|
10 Pháp Người Bạn Tốt
- Này Sunanda, bạn thân mến! 10 pháp của người bạn tốt là: 1- Người bạn tốt là người biết ơn, người không làm hại bạn. Người ấy được phần đông mọi người tin tưởng, kính yêu, và đi đến nơi nào cũng có được đầy đủ vật thực và tiện nghi. 2- Người bạn tốt là người biết ơn, người không làm hại bạn. Người ấy đến xóm làng, tỉnh thành, kinh thành… được mọi người đón rước, tiếp đãi trọng thể xem như người thân của họ. 3- Người bạn tốt là người biết ơn, người không làm hại bạn. Kẻ cướp, kẻ thù không thể khuất phục được người ấy. Thật ra, người ấy có khả năng thuyết phục được kẻ thù bằng thiện pháp, được Đức Vua tín cẩn. 4- Người bạn tốt là người biết ơn, người không làm hại bạn. Người ấy sống trong gia đình được mọi người trong gia đình, bà con, dòng họ yêu mến, người ấy vào hội chúng nào đều được hội chúng ấy tôn trọng. 5- Người bạn tốt là người biết ơn, người không làm hại bạn. Biết cung kính người khác thì sẽ được những người khác cung kính đáp lại; biết tôn trọng người khác thì sẽ được những người khác tôn trọng đáp lại. Người ấy được tán dương ca tụng là hạng người cao quý. 6- Người bạn tốt là người biết ơn, người không làm hại bạn. Biết cúng dường người khác thì sẽ được những người khác cúng dường đáp lại; biết đảnh lễ người khác thì sẽ được những người khác đảnh lễ đáp lại. Người ấy sẽ là người cao quý. 7- Người bạn tốt là người biết ơn, người không làm hại bạn. Người ấy có gương mặt sáng sủa, thân tâm thường an lạc. 8- Người bạn tốt là người biết ơn, người không làm hại bạn. Người ấy làm công việc nào cũng được kết quả tốt đẹp trong công việc ấy, như gieo trồng lúa, thì được mùa… người ấy hưởng được quả tốt lành. 9- Người bạn tốt là người biết ơn, người không làm hại bạn. Người ấy tránh được mọi tai nạn, dù người ấy rơi xuống hố sâu, vẫn không có tai nạn nào xảy đến với người ấy. 10- Người bạn tốt là người biết ơn, người không làm hại bạn. Kẻ thù không thể khuất phục được người ấy. Ví như cây da có nhiều rễ phụ, cho nên gió bão không thể làm cho nó trốc gốc ngã nhào được. Đặt biệt, người ấy có khả năng cảm hoá được kẻ thù. Nghe Đức Bồ Tát Thái tử Temiya thuyết dạy 10 pháp của người bạn tốt như vậy, nhưng người đánh xe Sunanda vẫn chưa nhận ra được Ngài. Người đánh xe Sunanda nghĩ: “Bậc này là ai mà thuyết dạy những lời lẽ rất hay, có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, ta chưa từng nghe bao giờ”. Nghĩ xong, y cung kính đảnh lễ Ngài, rồi đi lại bên chiếc xe, không nhìn thấy Thái tử Temiya đâu cả, chỉ thấy hòm trang phục của Thái tử mà thôi. Trở lại nhìn kỹ, người đánh xe Sunanda mới nhận ra được Bậc Pháp sư ấy chính là Thái tử Temiya của Đức Vua Kāsirāja và Chánh cung Hoàng hậu Candādevī. Người đánh xe Sunanda chắp hai tay đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức Bồ Tát Thái tử Temiya tha thiết khẩn khoản tâu xin rằng: - Tâu Thái tử Temiya! Kính xin Thái tử tha tội chết cho kẻ si mê, ngu muội này. Kẻ hạ thần kính thỉnh Thái tử hồi cung ngự trở lại cung điện, lên ngôi làm vua, hưởng mọi sự an lạc. Đức Bồ Tát Thái tử Temiya truyền bảo rằng: - Này Sunanda, bạn thân mến! Ta không cần ngôi báu, không muốn hưởng mọi sự an lạc của ngũ dục (sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc êm ấm). Ta chỉ muốn xuất gia trở thành đạo sĩ ở trong rừng mà thôi. Người đánh xe Sunanda khẩn khoản rằng: - Tâu Thái tử Temiya! Kính thỉnh Thái tử hồi cung. Nếu Thái tử hồi cung thì Đức Vua Kāsirāja và Chánh cung Hoàng hậu Candādevī chắc chắn sẽ ban thưởng cho kẻ hạ thần này nhiều của cải quý giá. Nếu Thái tử hồi cung thì các cung phi, các hoàng thân, các Bà-la-môn, các quan,… chắc chắn sẽ ban cho kẻ hạ thần này nhiều của cải quý giá. Đức Bồ Tát Thái tử Temiya truyền bảo rằng: - Này Sunanda, bạn thân mến! Ta không trở lại cung điện nữa. Đức Phụ Vương của ta đã truyền lệnh cho bạn đưa ta ra khỏi kinh thành Bārāṇasī, để chôn ta trong khu rừng này, và Mẫu hậu của ta cũng đành chịu trao ta cho bạn bồng lên xe. Như vậy, ta đã thoát ra khỏi cung điện rồi. Nay, bạn không chôn ta thì ta được hoàn toàn tự do, ta sẽ xuất gia trở thành đạo sĩ ở trong khu rừng này. Đức Bồ Tát Thái tử Temiya cảm thấy vô cùng hoan hỷ thốt lên rằng: - Này Sunanda, bạn thân mến! Ta đã thực hành pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật 3 điều, pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật, pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật,… chờ đợi suốt 16 năm qua. Nay, ý nguyện của ta đã được thành tựu như ý. - Này Sunanda, bạn thân mến! Sự lợi ích chính đáng, hợp pháp của người không nóng nảy (biết nhẫn nại chờ đợi suốt 16 năm) đã được thành tựu kết quả chắc chắn rồi, ta sẽ xuất gia trở thành đạo sĩ thực hành pháp hạnh cao thượng ở trong rừng, để tránh được những tai hoạ sẽ xảy đến với ta. Nghe lời truyền dạy của Đức Bồ Tát Thái tử Temiya như vậy, người đánh xe Sunanda tâu rằng: - Tâu Thái tử Temiya, lời truyền dạy của Thái tử hay quá! sâu sắc quá! Vậy, do nguyên nhân nào mà Thái tử không nói lời nào tại cung điện của Đức Vua Kāsirājā và Chánh cung Hoàng hậu Candādevī? Đức Bồ Tát Thái tử Temiya truyền bảo rằng: - Này Sunanda, bạn thân mến! Ta không nói lời nào tại cung điện của Đức Phụ Vương và Mẫu hậu của ta, không phải ta là người câm không nói được, ta không phải là người điếc không nghe được, ta không phải là người bại liệt không cử động tay chân, thân thể được. Sở dĩ ta không phải là người câm, ta đã phát nguyện làm như người câm, ta không phải là người điếc, ta đã phát nguyện làm như người điếc, ta không phải là người bại liệt, ta đã phát nguyện làm như người bại liệt, là vì ta sợ rằng “Khi ta trưởng thành, Đức Phụ Vương của ta truyền ngôi báu lại cho ta”. Nhưng ta thì không muốn làm vua. Bởi vì, ta nhớ lại tiền kiếp của ta đã từng làm Đức Vua ngự tại kinh thành Bārāṇasī này, trị vì đất nước Kāsiraṭṭha này chỉ có 20 năm. Tiền kiếp của ta là Đức Vua Kāsi (như Đức Phụ Vương của ta bây giờ) đã tạo ác nghiệp, cho nên sau khi băng hà, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục Ussadanaraka, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy suốt 80.000 năm. Kiếp hiện tại ta là Thái tử Temiya, con của Đức Vua Kāsirājā và Chánh cung Hoàng hậu Candādevī, ta sợ Đức Phụ Vương của ta sẽ truyền ngôi báu cho ta lên làm vua, nhưng ta không muốn làm vua, bởi vì ta sợ cảnh khổ trong cõi địa ngục. Một hôm, khi ta lên một tháng tuổi, ta đang nằm trên đôi vế của Đức Phụ Vương ta. Khi ấy, một người lính dẫn 4 kẻ trộm cắp vào trình Đức Phụ Vương ta phán xử. Đức Phụ Vương ta truyền lệnh rằng: - Kẻ trộm cắp này, các ngươi hãy đánh bằng roi có gai 1.000 lần. - Kẻ trộm cắp này, các ngươi hãy xiềng chân bỏ vào nhà giam. - Kẻ trộm cắp này, các ngươi lấy lưỡi giáo đâm vào thân thể của nó. - Kẻ trộm cắp này, các ngươi đặt nó trên bàn chông. Khi ấy, ta đang nằm trên hai bắp vế của Đức Phụ Vương, nghe lời phán xử nghiêm khắc của Đức Phụ Vương như vậy, ta lấy làm kinh sợ, nên ta quyết tâm không muốn lên ngôi vua. Do đó ta thành tâm phát nguyện rằng: 1- Ta không phải là người bại liệt, ta đã phát nguyện làm như người bại liệt. 2- Ta không phải là người điếc, ta đã phát nguyện làm như người điếc. 3- Ta không phải là người câm, ta đã phát nguyện làm như người câm. Sau khi phát nguyện xong, ta đã thực hành nghiêm chỉnh theo 3 điều phát nguyện ấy, ta đã nhẫn nại chịu đựng mọi thử thách suốt 16 năm trường ròng rã. Trong 16 năm ấy, ta đã từng nhẫn nại chịu đựng nằm trên vũng nước tiểu, nằm trên đống phân của ta. Sinh mạng này là khổ thật, rất ngắn ngủi, không bao lâu phải tử bỏ thân này. Người nào nương nhờ sinh mạng này mà tạo ác nghiệp, vì bất cứ lý do nào, cũng đều phải chịu quả khổ của ác nghiệp ấy. Bởi vì, người ấy không có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, không có trí tuệ thiền tuệ sáng suốt thấy rõ, biết rõ thực tánh của các pháp, không có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp, không có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, không dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn, không diệt đoạn tuyệt được phiền não và tham ái. Ý nguyện của ta không nóng nảy, biết nhẫn nại chờ đợi sự kết quả, nhờ đã thực hành nghiêm chỉnh theo 3 điều phát nguyện ấy suốt 16 năm. Nay, ta đã được thành tựu như ý. Sự lợi ích chính đáng và hợp pháp của người không nóng nảy, biết nhẫn nại chờ đợi đã được thành tựu như ý. Ta sẽ xuất gia trở thành đạo sĩ, thực hành pháp hạnh cao thượng ở trong rừng này, để tránh khỏi tai hoạ xảy đến với ta. Nghe Đức Bồ Tát Thái tử truyền bảo như vậy, người đánh xe Sunanda suy nghĩ: “Thái tử Temiya sợ lên ngôi báu làm vua, mà đã quyết tâm phát nguyện không hề lay chuyển, đã nhẫn nại chịu đựng biết bao nhiêu thử thách suốt 16 năm. Nay, Thái tử có ý nguyện xuất gia trở thành đạo sĩ ở trong rừng này. Còn cuộc đời khổ cực của ta có đáng gì đâu! Vậy, ta cũng nên xuất gia trở thành đạo sĩ”. Người đánh xe Sunanda tâu rằng: - Tâu Thái tử, kẻ hạ thần này cũng muốn xuất gia theo Thái tử. Kính xin Thái tử cho phép kẻ hạ thần được xuất gia trở thành đạo sĩ, làm đệ tử của Thái tử. Nghe người đánh xe Sunanda tha thiết muốn xin xuất gia trở thành đạo sĩ, Đức Bồ tát Thái tử suy xét rằng: “Nếu ta đồng ý cho phép Sunanda xuất gia trở thành đạo sĩ thì Đức Phụ Vương và Mẫu hậu của ta sẽ không có cơ hội ngự đến nơi này. Đó là điều bất lợi cho Đức Phụ Vương và Mẫu hậu của ta. Bộ triều phục và các đồ trang sức của nhà Vua này sẽ bị hư hoại, ngựa xe và người đánh xe Sunanda mất tích, thì chắc chắn ta sẽ bị chê trách”. Đức Bồ Tát Thái tử suy xét đến sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc đối với Đức Phụ Vương và Mẫu hậu của Ngài, nên Ngài truyền bảo người đánh xe Sunanda phải đem ngựa xe, bộ triều phục và các đồ trang sức của nhà Vua về nộp cho triều đình, hoàn thành xong nhiệm vụ trước, để không bị mắc nợ triều đình, và tâu lên Chánh cung Hoàng hậu Candādevī biết rõ sự thật về Ngài. Do đó, Ngài truyền bảo người đánh xe rằng: - Này Sunanda, bạn thân mến! Bạn hãy đem nộp lại ngựa xe và các triều phục của ta cho triều đình trước, hoàn thành xong nhiệm vụ, bạn là người không mắc nợ thì mới được phép xuất gia, mà chư bậc thiện trí như Đức Phật,… tán dương ca tụng. Nghe lời truyền dạy của Đức Bồ Tát Thái tử Temiya, người đánh xe Sunanda nghĩ: “Nếu ta đem ngựa xe, các đồ triều phục của Thái tử về nộp lại cho triều đình, rồi tâu lên Chánh cung Hoàng hậu Candādevī và Đức Vua Kāsirājā biết rõ Thái tử Temiya là người cao thượng bậc nhất như vậy. Đức Vua và Chánh cung Hoàng hậu cùng những người khác ngự đến nơi đây, nếu không thấy Thái tử Temiya thì chắc chắn ta sẽ bị trọng tội. Vì vậy, ta nên tâu với Thái tử, xin Thái tử hứa chắc chắn với ta rằng ‘Thái tử sẽ không ngự đi nơi nào khác, cho đến khi ta trở lại’. Vì nghĩ như vậy, nên y bèn tâu rằng: - Tâu Thái tử Temiya, Bậc cao thượng, kẻ hạ thần xin tuân theo lời truyền bảo của Thái tử. Kẻ hạ thần tha thiết khẩn khoản, cầu xin Thái tử hứa chắc chắn với kẻ hạ thần rằng ‘Thái tử sẽ không ngự đi nơi nào khác, cho đến khi hạ thần kính thỉnh Đức Vua và Chánh cung Hoàng hậu ngự đến đây gặp lại Thái tử’. Nghe Sunanda tâu như vậy, Đức Bồ Tát Thái tử Temiya truyền dạy rằng: - Này Sunanda, bạn thân mến! Ta xin hứa chắc chắn với bạn, ta sẽ trú tại nơi này cho đến khi bạn trở lại. Vậy, bạn hãy an tâm trở lại cung điện. Thật ra, chính ta cũng mong muốn được yết kiến Đức Phụ Vương và Mẫu hậu của ta tại nơi đây. Khi trở lại cung điện, ta xin nhờ bạn tâu lên Đức Phụ Vương và Mẫu hậu của ta rằng: “Muôn tâu Bệ hạ! Thái tử Temiya bảo kẻ hạ thần tâu lên Bệ hạ: ‘Thái tử Temiya thành kính đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức Phụ Vương và Mẫu hậu, cầu mong Đức Phụ Vương và Mẫu hậu sống lâu và an lạc!” Quay mặt về phía kinh thành Bārāṇasī, nơi cung điện của Đức Phụ Vương và Mẫu hậu, Đức Bồ Tát Thái tử Temiya hướng tâm đến nơi đó, chắp hai bàn tay đảnh lễ Đức Phụ Vương và Mẫu hậu của Ngài một cách cung kính. Sau khi nhận lời của Đức Bồ Tát Thái tử, người đánh xe Sunanda tỏ lòng tôn kính đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Ngài, rồi xin phép tạm biệt trở lại kinh thành Bārāṇasī, đến cung điện của Chánh cung Hoàng hậu Candādevī. Khi ấy, Chánh cung Hoàng hậu đang đứng trên lâu đài nhìn xuống thấy người đánh xe Sunanda trở về một mình, trái tim của bà dường như muốn vỡ, khổ tâm cùng cực khóc than rằng: - Người đánh xe Sunanda đã chôn Thái tử của ta rồi! Thái tử của ta đã bị người đánh xe Sunanda chôn vùi dưới đất rồi! - Ô! Ta thì khổ tâm cùng cực, còn kẻ thù thì lại vui mừng. Người đánh xe Sunanda đến chầu Chánh cung Hoàng hậu Candādevī. Bà liền truyền hỏi liên tiếp rằng: - Này Sunanda! Thái tử của ta không phải là người bại liệt phải không? Không phải là người điếc phải không? Không phải là người câm phải không? Khi ngươi chôn vùi dưới đất, Thái tử của ta có cử động chân tay gì không? Có la hét gì không? Ta đã hỏi ngươi. Vậy ngươi hãy mau tâu cho ta rõ. Người đánh xe Sunanda trân trọng tâu rằng: - Muôn tâu Chánh cung Hoàng hậu, kính xin Lệnh bà tha tội cho kẻ hạ thần này. Kẻ hạ thần này sẽ xin tâu rõ những điều tai nghe, mắt thấy, diện kiến trực tiếp với Thái tử Temiya cho Lệnh bà rõ. Nghe người đánh xe Sunanda tâu như vậy, Chánh cung Hoàng hậu Candādevī truyền bảo rằng: - Này Sunanda! Ta đã tha tội cho ngươi rồi! Ngươi chớ nên sợ hãi. Vậy, ngươi hãy trình tâu cho ta rõ những điều mà ngươi đã thấy, đã nghe, đã diện kiến với Thái tử Temiya của ta mau! Người đánh xe Sunanda tâu rằng: - Muôn tâu Chánh cung Hoàng hậu! Thái tử Temiya của Lệnh bà là Bậc cao thượng nhất. Sự thật, Thái tử Temiya hoàn toàn không phải là người bại liệt, mà là người có sức mạnh phi thường; Thái tử Temiya cũng không phải là người điếc, bởi vì chính hạ thần đã tâu chuyện với Thái tử; Thái tử Temiya cũng không phải là người câm mà là người có giọng nói thanh tao, lời dạy có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, mà chính tai của hạ thần đã nghe được lời truyền dạy của Thái tử. - Muôn tâu Chánh cung Hoàng hậu! Thái tử Temiya truyền bảo kẻ hạ thần trở lại tâu lời của Thái tử lên Đức Vua và Chánh cung Hoàng hậu rằng: “Thái tử Temiya thành kính đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức Phụ Vương và Mẫu hậu, cầu mong Đức Phụ Vương và Mẫu hậu sống lâu và an lạc”. - Muôn tâu Chánh cung Hoàng hậu, kẻ hạ thần nghe từ Thái tử Temiya truyền bảo rằng: “Sở dĩ Thái tử Temiya không nói lời nào tại cung điện là vì Thái tử nhớ lại tiền kiếp của Ngài đã từng làm Đức Vua ngự tại kinh thành Bārānasī, trị vì đất nước Kāsiraṭṭha này 20 năm. Đức Vua, tiền kiếp của Ngài có quyền lực đã từng tạo ác nghiệp. Sau khi Đức Vua ấy băng hà, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục Ussadanaraka, phải chịu quả khổ của ác nghiệp ấy suốt 80.000 năm. Nay, kiếp hiện tại của Ngài là Thái tử Temiya, Ngài sợ rằng khi trưởng thành, Ngài sẽ được Đức Phụ Vương truyền ngôi báu lên làm vua, nhưng Ngài thì lại sợ làm vua. Để tránh khỏi làm vua, để được xuất gia trở thành vị đạo sĩ, nên Thái tử Temiya đã phát nguyện 3 điều rằng: “1- Ta không phải là người bại liệt, ta đã phát nguyện làm như người bại liệt. 2- Ta không phải là người điếc, ta đã phát nguyện làm như người điếc. 3- Ta không phải là người câm, ta đã phát nguyện làm như người câm”. Thái tử Temiya đã phát nguyện, rồi thực hành nghiêm chỉnh như vậy, cốt để tránh lên ngôi làm vua và được đi vào rừng để xuất gia trở thành đạo sĩ, thực hành pháp hạnh cao thượng. - Muôn tâu Chánh cung Hoàng hậu, Thái tử Temiya là người có các tướng tốt của bậc đại nhân, có sức mạnh phi thường, có giọng nói thánh thót, đặc biệt thuyết pháp rất hay và sâu sắc, có trí tuệ siêu việt, thực hành pháp hạnh cao thượng. Hạ thần kính thỉnh Đức Vua và Chánh cung Hoàng hậu ngự đến diện kiến Thái tử Temiya, kẻ hạ thần này xin dẫn đường đưa Đức Vua và Chánh cung Hoàng hậu đến chỗ ở của Thái tử Temiya trong rừng. Tâu Lệnh bà. Nghe sự thật về Thái tử Temiya, Chánh cung Hoàng hậu Candādevī vui mừng khôn xiết, ban cho người đánh xe Sunanda phần thưởng quý giá, rồi vội vàng ngự đến chầu Đức Vua Kāsirājā. Bà tâu trình lên Đức Vua về sự thật của Thái tử Temiya mà bà vừa nghe từ người đánh xe Sunanda tâu trình. Đức Vua vô cùng hoan hỷ phát sinh tâm hỷ lạc chưa từng có. Khi ấy, Đức Vua Kāsirājā truyền lệnh hội triều để bàn tính việc làm lễ đăng quang Thái tử Temiya lên ngôi vua, rồi rước trở về cung điện.
Đức Bồ Tát Thái tử Temiya Đi Xuất Gia
Sau khi người đánh xe Sunanda trở lại kinh thành Bārānasī, Đức Bồ Tát Thái tử Temiya quyết định xuất gia trở thành đạo sĩ. Khi ấy, Đức Vua trời Sakka thấy rõ, biết rõ sở nguyện của Ngài. Cho nên, truyền gọi vị thiên nam Vissakamma, đến truyền bảo rằng: - Này Vissakamma! Đức Bồ Tát Thái tử Temiya có ý nguyện xuất gia trở thành đạo sĩ. Vậy, ngươi hãy hiện xuống cõi người, tại nơi khu rừng ấy, hoá ra một cốc lá và các thứ vật dụng cần thiết của bậc đạo sĩ, xong ngươi hãy ghi dòng chữ để lại. Tuân lệnh Đức Vua trời Sakka, vị thiên nam Vissa-kamma hiện xuống cõi người, đến tại khu rừng ấy, hoá ra một cốc lá, hóa ra những thứ vật dụng cần thiết như y phục, đồ dùng… đối với bậc xuất gia đạo sĩ, rồi ghi dòng chữ để lại: “Bậc nào có ý nguyện muốn xuất gia trở thành đạo sĩ, kính mời bậc ấy được phép sử dụng những thứ vật dụng cần thiết này, để xuất gia trở thành đạo sĩ”. Và chỗ nghỉ ban đêm, chỗ nghỉ ban ngày, đường đi kinh hành, hồ nước lớn, phạm vi xung quanh ba do tuần, có các loại cây thay nhau có quả quanh năm, đồng thời đuổi các loài thú dữ ra khỏi khu rừng ấy, để giữ gìn sự an toàn và thanh tịnh cho Đức Bồ Tát Đạo sĩ Temiya. Đức Bồ Tát Thái tử Temiya nhìn thấy cốc lá có để lại dòng chữ, Ngài tự đoán biết: “Đức Vua trời Sakka đã truyền cho vị thiên nam hoá ra những thứ vật dụng cần thiết này cho ta, để xuất gia trở thành đạo sĩ”. Ngài cởi y phục chư thiên ra, rồi mặc y phục đạo sĩ vào, sử dụng những thứ vật dụng của vị đạo sĩ. Đức Bồ Tát Thái tử Temiya đã trở thành Đức Bồ Tát Đạo sĩ Temiya. Khi ấy, Đức Bồ Tát Đạo sĩ ra khỏi cốc lá, đi kinh hành tới lui trên con đường kinh hành, Ngài vô cùng hoan hỷ thốt lên rằng: - Thật là hạnh phúc an lạc! Đức Bồ Tát Đạo sĩ đi vào trong cốc lá, ngồi thực hành pháp hành thiền định, dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc giới và đắc 5 phép thần thông: thần túc thông, nhãn thông, nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông. Hằng ngày, Ngài đi vào rừng tìm các thứ trái cây, các thứ lá cây đem về nấu chín, rồi dùng, thưởng thức hương vị ngon như hương vị của chư thiên, thực hành pháp hành thiền định đề mục tứ vô lượng tâm rải đến tất cả chúng sinh muôn loài, cầu mong tất cả chúng sinh đều được thân tâm thường an lạc.
Tổ Chức Lễ Diện Kiến Thái tử Temiya
Tại cung điện, Đức Vua Kāsirājā nghe người đánh xe Sunanda tâu trình tất cả những điều đã nghe, đã thấy, đã tiếp xúc với Thái tử Temiya. Cho nên, Đức Vua muốn ngự đến khu rừng ấy, để diện kiến Thái tử Temiya. Đức Vua truyền lệnh gọi vị quan Thừa tướng và các quan đến hội triều. Đức Vua truyền rằng: - Này các khanh! Các khanh hãy mau chuẩn bị các đoàn binh, các đội nhạc, thông báo đến các bà cung phi, các người trong hoàng tộc, các Bà-la-môn, các phú hộ, dân chúng trong kinh thành, dân chúng các tỉnh thành, tất cả phải sẵn sàng đi theo Trẫm ngự vào khu rừng, để diện kiến Thái tử Temiya, làm lễ đăng quang Thái tử Temiya lên ngôi vua, rồi rước trở về cung điện. Sau đó không lâu, các đội binh gồm: tượng binh, mã binh, binh xa, bộ binh… các đội nhạc triều đình đều chuẩn bị sẳn sàng, xe ngựa chở Chánh cung Hoàng hậu Candādevī, các xe ngựa của các bà cung phi, các người trong hoàng tộc, các quan trong triều đình, dân chúng trong kinh thành, trong các tỉnh thành… đều chuẩn bị sẵn sàng. Đức Vua Kāsirājā ngự trên xe ngựa báu, theo sau là con bạch tượng chở các lễ vật, để làm lễ đăng quang Thái tử Temiya lên ngôi vua. Đức Vua truyền lệnh cho người đánh xe Sunanda dẫn đường đến khu rừng, chỗ ở của Thái tử Temiya. Nhìn thấy Đức Vua Kāsirājā cùng với đoàn hộ giá hùng hậu đang ngự đến, Đức Bồ Tát Đạo sĩ Temiya ra đón rước, kính thỉnh Đức Phụ Vương ngự vào cốc lá, rồi Tâu rằng: - Muôn tâu Đức Phụ Vương, Đức Phụ Vương được khoẻ mạnh, không bệnh hoạn và Mẫu hậu của bần đạo cũng khoẻ mạnh, không bệnh hoạn phải không? - Này Temiya, hoàng nhi yêu quý! Phụ Vương được khoẻ mạnh, không bệnh hoạn và Mẫu hậu của con cũng được khoẻ mạnh, không bệnh hoạn. - Muôn tâu Đức Phụ Vương, Đức Phụ Vương không uống nước Caṇḍa (chất say), tâm của Đức Phụ Vương vẫn thoả thích trong pháp chân thật, thực hành nghiêm chỉnh 10 pháp của Đức Vua có phải không? - Này Temiya, hoàng nhi yêu quý! Phụ Vương không uống nước Caṇḍa (chất say), tâm của Đức Phụ Vương vẫn thoả thích trong pháp chân thật, thực hành nghiêm chỉnh 10 pháp của Đức Vua. - Tâu Đức Phụ Vương, từ kinh thành cho đến các vùng biên giới trên toàn lãnh thổ đất nước của Đức Phụ Vương, toàn thể thần dân thiên hạ đều được sống an lành thịnh vượng phải không? - Này Temiya, hoàng nhi yêu quý! Từ kinh thành cho đến các vùng biên giới trên toàn lãnh thổ đất nước của Phụ Vương, toàn thể thần dân thiên hạ đều được sống an lành thịnh vượng cả thảy. - Tâu Đức Phụ Vương, Đức Phụ Vương đã ngự đến yên lành. Kính mời Đức Phụ Vương dùng thứ lá cây nấu chín này. Nhìn thấy thứ lá cây nấu chín, Đức Vua Kāsirājā biết không thể nào dùng được, nhưng để làm hài lòng Thái tử, nên Đức Vua lấy một ít thứ lá nấu chín ấy, để trên lòng bàn tay bèn truyền hỏi rằng: - Này Temiya, hoàng nhi yêu quý! Con dùng vật thực bằng thứ lá cây nấu chín như thế này được sao? - Tâu Đức Phụ Vương, Dạ được. Hằng ngày, con dùng vật thực bằng thứ lá cây được nấu chín hoặc những loại trái cây lớn nhỏ như vậy. Khi ấy, Chánh cung Hoàng hậu Candādevī cùng với các Cung phi ngự đến, Đức Bồ Tát Đạo sĩ xin phép ra đón rước Mẫu hậu và các cung phi, rồi mời vào cốc. Mẫu hậu của Ngài đến nắm đôi bàn chân của Đức Bồ Tát Đạo sĩ, đảnh lễ, vì quá vui mừng gặp lại Thái tử, không nén nổi xúc động, nên đôi dòng nước mắt giàn giụa, rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Đức Vua Kāsirājā cầm trong tay một ít lá cây nấu chín, trao cho Chánh cung Hoàng hậu Candādevī, rồi truyền bảo rằng: - Này Candādevī, Ái khanh! Thứ lá cây nấu chín này là món vật thực nuôi sống Thái tử của ái khanh. Cầm ít lá cây được nấu chín ấy đưa lên mũi ngửi, Chánh cung Hoàng hậu Candādevī trao một ít lá cây chín ấy đến các cung phi, mỗi bà đều đưa lên mũi ngửi, sau đó, đặt lên đầu của mình rồi tâu rằng: - Tâu Thái tử, Đức Đạo Sĩ cao thượng, Ngài đã làm một điều mà những người khác không một ai có thể làm được. Thật là phi thường! Quý Cung phi cung kính đảnh lễ Đức Bồ Tát Đạo sĩ, rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Đức Vua Kāsirājā truyền bảo rằng: - Này Temiya, hoàng nhi yêu quý! Thật là một điều phi thường mà Phụ Vương chưa từng thấy! - Này Temiya, hoàng nhi yêu quý! Con sống trong rừng một mình, hằng ngày, dùng vật thực như vậy, do nguyên nhân nào mà gương mặt của con trong sáng lạ thường, nước da con có màu vàng óng ánh như vậy? Đức Bồ Tát Đạo sĩ tâu rằng: - Tâu Đức Phụ Vương, bần đạo sống một mình trong rừng, vật thực ấy chỉ để duy trì sinh mạng mà thôi. Bần đạo thực hành pháp hành thiền định niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh vô lượng, niệm rải tâm bi đến tất cả chúng sinh vô lượng, niệm rải tâm hỷ đến tất cả chúng sinh vô lượng, niệm rải tâm xả đến tất cả chúng sinh vô lượng, nên tâm được thanh tịnh an lạc. Do nguyên nhân ấy, nên gương mặt của bần đạo được trong sáng, nước da có màu vàng óng ánh như vậy. - Tâu Đức Phụ Vương, bần đạo không có khổ tâm đến những đối tượng, những sự việc quá khứ đã diệt rồi, bần đạo cũng không mong mỏi đến những đối tượng, những sự việc vị lai chưa sinh, bần đạo chỉ biết đối tượng, việc đang hiện hữu trong hiện tại mà thôi. Do nguyên nhân ấy, nên gương mặt của bần đạo được trong sáng, da dẻ có màu vàng óng ánh như vậy. - Tâu Đức Phụ Vương, trong đời này một số người si mê, bị nỗi khổ tâm làm dày vò, làm cho thể xác xanh xao, gầy guộc, bởi do nguyên nhân như sau: * Do hoài tưởng đến những đối tượng, những sự việc quá khứ đã diệt rồi. * Do mong mỏi về những đối tượng, những sự việc vị lai chưa sinh. Do đó, số người ấy bị nỗi khổ tâm dày vò, làm cho thân xác xanh xao gầy guộc.
Lễ Đăng Quang Truyền Ngôi Báu Cho Thái tử
Đức Vua Kāsirājā nghĩ: “Ta sẽ làm lễ đăng quang truyền ngôi báu cho Thái tử Temiya tại khu rừng này, rồi rước trở về kinh thành Bārāṇasī”, nên Đức Vua truyền bảo rằng: - Này Temiya, hoàng nhi yêu quý! Nay, Phụ Vương sẽ làm đại lễ đăng quang truyền ngôi báu cho con lên ngôi vua, tại khu rừng này, rồi rước con trở về ngự tại cung điện trong kinh thành Bārāṇasī. Phụ Vương giao các đội binh gồm: tượng binh, mã binh, binh xa, bộ binh v.v… cùng các cung vàng điện ngọc cho con, giao các đoàn ca hát nhảy múa để làm cho con vui. Phụ Vương sẽ tuyển chọn các công chúa xinh đẹp đem về cho con tấn phong làm Chánh cung Hoàng hậu, để sinh ra nhiều hoàng tử, công chúa. Nếu con muốn xuất gia thì hãy đợi khi đến lúc tuổi già. Hiện nay, con còn trẻ, đang thời niên thiếu, con nên lên ngôi vua trị vì đất nước Kāsiraṭṭha này, hưởng mọi sự an lạc trong đời. Con sống trong rừng một mình, đời sống cực khổ có ích lợi gì đâu! Nghe Đức Phụ Vương truyền bảo như vậy, Đức Bồ Tát Đạo sĩ Temiya thuyết giảng cho Đức Phụ Vương của Ngài rằng:
- Tâu Đức Phụ Vương, Người còn trẻ nên thực hành pháp hạnh cao thượng. Thực hành pháp hạnh cao thượng phải là người còn trẻ. Bậc xuất gia hành phạm hạnh phải là người còn trẻ. Chư bậc thiện trí như chư Phật đều tán dương ca tụng. Người còn trẻ nên thực hạnh phạm hạnh cao thượng. Thực hành phạm hạnh cao thượng phải là người còn trẻ. Vì vậy, bần đạo không muốn lên ngôi làm vua. Bần đạo chỉ muốn xuất gia mà thôi. Bần đạo thấy những đứa trẻ gọi là công tử, tiểu thư xinh đẹp trong gia đình, chưa đến lúc tuổi già thì đã chết trước cha mẹ chúng. Ví như mụt măng non, chưa thành tre già đã bị bẻ gãy. Sự thật, sự chết sẽ xảy đến với người bất cứ lúc nào, Cho nên, không một ai có thể tin chắc rằng: “Ta còn trẻ chưa chết”. Tuổi thọ con người ngắn ngủi, bởi vì ngày đêm trôi qua, giống như đàn cá trong hồ, nước cạn dần. Sinh mạng của những con trai, con gái còn trẻ, Chẳng có gì là chắc chắn được đâu! Tất cả chúng sinh trong đời đều bị sát hại, bị tàn lụi, do những điều bất lợi đang hiện hữu mãi mãi. Vậy, Đức Phụ Vương làm lễ đăng quang cho bần đạo lên ngôi vua có ích lợi gì đâu?
Nghe Đức Bồ Tát Đạo sĩ thuyết giảng như vậy, Đức Vua Kāsirājā có phần chưa hiểu nên hỏi lại rằng: - Này Temiya, hoàng nhi yêu quý! Phụ Vương chưa hiểu rõ những pháp mà con đã thuyết giảng, như: * Pháp gì làm tàn lụi thân này? * Do những gì bất lợi đang hiện hữu mãi mãi? Xin con nên giải thích cho Phụ Vương và mọi người hiểu rõ.
Đức Bồ Tát Đạo sĩ Temiya giải thích rằng: - Tâu Đức Phụ Vương, * Tất cả chúng sinh bị tử thần theo sát hại. * Sự già làm tàn lụi thân thể này. * Do ngày và đêm trôi qua là những điều bất lợi đang hiện hữu mãi mãi. Nghĩa là hết ngày đến đêm, rồi hết đêm đến ngày, không ngừng, cứ tiếp diễn mãi mãi. Kính xin Đức Phụ Vương nên hiểu rõ như vậy. - Tâu Đức Phụ Vương, như cuộn chỉ trong con thoi mà người thợ dệt đã dệt chạy qua chạy lại hao bao nhiêu, thì phần chỉ còn lại bị giảm bấy nhiêu. Cũng như vậy, tuổi thọ của con người mà ngày và đêm trôi qua lâu bao nhiêu, thì phần tuổi thọ còn lại bị giảm dần bấy nhiêu cho đến hết tuổi thọ mỗi kiếp. (gọi là chết). Nước chảy xuôi theo dòng sông từ chỗ cao xuống chỗ thấp, không bao giờ nước chảy ngược dòng từ chỗ thấp lên chỗ cao. Cũng như vậy, ngày và đêm trôi qua, con người càng ngày càng già nua, không bao giờ trở lại thời trẻ trung nữa. Dòng sông chảy xiết làm cho những cây cỏ hai bên bờ trốc gốc trôi theo dòng nước. Cũng như vậy, ngày và đêm trôi qua dẫn dắt tất cả chúng sinh đến sự già, rồi cuối cùng đến sự chết đều như nhau cả thảy. Lắng nghe lời Đức Bồ Tát Đạo sĩ Temiya thuyết pháp giảng giải, Đức Vua Kāsirājā phát sinh đức tin trong sạch, vô cùng hoan hỷ nghe lời dạy của Ngài, nên Đức Vua nhận thức đúng đắn rằng: “Đời sống của người tại gia có nhiều ràng buộc, tốt hơn ta không nên hồi cung trở lại kinh thành Bārāṇasī, mà ta nên xuất gia trở thành đạo sĩ tại khu rừng này”. Đức Vua Kāsirājā nghĩ: “Nếu Temiya, hoàng nhi yêu quý của ta chịu trở về kinh thành Bārāṇasī thì ta sẽ truyền ngôi báu cho Thái tử trị vì đất nước Kāsiraṭṭha”. Suy nghĩ xong, Đức Vua Kāsirājā lại khẩn khoản Đức Bồ Tát Đạo sĩ lên ngôi trị vì đất nước Kāsiraṭṭha một lần nữa. Nhưng Đức Bồ Tát khẳng định không cần ngôi báu, chỉ quyết tâm sống đời đạo sĩ, nên tâu rằng: - Tâu Đức Phụ Vương, Đức Phụ Vương muốn bần đạo phải khổ tâm vì sự nghiệp đế vương có lợi ích gì? Đức Phụ Vương muốn cho bần đạo khổ tâm vì Chánh cung Hoàng hậu, vì các hoàng tử, các công chúa có lợi ích gì? Con người còn trẻ cũng phải đến lúc già, rồi đến lúc chết. Đó là lúc kết thúc một kiếp người. Mọi người đã sinh ra trên đời, đều có sự già, sự chết là thường. - Tâu Đức Phụ Vương, như vậy, Đức Phụ Vương muốn truyền ngôi báu lại cho bần đạo có ích lợi gì? Đức Phụ Vương muốn bần đạo có Chánh cung Hoàng hậu, có các hoàng tử, các công chúa có ích lợi gì? - Tâu Đức Phụ Vương, khi sự già, sự chết đến với bần đạo, thì sự nghiệp đế vương, Chánh cung Hoàng hậu, các hoàng tử, các công chúa giúp ích được gì cho bần đạo? - Tâu Đức Phụ Vương, bần đạo đã thoát khỏi mọi ràng buộc ấy rồi, bần đạo thấy rõ, biết rõ tử thần luôn luôn đuổi theo sau bần đạo. Khi người ta biết rõ tử thần đuổi theo sát bên họ, thì họ còn muốn gì trong đời nữa? Người ta ham muốn nhiều của cải, nhưng đôi khi của cải bỏ họ trước hoặc đôi khi họ chết trước bỏ lại của cải. Những cây có quả, số quả rụng lúc còn non, số quả rụng lúc già. Chắc chắn mọi quả chín đều phải rụng cả. Cũng như vậy, con người sinh ra trên đời, số người chết trong thời kỳ thiếu niên, số người chết trong thời kỳ trung niên, số người chết trong thời lão niên. Điều chắc chắn là ai cũng đều phải chết cả. Có người vừa mới gặp nhau chuyện trò buổi sáng, đến buổi chiều thì nghe tin người ấy đã chết. Có người vừa mới gặp nhau chuyện trò buổi chiều, đến sáng ngày hôm sau thì nghe tin người ấy đã chết… Các đoàn binh dù hùng mạnh đến đâu cũng không thể chiến thắng được tử thần. Người ta không thể khống chế tử thần bằng phép mầu, bằng khí giới, bằng quyền lực, hoặc mua chuộc tử thần bằng ngọc ngà châu báu,… Tử thần không buông tha một ai cả, dù là Đức Vua, các Bà-la-môn, các phú hộ, các lái buôn, các người làm công cho đến dân thường…, vẫn không có ai thoát khỏi tử thần. Vậy, chớ nên dể duôi, hãy nên cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện nghiệp ngay từ hôm nay. Có ai biết chắc được ngày mai mình chưa chết! Không ai có khả năng khất hẹn với tử thần, dù trong khoảng thời gian ngắn ngủi nhất. - Tâu Đức Phụ Vương, Đức Phụ Vương nên bỏ ngai vàng điện ngọc, nên xuất gia trở thành đạo sĩ, để làm nơi nương nhờ cho chính mình. Đó là lời thỉnh cầu của bần đạo, kính xin Đức Phụ Vương suy xét kỹ. Lắng nghe lời Đức Bồ Tát Đạo sĩ thuyết giảng xong, Đức Vua Kāsirājā, Đức Phụ Vương của Ngài và Chánh cung Hoàng hậu Candādevī, Mẫu hậu của Ngài cùng với 16.000 Cung phi, các bà nhũ mẫu, các người trong hoàng tộc, các Bà-la-môn, các quan, các binh lính, dân chúng trong kinh thành, dân chúng ngoại thành… đều phát sinh đức tin trong sạch nơi Đức Bồ Tát Đạo sĩ Temiya. Tất cả đều quyết tâm xuất gia trở thành đạo sĩ tại khu rừng ấy. Sau khi quyết tâm như vậy, Đức Vua Kāsirājā truyền lệnh rằng: - Này các khanh! Các khanh hãy trở về lại kinh thành Bārāṇasī, vào cung điện mở các kho báu, rồi ghi dòng chữ rằng: “Ai muốn thứ gì cứ tự tiện lấy thứ ấy!”. Các khanh hãy mở rộng các cửa cung điện, mở rộng bốn cửa thành, rồi thông báo cho toàn thể thần dân thiên hạ rằng: “Nếu những người nào muốn xuất gia trở thành đạo sĩ thì đều được phép xuất gia trở thành đạo sĩ theo Thái tử của Trẫm”. Khi ấy, Đức Vua trời Sakka truyền lệnh vị thiện nam Vissakamma hiện xuống cõi người, ngay tại khu rừng mà Đức Bồ Tát Đạo sĩ Temiya đang trú ngụ, hoá ra đầy đủ các cốc lá và những thứ vật dụng cần thiết hằng ngày đối với các nam đạo sĩ và các nữ đạo sĩ trong đời sống của đạo sĩ . Đức Bồ Tát Đạo sĩ Temiya sắp đặt các nữ đạo sĩ ở các cốc giữa, còn các nam đạo sĩ ở các cốc ở bên bìa rừng rộng lớn mà vị thiên nam Vissakamma đã hoá ra. Đức Bồ Tát đạo sĩ Temiya ngự trên hư không thuyết pháp, giảng dạy. Tất cả các đạo sĩ đều chứng đắc các bậc thiền sắc giới và các phép thần thông tuỳ theo năng lực Ba-la-mật của mỗi vị. Đức Vua Xứ Khác Đến Chiếm Thành
Nghe tin Đức Vua Kāsirājā bỏ kinh thành Bārāṇasī đi vào rừng xuất gia trở thành đạo sĩ, một Đức Vua xứ khác kéo quân đến kinh thành Bārāṇasī, nhìn thấy bốn kinh thành đều được mở rộng, họ đi thẳng vào cung điện, thấy các cửa chính của cung điện cũng đều được mở, các kho báu cũng đều được mở cửa, để cho ai muốn lấy gì thì lấy. Đức Vua xứ khác thấy điều lạ thường, nên đi tìm người trong kinh thành hỏi nguyên nhân nào mà xảy ra điều lạ thường ấy. Một người dân trong kinh thành Bārāṇasī tâu với Đức Vua ấy rằng: - Tâu Đại Vương, Thái tử Temiya của Đức Vua Kāsirājā và Chánh cung Hoàng hậu Candādevī, không muốn lên ngôi báu làm vua, nên Thái tử đã phát nguyện: 1- Ta không phải là người bại liệt, ta đã phát nguyện làm như người bại liệt. 2- Ta không phải là người điếc, ta đã phát nguyện làm như người điếc. 3- Ta không phải là người câm, ta đã phát nguyện làm như người câm. Thái tử Temiya chịu đựng mọi thử thách suốt 16 năm, mà không ai phát hiện ra được sự thật. Các vị Bà-la-môn xem tướng tâu dối lên Đức Vua Kāsirājā rằng: “Thái tử là người xui xẻo (kāḷakaṇṇī) sẽ có tai hoạ đến Đại Vương và ngai vàng. Vậy, Đại Vương nên truyền lệnh chở Thái tử trên chiếc xe bất hạnh đưa ra khỏi cung điện, đem chôn Thái tử Temiya ở trong rừng”. Tuân lệnh Đức Vua Kāsirājā, người đánh xe Sunanda chở Thái tử Temiya ra khỏi kinh thành Bārāṇasī, đến một khu rừng để chôn Thái tử Temiya. Khi ấy, Thái tử Temiya là người được hoàn toàn tự do. Sự thật, Thái tử Temiya có các tướng tốt của bậc đại nhân, không phải là người bại liệt, mà người có sức lực phi thường, không phải là người điếc, mà là người có khả năng nghe rõ, hiểu biết rõ mọi việc, không phải người câm, mà là người có giọng nói hay, thuyết giảng các pháp sâu sắc. Thái tử Temiya đã xuất gia trở thành Đạo Sĩ Temiya. Được biết Thái tử Temiya là người cao thượng như vậy, Đức Vua Kāsirājā thân chinh dẫn các đoàn binh và đoàn hộ giá đông đảo đến khu rừng nơi ở của Thái tử Temiya. Đức Vua Kāsirājā có ý định làm lễ đăng quang truyền ngôi báu cho Thái tử Temiya lên ngôi vua, rồi rước trở về kinh thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi-raṭṭha này, nhưng Đức Vua Kāsirājā không thuyết phục được Thái tử Temiya lên ngôi vua, mà ngược lại vị Đạo Sĩ Temiya đã thuyết giảng pháp rất hay làm cho Đức Vua Kāsirājā cùng các đoàn hộ giá đông đảo có đức tin trong sạch nơi vị Đạo sĩ Temiya, tất cả đều quyết tâm xuất gia trở thành đạo sĩ theo Đạo Sĩ Temiya tại khu rừng ấy. Nghe người dân trong kinh thành thuật lại như vậy, Đức Vua xứ khác truyền hỏi người dân cho biết Đức Vua Kāsirājā đã ngự ra khỏi kinh thành Bārāṇasī đi về hướng đông, nên Đức Vua xứ khác cũng ngự đi theo hướng đông tìm đến Đức Bồ Tát Đạo sĩ Temiya. Nghe Ngài thuyết pháp, Đức Vua ấy cùng với các quan quân phát sinh đức tin trong sạch nơi Ngài, đều xin xuất gia trở thành đạo sĩ theo Ngài. Tất cả các vị đạo sĩ ấy thực hành thiền định đều chứng đắc các bậc thiền sắc giới và các pháp thần thông tuỳ theo năng lực Ba-la-mật của mỗi vị đạo sĩ. Sau khi tất cả các vị nam đạo sĩ, các nữ đạo sĩ chết, sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sinh lên cõi trời sắc giới Phạm thiên. Các loài súc sinh như voi, ngựa cùng các loài thú trong rừng có đức tin trong sạch nơi Đức Bồ Tát Đạo sĩ Temiya. Sau khi chúng chết, dục giới thiện nghiệp cho quả tái sinh lên cõi trời dục giới. Sau khi thuyết về tích Temiyajātaka xong, Đức Thế Tôn thuyết bài kệ rằng: Matāpitā na me dessā, nāpi me dessaṃ mahāyasaṃ. Sabbaññutaṃ piyaṃ mayhaṃ, tasmā vatamadhiṭṭhahiṃ.([1]) Ý nghĩa:
Đức Bồ Tát Thái tử Temiya, tiền kiếp Như Lai không phải ghét Đức Phụ Vương và Mẫu hậu, cũng không phải ghét đại chúng thuộc hạ. Sự thật, Đức Bồ Tát Thái tử Temiya có ý nguyện tha thiết, muốn trở thành Đức Phật Toàn Giác, nên Đức Bồ Tát Thái tử Temiya phát nguyện 3 điều, rồi thực hành pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật ấy. Đó là pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật bậc thượng của tiền kiếp Như Lai. Sau khi thuyết về tích Đức Bồ Tát Thái tử Temiya, tiền kiếp của Đức Phật Gotama xong, Đức Thế Tôn truyền dạy rằng: - Này chư Tỳ khưu! Không chỉ kiếp hiện tại này Như Lai từ bỏ ngai vàng đi xuất gia, mà còn tiền kiếp của Như Lai, kiếp Đức Bồ Tát Thái tử Temiya cũng không cần ngai vàng ngôi báu, mà phải thực hành nghiêm chỉnh 3 điều đã phát nguyện trong suốt 16 năm, mới được xuất gia trở thành đạo sĩ. Đức Thế Tôn thuyết về chân lý tứ Thánh Đế, chư tỳ khưu chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn bậc cao hoặc bậc thấp tuỳ theo pháp hạnh Ba-la-mật của mỗi vị tỳ khưu.
Tích Temiyajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện Tại
Tích Temiyajātaka này, Đức Bồ Tát Thái tử Temiya, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, thực hành pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật trong thời quá khứ. Đến khi Đức Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu kiếp của những nhân vật trong tích Temiyajātaka ấy liên quan đến kiếp hiện tại của những nhân vật ấy như sau: - Đức Phụ Vương và Mẫu hậu, nay kiếp hiện tại là Đức Phụ Vương Suddhodana và Mẫu hậu Mahāmayādevī. - Người đánh xe Sunanda, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Sāriputta. - Đức Vua trời Sakka, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Anuruddha. - Vị thiên nữ ngự tại cây lọng, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā. - Các đạo sĩ, nay kiếp hiện tại là tứ chúng, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, cận sự nam, cận sự nữ. - Đức Bồ tát Thái tử Temiya, nay kiếp hiện tại là Đức Phật Gotama.
10 Pháp Hạnh Ba-La-Mật
Tóm lược tích Đức Bồ Tát Thái tử Temiya, tiền kiếp của Đức Phật Gotama đã thực hành pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật bậc thượng. Ngoài ra, còn có 9 pháp hạnh Ba-la-mật phụ khác đồng thời thành tựu như sau: - Đức Bồ Tát Thái tử Temiya quyết tâm hy sinh thân mạng, đó là pháp hạnh bố thí Ba-la-mật. - Đức Bồ Tát Thái tử Temiya giữ gìn giới trong sạch, đó là pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật. - Đức Bồ Tát Thái tử Temiya quyết tâm xuất gia trở thành đạo sĩ, đó là pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật. - Đức Bồ Tát Thái tử Temiya có trí tuệ suy xét sâu sắc, đó là pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật. - Đức Bồ Tát Thái tử Temiya có sự tin tấn không ngừng, đó là pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật. - Đức Bồ Tát Thái tử Temiya có đức nhẫn nại cao thượng, đó là pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật. - Đức Bồ Tát Thái tử Temiya giữ gìn lời chân thật đúng đắn, đó là pháp hạnh chân thật Ba-la-mật. - Đức Bồ Tát Thái tử Temiya có tâm từ vô lượng đến tất cả chúng sinh, đó là pháp hạnh tâm tử Ba-la-mật. - Đức Bồ Tát Thái tử Temiya có tâm xả vô lượng trong các đối tượng, đó là pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật. Đó là 9 pháp hạnh Ba-la-mật phụ này cũng đồng thời thành tựu cùng với pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật bậc thượng này.
Nhận Xét Về Tích Đức Bồ Tát Thái tử Temiya
Đức Bồ Tát Thái tử Temiya, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, thực hành pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật bậc thượng (Adhiṭṭhānaparamatthapāramī). Pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật bậc thượng là 1 trong 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc thượng, cũng là 1 trong 30 pháp hạnh Ba-la-mật mà Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cần phải thực hành cho được đầy đủ, để hỗ trợ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác (Sammā-sambuddha). Phát nguyện Ba-la-mật đó là đại thiện tâm có quyết tâm không lay chuyển, giữ gìn lời chân thật phát nguyện của mình. Dù gặp hoàn cảnh nào vẫn không thoái chí nản lòng, quyết tâm thực hành pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật của mình cho được thành tựu. Nếu Đức Bồ Tát dám hy sinh thân mạng để thực hành pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật cho được thành tựu, thì gọi là pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật bậc thượng. Đức Bồ Tát Thái tử Temiya mới lên được 1 tháng tuổi, nhớ lại tiền kiếp của mình đã từng làm vua được 20 năm, sử dụng quyền lực Đức Vua đã tạo ác nghiệp. Sau khi Đức Vua băng hà, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục Ussudanaraka chụi quả khổ của ác nghiệp ấy suốt 80.000 năm. Vì vậy, Đức Bồ Tát Thái tử Temiya cảm thấy lo sợ, đến lúc trưởng thành sẽ lên ngôi làm vua, mà Ngài không muốn làm vua, nên Ngài đã phát nguyện 3 điều là:
- Đức Bồ Tát Thái tử Temiya không phải là người bại liệt, đã phát nguyện làm như người bại liệt. - Đức Bồ Tát Thái tử Temiya không phải là người điếc, đã phát nguyện làm như người điếc. - Đức Bồ Tát Thái tử Temiya không phải là người câm, đã phát nguyện làm như người câm.
Thực hành 3 điều phát nguyện ấy, nên Đức Bồ Tát Thái tử Temiya có đức nhẫn nại chịu đựng biết bao nhiêu thử thách suốt 16 năm ròng rã, mà không một ai phát hiện ra, Đức Bồ Tát Thái tử là con người siêu việt phi thường. Do đó, các vị Bà-la-môn xem tướng tâu dối lên Đức Vua rằng Thái tử Temiya là con người xui xẻo. Tâu xin Đức Vua nên cho người chở vào rừng sâu chôn sống, để tránh tai hoạ cho Đức Vua, ngai vàng của Đức Vua và Chánh cung Hoàng hậu. Đức Vua Bārāṇasī tin theo lời của các Bà-la-môn, truyền lệnh người đánh xe Sunanda chở Đức Bồ Tát Thái tử Temiya đưa vào rừng. (Điều này vị thiên nữ đã biết trước sự việc sẽ xảy ra như vậy). Khi đến khu rừng, Đức Bồ Tát Thái tử Temiya được hoàn toàn tự do, nên Ngài xuất gia trở thành đạo sĩ, sống trong rừng.
Vấn: Tại sao Đức Bồ Tát Thái tử Temiya sợ lên ngôi làm vua? Đáp: Bởi vì, Đức Bồ Tát Thái tử Temiya nhớ lại được tiền kiếp của Ngài đã từng làm vua được 20 năm, đã tạo ác nghiệp. Sau khi Đức Vua băng hà, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục Ussadanaraka, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy suốt thời gian lâu dài 80.000 năm, nên Đức Bồ Tát Thái tử Temiya sợ lên ngôi làm vua.
Mỗi chúng sinh trong vòng sinh tử luân hồi từ vô thủy trải qua vô số kiếp trong quá khứ cho đến kiếp hiện tại này nói chung, mỗi người chúng ta nói riêng, tin chắc rằng không có một ai mà không từng sinh trong cõi địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu có ai trong chúng ta, nhớ lại được tiền kiếp của mình, hoặc có đức tin trong sạch nơi nghiệp và quả của nghiệp thì biết hỗ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, không dám tạo 10 ác nghiệp, bởi vì chỉ có ác nghiệp mới có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới: địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh chịu quả khổ mà thôi. Và cũng chỉ có các thiện nghiệp mới có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau trong các cõi thiện giới mà thôi. Thiện nghiệp có 4 loại như sau:
1- Dục giới thiện nghiệp có trong 8 dục giới đại thiện tâm. Người có dục giới thiện nghiệp, sau khi chết, nếu dục giới thiện nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau thì sinh làm người trong cõi người, hoặc hoá sinh làm chư thiên ở 1 trong 6 cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi ấy cho đến hết tuổi thọ. 2- Sắc giới thiện nghiệp có trong 5 sắc giới thiện tâm. Hành giả thực hành pháp hành thiền định có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền hữu sắc, sau khi hành giả ấy chết, chắc chắn sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau làm phạm thiên ở 1 trong 16 cõi sắc giới phạm thiên, được sinh trong cõi nào hoàn toàn tuỳ thuộc vào bậc thiền sở đắc của hành giả ấy.
3- Vô sắc giới thiện nghiệp có trong 4 vô sắc giới thiện tâm.
Hành giả thực hành pháp hành thiền định có khả năng chứng đắc đến 4 bậc thiền vô sắc, sau khi hành giả ấy chết, chắc chắn vô sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau làm phạm thiên ở 1 trong 4 cõi trời vô sắc giới phạm thiên, được sinh trong cõi nào hoàn toàn tuỳ thuộc vào bậc thiền sở đắc của hành giả ấy.
4- Siêu tam giới thiện nghiệp có trong 4 Thánh Đạo tâm.
Hành giả thực hành pháp hành thiền tuệ có khả năng chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn. 4 Siêu tam giới thiện nghiệp trong 4 Thánh Đạo tâm không cho quả tái sinh kiếp sau, mà lại có khả năng làm giảm kiếp tử sinh luân hồi tùy theo 4 bậc Thánh Nhân như sau:
1- Chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo, Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu. Bậc Thánh Nhập Lưu chắc chắn không còn tái sinh trong cõi 4 ác giơi, mà chỉ còn tái sinh trong cõi thiện giới: cõi người và các cõi trời dục giới nhiều nhất 7 kiếp mà thôi. Đến kiếp thứ 7, chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
2- Chứng đắc Nhất Lai Thánh Đạo, Nhất Lai Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhất Lai. Bậc Thánh Nhất Lai chỉ còn tái sinh trong cõi thiện giới 1 kiếp nữa mà thôi. Trong kiếp ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
3- Chứng đắc Bất Lai Thánh Đạo, Bất Lai Thánh Quả, và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Bất Lai. Bậc Thánh Bất Lai chắc chắn không còn tái sinh trở lại trong cõi dục giới, mà chỉ tái sinh trong cõi trời sắc giới mà thôi, rồi chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
4- Chứng đắc A-ra-hán Thánh Đạo- A-ra-hán Thánh Quả, và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán. Bậc Thánh A-ra-hán sẽ tịch diệt Niết Bàn ngay trong kiếp hiện tại, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.
(Xong pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật bậc thượng) |