|
Phước-Thiện (Puñña-Kusala)
Chương VI Nghiệp và Quả của nghiệp đã được trình bày xong trong quyển IV của bộ Nền Tảng Phật Giáo, tiếp theo chương VII này sẽ được trình bày về Phước Thiện (Puñña-Kusala) trong quyển V.
Phước dịch từ danh từ Pāḷi: Puñña Thiện dịch từ danh từ Pāḷi: Kusala
Định nghĩa Pāḷi danh từ Puñña: Attano santānaṃ punāti sodhetīti puññaṃ (Trạng thái làm cho tâm của mình trong sạch gọi là phước)
Trái lại với phước gọi là tội Tội danh từ Pāḷi gọi là Pāpa
Định nghĩa Pāḷi danh từ Pāpa: Apāyaṃ pāpenantīti pāpāni (Bất thiện tâm dắt dẫn chúng sinh đến 4 cõi ác giới: địa ngục, Atula, ngạ quỷ, súc sinh, gọi là tội)
Định nghĩa Pāḷi danh từ Kusala: Kucchite pāpadhamme salayantīti kusalāni (Các tâm có khả năng diệt những ác pháp ô nhiễm gọi là các thiện tâm)
Trái lại với thiện gọi là bất thiện hoặc ác
Kusalā anavajjasukhavipākalakkhaṇā (Thiện tâm có trạng thái không có lỗi, cho quả an lạc)
Phước đồng nghĩa với Thiện Tội đồng nghĩa với Bất thiện hoặc ác
Thiện đó là thiện tâm có 21 hoặc 37 tâm. (8 dục giới đại thiện tâm +5 sắc giới thiện tâm +4 vô sắc giới thiện tâm + 4 hoặc 20 Siêu tam giới thiện tâm).
Thiện tâm có 4 loại tâm 1- Dục giới đại thiện tâm có 8 tâm. 2- Sắc giới thiện tâm có 5 tâm 3- Vô sắc giới thiện tâm có 4 tâm, 4- Siêu tam giới thiện tâm có 4 hoặc 20 tâm.
Bất thiện tâm hoặc ác tâm có 12 tâm. (8 tham tâm+ 2 sân tâm+ 2 si tâm).
1- Dục giới đại thiện tâm có 8 tâm mà mỗi đại thiện tâm đều có tâm sở tác ý thiện gọi là dục giới thiện nghiệp. Dục giới thiện nghiệp có 10 thiện nghiệp:
Thân thiện nghiệp có 3 là - Không sát sinh, - Không trộm cắp, - Không tà dâm.
Khẩu thiện nghiệp có 4 là - Không nói dối, - Không nói lời chia rẽ, - Không nói lời thô tục, - Không nói lời vô ích,
Ý thiện nghiệp có 3 là - Không tham lam. - Không thù hận, - Có chánh kiến.
Đó là 10 dục giới thiện nghiệp phát sinh do nương nhờ thân, khẩu, ý. (Xem quyển IV Nghiệp và Quả của nghiệp phần dục giới thiện nghiệp) * 8 dục giới đại thiện tâm tạo Puññakriyāvatthu có 10 pháp là phước thiện bố thí, giữ giới, pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ,v.v…mà bậc thiện trí nên tạo, để phát sinh, duy trì các quả báu an lạc.
Chương thứ bảy: Phước Thiện này trình bày pháp:
Puññakriyāvatthu (Puñña+kriyā+vatthu)
*Puñña: Phước thiện làm cho tâm trở nên trong sạch, đó là bố thí, giữ giới, hành pháp thiền định, hành pháp thiền tuệ, v.v…. *Kriyā: Phước thiện mà bậc thiện trí nên tạo, *Vatthu: Phước thiện bố thí, giữ giới, hành pháp thiền định, hành pháp thiền tuệ, v.v… để phát sinh, duy trì các quả báu an lạc. Puññakriyāvatthu: Phước thiện đó là bố thí, giữ giới, hành pháp thiền định, hành pháp thiền tuệ, v.v… mà bậc thiện trí nên tạo, để phát sinh, duy trì các quả báu an lạc.
Puññakriyāvatthu có 10 pháp phát sinh phước thiện:
1- Dāna: bố thí, 2- Sīla: giữ giới, 3- Bhāvanā: hành thiền, 4- Apacāyana: cung kính, 5- Veyyāvacca: hỗ trợ, 6- Pattidāna: hồi hướng, 7- Pattānumodana: hoan hỷ, 8- Dhammassavana: nghe pháp, 9- Dhammadesanā: thuyết pháp, 10- Diṭṭhijukamma: chánh kiến.
10 pháp nầy phát sinh 10 phước thiện:
1- Dānakusala: Phước thiện bố thí, 2- Sīlakusala: Phước thiện giữ giới, 3- Bhāvanākusala: Phước thiện hành thiền, 4- Apacāyanakusala: Phước thiện cung kính, 5- Veyyāvaccakusala: Phước thiện hỗ trợ, 6- Pattidānakusala: Phước thiện hồi hướng,, 7- Pattānumodanakusala: Phước thiện hoan hỷ, 8- Dhammassavanakusala: Phước thiện nghe pháp, 9- Dhammadesanākusala: Phước thiện thuyết pháp, 10- Diṭṭhijukammakusala: Phước thiện chánh kiến.
Phần Giải Thích
1- Phước Thiện Bố Thí (Dānakusala)
Dānakusala: Phước thiện bố thí
Định nghĩa Dāna: “Dīyati etenāti dānaṃ” (Các thí chủ bố thí với tác ý thiện tâm, tác ý là nhân của sự bố thí)
Dānakusala: Bố thí là phước thiện gọi phước thiện bố thí. Để thành tựu phước thiện bố thí cần hội đủ 3 điều kiện: 1- Cetanādāna: Tác ý thiện tâm bố thí. Người thí chủ có tác ý thiện tâm làm phước thiện bố thí đến người thọ thí. 2- Vatthudāna: Vật bố thí. Các vật thí của người thí chủ như y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh, v.v…. 3- Paṭiggāhaka: Người thọ thí nhận vật thí của thí chủ. Cetanādāna: Tác ý thiện tâm bố thí có 3 thời kỳ:
1- Pubbacetanādāna: Tác ý thiện tâm trước khi làm phước thiện bố thí. Người thí chủ phát sinh tác ý thiện tâm hoan hỷ trước khi làm phước thiện bố thí (chưa bố thí). Thời gian trước khi bố thí lâu hoặc mau tùy thuộc vào thí chủ và ngày làm phước thiện bố thí.
2- Muñcacetanādāna: Tác ý thiện tâm đang khi làm phước thiện bố thí. Người thí chủ có tác ý thiện tâm hoan hỷ đang khi làm phước thiện bố thí với vật thí, và đồng thời người thọ thí đang nhận vật thí ấy của thí chủ. (thời gian: ngay khi ấy).
3- Aparacetanādāna: Tác ý thiện tâm sau khi làm phước thiện bố thí. Người thí chủ có tác ý thiện tâm hoan hỷ sau khi đã làm phước thiện bố thí xong. Thời gian sau khi đã làm phước thiện bố thí này không hạn định, có thể sau nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm. Mỗi khi thí chủ niệm tưởng đến phước thiện bố thí ấy thì lại phát sinh tác ý thiện tâm hoan hỷ. Nếu thí chủ có tác ý thiện tâm làm phước thiện bố thí đầy đủ cả 3 thời kỳ thì phước thiện bố thí ấy có quả báu đầy đủ lớn lao vô lượng. Trong bài kinh Chaḷaṅgadānasutta ([1]) được tóm lược những điểm chính như sau: Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jeta-vana, gần kinh thành Sāvatthi. Khi ấy, cận sự nữ Nanda-mātā là người dân xứ Veḷukaṇḍakī làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư tỳ khưu Tăng có Ngài Đại Đức Sāriputta và Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna chủ trì. Đức Thế Tôn nhìn bằng nhãn thông thấy cận sự nữ Nandamātā là người dân xứ Veḷukaṇḍakī làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư tỳ khưu Tăng có Ngài Đại Đức Sāriputta và Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna chủ trì, hợp đủ 6 chi pháp, nên Đức Thế Tôn truyền dạy chư tỳ khưu rằng: - Này chư Tỳ khưu! Cận sự nữ Nandamātā là người dân xứ Veḷukaṇḍakī làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư tỳ khưu Tăng có Ngài Đại Đức Sāriputta và Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna chủ trì, hợp đủ 6 chi pháp. Phước thiện bố thí cúng dường hợp đủ 6 chi pháp như thế nào?
(Người thí chủ có đủ 3 chi pháp và Bậc thọ thí có đủ 3 chi pháp)
Người Thí Chủ Có 3 Chi Pháp
1- Thí chủ là người có tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỷ trước khi làm phước thiện bố thí. 2- Thí chủ là người có tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỷ đang khi làm phước thiện bố thí, cúng dường đến chư Đại Đức Tăng thọ thí, 3- Thí chủ là người có tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỷ sau khi đã làm phước thiện bố thí cúng dường xong rồi. Và sau khi niệm tưởng đến phước thiện bố thí ấy, lại phát sinh thiện tâm vô cùng hoan hỷ nữa.
3 Chi Pháp Bậc Thọ Thí
1- Bậc thọ thí trong Phật giáo này là Bậc không còn tâm tham ái, hoặc đang thực hành để diệt đoạn tuyệt tâm tham ái; 2- Là Bậc không còn tâm sân hận, hoặc đang thực hành để diệt đoạn tuyệt tâm sân hận; 3- Là Bậc không còn si mê, hoặc đang thực hành để diệt đoạn tuyệt tâm si mê.
Phước thiện bố thí cúng dường hợp với 6 chi pháp này là dòng phước, dòng thiện vô lượng, có quả báu lớn lao vô lượng, có sự an lạc vô lượng không sao kể được.
Đó là trường hợp làm phước thiện bố thí cúng dường được trong sạch 2 bên: Người thí chủ có tác ý thiện tâm trong sạch trong 3 thời kỳ, và bậc thọ thí là bậc Thánh Tăng trong sạch thanh tịnh.
Vatthudāna: Vật bố thí
*Vật bố thí theo Tạng Kinh có 10 thứ cần thiết trong cuộc sống như:
1- Annadāna: Bố thí cơm, 2- Pānadāna: Bố thí nước, 3- Vatthadāna: Bố thí vải, quần áo, 4- Yānadāna: Bố thí xe cộ, giày dép, 5- Mālādāna: Bố thí hoa, vòng hoa, 6- Gandhadāna: Bố thí vật thơm, 7- Vilepana: Bố thí vật thoa, 8- Seyyādāna: Bố thí giường, chỗ nằm, 9- Āvasathagharadāna: Bố thí chỗ ở, nơi trú ngụ, 10- Padīpeyyadāna: Bố thí đèn cầy, đèn dầu…
*Vật bố thí theo Tạng Luật có 4 thứ vật dụng cần thiết đối với tỳ khưu, Sa-di, là:
1- Cīvaradāna: Bố thí cúng dường y phục, 2- Piṇḍapātadāna: Bố thí cúng dường vật thực, 3- Senāsanadāna: Bố thí cúng dường chỗ ở, 4- Bhesajjadāna: Bố thí cúng dường thuốc trị bệnh.
*Vật bố thí theo Tạng Vi Diệu Pháp có 6 loại là:
1- Rūpadāna: Bố thí cúng dường đối tượng sắc, 2- Saddadāna: Bố thí cúng dường đối tượng thanh, 3- Gandhadāna: Bố thí cúng dường đối tượng hương, 4- Rasadāna: Bố thí cúng dường đối tượng vị, 5- Phoṭṭhabbadāna: Bố thí cúng dường đối tượng xúc 6- Dhammadāna: Bố thí cúng dường đối tượng pháp.
*10 vật thí theo Tạng Kinh, là những thứ cần thiết dùng trong cuộc sống hằng ngày của tất cả mọi người tại gia cư sĩ. Nếu thí chủ làm phước thiện bố thí các vật thí ấy đến người tại gia cư sĩ thì được phước thiện bình thường, và có được quả báu bình thường.
*4 vật thí theo Tạng Luật, là 4 thứ vật dụng cần thiết đối với những bậc xuất gia tỳ khưu, Sa-di. Nếu thí chủ làm phước thiện bố thí cúng dường 4 thứ vật dụng ấy đến chư tỳ khưu Tăng thì được nhiều phước thiện cao quý, và có được quả báu cao quý lớn lao.
*6 vật thí theo Tạng Vi Diệu Pháp, là 6 đối tượng thuộc Chân nghĩa pháp (Paramatthadhamma) vô cùng vi tế. Nếu muốn cúng dường 6 đối tượng này thì thí chủ hướng thiện tâm đến đối tượng nào cúng dường đến Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo, Tam Bảo. Đó gọi là sự cúng dường vật thí theo Tạng Vi Diệu Pháp.
Paṭiggāhaka: Người thọ nhận vật thí của thí chủ
Thí chủ làm phước thiện bố thí đến Cá Nhân Thọ Thí (Pāṭipuggalikadāna) ([2]) có 14 hạng người từ bậc thấp cho đến bậc cao như sau: 1- Làm phước thiện bố thí đến loài súc sinh (chim, chó, mèo,…) mong có được 5 quả báu (sống lâu, sắc đẹp, an lạc, sức m ạnh, trí tuệ) 100 kiếp. 2- Làm phước thiện bố thí đến người phàm nhân không có giới, mong có được 5 quả báu 1000 kiếp. 3- Làm phước thiện bố thí đến phàm nhân có giới, mong có được 5 quả báu 100 ngàn kiếp. 4- Làm phước thiện bố thí đến hành giả chứng đắc các bậc thiền và ngũ thông, mong có được 5 quả báu 100 ngàn tỉ kiếp. 5- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến hành giả đang thực hành pháp hành thiền tuệ, để chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả, mong có được 5 quả báu vô số kiếp. 6- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến bậc Thánh Nhập Lưu, mong có được 5 quả báu vô số kiếp hơn nữa. 7- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến bậc Thánh Nhập Lưu đang thực hành pháp hành thiền tuệ, để chứng đắc Nhất Lai Thánh Đạo - Nhất Lai Thánh Quả, mong có được 5 quả báu vô số kiếp hơn nữa. 8- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến bậc Thánh Nhất Lai, mong có được 5 quả báu vô số kiếp hơn nữa. 9- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến bậc Thánh Nhất Lai đang thực hành pháp hành thiền tuệ, để chứng đắc Bất Lai Thánh Đạo - Bất Lai Thánh Quả, mong có được 5 quả báu vô số kiếp hơn nữa. 10- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến bậc Thánh Bất Lai, mong có được 5 quả báu vô số kiếp hơn nữa. 11- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến bậc Thánh Bất Lai đang thực hành pháp hành thiền tuệ, để chứng đắc A-ra-hán Thánh Đạo - A-ra-hán Thánh Quả, mong có được 5 quả báu vô số kiếp hơn nữa. 12- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến bậc Thánh A-ra-hán, mong có được 5 quả báu vô số kiếp hơn nữa. 13- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến Đức Phật Độc Giác, mong có được 5 quả báu vô số kiếp hơn nữa. 14- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến Đức Phật Chánh Đẳng Giác, mong có được 5 quả báu vô số kiếp hơn nữa. [1] Bộ Aṅguttaranikāya, chattanipātapāḷi, Kinh Chaḷaṅgadānasutta [2] M. Uparipaṇṇāsapāli, Kinh Dakkhiṇāvibhaṅgasutta Chư tỳ khưu Tăng thí (Saṃghadāna) có 7 cách
1- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư tỳ khưu Tăng và chư tỳ khưu ni Tăng có Đức Phật chủ trì. 2- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư tỳ khưu Tăng và chư tỳ khưu ni Tăng, sau khi Đức Phật đã tịch diệt Niết Bàn. 3- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư tỳ khưu Tăng. 4- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư tỳ khưu ni Tăng. 5- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến một số tỳ khưu Tăng và một số tỳ khưu ni Tăng. 6- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến một số tỳ khưu Tăng. 7- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến một số tỳ khưu ni Tăng.
Thí Chủ Với Bậc Thọ Thí
Thí chủ với bậc thọ thí có 4 trường hợp: 1- Thí chủ có giới trong sạch với người thọ thí không có giới: Nếu thí chủ là người có giới hạnh trong sạch, hành thiện pháp, làm phước thiện bố thí đến người thọ thí không có giới, hành ác pháp, thì được phước thiện bố thí nhiều, có quả báu nhiều. Như trường hợp Đức Vua Bồ Tát Vessantara làm phước thiện bố thí hoàng tử Jāli và công chúa Kaṇhājinā đến Bà-la-môn Jūjaka không có giới, hành ác pháp. Ngay khi ấy, do năng lực của pháp hạnh bố thí Ba-la-mật làm cho mặt đất rung chuyển, toàn thể chư thiên hoan hỷ đồng thanh tán dương ca tụng pháp hạnh bố thí Ba-la-mật ấy.
2- Thí chủ không có giới với người thọ thí có giới trong sạch, hành thiện pháp: Nếu thí chủ là người không có giới, hành ác pháp, làm phước thiện bố thí đến người thọ thí có giới trong sạch, hành thiện pháp, thì có được phước thiện không nhiều, có quả báu không nhiều. Như trường hợp ngư dân ở bên bờ sông Kalyāṇanadī, làm phước thiện bố thí cúng dường đến Ngài Đại Đức Dīghasoma 3 lần. Đến lúc lâm chung, phước thiện bố thí cúng dường ấy hiện ra, ngư dân nói rằng: “Nhờ phước thiện bố thí cúng dường đến Ngài Đại Đức Dīghasoma nâng đỡ tôi lên cõi trời.”
3- Thí chủ không có giới và người thọ thí cũng không có giới: Nếu thí chủ là người không có giới, hành ác pháp, làm phước thiện bố thí đến người thọ thí cũng không có giới, hành ác pháp, thì được phước thiện không đáng kể. Như trường hợp người thợ săn thú rừng làm phước thiện bố thí đến vị tỳ khưu phá giới (dussīla) đến 3 lần. Mỗi lần đều hồi hướng phần phước thiện ít ỏi ấy đến thân quyến đã quá vãng là hạng chúng sinh ngạ quỷ, nhưng ngạ quỷ ấy than vãn rằng: “Tỳ khưu phá giới ấy đã phá hoại phước thiện của ta rồi!” Về sau, người thợ săn làm phước thiện bố thí đến vị tỳ khưu có giới trong sạch, hành thiện pháp, rồi hồi hướng phần phước thiện đến thân quyến là ngạ quỷ ấy. Khi ngạ quỷ ấy hoan hỷ thọ nhận phần phước thiện ấy, nên được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ, được tái sinh lên cõi thiện giới ngay khi đó.
4- Thí chủ có giới trong sạch, hành thiện pháp và người thọ thí cũng có giới trong sạch, hành thiện pháp: Nếu thí chủ là người có giới trong sạch, hành thiện pháp, làm phước thiện bố thí đến Bậc có giới hạnh trong sạch, có thiện pháp cao thượng, thì chắc chắn được phước thiện bố thí lớn lao vô lượng cho mình, rồi hồi hướng đến tất cả thân bằng quyến thuộc cùng tất cả chúng sinh trong muôn loài cũng đều được phước thiện vô lượng. (Tóm lược từ bài Kinh Dakkhiṇāvibhaṅgasutta)
Phước Thiện Bố Thí Cúng Dường Tấm Choàng
Tích Bà-la-môn Cūḷekasāṭaka ([1])
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, đề cập đến tích Bà-la-môn tên Cūḷekasāṭaka. Tích này được bắt nguồn như sau:
Trong quá khứ, thời kỳ Đức Phật Vipassī xuất hiện trên thế gian. Có một Bà-la-môn tên là Mahā Ekasāṭaka. Trong hiện tại, thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, vị Bà-la-môn ấy có tên là Cūḷekasāṭaka sống tại kinh thành Sāvatthi. (Sở dĩ ông Bà-la-môn có tên Cūḷekasāṭaka này là vì 2 ông bà chỉ có một tấm choàng trên thân mình duy nhất mà thôi. Hằng ngày, nếu khi ông Bà-la-môn đi ra ngoài thì ông mặc tấm choàng này, bà Bà-la-môn phải ở trong nhà; và nếu khi bà Bà-la-môn đi ra ngoài thì bà mặc tấm choàng này, ông Bà-la-môn phải ở trong nhà). Một hôm, nghe thông báo dân chúng trong kinh thành Sāvatthi đi nghe Đức Phật thuyết pháp tại ngôi chùa Jetavana, ông Bà-la-môn bảo với người vợ rằng: - Này em! Họ thông báo dân chúng đi nghe pháp. Hai chúng ta chỉ có một tấm choàng trên thân mình duy nhất, nên không thể cùng đi chung với nhau được. Vậy, em đi nghe pháp ban ngày hay ban đêm? Nghe chồng hỏi vậy, nên bà Bà-la-môn thưa rằng: - Thưa anh, em xin đi nghe pháp ban ngày, còn anh nên đi nghe pháp ban đêm. Bà Bà-la-môn mặc tấm choàng trên thân mình đi đến ngôi chùa Jetavana, nghe Đức Phật thuyết pháp ban ngày.
Ông Bà-la-môn ở lại trong nhà cả ngày. Buổi chiều, sau khi nghe pháp xong, bà Bà-la-môn trở về nhà.
Ông Bà-La-Môn Muốn Cúng Dường Tấm Choàng
Ông Bà-la-môn mặc tấm choàng trên thân mình đi đến ngôi chùa Jetavana ban đêm. Đến ngồi gần Đức Phật, ông Bà-la-môn chú tâm lắng nghe Đức Phật thuyết pháp. Khi ấy, 5 pháp hỷ lạc([2]) phát sinh làm cho toàn thân tâm của ông cảm giác an lạc chưa từng có bao giờ. Ông phát sinh thiện tâm có đức tin trong sạch nơi Đức Phật, muốn cúng dường lên Ngài tấm choàng đang mặc trên mình, nhưng tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng phát sinh, nên lại nghĩ rằng: “Nếu ta cúng dường tấm choàng này thì vợ ta sẽ không có mặc, và ta cũng không có mặc.” Khi ấy, tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng phát sinh kéo dài trong ông, rồi thiện tâm có đức tin trong sạch lại phát sinh lên, ông muốn cúng dường tấm choàng này, rồi tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng phát sinh trở lại làm cản trở đức tin trong sạch muốn cúng dường tấm choàng. Do đó, khi thì thiện tâm có đức tin trong sạch muốn cúng dường tấm choàng phát sinh, khi thì tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng không muốn cúng dường tấm choàng phát sinh. Như vậy, thiện tâm có đức tin trong sạch muốn cúng dường tấm choàng này với tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng; giữa 2 tâm ấy giằng co kéo dài trải qua canh đầu đêm, đến canh giữa đêm, cuộc chiến đấu giằng co giữa 2 tâm ấy vẫn chưa phân thắng bại.
Thắng Tâm Keo Kiệt Bằng Đức Tin Trong Sạch
Đến canh chót đêm, ông Bà-la-môn suy xét rằng: “Cuộc chiến giằng co giữa thiện tâm có đức tin trong sạch với ác tâm có tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng đã trải qua 2 canh rồi. Nếu ta không thắng được ác tâm bủn xỉn keo kiệt này thì kiếp sống của ta không thể thoát khỏi 4 cõi ác giới: địa ngục, Atula, ngạ quỷ, súc sinh. Vậy, ta phải chiến thắng tâm bủn xỉn keo kiệt này.” Sau khi suy xét như vậy, chế ngự được ác tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng, thiện tâm có đức tin trong sạch nơi Đức Phật phát sinh, ông Bà-la-môn liền cởi tấm choàng trên thân mình, hai tay nâng tấm choàng cung kính đến cúng dường Đức Phật, ông đặt gần dưới hai bàn chân của Ngài, rồi ông sung sướng reo lên 3 lần rằng: “Jitaṃ me! Jitaṃ me! Jitaṃ me!” Tôi đã thắng rồi! Tôi đã thắng rồi! Tôi đã thắng rồi!
Phước Thiện Bố Thí Cho Quả Hiện Tại
Đức Vua Pasenadi Kosala đang ngồi nghe pháp, nghe ông Bà-la-môn reo lên như vậy, nên truyền bảo vị quan đến hỏi ông Bà-la-môn ấy rằng: Ông đã thắng ai vậy? Tuân lệnh Đức Vua, Vị quan đến hỏi ông Bà-la-môn. Ông Bà-la-môn thưa với vị quan đầy đủ sự việc xảy ra theo tuần tự như vậy. Vị quan đến tâu lên Đức Vua Pasenadi Kosala về câu chuyện đầy đủ của ông Bà-la-môn ấy. Nghe vị quan tâu như vậy, Đức Vua Pasenadi Kosala nghĩ rằng: “Ông Bà-la-môn ấy đã làm điều mà người khác khó làm được. Vậy, ta nên tế độ ông.” Đức Vua truyền bảo vị quan đem 1 cặp tấm choàng mới ban cho ông Bà-la-môn ấy. Sau khi nhận được 1 cặp tấm choàng mới của Đức Vua ban, ông Bà-la-môn đem 1 cặp tấm choàng ấy cúng dường đến Đức Phật.
Thấy ông Bà-la-môn làm như vậy, Đức Vua Pasenadi Kosala truyền bảo vị quan ban cho ông Bà-la-môn ấy mỗi lần nhân gấp đôi là 2 cặp, 4 cặp, 8 cặp, 16 cặp tấm choàng. Lần nào ông Bà-la-môn cũng đem tất cả các cặp tấm choàng ấy cúng dường đến Đức Phật. Đức Vua truyền bảo vị quan đem 32 cặp tấm choàng ban cho ông Bà-la-môn ấy. Ông Bà-la-môn muốn tránh tiếng rằng: “Ông Bà-la-môn có được bao nhiêu cặp tấm choàng của Đức Vua ban đều làm phước thiện bố thí đến Đức Phật cả thảy, không để lại cho phần của mình.” Do đó, nên ông Bà-la-môn lấy ra 2 cặp tấm choàng: Phần của mình 1 cặp tấm choàng, và vợ ông 1 cặp tấm choàng. Còn lại 30 cặp tấm choàng, ông Bà-la-môn đem cúng dường đến Đức Phật. Trong thời quá khứ, ông Bà-la-môn tên Mahā Ekasāṭaka cúng dường đến Đức Phật quá khứ 7 lần, lấy 2 cặp tấm choàng trong 64 cặp tấm choàng. Còn ông Bà-la-môn tên Cūḷekasāṭaka lấy 2 cặp tấm choàng trong 32 cặp tấm choàng. Đức Vua Pasenadi Kosala truyền bảo các quan rằng: - Này các khanh! Ông Bà-la-môn này đã làm những điều mà người khác khó làm được. Vậy, các khanh hãy đem 2 tấm kambala dệt bằng các lông thú trong cung điện của Trẫm đến đây. Tuân theo lệnh của Đức Vua, các quan đem 2 tấm kambala có giá 100 ngàn đồng kahāpaṇa, ban cho ông Bà-la-môn ấy. Sau khi nhận 2 tấm kambala ấy, ông Bà-la-môn nghĩ rằng: “Hai tấm kambala này thật là vô giá chỉ xứng đáng với Đức Phật Chánh Đẳng Giác và chư Đại Đức Tăng mà thôi. Vậy, ta nên đem cúng dường đến Đức Phật.” Ông Bà-la-môn đem 1 tấm kambala đến Gandhakuṭi, làm trần che phía trên chỗ giường nằm cúng dường đến Đức Phật. Còn lại 1 tấm kambala, ông làm trần che phía trên chỗ vị Tỳ khưu ngồi độ vật thực trong nhà của ông. Buổi chiều hôm ấy, Đức Vua Pasenadi Kosala ngự đến hầu đảnh lễ Đức Phật tại Gandhakuṭi, nhìn lên trần, thấy tấm kambala, Đức Vua nhớ tấm kambala ấy, nên bạch với Đức Thế Tôn rằng: - Kính bạch Đức Thế Tôn, ai là người làm trần nhà bằng tấm kambala này cúng dường đến Ngài? Đức Thế Tôn truyền dạy rằng: - Này Đại Vương! Bà-la-môn tên Cūḷekasāṭaka làm cúng dường đến Như Lai. Đức Vua Pasenadi Kosala nghĩ rằng: “Ông Bà-la-môn này tôn kính Đức Thế Tôn giống như ta tôn kính.” Đức Vua Pasenadi Kosala truyền lệnh ban cho ông Bà-la-môn một trăm thứ mà mỗi thứ có 4 như sau: 4 con voi, 4 con ngựa, 4 người đàn bà, 4 người đàn ông 4 tớ trai, 4 tớ gái, 4 xóm làng để thâu thuế, 4000 Kahāpaṇa, v.v…
Phước Thiện Làm Mau Có Quả Hơn Làm Chậm
Chư tỳ khưu đàm đạo tại hội trường rằng: “Phước thiện của ông Bà-la-môn Cūḷekasāṭaka thật là phi thường! Chỉ có trong thời gian ngắn, phước thiện ấy cho quả tất cả mọi thứ mà mỗi thứ có 4. Phước thiện của ông tạo nơi Đức Thế Tôn, nên cho quả báu ngay trong ngày hôm ấy.” Khi ấy, Đức Thế Tôn ngự đến hội trường, truyền hỏi chư tỳ khưu rằng: - Này chư tỳ khưu! Các con đang ngồi đàm đạo về chuyện gì vậy? Chư tỳ khưu bạch với Đức Thế Tôn về chuyện ông Bà-la-môn Cūḷekasāṭaka làm phước thiện bố thí và quả báu của phước thiện như vậy. Đức Thế Tôn truyền dạy rằng: - Này chư tỳ khưu! Nếu Bà-la-môn Cūḷekasāṭaka ấy có khả năng cúng dường đến Như Lai trong canh đầu đêm thì ông sẽ được tất cả mọi thứ mà mỗi thứ có 16. Nếu Bà-la-môn ấy có khả năng cúng dường đến Như Lai trong canh giữa đêm thì ông sẽ được tất cả mọi thứ mà mỗi thứ có 8. Nhưng hai canh đã trải qua, ông Bà-la-môn ấy không có khả năng cúng dường được, mãi cho đến canh chót, ông mới cúng dường đến Như Lai, nên ông được tất cả mọi thứ mà mỗi thứ chỉ có 4 mà thôi. Thật vậy, khi nào thiện tâm phát sinh muốn làm phước thiện, thì thí chủ nên làm ngay khi ấy, không nên để thiện tâm ấy diệt mất. Nếu thí chủ làm phước thiện bố thí chậm chạp thì có được quả báu chậm chạp và bị giảm sút. Cho nên, nếu thí chủ phát sinh thiện tâm muốn làm phước thiện bố thí thì nên làm ngay khi ấy, chớ nên chậm chạp.
Đức Phật thuyết câu kệ Dhammapadagāthā thứ 116:
“Abhittharetha kalyāṇe, pāpā cittaṃ nivāraye. Dandhaṃ hi karato puññaṃ, pāpasmiṃ ramatī mano” - Này chư Tỳ khưu! Hãy nên mau chóng làm các phước thiện, nên ngăn cản tâm bất thiện tội lỗi. Khi thí chủ làm phước thiện chậm chạp, thì ác tâm có cơ hội phát sinh. Khi ấy, tâm lại thỏa thích trong tội lỗi.
Để mọi phước thiện tăng trưởng vô lượng, quả báu của phước thiện vô lượng, khi thí chủ phát sinh thiện tâm có đức tin trong sạch trong mỗi phước thiện, nên làm phước thiện mau lẹ, không nên chần chừ, do dự, không để cho ác tâm có cơ hội phát sinh làm cản trở phước thiện ấy, thí chủ nên nghĩ rằng: “Ahaṃ pure! Ahaṃ pure!” “Ta là người đầu tiên! Ta là người đầu tiên!” Sau khi thuyết tích này xong, Đức Thế Tôn thuyết về tứ Thánh đế tế độ chư tỳ khưu. Khi ấy, có nhiều vị chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh nhân tùy theo pháp hạnh Ba-la-mật của mỗi vị.
Phước Thiện Bố Thí Vật Thực
Tích Bhikkhādāyakavimāna ([3])
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh thành Rājagaha. Khi ấy, một vị tỳ khưu đi đường xa vất vả, đang đói, vào khất thực trong một xóm nhà, đến đứng khất thực trước cổng một ngôi nhà. Trong nhà ấy, một người đàn ông đã rửa tay sạch sẽ, rồi ngồi xuống chỗ ngồi để dùng bửa ăn, các thức ăn đã bỏ vào trong đĩa xong, người đàn ông ấy nhìn ra trước cổng, thấy vị tỳ khưu đứng khất thực, ông vô cùng hoan hỷ, đem đĩa cơm gồm có các thức ăn đi ra trước cổng, hoan hỷ cung kính cúng dường đặt hết đĩa cơm cùng các thức ăn vào trong bình bát của vị tỳ khưu ấy. Mặc dù vị tỳ khưu ấy bảo cận sự nam để trong bát của Ngài một phần, phần còn lại để ông dùng, nhưng ông cận sự nam vẫn đặt hết phần ăn của mình vào trong bát của Ngài. Vị tỳ khưu tụng kinh chúc phúc lành đến cận sự nam, rồi từ giã. Người thí chủ vô cùng hoan hỷ niệm tưởng rằng: “Hôm nay, ta thật vô cùng hạnh phúc có được một vị tỳ khưu đến nhà khất thực, ta không dùng phần ăn của ta hôm nay mà đã đem làm phước thiện bố thí cúng dường đến vị tỳ khưu đang đói, rất cần vật thực.” Sau khi niệm tưởng như vậy, thí chủ phát sinh hỷ lạc chưa từng có. Về sau, thí chủ ấy chết, sau khi chết, thiện nghiệp làm phước thiện bố thí cúng dường đến vị tỳ khưu ấy cho quả tái sinh làm vị thiên nam trong lâu đài bằng vàng cao 12 do tuần trên cõi trời Tam thập Tam thiên, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy. Một hôm, Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna bay lên cõi trời Tam thập Tam thiên, gặp vị thiên nam có nhiều oai lực ấy, Ngài bèn hỏi rằng: - Này vị thiên nam! Ngươi có lâu đài bằng ngọc maṇi cao 12 do tuần, có 700 phòng lớn, các cột toàn bằng ngọc bích quý, lót bằng tấm thảm lộng lẫy. Ngươi nhiều phép thần thông, có nhiều oai lực, các thiên nữ xinh đẹp đờn ca múa hát quanh ngươi. - Này vị thiên nam! Tiền kiếp của ngươi sinh cõi người đã làm phước thiện gì, nên kiếp hiện tại sinh làm thiên nam có nhiều oai lực, có ánh sáng hào quang tỏa khắp mọi phương hướng như vậy. Nghe Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna hỏi như vậy, vị thiên nam vô cùng hoan hỷ bạch với Ngài về phước thiện và quả của phước thiện của mình rằng: - Kính bạch Ngài Đại Đức, tiền kiếp của con sinh làm người thấy một vị tỳ khưu đang đói đến đứng khất thực trước cổng nhà con, khi ấy, con vô cùng hoan hỷ đem phần ăn của con làm phước thiện bố thí cung kính cúng dường đặt bát đến vị tỳ khưu ấy. Sau khi con chết, nhờ phước thiện bố thí cung kính cúng dường vật thực đến vị tỳ khưu ấy cho quả tái sinh lên cõi trời Tam thập Tam thiên này, con hưởng mọi sụ an lạc trong cõi trời, có hào quang sáng ngời tỏa ra mọi phương hướng như Ngài đã thấy. Nghe vị thiên nam thưa như vậy, Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna thuyết pháp tế độ vị thiên nam ấy cùng với nhóm thiên nữ của y, rồi trở về cõi người.
Phước Thiện Bố Thí Chỗ ở
Tich Ambavimāna ([4])
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana, gần kinh thành Sāvatthi. Khi ấy, một cận sự nữ trong kinh thành Sāvatthi, nghe pháp rằng: “Phước thiện bố thí cúng dường chỗ ở có phước thiện vô lượng, có quả báu nhiều vô lượng, Acó quả vô lượng.” Người cận sự nữ phát sinh thiện tâm có đức tin trong sạch muốn cúng dường chỗ ở đến chư tỳ khưu Tăng, nên đến hầu Đức Thế Tôn bạch rằng: - Kính bạch Đức Thế Tôn, con có nguyện vọng muốn xây dựng một ngôi chùa, để cúng dường đến chư tỳ khưu Tăng. Kính xin Ngài chỉ chỗ cho con. Nghe người cận sự nữ bạch như vậy, Đức Thế Tôn truyền bảo chư tỳ khưu chỉ chỗ thích hợp cho cận sự nữ ấy. Được chư tỳ khưu chỉ chỗ, người cận sự nữ thuê thợ xây dựng một ngôi chùa rất xinh đẹp, rồi cho người trồng các cây xoài xung quanh ngôi chùa ấy. Sau khi xây dựng ngôi chùa, trồng các cây xoài xung quanh chùa cho bóng mát và cho quả, người cận sự nữ cho người trang hoàng ngôi chùa rất lộng lẫy, lấy những tấm vải mới bao quanh các gốc cây xoài, làm nền sạch sẽ xung quanh ngôi chùa để chuẩn bị làm đại lễ phước thiện bố thí cúng dường ngôi chùa ấy. Mọi công việc được chuẩn bị sẵn sàng, người cận sự nữ vô cùng hoan hỷ kính thỉnh chư Đại Đức tỳ khưu Tăng, Thanh Văn đệ tử của Đức Phật đến để làm đại lễ phước thiện bố thí cúng dường ngôi chùa ấy một cách rất trọng thể đến chư Đại Đức tỳ khưu Tăng tứ phương. Sau khi làm đại lễ cúng dường ngôi chùa xong, người cận sự nữ vô cùng hoan hỷ đã thành tựu được nguyện vọng của mình. Về sau, người cận sự nữ chết, phước thiện bố thí cúng dường ngôi chùa ấy cho quả tái sinh làm vị thiên nữ trên cõi trời Tam thập Tam thiên, trong lâu đài đồ sộ nguy nga tráng lệ, nằm giữa vườn xoài, có nhóm đông thiên nữ hầu hạ đờn ca múa hát. Vị thiên nữ có nhiều oai lực, hưởng mọi sự an lạc trên cõi trời ấy. Một hôm, Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna bay lên cõi trời Tam thập Tam thiên, gặp vị thiên nữ ấy, Ngài bèn hỏi rằng: - Này thiên nữ! Vườn xoài trời của cô thật là ngoạn mục, trong vườn xoài có lâu đài đồ sộ nguy nga tráng lệ, có các tiếng đàn phát ra réo rắt, từng đoàn thiên nữ ca hát nhảy múa. Trong lâu đài có ngọn đèn lớn bằng ngọc phát ra ánh sáng ngời, xung quanh lâu đài của cô có nhiều loại cây luôn luôn cho quả thơm ngon. - Này thiên nữ! Tiền kiếp của cô sinh làm người, cô đã tạo phước thiện như thế nào mà nay kiếp hiện tại sinh làm vị thiên nữ có nhiều oai lực, có thân hình xinh đẹp có đầy đủ mọi thứ quý giá, có hào quang sáng ngời tỏa ra khắp mọi phương hướng như vậy? [1] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā Tích Cūḷekasāṭakabrāhmaṇavatthu [2] 5 Pháp Pīti: Khuddakāpīti, khaṇikāpīti, okkantikāpīti, ubbeṅgāpīti, pharaṇāpīti. [3] Bộ Chú giải Vimānavatthu, Tích Bhikkhādāyakavimāna [4] Bộ Vimānavatthu, Tích Ambavimāna Nghe Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna hỏi như vậy, vị thiên nữ vô cùng hoan hỷ bạch với Ngài về phước thiện bố thí của mình như sau: - Kính bạch Ngài Đại Đức, Khi tiền kiếp của con sinh làm người trong cõi người, con có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, cho xây dựng một ngôi chùa, có trồng các cây xoài xung quanh chùa . Sau khi xây dựng xong ngôi chùa xong, để chuẩn bị khánh thành ngôi chùa, và làm đại lễ dâng cúng dường ngôi chùa đến chư tỳ khưu Tăng, con bảo mọi người lấy vải mới bao xung quanh các gốc cây xoài, đốt đèn sáng xung quanh chùa. Con kính thỉnh chư Đại Đức tỳ khưu Tăng, Thanh Văn đệ tử của Đức Phật đến ngôi chùa, con tự tay làm phước thiện bố thí cúng dường vật thực đến chư Đại Đức tỳ khưu Tăng. Sau đó, con vô cùng hoan hỷ làm đại lễ phước thiện bố thí cúng dường ngôi chùa đến chư Đại Đức tỳ khưu Tăng tứ phương. - Kính bạch Ngài Đại Đức, tiền kiếp của con đã tạo phước thiện bố thí như vậy, nên kiếp hiện tại này con có vườn xoài rất ngoạn mục, trong vườn xoài có lâu đài đồ sộ nguy nga tráng lệ, có các tiếng đàn phát ra réo rắt, từng đoàn thiên nữ ca hát nhảy múa. Trong lâu đài có ngọn đèn lớn bằng ngọc phát ra ánh sáng ngời, xung quanh lâu đài có nhiều loại cây luôn luôn cho quả thơm ngon. Đó là quả báu của phước thiện bố thí ấy. Con có được sắc đẹp như thế này, có đầy đủ mọi sự an lạc như thế này cũng đều do quả của phước thiện ấy. - Kính bạch Ngài Đại Đức, tiền kiếp của con ở cõi người đã tạo phước thiện bố thí như vậy, nên kiếp hiện tại này con là thiên nữ có nhiều oai lực, có ánh sáng hào quang tỏa ra khắp mọi phương hướng, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời Tam thập Tam thiên này.
Phước Thiện Bố Thí Cốc Lá
Tích Ngài Đại Đức Kuṭidāyakatthera-Apadāna Ngài Đại Đức Kuṭidāyaka thuật lại chuyện tiền kiếp của Ngài làm phước thiện bố thí cúng dường cốc lá đến Đức Phật Vipassī được tóm lược như sau: Một thuở nọ, Đức Phật Vipassī ([1]) ngự vào trong rừng ngồi dưới cội cây. Khi ấy, tôi làm một cốc lá xong, rồi làm lễ cúng dường cốc lá ấy đến Đức Phật Vipassī. Thời kỳ Đức Phật Vipassī trong kiếp trái đất thứ 91, kể từ kiếp trái đất này, do năng lực phước thiện bố thí cúng dường cốc lá ấy đến Đức Phật Vipassī, mà những tiền kiếp tử sinh luân hồi của tôi không hề sinh trong 4 cõi ác giới: địa ngục, Atula, ngạ quỷ, súc sinh; chính nhờ thiện nghiệp ấy chỉ cho quả tái sinh trong các cõi thiện giới: cõi người và các cõi trời mà thôi. Trong kiếp trái đất thứ 38, kể từ kiếp trái đất này, tôi làm Đức Vua Chuyển Luân Thánh Vương 16 lần có danh hiệu là Sabbattha Abhivassī. Trong thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, tôi đã xuất gia trở thành tỳ khưu tên là Kuṭidāyaka thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cùng với Tứ tuệ phân tích, Bát pháp giải thoát, Lục thông. Tôi đã thực hành đúng theo lời giáo huấn của Đức Phật. Tôi đã hoàn thành xong phận sự của bậc xuất gia trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.
Phước Thiện Bố Thí Thuốc Trị Bệnh
Tích Ngài Đại Đức Bākula ([2]) Ngài Đại Đức có tên Bākula bởi Ngài trưởng thành trong 2 gia đình phú hộ. Tích này được bắt nguồn như sau: Trong thời quá khứ, tiền kiếp của Ngài Đại Đức Bākula sinh trong gia đình Bà-la-môn, trước khi Đức Phật Anomadassī xuất hiện trên thế gian. Khi trưởng thành, Ngài theo học các bộ môn truyền thống Bà-la-môn, nhưng Ngài nhận xét thấy không có lợi ích gì trong những bộ môn ấy, nên Ngài từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành đạo sĩ thực hành pháp hành thiền định, dẫn đến chứng đắc 8 bậc thiền sắc giới và vô sắc giới, và chứng đắc 5 phép thần thông thế gian. Về sau, nghe tin Đức Phật Anomadassī ([3]) đã xuất hiện trên thế gian, đạo sĩ tiền kiếp của Ngài Đại Đức Bākula đến hầu đảnh lễ Đức Phật Anomadassī, rồi nghe Ngài thuyết pháp, sau khi nghe pháp xong, đạo sĩ vô cùng hoan hỷ xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo, cho đến trọn đời trọn kiếp, nhưng vẫn giữ hình thức đạo sĩ của mình. Ngài vẫn thường đến nghe Đức Phật thuyết pháp.
Dâng Thuốc Trị Bệnh Đến Đức Phật Anomadassī Một thuở nọ, Đức Phật Anomadassī bị lâm bệnh phong (gió) trong bụng, khi ấy, vị đạo sĩ đến hầu Đức Phật, gặp vị tỳ khưu cho biết Đức Phật bị lâm bệnh gió trong bụng, nên Ngài nghĩ rằng: “Đây là cơ hội tốt cho ta làm phước thiện bố thí thuốc trị bệnh đến Đức Phật.” Đạo sĩ bay đến sườn núi tìm những cây thuốc đem về dâng vị tỳ khưu thường phụng sự Đức Phật, Ngài dặn dò vị tỳ khưu cách nấu thuốc như vậy, rồi kính dâng đến Đức Phật dùng thuốc này, hy vọng sẽ khỏi bệnh. Thật vậy, sau khi dùng thuốc của vị đạo sĩ, Đức Phật khỏi bệnh gió trong bụng, sức khỏe trở lại bình thường. Khi ấy, vị đạo sĩ đến hầu đảnh lễ Đức Phật Anomadassī, ngồi một nơi hợp lẽ, rồi bạch rằng: - Kính bạch Đức Thế Tôn, con đã làm phước thiện bố thí cúng dường thuốc trị bệnh đến Đức Thế Tôn khỏi bệnh. Do nhờ phước thiện bố thí cúng dường thuốc trị bệnh này, cầu mong cho con là người ít bệnh hoạn ốm đau suốt trong mọi kiếp còn tử sinh luân hồi. Vị đạo sĩ sau khi chết, vô sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sinh làm phạm thiên trong cõi trời vô sắc giới. Sau khi hết tuổi thọ của cõi trời vô sắc giới, tử sinh luân hồi trong cõi người và các cõi trời trải qua suốt 1 a-tăng-kỳ.
Phát Nguyện Trở Thành Tỳ Khưu Ít Bệnh Nhất Đến thời kỳ Đức Phật Padumuttara ([4]) xuất hiện trên thế gian, tiền kiếp của Ngài Đại Đức Bākula sinh trong một gia đình tại kinh thành Haṃsavatī. Ngài đến hầu đảnh lễ, lắng nghe Đức Phật thuyết pháp. Khi ấy, thấy Đức Phật tuyên dương một tỳ khưu có ít bệnh nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử của Ngài, nên tiền kiếp của Ngài Đại Đức phát nguyện muốn trở thành vị tỳ khưu có ít bệnh nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật trong thời kỳ vị lai, và được Đức Phật Padumuttara thọ ký xác định thời gian trong thời kỳ Đức Phật Gotama. Sau khi được thọ ký, những tiền kiếp của Ngài Đại Đức Bākula tử sinh luân hồi trong các cõi trời và cõi người, cố gắng tinh tấn không ngừng tạo các pháp hạnh Ba-la-mật cho sớm được đầy đủ. Trước khi Đức Phật Vipassī xuất hiện trên thế gian, tiền kiếp Ngài Đại Đức Bākula sinh trong gia đình Bà-la-môn trong kinh thành Bandhumatī. Khi trưởng thành, Ngài từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành đạo sĩ trú tại chân núi, thực hành pháp hành thiền định, dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc giới và các phép thần thông thế gian. Khi ấy, Đức Phật Vipassī ([5]) đã xuất hiện trên thế gian, Đức Phật ngự cùng với nhóm 6.800.000 vị Đại Đức tỳ khưu Tăng đến kinh thành Bandhumatī, để tế độ Đức Phụ Vương của Ngài. Đức Phật ngự tại vườn phóng sinh nai Khema cùng với chư Đại Đức tỳ khưu Tăng. Nghe tin Đức Phật Vipassī đã xuất hiện trên thế gian, Ngài đang ngự tại vườn phóng sinh nai Khema, vị đạo sĩ tiền kiếp của Ngài Đại Đức Bākula đến hầu đảnh lễ Đức Phật Vipassī, nghe Ngài thuyết pháp, rồi xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo, nhưng vẫn giữ hình thức đạo sĩ của mình. Vị đạo sĩ thường đến hầu đảnh lễ Đức Phật, nghe pháp.
Dâng Thuốc Trị Bệnh Đến Chư Tỳ khưu Tăng Một thời nọ, ngoài Đức Phật Vipassī và 2 Ngài Tối thượng Thanh văn ra, còn lại tất cả chư Đại Đức tỳ khưu Tăng đều bị mắc bệnh nhức đầu, bởi vì hít mùi hoa độc của những cây trong rừng núi Himavanta đang nở rộ. Khi ấy, đạo sĩ tiền kiếp của Ngài Đại Đức Bākula đến hầu đảnh lễ Đức Phật Vipassī, biết chư tỳ khưu bị mắc bệnh đau đầu như vậy, nên nghĩ rằng: “Đây là cơ hội tốt của ta làm phước thiện bố thí thuốc trị bệnh đến chư tỳ khưu Tăng.” Đạo sĩ dùng oai lực phép thần thông bay đi tìm các thứ cây thuốc đem về làm thành thuốc, rồi đem đến làm phước thiện bố thí cúng dường thuốc trị bệnh đến chư tỳ khưu Tăng. Sau khi dùng thuốc, tất cả chư tỳ khưu Tăng đều khỏi bệnh ngay. Đạo sĩ tiền kiếp của Ngài Đại Đức Bākula sau khi chết, sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sinh làm phạm thiên trên cõi trời sắc giới. Khi hết tuổi thọ trên cõi sắc giới, thiện nghiệp cho quả tái sinh trong các cõi trời, cõi người trải qua 91 đại kiếp trái đất. Đến thời kỳ Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, khi ấy, tiền kiếp của Ngài Đại Đức Bākula là người dân sinh sống trong căn nhà cũ tại kinh thành Bārāṇasī. Một hôm, ông nghĩ rằng: “Căn nhà của ta đã cũ, bị hư hỏng không ở được nữa. Vậy, ta nên gọi nhóm thợ cùng ta đi vào rừng sâu tìm cây gỗ, lá, v.v… đem về làm lại căn nhà mới.” Sau khi nghĩ như vậy, ông dẫn nhóm thợ vào rừng, trên đường đi, ông nhìn thấy ngôi chánh điện Sīmā nơi hành các tăng sự Saṃghakamma của chư tỳ khưu Tăng đã bị hư hỏng, dột nát, và các chỗ ở của chư tỳ khưu Tăng cũng bị hư hỏng nhiều, nên ông nghĩ rằng: “ Việc làm căn nhà mới của ta chưa cần thiết, bởi vì căn nhà không thể đi theo ta được, mà chỉ có phước thiện mới có thể theo ta được mà thôi. Vậy, ta nên trùng tu lại ngôi chánh điện Sīmā, và các chỗ ở, nhà ăn,… để cúng dường đến chư tỳ khưu Tăng trước.” Ông dẫn nhóm thợ vào rừng sâu tìm cây gỗ, lá, v.v… đem về trùng tu lại ngôi chánh điện Sīmā, nhà ăn, các chỗ ở của chư tỳ khưu, nhà xông hơi cho tỳ khưu bệnh, đặc biệt nhà thương dành cho những tỳ khưu bệnh, và chuẩn bị các thứ thuốc trị bệnh dành cho chư tỳ khưu bệnh, các nhà vệ sinh, v.v… Sau khi xây dựng xong, ông làm đại lễ bố thí cúng dường đến chư tỳ khưu Tăng trong thời kỳ Đức Phật Kassapa. Tiền kiếp của Ngài Đại Đức Bākula cố gắng tinh tấn tạo 10 pháp hạnh Ba-la-mật sớm được đầy đủ cho đến trọn đời, cho nên, thiện nghiệp cho quả tái sinh trong các cõi trời, cõi người, trải qua khoảng thời gian từ Đức Phật Kassapa đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thời gian.
Kiếp Chót Của Ngài Đại Đức Bākula Tiền kiếp của Ngài Đại Đức Bākula sau khi chết, thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp chót đầu thai vào lòng bà vợ ông phú hộ tại kinh thành Kosambī, trước thời kỳ Đức Phật Gotama chưa xuất hiện trên thế gian. Từ khi đầu thai vào lòng mẹ suốt 10 tháng, gia đình phú hộ phát sinh của cải quý báu nhiều vô kể, được Đức Vua ban thưởng tước cao quý. Tròn đủ 10 tháng, Ngài sinh ra đời, người mẹ của Ngài nghĩ rằng: “Công tử của ta là một đứa con có phước lớn, ta muốn con của ta được khỏe mạnh, không có bệnh, được sống lâu. Vậy, ta nên bảo các nhũ mẫu ẵm con của ta đem xuống sông Yamunā làm lễ tắm gội đầu trong ngày sinh này ([6]) thì sau này con của ta được khỏe mạnh, không có bệnh, được sống lâu.” Khi các bà nhũ mẫu ẵm đứa trẻ sơ sinh xuống sông Yamunā đang làm lễ tắm gội đầu đứa trẻ, thì ngay khi ấy, một con cá lớn nhìn thấy đứa trẻ ấy, tưởng là miếng mồi, nó há mồm ra ngậm đứa trẻ nuốt vào bụng bơi đi nơi khác, mà các bà nhũ mẫu không sao cứu được. Đứa trẻ là bậc đại phước kiếp chót của Ngài, nên dù nằm trong bụng con cá cũng như nằm trong phòng ngủ sang trọng, không cảm thấy khổ chút nào cả. Do oai lực của pháp hạnh Ba-la-mật kiếp chót của đứa trẻ, nên con cá như nuốt phải một vật nóng, làm cho nó nóng nảy bơi mau như điên suốt 30 do tuần, rồi bị dính lưới của nhóm dân chài trong kinh thành Bārāṇasī. Thông thường, con cá lớn như thế này khi mắc lưới thì chết ngay, nhưng do oai lực phước thiện của đứa trẻ, con cá vẫn còn sống cho đến khi bắt ra khỏi lưới. Những người dân chài cột dây khiêng con cá đi quanh kinh thành Bārāṇasī, để bán với giá kahāpaṇa chừng ấy, nhưng không có một ai mua cả. Khi khiêng con cá đến trước cửa nhà phú hộ có của cải đến 800 triệu trong kinh thành Bārāṇasī, bà phú hộ hỏi họ rằng: - Này các ngươi bán con cá ấy bao nhiêu Kahāpaṇa? Những người dân chài thưa rằng: - Kính thưa Bà, xin Bà cho chừng ấy Kahāpaṇa. Bà phú hộ trao chừng ấy Kahāpaṇa cho những người dân chài, rồi nhận con cá. Hằng ngày, bà phú hộ không bao giờ tự tay làm cá, hoặc làm đồ ăn, nhưng hôm ấy, bà phú hộ đặt con cá trên tấm ván lớn, rồi tự tay mình làm thịt con cá này. Thông thường, người ta mổ cá trước bụng, nhưng bà phú hộ mổ con cá này ở phía sau, khi dở lên bà nhìn thấy đứa trẻ có màu da như màu vàng ròng nằm trong bụng con cá, bà phú hộ reo lên rằng: “Ta được đứa trẻ trong bụng con cá.” Bà phú hộ ẵm đứa trẻ đến trình ông phú hộ. Gia đình phú hộ vốn không có con, nay bỗng dưng được đứa trẻ có nét mặt sáng sủa, màu da như màu vàng ròng, nên ông vô cùng sung sướng bảo gia nhân đánh chuông thông báo cho mọi người biết như vậy. Ông bà phu hộ ẵm đứa trẻ lên xe đi vào cung điện chầu Đức Vua Bārāṇasī tâu rằng: - Muôn tâu Hoàng Thượng, vợ chồng tiện dân được đứa trẻ trong bụng con cá. Vậy, nay vợ chồng tiện dân phải làm thế nào? Đức Vua truyền bảo rằng: - Này ông bà phú hộ! Đứa trẻ này có phước lớn, dù nó nằm trong bụng con cá, mà sinh mạng vẫn được an toàn. Vậy, hai ông bà phú hộ nên nuôi dưỡng đứa trẻ này.
Đứa Trẻ Tên Là Bākula Gia đình ông bà phú hộ là cha mẹ của đứa trẻ ở kinh thành Kosambī nghe tin gia đình ông bà phú hộ kinh thành Bārāṇasī được một đứa trẻ trong bụng con cá. Bà phú hộ là mẹ đẻ của đứa trẻ cùng nhóm gia nhân đi xe lên đường đến kinh thành Bārāṇasī, tìm đến nhà gia đình phú hộ kinh thành Kosambī. Nhìn thấy bà phú hộ kinh thành Bārāṇasī đang chơi đùa với đứa trẻ, bà phú hộ kinh thành Kosambī khen ngợi đứa trẻ rằng: “Đứa trẻ thật là đáng yêu quý quá!” Khi ấy, bà phú hộ kinh thành Kosambī mẹ sinh thưa với bà phú hộ kinh thành Bārāṇasī rằng: - Thưa bà, đứa trẻ này là con của tôi. Bà phú hộ kinh thành Bārāṇasī mẹ nuôi thưa rằng: - Thưa bà, đứa trẻ này là con của tôi, không phải con của bà đâu! (Mẹ sinh) - Thưa bà, bà được đứa trẻ này từ đâu? (Mẹ dưỡng) - Thưa bà, tôi được đứa trẻ này từ trong bụng con cá. (Mẹ sinh) - Thưa bà, nếu như vậy, thì chắc chắn đứa trẻ này không phải là con của bà, nó chắc chắn là con của tôi rồi! (Mẹ dưỡng) - Thưa bà, con của bà ở đâu? (Mẹ sinh) - Thưa bà, tôi mang thai 10 tháng, khi đứa trẻ này sinh ra được đem xuống sông Yamunā để làm lễ tắm gội đầu, thì con cá há mồm ra ngậm đứa trẻ nuốt vào bụng bơi đi mất. (Mẹ dưỡng) - Thưa bà, con của bà bị con cá khác nuốt bơi đi nơi khác rồi, còn đứa trẻ này trong bụng con cá của tôi mua.
Như vậy, bà phú hộ kinh thành Kosambī là mẹ sinh và bà phú hộ kinh thành Bārāṇasī là mẹ dưỡng tranh chấp với nhau về đứa trẻ, không rõ thuộc về bên nào nên hai người mẹ ẵm đứa trẻ cùng nhau đến chầu Đức Vua Bārāṇasī để Đức Vua phán xét. Đức Vua phán xét rằng: “Bà phú hộ kinh thành Kosambī mang thai 10 tháng sinh ra đứa trẻ này, bà không phải là mẹ sinh thì không thể được; và bà phú hộ kinh thành Bārāṇasī đã mua con cá, thì tất cả những thứ gì trong con cá đều thuộc quyền sở hữu của bà, cho nên, đứa trẻ nằm trong bụng con cá thuộc về của bà, bà không phải là mẹ dưỡng thì cũng không thể được. Vì vậy, đứa trẻ này là người thừa kế (dāyāda) của 2 gia đình phú hộ. Kể từ đó, đứa trẻ này là thuộc về của 2 gia đình phú hộ, nó là đứa con thừa kế của 2 gia đình, nên đặt tên là Bākulakumāra: Công tử Bākula” (Bākula nghĩa là 2 gia đình, 2 dòng họ).
Công tử Bākula Của Hai Gia Đình Phú Hộ Khi công tử Bākula trưởng thành hưởng mọi sự an lạc trong 2 gia đình phú hộ tại kinh thành Bārāṇasī và kinh thành Kosambī. Mỗi gia đình phú hộ xây dựng 3 tòa lâu đài gồm có đầy đủ mọi thứ để hưởng mọi sự an lạc trong đời, như các đoàn ca hát, nhảy múa, những món ngon vật lạ, những xe cộ đi du ngoạn ngắm cảnh, v.v… Công tử Bākula hưởng mọi sự an lạc trong mỗi gia đình phú hộ của mỗi kinh thành 4 tháng. (2 tháng tại kinh thành và 2 tháng trên chiếc thuyền). Thật vậy, công tử Bākula hưởng mọi sự an lạc trong gia đình phú hộ tại kinh thành bên này suốt 2 tháng, rồi bước xuống chiếc thuyền lớn có đầy đủ mọi thứ như các đoàn ca hát, nhảy múa, các món ăn vật lạ, v.v…., để cho công tử Bākula hưởng mọi sự an lạc trong đời. Chiếc thuyền lớn duy chuyển từ kinh thành này đến nửa đường thời gian 2 tháng đến chỗ hẹn trên dòng sông. Một chiếc thuyền lớn của gia đình phú hộ kinh thành bên kia chờ nửa đường chỗ hẹn trên dòng sông, để đón rước công tử Bākula bước sang chiếc thuyền lớn bên kia cũng có đầy đủ mọi thứ trên chiếc thuyền, để cho công tử Bākula hưởng mọi sự an lạc trong đời. Chiếc thuyền lớn duy chuyển suốt 2 tháng mới đến kinh thành bên kia, rồi công tử Bākula hưởng mọi sự an lạc trong gia đình phú hộ tại kinh thành bên kia suốt 2 tháng. Như vậy, công tử Bākula hưởng mọi sự an lạc trong đời mỗi gia đình phú hộ tại mỗi kinh thành có 2 tháng, còn 2 tháng hưởng mọi sự an lạc trên chiếc thuyền lớn đến nửa đường chỗ hẹn trên dòng sông. Công tử Bākula hưởng mọi sự an lạc trong mỗi gia đình phú hộ của mỗi kinh thành luân phiên nhau như vậy, suốt thời gian tròn 80 năm.
Công Tử Bākula Trở Thành Tỳ Khưu Công tử Bākula sống tại gia suốt thời gian tròn 80 năm. Vào thời ấy, Đức Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, Ngài ngự đi đến kinh thành Kosambī (hoặc kinh thành Bārāṇasī). Khi ấy, nghe tin Đức Phật Gotama ngự đến kinh thành Kosambī, công tử Bākula là Thanh Văn đệ tử kiếp chót đi đến hầu đảnh lễ, cúng dường những phẩm vật đến Đức Phật, rồi lắng nghe Đức Phật thuyết pháp. Công tử Bākula phát sinh đức tin trong sạch nơi Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo, kính xin Đức Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ khưu trong giáo pháp của Ngài. Sau khi trở thành tỳ khưu trong 7 ngày, Ngài vẫn còn là tỳ khưu phàm nhân, nhưng đến sáng sớm ngày thứ 8, Ngài thực hành pháp hành thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng cùng với tứ tuệ phân tích (catu-paṭisambhidā) trong giáo pháp của Đức Phật Gotama. Sau khi công tử Bākula đã xuất gia trở thành tỳ khưu, rồi trở thành bậc Thánh A-ra-hán. Khi ấy, tất cả các người bạn thân, các đoàn ca hát, nhảy múa, các nhạc công, các nhóm tùy tùng thuộc hạ là những người trong kinh thành Bārāṇasī và kinh thành Kosambī của công tử Bākula khi còn sống tại gia, mỗi người đều nhận được nhiều của cải đem về sinh sống trong gia đình của mình. Khi sống trong gia đình, họ thường nhớ đến ân đức của Ngài Đại Đức Bākula, nên họ dệt, may thành bộ y, rồi đem kính dâng đến Ngài Đại Đức Bākula. Hằng nửa tháng trước, người thân trong kinh thành Kosambī dâng một bộ y đến Ngài Đại Đức Bākula, rồi nửa tháng sau, người thân trong kinh thành Bārāṇasī dâng một bộ y đến Ngài Đại Đức Bākula, cứ thay phiên với nhau dâng bộ y như vậy. Ngoài ra, các thứ vật dụng khác cũng thường thay phiên với nhau dâng cúng dường đến Ngài Đại Đức Bākula như vậy, cho nên, tứ vật dụng của Ngài nhiều vô kể. Ngài thường cho người đem làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư tỳ khưu khác.
Tuyên Dương Ngài Đại Đức Bākula Ít Bệnh Đệ Nhất Khi còn sống tại gia suốt 80 năm tròn, công tử Bākula không hề bị bệnh hoạn, ốm đau gì cả, dù chỉ là sổ mũi cũng không từng phát sinh lên đối với Ngài. Từ khi xuất gia trở thành tỳ khưu lúc 80 tuổi, rồi trở thành bậc Thánh A-ra-hán, Ngài Đại Đức Bākula cũng không hề có bệnh hoạn, ốm đau gì cả, và 4 thứ vật dụng luôn luôn phát sinh đầy đủ đối với Ngài. Một hôm, ngự tại ngôi chùa Jetavana giữa chư Đại Đức Thánh Tăng, Đức Thế Tôn tuyên dương ca tụng Ngài Đại Đức Bākula rằng: “Etadaggaṃ Bhikkhave, mama sāvakānaṃ bhik-khūnaṃ appābādhānaṃ yadidaṃ Bākulo” - Này chư tỳ khưu! Trong các hàng tỳ khưu Thanh Văn đệ tử của Như Lai, Bākula là vị tỳ khưu có ít bệnh đệ nhất.
Ngài Đại Đức Bākula Tịch Diệt Niết Bàn Ngài Đại Đức Bākula khi còn là công tử Bākula sống tại gia hưởng mọi sự an lạc trong đời suốt 80 năm tròn, không hề có thứ bệnh gì, dù chỉ là bệnh sổ mũi thôi. Và khi công tử Bākula xuất gia lúc 80 tuổi, trở thành tỳ khưu được 7 ngày, đến sáng ngày thứ 8, tỳ khưu Bākula trở thành bậc Thánh A-ra-hán có 80 hạ. Trong suốt 80 năm, Ngài cũng không hề có thứ bệnh nào cả. Đó là quả báu của phước thiện bố thí thuốc trị bệnh của Ngài trong thời kỳ Đức Phật Anomadassī, và Ngài phát nguyện muốn trở thành vị tỳ khưu ít bệnh nhất cũng được thành tựu, đúng như Đức Phật Padumuttara quá khứ đã thọ ký. Công tử Bākula sống 80 tuổi tại gia và xuất gia trở thành Tỳ khưu có 80 tuổi hạ gồm có 160 tuổi tròn. Một hôm, Ngài Đại Đức Bākula thưa với chư Đại Đức tỳ khưu Tăng rằng: “Hôm nay, tôi sẽ tịch diệt Niết Bàn.” Để chư tỳ khưu không phải lo công việc hỏa táng thân xác của Ngài sau khi Ngài tịch diệt Niết Bàn, nên ngồi kiết già giữa chư tỳ khưu Đại Đức Tăng, Ngài Đại Đức Bākula phát nguyện, rồi nhập thiền đề mục lửa, cuối lộ trình tâm, “cuti” tịch diệt Niết Bàn. Sau khi Ngài Đại Đức Bākula tịch diệt Niết Bàn, hỏa đại bốc lên thiêu đốt thân xác của Ngài, chỉ còn những viên Xá-lợi màu trắng như màu hoa lài mà thôi. Chư tỳ khưu xây ngôi tháp tôn thờ Xá-lợi của Ngài Đại Đức Bākula. [1] Từ thời kỳ Đức Phật Vipassī đã xuất hiện trên thế gian cho đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian có khoảng cách thời gian 91 đại kiếp trái đất. [2] Bộ Chú giải Aṅguttaranikāya Tích Ngài Đại Đức Bākula [3] Từ thời kỳ Đức Phật Anomadassī đến thời kỳ Đức Phật Gotama có khoảng cách thời gian 1 a-tăng-kỳ với 100 ngàn đai kiếp trái đất [4] Từ thời kỳ Đức Phật Padumuttara đến thời kỳ Đức Phật Gotama có khoảng cách thời gian 100 ngàn đại kiếp trái đất.
|