|
2- Phước Thiện Giữ Giới (Sīlakusala)
Sīlakusala: Phước thiện giữ giới.
Định nghĩa Sīla:
Sīlayati kāyavacīkammāni sammādahatīti sīlaṃ. Trạng thái nào giữ gìn cho thân và khẩu trong thân thiện nghiệp và khẩu thiện nghiệp, trạng thái ấy gọi là giới.
Sīlacetanā: Tác ý giữ giới đó là tác ý tâm sở (cetanācetasika) đồng sinh với dục giới đại thiện tâm tạo thân thiện nghiệp (kāyakusalakamma) và khẩu thiện nghiệp (vacīkusalakamma), đồng thời ngăn được thân hành ác (kāyaduccarita) và khẩu nói ác (vacīduccarita) không cho phát sinh. Tác ý giữ giới (cetanāsīla) chỉ có phận sự giữ gìn thân và khẩu tránh xa thân hành ác (kāyaduccarita) và khẩu nói ác (vacīduccarita) mà thôi. Nếu giữ gìn tâm tránh xa ý hành ác (manoduccarita) thì chỉ có pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ mà thôi.
Định nghĩa khác:
Sīlayati kusaladhamme upadhāretīti sīlaṃ. Trạng thái nào có khả năng làm nền tảng cho các thiện pháp phát sinh như định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, trạng thái ấy gọi là giới.
Sīlacetanā: Tác ý giữ giới đó là tác ý tâm sở (cetanācetasika) đồng sinh với dục giới đại thiện tâm giữ gìn các điều giới của mình cho được trong sạch hoàn toàn làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ phát sinh, để cho mọi thiện pháp phát sinh như dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp, Siêu tam giới thiện pháp, hoặc để cho 8 dục giới đại thiện tâm, 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm, 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm phát sinh, làm nền tảng để cho 4 Thánh Đạo tâm, 4 Thánh Quả tâm và Niết Bàn phát sinh. Ví như mặt đất tốt làm nơi nương nhờ của các sinh vật, các thực vật, các loài chúng sinh lớn nhỏ phát sinh và tăng trưởng. Cũng như vậy, giới của mình trong sạch hoàn toàn làm nơi nương nhờ cho mọi thiện pháp phát sinh và tăng trưởng. Đức Phật dạy:
“Iti sīlaṃ iti samādhi iti paññā. Sīlaparibhāvito samādhi mahapphalo hoti, mahānisaṃso. Samādhi-paribhāvitā paññā mahapphalā hoti, mahānisaṃsā. Paññāparibhāvitaṃ cittaṃ sammadeva āsavehi vimuccati. Seyyathidaṃ kāmāsavā bhavāsavā avijjāsavā.([1])” (Giới có như vậy, thiền định có như vậy, trí tuệ có như vậy. Thiền định có giới trong sạch, có quả lớn, có kết quả lớn. Trí tuệ thiền tuệ có thiền định vững chắc, có quả lớn, có kết quả lớn. Thánh Đạo tâm có trí tuệ thiền tuệ chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, nên giải thoát mọi phiền não trầm luân: Đó là dục giới trầm luân, kiếp sắc giới, vô sắc giới trầm luân, vô minh trầm luân.)
Các thiện pháp: dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp thuộc tam giới, cho đến Siêu tam giới thiện pháp cũng đều nương nhờ nơi phước thiện giữ giới làm nền tảng, để phát sinh và tăng trưởng. Phước thiện giữ giới như thế nào?
Các Loại Giới
Trong Phật giáo có 4 loại giới:
1- Bhikkhusīla: Giới tỳ khưu. 2- Bhikkhunisīla: Giới tỳ khưu ni. 3- Sāmaṇerasīla: Giới Sa-di. 4- Gahaṭṭhasīla: Giới người tại gia.
Giải thích
1- Bhikkhusīla: Giới tỳ khưu mà Đức Phật chế định được ghi trong Bhikkhupātimokkhasīla gồm có 227 điều giới, và được ghi trong Tạng Luật (Vinayapiṭakapāḷi) gồm có 91.805.036.000 điều giới. 2- Bhikkhunisīla: Giới tỳ khưu ni mà Đức Phật chế định được ghi trong Bhikkhunīpātimokkhasīla gồm có 311 điều giới. 3- Sāmaṇerasīla: Giới Sa-di mà Đức Phật chế định gồm có 10 điều giới Sa-di, 10 điều giới hoại phạm hạnh Sa-di, 10 điều giới hành phạt Sa-di, 75 điều giới thực hành, 14 pháp hành của Sa-di. 4- Gahaṭṭhasīla: Giới người tại gia gồm có các giới: ngũ giới là thường giới, bát giới Ājīvaṭṭhamakasīla cũng xem như là thường giới, bát giới uposathasīla, cửu giới uposathasīla, thập giới. Trong 5 loại giới người tại gia này, 2 loại giới đầu thuộc về thường giới của người tại gia, còn 3 loại giới sau, nếu người tại gia thọ trì được thì có phước thiện giữ giới vô lượng, nếu không thọ trì thì không được phước thiện giữ giới.
Giải Thích 4 Loại Giới
1- Bhikkhusīla: Giới Tỳ Khưu
Bhikkhusīla: Giới tỳ khưu là giới mà tỳ khưu không phải thọ trì như giới của người tại gia, cận sự nam, cận sự nữ. Giới của tỳ khưu được hoàn toàn đầy đủ 227 điều giới đồng thời cùng một lúc khi trở thành tỳ khưu trong buổi lễ thọ tỳ khưu.
Trở Thành Tỳ Khưu
Để trở thành tỳ khưu, người nam giới tử cần phải hội đầy đủ 5 pháp sampatti là Vatthusampatti, Ñattisampatti, Anusāsanasampatti, Sīmāsampatti, Purisasampatti đúng theo Chú giải tạng Luật, bộ Cūḷavaggaṭṭhakathāpāḷi.
5 Pháp Trở Thành Tỳ Khưu
1- Vatthusampatti: Giới tử hợp pháp: Giới tử là người nam đủ 20 tuổi kể từ khi đầu thai, hoặc hơn 20 tuổi là người không có tật nguyền, cũng không thuộc vào 13 hạng người có lỗi cấm thọ tỳ khưu. Nếu Giới tử là người nam chưa đủ 20 tuổi, có tật nguyền, thuộc vào 1 trong 13 hạng người có lỗi cấm thọ tỳ khưu, thì gọi là Vatthuvippatti: Giới tử không hợp pháp. 2- Ñattisampatti: Tuyên ngôn đúng: Ngài Đại Đức luật sư là vị thông thạo văn phạm Pāḷi, rành rẽ về cách hành Tăng sự, tụng Ñatti (Tuyên ngôn) 1 lần từng nguyên âm, từng phụ âm đúng theo ṭhāna, karaṇa, payatana và đúng theo 10 byañjanabuddhi. Nếu Ngài Đại Đức luật sư không hiểu biết rõ văn phạm Pāḷi, tụng Ñatti (Tuyên ngôn) 1 lần không đúng từng nguyên âm, từng phụ âm, không đúng theo ṭhāna, karaṇa, payatana và không đúng theo 10 byañjanabuddhi thì gọi là Ñattivippatti: Tuyên ngôn không đúng. 3- Anussāsanasampatti: Thành sự ngôn đúng: Ngài Đại Đức luật sư là vị thông thạo văn phạm Pāḷi, rành rẽ về cách hành Tăng sự, tụng Kammavācā (Thành sự ngôn) 3 lần từng nguyên âm, từng phụ âm đúng theo ṭhāna, karaṇa, payatana và đúng theo 10 byañjanabuddhi. Nếu Ngài Đại Đức luật sư không hiểu biết rõ văn phạm Pāḷi, tụng Kammavācā (Thành sự ngôn) 3 lần không đúng từng nguyên âm, từng phụ âm, không đúng theo ṭhāna, karaṇa, payatana và không đúng theo 10 byañjanabuđhi, thì gọi là Anussāsanavippatti: Thành sự ngôn không đúng. 4- Sīmāsampatti: Ranh giới Sīmā đúng luật: Sīmā là ranh giới có diện tích không lớn quá 3 do tuần, cũng không nhỏ quá không đủ cho 21 vị tỳ khưu ngồi cách nhau hatthapāsa (2 cùi tay và 1 gang), để hành các Tăng sự, xung quanh chu vị ranh giới Sīmā có chôn dấu gọi là nimitta. Sīmā là một nơi riêng biệt để chư tỳ khưu Tăng từ 4-5 vị trở lên hội họp hành các loại Tăng sự tụng Ñatti Kammavācā. Lễ thọ Tỳ khưu, chư tỳ khưu Tăng hội họp hành Tăng sự tại Sīmā, Ngài Đại Đức luật sư tụng Ñatticatuttha-kammavācā, tụng 1 lần Ñatti và 3 lần Kammavācā, cho thành tựu lễ thọ tỳ khưu, để giới tử trở thành tỳ khưu. Sīmā có tầm quan trọng trong Phật giáo, bởi vì đó là nơi sinh ra tỳ khưu, cho nên, Sīmā đúng theo luật là một việc làm không dễ dàng. Nếu Sīmā ranh giới làm không đúng theo luật thì gọi là Sīmāvippatti: Ranh giới Sīmā không đúng theo luật. 5- Purisasampatti: Chư tỳ khưu Tăng hội đủ hành Tăng sự: Đức Phật cho phép làm lễ thọ tỳ khưu tại trung Ấn độ (majjhimapadesa) phải có ít nhất 10 vị tỳ khưu thật, hay nhiều hơn càng tốt. Ngoài trung Ấn độ ra, các tỉnh nơi biên địa, các nước khác, Đức Phật cho phép làm lễ thọ tỳ khưu phải có ít nhất 5 vị tỳ khưu thật, hay nhiều hơn càng tốt. Chư tỳ khưu Tăng đủ hội họp hành Tăng sự tại Sīmā, Ngài Đại Đức luật sư tụng Ñatticatutthakammavācā, tụng 1 lần Ñatti và tiếp theo tụng 3 lần Kammavācā, để thành tựu lễ thọ tỳ khưu, nam giới tử trở thành tỳ khưu. Nếu chư tỳ khưu Tăng không có đủ số lượng cần thiết, nghĩa là tại trung Ấn độ, không có đủ 10 vị tỳ khưu thật, hoặc tại các tỉnh biên địa, các nước khác không có đủ 5 vị tỳ khưu thật để hành Tăng sự làm lễ thọ tỳ khưu thì gọi là Purisavippatti: chư tỳ khưu Tăng hội không đủ hành Tăng sự. Trường hợp tuy có nhiều vị tỳ khưu hội họp tại Sīmā, nhưng trong số tỳ khưu ấy phần đông là tỳ khưu không thật chỉ có số ít chưa đủ 5 vị tỳ khưu thật, thì cũng gọi là Purisavippatti: Chư tỳ khưu Tăng hội không đủ hành Tăng sự.
Trở Thành Tỳ Khưu Thật
Nam giới tử nào trong cuộc lễ thọ tỳ khưu, nếu có đầy đủ 5 pháp là Vatthusampatti, Ñattisampatti, Anusāsanasampatti, Sīmāsampatti, Purisasampatti, khi Đại Đức luật sư tụng Ñatticatutthakammavācā xong, thì cuộc lễ thọ tỳ khưu ấy được thành tựu, nam giới tử ấy trở thành tỳ khưu thật, đồng thời ngay lúc ấy, tỳ khưu mới có đầy đủ 227 điều giới của tỳ khưu như các tỳ khưu khác, có 14 pháp hành của tỳ khưu. Tỳ khưu mới có thể sinh hoạt chung với các tỳ khưu khác như ăn uống, ngủ nghỉ, hành tăng sự chung với các tỳ khưu khác.
Không Trở Thành Tỳ Khưu Thật
Nam giới tử nào trong cuộc lễ thọ tỳ khưu, nếu có 1 trong 5 pháp vippatti là Vatthuvippatti, Ñattivippatti, Anusāsanavippatti, Sīmāvippatti, Purisavippatti, dù khi Đại Đức luật sư tụng Ñatticatutthakammavācā xong, cuộc lễ thọ tỳ khưu ấy vẫn không được thành tựu, nên giới tử ấy không trở thành tỳ khưu thật đúng theo tạng Luật, không có 227 điều giới của tỳ khưu như các tỳ khưu khác, không có 14 pháp hành của tỳ khưu. Nếu gọi là tỳ khưu thì chỉ là tên tỳ khưu mà thôi, (không phải tỳ khưu thật) bởi vì cuộc lễ thọ tỳ khưu không thành tựu.
2- Bhikkhunīsīla: Giới Tỳ Khưu Ni
Bhikkhunīsīla: Giới tỳ khưu ni là giới mà tỳ khưu ni không phải thọ trì như giới của người tại gia, cận sự nam, cận sự nữ. Giới của tỳ khưu ni được hoàn toàn đầy đủ 311 điều giới…. đồng thời cùng một lúc khi trở thành tỳ khưu ni trong buổi lễ thọ tỳ khưu ni.
Trở Thành Tỳ Khưu Ni
Để trở thành tỳ khưu ni, người nữ giới tử cần phải hội đầy đủ 5 pháp sampatti là Vatthusampatti, Ñattisampatti, Anusāsanasampatti, Sīmāsampatti, Purisasampatti đúng theo Chú giải tạng Luật, bộ Cūḷavaggaṭṭhakathāpāḷi cũng như người nam giới tử.
Cách Thọ Tỳ Khưu Ni
Trước khi làm lễ thọ tỳ khưu ni, nữ giới tử là Sikkhā-mānā đã thực hành giữ gìn 6 giới hoàn toàn trong sạch và đầy đủ suốt 2 năm (trong thời gian thực hành 6 giới ấy, nếu phạm giới nào thì phải bắt đầu trở lại). Khi giới tử Sikkhāmānā đủ 2 năm rồi, được phép thọ giới tỳ khưu ni gồm có 2 giai đoạn:
1- Giai đoạn thứ nhất: Chư tỳ khưu ni Tăng hội họp hành tăng sự tại nơi Sīmā, Đại Đức tỳ khưu ni luật sư tụng 1 lần Ñatti (Tuyên ngôn) và tiếp theo tụng 3 lần Kammavācā (Thành sự ngôn) gọi là Ñatticatuttha-kammavācā. 2- Giai đoạn thứ hai: Giới tử tỳ khưu ni ấy đến trình chư tỳ khưu Tăng hội họp hành tăng sự tại Sīmā, Ngài Đại Đức luật sư tụng 1 lần Ñatti (Tuyên ngôn) và tiếp theo 3 lần Kammavācā (Thành sự ngôn) gọi là Ñatticatutthakammavācā. Như vậy, nữ giới tử thọ tỳ khưu ni phải được hành tăng sự giữa chư Tăng 2 phái: Chư tỳ khưu ni Tăng trước và chư tỳ khưu Tăng sau, mỗi phái đều tụng Ñatticatutthakammavācā gồm đủ 8 lần, nên gọi là Aṭṭhavācīkūpasampadā. Sau khi chư tỳ khưu Tăng 2 phái tụng Ñatticatuttha- kammavācā xong, giới tử tỳ khưu ni ấy trở thành tỳ khưu ni, đồng thời ngay lúc ấy, tỳ khưu ni mới có đầy đủ 311 điều giới của tỳ khưu ni và các pháp hành như các tỳ khưu ni khác, v.v….
Tỳ khưu Dussīla Và Tỳ Khưu Alajjī
Tỳ khưu dussīla, tỳ khưu ni dussīla là tỳ khưu, tỳ khưu ni phá giới, tỳ khưu, tỳ khưu ni không có giới. Tỳ khưu alajjī, tỳ khưu ni alajjī là tỳ khưu, tỳ khưu ni không biết hổ thẹn khi phạm giới, không chịu làm cho giới của mình trong sạch trở lại.
Bhikkhusīla: Giới Tỳ Khưu
Giới của tỳ khưu gồm có 227 điều giới, chia ra làm 8 loại giới: 1- Giới Pārājika gồm có 4 điều giới, 2- Giới Saṃghādisesa gồm có 13 điều giới, 3- Giới Aniyata gồm có 2 điều giới, 4- Giới Nissaggiya gồm có 30 điều giới, 5- Giới Suddha pācittiya gồm có 92 điều giới, 6- Giới Pāṭidesanīya gồm có 4 điều giới, 7- Giới Sekhiya gồm có 75 điều giới. 8- Điều Adhikaraṇasamatha gồm có 7 điều.
Trong 8 loại giới này phân chia ra 7 loại āpatti:
1- Pārājika āpatti: Sự phạm giới Pārājika, 2- Saṃghādisesa āpatti: Sự phạm giới Saṃghādisesa, 3- Thullaccaya āpatti: Sự phạm giới Thullaccaya, 4- Pācittiya āpatti: Sự phạm giới Pācittiya, 5- Pāṭidesaniya āpatti: Sự phạm giới Pāṭidesaniya, 6- Dukkaṭa āpatti: Sự phạm giới Dukkaṭa, 7- Dubbhāsita āpatti: sự phạm giới Dubbhāsita.
Bhikkhunīsīla: Giới Tỳ Khưu ni
Giới của tỳ khưu ni gồm có 311 điều giới, chia làm 7 loại giới: 1- Giới Pārājika gồm có 8 điều giới, 2- Giới Saṃghādisesa gồm có 17 điều giới, 3- Giới Nissaggiya gồm có 30 điều giới, 4- Giới Suddha pācittiya gồm có 166 điều giới, 5- Giới Pāṭidesanīya gồm có 8 điều giới, 6- Giới Sekhiya gồm có 75 điều giới. 7- Điều Adhikaraṇasamatha gồm có 7 điều.
Trong 7 loại giới này phân chia có 7 loại āpatti: 1- Pārājika āpatti: sự phạm giới Pārājika, 2- Saṃghādisesa āpatti: sự phạm giới Saṃghādísesa, 3- Thullaccaya āpatti: sự phạm giới Thullaccaya, 4- Pācittiya āpatti: sự phạm giới Pācittiya, 5- Pāṭidesaniya āpatti: sự phạm giới Pāṭidesaniya, 6- Dukkaṭa āpatti: sự phạm giới Dukkaṭa, 7- Dubbhāsita āpatti: sự phạm giới Dubbhāsita.
Trong 7 loại āpatti này phân chia ra làm 2 loại:
1- Garuka āpatti: Phạm giới nặng gồm có 2 loại là Pārājika āpatti và Saṃghādisesa āpatti. Sở dĩ 2 loại giới này gọi là āpatti nặng là vì tỳ khưu, tỳ khưu ni phạm giới này không thể sám hối được. * Nếu tỳ khưu, tỳ khưu ni nào phạm điều giới Pārājika này thuộc āpatti nặng, thì tỳ khưu, tỳ khưu ni ấy đã bị mất hạnh tỳ khưu, tỳ khưu ni của mình rồi, phải hoàn tục trở thành người tại gia hoặc xuống trở thành Sa-di, Sa-di ni suốt đời, không được phép xuất gia trở thành tỳ khưu, tỳ khưu ni được nữa. * Nếu tỳ khưu, tỳ khưu ni nào đã phạm giới Pārājika ấy rồi mà không chịu hoàn tục trở thành người tại gia, thì gọi là tỳ khưu dussīla, tỳ khưu ni dussīla: tỳ khưu, tỳ khưu ni phá giới; tỳ khưu, tỳ khưu ni không có giới. * Nếu tỳ khưu, tỳ khưu ni nào phạm 1 trong 13 điều giới Saṃghādísesa thuộc āpatti nặng này, thì tỳ khưu, tỳ khưu ni ấy đã phạm giới Saṃghādisesa, tuy còn hạnh tỳ khưu, tỳ khưu ni nhưng là tỳ khưu, tỳ khưu ni phạm giới nặng. Nếu tỳ khưu ấy muốn thoát khỏi Saṃghādisesa āpatti này thì vị tỳ khưu ấy cần phải đến trình chư tỳ khưu Tăng, tỳ khưu ni ấy cần phải đến trình chư tỳ khưu ni Tăng và chư tỳ khưu Tăng về sự phạm giới nặng ấy, rồi xin chịu hành phạt theo điều luật của Đức Phật ban hành. - Xin thọ Parivāsakamma xong, tiếp theo - Xin thọ Mānattakamma xong, tiếp theo - Xin thọ Abbhānakamma.([1])
Chư tỳ khưu Tăng ít nhất 21 vị tỳ khưu thật hội tại Sīmā hành tăng sự, Ngài Đại Đức luật sư tụng Abbhāna Kammavācā xong, vị tỳ khưu, tỳ khưu ni ấy mới thoát ra khỏi Saṃghādisesa āpatti ấy, giới của vị tỳ khưu, tỳ khưu ni ấy trở lại trong sạch, quyền lợi tỳ khưu, tỳ khưu ni được hoàn lại như trước. * Nếu tỳ khưu, tỳ khưu ni phạm giới Saṃghādisesa ấy mà không xin chịu hành phạt theo điều luật của Đức Phật ban hành, thì gọi tỳ khưu, tỳ khưu ni ấy là tỳ khưu Alajjī, tỳ khưu ni Alajjī: tỳ khưu, tỳ khưu ni không biết hổ thẹn tội lỗi.
2- Lahuka āpatti: Āpatti nhẹ gồm có 5 loại āpatti còn lại là Thullaccaya āpatti, Pācittiya āpatti, Pāṭidesaniya āpatti, Dukkaṭa āpatti, Dubbhāsita āpatti. Sở dĩ 5 loại này gọi là āpatti nhẹ là vì tỳ khưu, tỳ khưu ni nào phạm āpatti nhẹ này, có thể sám hối được, để cho giới của mình trong sạch trở lại. Nếu tỳ khưu, tỳ khưu ni nào phạm āpatti nhẹ nào, và 14 pháp hành nào của tỳ khưu, của tỳ khưu ni, thì vị tỳ khưu, tỳ khưu ni ấy phải đến gặp một vị tỳ khưu, tỳ khưu ni khác không phạm āpatti nhẹ giống như mình, xin làm lễ sám hối āpatti ấy với vị tỳ khưu, tỳ khưu ni ấy, đúng theo luật của Đức Phật đã chế định. Sau khi làm lễ sám hối, giới của vị tỳ khưu, giới của tỳ khưu ni ấy trong sạch trở lại. * Nếu tỳ khưu, tỳ khưu ni nào đã có tác ý phạm āpatti nhẹ nào và 14 pháp hành của tỳ khưu, của tỳ khưu ni mà không chịu làm lễ sám hối āpatti nhẹ ấy với một vị tỳ khưu, tỳ khưu ni khác, thì gọi tỳ khưu, tỳ khưu ni ấy là tỳ khưu ālajjī, tỳ khưu ni ālajjī: tỳ khưu, tỳ khưu ni không biết hổ thẹn mình phạm giới.
3- Sāmaṇerasīla: Giới Sa-di.
Sāmaṇerasīla: Giới Sa-di là giới mà vị Sa-di không phải thọ trì như giới của người tại gia, cận sự nam, cận sự nữ. Giới của Sa-di Giới được hoàn toàn đầy đủ 10 điều giới Sa-di, 10 Pháp hoại Sa-di, 10 Pháp hành phạt Sa-di, 75 điều giới thực hành của Sa-di, 14 pháp hành của Sa-di đồng thời cùng một lúc khi trở thành Sa-di trong buổi lễ thọ Tam Quy.
Nghi Thức Trở Thành Sa-di
Người cận sự nam dưới 20 tuổi có nguyện vọng muốn xuất gia trở thành Sa-di trong Phật giáo. Người cận sự nam ấy phải được cha mẹ hoặc người thân nhân cho phép, rồi đến đảnh lễ Ngài Đại Đức Thầy tế độ xin phép xuất gia trở thành Sa-di. Sau khi được Ngài Đại Đức Thầy tế độ cho phép, người nam giới tử ấy thực hành theo tuần tự: 1- Kesacchedana: Vị Tỳ khưu cạo tóc cho giới tử. 2- Kāsāyacchādana: Ngài Đại Đức Thầy tế độ cho y cà sa đến giới tử mặc. 3- Saraṇadāna: Ngài Đại Đức Thầy tế độ cho giới tử thọ Tam quy.
Giới Tử Thọ Tam Quy
Ngài Đại Đức Thầy tế độ là vị thông thạo văn phạm Pāḷi đọc từng nguyên âm, từng phụ âm, từng chữ đúng theo ṭhāna, karaṇa, payatana và đúng theo 10 byañjana buddhi, hướng dẫn giới tử thọ phép quy y Tam Bảo:
Lễ Bái Đức Phật
Namo tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. (3 lần) Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Đức A-ra-hán, Đức Phật Chánh Đẳng Giác. (3 lần).
Hướng Dẫn Tam Quy
Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi, Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi, Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi, Dutiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi, Dutiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi, Tatiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi, Tatiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tisaraṇagamanaṃ paripuṇṇaṃ.
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật, Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp, Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng.
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật, lần thứ nhì, Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp, lần thứ nhì, Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng. lần thứ nhì.
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật, lần thứ ba, Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp, lần thứ ba, Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng. lần thứ ba.
Phép quy y Tam Bảo đầy đủ chỉ có bấy nhiêu.
Buổi lễ thọ phép quy y Tam Bảo để trở thành Sa-di với điều kiện Ngài Đại Đức Thầy tế độ hướng dẫn giới tử thọ phép quy y Tam Bảo, đọc từng nguyên âm, từng phụ âm, từng chữ, từng câu đúng theo ṭhāna, karaṇa, payatana và đúng theo 10 byañjanabuddhi và giới tử cũng đọc theo từng nguyên âm, từng phụ âm, từng chữ, từng câu đúng theo ṭhāna, karaṇa, payatana và đúng theo 10 byañjanabuddhi, gọi là “Ubhato suddhi.” Cả hai bên đều đúng, giới tử thọ quy y Tam Bảo đến lần thứ 3 xong. Ngay khi ấy, giới tử trở thành Sa-di thật, đồng thời có 10 điều giới của Sa-di, 10 Pháp hoại hạnh Sa-di, 10 Pháp hành phạt Sa-di, 75 điều giới thực hành của Sa-di, 14 pháp hành của Sa-di.
Không Trở Thành Sa-Di
Trong buổi lễ thọ Sa-di không thành tựu do 3 trường hơp 1- Trường hợp thứ nhất: Ngài Đại Đức Thầy tế độ hướng dẫn đọc phép quy y Tam Bảo đúng theo văn phạm Pāḷi, nhưng giới tử đọc theo phép quy y Tam Bảo không đúng theo văn phạm Pāḷi. 2- Trường hợp thứ nhì: Ngài Đại Đức Thầy tế độ hướng dẫn đọc phép quy y Tam Bảo không đúng theo văn phạm Pāḷi, nhưng giới tử đọc theo phép quy y Tam Bảo đúng theo văn phạm Pāḷi. 3- Trường hợp thứ ba: Ngài Đại Đức Thầy tế độ hướng đọc phép quy y Tam Bảo không đúng theo văn phạm Pāḷi, và giới tử đọc theo phép quy y Tam Bảo cũng không đúng theo văn phạm Pāḷi, nghĩa là không đúng từng nguyên âm, từng phụ âm, từng chữ, từng câu theo ṭhāna, karaṇa, payatana và không đúng theo 10 byañjanabuddhi. Nếu có 1 trong 3 trường hợp này thì buổi lễ thọ Sa-di không được thành tựu, giới tử ấy không trở thành vị Sa-di trong Phật giáo. ([2])
Sa-di Dussīla Và Sa-di Alajjī
Sau khi thọ phép quy y Tam Bảo 3 lần “Ubhato suddhi” cả hai bên đều đúng theo văn phạm Pāḷi, đúng từng nguyên âm, từng phụ âm, từng chữ, từng câu theo ṭhāna, karaṇa, payatana đúng theo 10 byañjanabuddhi xong, giới tử trở thành Sa-di thật, đồng thời ngay khi ấy, Sa-di có đầy đủ 10 điều giới của Sa-di, 10 Pháp hoại hạnh Sa-di, 10 Pháp hành phạt Sa-di, 75 điều giới thực hành của Sa-di, 14 pháp hành của Sa-di.
10 Điều Giới Của Sa-Di
1- Pāṇātipātā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. 2- Adinnādānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. 3- Abrahmacariyā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi 4- Musāvādā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. 5- Surā meraya majjappamādaṭṭhānā veramaṇisikkhā- padaṃ samādiyāmi. 6- Vikālabhojanā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. 7- Nacca gīta vādita visūka dassanā veramaṇisikkhā- padaṃ samādiyāmi. 8- Mālā gandha vilepana dhāraṇa maṇḍana vibhūsanat-ṭhānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. 9- Uccāsayana mahāsayanā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. 10- Jātarūpa rajata paṭiggahanā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Nghĩa
1- Con xin thọ trì điều giới có tác ý tránh xa sự sát sinh. 2 - Con xin thọ trì điều giới có tác ý tránh xa sự trộm cắp. 3- Con xin thọ trì điều giới có tác ý tránh xa sự hành dâm. 4- Con xin thọ trì điều giới có tác ý tránh xa sự nói dối. 5- Con xin thọ trì điều giới có tác ý tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi. 6- Con xin thọ trì điều giới có tác ý tránh xa sự thọ thực phi thời (quá 12 giờ trưa). 7- Con xin thọ trì điều giới có tác ý tránh xa sự xem múa hát, thổi kèn, đánh đàn, làm chướng ngại cho việc hành hạnh cao thượng. 8- Con xin thọ trì điều giới có tác ý tránh xa sự trang điểm thoa vật thơm, dồi phấn, đeo tràng hoa, làm cho phát sinh mọi phiền não. 9- Con xin thọ trì điều giới có tác ý tránh xa chỗ nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp. 10- Con xin thọ trì điều giới có tác ý tránh xa sự thọ nhận vàng bạc (tiền bạc).
10 Pháp Hoại Của Sa-di
10 Pháp hoại hạnh của Sa-di là:
1- Sa-di có tác ý sát hại chúng sinh dù nhỏ dù lớn. 2- Sa-di có tác ý trộm cắp của cải người khác. 3- Sa-di có tác ý hành dâm người hoặc súc vật. 4- Sa-di có tác ý nói dối, không đúng sự thật. 5- Sa-di có tác ý uống rượu, các chất say. 6- Sa-di có tác ý nói xấu, chê trách Đức Phật. 7- Sa-di có tác ý nói xấu, chê trách Đức Pháp. 8- Sa-di có tác ý nói xấu, chê trách Đức Tăng. 9- Sa-di có tà kiến thấy sai chấp lầm trầm trọng. 10- Sa-di có tác ý hãm hại tỳ khưu ni.
Nếu vị Sa-di nào phạm 1 trong 10 pháp hoại này thì vị Sa-di ấy bị hoại hạnh Sa-di, không còn là Sa-di nữa.
10 Pháp Hành Phạt Sa-Di
10 Pháp hành phạt Sa-di là:
1- Sa-di có tác ý thọ thực phi thời (quá 12 giờ trưa). 2- Sa-di có tác ý xem múa hát, thổi kèn, đánh đàn, làm chướng ngại cho việc thực hành hạnh cao thượng. 3- Sa-di có tác ý trang điểm thoa vật thơm, dồi phấn, đeo tràng hoa làm phát sinh mọi phiền não. 4- Sa-di có tác ý nằm ngồi chỗ quá cao và xinh đẹp. 5- Sa-di có tác ý thọ nhận vàng bạc (tiền bạc). 6- Sa-di có tác ý làm mất lợi lộc đến các tỳ khưu. 7- Sa-di có tác ý làm mất ích lợi đến các tỳ khưu. 8- Sa-di có tác ý làm mất chỗ ở đến các tỳ khưu. 9- Sa-di có tác ý mắng nhiếc, hăm dọa các tỳ khưu. 10- Sa-di có tác ý nói lời chia rẽ các tỳ khưu.
Nếu vị Sa-di nào phạm 1 trong 10 pháp hành phạt này thì vị Sa-di ấy phải bị hành phạt. Sự hành phạt chỉ là sự răn dạy để cho vị Sa-di ấy trở nên Sa-di tốt đáng mến mà thôi. Ví dụ như quét dọn, làm sạch sẽ chỗ ở, lấy nước dùng, nước uống cho chư tỳ khưu Tăng, v.v…
Sa-di Dussīla
Nếu vị Sa-di nào đã phạm 1 trong 10 pháp hoại của Sa-di thì vị Sa-di ấy phải hoàn tục trở thành người cận sự nam, hoặc muốn tiếp tục duy trì hạnh Sa-di, vị Sa-di ấy đến hầu đảnh lễ Ngài Đại Đức Thầy tế độ hoặc Ngài Đại Đức Trưởng Lão xin thọ phép quy y Tam Bảo lại. Sau khi thọ phép quy y Tam Bảo xong, vị Sa-di ấy trở thành Sa-di trở lại như trước. *Nếu vị Sa-di nào đã phạm 1 trong 10 pháp hoại của Sa-di mà vị Sa-di ấy không chịu hoàn tục trở thành người cận sự nam, cũng không chịu xin thọ phép quy y Tam Bảo lại, thì vị Sa-di ấy gọi là vị Sa-di dussīla: Sa-di phá giới, Sa-di không có giới.
Sa-di Alajjī
Nếu vị Sa-di nào đã phạm 1 trong 10 pháp hành phạt Sa-di, và 75 điều giới thực hành của Sa-di, 14 pháp hành của Sa-di, thì vị Sa-di ấy phải đến hầu đảnh lễ Ngài Đại Đức Thầy tế độ hoặc Ngài Đại Đức Trưởng Lão xin chịu để cho Ngài hành phạt. Sau khi đã chịu hành phạt rồi, vị Sa-di ấy có giới trở nên trong sạch. *Nếu vị Sa-di nào đã phạm 1 trong 10 pháp hành phạt của Sa-di, và 75 điều giới thực hành của Sa-di, 14 pháp hành của Sa-di, mà vị Sa-di ấy không chịu hành phạt, thì vị Sa-di ấy gọi là vị Sa-di Alajjī: Sa-di không biết hổ thẹn phạm giới.
4- Gahaṭṭhasīla: Giới Người Tại Gia.
Bậc xuất gia là tỳ khưu, tỳ khưu ni, Sa-di, mỗi bậc đều có giới của mình cần phải giữ gìn cho được trong sạch và đầy đủ suốt cuộc đời của bậc xuất gia. Người tại gia có ngũ giới là thường giới đối với tất cả mọi người tại gia không phân biệt đàn ông, đàn bà, già trẻ, trai gái, dân tộc, tôn giáo nào cả. Tất cả mọi người đều phải có bổn phận giữ gìn ngũ giới của mình cho được trong sạch và đầy đủ trọn vẹn, bất luận có thọ trì ngũ giới hoặc không thọ trì ngũ giới, bởi vì ngũ giới là thường giới (niccasīla) của tất cả mọi người. * Nếu người nào giữ gìn ngũ giới của mình trong sạch và trọn vẹn thì người ấy được nhiều phước thiện giữ giới, đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự sự an lạc lâu dài trong kiếp hiện tại và vô số kiếp vị lai. * Nếu người nào phạm một hoặc nhiều điều giới trong ngũ giới thì người ấy đã tạo ác nghiệp, đem lại sự bất lợi, sự thoái hoá, sự khổ thân, khổ tâm lâu dài trong kiếp hiện tại và vô số kiếp vị lai. Đức Phật dạy 5 quả báu đối với người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn được tóm lược như sau:
1- Người có giới là người có được nhiều của cải lớn, do nhờ nhân không dể duôi. 2- Người có giới là người có được danh thơm tiếng tốt được lan truyền khắp mọi nơi. 3- Người có giới là người có tâm dũng cảm, không rụt rè, e thẹn đi vào các hội chúng như hội các hoàng gia, hội các gia chủ, hội Sa-môn, hội Bà-la-môn, v.v… 4- Người có giới là người không có tâm mê muội, tâm trí sáng suốt lúc lâm chung. 5- Người có giới sau khi chết, thiện nghiệp giữ gìn giới cho quả tái sinh trong cõi thiện giới: cõi người hoặc cõi trời dục giới.
Và Đức Phật dạy 5 điều tai hại đối với người phá giới, người không có giới được tóm lược như sau: 1. Người phá giới là người làm tiêu tan của cải lớn, do nhân để duôi 2. Người phá giới là người có tiếng xấu lan truyền khắp mọi nơi 3. Người phá giới là người có tâm sợ sệt, rụt rè khi đi vào các hội chúng
Giới Ājīvaṭṭhamakasīla Giới Ājīvaṭṭhamakasīla có 8 điều giới: 1- Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự sát sinh, 2- Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự trộm cắp, 3- Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự tà dâm, 4- Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự nói dối, 5- Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự nói lời chia rẽ, 6- Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa nói lời thô tục, 7- Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa nói lời vô ích, 8- Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa cách sống tà mạng,
Xét thấy bát giới Ājīvaṭṭhamakasīla này, nếu người nào giữ gìn bát giới này được trong sạch và trọn vẹn thì chắc chắn được phước thiện giữ giới vô lượng, chắc chắn có quả báu của bát giới này cũng vô lượng trong kiếp hiện tại và vô số kiếp vị lai. Nếu người nào đã phạm giới nào trong bát giới Ājīvaṭṭhamakasīla này thì chắc chắn sẽ có những điều tai hại trong kiếp hiện tại và vô số kiếp vị lai. Cho nên, giới Ājīvaṭṭhamakasīla cũng xem như là thường giới của người tại gia.
Người tại gia Dussīla và Alajjī
Người tại gia có ngũ giới là thường giới và bát giới Ājīvaṭṭhamakasīla cũng xem như thường giới của tất cả mọi người không phân biệt đàn ông, đàn bà, già trẻ, trai gái, tôn giáo, dân tộc, v.v…bất luận có thọ trì ngũ giới, bát giới Ājīvaṭṭhamakasīla, hoặc không thọ trì ngũ giới, bát giới Ājīvaṭṭhamakasīla, hễ giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn thì có được phước thiện giữ giới vô lượng, có những quả báu vô lượng. Hễ phá giới nào thì có những điều tai hại. Bởi vì, 2 loại giới này có tính chất lợi và hại, quả báu và tai hại hầu như tương tự nhau. * Nếu người tại gia nào giữ gìn ngũ giới và bát giới Ājīvaṭṭhamakasīla được trong sạch và trọn vẹn thì người tại gia ấy là người có giới chắc chắn được phước thiện giữ giới vô lượng, chắc chắn có được quả báu vô lượng trong kiếp hiện tại và vô số kiếp vị lai. * Nếu người tại gia nào phạm giới nào trong ngũ giới thì người tại gia ấy đã tạo ác nghiệp, gọi là người tại gia Dussīla: người tại gia phá giới, người tại gia không có giới, rồi chắc chắn sẽ có quả khổ của ác nghiệp ấy trong kiếp hiện tại và vô số kiếp vị lai. * Nếu người tại gia nào phạm giới nói lời chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích trong bát giới Ājīvaṭṭhamaka-sīla, và là người có ý nghĩ tham lam của cải của người khác, có tính hay thù hận, là người không làm tròn bổn phận của mình đối với những người trong gia đình, trong xã hội, trong đất nước của mình.
Như vậy, người tại gia ấy gọi là người tại gia Alajjī: người tại gia không biết hổ thẹn tội lỗi.
Cách Thọ Trì Giới Của Người Tại Gia
1- Cách Thọ Trì Ngũ Giới
Đối với người tại gia, cách thọ trì ngũ giới có 2 cách:
1- Cách thọ trì ngũ giới chung 5 giới. 2- Cách thọ trì ngũ giới riêng mỗi giới.
1- Cách Thọ Trì Ngũ Giới Chung 5 Giới.
Người tại gia thọ trì ngũ giới chung 5 giới một lần rằng:
“Pañcasikkhāpadaṃ samādiyāmi.” Con xin thọ trì ngũ điều giới. Hoặc
“Pañcasīlaṃ samādiyāmi.” Con xin thọ trì ngũ giới. Hoặc
“Pañcaṅgasamannāgataṃ sīlaṃ samādiyāmi.” Con xin thọ trì ngũ giới có 5 điều.
2- Cách Thọ Trì Ngũ Giới Riêng Mỗi Giới.
Người tại gia thọ trì ngũ giới riêng từng mỗi giới rằng:
1- Pāṇātipātā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi, 2- Adinnādānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi, 3- Kāmesumicchācārā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. 4- Musāvādā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi, 5- Surā meraya majjap pamādaṭṭhānā veramaṇisikkhā- padaṃ samādiyāmi.
Nghĩa
1- Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự sát sinh, 2- Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự trộm cắp, 3- Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự tà dâm, 4- Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự nói dối, 5- Con xin thọ trì điều giới có tác ý tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi.
2- Cách Thọ Trì Bát Giới Uposathasīla
1- Cách thọ trì bát giới uposathasīla chung 8 giới. 2- Cách thọ trì bát giới uposathasīla riêng mỗi giới.
1- Cách Thọ Trì Bát Giới Uposathasīla Chung 8 Giới.
Người tại gia thọ trì bát giới uposathasīla cùng chung 8 giới một lần rằng:
“Aṭṭhaṅgasamannāgataṃ uposathasīlaṃ samādiyāmi.” Con xin thọ trì bát giới uposathasīla có 8 điều giới.
2- Cách Thọ Trì Bát Giới Uposathasīla Riêng Mỗi Giới
Người tại gia thọ trì bát giới uposathasīla riêng từng mỗi giới rằng:
1- Pāṇātipātā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi, 2- Adinnādānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi, 3- Abrahmacariyā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi, 4- Musāvādā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi, 5- Surā meraya majjap pamādaṭṭhānā veramaṇisikkhā- padaṃ samādiyāmi, 6- Vikālabhojanā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi, 7- Nacca gīta vādita visūkadassana mālāgandha vilepana dhāraṇa maṇḍana vibhūsanaṭṭhānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi, 8- Uccāsayana mahāsayanā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Nghĩa
1- Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự sát sinh, 2 - Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự trộm cắp, 3- Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự hành dâm, 4- Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự nói dối, 5- Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi, 6- Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự thọ thực phi thời (quá 12 giờ trưa), 7- Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự xem múa hát, thổi kèn, đánh đàn, trang điểm, thoa vật thơm, dồi phấn, đeo tràng hoa làm chướng ngại cho việc hành hạnh cao thượng, 8- Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự chỗ nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp.
Thọ Trì Giới Chung - Thọ Trì Giới Riêng
Thọ trì ngũ giới chung 5 giới cùng một lần và thọ trì ngũ giới riêng từng mỗi giới có sự khác nhau như sau: * Người tại gia nào thọ trì ngũ giới chung 5 giới cùng một lần, nếu có giới nào bị đứt thì các giới còn lại cũng xem như bị đứt cùng một lúc, bởi vì tác ý thọ trì ngũ giới chung, Người tại gia ấy cần phải thọ trì ngũ giới lại. * Người tại gia nào thọ trì ngũ giới riêng từng mỗi giới, nếu có giới nào bị đứt thì các giới còn lại vẫn không bị đứt, bởi vì tác ý thọ trì mỗi giới riêng biệt, nên người tại gia chỉ cần thọ trì lại giới bị đứt ấy mà thôi.
Thường Giới (Niccasīla)
Ngũ giới là thường giới chung cho tất cả mọi người trong đời không ngoại trừ một ai cả. Cho nên, dù có thọ trì ngũ giới hoặc không thọ trì ngũ giới, người tại gia nào giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn thì người tại gia ấy có phước thiện giữ giới, hễ phạm giới nào cũng đều tạo ác nghiệp do phạm giới ấy. Bát giới Ājīvaṭṭhamakasīla cũng xem là thường giới như ngũ giới, bởi vì 2 giới này có tính chất hầu như tương tự nhau.
Vấn: Nếu người thọ trì ngũ giới và người không thọ trì ngũ giới đều cùng phạm 1 giới thì ác nghiệp như thế nào? Đáp: Nếu người có thọ trì ngũ giới và người không thọ trì ngũ giới đều cùng phạm 1 giới thì người có thọ trì ngũ giới tạo ác nghiệp nhẹ hơn người không thọ trì ngũ giới. Bởi vì, người có thọ trì ngũ giới gặp trường hợp bất đắc dĩ nào đó phải phạm giới ấy, sau khi đã lỡ phạm rồi, người ấy biết hổ thẹn tội lỗi, nên xin thọ trì giới ấy lại, trở thành người có giới. Còn người không thọ trì ngũ giới, dù sau khi phạm giới rồi vẫn không biết hổ thẹn tội lỗi, không biết phục thiện, nên người không thọ trì ngũ giới ấy lại. Vì vậy, người không thọ trì ngũ giới tạo ác nghiệp nặng hơn người có thọ trì ngũ giới. Trong bộ Milindapañhā có ví dụ: Một thỏi sắt nóng, một người biết thỏi sắt nóng, bắt buộc phải tiếp xúc với thỏi sắt nóng, người ấy biết thận trọng đưa tay chạm vào thỏi sắt nóng nên chỉ bị cháy phỏng nhẹ mà thôi. Còn một người không biết thỏi sắt nóng mà nắm trọn thỏi sắt nóng trong tay nên bị cháy phỏng nặng. Cũng như vậy, người có thọ trì ngũ giới mà bất đắc dĩ phải phạm giới thì tạo ác nghiệp nhẹ hơn người không thọ trì ngũ giới, còn người không thọ trì ngũ giới mà phạm giới thì tạo ác nghiệp nặng hơn nhiều.
Bát giới uposathasīla không phải là thường giới của tất cả mọi người tại gia, do đó, nếu người tại gia nào có khả năng thọ trì bát giới uposathasīla được thì người tại gia ấy có phước thiện giữ giới đặc biệt hơn phước thiện giữ ngũ giới, có quả báu đặc biệt hơn phước thiện giữ ngũ giới, nếu người tại gia không thọ trì bát giới uposathasīla này thì không được phước thiện giữ giới đặc biệt ấy. Người tại gia thựờng thọ trì bát giới uposathasīla vào những ngày giới hằng tháng. * Mỗi tháng có 4 ngày giới vào ngày mồng 8, ngày rằm (15), ngày 23 và ngày 30 (tháng thiếu ngày 29), * Mỗi tháng có 8 ngày giới vào ngày 5, 8, 14, 15, 20, 23, 29, 30 (tháng thiếu ngày 28, 29), v.v…. Mỗi ngày giới uposathasīla được bắt đầu từ rạng đông ngày giới ấy cho đến cuối canh chót đêm ấy, gọi là “một ngày nay và một đêm nay.”
Nghi Thức Thọ Phép Quy Y Tam Bảo Và Ngũ Giới
Để cho tâm của mình được trong sạch, trước khi thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới, cận sự nam, cận sự nữ thành kính đảnh lễ Tam Bảo xong, nên đọc 3 bài kệ sám hối Tam Bảo. ([1])
Bài Kệ Sám Hối Với Đức Phật Bảo
Uttamaṅgena vande’haṃ, Padapaṃsuṃ varuttamaṃ. Buddhe yo khalito doso, Buddho khamatu taṃ mamaṃ.
Nghĩa
Con hết lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ, Bụi trần dưới bàn chân cao thượng Đức Phật, Lỗi lầm nào con đã phạm đến Phật Bảo, Cúi xin Phật Bảo xá tội ấy cho con.
Bài Kệ Sám Hối Với Đức Pháp Bảo
Uttamaṅgena vande’haṃ, Dhammañca duvidhaṃ varaṃ. Dhamme yo khalito doso, Dhammo khamatu taṃ mamaṃ.
Nghĩa
Con hết lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ, Hai hạng Pháp Bảo: pháp học và pháp hành, Lỗi lầm nào con đã phạm đến Pháp Bảo, Cúi xin Pháp Bảo xá tội ấy cho con.
Bài Kệ Sám Hối Với Đức Tăng Bảo
Uttamaṅgena vande’haṃ, Saṃghañca duvidhuttamaṃ. Saṃghe yo khalito doso, Saṃgho khamatu taṃ mamaṃ.
Nghĩa
Con hết lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ, Hai bậc Tăng: Thánh Tăng và phàm Tăng, Lỗi lầm nào con đã phạm đến Tăng Bảo, Cúi xin Tăng Bảo xá tội ấy cho con. |