|
Quả Của Phước Thiện Bố Thí Cung Kính
- Này ông phú hộ! Người thí chủ làm phước thiện bố thí bằng những vật thí tầm thường hoặc cao quý, mà bố thí với tâm cung kính, cúng dường cung kính, tự tay mình cung kính cúng dường, không đem vật dư thừa bố thí, có đức tin nơi thiện nghiệp và quả của thiện nghiệp bố thí. Nếu thiện nghiệp bố thí ấy có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau làm người trong gia đình giàu có thì người ấy sẽ hướng tâm dùng những món ăn ngon, sẽ mặc những y phục bằng các thứ vải tốt, sẽ sử dụng chiếc xe sang trọng, sẽ hưởng những ngũ dục an lạc. Những người thuộc hạ của người ấy như vợ con, tôi tớ, người làm công, bạn bè, v.v…. sẽ vâng lời, sẽ để tâm đến lời dạy bảo của người ấy. Những điều ấy là do quả của nghiệp nào? Những điều ấy là do quả của thiện nghiệp cung kính của người ấy.
Làm Phước Thiện Đại Thí Ngoài Phật Giáo
- Này ông phú hộ! Chuyện đã từng có, một Bà-la-môn tên Velāma (tiền kiếp của Đức Phật Gotama) làm phước thiện đại thí như vầy: - Bố thí 84.000 mâm vàng đầy vàng bạc (rūpiya). - Bố thí 84.000 mâm vàng bạc (rūpiya) đầy vàng. - Bố thí 84.000 mâm đồng đầy bạc. - Bố thí 84.000 con voi gồm đầy đủ đồ trang sức làm bằng vàng. - Bố thí 84.000 chiếc xe được bao bọc bằng da sư tử, da cọp,… - Bố thí 84.000 con bò sữa cùng với đồ đựng sữa bằng bạc,… - Bố thí 84.000 cô gái trẻ đẹp cùng với đồ trang sức ngọc maṇī… - Bố thí 84.000 chiếc ghế ngồi được trang hoàng bằng những thứ quý giá, …. - Bố thí 84.000 x 10.000.000 vải đủ loại đặc biệt. Ngoài ra, bố thí đồ ăn, đồ uống, các đồ dùng khác nhiều như nước sông chảy không sao kể xiết. - Này ông phú hộ! Trong thời quá khứ ấy, Như Lai là vị Bà-la-môn Velāma làm phước thiện đại thí, nhưng không có bậc xứng đáng cúng dường (thời đại không có Đức Phật và chư Đại Đức Tăng).
Làm Phước Thiện Bố Thí Trong Phật Giáo
- Này ông phú hộ! *Người nào làm phước thiện bố thí đến vị Thánh Nhập Lưu có chánh kiến đầy đủ, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn ông Bà-la-môn Velāma làm phước thiện bố thí trong thời quá khứ ấy suốt 7 năm và 7 tháng. * Người nào làm phước thiện bố thí cúng dường đến 100 vị Thánh Nhập Lưu, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người làm phước thiện bố thí đến 1 vị Thánh Nhập Lưu. * Người nào làm phước thiện bố thí cúng dường đến 1 vị Thánh Nhất Lai, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người làm phước thiện bố thí đến 100 vị Thánh Nhập Lưu. * Người nào làm phước thiện bố thí cúng dường đến 100 vị Thánh Nhất Lai, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người làm phước thiện bố thí đến 1 vị Thánh Nhất Lai. * Người nào làm phước thiện bố thí cúng dường đến 1 vị Thánh Bất Lai, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người làm phước thiện bố thí đến 100 vị Thánh Nhất Lai.
* Người nào làm phước thiện bố thí cúng dường đến 100 vị Thánh Bất Lai, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người làm phước thiện bố thí đến 1 vị Thánh Bất Lai. * Người nào làm phước thiện bố thí cúng dường đến 1 vị Thánh A-ra-hán, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người làm phước thiện bố thí đến 100 vị Thánh Bất Lai. * Người nào làm phước thiện bố thí cúng dường đến 100 vị Thánh A-ra-hán, thì người ấy có phước thiện nhiều có quả báu nhiều hơn người làm phước thiện bố thí đến 1 vị Thánh A-ra-hán. * Người nào làm phước thiện bố thí cúng dường đến 1 Đức Phật Độc Giác, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người làm phước thiện bố thí đến 100 vị Thánh A-ra-hán. * Người nào làm phước thiện bố thí cúng dường đến 100 Đức Phật Độc Giác, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người làm phước thiện bố thí đến 1 Đức Phật Độc Giác. * Người nào làm phước thiện bố thí cúng dường đến Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người làm phước thiện bố thí đến 100 Đức Phật Độc Giác. * Người nào làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng có Đức Phật chủ trì, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người làm phước bố thí cúng dường đến Đức Phật Chánh Đẳng Giác. * Người nào xây cất chỗ ở dâng cúng dường đến chư tỳ khưu Tăng từ tứ phương, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư tỳ khưu Tăng có Đức Phật chủ trì. * Người nào có đức tin trong sạch nơi Đức Phật Bảo, nơi Đức Pháp Bảo, nơi Đức Tăng Bảo, thành kính thọ phép quy y Tam Bảo, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người xây dựng chỗ ở dâng cúng dường đến chư tỳ khưu Tăng từ tứ phương. * Người nào có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có tác ý thiện tâm trong sạch thọ trì giữ gìn ngũ giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người thành kính thọ phép quy y Tam Bảo.. * Người nào thực hành pháp hành thiền định đề mục niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh vô lượng, trong khoảng thời gian khoảnh khắc ngửi mùi thơm, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người có đức tin trong sạch thọ trì, giữ gìn ngũ giới tránh xa sự sát sinh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự tà dâm, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự uống rượu và các chấc say là nhân sinh dể duôi trong mọi thiện pháp hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn. - Này ông phú hộ! *Người nào làm phước thiện bố thí đến vị Thánh Nhập Lưu có chánh kiến đầy đủ, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn ông Bà-la-môn Velāma làm phước thiện bố thí trong thời quá khứ ấy suốt 7 năm và 7 tháng. v.v….. * Người nào thực hành pháp hành thiền định đề mục niệm rải tâm từ vô lượng đến tất cả chúng sinh, trong khoảng thời gian khoảnh khắc ngửi mùi thơm, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người có đức tin trong sạch thọ trì, giữ gìn ngũ giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn. * Và người nào thực hành pháp hành thiền tuệ, có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, trong khoảng thời gian khoảnh khắc bằng búng đầu ngón tay, thì người ấy có phước thiện, có quả báu nhiều hơn người tiến hành thiền định đề mục rải tâm từ vô lượng đến tất cả chúng sinh, trong khoảng thời gian khoảnh khắc ngửi mùi thơm.
Nhận Xét Bài Kinh Velāmasutta
Qua bài kinh Velāmasutta để có sự nhận thức so sánh về phước thiện và quả của phước thiện như sau: * Thí chủ làm phước thiện bố thí với tâm không cung kính, và thí chủ làm phước thiện bố thí với thiện tâm cung kính, mỗi thí chủ có được phước thiện bố thí và hưởng quả báu của phước thiện bố thí khác nhau.
* Thí chủ làm phước thiện bố thí ngoài Phật giáo và thí chủ làm phước thiện bố thí trong Phật giáo, mỗi thí chủ có được phước thiện bố thí và quả báu của phước thiện bố thí khác nhau. Đặc biệt bậc thọ thí (paṭigāhaka) có ân đức càng cao thì thí chủ có được phước thiện càng cao và quả của phước thiện càng cao, càng nhiều vô lượng. * Phước thiện thọ phép quy y Tam Bảo, người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, thọ phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới, và thành kính thọ phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới là quy y Đức Phật Bảo, quy y Đức Pháp Bảo, quy y Đức Tăng Bảo, thì có được phước thiện và quả báu nhiều hơn mọi phước thiện bố thí. * Phước thiện giữ giới, người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch thọ trì ngũ giới, rồi giữ gìn cho được trong sạch hoàn toàn và trọn vẹn, để làm nền tảng cho pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ, thì có được phước thiện và quả báu nhiều hơn thọ phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới. * Phước thiện hành thiền định, ví như hành giả thực hành thiền định đề mục niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh vô lượng đạt đến an định (appanāsamādhi), dù trong thời gian khoảnh khắc ngửi mùi thơm, cũng có được phước thiện và quả báu nhiều hơn phước thiện thọ trì giữ giới trong sạch hoàn toàn và trọn vẹn. * Phước thiện hành thiền tuệ, hành giả thực hành pháp hành thiền tuệ có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp, có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, để dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn. Dù trong thời gian khoảnh khắc búng đầu ngón tay, cũng có được phước thiện và quả báu nhiều hơn phước thiện hành thiền định. Phước thiện nhiều hoặc ít thế nào là tùy thuộc vào thiện tâm và đối tượng của thiện tâm ấy.
Phước Thiện Và Quả Báu Của Phước Thiện
Mười phước thiện trong Puññakriyāvatthu thuộc về dục giới đại thiện nghiệp trong 8 dục giới đại thiện tâm. Dục giới đại thiện nghiệp được phân chia nhiều loại thiện nghiệp khác nhau do năng lực của tác ý thiện tâm trong 3 thời kỳ:
1- Pubbacetanā: Thời kỳ trước khi làm phước thiện. 2- Muñcacetanā:Thời kỳ đang khi làm phước thiện. 3- Aparacetanā: Thời kỳ sau khi làm phước thiện.
Quả của mỗi loại nghiệp khác nhau trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và thời kỳ sau khi tái sinh (pavattikāla).
Đại thiện nghiệp trong 8 dục giới đại thiện tâm được phân chia theo nhân (hetu) thì có 2 loại nghiệp: 1- Tihetukakusala: Tam nhân đại thiện nghiệp là đại thiện nghiệp trong 4 đại thiện tâm hợp với trí tuệ (ñāṇa-sampayutta) có đủ 3 nhân: vô tham, vô sân, vô si (trí tuệ). 2- Dvihetukakusala: Nhị nhân đại thiện nghiệp là đại thiện nghiệp trong 4 đại thiện tâm không hợp với trí tuệ (ñāṇavippayutta) chỉ có 2 nhân: vô tham và vô sân, không có vô si
Năng Lực Của Muñcacetanā
* Làm phước thiện như thế nào trở thành tam nhân đại thiện nghiệp hoặc trở thành nhị nhân đại thiện nghiệp? *Nếu khi người có tác ý thiện tâm trong sạch đang khi làm (muñcacetanā) phước thiện nào có diṭṭhiju-kamma, phước thiện chánh kiến hỗ trợ, thì phước thiện ấy trở thành tam nhân đại thiện nghiệp (tihetuka-kusala) là đại thiện nghiệp trong 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ, có đủ 3 nhân: vô tham, vô sân, vô si. * Nếu khi người có tác ý thiện tâm trong sạch đang khi làm (muñcacetanā) phước thiện nào, không có diṭṭhijukamma: phước thiện chánh kiến hỗ trợ, thì phước thiện ấy trở thành nhị nhân đại thiện nghiệp (dvihetukakusala) là đại thiện nghiệp trong dục giới 4 đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, chỉ có 2 nhân: vô tham và vô sân, không có vô si,
Năng Lực Của Pubbacetanā Và Aparacetanā
* Tam nhân đại thiện nghiệp và nhị nhân đại thiện nghiệp do năng lực của pubbacetanā và aparacetanā được phân chia theo bậc cao (ukkaṭṭha) và bậc thấp (omaka) như thế nào? *Nếu khi người có tác ý thiện tâm trong sạch trước khi làm (pubbacetanā) phước thiện nào và có tác ý thiện tâm trong sạch sau khi đã làm (aparacetanā) phước thiện ấy rồi, nếu cả 2 thời kỳ tác ý trong 8 đại thiện tâm hoàn toàn trong sạch, không bị phiền não nào phát sinh xen lẫn làm ô nhiễm trong 2 thời kỳ tác ý ấy, thì phước thiện ấy trở thành tam nhân đại thiện nghiệp bậc cao (ukkaṭṭhakusala), hoặc nhị nhân đại thiện nghiệp bậc cao (ukkaṭṭhakusala). *Nếu khi người có tác ý thiện tâm không trong sạch trước khi làm (pubbacetanā) phước thiện nào, do bị phiền não phát sinh xen lẫn làm ô nhiễm, và có tác ý thiện tâm không trong sạch sau khi đã làm (apara-cetanā) phước thiện ấy rồi, cũng do bị phiền não phát sinh xen lẫn làm ô nhiễm, nếu có thời kỳ tác ý trong 8 đại thiện tâm không trong sạch, do bị phiền não nào phát sinh xen lẫn làm ô nhiễm trong 2 thời kỳ tác ý ấy, thì phước thiện ấy trở thành tam nhân đại thiện nghiệp bậc thấp (omakakusala), hoặc nhị nhân đại thiện nghiệp bậc thấp (omakakusala). Thật ra, trong 2 thời kỳ tác ý pubbacetanā và apara-cetanā ấy, thời kỳ tác ý thiện tâm trước khi làm (pubba-cetanā) phước thiện nào, thì chưa làm, nên thời kỳ tác ý thiện tâm sau khi đã làm (aparacetanā) phước thiện ấy xong rồi, có tầm quan trọng phân định đại thiện nghiệp bậc cao hoặc đại thiện nghiệp bậc thấp. Vì vậy, dù thời kỳ tác ý thiện tâm không trong sạch trước khi làm (pubbacetanā) phước thiện nào, nhưng thời kỳ tác ý thiện tâm trong sạch sau khi đã làm (aparacetanā) phước thiện ấy xong rồi, không bị phiền não phát sinh xen lẫn làm ô nhiễm, thì phước thiện ấy vẫn là tam nhân đại thiện nghiệp bậc cao hoặc nhị nhân đại thiện nghiệp bậc cao. Dù thời kỳ tác ý thiện tâm trong sạch trước khi làm (pubbacetanā) phước thiện nào, nhưng thời kỳ tác ý thiện tâm không trong sạch sau khi đã làm (aparacetanā) phước thiện ấy xong rồi, bị mọi phiền não phát sinh xen lẫn làm ô nhiêm, thì phước thiện ấy vẫn là tam nhân đại thiện nghiệp bậc thấp hoặc nhị nhân đại thiện nghiệp bậc thấp. Tam nhân đại thiện nghiệp và nhị nhân đại thiện nghiệp, mỗi lọai nghiệp có 2 bậc: bậc cao và bậc thấp. Do đó, dục giới đại thiện nghiệp có 4 bậc:
1- Tam nhân đại thiện nghiệp bậc cao, 2- Tam nhân đại thiện nghiệp bậc thấp, 3- Nhị nhân đại thiện nghiệp bậc cao, 4- Nhị nhân đại thiện nghiệp bậc thấp.
1- Tam nhân đại thiện nghiệp bậc cao như thế nào? *Nếu khi người có tác ý thiện tâm trong sạch đang khi làm (muñcacetanā) phước thiện nào có diṭṭhiju-kamma, phước thiện chánh kiến hỗ trợ, thì phước thiện ấy trở thành tam nhân đại thiện nghiệp (tihetuka-kusala) là đại thiện nghiệp trong 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ, có đủ 3 nhân: vô tham, vô sân, vô si. Và nếu khi hành giả có tác ý thiện tâm trong sạch trước khi làm (pubbacetanā) phước thiện nào và có tác ý thiện tâm trong sạch sau khi đã làm (aparacetanā) phước thiện ấy rồi, nếu cả 2 thời kỳ tác ý trong 4 đại thiện tâm hợp với trí tuệ hoàn toàn trong sạch, không bị phiền não nào phát sinh xen lẫn làm ô nhiễm trong 2 thời kỳ tác ý ấy, thì phước thiện ấy trở thành tam nhân đại thiện nghiệp bậc cao (tihetuka ukkaṭṭhakusala).
2- Tam nhân đại thiện nghiệp bậc thấp như thế nào? *Nếu khi người có tác ý thiện tâm trong sạch đang khi làm (muñcacetanā) phước thiện nào có diṭṭhiju-kamma, phước thiện chánh kiến hỗ trợ, thì phước thiện ấy trở thành tam nhân đại thiện nghiệp (tihetuka-kusala) là đại thiện nghiệp trong 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ, có đủ 3 nhân: vô tham, vô sân, vô si. Và nếu khi người có tác ý thiện tâm không trong sạch trước khi làm (pubbacetanā) phước thiện nào, do bị phiền não phát sinh xen lẫn làm ô nhiễm, và có tác ý thiện tâm không trong sạch sau khi đã làm (apara-cetanā) phước thiện ấy xong rồi, cũng do bị phiền não phát sinh xen lẫn làm ô nhiễm, nếu cả 2 thời kỳ tác ý trong 4 đại thiện tâm hợp với trí tuệ không hoàn toàn trong sạch, do bị phiền não nào phát sinh xen lẫn làm ô nhiễm trong 2 thời kỳ tác ý ấy, thì phước thiện ấy trở thành tam nhân đại thiện nghiệp bậc thấp (tihetuka omakakusala).
3- Nhị nhân đại thiện nghiệp bậc cao như thế nào? * Nếu khi người có tác ý thiện tâm trong sạch đang khi làm (muñcacetanā) phước thiện nào, không có diṭṭhijukamma: phước thiện chánh kiến hỗ trợ, thì phước thiện trở thành nhị nhân đại thiện nghiệp (dvihetukakusala) là đại thiện nghiệp trong dục giới 4 đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, chỉ có 2 nhân: vô tham và vô sân, không có vô si, Và nếu khi người có tác ý thiện tâm trong sạch trước khi làm (pubbacetanā) phước thiện nào và có tác ý thiện tâm trong sạch sau khi đã làm phước thiện (aparacetanā) ấy rồi, nếu cả 2 thời kỳ tác ý trong 4 đại thiện tâm không hợp với trí tuệ hoàn toàn trong sạch, không bị phiền não nào phát sinh xen lẫn làm ô nhiễm trong 2 thời kỳ tác ý ấy, thì phước thiện ấy trở thành nhị nhân đại thiện nghiệp bậc cao (dvihetuka ukkaṭṭha-kusala).
4- Nhị nhân đại thiện nghiệp bậc thấp như thế nào? * Nếu khi người có tác ý thiện tâm trong sạch đang khi làm (muñcacetanā) phước thiện nào, không có diṭṭhijukamma: phước thiện chánh kiến hỗ trợ, thì phước thiện ấy trở thành nhị nhân đại thiện nghiệp (dvihetukakusala) là đại thiện nghiệp trong dục giới 4 đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, chỉ có 2 nhân: vô tham và vô sân, không có vô si, Và nếu khi hành giả có tác ý thiện tâm không trong sạch trước khi làm (pubbacetanā) phước thiện nào, do bị phiền não phát sinh xen lẫn làm ô nhiễm, và có tác ý thiện tâm không trong sạch sau khi đã làm (apara-cetanā) phước thiện ấy rồi, cũng do bị phiền não phát sinh xen lẫn làm ô nhiễm, nếu cả 2 thời kỳ tác ý trong 4 đại thiện tâm không hợp với trí tuệ không hoàn toàn trong sạch, do bị phiền não nào phát sinh xen lẫn làm ô nhiễm trong 2 thời kỳ tác ý ấy, thì phước thiện ấy trở thành nhị nhân đại thiện nghiệp bậc thấp (dvihetuka omakakusala). Bốn loại dục giới đại thiện nghiệp này mà mỗi loại có quả của nghiệp khác nhau trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh (pavattilāla) như sau: 1- Tam nhân đại thiện nghiệp bậc cao
a) Thời kỳ tái sinh kiếp sau (Paṭisandhikāla) Tam nhân đại thiện nghiệp bậc cao trong 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, đó là 4 dục giới đại quả tâm hợp với trí tuệ làm phận sự tái sinh kiếp sau: * Nếu 4 dục giới đại quả tâm hợp với trí tuệ làm phận sự tái sinh kiếp sau làm người trong cõi người, thì người ấy là hạng người có tam nhân (tihetukapuggala) nghĩa là người có đủ 3 nhân: vô tham, vô sân, vô si (trí tuệ) từ khi tái sinh đầu thai làm người. Khi sinh ra đời trưởng thành, người ấy vốn có trí tuệ, nếu người ấy thực hành pháp hành thiền định thì có khả năng chứng đắc các bậc thiền sắc giới, các bậc thiền vô sắc giới, chứng đắc các phép thần thông. Nếu người ấy sinh trong thời kỳ Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thời gian, hoặc thời kỳ Phật giáo còn đang tồn tại, người ấy có cơ hội được lắng nghe chánh pháp, rồi thực hành pháp hành thiền tuệ thì có khả năng chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh nhân trong Phật giáo. * Nếu 4 dục giới đại quả tâm hợp với trí tuệ làm phận sự tái sinh kiếp sau làm vị thiên nam hoặc vị thiên nữ trong cõi trời dục giới thì vị chư thiên ấy là hạng chư thiên có tam nhân (tihetukadevatā) nghĩa là vị chư thiên có đủ 3 nhân: vô tham, vô sân, vô si (trí tuệ) từ khi hóa sinh làm vị thiên nam hoặc vị thiên nữ có hào quang rực rỡ chói lọi mọi nơi, có nhiều oai lực trong cõi trời ấy. Nếu vị thiên nam hoặc vị thiên nữ ấy có cơ hội lắng nghe chánh pháp của Đức Phật Chánh Đẳng Giác thì dễ dàng chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh nhân trong Phật giáo. Đức Bồ Tát thiên nam Setaketu tiền kiếp của Đức Phật Gotama, chuyển kiếp (cuti) từ cõi trời Tusita (Đẩu suất Đà thiên), với đệ nhất đại quả tâm hợp với trí tuệ (đệ nhất đại quả tâm hợp với trí tuệ, đồng sinh với hỷ, không cần tác động) làm phận sự tái sinh (paṭisandhi) đầu thai vào lòng mẫu hậu Mahāmayādevī, nhằm vào ngày thứ năm, canh chót đêm rằm tháng sáu (âm lịch), thuộc hạng người có tam nhân. Đức Bồ Tát đản sinh vào ngày rằm tháng tư (âm lịch) được đặt tên là Thái tử Siddhattha. Về sau, Đức Bồ Tát Siddhattha trở thành Đức Phật Gotama. Kiếp hiện tại, nếu người có tam nhân tạo ác nghiệp thì sau khi chết, ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: địa ngục, a-tu-la, ngạ quỷ, súc sinh. Ví dụ như tỳ khưu Devadatta vốn là người có tam nhân có khả năng chứng đắc các bậc thiền sắc giới, chứng đắc phép thần thông. Về sau, tỳ khưu Devadatta tạo ác nghiệp trọng tội làm bầm máu bàn chân của Đức Phật và chia rẽ chư tỳ khưu Tăng, trong 5 ác nghiệp vô gián, nên sau khi tỳ khưu Devadatta chết, chắc chắn ác nghiệp vô gián ấy cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt suốt 100 ngàn đại kiếp trái đât.
b) Thời kỳ sau khi tái sinh (pavattikāla)
Tam nhân đại thiện nghiệp bậc cao trong 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, đó là 8 dục giới đại quả hữu nhân tâm ([1]) và 8 thiện quả vô nhân tâm,([2]) gồm có 16 quả tâm.
* 8 dục giới đại quả hữu nhân tâm * 4 dục giới đại quả hữu nhân tâm hợp với trí tuệ còn làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) phát sinh sau khi vừa chấm dứt mỗi lộ trình tâm (vīthicitta), và lúc nằm ngủ say không chiêm bao, mộng mị, đại quả tâm hợp với trí tuệ này có phận sự giữ gìn duy trì sinh mạng của chúng sinh cho đến trước khi chết. * 4 dục giới đại quả hữu nhân tâm hợp với trí tuệ còn làm phận sự cuối cùng của mỗi kiếp chúng sinh, phận sự tử (cutikicca), chấm dứt mỗi kiếp chúng sinh. Như vậy, 4 dục giới đại quả hữu nhân tâm hợp với trí tuệ làm 3 phận sự: 1- Làm phận sự tái sinh kiếp sau (paṭisandhikicca) bắt đầu của mỗi kiếp chúng sinh ấy. 2- Làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) tiếp theo giữ gìn duy trì sinh mạng của chúng sinh ấy cho đến trước khi chết. 3- Làm phận sự tử (cutikicca) chấm dứt mỗi kiếp chúng sinh ấy. Mỗi kiếp chúng sinh, nếu 1 đại quả hữu nhân tâm hợp với trí tuệ nào làm phận sự tái sinh kiếp sau (paṭisandhikicca), bắt đầu mỗi kiếp chúng sinh ấy, rồi chính 1 đại quả hữu nhân tâm hợp với trí tuệ ấy tiếp theo làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) chúng sinh ấy cho đến trước khi chết, và cũng chính đại quả hữu nhân tâm hợp với trí tuệ ấy làm phận sự tử (cutikicca) cuối cùng chấm dứt kiếp chúng sinh ấy. * 8 dục giới đại quả hữu nhân tâm này còn làm phận sự tiếp nhận đối tượng (tadārammaṇakicca) từ tác hành tâm (javanacitta) còn dư lại 2 sát-na tâm hết tuổi thọ của đối tượng, để chấm dứt lộ trình tâm (vīthicitta). 8 dục giới đại quả hữu nhân tâm này chỉ có thể phát sinh trong 11 cõi dục giới mà thôi, không thể phát sinh trong 15 cõi sắc giới (không có cõi Vô tưởng thiên) và 4 cõi trời vô sắc giới.
* 8 thiện quả vô nhân tâm (ahetukakusalavipāka)
8 thiện quả vô nhân tâm là quả của 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ tiếp nhận những đối tượng tốt đáng hài lòng như sau: - Nhãn thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, nhìn thấy đối tượng sắc, các hình dáng tốt đẹp đáng hài lòng. - Nhĩ thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, nghe đối tượng âm thanh, các âm thanh hay đáng hài lòng. - Tỷ thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, ngửi đối tượng hương, các mùi hương thơm đáng hài lòng. - Thiệt thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, nếm đối tượng vị, các thứ vị đáng hài lòng. - Thân thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, xúc giác đối tượng xúc, cứng, mền, nóng, lạnh đáng hài lòng. - Tiếp nhận tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, tiếp nhận 5 đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, đáng hài lòng. - Suy xét tâm hợp với thọ hỷ thuộc về thiện quả vô nhân tâm, suy xét 5 đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, đáng hài lòng. - Suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc về thiện quả vô nhân tâm, suy xét 5 đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, đáng hài lòng. 8 thiện quả vô nhân tâm này có thể phát sinh trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu trong 11 cõi dục giới, và trong 15 cõi sắc giới (không có cõi Vô tưởng thiên), tùy theo mỗi hạng chúng sinh và tùy theo mỗi cõi chúng sinh, nếu thiện nghiệp có cơ hội cho quả của chúng. Trong cõi người, số người bình thường có đầy đủ mắt, tai, mủi, lưỡi, thân không bị bệnh tật thì 8 thiện quả vô nhân tâm này có thể phát sinh đầy đủ tiếp nhận 5 đối tượng tốt đáng hài lòng. Nếu số người bị mù, bị điếc, … trong kiếp hiện hữu, thì nhãn thức tâm, nhĩ thức tâm không thể phát sinh, nên những người ấy không thể nhìn thấy đối tượng sắc, nghe đối tượng âm thanh, v.v… Trong 6 cõi trời dục giới, chư thiên có đầy đủ 8 thiện quả vô nhân tâm, nên tiếp nhận những đối tượng tốt đáng hài lòng. Trong các cõi trời sắc giới, chư phạm thiên chỉ có nhãn thức tâm phát sinh khi chiêm ngưỡng Đức Phật hoặc chư Thánh A-ra-hán, và nhĩ thức tâm phát sinh khi lắng nghe chánh pháp của Đức Phật hoặc chư Thánh A-ra-hán mà thôi. Còn tỷ thức tâm, thiệt thức tâm, thân thức tâm không phát sinh lên đối với chư phạm thiên, bởi vì trong các cõi trời sắc giới không có đối tượng hương, vị, xúc. Đặc biệt có số loài súc sinh, gia súc nuôi trong nhà như con chó, con mèo, con ngựa, con voi, …8 thiện quả vô nhân tâm cũng có thể phát sinh lên đối với chúng, để tiếp nhận những đối tượng tốt đáng hài lòng. Tuy những con gia súc này đã tái sinh bằng suy xét tâm hợp với thọ xả bất thiện quả vô nhân tâm, nhưng sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, những con gia súc ấy được hưởng quả tốt của thiện nghiệp mà tiền kiếp của chúng đã từng tạo trong kiếp quá khứ, cho nên, chúng nó được sống trong nhà cùng với người. Như con bạch tượng được Đức Vua sử dụng, nên nó được trang sức bằng những đồ trang sức quý giá, được nuôi nấng, chăm nom săn sóc chu đáo. v.v… Đó là quả của thiện nghiệp của chúng trong tiền kiếp.
2- Tam nhân đại thiện nghiệp bậc thấp và Nhị nhân đại thiện nghiệp bậc cao
a) Thời kỳ tái sinh kiếp sau (Paṭisandhikāla) Tam nhân đại thiện nghiệp bậc thấp trong 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ và nhị nhân đại thiện nghiệp bậc cao trong 4 dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ tương đương với nhau cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, đó là 4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ làm phận sự tái sinh kiếp sau:
* Nếu 4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ làm phận sự tái sinh kiếp sau làm người trong cõi người, thì người ấy là hạng người có nhị nhân (dvihetukapuggala) nghĩa là người chỉ có 2 nhân: vô tham và vô sân, không có vô si từ khi tái sinh đầu thai làm người. Khi sinh ra đời trưởng thành, người ấy vốn không có trí tuệ, nếu người ấy thực hành pháp hành thiền định thì không có khả năng chứng đắc bậc thiền sắc giới nào cả. Nếu người ấy sinh trong thời kỳ Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thời gian, hoặc thời kỳ Phật giáo còn đang tồn tại, người ấy có cơ hội được lắng nghe chánh pháp, rồi thực hành pháp hành thiền tuệ thì cũng không có khả năng chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, không chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn, không thể trở thành bậc Thánh nhân trong Phật giáo. * Nếu 4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ làm phận sự tái sinh kiếp sau làm vị thiên nam hoặc vị thiên nữ trong cõi trời dục giới thì vị chư thiên ấy là hạng chư thiên có nhị nhân (dvihetukadevatā) nghĩa là vị chư thiên chỉ có 2 nhân: vô tham và vô sân, không có vô si từ khi hóa sinh làm vị thiên nam hoặc vị thiên nữ có hào quang bình thường, có oai lực bình thường trong cõi trời ấy. Nếu vị thiên nam hoặc vị thiên nữ ấy có cơ hội lắng nghe chánh pháp của Đức Phật Chánh Đẳng Giác thì cũng không chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả nào. Trong kiếp hiện tại, người có nhị nhân cố gắng tinh tấn tạo mọi phước thiện bố thí, phước thiện giữ giới, phước thiện thực hành pháp hành thiền định, thực hành pháp hành thiền tuệ, v.v… Sau khi người có nhị nhân chết, thiện nghiệp thực hành pháp hành thiền tuệ ấy có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau làm người, có khả năng là người có tam nhân.
b) Thời kỳ sau khi tái sinh (pavattikāla)
Tam nhân đại thiện nghiệp bậc thấp trong 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ và nhị nhân đại thiện nghiệp bậc cao trong 4 dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ tương đương với nhau cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, đó là 4 dục giới đại quả hữu nhân tâm không hợp với trí tuệ và 8 thiện quả vô nhân tâm, gồm có 12 quả tâm.
* 4 dục giới đại quả hữu nhân tâm không hợp với trí tuệ * 4 dục giới đại quả hữu nhân tâm không hợp với trí tuệ còn làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) phát sinh sau khi vừa chấm dứt mỗi lộ trình tâm (vīthicitta), và lúc nằm ngủ say không chiêm bao, mộng mị, đại quả tâm này có phận sự giữ gìn duy trì sinh mạng của chúng sinh cho đến trước khi chết. * 4 dục giới đại quả hữu nhân tâm không hợp với trí tuệ còn làm phận sự cuối cùng của mỗi kiếp chúng sinh, phận sự tử (cutikicca), chấm dứt mỗi kiếp chúng sinh.
Như vậy, 4 dục giới đại quả hữu nhân tâm không hợp với trí tuệ làm 3 phận sự: 1- Làm phận sự tái sinh kiếp sau (paṭisandhikicca) bắt đầu của mỗi kiếp chúng sinh ấy. 2- Làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) tiếp theo giữ gìn duy trì sinh mạng của chúng sinh ấy cho đến trước khi chết. 3- Làm phận sự tử (cutikicca) chấm dứt mỗi kiếp chúng sinh ấy. Mỗi kiếp chúng sinh, nếu 1 đại quả hữu nhân tâm không hợp với trí tuệ nào làm phận sự tái sinh kiếp sau (paṭisandhikicca), bắt đầu mỗi kiếp chúng sinh ấy, rồi chính 1 đại quả hữu nhân tâm không hợp với trí tuệ ấy tiếp theo làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) chúng sinh ấy cho đến trước khi chết, và cũng chính đại quả hữu nhân tâm không hợp với trí tuệ ấy làm phận sự tử (cutikicca) cuối cùng chấm dứt kiếp chúng sinh ấy.
* 4 dục giới đại quả hữu nhân tâm không hợp với trí tuệ này còn làm phận sự tiếp nhận đối tượng (tadāram-maṇakicca) từ tác hành tâm (javanacitta) còn dư lại 2 sát-na tâm hết tuổi thọ của đối tượng, để chấm dứt lộ trình tâm (vīthicitta). 4 dục giới đại quả hữu nhân tâm không hợp với trí tuệ này chỉ có thể phát sinh trong 11 cõi dục giới mà thôi, không thể phát sinh trong 15 cõi sắc giới (không có cõi Vô tưởng thiên).
* 8 thiện quả vô nhân tâm
8 thiện quả vô nhân tâm là quả của 4 dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ tiếp nhận những đối tượng loại vừa (không tốt không xâu) như sau: - Nhãn thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, nhìn thấy đối tượng sắc, các hình dáng loại vừa (không tốt không xấu). - Nhĩ thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, nghe đối tượng âm thanh, các âm thanh loại vừa (không hay không dở). v.v….. 8 thiện quả vô nhân tâm này có thể phát sinh trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu trong 11 cõi dục giới, một số cõi sắc giới tùy theo mỗi hạng chúng sinh và tùy theo mỗi cõi chúng sinh, nếu thiện nghiệp có cơ hội cho quả của chúng.
3- Nhị nhân đại thiện nghiệp bậc thấp
a) Thời kỳ tái sinh kiếp sau (Paṭisandhikāla)
Nhị nhân đại thiện nghiệp bậc thấp trong 4 dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, đó là 1 Suy xét tâm hợp với thọ xả thiện quả vô nhân tâm (upekkhāsantīraṇakusala-vipākacitta) làm phận sự tái sinh kiếp sau: * Nếu Suy xét tâm hợp với thọ xả thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau làm người trong cõi người, thì người ấy là hạng người vô nhân (ahetuka-puggala) nghĩa là người không có 3 nhân: vô tham, vô sân, vô si từ khi tái sinh đầu thai, là người bị tật nguyền, bị đui mù, bị câm điếc, người đần độn, khờ khạo, v.v…. Nhưng nếu trường hợp người bị mù, bị câm điếc, … sau khi tái sinh đầu thai làm người, thì người ấy không phải là hạng người vô nhân (ahetukapuggala), mà có thể là hạng người nhị nhân hoặc hạng người tam nhân nào đó. Trường hợp người ấy bị đui mù, câm điếc, … là do ác nghiệp hãm hại nào đó của họ có cơ hội cho quả khổ sau khi tái sinh. * Nếu Suy xét tâm hợp với thọ xả thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau làm vị thiên nam hoặc vị thiên nữ trên mặt đất (bhūmmaṭṭhadevatā) thì vị chư thiên ấy là hạng chư thiên vô nhân (ahetukadevatā) không có 3 nhân: vô tham, vô sân, vô si từ khi hóa sinh, chư thiên bị tật nguyền, bị đui mù, bị câm điếc, đần độn, khờ khạo, v.v….thuộc cõi trời Tứ đại Thiên vương, không có lâu đài riêng của mình như các chư thiên khác, chư thiên này nương nhờ nơi chùa, nhà, núi, rừng, vườn, đất hoang, v.v… *Trong kiếp hiện tại, hạng người vô nhân này vốn không có trí tuệ, nên không thể hiểu biết sâu sắc trong chánh pháp, chỉ có sự hiểu biết tầm thường trong cuộc sống hằng ngày. Sau khi hạng người vô nhân này chết, nếu có dục giới đại thiện nghiệp đã từng tạo trong tiền kiếp của họ, có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau thì cũng sinh làm người có tam nhân hoặc người có nhị nhân vậy. Như trường hợp tiền kiếp của Đức Phật Gotama, có kiếp sinh làm con chim, con voi, …. thậm chí có kiếp sinh trong cõi địa ngục nữa. Thế mà, sau khi mãn quả của ác nghiệp, thoát ra khỏi cõi địa ngục, nhờ thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau làm Thái tử Temiya, v.v…. Cho nên, nghiệp và quả của nghiệp là một điều bất khả tư nghì.
b) Thời kỳ sau khi tái sinh (pavattikāla)
Nhị nhân đại thiện nghiệp bậc thấp trong 4 dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, đó là 8 thiện quả vô nhân tâm, bởi vì nhị nhân đại thiện nghiệp bậc thấp trong 4 dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ này có năng lực rất yếu,
* 8 thiện quả vô nhân tâm
* 1 Suy xét tâm hợp với thọ xả thiện quả vô nhân tâm (upekkhāsantīraṇakusalavipākacitta) làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) phát sinh sau khi vừa chấm dứt mỗi lộ trình tâm (vīthicitta), và lúc nằm ngủ say không chiêm bao, mộng mị, đại quả tâm này có phận sự giữ gìn duy trì sinh mạng của chúng sinh cho đến trước khi chết. * 1 Suy xét tâm hợp với thọ xả thiện quả vô nhân tâm còn làm phận sự cuối cùng của mỗi kiếp chúng sinh, phận sự tử (cutikicca), chấm dứt mỗi kiếp chúng sinh. Như vậy, 1 Suy xét tâm hợp với thọ xả thiện quả vô nhân tâm làm 3 phận sự: 1- Làm phận sự tái sinh kiếp sau (paṭisandhikicca) bắt đầu của mỗi kiếp chúng sinh ấy. 2- Làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) tiếp theo giữ gìn duy trì sinh mạng của chúng sinh ấy cho đến trước khi chết. 3- Làm phận sự tử (cutikicca) chấm dứt mỗi kiếp chúng sinh ấy. 8 thiện quả vô nhân tâm là quả của nhị nhân đại thiện nghiệp bậc thấp trong 4 dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ này tiếp nhận những đối tượng quá tầm thường như: - Nhãn thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, nhìn thấy đối tượng sắc quá tầm thường. - Nhĩ thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, nghe đối tượng âm thanh quá tầm thường. v.v….. Mười phước thiện trong Puññakriyāvatthu thuộc về dục giới đại thiện nghiệp trong 8 dục giới đại thiện tâm. Dục giới đại thiện nghiệp được phân chia ra nhiều loại đại thiện nghiệp khác nhau và quả của mỗi loại đại thiện nghiệp khác nhau trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh (pavattikāla). [1] Hữu nhân tâm là tâm có nhân: vô tham, vô sân, vô si (trí tuệ). [2] Vô nhân tâm là tâm không có nhân nào trong 3 nhân: vô tham, vô sân, vô si (trí tuệ).
Năng Lực Của Muñcacetanā
Đại thiện nghiệp thuộc loại tam nhân đại thiện nghiệp hoặc nhị nhân đại thiện nghiệp là do năng lực của tác ý thiện tâm đang khi làm (muñcacetanā) phước thiện.
*Nếu khi người có tác ý thiện tâm trong sạch đang khi làm (muñcacetanā) phước thiện nào, có diṭṭhiju-kamma: phước thiện chánh kiến hỗ trợ, thì phước thiện ấy trở thành tam nhân đại thiện nghiệp (tihetuka-kusala) là đại thiện nghiệp trong 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ, có đủ 3 nhân: vô tham, vô sân, vô si. * Nếu khi người có tác ý thiện tâm trong sạch đang khi làm (muñcacetanā) phước thiện nào, không có diṭṭhijukamma: phước thiện chánh kiến hỗ trợ, thì phước thiện ấy trở thành nhị nhân đại thiện nghiệp (dvihetukakusala) là đại thiện nghiệp trong dục giới 4 đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, chỉ có 2 nhân: vô tham và vô sân, không có vô si,
Năng Lực Của Aparacetanā
Tam nhân đại thiện nghiệp bậc thấp (omakakusala) trong 4 đại thiện tâm hợp với trí tuệ, và nhị nhân đại thiện nghiệp bậc cao (ukkaṭṭhakusala) trong 4 đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, tương đương với nhau cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, đó là 4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ làm phận sự tái sinh kiếp sau, và cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, đó là 4 dục giới đại quả hữu nhân tâm không hợp với trí tuệ và 8 thiện quả vô nhân tâm, gồm có 12 quả tâm. Đó là do năng lực của tác ý thiện tâm sau khi đã làm (aparacetanā) phước thiện ấy như sau:
*Tam nhân đại thiện nghiệp trong 4 đại thiện tâm hợp với trí tuệ, nếu khi người có tác ý thiện tâm sau khi đã làm (aparacetanā) phước thiện ấy rồi, do bị phiền não phát sinh xen lẫn làm ô nhiễm trong thời kỳ tác ý thiện tâm sau khi đã làm (aparacetanā) phước thiện ấy, thì làm cho phước thiện ấy trở thành tam nhân đại thiện nghiệp bậc thấp (tihetuka omakakusala). Đó là do tác ý thiện tâm sau khi đã làm (apara-cetanā) phước thiện ấy bị ô nhiễm, nên tam nhân đại thiện nghiệp bị hạ xuống bậc thấp. * Nhị nhân đại thiện nghiệp trong 4 đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, nếu khi người có tác ý thiện tâm sau khi đã làm (aparacetanā) phước thiện ấy, rồi phát sinh thiện tâm vô cùng hoan hỷ trong phước thiện ấy, thì làm cho phước thiện ấy trở thành nhị nhân đại thiện nghiệp bậc cao (dvihetuka ukkaṭṭhakusala). Đó là do tác ý thiện tâm trong sạch sau khi đã làm (aparacetanā) phước thiện ấy, nên nhị nhân đại thiện nghiệp được nâng lên bậc cao. Như vậy, do năng lực của aparacetanā bị ô nhiễm, nên làm cho tam nhân đại thiện nghiệp bậc thấp bị hạ xuống, còn do năng lực của aparacetanā trong sạch, nên làm cho nhị nhân đại thiện nghiệp bậc cao được nâng lên, cho nên khi cho quả tương đương trong thời kỳ tái sinh kiếp sau và cho quả tương đương trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu. * Tại sao người tạo nhị nhân đại thiện nghiệp bậc thấp (dvihetuka omakakusala) trong 4 đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau chỉ có 1 suy xét tâm hợp với thọ xả thiện quả vô nhân tâm, và cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu chỉ có 8 thiện quả vô nhân tâm như vậy? Bởi vì người ấy có có tác ý thiện tâm đang khi làm (muñcacetanā) phước thiện nào, không có diṭṭhiju-kamma: phước thiện chánh kiến hỗ trợ, thì phước thiện ấy trở thành nhị nhân đại thiện nghiệp (dvihetuka-kusala) là đại thiện nghiệp trong dục giới 4 đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, chỉ có 2 nhân: vô tham và vô sân, không có vô si (trí tuệ), Và khi người ấy có tác ý thiện tâm không trong sạch trước khi làm (pubbacetanā) phước thiện nào, do bị phiền não phát sinh xen lẫn làm ô nhiễm, và có tác ý thiện tâm không trong sạch sau khi đã làm (apara-cetanā) phước thiện ấy rồi, cũng do bị phiền não phát sinh xen lẫn làm ô nhiễm, nếu cả 2 thời kỳ tác ý trong 4 đại thiện tâm không hợp với trí tuệ không hoàn toàn trong sạch, do bị phiền não nào phát sinh xen lẫn làm ô nhiễm trong cả 2 thời kỳ tác ý ấy, thì phước thiện ấy trở thành nhị nhân đại thiện nghiệp bậc thấp (dvihetuka omakakusala), rất yếu ớt trong 4 đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, nên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau với chỉ là 1 suy xét tâm hợp với thọ xả thiện quả vô nhân tâm, (upekkhāsantīraṇakusalavipākacitta) mà thôi, sinh làm người vô nhân (ahetukapuggala) bị đui mù, câm điếc, tật nguyền từ khi đầu thai, và cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, chỉ có 8 thiện quả vô nhân tâm mà thôi, tiếp nhận các đối tượng rất tầm thường, không đáng hài lòng.
Dục Giới Đại Thiện Nghiệp
Trong cùng một phước thiện, có số người tạo được tam nhân đại thiện nghiệp bậc cao, có số người tạo được nhị nhân đại thiện nghiệp bậc thấp. Quả của hai thiện nghiệp này khác nhau như sau:
* Tam nhân dục giới đại thiện nghiệp bậc cao (tihetuka ukkaṭṭhakusala) trong 4 đại thiện tâm hợp với trí tuệ, cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, đó là 4 đại quả tâm hợp với trí tuệ làm phận sự tái sinh làm người là người có tam nhân (tihetukapuggala) nghĩa là người có đủ 3 nhân: vô tham, vô sân, vô si (trí tuệ) từ khi tái sinh đầu thai làm người. Người có tam nhân ấy có khả năng chứng đắc các bậc thiền sắc giới, các bậc thiền vô sắc giới, cũng có khả năng chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh nhân trong Phật giáo.
*Nhị nhân đại thiện nghiệp bậc thấp (dvihetuka omakakusala) trong 4 đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau chỉ có 1 suy xét tâm hợp với thọ xả thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh làm người là người vô nhân (ahetukapuggala) nghĩa là người không có nhân nào trong 3 nhân: vô tham, vô sân, vô si từ khi tái sinh đầu thai làm người, là người bị đui mù, câm điếc, tật nguyền từ khi đầu thai. Người vô nhân này vốn là người không có trí tuệ, là người si mê, đần độn, chỉ biết những việc tầm thường trong cuộc sống hằng ngày mà thôi.
Như vậy, thật là đáng tiếc biết dường nào khi làm phước thiện mà chỉ được nhị nhân đại thiện nghiệp bậc thấp!
Đoạn Kết
Trong bộ Chú giải Pāḷi Dhammapadaṭṭhakathā (Chú giải Pháp cú kệ), bài kệ thứ 118, Đức Phật thuyết dạy:
“Puññañce purio kayirā, kayirā naṃ punappunaṃ. Tamhi chandaṃ kyirātha, sukho puññassa uccayo.”([1])
Nếu người ta làm phước thiện, Thì nên thường làm phước thiện, Nên làm với thiện tâm hoan hỷ, Trong tất cả phước thiện ấy, Bởi tích lũy nhiều phước thiện, Đem lại mọi sự an lạc. Trong suốt kiếp hiện tại này, lẫn vô số kiếp vị lai.
Mười loại phước thiện trong Puññakriyāvatthu gom lại vào nhau còn 3 loại là phước thiện bố thí, phước thiện giữ giới, phước thiện hành thiền, đó là 3 phước thiện cơ bản mà con người cần phải cố gắng tinh tấn làm cho đầy đủ, để cho kiếp sống hiện tại được thành tựu quả báu an lạc trong cõi người (manussasampatti), được thành tựu quả báu an lạc trong các cõi trời, (devasampatti), nhất là được thành tựu quả báu an lạc Niết Bàn (Nibbānasampatti), bởi vì mỗi phước thiện hỗ trợ với nhau như:
*Người nào có phước thiện bố thí thì hưởng được quả báu của phước thiện bố thí, có nhiều của cải, người ấy được giàu sang phú quý, cuộc sống đầy đủ sung túc, lại càng thuận lợi cho việc làm phước thiện bố thí hơn nữa, để đem lại sự hạnh phúc an lạc trong kiếp hiện tại. * Để hưởng được mọi sự an lạc trong kiếp vị lai, thì người ấy cần phải giữ gìn giới cho được trong sạch và trọn vẹn, để có được phước thiện giữ giới.
Nhờ quả của phước thiện bố thí hỗ trợ, nên người ấy được thuận lợi giữ gìn ngũ giới được trong sạch và trọn vẹn, hoặc thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng, hoặc thọ trì cửu giới uposathasīla, v.v… Nhờ giữ gìn giới trong sạch, nên tránh khỏi mọi thân ác nghiệp, khẩu ác nghiệp, giữ gìn thân và khẩu được trong sạch. Khi người ấy có phước thiện giữ giới, sau khi chết, phước thiện giữ giới cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi thiện giới là cõi người hoặc 1 trong 6 cõi trời dục giới, hóa sinh làm vị thiên nam hoặc vị thiên nữ hưởng mọi sự an lạc vi tế hơn cõi người, cho đến tuổi thọ trong cõi trời dục giới ấy. Trong 6 cõi trời dục giới, cõi trời Tha hóa tự tại thiên là cõi cao nhất, chư thiên có tuổi thọ 16.000 tuổi trời, bằng 9.216 triệu năm ở con người. Bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 1.600 năm ở cõi người. Sau khi hết tuổi thọ (chết), vị chư thiên phải tái sinh kiếp sau tùy theo nghiệp của mình cho quả tái sinh.
* Để có tuổi thọ sống lâu dài, hưởng sự an lạc vô cùng vi tế hơn cõi trời dục giới, người ấy cần phải có phước thiện hành thiền, (bhāvanākusala). Pháp hành thiền có 2 loại:
1- Pháp hành thiền định (Samathabhāvanā), 2- Pháp hành thiền tuệ (Vipassanābhāvanā)
Nương nhờ nơi giới trong sạch, người ấy nên thực hành pháp hành thiền định (samathabhāvanā) là pháp hành dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc giới và 4 bậc thiền vô sắc giới. Nếu hành giả chứng đắc được bậc thiền nào cao nhất thì sau khi chết, chắc chắn chỉ có bậc thiền cao nhất ấy cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi trời sắc giới hoặc cõi trời vô sắc giới phạm thiên tương xứng với bậc thiền sở đắc của hành giả mà thôi, hưởng sự an lạc vô cùng vi tế cho đến hết tuổi thọ trong cõi trời phạm thiên ấy. Sắc giới có 16 cõi, chư phạm thiên sống trong 15 cõi trời sắc giới đều có 5 uẩn trừ cõi Vô tưởng thiên (chư phạm thiên chỉ có 1 uẩn là sắc uẩn). Và vô sắc giới có 4 cõi, chư phạm thiên sống trong cõi trời vô sắc giới này chỉ có 4 uẩn (thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn, không có sắc uẩn). Cõi trời vô sắc giới phạm thiên cao tột đỉnh là cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên có tuổi thọ 84.000 đại kiếp trái đất lâu dài nhất. Chư phạm thiên sống trong cõi trời này, sau khi hết tuổi thọ, chết, nếu không chứng đắc lại bậc thiền vô sắc giới này thì dục giới đại thiện nghiệp trong tiền kiếp cho quả tái sinh kiếp sau xuống cõi người, hoặc cõi trời dục giới. Như vậy, pháp hành thiền định vẫn còn luẩn quẩn trong cảnh khổ tử sinh luân hồi trong tam giới. * Muốn giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, người ấy nương nhờ nơi giới trong sạch, nên thực hành pháp hành thiền tuệ (Vipassanābhāvanā). Pháp hành thiền tuệ là trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh của danh pháp, sắc pháp; thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán. Đến khi hết tuổi thọ, đồng thời bậc Thánh A-ra-hán tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. Như vậy, phước thiện bố thí (dāna kusala), phước thiện giữ giới (sīla kusala), phước thiện hành thiền (bhāvanā kusala) là 3 phước thiện nên được thực hành đầy đủ, chắc chắn sẽ đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài trong kiếp hiện tại và vô số kiếp vị lai. Đặc biệt đến kiếp chót sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Patthanā
Iminā puññakammena, sukhī bhavāma sabbadā. Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo, loke sattā sumaṅgalā.
Vietnam ca raṭṭhikā sabbe, janā pappontu sāsane. Vuḍḍhiṃ viruḷhivepullaṃ, patthayāmi nirantaraṃ.
Do nhờ phước thiện thanh cao này, Cho chúng con thường được an lạc. Cầu mong chánh pháp được trường tồn, Tất cả chúng sinh được hạnh phúc.
Dân tộc Việt Nam được phát triển, Tiến hóa hưng thịnh trong Phật giáo. Bần sư cầu nguyện với tâm thành, Hằng mong được thành tựu như nguyện.
Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo lokasmiṃ. Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo Vietnamraṭṭhasmiṃ.
Cầu nguyện chánh pháp được trường tồn trên thế gian. Cầu nguyện chánh pháp được trường tồn trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Mùa an cư nhập hạ PL: 2555/2011 Rừng Núi Viên Không Xã Tóc Tiên, Huyện Tân Thành Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tỳ khưu Hộ Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) (Aggamahāpaṇḍita)
|