• Nền Tảng Phật Giáo - Quyển VI

    PHÁP HẠNH BA-LA-MẬT

    (Tập 3)

  • Soạn giả: Hộ Pháp

 

8.2- Pháp Hạnh Phát Nguyện Ba-la-mật Bậc Trung    (Adhiṭṭhāna upapāramī)         

 

Tích  Kukkurajātaka (Kuc-ku-ra-cha-tá-ká)

 

Trong tích Kukkurajātaka ([1])Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm con Khuyển chúa thực hành pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật bậc trung (Adhiṭṭhāna  upapāramī). Tích này được bắt nguồn:

 

Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana, gần kinh thành Sāvatthi, khi ấy, đề cập đến sự tế độ bà con dòng họ, nên Đức Thế Tôn thuyết về tích Kukkurajātaka, tiền kiếp của Ngài được tóm lược như sau:

Trong thời quá khứ, Đức Vua Brahmadatta ngự tại kinh thành Bārāṇasī. Khi ấy, Đức Bồ Tát, tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm con Khuyển chúa ở gần nghĩa địa, có bà con dòng họ rất đông.

Một hôm, Đức Vua Brahmadatta ngự lên chiếc long xa được trang hoàng lộng lẫy, có đôi bạch mã báu kéo đi du lãm trong vườn thượng uyển, Đức vua vui chơi mãi đến chiều mặt trời sắp lặn mới hồi cung ngự trở về cung điện trong kinh thành Bārāṇasī. Vị quan đánh xe để chiếc long xa trước sân cung điện.

Đêm hôm ấy trời mưa, chiếc long xa bị ướt, nên dây  da và da bọc trong chiếc long xa nở ra, đàn chó được nuôi trong cung điện của Đức Vua Brahmadatta, đánh mùi da, chúng chạy đến cắn ăn dây da và da bọc trong chiếc long xa ấy.

Sáng ngày hôm ấy, thấy dây da và da bọc trong chiếc long xa bị cắn ăn, vị quan tâu lên Đức vua rằng:

 - Muôn tâu Bệ hạ, đêm hôm qua, các con chó bên ngoài đi theo con đường thoát nước vào trong cung, cắn ăn dây da và da bọc trong chiếc long xa của Bệ hạ.

Nghe vị quan tâu như vậy, Đức vua nổi cơn thịnh nộ, truyền lệnh rằng:

- Này các khanh! Các khanh hễ thấy con chó nào, thì hãy giết con chó ấy.

Từ đó, một tai họa lớn xảy đến loài chó, có nhiều con chó bị lính triều đình giết chết, có các con chó hoảng sợ chạy vào khu nghĩa địa trốn, dẫn nhau đến chỗ ở của Đức Bồ Tát khuyển chúa, Ngài truyền hỏi rằng:

- Này các ngươi! Do nguyên nhân gì mà các ngươi tụ hội nơi này đông đảo như vậy?

Các con chó thưa với Đức Bồ Tát khuyển chúa rằng:

- Kính thưa Ngài chúa loài chó, Đức Vua Brahma-datta nổi cơn thịnh nộ truyền lệnh rằng: “Này các khanh! Các khanh hễ thấy con chó nào, thì hãy giết con chó ấy.” Bởi vì các con chó cắn ăn dây da và da bọc trong chiếc long xa của Đức vua. Do đó, nhiều con chó đã bị lính triều đình giết chết, chúng con hoảng sợ chạy vào nơi đây ẩn náu.

- Kính thưa Ngài chúa loài chó, gặp đại họa diệt chủng này, chắc loài chó chúng con đều bị tiêu diệt. 

Nghe thưa như vậy, Đức Bồ Tát khuyển chúa nghĩ rằng: “Tại trong cung điện có lính triều đình canh gác nghiêm ngặt, các con chó bên ngoài không thể nào đi vào trong cung được.

Vậy, chỉ có các con chó trong cung mới có thể cắn ăn dây da và da bọc trong chiếc long xa của Đức vua mà thôi, nhưng không có tai họa nào xảy đến với đàn chó ăn trộm, mà thảm họa lại xảy đến với đàn chó không ăn

trộm, bà con dòng họ của ta.”

Để an ủi đàn chó bà con thân quyến dòng họ an tâm, nên Đức Bồ Tát khuyển chúa truyền bảo rằng:

- Này các bà con thân quyến! Các ngươi chớ nên hoảng sợ nữa! Ta sẽ đi vào cung điện, đến chầu Đức Vua Brahmadatta, tìm cách làm rõ sự việc này, để đem lại sự công bằng, sự an toàn sinh mạng cho các ngươi. Vậy, các ngươi nên ở tại đây cho đến khi ta trở về.

 

Đức Bồ Tát Phát Nguyện Ba-La-Mật

 

Đức Bồ Tát Khuyển chúa niệm tưởng đến các pháp hạnh Ba-la-mật của mình, thực hành pháp hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh muôn loài vô lượng làm nền tảng, rồi Đức Bồ Tát Khuyển chúa phát nguyện Ba-la-mật bằng lời chân thật rằng: “Không có một ai có thể hại tôi được, một mình tôi đi vào kinh thành Bārāṇasī, đến chầu Đức vua được an toàn, những đất đá, gậy gộc, v.v… mà người ta ném đều không thể đụng vào thân mình của tôi được.”

Do oai lực lời chân thật phát nguyện ấy, nên Đức Bồ Tát Khuyển chúa đi tự nhiên vào kinh thành Bārāṇasī, dù những người lính triều đình nhìn thấy Ngài, họ vẫn không thể gây tai hại cho Ngài được.  

Khi ấy, Đức Vua Brahmadatta đang ngự trên ngai vàng giữa sân rồng có các quan văn võ tề tựu đầy đủ, Đức Bồ Tát Khuyển chúa chạy nhanh vào ẩn núp dưới ngai vàng của Đức vua.

Lính triều đình xin phép vào bắt Đức Bồ Tát Khuyển chúa, nhưng Đức vua không cho phép, Ngài  đi ra trước đảnh lễ Đức Vua Brahmadatta, rồi tâu rằng: 

- Muôn tâu Hoàng thượng, nghe tin rằng: “ Hoàng thượng truyền lệnh giết loài chó. Điều đó có thật hay không?

Đức Vua Brahmadatta truyền bảo rằng:

- Thật vậy, chính Trẫm truyền lệnh giết loài chó.

- Muôn tâu Hoàng thượng, loài chó phạm tội gì vậy?

- Loài chó ấy cắn ăn dây da và da bọc chiếc long xa của Trẫm, cho nên, Trẫm truyền lệnh giết loài chó.

- Muôn tâu Hoàng thượng, Hoàng thượng biết rõ đàn chó ăn trộm cắn ăn dây da và da bọc chiếc long xa của Hoàng thượng phải không?

- Trẫm không biết con chó nào ăn trộm cả.

- Muôn tâu Hoàng thượng, khi Hoàng thượng không biết rõ con chó nào ăn trộm cắn ăn dây da và da bọc chiếc long xa, mà Hoàng thượng truyền lệnh giết loài chó. Đó là điều không hợp pháp.

Đức Vua Brahmadatta truyền bảo rằng: “Bởi vì loài chó cắn ăn dây da và da bọc chiếc long xa của Trẫm, nên Trẫm truyền lệnh rằng:

“- Này các khanh! Các khanh hễ thấy con chó nào, thì hãy giết con chó ấy.”

- Muôn tâu Hoàng thượng, các lính triều đình giết hết loài chó, hay còn một số con chó không bị giết có không?

- Một số con chó được nuôi trong cung điện của Trẫm  đều không bị giết.

- Muôn tâu Hoàng thượng, Hoàng thượng vừa truyền bảo rằng: “Bởi vì loài chó cắn ăn dây da và da bọc chiếc long xa của Trẫm, nên Trẫm truyền lệnh rằng:

“- Này các khanh! Các khanh hễ thấy con chó nào, thì hãy giết con chó ấy.” Nhưng bây giờ Hoàng thượng truyền bảo rằng: “Một số con chó được nuôi trong cung điện của Trẫm  đều không bị giết.”

Như vậy, Hoàng thượng có tâm thiên vị vì thương. Đó là điều không hợp pháp.

Thông thường, Đức vua cần phải suy xét kỹ trước khi phán quyết một cách công bằng như bàn cân.

Nay, đàn chó được nuôi đầy đủ sung túc trong cung điện của Đức vua thì không bị giết chết, chỉ có đàn chó bên ngoài cung, không ai nuôi, đói khát ốm yếu thì bị giết chết mà thôi. Thật là điều không công bằng.

Đúng ra, các Đức vua trừng trị kẻ ăn trộm, nhưng tại nơi đây, đàn chó ăn trộm thì không bị giết, mà chỉ giết đàn chó không ăn trộm mà thôi.

Ôi! Trong đời này, điều bất công đang hiện hữu! Điều phi pháp đang hiện hữu!

Nghe Đức Bồ Tát Khuyển chúa tâu như vậy, Đức Vua Brahmadatta truyền bảo rằng:

- Này bậc thiện trí! Ngài có biết các con chó nào ăn trộm, cắn ăn dây da và da bọc chiếc long xa của Trẫm hay không?

 Đức Bồ Tát Khuyển chúa tâu với Đức Vua Brahma-datta rằng:

- Muôn tâu Hoàng thượng, kẻ tiện này biết rõ đàn chó ăn trộm ấy.

- Này bậc thiện trí! Ngài biết đàn chó ăn trộm ấy đang ở đâu vậy?

- Muôn tâu Hoàng thượng, đàn chó được nuôi trong cung điện của Hoàng thượng.

- Này bậc thiện trí! Ngài có thể chứng minh, có chứng cớ rõ ràng được hay không?

- Muôn tâu Hoàng thượng, kẻ tiện này có thể chứng minh, có chứng cớ rõ ràng được.

Kính xin Hoàng thượng truyền bắt đàn chó trong

cung đến, và mang bơ lỏng và thứ cỏ dabbatiṇa đến cho kẻ tiện này.

Đức Vua Brahmadatta truyền bảo lính trong triều làm theo lời yêu cầu của Đức Bồ Tát Khuyển chúa.

Đức Bồ Tát Khuyển chúa truyền bảo lính triều đình  giã nhỏ cỏ dabbatiṇa trộn chung với bơ lỏng, rồi cho đàn chó ấy uống vào.

Sau khi uống xong, một lát, đàn chó ấy ói mửa ra da mà chúng nó đã ăn ngày qua, trước sự chứng kiến của Đức Vua Brahmadatta và các quan trong triều.

Thấy sự thật rõ ràng như vậy, nên Đức vua vô cùng hoan hỷ tán dương ca tụng Đức Bồ Tát Khuyển chúa rằng: “Sabbaññubuddhassa byākaraṇaṃ viya”

(Giải đáp rõ ràng vấn đề ví như Đức Phật Toàn Giác).

Đức Vua Brahmadatta kính thỉnh Đức Bồ Tát Khuyển chúa lên ngồi trên ngai vàng dưới chiếc lọng trắng, thuyết pháp tế độ Đức vua cùng các quan trong triều.

Đức Bồ Tát Khuyển chúa thuyết pháp dạy Đức Vua Brahmadatta thực hành 10 pháp vương mà các Đức vua cần phải nghiêm chỉnh thực hành, để trị vì đất nước:

 

10 Pháp Vương (Rājadhamma)

 

- Muôn tâu Hoàng thượng,

1- Xin Hoàng thượng nên thực hành pháp phụng dưỡng Đức Phụ Vương và Mẫu Hậu một cách chu đáo, khi đã thực hành thiện nghiệp ấy trong kiếp hiện tại này.

Sau khi Hoàng thượng băng hà, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi trời.

2- Xin Hoàng thượng nên thực hành pháp tế độ nuôi dưỡng hoàng hậu, các cung phi, các hoàng tử, các công  chúa một cách chu đáo…

Sau khi Hoàng thượng băng hà, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi trời.

3- Xin Hoàng thượng nên thực hành pháp tế độ đối với các hoàng gia, các quan, các bạn hữu, một cách chu đáo … 

Sau khi Hoàng thượng băng hà, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi trời.

4- Xin Hoàng thượng nên thực hành pháp tế độ đối với các bộ binh các con voi, con ngựa, một cách chu đáo…

 Sau khi Hoàng thượng băng hà, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi trời.

5- Xin Hoàng thượng nên thực hành pháp tế độ đối với dân chúng trong kinh thành, các tỉnh thành, một cách chu đáo…

Sau khi Hoàng thượng băng hà, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi trời.

6- Xin Hoàng thượng nên thực hành pháp tế độ đối với dân chúng trong đất nước, các vùng biên giới, một cách chu đáo…

  Sau khi Hoàng thượng băng hà, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi trời.

7- Xin Hoàng thượng nên thực hành pháp tế độ đối với chư Sa-môn, Bà-la-môn, một cách chu đáo…

   Sau khi Hoàng thượng băng hà, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi trời.

8- Xin Hoàng thượng nên thực hành pháp tế độ đối với các loài thú, các loài chim, một cách chu đáo… 

Sau khi Hoàng thượng băng hà, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi trời.  

9- Xin Hoàng thượng nên thựờng hành mọi thiện pháp trở thành thói quen đem lại sự an lạc trong kiếp hiện tại.

Sau khi Hoàng thượng băng hà, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi trời.

10- Xin Hoàng thượng nên thực hành mọi thiện pháp, bởi vì các Đức Vua Trời, chư thiên, chư phạm thiên trên các tầng trời, tiền kiếp của các vị ấy đã từng thực hành mọi thiện pháp.

Vậy, xin Hoàng thượng không nên dể duôi trong mọi thiện pháp.

Đó là 10 pháp vương của các Đức Vua trị vì trong đất nước của mình.

Từ nay về sau, Hoàng thượng không nên dể duôi trong mọi thiện pháp, nên làm phước thiện bố thí, nên giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch và trọn vẹn, nên thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng, nên thực hành nghiêm chỉnh 10 Pháp vương, để trị vì đất nước cho được phồn vinh, thần dân thiên hạ sống được sống an cư lạc nghiệp.

Sau khi thuyết pháp xong, Đức Bồ Tát Khuyển chúa dâng ngai vàng lại cho Đức Vua Brahmadatta, đảnh lễ Đức vua, xin phép cáo từ, trở về chỗ ở của mình.

Từ đó về sau, Đức Vua Brahmadatta thực hành đúng theo lời giáo huấn của Đức Bồ Tát Khuyển chúa, ban sự an toàn sinh mạng đến tất cả chúng sinh muôn loài, đặc biệt hằng ngày truyền lệnh ban vật thực cho loài chó bên ngoài cung điện nữa.

Đức Vua Brahmadatta thực hành mọi phước thiện cho đến hết tuổi thọ. Sau khi băng hà, thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi trời dục giới.

Đức Bồ Tát Khuyển chúa hết tuổi thọ, thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi trời dục giới.

Sau khi thuyết tích Kukkurajātaka xong, Đức Thế Tôn truyền dạy chư Tỳ Khưu rằng:

- Này chư Tỳ khưu! Như Lai thực hành không những đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài đến cho các thân quyến trong kiếp hiện tại này, mà còn những tiền kiếp của Như Lai cũng từng thực hành đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài đến cho các thân quyến trong những kiếp quá khứ.

 

Tích Nimijātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện Tại

 

Tích Kukkurajātaka, Đức Bồ Tát Khuyển chúa tiền kiếp của Đức Phật Gotama trong thời quá khứ. Đến khi Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, những hậu kiếp trong tích ấy liên quan đến kiếp hiện tại này là:

- Đức Vua Brahmadatta, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Ānanda.

- Đàn chó bà con thân quyến, nay kiếp hiện tại  tứ chúng: Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ.

- Đức Bồ Tát Khuyển chúa, nay kiếp hiện tại Đức Phật Gotama .

 

(Xong pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật bậc trung)

 

 

8.3- Pháp Hạnh Phát Nguyện Ba-la-mật Bậc Thượng (Adhiṭṭhānaparamatthapāramī)

 

- Tích Temiyajātaka (Tê-mị-giắ-chà-tá-ká)

 

Trong tích Temiyajātaka ([2]), Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm Thái tử Temiya thực hành pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật bậc thượng (Adhiṭṭhāna-paramatthapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

 

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi. Một hôm, chư Tỳ khưu tụ hội tại giảng đường đang đàm đạo về chuyện xuất gia của Đức Phật. Khi ấy, nghe bằng thiên nhĩ thông, Đức Thế Tôn từ gandhakuṭi ngự đến giảng đường, ngồi trên pháp toà bèn hỏi rằng:

- Này Chư Tỳ khưu! Các con đang đàm đạo về chuyện gì vậy?

Chư Tỳ khưu bạch rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, Chúng con đang đàm đạo về chuyện xuất gia của Đức Thế Tôn. Bạch Ngài.

- Này Chư Tỳ khưu! Kiếp hiện tại này, Như Lai đã tạo đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Ba-la-mật, từ bỏ ngai vàng đi xuất gia, đó không phải là điều phi thường! Tiền kiếp của Như Lai còn là Đức Bồ Tát đang bồi bổ các pháp hạnh Ba-la-mật, cũng đã không cần đến ngai vàng mà phát nguyện đi xuất gia trở thành đạo sĩ. Đó mới thật là điều phi thường!

Đức Thế Tôn truyền bảo như vậy xong, ngồi im lặng.

Chư Tỳ khưu kính thỉnh Đức Thế Tôn thuyết về tiền kiếp của Ngài.

 

Tích Temiyajātaka

 

Khi ấy, Đức Thế Tôn thuyết về tiền kiếp của Ngài tích Temiyajātaka được tóm lược như sau:

 

Trong thời quá khứ, Đức Vua Kāsirājā ngự tại kinh thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi bằng thiện pháp. Đức Vua có Chánh cung Hoàng hậu Candādevī và 16.000 Cung phi. Trong số đó không bà nào sinh hạ được Thái tử hoặc công chúa nào. Dân chúng trong kinh thành bàn luận với nhau rằng:

- Đức Vua của chúng ta chưa có Thái tử để nối ngôi.

Vì vậy, họ dẫn nhau đến trước cung điện của Đức Vua tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ! Kính xin Bệ hạ cầu nguyện cho có một Thái tử để nối ngôi.

Nghe dân chúng yêu cầu như vậy, Đức Vua truyền bảo Chánh cung Hoàng hậu Candādevī cùng 16.000 Cung phi hãy cầu nguyện mong cho được Thái tử. Mỗi bà đều cầu nguyện mong chư thiên ban cho một Thái tử. Trải qua một thời gian lâu dài, vẫn chưa một bà nào có được Thái tử, công chúa nào. Chánh cung Hoàng hậu Candādevī vốn là công chúa của Đức Vua Maddarājā, có giới hạnh trong sạch, nguyện thọ trì bát giới uposathasīla vào những ngày giới hằng tháng. Bà suy sét về giới hạnh trong sạch của mình rồi phát nguyện với lời chân thật:

- Do oai lực giới hạnh trong sạch của tôi, cầu xin chư thiên ban cho tôi có được một Thái tử.

Thật vậy, do oai lực của giới hạnh trong sạch và lời cầu xin chân thành của Chánh cung Hoàng hậu Candā-devī đã làm cho chỗ ngồi của Đức Vua Trời Sakka phát nóng. Đức Vua Trời Sakka xem xét nguyên nhân, thấy rõ: Chánh cung Hoàng hậu Candādevī cầu xin chư thiên ban cho bà một Thái tử. Ta phải tìm vị thiên nam nào xứng đáng đầu thai làm Thái tử của Bà”.

Đức Vua Trời Sakka nhìn thấy Đức Bồ Tát thiên nam (tiền kiếp của Đức Phật Gotama) trong quá khứ đã từng là Đức Vua ngự tại kinh thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi suốt 20 mươi năm. Đức Vua đã tạo ác nghiệp, cho nên, sau khi băng hà, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục Ussadanaraka, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy suốt 80.000 năm. Sau khi mãn quả của ác nghiệp, do nhờ thiện nghiệp cho quả tái sinh lên cõi trời Tam thập Tam thiên.

Đức Bồ Tát thiên nam sắp hết tuổi thọ trong cõi Tam thập Tam thiên, rồi sẽ tái sinh kiếp sau lên cõi trời cao hơn. Khi ấy, Đức Vua trời Sakka ngự đến gặp Đức Bồ Tát thiên nam ấy, yêu cầu rằng:

- Kính thưa Đức Bồ Tát Thiên Nam! Kính thỉnh Ngài tái sinh làm Thái tử của Chánh cung Hoàng hậu Candādevī, để bồi bổ các pháp hạnh Ba-la-mật cho sớm được đầy đủ, không chỉ Ngài được tiến hoá trong mọi thiện pháp, mà còn Mẫu hậu, Đức Phụ Vương cùng dân chúng cũng được tiến hoá trong mọi thiện pháp nữa. Vậy, kính xin Ngài tái sinh vào lòng Chánh cung Hoàng hậu Candādevī của Đức Vua Kāsirājā ấy. Trẫm xin hứa với Ngài, sẽ mời 500 vị thiên nam rời khỏi cõi trời, cùng một lúc tái sinh vào lòng các phu nhân của 500 vị quan trong triều đình của Đức Vua Kāsirājā, khi sinh ra, các công tử ấy sẽ là bạn của Ngài.

Nhận lời thỉnh mời của Đức Vua Trời Sakka, Đức Bồ Tát thiên nam cùng với 500 trăm vị thiên nam khác từ giã (chết) cõi trời. Do thiện nghiệp cho quả tái sinh xuống cõi người và đầu thai vào lòng Chánh cung Hoàng hậu Candādevī, và đầu thai vào lòng 500 phu nhân của 500 vị quan trong triều của Đức Vua Kāsirājā.

Một thời gian không lâu, Chánh cung Hoàng hậu Candādevī đến chầu Đức Vua Kāsirājā, tâu cho Đức Vua biết Bà đã có thai. Đức Vua vô cùng hoan hỷ truyền bảo bà nên thận trọng giữ gìn thai nhi cẩn thận. Thai nhi đủ 10 tháng, Chánh cung Hoàng hậu Candādevī sinh hạ một Thái tử có các tướng tốt của bậc đại nhân.

Đức Vua Kāsirājā vô cùng hoan hỷ phát sinh hỷ lạc chưa từng có, lần đầu tiên Đức Vua phát sinh tình thương của người cha đối với con, cho nên Đức Vua truyền hỏi các bá quan văn võ trong triều rằng:

- Này các khanh! Nay Trẫm có Thái tử nối ngôi, các khanh vui mừng lắm phải không?

Các quan tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ! Thái tử sinh ra đời, chúng thần vô cùng vui mừng hoan hỷ, bởi vì từ nay, chúng thần đã có nơi nương nhờ rồi!



[1] Bộ Jātakaṭṭhakathā,   phần Ekakanipāta,   tích Kukkurajātaka

[2] Tích Temiyajātaka trong bộ chú giải Jātakaṭṭhakathā, phần Mahānipāta, tích này còn có tên khác là Mūgapakkhajātaka.


Nghe các quan tâu như vậy, Đức Vua lại càng phát sinh hỷ lạc, rồi truyền bảo vị quan Thái sư rằng:

- Này Thái sư! Thái tử của Trẫm cần phải có bạn. Vậy, khanh hỏi xem trong tư dinh của các khanh có đứa bé trai nào mới sinh hay không?

Vâng lệnh Đức Vua, vị Thái sư hỏi các quan thì được biết có 500 bé trai vừa mới sinh ra trong tư dinh của 500 vị quan cũng trong ngày hôm ấy. Vị Thái sư trở về tâu lên Đức Vua rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ! Có 500 công tử con của 500 vị quan sinh ra cùng ngày với Thái tử.

Nghe lời tâu của vị Thái sư, Đức Vua truyền lệnh rằng:

- Này khanh! Trẫm ban 500 nhũ mẫu có đầy đủ các tính chất tốt cho 500 công tử ấy.

Đức Vua truyền lệnh tuyển chọn 64 nhũ mẫu có đầy đủ các phẩm chất tốt, hoàn toàn không có bệnh tật về thân thể và tâm trí và có bầu sữa ngon lành để nuôi dưỡng Thái tử. Đức Vua truyền bảo Chánh cung Hoàng hậu Candādevī rằng:

- Này Ái khanh! Trẫm ban cho ái khanh một ân huệ. Vậy, ái khanh hãy nhận ân huệ của Trẫm.

Nghe Đức Vua Kāsirājā truyền bảo như vậy, Chánh cung Hoàng hậu Candādevī tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng Thượng, thần thiếp cung kính xin nhận ân huệ của Hoàng Thượng ban cho thần thiếp. Nay thần thiếp xin gởi ân huệ này lại nơi Hoàng Thượng, chờ dịp tốt khác, thần thiếp sẽ xin nhận ân huệ ấy lại.

Trong ngày lễ đặt tên Thái tử, Đức Vua truyền lệnh mời các vị Bà-la-môn có tài xem tướng đến xem tướng Thái tử. Các vị Bà-la-môn xem thấy Thái tử có nhiều tướng tốt của bậc đại nhân, nên đồng nhau tiên đoán rằng:

- Tâu Đại Vương, Thái tử của Đại Vương có nhiều tướng tốt của bậc đại nhân. Khi trưởng thành, Thái tử sẽ là một Đức Vua có nhiều oai lực, trị vì không chỉ một châu, mà còn có khả năng trị vì bốn châu thiên hạ, như Đức Vua Chuyển Luân Thánh Vương.

Thái tử là bậc đại phước, cho nên, chắc chắn không có điều tai họa nào có thể xảy đến với Thái tử cả.

Nghe lời tiên đoán của các vị Bà-la-môn ấy, Đức Vua Kāsirājā vô cùng hoan hỷ phát sinh hỷ lạc. Đặt tên Thái tử là Temiyarājakumāra (Thái tử Temiya) bởi vì, ngày Thái tử sinh ra đời, trời mưa trên toàn đất nước Kāsiraṭṭha. Đó là ngày làm cho Đức Vua Kāsirājā, các thần dân thiên hạ trên toàn đất nước ai ai cũng vui mừng hoan hỷ chưa từng có.

Khi Đức Bồ Tát Thái tử Temiya lên được một tháng tuổi, các bà nhũ mẫu tắm Thái tử xong, trang sức cho Thái tử bằng những trang sức quý giá, rồi ẵm Ngài đến chầu Đức Vua đang ngự trên ngai vàng.

Nhìn thấy Đức Bồ Tát Thái tử Temiya, Đức Vua cảm thấy sung sướng hạnh phúc an lạc, ôm Ngài vào lòng hôn, rồi đặt Ngài nằm trên hai bắp vế. Lúc ấy, một quân lính triều đình dẫn 4 kẻ trộm đến trình Đức Vua, tâu rằng:

- Tâu Bệ hạ, xin Bệ hạ phán xử 4 kẻ trộm cắp này.

Đức Vua chỉ từng tên rồi truyền lệnh rằng:

-   Kẻ trộm cắp này, các ngươi hãy đánh bằng roi có gai 1.000 lần.

-   Kẻ trộm cắp này, các ngươi hãy xiềng chân bỏ vào nhà giam.

-   Kẻ trộm cắp này, các ngươi lấy lưỡi giáo đâm vào thân thể của nó.

-   Kẻ trộm cắp này, các ngươi đặt nó trên bàn chông.

Khi ấy, đang nằm trên đôi vế của Đức Vua, Đức Bồ Tát Thái tử Temiya nghe rõ lời truyền lệnh phán xử của Đức Phụ Vương đối với 4 tên trộm ấy, Ngài phát sinh tâm sợ hãi, nghĩ:Ôi! Đức Phụ Vương của ta dựa vào quyền lực của một vị Vua đã tạo các ác nghiệp như vậy, khó tránh khỏi ác nghiệp cho quả tái sinh trong cõi địa ngục”.

Sau đó, Đức Bồ Tát Thái tử Temiya được đặt nằm ngủ trên ngai vàng dưới chiếc lọng. Khi tỉnh dậy, Ngài mở mắt nhìn thấy chiếc lọng, biết mình nằm trên chiếc ngai vàng lộng lẫy. Ngài nhớ lại ác nghiệp mà Đức Phụ Vương vừa đã tạo, cảm thấy vô cùng kinh hồn hoảng sợ, rồi tưởng nhớ về tiền kiếp của mình: Kiếp trước của ta từ cõi nào mà được sinh ra làm Thái tử của Đức Phụ Vương ta?”

Đức Bồ Tát Thái tử tưởng nhớ rõ kiếp trước của mình là một thiên nam trong cõi trời Tam thập tam thiên, rồi tiếp tục tưởng nhớ tiền kiếp kế trước đó. Kiếp trước của vị thiên nam là chúng sinh trong cõi địa ngục Ussuda-naraka, chịu khổ suốt 80.000 năm. Và tưởng nhớ kiếp trước của hạng chúng sinh địa ngục là Đức Vua ngự tại kinh thành Bārāṇsī, trị vì đất nước Kāsi này 20 năm, như  Đức Phụ Vương của ta bây giờ.

Như vậy, tiền kiếp của Đức Bồ Tát Thái tử đã từng là Đức Vua trị vì đất nước Kāsi này 20 năm. Do dựa vào quyền lực một vị Vua mà tạo ác nghiệp.

Sau khi băng hà, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục Ussudanaraka chịu khổ suốt 80.000 năm. Nay kiếp hiện tại này, Ngài là Thái tử của Đức Vua Kāsirājā.

Đức Bồ Tát Thái tử Temiya nhớ lại chuyện Đức Phụ Vương phán xử 4 kẻ trộm cắp như vậy, đã tạo ác nghiệp, sau khi Đức Phụ Vương băng hà, khó tránh khỏi ác nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi địa ngục.

Ngài nghĩ: Nếu ta trưởng thành, Đức Phụ Vương của ta sẽ truyền ngôi báu cho ta. Ta sẽ lên ngôi làm vua, khiến ta phải tạo ác nghiệp, rồi ta sẽ không tránh khỏi ác nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau trở lại trong cõi địa ngục”.

Suy xét như vậy, Đức Bồ Tát Thái tử Temiya phát sinh tâm sợ hãi, phát sinh nỗi khổ tâm cùng cực. Ngài lại nghĩ tiếp: “Làm cách nào để ta sẽ không trở thành Đức Vua? Làm cách nào để ta sẽ thoát ra khỏi cung điện này?”

Khi ấy, vị thiên nữ sống nương nhờ chiếc lọng, đã từng là thân mẫu tiền kiếp của Đức Bồ Tát Thái tử Temiya trong thời quá khứ, thương yêu Ngài, nên hiện ra an ủi Ngài rằng:

- Này Thái tử Temiya, con yêu quý! Con chớ nên sầu não, con chớ nên lo sợ nữa, con hãy an tâm tỉnh trí.  Nếu con không muốn trở thành một Đức Vua thì con nên phát nguyện 3 điều:

1- Con không phải là người bại liệt, con nên phát  nguyện làm như người bại liệt.

2- Con không phải là người điếc, con nên phát nguyện làm như người điếc.

3- Con không phải là người câm, con nên phát nguyện làm như người câm.

Con hãy nên phát nguyện 3 điều như vậy, rồi nghiêm chỉnh thực hành, chắc chắn con sẽ không trở thành Đức Vua, và con cũng sẽ thoát ra khỏi cung điện này.

- Này Thái tử Temiya, con yêu quý! Con chớ nên tỏ ra cho mọi người biết con là bậc đại thiện trí, có nhiều trí tuệ, mà con nên để cho mọi người xem con như người đần độn, người xui xẻo (kāḷakaṇṇī). Như vậy, những người bên trong triều đình và những người bên ngoài, dân chúng, họ sẽ coi thường con, cho con là người xui xẻo, rồi họ sẽ đưa con ra khỏi cung điện, chở con vào chôn trong rừng. Khi ấy, con sẽ được thành tựu mọi điều như ước nguyện.

Nghe lời khuyên dạy của vị thiên nữ, Đức Bồ Tát Thái tử Temiya an tâm và xin hứa với vị thiên nữ rằng:

- Thưa thiên nữ! Con xin phát nguyện, rồi thực hành nghiêm chỉnh đúng theo lời dạy của bà .

 

Đức Bồ Tát Thái tử Temiya Phát Nguyện

 

Vâng theo lời khuyên dạy của vị thiên nữ, Đức Bồ Tát Thái tử Temiya thành tâm phát nguyện 3 điều rằng:

1- Ta không phải là người bại liệt, ta phát nguyện làm như người bại liệt.

2- Ta không phải là người điếc, ta phát nguyện làm như người điếc.

3- Ta không phải là người câm, ta phát nguyện làm như người câm.

Ta quyết tâm thực hành nghiêm chỉnh đúng theo 3 điều phát nguyện này.

Sau khi phát nguyện xong, Đức Bồ Tát Thái tử Temiya quyết tâm thực hành một cách nghiêm chỉnh.

 

Đức Bồ Tát Thái Tử Temiya Với  500 Người Bạn

 

Đức Vua Kāsirājā nghĩ:Thái tử của ta cần phải có bạn đông đảo xung quanh”. Vì vậy, Đức Vua tuyền lệnh ẵm bồng 500 công tử của 500 vị quan trong triều đình đến làm bạn, gần gũi xung quanh Thái tử.

Mỗi khi 500 công tử ấy khát sữa chúng khóc đòi sữa, nhưng riêng Đức Bồ Tát Thái tử Temiya, dù có khát sữa, vẫn nằm yên không khóc. Bởi vì, Ngài kinh sợ cảnh khổ trong cõi địa ngục, nên nghiêm chỉnh thực hành đúng theo lời đã phát nguyện. Đức Bồ Tát Thái tử suy nghĩ: “Thân thể của ta dù khát đến chết, vẫn cao quý hơn là sẽ chịu cảnh khổ trong cõi địa ngục”. Do đó, dù có khát sữa đến mức nào, Ngài cũng không khóc.

Thấy điều khác thường của Đức Bồ Tát Thái tử, các bà nhũ mẫu đến chầu Chánh cung Hoàng hậu Candā-devī, tâu cho Bà biết rõ điều ấy. Chánh cung Hoàng hậu Candādevī đến chầu Đức Vua Kāsirājā, tâu lên Đức Vua biết rõ điều khác thường của Đức Bồ Tát Thái tử Temiya.

Các vị Bà-la-môn ấy xem xét Thái Tử vẫn bình thường, không có hiện tượng nào khác thường cả, nên các vị Bà-la-môn tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, xin Bệ hạ cho các nhũ mẫu dâng bầu sữa đến Thái tử trễ bữa. Như vậy, khi Thái tử khát sữa, sẽ khóc đòi sữa.

Được Đức Vua chuẩn tấu, các bà nhũ mẫu dâng bầu sữa đến Đức Bồ Tát Thái tử trễ bữa, đôi khi nửa buổi, hoặc cả ngày. Dù khát sữa đến khô cổ, Ngài cũng vẫn nằm yên không khóc, bởi vì Ngài nghĩ: “Thà ta chịu khổ khát sữa như thế này, vẫn còn hơn là phải chịu khổ bị thiêu đốt trong cõi địa ngục ấy”.

Thấy Đức Bồ Tát Thái tử như vậy, Chánh cung Hoàng hậu Candādevī nóng lòng không sao chịu được, bà nghĩ: Chắc chắn Thái tử Temiya, con của ta khát sữa lắm rồi!”

Do đó, Bà đến cho Thái tử bú bầu sữa của bà, hoặc có khi bà truyền cho các nhũ mẫu dâng bầu sữa đến cho Ngài.

Thấy Đức Bồ Tát Thái tử nằm yên một chỗ không cử động, không khóc, các bà nhũ mẫu ẵm bồng xem xét các bộ phận thân thể thì thấy hoàn toàn giống như những đứa trẻ con khác. Vậy, do nguyên nhân nào mà Ngài nằm yên một chỗ, không cử động, không khóc?

Đó là điều mà mọi người không thể nào biết được.

Tuân theo lệnh của Đức Vua, các bà nhũ mẫu dâng bầu sữa, dâng vật thực đến Đức Bồ Tát Thái tử trễ bữa bất thường như vậy, trong suốt một năm qua mà vẫn không phát hiện được sự thay đổi nào của Đức Bồ Tát Thái tử cả.

1- Khi Đức Bồ Tát Thái tử Temiya lên 1 tuổi, các quan đến chầu Đức Vua, rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, các trẻ con lên 1 tuổi thường thích dùng các loại bánh ngon, các món ăn ngon.

Vậy, xin phép Bệ hạ cho chúng thần thử Thái tử bằng các loại bánh ngon.

Được Đức Vua chuẩn tấu, các quan cho người đem 500 công tử đến chơi gần Đức Bồ Tát Thái tử, đem các loại bánh ngon đến dâng Ngài cùng 500 công tử ấy, rồi thưa rằng:

 - Xin quý vị tự chọn lựa bánh ngon theo sở thích của mình mà dùng.

Các quan đứng ẩn mình một nơi để xem xét, nhìn thấy các công tử tranh nhau các loại bánh ngon, Đức Bồ Tát Thái tử tự dạy mình: “Này Temiya! Nếu ngươi sợ khổ trong cõi địa ngục thì ngươi chớ nên đưa mắt nhìn các loại bánh ngon kia”.

Dù thử Đức Bồ Tát Thái tử bằng các loại bánh ngon trải qua một năm như vậy, mà vẫn không phát hiện được sự thay đổi nào của Ngài cả.

2- Khi Đức Bồ Tát Thái tử Temiya lên 2 tuổi, các quan đến chầu Đức Vua, rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, thường các trẻ con lên 2 tuổi thích ăn các loại trái cây lớn, nhỏ.

Vậy, xin phép Bệ hạ cho chúng thần thử Thái tử bằng các loại trái cây lớn, nhỏ…

Được Đức Vua chuẩn tấu, các quan cho người đem các loại trái cây đến dâng Đức Bồ Tát Thái tử cùng 500 công tử ấy, rồi thưa rằng:

- Xin quý vị tự chọn lựa trái cây theo sở thích của mình mà dùng.

Dù thử Đức Bồ Tát Thái tử bằng cách như vậy suốt một năm, mà vẫn không phát hiện được sự thay đổi nào của Ngài cả.

3- Khi Đức Bồ Tát Thái tử Temiya lên 3 tuổi, các quan đến chầu Đức Vua, rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, thường các trẻ con lên 3 thích các thứ đồ chơi xinh đẹp.

Vậy, xin phép Bệ hạ cho chúng thần thử Thái tử bằng các thứ đồ chơi xinh đẹp…

Được Đức Vua chuẩn tấu, các quan cho người đem các thứ đồ chơi đến dâng Đức Bồ Tát Thái tử cùng 500 công tử ấy, rồi thưa rằng:

- Xin quý vị tự chọn lựa thứ đồ chơi theo sở thích của mình mà chơi.

Dù thử Đức Bồ Tát Thái tử bằng cách như vậy suốt một năm, mà vẫn không phát hiện được sự thay đổi nào của Ngài cả.

4- Khi Đức Bồ Tát Thái tử Temiya lên 4 tuổi, các quan đến chầu Đức Vua, rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, thường các trẻ con lên 4 tuổi thích dùng các món ăn ngon.

Vậy, xin phép Bệ hạ cho chúng thần thử Thái tử bằng các món ăn ngon…

Được Đức Vua chuẩn tấu, các quan cho người đem các món ăn ngon đến dâng Đức Bồ Tát Thái tử cùng 500 công tử ấy, rồi thưa rằng:

- Xin quý vị tự chọn lựa món ăn theo sở thích của mình mà dùng.

Dù thử Đức Bồ Tát Thái tử bằng cách như vậy, mà vẫn không phát hiện được sự thay đổi nào của Ngài cả.

5- Khi Đức Bồ Tát Thái tử Temiya lên 5 tuổi, các quan đến chầu Đức Vua, rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, thường các trẻ con lên 5 tuổi sợ lửa nóng.

Vậy, xin phép Bệ hạ cho chúng thần thử Thái tử bằng lửa.

Được Đức Vua chuẩn tấu, các quan làm một ngôi nhà mát bằng lá, có nhiều cửa, ẵm Thái tử nằm giữa căn nhà ấy cùng với 500 công tử, các quan ẩn núp một nơi kín đáo, rồi đốt cháy căn nhà, khi lửa bốc cháy, các công tử đều chạy ra khỏi căn nhà, chỉ còn một mình Đức Bồ Tát Thái tử nằm yên một chỗ, Ngài tự dạy mình: “Này Temiya! Sự nóng của lửa này còn kém xa sự nóng trong cõi địa ngục”.

Do đó, Ngài vẫn nằm yên không hề cử động, như bậc Thánh A-ra-hán nhập diệt thọ tưởng.

Khi ngọn lửa cháy đến chỗ Ngài nằm, các quan chạy vào ẵm Ngài ra ngoài.

Dù thử Đức Bồ Tát Thái tử bằng lửa nóng như vậy, mà vẫn không phát hiện được sự thay đổi nào của Đức Bồ Tát Thái tử cả.

6- Khi Đức Bồ Tát Thái tử Temiya lên 6 tuổi, các quan đến chầu Đức Vua, rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, thường các trẻ con lên 6 tuổi sợ voi hung dữ.

Vậy, xin Bệ hạ cho phép chúng thần thử Thái tử bằng con bạch tượng.

Được Đức Vua chuẩn tấu, các quan cho người nài điều khiển con bạch tượng biết nghe theo lệnh. Các quan ẵm Thái tử đến nằm chơi cùng 500 công tử giữa sân trước cung điện.

Khi ấy, các quan cho thả con bạch tượng chạy ra, nó đưa vòi lên cao, rống thành tiếng lớn, lấy vòi đập xuống đất, tỏ ra hung dữ (gây tai hoạ). 500 công tử đều trốn chạy thoát thân, chỉ còn Đức Bồ Tát Thái tử nằm yên một mình nghĩ: “Thà ta chịu chết do hai cái ngà của con bạch tượng này còn hơn phải chịu thiêu đốt trong cõi địa ngục kinh khủng ấy”.

Do đó, Ngài vẫn nằm yên không hề cử động. Con bạch tượng chạy đến lấy vòi cuốn Ngài đưa lên hư không, rồi chạy quanh. Các quan chạy đến ẵm Ngài từ con bạch tượng.

Dù thử Đức Bồ Tát Thái tử bằng con bạch tượng như vậy, mà vẫn không phát hiện được sự thay đổi nào của Ngài cả.

Đức Vua truyền lệnh hỏi các quan rằng:

- Này các khanh! Khi các khanh đến ẵm Thái tử từ vòi con bạch tượng, các khanh có thấy tay chân của Thái tử cử động chút nào không?

- Muôn tâu Bệ hạ, chúng thần không nhìn thấy tay chân của Thái tử cử động chút nào.

7- Khi Đức Bồ Tát Thái tử Temiya lên 7 tuổi, các quan đến chầu Đức Vua, rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, thường các trẻ con lên 7 tuổi hay sợ rắn.

Vậy, xin Bệ hạ cho phép chúng thần thử Thái tử bằng những con rắn.

Được Đức Vua chuẩn tấu, các quan ẵm Đức Bồ Tát Thái tử nằm giữa sân trước cung điện cùng với 500 công tử chơi xung quanh.

Khi ấy, thầy rắn thả các con rắn đã được bẻ răng, diệt độc không thể gây tai hoạ ra, chúng bò đến, các công tử hoảng sợ bỏ chạy, chỉ còn một mình Đức Bồ Tát Thái tử nằm yên một chỗ nghĩ: “Thà ta chịu chết do chất độc của rắn còn hơn phải chịu khổ trong cõi địa ngục kinh khủng ấy”.

Ngài nằm yên một chỗ, con rắn phùng mang bò quanh thân hình Ngài, nhưng Ngài vẫn nằm yên tự tại.

Dù nằm bên cạnh con rắn độc như vậy, mà Đức Bồ Tát Thái tử vẫn không cử động chút nào.

8- Khi Đức Bồ Tát Thái tử Temiya lên 8 tuổi, các quan đến chầu Đức Vua, rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, thường các trẻ con lên 8 tuổi thích xem nhảy múa, ca hát.

Vậy, xin Bệ hạ cho phép chúng thần thử Thái tử bằng các tiết mục nhảy múa, ca hát.

Được Đức Vua chuẩn tấu, các quan ẵm Đức Bồ Tát Thái tử nằm giữa sân trước cung điện cùng với 500 công tử quây quần xung quanh.

Khi ấy, các đoàn nhảy múa, ca hát đến biểu diễn. Các công tử xem nhảy múa, ca hát đều vui mừng, reo hò, vỗ tay. Riêng Đức Bồ Tát Thái tử nằm yên không đưa mắt nhìn đoàn ca hát nhảy múa một mảy may nào, bởi vì, Ngài suy xét đến cảnh khổ trong cõi địa ngục.

Dù thử Đức Bồ Tát Thái tử bằng các đoàn nhảy múa ca hát như vậy, mà Ngài vẫn nằm yên, không cử động.

9- Khi Đức Bồ Tát Thái tử Temiya lên 9 tuổi, các quan đến chầu Đức Vua, rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, thường các trẻ con lên 9 tuổi hay sợ khí giới.

Vậy, xin Bệ hạ cho phép chúng thần thử Thái tử bằng các thứ khí giới.

Được Đức Vua chuẩn tấu, các quan ẵm Đức Bồ Tát Thái tử ra nằm giữa sân trước cung điện cùng với 500 công tử quây quần xung quanh.

Khi ấy, một người mang thanh gươm bóng loáng, vung gươm, la hét, hăm doạ rằng:

- Nghe nói rằng: Thái tử của Đức Vua Kāsirājā là người xui xẻo (kāḷakaṇṇī). Thái tử ở đâu? Ta sẽ chặt đầu Thái tử bằng thanh gươm này.

500 công tử hoảng sợ bỏ chạy thoát thân, chỉ còn Đức Bồ Tát Thái tử nằm yên nghĩ: “Thà ta chịu chết dưới lưỡi gươm của người này, còn hơn là phải chịu khổ trong cõi địa ngục Ussudanaraka”.

Do đó, Ngài vẫn nằm yên an nhiên tự tại. Thấy vậy, Y la hét lên rằng:

- Ta sẽ chặt đầu Thái tử!

Dù thử bằng cách như vậy, mà Đức Bồ Tát Thái tử vẫn không hề có dấu hiệu gì biểu hiện khác thường cả.

10- Khi Đức Bồ Tát Thái tử Temiya được 10 tuổi, các quan đến chầu Đức Vua, rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, thường các trẻ con lên 10 tuổi hay sợ âm thanh lớn.

Vậy, xin Bệ hạ cho phép chúng thần thử Thái tử bằng âm thanh lớn, để biết Thái tử có phải là người điếc hay không.

Được Đức Vua chuẩn tấu, các quan làm vách tường bao quanh chỗ nằm của Đức Bồ Tát Thái tử. Họ khoét bốn cái lỗ ở bốn vách. Bốn người thổi tù và, qua các lỗ đó. Bên ngoài, bốn vị quan đứng quan sát nhìn bằng lỗ nhỏ, rồi ra lệnh cho bốn người thổi tù và, cùng một lúc. Tiếng tù và, vang dội trong không gian. Bốn vị quan đứng quan sát xem Đức Bồ Tát Thái tử có giựt mình, vì tiếng động lớn, rồi cử động chân tay hay không.

Tuy tiếng vang lớn như vậy, nhưng Đức Bồ Tát Thái tử có đầy đủ trí nhớ biết mình, vẫn nằm yên như người điếc không nghe tiếng tù và.

Dù thử bằng âm thanh lớn như vậy, mà Đức Bồ Tát Thái tử vẫn nằm yên, không thấy giựt mình cử động. 

11- Khi Đức Bồ Tát Thái tử Temiya được 11 tuổi, thử Đức Bồ Tát Thái tử bằng tiếng chuông…

12- Khi Đức Bồ Tát Thái tử Temiya được 12 tuổi, thử Đức Bồ Tát Thái tử bằng ánh sáng…

13- Khi Đức Bồ Tát Thái tử Temiya được 13 tuổi, các quan đến chầu Đức Vua, rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, thường các đứa trẻ 13 tuổi hay ghê tởm con ruồi.

Vậy, xin Bệ hạ cho phép chúng thần thử Thái tử bằng cách cho ruồi đậu quanh thân mình Thái tử.

Được Đức Vua chuẩn tấu, các quan lấy nước mía thoa vào thân mình của Đức Bồ Tát Thái tử, rồi đặt nằm một nơi có nhiều ruồi. Chúng bay đến bâu quanh mình của Ngài, để hút nước mía. Cảm thấy rất khó chịu, Ngài tự dạy mình: Dù khó chịu khổ cực đến mức nào, ta cũng phải nằm yên không cử động”.

Do đó, Ngài nằm yên như bậc Thánh A-ra-hán nhập diệt thọ tưởng.

Dù thử bằng cách như vậy, qua một thời gian lâu mà vẫn không thấy Đức Bồ Tát Thái tử có biểu hiện gì khác biệt.

14- Khi Đức Bồ Tát Thái tử Temiya được 14 tuổi, các quan đến chầu Đức Vua, rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, thường các thiếu niên 14 tuổi hay thích sạch sẽ, ghét sự dơ bẩn.

Vậy, xin Bệ hạ cho phép chúng thần thử Thái tử bằng cách để cho thân mình của Thái tử dơ bẩn.

Được Đức Vua chuẩn tấu, từ đó, Đức Bồ Tát Thái tử không được tắm rửa. Khi Ngài đi tiểu tiện, đại tiện không có người lau chùi, không có người đến làm vệ sinh, để cho Ngài nằm trên vũng nước tiểu, trên đống phân của mình. Mùi hôi thối bốc lên làm những người nuôi nấng không sao chịu đựng nổi. Các con giòi, các loài ruồi bâu quanh thân mình của Ngài.


Khi ấy, Đức Phụ Vương và Mẫu hậu của Đức Bồ Tát  đến ngồi gần Ngài, dạy rằng:

- Này Temiya hoàng nhi yêu quý! Nay con đã 14 tuổi, đến tuổi trưởng thành rồi, không ai ẵm con làm vệ sinh cho con nữa, con không biết hổ thẹn hay sao? Tại sao con lại chịu đựng như vậy?

- Này Temiya hoàng nhi yêu quý! Con hãy ngồi dậy, tự mình làm vệ sinh cho sạch sẽ thân thể.

Đức Bồ Tát Thái tử suy xét: Dù ta đang nằm trên vũng nước tiểu, trên đống phân của ta có mùi hôi thối, các con giòi, các con ruồi bay đến bâu quanh thân mình ta, vẫn còn hơn là nằm trong địa ngục gūthanaraka (địa ngục hầm phân nước tiểu) có mùi hôi thối, bốc xa 100 do tuần”.

Dù thử bằng cách để cho thân mình của Đức Bồ Tát Thái tử dơ bẩn đến mức như vậy, mà Ngài vẫn nằm yên, không cử động chút nào

15- Khi Đức Bồ Tát Thái tử Temiya được 15 tuổi, các quan đến chầu Đức Vua, rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, thường các thiếu niên năm 15 tuổi hay sợ lửa nóng.

Vậy, xin phép Bệ hạ cho chúng thần thử Thái tử bằng lửa than cháy nóng.

Được Đức Vua chuẩn tấu, các quan đốt lò than đặt dưới giường nằm của Đức Bồ Tát Thái tử. Cho hơi nóng bốc lên tiếp xúc thân thể, nhưng Ngài tự khuyên dạy mình: “Này Temiya! Sức nóng của lửa than này không thể so với sức nóng trong cõi địa ngục Avicī. Sức nóng trong cõi địa ngục Avicī gấp 100 lần, gấp 1.000 lần, gấp 100 ngàn lần sức nóng của lửa than này. Các chúng sinh đang bị thiêu đốt trong cõi địa ngục Avicī rộng lớn 100 do tuần”.

Do đó, Ngài ráng sức chịu đựng hơi nóng tiếp xúc với thân thể, Ngài nằm yên không hề cử động, như bậc Thánh A-ra-hán nhập diệt thọ tưởng.

Nhìn thấy Đức Bồ Tát Thái tử bị sức nóng làm khổ thân như vậy, Đức Phụ Vương và Mẫu hậu cảm thấy khổ tâm cùng cực, nên chạy vào ẵm Ngài ra khỏi giường nằm. Mẫu hậu của Ngài khóc than thảm thiết, khẩn khoản rằng:

- Này Temiya, hoàng nhi yêu quý! Đức Phụ Vương và Mẫu hậu biết chắc chắn rằng con không phải là người bại liệt, cũng không phải là người điếc, cũng không phải là người câm. Bởi vì chân tay của người bại liệt khác với người bình thường. Còn chân tay của con hoàn toàn hơn hẳn người bình thường, thì chắc chắn con không thể nào

là người bại liệt được.

Lỗ tai, lưỡi của người điếc, người câm, khác với lỗ tai, lưỡi của người bình thường. Còn lỗ tai, lưỡi của con tốt hơn người bình thường, thì chắc chắn con không thể nào là người điếc, người câm được.

- Này Temiya, hoàng nhi yêu quý! Con là một Thái tử mà Đức Phụ Vương và Mẫu hậu cầu khẩn.

Vậy, xin con đừng để cho Đức Phụ Vương mà Mẫu hậu phải khổ tâm vì lời than vãn chê trách của các quan, thần dân thiên hạ và các Đức Vua trong toàn cõi Nam Thiện Bội Châu này. Con nhé!

Mặc dù Đức Phụ Vương và Mẫu hậu của Đức Bồ Tát Thái tử tha thiết khẩn khoản như vậy, nhưng Ngài vẫn nằm yên, bất động, như người bại liệt, câm điếc.

Thật ra, Đức Bồ Tát Thái tử lắng nghe rõ từng lời của Đức Phụ Vương và Mẫu hậu. Nhìn thấy Ngài như vậy, Mẫu hậu của Ngài cảm thấy nỗi khổ tâm cùng cực, khóc than thảm thiết và Đức Phụ Vương của Ngài cũng cảm thấy khổ tâm cùng cực. Họ đều bất lực ngự trở về lâu đài của mình.

Về sau, khi thì một mình Chánh cung Hoàng hậu đến thăm Ngài, khi thì một mình Đức Vua đến thăm Ngài, cũng tha thiết khẩn khoản với Ngài như vậy, nhưng  Ngài vẫn nằm yên bất động.

16- Khi Đức Bồ Tát Thái tử Temiya được 16 tuổi, các quan và các vị Bà-la-môn nghĩ: Người con trai đến tuổi 16, dù là người bại liệt, người điếc, người câm, thì vẫn phát sinh tình dục trong đối tượng người con gái xinh đẹp đáng yêu. Vậy, chúng ta nên tuyển chọn các mỹ nữ xinh đẹp đến phục vụ Thái tử, làm cho Thái tử quên mình, say mê các mỹ nữ ấy”. Nghĩ xong các quan đến

chầu Đức Vua rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, xin phép Bệ hạ cho chúng thần tuyển chọn các mỹ nữ xinh đẹp đến phục vụ Thái tử, làm cho Thái tử quên mình, say mê các mỹ nữ ấy.

Được Đức Vua chuẩn tấu, các quan tuyển chọn các mỹ nữ xinh đẹp, có tài nhảy múa, ca hát rồi dẫn đến chầu Đức Vua. Đức Vua truyền bảo rằng:

- Này các mỹ nữ! Nếu cô nào có khả năng làm cho Thái tử của Trẫm hài lòng thì khi Thái tử lên ngôi báu, Trẫm sẽ tấn phong lên ngôi Chánh cung Hoàng hậu.

Tuân lệnh Đức Vua, các bà nhũ mẫu tắm Đức Bồ Tát Thái tử bằng nước hoa, mặc triều phục cho Thái tử như vị thiên nam trên cõi trời dục giới, đặt Ngài nằm một mình trên chiếc giường sang trọng trong căn phòng trên lâu đài, có mùi thơm tho ngào ngạt làm mê hồn.

Khi ấy, các mỹ nữ vào phòng của Đức Bồ Tát Thái tử, với sắc đẹp và tài nghệ nhảy múa, ca hát hay của mình, các cô mỹ nữ trổ tài biểu diễn, để làm cho Thái tử say mê. Nhưng Ngài không hề đưa mắt nhìn các mỹ nữ ấy và phát nguyện: “Các mỹ nữ này không được phép đến gần đụng đến thân thể của ta!”

Đức Bồ Tát Thái tử theo dõi hơi thở ra, hơi thở vào rồi nín thở làm cho thân thể của Ngài trở nên cứng đơ. Các mỹ nữ đứng nhìn thấy thân hình Đức Bồ Tát Thái tử như vậy, hoảng sợ, chạy ra khỏi phòng.

Dù thử Đức Bồ Tát Thái tử bằng các mỹ nữ đến phục vụ Ngài suốt một thời gian lâu mà vẫn không có hiệu quả gì cả.

Các mỹ nữ được gọi vào chầu, Đức Vua truyền hỏi rằng:

- Này các mỹ nữ! Thái tử của Trẫm có vui thích, cười đùa với các cô không?

Các mỹ nữ tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, Thái tử không hề nhìn chúng tiện nữ thì làm sao mà cười đùa với chúng tiện nữ được.

Nghe lời tâu của các mỹ nữ tâu như vậy, Đức Vua khổ tâm cho truyền gọi các vị Bà-la-môn đã từng xem tướng tiên đoán về Thái tử, đến chầu. Đức Vua truyền hỏi rằng:

- Này các vị Bà-la-môn! Khi Thái tử của Trẫm sinh ra, quý vị đã xem tướng của Thái tử rồi cùng nhau tiên đoán tâu với Trẫm rằng: “Thái tử có tướng tốt của bậc đại nhân, khi trưởng thành sẽ là một Đức Vua có nhiều oai lực, trị vì không chỉ một châu mà còn có khả năng trị vì bốn châu thiên hạ, như Đức Vua Chuyển Luân Thánh Vương. Thái tử là bậc đại phước, cho nên không có điều tai hại nào có thể xảy ra đến với Thái tử cả”.

Bây giờ, Thái tử của Trẫm là người bại liệt, người điếc, người câm. Cho nên, lời tiên đoán của quý vị không làm cho Trẫm hài lòng.

Các vị Bà-la-môn tâu dối rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, 3 hiện tượng xấu của Thái tử sẽ là người bại liệt, người điếc, người câm, không phải chúng thần không thấy, không biết. Chúng thần biết rõ như vậy, nhưng không dám tâu sự thật lên Đại Vương. Bởi vì Thái tử là đứa con do Chánh cung Hoàng hậu Candādevī phát nguyện cầu khẩn. Lúc ấy, nếu tâu sự thật như vậy thì sợ Đại Vương và Chánh cung Hoàng hậu Candādevī sẽ không hài lòng.

Đức Vua truyền rằng:

- Này quý vị Bà-la-môn! Bây giờ có cách nào không?

Các vị Bà-la-môn tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ! Thái tử Temiya là người xui xẻo (kāḷakaṇṇī). Nếu để Thái tử trong cung điện này thì

có ba điều tai hoạ xảy ra:

1- Tai hoạ sẽ xảy đến với Đại Vương.

2- Tai hoạ sẽ xảy đến với ngai vàng của Đại Vương.

3- Tai hoạ sẽ xảy đến với Chánh cung Hoàng hậu.

Vì vậy, Đại Vương không nên chậm trễ, nên truyền lệnh sửa soạn chiếc xe bất hạnh, với những con ngựa bất hạnh, đặt Thái tử nằm trên chiếc xe ấy, rồi đưa ra cửa thành hướng tây, đến khu rừng rậm, đào huyệt chôn Thái tử để tránh khỏi 3 tai họa ấy.

Nghe các vị Bà-la-môn tâu như vậy, Đức Vua phát sinh tâm lo sợ những tai họa sẽ xảy đến, nên quyết định làm theo lời hướng dẫn của các Bà-la-môn.

Khi nghe chuyện sẽ xảy ra đối với Thái tử Temiya, Chánh cung Hoàng hậu Candādevī một mình đến chầu Đức Vua, lạy Đức Vua rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng Thượng! Ngày trước Hoàng Thượng đã ban cho thần thiếp ân huệ, thần thiếp đã cung kính nhận ân huệ ấy, rồi xin gởi lại Hoàng Thượng. Nay kính xin Hoàng Thượng ban ân huệ ấy lại cho thần thiếp.

Đức Vua truyền rằng:

- Này ái khanh Candādevī! Ái khanh hãy nhận lại ân huệ ấy!

Chánh cung Hoàng hậu Candādevī tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng Thượng! kính xin Hoàng Thượng ban ân huệ truyền ngôi báu cho Thái tử Temiya, con của thần thiếp.

Đức Vua truyền rằng:

- Này ái khanh Candādevī, Trẫm không thể ban ân huệ truyền ngôi cho Thái tử Temiya được, bởi vì Thái tử

là người xui xẻo (kāḷakaṇṇī).

- Muôn tâu Hoàng Thượng, nếu Hoàng Thượng không truyền ngôi báu cho Thái tử Temiya suốt đời thì truyền ngôi báu cho Thái tử Temiya 7 năm.

Đức Vua không chuẩn tấu lời tâu của Chánh cung Hoàng hậu Candādevī. Sau đó, Bà giảm còn 6 năm, 5 năm, 4 năm, 3 năm, 2 năm, 1 năm, rồi 7 tháng, 6 tháng, 5 tháng, 4 tháng, 3 tháng, 2 tháng, 1 tháng, nửa tháng, rồi cuối cùng còn lại 7 ngày.

 

Đức Vua chuẩn tấu theo lời của Chánh cung Hoàng hậu Candādevī, truyền ngôi báu cho Thái tử Temiya 7 ngày, rồi bố cáo cho thần dân biết lễ đăng quang lên ngôi báu của Thái tử Temiya trong vòng 7 ngày.

Thái tử Temiya được mặc bộ đồ triều phục và đeo các đồ trang sức của Đức Vua, rồi đặt nằm trên long sàng trên lưng con bạch tượng có lọng trắng che, ngự đi quanh kinh thành Bārāṇasī, rồi ngự trở về cung điện, nằm trên ngai vàng.

Suốt ngày đêm Chánh cung Hoàng hậu Candādevī đến khẩn khoản với Đức Vua Bồ Tát Temiya rằng:

- Này Temiya, hoàng nhi yêu quý! Mẫu hậu đã chịu khổ tâm suốt 16 năm qua, Mẫu hậu đã khóc suốt ngày đêm, đã khô cạn dòng lệ, trái tim của Mẫu hậu như bị vỡ, vì quá sầu não, chịu bao nỗi thống khổ cùng cực. Mẫu hậu biết chắc: “Con không phải là người bại liệt, cũng không phải là người điếc, cũng không phải là người câm”.

- Này Temiya, hoàng nhi yêu quý! Xin con đừng làm cho Mẫu hậu thất vọng, không có nơi nương nhờ.

Đêm thứ 6, Đức Vua truyền lệnh cho người đánh xe Sunanda đến, truyền bảo rằng:

- Này Sunanda! Sáng ngày mai, ngươi hãy lấy một

chiếc xe bất hạnh (avamaṅgalaratha) cài vào 2 con ngựa bất hạnh, rồi ẵm Thái tử Temiya đặt nằm trên chiếc xe ấy, đưa ra cửa thành hướng tây, đi thẳng vào khu rừng nghĩa địa, đào hầm sâu, đặt Thái tử nằm dưới hầm ấy, lấp đất đầy xong, ngươi tắm rửa cho sạch sẽ, rồi trở về cung điện.

Người đánh xe ngựa Sunanda tâu xin tuân theo lệnh của Đức Vua.

Nghe tin Đức Vua Kāsirājā truyền lệnh cho người đánh xe Sunanda như vậy, trái tim của Chánh cung Hoàng hậu Candādevī như muốn vỡ, Bà vội ngự đến gặp Đức Vua Bồ Tát Temiya. Chánh cung Hoàng hậu ngồi khóc than, khẩn khoản suốt đêm hôm ấy. Ngài vẫn nằm yên, bất động, làm thinh như người điếc, người câm. Bà khóc than, báo tin cho Ngài biết rằng:

- Này Temiya, hoàng nhi yêu quý! Đức Vua Kāsirājā, Đức Phụ Vương của con, đã truyền lệnh cho người đánh xe tên Sunanda: “Sáng sớm ngày mai, đặt con trên chiếc xe bất hạnh, được kéo bởi 2 con ngựa bất hạnh, đưa con ra cửa thành phía tây, chở con đi thẳng vào khu rừng nghĩa địa, đào hầm sâu, đặt con nằm dưới hầm ấy, rồi lấp đất chôn con dưới đất”.

Ngày mai, Mẫu hậu sẽ vĩnh viễn xa cách con rồi!

Lắng nghe lời của Mẫu hậu như vậy, Đức Vua Bồ Tát Temiya kiềm chế tâm hoan hỷ, không để biểu lộ, tự dạy mình: “Này Temiya! Pháp hạnh phát nguyện của ngươi, nhờ pháp hạnh nhẫn nại, pháp hạnh tinh tấn… trải qua 16 năm, ngươi sẽ được thành tựu như ý, vào sáng ngày mai ấy”.

 Đức Vua Bồ Tát Temiya thì chờ hy vọng vào sáng hôm sau, còn Chánh cung Hoàng hậu Candādevī phát sinh nỗi khổ tâm, nỗi thống khổ cùng cực, trái tim của Bà dường như bị vỡ.

Đức Vua Bồ Tát thấu hiểu nỗi khổ tâm, nỗi thống khổ cùng cực của Mẫu hậu. Ngài nghĩ rằng: Nếu ngay bây giờ ta nói lời an ủi với Mẫu hậu, thì pháp hạnh phát nguyện của ta sẽ bị đứt, ý nguyện tha thiết rời khỏi cung điện của ta cũng sẽ không được thành tựu như ý”.

Do đó, Ngài vẫn nằm yên như người điếc vậy.

 

Đức Vua Bồ Tát Temiya Thành Tựu Như Ý

 

Đêm đã qua, rạng đông bắt đầu một ngày mới, Chánh cung Hoàng hậu Candādevī tắm cho Đức Vua Bồ Tát Temiya mặc bộ đồ triều phục và đeo đầy đủ các đồ trang sức của một vị Vua, đặt Ngài ngồi trên vế, ôm vào lòng rồi hôn lên Ngài.

Sáng hôm ấy, do oai lực của Đức Vua Bồ Tát Temiya cùng chư thiên khiến cho người đánh xe Sunanda dắt 2 con ngựa hạnh phúc cài vào chiếc xe hạnh phúc (maṅgalaratha), đánh chiếc xe ấy đến dừng trước lâu đài của Chánh cung Hoàng hậu Candādevī.

Người đánh xe Sunanda vào chầu Chánh cung Hoàng hậu Candādevī, đảnh lễ, rồi tâu rằng:

- Tâu Chánh cung Hoàng hậu! Kính xin Bà tha tội cho hạ thần này, kẻ hạ thần tuân theo lệnh của Đức Vua Kāsirājā, đến thỉnh Đức Vua Temiya đi.

Khi ấy, Chánh cung Hoàng hậu Candādevī đang ôm chặt Đức Vua Bồ Tát Temiya vào lòng, hôn Ngài, rồi Bà đành buông hai tay thả Ngài ra. Người đánh xe Sunanda đưa hai tay nâng Đức Vua Bồ Tát Temiya như ôm một bó hoa, bước xuống lâu đài cung điện.

Chánh cung Hoàng hậu Candādevī xoã tóc, úp mặt vào

hai bàn tay khóc thét lên. Các Cung phi, các nhũ mẫu cùng đều khóc than thảm thiết.

Khi ấy, nhìn thấy Mẫu hậu đang chịu nỗi khổ tâm cùng cực, Đức Vua Bồ Tát Temiya nghĩ: Bây giờ, nếu ta không nói lời an ủi nào với Mẫu hậu thì Mẫu hậu của ta có thể vỡ tim mà chết mất!”

Định nói lời an ủi với Mẫu hậu thì Ngài chợt nghĩ lại: Nếu bây giờ ta nói lời an ủi với Mẫu hậu thì pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật cùng với các pháp hạnh Ba-la-mật khác như pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật, pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật… mà ta đã thực hành suốt 16 năm qua sẽ không đem lại kết quả thành tựu như ý.

 Còn bây giờ, nếu ta không nói lời an ủi với Mẫu hậu thì thời gian sau không lâu, Đức Phụ Vương, Mẫu hậu, các quan, quân, phần đông dân chúng sẽ được lợi ích lớn, sự tiến hóa lớn, sự an lạc lâu dài”. \

Do nhờ suy nghĩ như vậy, nên Đức Vua Bồ Tát Temiya chế ngự được nỗi khổ tâm sầu não.

Sau khi đặt Đức Vua Bồ Tát Temiya nằm trên chiếc xe hạnh phúc xong, người đánh xe Sunanda có ý định đánh xe ra cửa thành hướng tây, nhưng do oai lực của Đức Bồ Tát và của chư thiên, khiến người đánh xe Sunanda đánh xe ra cửa thành hướng đông.

Nằm trên chiếc xe ngự ra khỏi kinh thành Bārāṇasī đi đến khu rừng, Đức Vua Bồ Tát Temiya nghĩ: Pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật của ta đã được thành tựu, ý nguyện tha thiết rời khỏi cung điện cũng đã được thành tựu như ý”.

Nghĩ như vậy, Đức Vua Bồ Tát Temiya vô cùng hoan hỷ phát sinh đại thiện tâm hỷ lạc chưa từng có bao giờ.

Người đánh xe Sunanda điều khiển chiếc xe đi thẳng đến khu rừng cách xa kinh thành Bārāṇasī khoảng 3 do tuần, tưởng đã đến nơi nghĩa địa, nên cho chiếc xe ngựa dừng lại. Bước xuống xe, y cởi bộ triều phục, và các đồ trang sức của Đức Vua Bồ Tát Temiya, bỏ vào hòm, để đem về trình lên Đức Vua Kāsirājā, rồi đem cuốc đến một nơi không xa chỗ đậu xe, để đào hầm sâu chôn sống Ngài.

 

Đức Bồ Tát Thái tử Temiya Biểu Dương Sức Mạnh

 

Đức Bồ Tát Temiya nghĩ: Suốt 16 năm qua ta nằm yên, bây giờ ta cần phải cử động từ tay chân cho đến toàn thân thể”. Do nhờ năng lực của đại thiện tâm giúp cho sắc thân được nhẹ nhàng, mềm mại, uyển chuyển. Đức Bồ Tát Temiya nằm cử động 2 tay, 2 chân, rồi ngồi dậy, lấy bàn tay phải xoa cánh tay trái, rồi lấy bàn tay trái xoa cánh tay phải, xoa như vậy nhiều lần, rồi lấy 2 bàn tay xoa bóp chân phải và chân trái, xoa bóp toàn thân, để làm cho máu huyết lưu thông, làm cho co giãn gân cốt trong toàn thân thể.

Sau đó Đức Bồ Tát Temiya bước xuống xe, đi qua đi lại để biết sức lực của mình. Ngài biết mình có thể đi bộ 100 do tuần chỉ trong một ngày. Để kiểm tra lại sức lực của mình, Ngài ngự đến chiếc xe, trong tư thế vững vàng, 2 tay cầm càng xe nhấc bỗng nó lên khỏi mặt đất rồi quay một vòng như quay một chiếc xe đồ chơi của bọn trẻ. Ngài có sức mạnh có khả năng tự vệ được mình, mà không có một ai có thể làm hại được.

Đức Bồ Tát Thái tử Temiya muốn có bộ trang phục cho thân thể của mình. Khi ấy, chỗ ngồi của vua trời Sakka nóng lên, Đức Vua trời xem xét thấy rõ, biết rõ pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật của Đức Bồ Tát Thái tử Temiya đã được thành tựu, ý nguyện tha thiết rời khỏi cung điện cũng được như ý.

Đức Vua trời Sakka nghĩ: Bây giờ, Đức Bồ Tát Thái tử Temiya muốn có bộ trang phục cho thân thể của Ngài, nhưng bộ trang phục của loài người không xứng đáng với Ngài, ta nên kính dâng đến Ngài bộ trang phục cõi trời”.

Nghĩ xong, Đức Vua trời Sakka truyền gọi vị thiên nam Vissakamma đem bộ trang phục cõi trời đến kính dâng lên Đức Bồ Tát Thái tử Temiya.

Tuân theo lệnh của Đức Vua trời Sakka, vị thiên nam Vissakamma đem bộ trang phục cõi trời đến dâng lên Đức Bồ Tát Thái tử Temiya.

Nhận xong, Ngài mặc bộ trang phục và đeo các đồ trang sức cõi trời, trông giống như Đức Vua trời Sakka. Ngài ngự đến chỗ người đánh xe Sunanda đang cặm cụi đào hầm, truyền hỏi rằng:

- Này Sunanda, bạn thân mến! Bạn đào hầm này để làm gì vậy? Tôi đã hỏi bạn, xin bạn trả lời cho tôi biết.

Người đánh xe Sunanda đang cặm cụi đào hầm, không nhìn lên Đức Bồ Tát Thái tử Temiya, nên trả lời rằng:

- Thưa Ngài, Thái tử Temiya của Đức Vua Kāsirāja và Chánh cung Hoàng hậu Candādevī là người bại liệt, người điếc, người câm thuộc hạng người xui xẻo (kāḷakaṇṇī) trong cung điện. Do đó, Đức Vua Kāsirāja truyền lệnh cho tôi chở Thái tử Temiya đem chôn tại nghĩa địa này. Tôi đào hầm này để chôn Thái tử Temiya. Thưa Ngài.

Khi ấy, Đức Bồ Tát Thái tử Temiya truyền bảo người đánh xe Sunanda rằng:

- Này Sunanda, bạn thân mến! Tôi không phải là người bại liệt, cũng không phải là người điếc, cũng không phải là người câm, chắc chắn không phải là người xui xẻo.

Xin mời bạn hãy xem đôi cánh tay, đôi chân, thân hình khoẻ mạnh của tôi như thế này!

Xin bạn hãy nghe lời nói thanh tao, ngọt ngào của tôi như thế này!

Nếu bạn chôn tôi trong khu rừng này thì bạn là người làm điều bất nhân, không hợp pháp.

Khi nghe Đức Bồ Tát Thái tử Temiya truyền bảo như vậy, người đánh xe Sunanada ngừng tay, ngẩng đầu nhìn Ngài, nhưng chưa nhận ra được Ngài, và nghĩ: “Vị này có phải là người hay chư thiên, để ta hỏi cho biết”. Y bèn hỏi rằng:

- Thưa Ngài, Ngài là ai? Ngài có phải là người, hay vị thiên nam, hay là Đức Vua trời Sakka vậy? Thưa Ngài.

Đức Bồ Tát Thái tử Temiya truyền bảo khẳng định rằng:

- Này Sunanda, bạn thân mến! Tôi là người, không phải là vị thiên nam, cũng không phải là Đức Vua trời Sakka. Tôi chính là Thái tử Temiya của Đức Vua Kāsirājā và Chánh cung Hoàng hậu Candādevī. Còn bạn là vị quan đánh xe của Đức Phụ Vương tôi. Cuộc sống của bạn nương nhờ nơi Đức Phụ Vương tôi.

 - Này Sunanda, bạn thân mến! Nếu bạn chôn tôi trong khu rừng này thì bạn là người không tốt, là người không biết ơn đối với Đức Phụ Vương của tôi.

Người nào đến ngồi hoặc nằm nương nhờ dưới bóng mát của một cây nào, người ấy không nên ngắt lá, bẻ cành của cây ấy. Bởi vì, người không biết ơn, người hại bạn là người không tốt trong đời.

Đức Phụ Vương của tôi ví như một cây lớn, tôi ví như cành của cây ấy, còn bạn ví như người đến nương nhờ bóng mát của cây lớn ấy. Nếu bạn chôn tôi trong khu rừng này thì bạn là người không tốt, là người không biết ơn Đức Phụ Vương của tôi.

Tuy nghe lời dạy của Đức Bồ Tát Thái tử Temiya như vậy, nhưng người đánh xe Sunanda vẫn chưa tin người đang nói chuyện với mình chính là Thái tử Temiya.

Đức Bồ Tát Thái tử Temiya nghĩ: Ta sẽ làm cho người đánh xe Sunanda này tin ta chính là Thái tử Temiya”.

Nghĩ xong Ngài truyền dạy 10 pháp của người bạn tốt như sau:

  




[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024