• Nền Tảng Phật Giáo - Quyển V

    PHƯỚC THIỆN

  • Soạn giả: Hộ Pháp

 

 

10- Phước Thiện Chánh Kiến (Diṭṭhijukamma)

 

Định nghĩa Diṭṭhijukamma

 

“Diṭṭhiyā ujukaraṇaṃ: diṭṭhijukammaṃ.”

(Sự hiểu biết chính trực bằng chánh kiến gọi là diṭṭhijukamma)

Diṭṭhijukammakusala đó là kammassakatāsammā-diṭṭhi: chánh kiến thấy đúng, biết đúng, tin tưởng mỗi chúng sinh đều có nghiệp là của riêng mình cùng tác ý đồng sinh với 4 đại thiện tâm hợp và trí tuệ, nên gọi là phước thiện chánh kiến .

 

Nghiệp (kamma) gồm có tất cả thiện nghiệp (kusala-kamma)bất thiện nghiệp (akusalakamma) hoặc ác nghiệp của mỗi chúng sinh đã tích lũy từ vô thủy trải qua vô số kiếp trong quá khứ cho đến kiếp hiện tại hiện hữu của chúng sinh ấy. Tất cả các thiện nghiệp, ác nghiệp ấy chỉ thuộc về của riêng chúng sinh ấy mà thôi, bởi vì tất cả nghiệp ấy luôn luôn ở trong tâm của chúng sinh ấy, từ kiếp này sang kiếp khác.

Mỗi chúng sinh sau khi chết, nếu nghiệp nào có cơ hội thì nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau:

* Nếu ác nghiệp của chúng sinh ấy có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau thì sinh 1 trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), thuộc loại chúng sinh nào hoàn toàn tùy theo ác nghiệp của chúng sinh ấy.

 * Nếu thiện nghiệp của chúng sinh ấy có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau thì sinh 1 trong các cõi thiện giới (cõi người, 6 cõi trời dục giới, 16 cõi trời sắc giới, 4 cõi trời vô sắc giới ) thuộc loại chúng sinh nào hoàn toàn tùy theo thiện nghiệp của chúng sinh ấy.

 

Kiếp hiện tại hiện hữu của mỗi chúng sinh trong cõi nào, chúng sinh ấy chịu ảnh hưởng nghiệp và quả của nghiệp của mình tùy thuộc vào cõi ấy.

*Trong 4 cõi ác giới, ác nghiệp thường có cơ hội cho quả khổ.

*Trong cõi người, thiện nghiệp và ác nghiệp đều có cơ hội cho quả an lạc và quả khổ.

*Trong các cõi trời dục giới, cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới chỉ có thiện nghiệp có cơ hội cho quả mà thôi, còn ác nghiệp không có cơ hội cho quả.

Cho nên, kiếp tử sinh luân hồi của mỗi chúng sinh có phần thân của mỗi kiếp thay đổi theo quả của nghiệp, còn phần tâm sinh rồi diệt tiếp diễn qua các lộ trình tâm từ kiếp này sang kiếp khác, từ vô thủy đến vô chung, nếu chúng sinh ấy vẫn còn tham ái, phiền não.

Chúng sinh nào còn có tham ái sau khi chết, nếu nghiệp nào có cơ hội thì nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau, thuộc loài chúng sinh nào, trong cõi nào hoàn toàn tùy thuộc vào quả của nghiệp của chúng sinh ấy, và cứ như vậy tiếp tục trong cảnh tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Ngoài tất cả các thiện nghiệp, ác nghiệp của riêng chúng sinh ấy ra, còn lại các người thân như cha mẹ, anh em, ông bà, vợ chồng, con cái, thân quyến, bạn hữu, v.v…. và các thứ của cải khác như châu báu, vàng ngọc, tiền bạc, nhà cửa, đất đai, ruộng vườn, v.v…. không phải là của riêng chúng sinh ấy thật sự, bởi vì những người và của cải ấy không thể luôn luôn theo chúng sinh ấy tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài được.

Thật ra, những thứ ấy thuộc về của chung, không phải thuộc về của riêng một ai cả. Nếu người nào có phước thì người ấy có quyền tạm thời sở hữu thứ của ấy.   

 

Diṭṭhijukamma = Diṭṭhi +ujukamma,

 

Diṭṭhi: có nghĩa chánh kiến (sammādiṭṭhi),

Ujukamma: có nghĩa sự hiểu biết chính trực

Diṭṭhijukamma: Sự hiểu biết chính trực bằng chánh kiến đó là kammassakatāsammādiṭṭhi, chánh kiến thấy đúng, tin nghiệp và quả của nghiệp của mình.  

 

Trí tuệ làm nhân duyên phát sinh kammassakatā-sammādiṭṭhi có 3 loại:

1- Sutamayapaññā: Trí tuệ phát sinh do nghe chánh pháp, học hỏi chánh pháp, đọc sách chánh pháp là nhân duyên phát sinh kammassakatāsammādiṭṭhi.

2- Cintāmayapaññā: Tiếp theo trí tuệ phát sinh do nghe chánh pháp làm nền tảng, để có trí tuệ phát sinh do suy xét đúng đắn, tư duy sâu sắc về sự hiện hữu của mỗi chúng sinh khác nhau trong đời đều do quả của nghiệp của mỗi chúng sinh, làm nhân duyên phát sinh kammassakatāsammādiṭṭhi.

3- Bhāvanāmayapaññā: Tiếp theo 2 trí tuệ trên làm nền tảng, để có trí tuệ thiền tuệ phát sinh do hành giả thực hành pháp hành thiền tuệ, trí tuệ thiền tuệ phát sinh làm nhân duyên phát sinh kammassakatā-sammādiṭṭhi.

Như vậy, 3 loại trí tuệ này làm nhân phát sinh kammassakatāsammādiṭṭhi: chánh kiến thấy đúng, biết đúng, tin tưởng mỗi chúng sinh đều có nghiệp là của riêng mình, nên có 10 điều chánh kiến gọi là “sammādiṭṭhika dasavatthu” để trở thành diṭṭhiju-kammakusala: phước thiện chánh kiến. 

 

Sammādiṭṭhika dassavatthu: 10 điều chánh kiến:

1- Atthi dinnaṃ: Chánh kiến thấy đúng rằng: Phước thiện bố thí sẽ có quả tốt, an lạc.

2- Atthi yiṭṭhaṃ: Chánh kiến thấy đúng rằng: Phước thiện cúng dường sẽ có quả tốt, an lạc.

3- Atthi hutaṃ: Chánh kiến thấy đúng rằng: Phước thiện cúng dường, đón rước, sẽ có quả tốt, an lạc. 

4- Atthi sukatadukkatānaṃ kammānaṃ phalaṃ vipākaṃ: Chánh kiến thấy đúng rằng: Đã tạo thiện nghiệp, ác nghiệp, rồi có quả an lạc của thiện nghiệp, có quả khổ của ác nghiệp.

5- Atthi ayaṃ loko: Chánh kiến thấy đúng rằng: Có cõi thế giới  này, nghĩa là có chúng sinh tái sinh đến cõi đời này.

6- Atthi paro loko: Chánh kiến thấy đúng rằng: Có cõi thế giới khác, nghĩa là chúng sinh sau khi chết, nghiệp của họ cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi khác.

7- Atthi mātā: Chánh kiến thấy đúng rằng: Đối xử tốt, đối xử xấu với mẹ sẽ có quả tốt, quả xấu,

8- Atthi pitā: Chánh kiến thấy đúng rằng: Đối xử tốt, đối xử xấu với cha sẽ có quả tốt, quả xấu,

9- Atthi sattā opapātikā: Chánh kiến thấy đúng rằng:

Có các loài chúng sinh hóa sinh to lớn ngay tức thì. Như chư thiên cõi dục giới, chư phạm thiên cõi sắc giới, chúng sinh địa ngục, loài ngạ quỷ, loài a-tu-la.

10- Atthi loke samaṇabrahmaṇā  samaggatā  sammā-paṭipannā ye imañca lokaṃ parañca lokaṃ abhiññā sacchiktvā pavedenti: Chánh kiến thấy đúng rằng: Trong đời này, có các Sa-môn, Bà-la-môn thực hành pháp hành thiền định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc giới, các bậc thiền vô sắc, chứng đắc các phép thần thông, thực hành pháp hành thiền tuệ, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả, Niết Bàn, thấy rõ biết rõ thế giới này, thế giới khác. rồi thuyết giảng là điều có thật.

Mười điều chánh kiến này là 10 điều trắc nghiệm khảo sát để biết mình có hoàn toàn đầy đủ trọn vẹn hay không. Nếu xem xét thấy mình có đầy đủ trọn vẹn 10 điều chánh kiến này thì có thể tự khẳng định mình là người có diṭṭhijukammakusala: phước thiện chánh kiến.

Nếu trường hợp xem xét thấy mình chưa đầy đủ trọn vẹn 10 điều chánh kiến này thì biết mình là người chưa có đầy đủ diṭṭhijukammakusala: phước thiện chánh kiến.

Trong đời này, số người thích làm phước thiện bố thí, cúng dường đến chư tỳ khưu, nhưng không học hỏi chánh pháp, nên không có sự hiểu biết sâu sắc về giáo pháp của Đức Phật, số người ấy muốn được danh tiếng, được nhiều người kính nể. Số người ấy có được phước thiện bố thí  ấy với đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, bởi vì số người ấy không có sutamayapaññā: trí tuệ phát sinh do nghe chánh pháp, cũng không có cintāmaya-paññā: trí tuệ phát sinh do suy xét đúng đắn, cũng không có Bhāvanāmayapaññā: trí tuệ thiền tuệ phát sinh do thực hành pháp hành thiền tuệ.

 

Nếu những người nào chưa có đầy đủ 10 điều chánh kiến (sammādiṭṭhika dassavatthu) thì những người ấy nên cố gắng tinh tấn theo học Pháp học Phật Giáo và nên thực hành Pháp hành Phật Giáo, để hiểu biết rõ chánh pháp, phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ sáng suốt hiểu rõ chánh pháp, để có được đầy đủ trọn vẹn 10 điều chánh kiến cơ bản này.

Bởi vì, những người nào có được đầy đủ 10 điều chánh kiến này thì những người ấy có được kammassakatāsammādiṭṭhi: chánh kiến thấy đúng, tin nghiệp và quả của nghiệp của mình.

Khi những người ấy làm phước thiện bố thí, giữ gìn giới của mình, thực hành pháp hành thiền định hoặc pháp hành thiền tuệ, sẽ được phước thiện vô lượng, có quả báu vô lượng không sao kể được.

Ví dụ như ươm hạt giống cây Bồ-đề nhỏ, lên thành cây Bồ-đề to lớn.

Trái lại, những người nào không có được đầy đủ 10 điều chánh kiến này thì những người ấy cũng không có được kammassakatāsammādiṭṭhi: chánh kiến thấy đúng, tin nghiệp và quả của nghiệp của mình.

Khi những người ấy làm phước thiện bố thí, giữ gìn giới của mình, thực hành pháp hành thiền định hoặc pháp hành thiền tuệ thì sẽ được phước thiện ít ỏi, có quả báu ít ỏi.

Ví dụ như cây Bồ-đề to lớn có hạt Bồ-đề nhỏ.

 

Diṭṭhijukamma Trong 3 Thời Kỳ

 

1- Diṭṭhijukamma trong thời kỳ Pubbacetanā.

2- Diṭṭhijukamma trong thời kỳ Muñcacetanā.

3- Diṭṭhijukamma trong thời kỳ Aparacetanā.

 

1- Diṭṭhijukamma trong thời kỳ Pubbacetanā tác ý trước khi có được diṭṭhijukamma như thế nào?

Người nào biết mình chưa hiểu biết đúng giáo pháp của Đức Phật, chưa có đầy đủ 10 điều chánh kiến, nên người ấy nghĩ rằng: Ta nên theo học Pháp học Phật Giáo và nên thực hành Pháp hành Phật Giáo, để có kammas-sakatāsammādiṭṭhi chánh kiến thấy đúng, biết đúng, tin nghiệp và quả của nghiệp của mình, sẽ có được chánh kiến thấy đúng chính trực trong giáo pháp của Đức Phật.

Đó là diṭṭhijukamma trong thời kỳ Pubbacetanā với 8 dục giới đại thiện tâm.

 

2- Diṭṭhijukamma trong thời kỳ Muñcacetanā tác ý đang khi có được diṭṭhijukamma như thế nào?

Sau khi nghĩ như vậy, người ấy quyết tâm tinh tấn theo học Pháp học Phật Giáo, hiểu biết đúng đắn phần pháp học, rồi tiếp theo thực hành Pháp hành Phật Giáo, thấy rõ, biết rõ thực tánh của các pháp, nên có được chánh kiến thấy đúng chính trực trong giáo pháp của Đức Phật.

Đó là diṭṭhijukamma trong thời kỳ Muñcacetanā với 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ.

 

3- Diṭṭhijukamma trong thời kỳ Aparacetanā tác ý sau khi có được diṭṭhijukamma như thế nào?

 Sau khi học Pháp học Phật Giáo và thực hành Pháp hành Phật Giáo, có chánh kiến thấy đúng chính trực trong giáo pháp của Đức Phật, người ấy suy nghĩ rằng: “ Trước đây, ta chưa hiểu biết rõ Pháp học Phật Giáo và chưa thực hành Pháp hành Phật Giáo, nên thấy sai, biết sai giáo pháp của Đức Phật.

Nay, ta đã học Pháp học Phật Giáo và thực hành Pháp học Phật Giáo, nên có được đầy đủ trọn vẹn 10 điều chánh kiến thấy đúng, biết đúng, tin nghiệp và quả của nghiệp của mình.  

Đó là diṭṭhijukamma trong thời kỳ Aparacetanā với 8 dục giới đại thiện tâm.

Ngài Đại Đức Mahābuddhaghosa giảng giải phần Puññakriyavatthādikathā, bộ Aṭṭhasālinī aṭṭhakathā rằng: 

 

1-“Diṭṭhiṃ ujukaṃ karissāmī’ti cintentopi tesaṃ yeva aṭṭhānaṃ aññatarena cinteti.”

Người có ý nghĩ rằng: Ta sẽ làm cho trí tuệ thấy đúng chính trực theo giáo pháp của Đức Phật. Suy nghĩ với đại thiện tâm nào trong 8 dục giới đại thiện tâm như vậy, gọi là Diṭṭhijukamma trong thời kỳ Pubbacetanā..

2-“Diṭṭhiṃ ujukaṃ karonto pana catunnaṃ ñāṇasampayuttānaṃ aññatarena karoti.”

Người đang thực hành để cho trí tuệ thấy đúng chính trực theo giáo pháp của Đức Phật, bằng cách theo học Pháp học Phật Giáo, và theo thực hành Pháp hành Phật Giáo. Đang thực hành như vậy, với đại thiện tâm nào trong 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ như vậy, gọi là Diṭṭhijukamma trong thời kỳ Muñcacetanā.

3-“Diṭṭhiṃ me ujukā katā’ti paccavekkhanto aṭṭhānaṃ aññatarena paccavekkhati”

Người quán triệt trong chánh kiến của mình rằng: Ta đã có trí tuệ thấy đúng chính trực theo Pháp học Phật Giáo và Pháp hành Phật Giáo. Đã quán triệt với đại thiện tâm nào trong 8 dục giới đại thiện tâm như vậy, gọi là Diṭṭhijukamma trong thời kỳ Aparacetanā.

 

Chánh kiến có 5 loại, trong Puññakriyāvatthu, điều thứ 10 Diṭṭhijukamma: Phước Thiện Chánh Kiến chỉ đề cập đến kammassakatāsammādiṭṭhi mà thôi.

 

Micchādiṭṭhi: Tà kiến

 

Thật ra, trong phần Puññakriyāvatthu không có đề cập đến micchādiṭṭhi: tà kiến, để biết tính chất khác biệt giữa chánh kiến với tà kiến, nên trình bày thêm phần micchādiṭṭhi: tà kiến này.

Tà kiến có nhiều loại, trong kinh Brahmajālasutta có 62 loại tà kiến và kinh Sāmaññaphalasutta ([1]) có 3 loại tà kiến cố định. Trong bộ Paṭisambhidāmagga, phần diṭṭhikathā có 20 loại tà kiến trong ngũ uẩn.

 

Tà kiến là gì?

Định nghĩa:

Micchā passatī’ti micchādiṭṭhi

Trạng thái thấy sai, biết sai sự thật gọi là tà kiến, đó là tâm sở tà kiến đồng sinh với 4 tâm tham hợp với tà kiến.

Như vậy, tà kiến là thấy sai, biết sai sự thật, rồi chấp lầm cho là sự thật:

 

* Sakkāyadiṭṭhi: Tà kiến chấp ngũ uẩn ([2])

 

Sakkāyadiṭṭhi: Tà kiến chấp ngũ uẩn cho là ta (ngã).    

 

Ngũ uẩn có 5 uẩn là

 

1- Sắc uẩn đó là 28 sắc pháp, thuộc về sắc pháp,

2 - Thọ uẩn đó là tâm sở thọ thuộc về danh pháp,

3- Tưởng uẩn đó là tâm sở tưởng thuộc về danh pháp,

4- Hành uẩn gồm có 50 tâm sở (trừ tâm sở thọ và tâm sở tưởng) thuộc về danh pháp,

    5- Thức uẩn gồm tất cả các tâm thuộc về danh pháp.

Trong bộ Paṭisambhidāmagga, phần diṭṭhikathā trình bày tà kiến chấp ngũ uẩn có 20 loại, bởi vì tà kiến chấp lầm mỗi uẩn có 4 loại.

 

Tà Kiến Thấy Sai, Chấp Lầm Trong Mỗi Uẩn

 

Tà kiến thấy sai chấp lầm trong mỗi uẩn cho là ta như sau:  

1- Tà kiến chấp sắc uẩn có 4 loại:

 

1.1- Sắc uẩn là ta, hoặc ta là sắc uẩn,

1.2- Ta có sắc uẩn,

1.3- Sắc uẩn ở trong ta,

1.4- Ta ở trong sắc uẩn.

 

2- Tà kiến chấp thọ uẩn có 4 loại:

2.1- Thọ uẩn là ta, hoặc ta là thọ uẩn,

2.2- Ta có thọ uẩn,

2.3- Thọ uẩn ở trong ta,

2.4- Ta ở trong thọ uẩn.

 

3- Tà kiến chấp tưởng uẩn có 4 loại:

3.1- Tưởng uẩn là ta, hoặc ta là tưởng uẩn,

3.2- Ta có tưởng uẩn,

3.3- Tưởng uẩn ở trong ta,

3.4- Ta ở trong tưởng uẩn.

 

4- Tà kiến chấp hành uẩn có 4 loại:

4.1- Hành uẩn là ta, hoặc ta là hành uẩn,

4.2- Ta có hành uẩn,

4.3- Hành uẩn ở trong ta,

4.5- Ta ở trong hành uẩn.

 

5- Tà kiến chấp thức uẩn có 4 loại:

5.1- Thức uẩn là ta, hoặc ta là thức uẩn,

5.2- Ta có thức uẩn,

5.3- Thức uẩn ở trong ta,

5.4- Ta ở trong thức uẩn.

 

Sakkāyadiṭṭhi: Tà kiến chấp ngũ uẩn cho là ta này có ảnh hưởng thế nào đối với tất cả mọi chúng sinh?

Tà kiến chấp ngũ uẩn cho là ta đó là tâm sở tà kiến đồng sinh với 4 tâm tham hợp với tà kiến, cho nên, tất cả mọi chúng sinh còn là phàm nhân đều có loại tà kiến chấp ngũ uẩn này.

Tà kiến chấp ngũ uẩn cho là ta không gây ảnh hưởng cản trở nào đối với các thí chủ tạo mọi phước thiện bố thí, các hành giả giữ gìn giới, v.v…., cũng không gây ảnh hưởng cản trở nào đối với các hành giả thực hành pháp hành thiền định, không cản trở trong sự chứng đắc các bậc thiền sắc giới, các bậc thiền vô sắc giới, cũng không gây ảnh hưởng cản trở trong sự chứng đắc 5 phép thần thông thế gian (lokiya abhiññā).

 Cho nên, tà kiến chấp ngũ uẩn cho là ta không cản trở tạo 8 dục giới đại thiện nghiệp, 5 sắc giới thiện nghiệp, 4 vô sắc giới thiện nghiệp, không cản trở các thiện nghiệp cho quả tái sinh trong các cõi thiện giới: cõi người, 6 cõi trời dục giới, 16 cõi sắc giới, 4 cõi vô sắc giới.



[1] Dī. Sīlakkhandhavagga, Kinh Brahmajālasutta và Kinh Sāmaññaphalasutta

[2] Xem lời giải thích trong quyển”Tìm hiểu pháp hành thiền tuệ”cùng soạn giả


 

Tà Kiến Chấp Ngũ Uẩn Cản Trở Pháp Hành Thiền Tuệ

 

Tà kiến chấp ngũ uẩn cho là ta này chắc chắn chỉ gây ảnh hưởng cản trở đối với các hành giả thực hành pháp hành thiền tuệ mà thôi.  Bởi vì đối tượng của pháp hành thiền tuệ là ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp, … có thực tánh của các pháp là pháp vô ngã, không phải ta,  nhưng tà kiến chấp ngũ uẩn cho là ta, nên chắc chắn gây ảnh hưởng cản trở trong khi hành giả thực hành pháp hành thiền tuệ.

Cho nên, tà kiến chấp ngũ uẩn cho là ta này gây ảnh hưởng cản trở không thể phát sinh trí tuệ thiền tuệ, nên không thể thấy rõ, biết rõ thực tánh của danh pháp, sắc pháp là pháp vô ngã; nên không thể thấy rõ, biết rõ sự sinh sự diệt của danh pháp, sắc pháp; nên không thể thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, của danh pháp, sắc pháp; nên không thể chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, nên không thể chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn; không thể trở thành bậc Thánh nhân trong Phật giáo.

Đức Phật thuyết dạy “Anattā: Pháp vô ngã”

 

“Aniccā sabbe saṅkhārā, dukkhānattā ca saṅkhatā.

Nibbānañceva paññatti, anattā iti nicchayā.([1])

Tất cả các pháp hữu vi đều có ba trạng thái là vô thường, khổ, vô ngã.

 Niết Bàn và chế định pháp thuộc về pháp vô ngã.

“Sabbe dhammā anattā.”

Tất cả các pháp đó là các pháp hữu vi và pháp vô vi Niết Bàn đều là pháp vô ngã.

 

Đúng theo sự thật chân lý chân nghĩa pháp (paramatthadhamma) chỉ có các sắc pháp (rūpa-dhamma), và các danh pháp (nāmadhamma) là pháp vô ngã mà thôi, không phải ta, không phải người, không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải chúng sinh, không phải vật này vật kia, …. Tất cả chỉ là các danh pháp, các sắc pháp, đều là pháp vô ngã mà thôi.

 

Tà Kiến Chấp Ngũ Uẩn Cho Là Ta

 

Tà kiến chấp sắc uẩn cho là ta như thế nào?

Ví dụ: Ta đi, ta đứng, ta ngồi, ta nằm, … đúng theo sự thật chân lý chân nghĩa pháp (paramatthadhamma) thì thân đi, thân đứng, thân ngồi, thân nằm,… hoặc sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm, …. thế mà, tà kiến chấp nơi sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm,  …. cho là ta đi, ta đứng, ta ngồi, ta nằm, ….

Ta đi vốn không có thật, sự thật đúng theo chân nghĩa pháp thì chỉ có thân đi hoặc sắc đi mà thôi, do tà kiến chấp nơi sắc đi (thuộc về sắc uẩn) ấy cho là ta đi.

Sở dĩ gọi ta đi là vì tà kiến thấy sai, chấp lầm nơi sắc đi cho là ta đi. ….

Ta đứng, ta ngồi, ta nằm,…  cũng giải thích tưng tự như vậy.

 

Tà kiến chấp thức uẩn cho là ta như thế nào?

Ví dụ: Ta thấy, ta nghe, ta ngửi, ta nếm, ta xúc giác, ta suy nghĩ,… đúng theo sự thật chân lý chân nghĩa pháp (paramatthadhamma) thì nhãn thức tâm thấy, nhĩ thức tâm nghe, tỷ thức tâm ngửi, thiệt thức tâm nếm, thân thức tâm xúc giác, ý thức tâm suy nghĩ, ... thế mà,

- Tà kiến chấp nơi nhãn thức tâm thấy cho là ta thấy, 

 - Tà kiến chấp nơi nhĩ thức tâm nghe cho là ta nghe,

 - Tà kiến chấp nơi tỷ thức tâm ngửi cho là ta ngửi,

 - Tà kiến chấp nơi thiệt thức tâm nếm  cho là ta nếm, 

 - Tà kiến chấp nơi thân thức tâm xúc giác nóng, lạnh,

     cho là ta xúc giác nóng, lạnh,…

 - Tà kiến chấp nơi ý thức tâm suy nghĩ cho là ta suy  nghĩ chuyện này, việc kia, v.v…. 

Ta thấy vốn không có thật, sự thật đúng theo chân nghĩa pháp thì chỉ có nhãn thức tâm làm phận sự thấy đối tượng sắc hoặc danh thấy mà thôi, do tà kiến chấp nơi nhãn thức tâm thấy (thuộc về thức uẩn) ấy cho là ta thấy người này, vật kia, ….

Ta nghe, ta ngửi, ta nếm, ta xúc giác, ta suy nghĩ  cũng giải thích tưng tự như vậy.

Do đó, sakkāyadiṭṭhi: tà kiến chấp ngũ uẩn cho là ta, (ngã) chỉ có gây ảnh hưởng làm cản trở đối với các hành giả thực hành pháp hành thiền tuệ mà thôi, bởi vì các hành giả thực hành pháp hành thiền tuệ chỉ có đối tượng là ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp,…. thuộc về chân nghĩa pháp (paramatthadhamma)pháp vô ngã mà thôi.

 

 

* Niyatamicchādiṭṭhi: Tà kiến cố định là tà kiến chấp thủ không thay đổi.

Tà kiến cố định có 3 loại:

1- Natthikadiṭṭhi: Vô quả tà kiến

2- Ahetukadiṭṭhi: Vô nhân tà kiến

3- Akiriyadiṭṭhi: Vô hành tà kiến

 

1- Vô quả tà kiến như thế nào?

Natthikadiṭṭhi: Vô quả tà kiến cố định là tà kiến thấy sai chấp lầm không thay đổi rằng: “Không có quả của nghiệp.”

Người có vô quả tà kiến cố định này thấy sai chấp lầm rằng:“Không có quả khổ của ác nghiệp, cũng không có quả an lạc của thiện nghiệp. Người đã tạo ác nghiệp hoặc thiện nghiệp rồi đều không có quả khổ của ác nghiệp hoặc không có quả an lạc của thiện nghiệp.

Tất cả chúng sinh chết rồi là hết, trở thành “số không” không có nghiệp nào dẫn dắt cho quả tái sinh kiếp sau.”

Người có vô quả tà kiến cố định này còn gọi là đoạn kiến (ucchedadiṭṭhi) chết là hết, không có kiếp sau.

Như trong bài kinh Sāmaññaphalasutta ([2]) vị Đạo sư ngoại đạo Ajitakesakambala có tà thuyết Natthikadiṭṭhi: Vô quả tà kiến cố định thấy sai, chấp lầm rằng: “ Không có quả của nghiệp” như sau:

 

    1- Natthi dinnaṃ: Tà kiến thấy sai rằng: Phước thiện bố thí không có quả tốt, an lạc.

    2- Natthi yiṭṭhaṃ: Tà kiến thấy sai rằng: Phước thiện cúng dường không có quả tốt, an lạc.

3- Natthi hutaṃ: Tà kiến thấy sai rằng: Phước thiện cúng dường, đón rước, cũng không có quả tốt, an lạc. 

4- Natthi sukatadukkatānaṃ kammānaṃ phalaṃ vipākaṃ: Tà kiến thấy sai rằng: Đã tạo thiện nghiệp, ác nghiệp rồi, không có quả an lạc của thiện nghiệp, không có quả khổ của ác nghiệp.

5- Natthi ayaṃ loko: Tà kiến thấy sai rằng: Không có thế giới này nghĩa là không có chúng sinh tái sinh đến cõi này.

6- Natthi paro loko: Tà kiến thấy sai rằng: Không có  thế giới khác nghĩa là chúng sinh chết rồi là hết, không có tái sinh kiếp sau trong cõi khác.

7- Natthi mātā: Tà kiến thấy sai rằng: Làm phước, làm tội đối với mẹ, không có quả tốt, quả xấu.

8- Natthi pitā: Tà kiến thấy sai rằng: Làm phước, làm tội đối với cha, không có quả tốt, quả xấu.

9- Natthi sattā opapātikā: Tà kiến thấy sai rằng: Không có các loài chúng sinh hóa sinh to lớn ngay tức thì, như chư thiên cõi dục giới, chư phạm thiên cõi sắc giới, chúng sinh địa ngục, loài ngạ quỷ, loài a-tu-la.

10- Natthi loke samaṇabrahmaṇā samaggatā sammāpaṭipannā ye imañca lokaṃ parañca lokaṃ abhiññā sacchiktvā pavedenti: Tà kiến thấy sai rằng: Trong đời này, không có các Sa-môn, Bà-la-môn thực hành pháp hành thiền định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc giới, các bậc thiền vô sắc, chứng đắc các phép thần thông; thực hành pháp hành thiền tuệ, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả, Niết Bàn, thấy rõ biết rõ thế giới này, thế giới khác.

 

Người có vô quả tà kiến cố định này là người phủ nhận quả của thiện nghiệp, quả của ác nghiệp, cũng có nghĩa là phủ nhận nhân là thiện nghiệp, ác nghiệp.

 

2- Vô nhân tà kiến như thế nào?

Ahetukadiṭṭhi: Vô nhân tà kiến cố định là tà kiến thấy sai chấp lầm không thay đổi rằng: “Không có nhân là không có nghiệp.”

Người có vô nhân tà kiến cố định thấy sai chấp lầm rằng: “Không có nghiệp sinh cho quả (janakahetu), cũng không có nghiệp hỗ trợ cho quả của nghiệp. Nghĩa là không có thiện nghiệp cho quả an lạc, không có ác nghiệp cho quả khổ; cũng không có thiện nghiệp hỗ trợ cho quả của nghiệp, không có ác nghiệp hỗ trợ cho quả của nghiệp.”

 Như vậy, người có vô nhân tà kiến cố định thấy sai chấp lầm rằng: “Tất cả mọi chúng sinh hiện hữu trong cõi đời này theo tự nhiên, không do quả của thiện nghiệp, không do quả của ác nghiệp nào cả. Tất cả mọi chúng sinh bị ô nhiễm tự nhiên, đến thời kỳ được trong sạch thanh tịnh tự nhiên. Cho nên, tất cả mọi chúng sinh là người ác và người thiện; kẻ ngu và bậc trí, trải qua tử sinh luân hồi nhiều đời nhiều kiếp, đến thời kỳ nào đó cũng đều giải thoát khổ cả thảy.”

Như trong bài kinh Sāmaññaphalasutta ([3]) vị Đạo sư ngoại đạo Makkhaligosāla có tà thuyết Ahetukadiṭṭhi: Vô nhân tà kiến cố định thấy sai, chấp lầm rằng: “Không có nhân là không có nghiệp.” như sau: 

- Không có nhân nào, không có duyên nào làm cho tất cả chúng sinh bị ô nhiễm. Tất cả chúng sinh bị ô nhiễm tự nhiên, không do nhân nào, duyên nào cả.

- Không có nhân nào, không có duyên nào làm cho tất cả chúng sinh được trong sạch thanh tịnh. Tất cả chúng sinh được trong sạch thanh tịnh tự nhiên, không do nhân nào, duyên nào cả.

- Không có nghiệp riêng của mình, không có nghiệp của người khác. Tất cả chúng sinh sống tùy thuộc vào sự may, sự rủi, thọ khổ tự nhiên, thọ lạc tự nhiên.

- Tất cả chúng sinh là người ác, người thiện; kẻ ngu,

bậc trí, trải qua tử sinh luân hồi nhiều đời nhiều kiếp, đến thời kỳ nào đó cũng đều giải thoát khổ cả thảy.”

Người có vô nhân tà kiến cố định này là người phủ nhận nhân đó là thiện nghiệp, ác nghiệp, cũng có nghĩa là phủ nhận nghiệp và quả của thiện nghiệp, ác nghiệp.

 

3- Vô hành tà kiến như thế nào?

Akiriyadiṭṭhi: Vô hành tà kiến cố định là tà kiến thấy sai chấp lầm không thay đổi rằng: “Không có hành ác, không có hành thiện.”

Người có vô hành tà kiến cố định thấy sai chấp lầm rằng: “Người tạo ác nghiệp không có hành ác, người tạo thiện nghiệp không có hành thiện. Hành chỉ là hành mà thôi. không có hành ác, không có hành thiện.

 Như trong bài kinh Sāmaññaphalasutta ([4]) vị Đạo sư ngoại đạo Puraṇakassapa có tà thuyết Akiriyadiṭṭhi: Vô hành tà kiến cố định thấy sai, chấp lầm rằng: “Không có hành ác, không có hành thiện” như sau:

- Tự mình hành ác, sai khiến hành ác đều không có hành ác như:

- Tự mình sát sinh, sai khiến người khác sát sinh đều không có hành ác sát sinh.

- Tự mình trộm cắp, sai khiến người khác trộm cắp đều không có hành ác trộm cắp. v.v….

- Tự mình bố thí, sai khiến người khác bố thí đều không có hành thiện bố thí.

- Tự mình cúng dường, sai khiến người khác cúng dường đều không có hành thiện cúng dường. v.v….

Người có vô hành tà kiến cố định này là người phủ nhận nhân đó là thiện nghiệp, ác nghiệp, cũng có nghĩa là phủ nhận quả của thiện nghiệp, ác nghiệp.

 

Ba loại tà kiến cố định này là ác nghiệp cực kỳ nặng hơn 5 ác nghiệp vô gián trọng tộigiết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A-ra-hán, làm bầm máu bàn chân của Đức Phật và chia rẽ chư tỳ khưu Tăng, bởi vì, người có loại tà kiến cố định này hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp của họ.

Tuy người ấy không tin nghiệp và quả của nghiệp, nhưng sự thật, người ấy đã tạo ác nghiệp cực kỳ nặng, nên sau khi người ấy chết, chắc chắn ác nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci, phải chịu quả khổ thiêu đốt suốt thời gian lâu dài, khó mà thoát ra khỏi cõi đại địa ngục này.

 

Chánh Kiến – Tà Kiến (Sammādiṭṭhi - Micchādiṭṭhi)

 

Chánh kiến và tà kiến phát sinh do nhân nào?

Trong chi bộ kinh, phần 2 chi pháp Đức Phật thuyết dạy rằng:

 

“Dveme Bhikkhave, paccayā sammādiṭṭhiyā uppādāya.

Katame dve?

Parato ca ghoso, yoniso ca manasikāro.

Ime kho bhikkhve, dve paccayā sammādiṭṭhiyā uppādāya.” ([5])

 

- Này chư tỳ khưu! Hai nhân duyên phát sinh chánh kiến. Hai nhân duyên ấy là gi?

1- Parato ca ghoso: Lắng nghe chánh pháp từ Đức Phật, chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, các

bậc thiện trí.

2- Yoniso ca manasikāro: Sự hiểu biết trong tâm bằng trí tuệ biết đúng 4 trạng thái của các pháp hữu vi.

- Này chư Tỳ khưu! Hai nhân duyên này phát sinh chánh kiến.

 

Giải Thích

 

Yoniso ca manasikāro: Sự hiểu biết trong tâm bằng trí tuệ biết đúng theo 4 trạng thái của các pháp hữu vi, danh pháp, các sắc pháp trong tam giới là:

*Danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô thường (anicca) thì trí tuệ hiểu biết đúng là vô thường (anicca).

*Danh pháp, sắc pháp có trạng thái khổ (dukkha) thì trí tuệ hiểu biết đúng là khổ (dukkha).

*Danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô ngã (anattā) thì trí tuệ hiểu biết đúng là vô ngã (anattā). 

*Danh pháp, sắc pháp có trạng thái bất tịnh (asubha) thì trí tuệ hiểu biết đúng là bất tịnh (asubha).

Yonisomanasikāra: Trí tuệ hiểu biết trong tâm đúng theo 4 trạng thái của các danh pháp, các sắc pháp trong tam giới là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, làm nhân duyên phát sinh chánh kiến.

 

Chánh kiến có 5 loại:

 

1- Kammassakatā sammādiṭṭhi: Chánh kiến sở nghiệp nghĩa là trí tuệ thấy đúng, biết đúng thiện nghiệp và ác nghiệp mà mình đã tạo rồi là của riêng mình.

2- Vipassanāsammādiṭṭhi: Chánh kiến thiền tuệ nghĩa là trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp là pháp vô ngã, có sự sinh, sự diệt, có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

3- Magga sammādiṭṭhi: Chánh kiến Thánh Đạo tuệ nghĩa là trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới chứng đắc Thánh Đạo có Niết Bàn là đối tượng.

4- Phala sammādiṭṭhi: Chánh kiến Thánh Quả tuệ nghĩa là trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới chứng đắc Thánh Quả có Niết Bàn là đối tượng.

5- Paccavekkhaṇā sammādiṭṭhi: Chánh kiến quán triệt nghĩa là trí tuệ quán triệt Thánh Đạo, Thánh Quả, Niết Bàn đã chứng đắc; quán triệt phiền não đã diệt đoạn tuyệt và phiền não chưa diệt được.



[1] Vinayapiṭka, Bộ Parivārapāḷi, Phần Samuṭṭhānasīsasaṅkhepa

[2] Dī. Sīlakkhandhavagga, Kinh Sāmaññaphalasutta

[3] Dī. Sīlakkhandhavagga, K Sāmaññaphalasutta

[4] Dī. Sīlakkhandhavagga, K Sāmaññaphalasutta

[5] Aṅguttaranikāya, Dukanipātapāḷi, Āsāduppajahavagga


 

Tà Kiến (Micchādiṭṭhi)

 

“Dveme Bhikkhave, paccayā micchādiṭṭhiyā uppādāya.

     Katame dve?

Parato ca ghoso, ayoniso ca manasikāro.

Ime kho bhikkhve, dve paccayā micchādiṭṭhiyā uppādāya.”

- Này chư Tỳ khưu! Hai nhân duyên phát sinh tà kiến. Hai nhân duyên ấy là gi?

1- Parato ca ghoso: Lắng nghe tà pháp từ hạng người có tà kiến.

2- Ayoniso ca manasikāro: Sự biết trong tâm do si mê không biết đúng 4 trạng thái của các pháp hữu vi.

- Này chư Tỳ khưu! Hai nhân duyên này phát sinh tà kiến.

 

Giải Thích

 

Ayoniso ca manasikāro: Sự biết trong tâm do si mê không biết đúng 4 trạng thái của các pháp hữu vi là các danh pháp, các sắc pháp trong tam giới là

*Danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô thường (anicca) nhưng tâm si mê biết đảo điên cho là thường (nicca). 

*Danh pháp, sắc pháp có trạng thái khổ (dukkha) nhưng tâm si mê biết đảo điên cho là lạc (sukha).

*Danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô ngã (anattā) nhưng tâm si mê biết đảo điên cho là ngã (attā). 

*Danh pháp, sắc pháp có trạng thái bất tịnh (asubha) nhưng tâm si mê biết đảo điên cho là tịnh (subha).

 

Ayonisomanasikāra: Tâm si mê biết đảo điên 4 trạng thái của các danh pháp, các sắc pháp trong tam giới cho là thường, lạc, ngã, tịnh, làm nhân duyên phát sinh mọi tà kiến.

 

Vipallāsa: 12 Pháp Đảo Điên

 

Thực tánh của tất cả các pháp hữu vi là các danh pháp, các sắc pháp trong tam giới đều có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, trạng thái bất tịnh, nhưng pháp Vipallāsa: Pháp đảo điên này sai lầm đảo điên ngược lại 4 trạng thái của các danh pháp, các sắc pháp trong tam giới cho là thường, lạc, ngã, tịnh.

 

Vipallāsa: Pháp đảo điên có 3 loại:

1- Citta vipallāsa: Tâm đảo điên biết sai, chấp lầm nơi danh pháp, sắc pháp cho là thường, lạc, ngã, tịnh.

2- Saññā vipallāsa: Tưởng đảo điên tưởng sai, chấp lầm nơi danh pháp, sắc pháp cho là thường, lạc, ngã, tịnh.

3- Diṭṭhi vipallāsa: Tà kiến đảo điên thấy sai, chấp lầm nơi danh pháp, sắc pháp cho là thường, lạc, ngã, tịnh.

12 pháp đảo điên này làm nhân duyên phát sinh tà kiến thấy sai, chấp lầm trong các đối tượng danh pháp, sắc pháp.

 

Chánh kiến được phát sinh do nhờ 2 điều kiện:

 

* Lắng nghe chánh pháp từ Đức Phật Chánh Đẳng Giác, hoặc chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, hoặc chư bậc thiện trí thông suốt Pháp học Phật Giáo và Pháp hành Phật Giáo.

* Trí tuệ thấy rõ, biết rõ chánh pháp của chư bậc thiện trí, rồi biết suy xét, tư duy sâu sắc về chánh pháp, thực hành pháp hành thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh của các danh pháp, các sắc pháp đúng theo chân nghĩa pháp (paramatthadhamma).

 

Do nhờ đầy đủ 2 điều kiện này mới có thể phát sinh chánh kiến.

Chánh kiến cơ bản trước tiên là kammassakatā sammādiṭṭhi: chánh kiến sở nghiệp nghĩa là trí tuệ thấy đúng, biết đúng thiện nghiệp và ác nghiệp mà mình đã tạo rồi là của riêng mình, để có được phước thiện chánh kiến.

 

Phước thiện chánh kiến là nền tảng của các chánh kiến khác phát sinh và tăng trưởng theo tuần tự.

 

10 Phước Thiện Gom Lại Thành 3 Phước Thiện

 

Puññakriyāvatthu  có 10 pháp phát sinh phước thiện:  

 

1- Dānakusala: Phước thiện bố thí,

2- Sīlakusala: Phước thiện giữ giới,

3- Bhāvanākusala: Phước thiện hành thiền,

4- Apacāyanakusala:  Phước thiện cung kính,

5- Veyyāvaccakusala: Phước thiện hỗ trợ,

6- Pattidānakusala: Phước thiện hồi hướng,….

7- Pattānumodanākusala: Phước thiện hoan hỷ,

8- Dhammassavanakusala: Phước thiện nghe pháp,

9- Dhammadesanākusala: Phước thiện thuyết pháp,

10- Diṭṭhijukammakusala: Phước thiện chánh kiến.

 

10 phước thiện được gom lại thành 3 nhóm phước thiện chính là

 

1- Nhóm phước thiện bố thí,

2- Nhóm phước thiện giữ giới,

3- Nhóm phước thiện hành thiền.

 

1- Nhóm phước thiện bố thí gồm có 3 phước thiện là dānakusala: phước thiện bố thí, pattidānakusala: phước thiện hồi hướng và pattānumodanākusala: phước thiện hoan hỷ.

2- Nhóm phước thiện giữ giới gồm có 3 phước thiện là sīlakusala: phước thiện giữ giới, apacāyanakusala: phước thiện cung kính và veyyāvaccakusala: phước thiện hỗ trợ.

3- Nhóm phước thiện hành thiền gồm có 4 phước thiện là  bhāvanākusala: phước thiện hành thiền, dham-massavanakusala: phước thiện nghe pháp, dhamma-desanākusala: phước thiện thuyết pháp và diṭṭhiju-kammakusala: phước thiện chánh kiến.

 

Giải Thích

 

1- Nhóm phước thiện bố thí gồm có 3 phước thiện là dānakusala: phước thiện bố thí, pattidānakusala: phước thiện hồi hướng và pattānumodanākusala: phước thiện hoan hỷ này. Trong nhóm này, 2 phước thiện pattidāna- kusala và pattānumodanākusala có 2 pháp nghịch là macchariya: tâm keo kiệt bủn xỉn trong của cải tài sản, sự hiểu biết của mình và issā: tâm ganh tị trong của cải tài sản hay tài đức của người khác giống như 2 pháp nghịch của phước thiện  dānakusala: phước thiện bố thí. Cho nên,  2 phước thiện này được ghép chung vào với nhóm phước thiện bố thí. 

Thật vậy, nếu người nào có ác tâm macchariya: tâm keo kiệt bủn xỉn trong của cải tài sản, sự hiểu biết của mình và issā: tâm ganh tị trong của cải tài sản hay tài đức của người khác thì người ấy không muốn làm phước thiện bố thí đến cho người khác.

Nếu người nào có ác tâm macchariya và issā thì sau khi người ấy làm phước thiện bố thí rồi cũng không muốn làm phước thiện  pattidānakusala: phước thiện hồi hướng phần phước thiện của mình đến cho người khác, và cũng không muốn pattānumodanākusala: phước thiện hoan hỷ nhận phần phước thiện của người khác chia  đến cho mình.

Cho nên, người thí chủ là người có khả năng chế ngự, đè nén được 2 tâm ác macchariya: tâm keo kiệt bủn xỉn trong của cải tài sản, sự hiểu biết của mình và issā: tâm ganh tị trong của cải tài sản hay tài đức của người khác, mới có thể làm phước thiện bố thí, và sau khi đã làm phước thiện bố thí rồi, mới làm phước thiện pattidānakusala: phước thiện hồi hướng phần phước thiện của mình đến cho người khác và cũng có pattānumodanākusala, phước thiện hoan hỷ nhận phần phước thiện bố thí, giữ giới, hành thiền, v.v…của người khác chia đến cho mình.

Do đó, 3 loại phước thiện dānakusala: phước thiện bố thí, pattidānakusala: phước thiện hồi hướng và pattā-numodanākusala: phước thiện hoan hỷ này có trạng thái gần giống nhau, nên gom chung vào nhóm phước thiện bố thí (dānamayakusala).

 

2- Nhóm phước thiện giữ giới gồm có 3 phước thiện sīlakusala: phước thiện giữ giới, apacāyanakusala: phước thiện cung kính và veyyāvaccakusala: phước thiện hỗ trợ. Trong nhóm này, sīlakusala: phước thiện giữ giới  đó là cetanā: tác ý tâm sở giữ gìn thân và khẩu tránh xa thân hành ác, tránh xa khẩu nói ác, làm cho thân và khẩu đàng hoàng. 

Apacāyanakusala: phước thiện cung kính đối với những bậc đáng tôn kính, cung kính đối với tất cả mọi người đáng cung kính. Người có pháp cung kính biểu hiện bằng thân cung kính lễ bái cúng dường, bằng khẩu cung kính nói lời lễ độ, v.v. …

Veyyāvaccakusala: Phước thiện hỗ trợ trong mọi việc thiện của người khác. Người có pháp hỗ trợ  trong mọi việc phước thiện của người khác, biểu hiện bằng thân tận tình giúp đỡ mọi người, bằng khẩu chân tình nói lời chỉ dẫn mọi người.

 Apacāyanakusala: Phước thiện cung kính và Veyyā-vaccakusala: Phước thiện hỗ trợ là 2 phước thiện thuộc về carittasīla: giới nên hành của chư bậc xuất gia tỳ khưu, Sa-di và người tại gia là cận sự nam, cận sự nữ.  

Do đó, 3 loại phước thiện sīlakusala: phước thiện giữ giới, apacāyanakusala: phước thiện cung kính và veyyāvaccakusala: phước thiện hỗ trợ  này có trạng thái gần giống nhau, nên gom chung vào nhóm phước thiện giữ giới  (sīlamayakusala).

 

2- Nhóm phước thiện hành thiền gồm có 4 phước thiện là bhāvanākusala: phước thiện hành thiền, dham-massavanakusala: phước thiện nghe pháp, dhamma-desanākusala: phước thiện thuyết pháp và diṭṭhiju-kammakusala: phước thiện chánh kiến. Trong nhóm này, dhammassavanakusala: phước thiện nghe pháp,  dham-madesanākusala: phước thiện thuyết pháp và diṭṭhiju-kammakusala: phước thiện chánh kiến có trạng thái làm cho thiện pháp cao thượng phát sinh lên đầu tiên, rồi làm cho thiện pháp ấy phát triển giống như bhāvanākusala: phước thiện hành thiền: thực hành pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ.

 

Do đó, 4 loại phước thiện: bhāvanākusala: phước thiện hành thiền, dhammassavanakusala: phước thiện nghe pháp, dhammadesanākusala: phước thiện thuyết pháp và diṭṭhijukammakusala: phước thiện chánh kiến này có trạng thái gần giống nhau, nên gom chung vào nhóm phước thiện hành thiền (bhāvanāmayakusala).

 

Tuy nhiên, dhammadesanā và diṭṭhijukamma được ghép theo Phật ngôn và Chú giải như sau:

* Đức Phật dạy rằng:

Sabbadānaṃ dhammmadānaṃ jināti.([1])

Pháp thí là cao thượng hơn tất cả mọi sự bố thí,

Như vậy, dhammadesanākusala: phước thiện thuyết pháp được ghép vào với dānakusala: phước thiện bố thí.   

 

* Chú giải Pāḷi, bộ Pāthikavaggaṭṭhakathā, Kinh  Saṅgītisuttavaṇṇanā giảng giải rằng:

“Diṭṭhijukammaṃ sabbesaṃ niyāmalakkhaṇaṃ,”([2])

 

 Diṭṭhijukammakusala:   Phước thiện chánh kiến có  trạng thái điều hòa và hỗ trợ cho tất cả 10 phước thiện Puññakriyāvatthu).

Như vậy, diṭṭhijukamma: phước thiện chánh kiến được ghép vào với nhóm phước thiện bố thí (dānamaya-kusala), nhóm phước thiện giữ giới (sīlamayakusala), và nhóm phước thiện hành thiền (bhāvanāmayakusala).  

 

*Nếu làm phước thiện bố thí, hành giả thực hành pháp hành giữ giới, hành giả thực hành pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ, có diṭṭhijukamma: phước thiện chánh kiến hỗ trợ nhóm phước thiện bố thí có 3, nhóm phước thiện giữ giới có 3, nhóm phước thiện hành thiền có 4 thì các phước thiện ấy đồng sinh với dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ, có đủ 3 nhân: vô tham, vô sân, vô si (trí tuệ).

* Nếu thiện nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái sinh làm người thì sẽ là người tam nhân (tihetukapuggala) có đủ 3 nhân là vô tham, vô sân, vô si (trí tuệ). Hoặc tái sinh làm chư thiên thì sẽ là chư thiên trí tuệ, có nhiều oai lực, hào quang rực rỡ, chói lọi khắp mọi nơi, …  

* Nếu làm phước thiện bố thí, hành giả thực hành pháp hành giới, hành giả thực hành pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ mà không có diṭṭhijukamma: phước thiện chánh kiến hỗ trợ nhóm phước thiện bố thí có 3, nhóm phước thiện giữ giới có 3, nhóm phước thiện

hành thiền có 4 thì các phước thiện ấy đồng sinh với dục giới 4 đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, chỉ có 2 nhân: vô tham và vô sân, không có  vô si (trí tuệ).

* Nếu thiện nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái sinh làm người thì sẽ là người nhị nhân (dvihetukapuggala) có 2 nhân là vô tham và vô sân, không có vô si.  Hoặc tái sinh làm chư thiên thì sẽ là chư thiên không có trí tuệ, có ít oai lực, có hào quang kém, …

Vậy, Diṭṭhijukamma: Phước thiện chánh kiến đóng vai trò quan trọng hỗ trợ trong khi tạo 10 phước thiện để trở thành phước thiện cao quý, có nhiều quả báu cao quý đáng hài lòng hoan hỷ.

 

Dānakusala, Sīlakusala, Bhāvanākusala

 

Để có sự nhận thức đúng về phước thiện và quả của phước thiện hoặc thiện nghiệp và quả của thiện nghiệp của nhóm phước thiện bố thí (dānamayakusala), nhóm phước thiện giữ giới (sīlamayakusala), nhóm phước thiện hành thiền (bhāvanāmayakusala), qua sự tìm hiểu bài kinh Velāmasutta ([3]) được tóm lược như sau:

 

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana, của ông phú hộ Anāthapiṇḍika, gần kinh thành Sāvatthi. Khi ấy,  ông phú hộ Anāthapiṇḍika đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ, Đức Thế Tôn hỏi ông phú hộ Anāthapiṇḍika rằng:

- Này ông phú hộ! Trong gia đình ông vẫn còn làm phước thiện bố thí phải không?

Ông phú hộ Anāthapiṇḍika kính bạch rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn,  trong gia đình con vẫn còn làm phước thiện bố thí, nhưng sự bố thí ấy của con hiện nay là quá tầm thường, chỉ có cơm nấu bằng gạo lép và nước cải ngâm mà thôi.

 

Quả Của Phước Thiện Bố Thí Không Cung Kính

 

Đức Thế Tôn dạy rằng:

- Này ông phú hộ! Người thí chủ làm phước thiện bố thí bằng những vật thí tầm thường hoặc cao quý, mà bố thí với tâm không cung kính, cúng dường không cung kính, không tự tay mình cung kính cúng dường, đem vật dư thừa bố thí, không có đức tin nơi thiện nghiệp và quả

của thiện nghiệp bố thí.

Nếu thiện nghiệp bố thí ấy có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau làm người trong gia đình giàu có thì người ấy sẽ không hướng tâm dùng những món ăn ngon, sẽ không mặc những y phục bằng các thứ vải tốt, sẽ không sử dụng chiếc xe sang trọng, sẽ không hưởng những ngũ dục an lạc.

Những người thuộc hạ của người ấy như vợ con, tôi tớ, người làm công, bạn bè, v.v…. sẽ không vâng lời, sẽ không để tâm đến lời dạy bảo của người ấy.

Những điều ấy là do quả của nghiệp nào?

Những điều ấy là do quả của ác nghiệp không cung kính của người ấy.



[1] Bộ Dhammapadagāthā bài kệ thứ  354

[2] Bộ  Dī.Pāthikavaggaṭṭhakathā, Kinh Saṅgītisuttavaṇṇanā

[3] Aṅg. Phần Navakanipāta, Kinh Velāmasutta





[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024