâm chém…

Cho nên, những người ấy đều quả quyết rằng: “Có kẻ sát nhân ăn thịt người”.

 

Dân chúng trong thành dẫn nhau đến trước cửa cung điện của Đức Vua Brahmadatta tâu chuyện xảy ra trong kinh thành, cầu xin Đức Vua truyền lệnh cho lính triều đình bắt kẻ sát nhân ăn thịt người trị tội, nhưng Đức Vua không quan tâm đến lời khẩn khoản, cầu xin của họ. Họ vô cùng thất vọng ra về.

Họ lại cùng nhau đến dinh của vị quan Thừa tướng Kāḷahatthisenāpati trình bày chuyện xảy ra trong kinh thành, có tên sát nhân ăn thịt người, cầu xin vị Thừa tướng ra lệnh cho lính vây bắt tên sát nhân ăn thịt người để tri tội, để dân chúng trong kinh thành được sống an lành.

Vị quan Thừa tướng tiếp nhận lời yêu cầu của họ và hứa sẽ ra lệnh cho lính vây bắt cho được tên thủ phạm ấy. Ông kêu gọi dân chúng an tâm trở về. Vị Thừa tướng Kāḷahatthi ra lệnh các binh lính rằng:

- Này các binh lính! Dân chúng trong kinh thành cho biết rằng: “Trong kinh thành có tên sát nhân ăn thịt người”. Vậy, các ngươi hãy bố trí rải rác các ngõ đường vắng trong kinh thành, để bắt sống nó cho được, rồi giải về nộp cho ta.

Tuân theo lệnh của quan Thừa tướng, các binh lính bố trí rải rác các ngõ đường vắng trong thành. Đêm hôm ấy, người đầu bếp giết một người đàn bà, đang xẻo lấy thịt bỏ vào giỏ.

Khi ấy, các binh lính vây bắt người đầu bếp cùng với tang chứng giỏ thịt rõ ràng, liền cột 2 tay đằng sau rồi dẫn y đi, đồng thời thông báo cho dân chúng biết rằng đã bắt được tên sát nhân ăn thịt người rồi.

Dân chúng trong thành không còn lo sợ, kéo nhau ra đường xem tên sát nhân đang bị các binh lính dẫn đi nộp cho vị Thừa tướng Kāḷahatthi.

Nhìn thấy tên thủ phạm, vị Thừa tướng Kāḷahatthi nhận biết được y là người đầu bếp của Đức Vua. Muốn biết y giết người lấy thịt với mục đích gì, nên vị Thừa tướng khảo tra rằng:

- Này người đầu bếp! Ngươi giết người lấy thịt để làm gì? Tại sao ngươi hành động tàn nhẫn, độc ác giết người như vậy?

Người đầu bếp thưa rằng:

- Kính thưa Thừa tướng. Tôi giết người lấy thịt không phải để cho tôi, cũng không phải để cho vợ con, gia đình, bà con, bạn bè của tôi. Tôi đã hành động tàn nhẫn, độc ác giết người lấy thịt vì Đức Vua Brahmadatta người chủ của tôi. Đức Vua chỉ ưa thích ăn món thịt người mà thôi. Tôi đã thi hành theo lệnh của Đức Vua Brahmadatta.

Vị quan Thừa tướng bảo rằng:

- Này người đầu bếp! Ngươi nhớ đã khai rằng: “Tôi đã thi hành theo lệnh của Đức Vua Brahmadatta”. Do đó, ngươi hành động tàn nhẫn, độc ác giết người lấy thịt như vậy. Sáng ngày mai, ta sẽ dẫn ngươi vào cung điện, ngươi phải khai đúng sự thật về chuyện này với ta, trước sự hiện diện của Đức Vua Brahmadatta được hay không?

Người đầu bếp thưa rằng:

- Kính thưa Thừa tướng, sáng ngày mai, đứng trước cung điện, tôi sẽ khai đúng sự thật về chuyện này với Ngài, trước sự hiện diện của Đức Vua Brahmadatta. Thưa Ngài.

Vị Thừa tướng Kāḷahatthi ra lệnh binh sĩ dẫn người đầu bếp nhốt vào trong nhà giam, rồi cho người canh gác cẩn thận. Sau đó, Ông bàn bạc với các vị quan trong triều và dân chúng trong kinh thành, tất cả trên dưới đồng một lòng đến chầu Đức Vua. Vị Thừa tướng ra lệnh cho binh sĩ giữ gìn an ninh trật tự trong kinh thành cho được nghiêm ngặt.

Ngày hôm ấy, Đức Vua Brahmadatta đã dùng bữa ăn sáng và trưa có món thịt người, còn bữa ăn chiều, Đức Vua ngồi chờ người đầu bếp với ý nghĩ: Người đầu bếp sắp đến”. Đức Vua đã ngồi chờ suốt đêm đến sáng mà vẫn không thấy người đầu bếp đến.

Sáng sớm hôm sau, vị Thừa tướng Kāḷahatthi giải người đầu bếp trên vai có mang giỏ thịt người, cùng số đông dân chúng trong kinh thành đi theo sau đến trước cung điện của Đức Vua.

Khi nghe tiếng la hét ở ngoài cửa cung điện, Đức Vua đứng trên cung điện nhìn qua cửa sổ, thấy quan Thừa tướng Kāḷahatthi dẫn người đầu bếp trên vai có mang giỏ thịt đang đi vào cung điện. Đức Vua nghĩ: “Chuyện đã bại lộ rồi, ta nên đối phó bằng cách nào đây?” Đức Vua ngự xuống ngồi trên ngai vàng, khi ấy, vị Thừa tướng đến chầu cùng với người đầu bếp. Vị Thừa tướng Kāḷahatthi tâu với Đức Vua rằng:

- Tâu Bệ hạ, hạ thần nghe người đầu bếp khai rõ rằng: Chính Bệ hạ đã truyền lệnh cho người đầu bếp này đã từ lâu giết các người đàn ông, các người đàn bà lấy thịt làm món ăn dâng lên Bệ hạ. Hằng ngày, Bệ hạ đã dùng món thịt người ấy có thật hay không?

Nghe vị Thừa tướng tâu hỏi như vậy, Đức Vua biết không thể nói dối, nên truyền đúng sự thật rằng:

- Này Thừa tướng! Sự thật đúng như vậy, Trẫm đã truyền lệnh cho người đầu bếp này giết người lấy thịt, làm món ăn dâng lên Trẫm. Khi y đã thi hành theo lệnh của Trẫm, phục vụ cho Trẫm, tại sao khanh lại hành hạ y như vậy?

- Này Thừa tướng! Sao những kẻ trộm cắp, sát nhân khác trong nước, khanh không bắt trị tội, mà khanh lại bắt người phục vụ của Trẫm?

Nghe Đức Vua truyền sự thật như vậy, quan Thừa tướng nghĩ: “Đức Vua tự nhận đã dùng món thịt người. Vậy, Đức Vua là con người ác đã dùng thịt người từ lâu. Ta nên khuyên Đức Vua không nên dùng thịt người nữa.

Nghĩ xong, vị Thừa tướng tâu rằng:

 - Tâu Bệ hạ, xin Bệ hạ không nên dùng món thịt người nữa.

Đv:- Này Thừa tướng! Khanh tâu như vậy nghe được sao! Trẫm không dùng món thịt người làm sao được! Bởi vì thịt người là món ăn mà Trẫm ưa thích nhất.

Kāl:- Tâu Bệ hạ, nếu Bệ hạ không từ bỏ món thịt người được, thì Bệ hạ tự làm hại mình và hại dân chúng dẫn đến đất nước phải suy vong.

Đv:- Này Thừa tướng! Dù Trẫm bị chê trách như thế nào đi nữa, Trẫm cũng không thể bỏ dùng món thịt người được!

Vị quan Thừa tướng Kāḷahatthi tâu chuyện xưa lên Đức Vua Brahmadatta, để giúp làm cho Đức Vua thức tỉnh mà từ bỏ món thịt người như sau:



[1] Tích Mahāsutasomajātaka trong bộ chú giải Jātakaṭṭhakathā, phần Asītinipāta.

[2] Ngài Đại Đức Aṅgulimāla, vốn tên thật mà cha mẹ của Ngài đặt là Ahiṃsakakumāra, có nghĩa Công tử Vô Hại. Nhưng về sau vào rừng, Ngài giết nhiều người cắt đầu ngón tay xâu làm vòng đeo trên cổ. Do đó, người ta thường gọi Ngài là Aṅgulimāla (aṅguli: đầu ngón tay + māla: vòng đeo cổ) (Tìm hiểu rõ chuyện này trong quyển 8 Sự tích Phật lực).




[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024