|
Trí tuệ có 3 loại:
- Sutamayapaññā: Trí tuệ phát sinh do nghe từ các bậc thiện trí, do học hỏi, nghiên cứu chánh pháp. - Cintāmayapaññā: Trí tuệ phát sinh do suy xét, tư duy sâu sắc đúng đắn theo chánh pháp. - Bhavanāmayapaññā: Trí tuệ phát sinh do thực hành pháp hành thiền tuệ. trí tuệ thiền tuệ tam giới, trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới. Trí tuệ phát sinh do nghe như thế nào? Hạng thanh văn có đức tin trong sạch nơi bậc đại thiện trí, đến gần gũi thân cận với bậc đại thiện trí, lắng nghe chánh pháp của bậc đại thiện trí, ghi nhớ hiểu rõ chánh pháp của bậc đại thiện trí. Đó là gọi là trí tuệ phát sinh do nghe chánh pháp của bậc đại thiện trí.
Chánh pháp là những pháp nào?
Chánh pháp đó là 37 Pháp Bodhipakkhiyadhamma: 37 Pháp phát sinh Thánh Đạo như sau:
* 4 pháp niệm xứ (satipaṭṭhāna):
1) Niệm thân, 2) Niệm thọ, 3)Niệm tâm, 4)Niệm pháp.
* 4 pháp tinh tấn (samappadhāna):
1) Tinh tấn ngăn các ác pháp chưa phát sinh, không cho phát sinh, 2) Tinh tấn diệt ác pháp đã phát sinh, 3) Tinh tấn làm cho thiện pháp phát sinh, 4)Tinh tấn làm tăng trưởng thiện pháp đã phát sinh.
* 4 pháp thành tựu (iddhipāda):
1)Thành tựu do hài lòng, 2)Thành tựu do tinh tấn 3)Thành tựu do quyết tâm, 4)Thành tựu do trí tuệ.
* 5 pháp chủ (indriya):
1)Tín pháp chủ, 2)Tấn pháp chủ, 3) Niệm pháp chủ, 4) Định pháp chủ, 5) Tuệ pháp chủ.
* 5 pháp lực (bala):
1)Tín pháp lực, 2)Tấn pháp lực, 3) Niệm pháp lực, 4) Định pháp lực, 5) Tuệ pháp lực.
* 7 pháp giác chi (bojjhaṅga):
1) Niệm giác chi, 2) Trạch pháp giác chi, 3) Tinh tấn giác chi, 4) Hỷ giác chi, 5) Tịnh giác chi, 6) Định giác chi, 7) Xả giác chi.
* 8 pháp chánh đạo (magga):
1) Chánh kiến, 2) Chánh tư duy, 3) Chánh ngữ, 4) Chánh nghiệp, 5) Chánh mạng, 6) Chánh tinh tấn, 7) Chánh niệm, 8) Chánh định.
Nếu trường hợp các hạng thanh văn không có cơ hội trực tiếp lắng nghe bậc đại thiện trí, thì nên đọc sách Tam tạng Pāḷi, Chú giải Pāḷi, hoặc nghe máy ghi âm lời giảng giải chánh pháp của bậc đại thiện trí, hoặc nghiên cứu chánh pháp của bậc đại thiện trí, ghi nhớ hiểu rõ chánh pháp của bậc đại thiện trí. Đó cũng gọi là trí tuệ phát sinh do nghe chánh pháp của bậc đại thiện trí.
Trí tuệ phát sinh do suy xét, tư duy như thế nào? Sau khi có trí tuệ phát sinh do nghe chánh pháp của bậc đại thiện trí, hạng thanh văn suy xét kỹ, tư duy sâu sắc, hiểu biết đúng đắn về chánh pháp của bậc đại thiện trí. Đó gọi là trí tuệ phát sinh do suy xét, tư duy sâu sắc đúng đắn theo chánh pháp.
Trí tuệ phát sinh do thực hành pháp hành thiền tuệ như thế nào? Sau khi có trí tuệ phát sinh do nghe và do suy xét, tư duy sâu sắc đúng đắn theo chánh pháp, rồi thực hành pháp hành thiền tuệ để phát sinh trí tuệ thiền tuệ tam giới và trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới. Đó gọi là trí tuệ thiền tuệ phát sinh do thực hành pháp hành thiền tuệ như sau:
* Hạng thanh văn phàm nhân thực hành pháp hành thiền tuệ, phát sinh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp, thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo, Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được 2 loại phiền não là tà kiến và hoài nghi, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.
* Bậc Thánh Nhập Lưu tiếp tục thực hành pháp hành thiền tuệ, phát sinh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp, thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế lần thứ nhì, chứng đắc Nhất Lai Thánh Đạo, Nhất Lai Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được phiền não sân loại thô, trở thành bậc Thánh Nhất Lai.
* Bậc Thánh Nhất Lai tiếp tục thực hành pháp hành thiền tuệ, phát sinh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp, thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế lần thứ ba, chứng đắc Bất Lai Thánh Đạo, Bất Lai Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được phiền não sân loại vi tế, trở thành bậc Thánh Bất Lai.
* Bậc Thánh Bất Lai tiếp tục thực hành pháp hành thiền tuệ, phát sinh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp, thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế lần thứ tư, chứng đắc A-ra-hán Thánh Đạo, A-ra-hán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được tất cả mọi phiền não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng. Đó gọi là trí tuệ phát sinh do thực hành pháp hành thiền tuệ. Trí tuệ là pháp cao thượng, người có trí tuệ là người cao thượng.
(Xong pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc hạ)
ĐOẠN KẾT Quyển sách “Trí Tuệ Siêu Việt ” này được tóm lược Tích Mahosadhajāta ka hoặc tích Umaṅgajātaka, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tiền kiếp của Đức Phật Gotama thực hành pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc hạ (Paññāpāramī).
Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita mới lên 7 tuổi đã có trí tuệ siêu việt hơn hẳn tất cả mọi chúng sinh, không phải cha mẹ dạy Ngài, cũng không phải vị thầy nào dạy Ngài cả. Trí tuệ siêu việt này là quả của các pháp hạnh Ba-la-mật, nhất là pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật mà tiền kiếp của Đức Bồ Tát đã thực hành, đã tích luỹ trải qua từ vô số kiếp trong quá khứ.
Trong đời này, nếu người nào giàu sang phú quý có nhiều của cải quý báu thì những thứ của cải ấy chỉ có ích lợi trong kiếp hiện tại mà thôi. Đến khi người ấy chết chẳng mang theo được một thứ của cải quý báu nào cả.
Sự thật, ngoại trừ bậc Thánh A-ra-hán ra, còn lại tất cả mọi chúng sinh nói chung, đến khi mỗi chúng sinh nào chết, chỉ có mang theo tất cả mọi ác nghiệp và mọi thiện nghiệp, các pháp hạnh Ba-la-mật mà chúng sinh ấy đã tạo và đã tích luỹ từ vô thuỷ trải qua vô số tiền kiếp của chúng sinh ấy mà thôi. Sau khi chúng sinh ấy chết, chỉ có nghiệp của tiền kiếp của chúng sinh ấy cho quả tái sinh kiếp sau:
- Nếu ác nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau thì sinh trong 4 cõi ác giới: địa ngục, Atula, ngạ quỷ, súc sinh. Được sinh làm chúng sinh trong cõi nào, chỉ hoàn toàn tuỳ thuộc vào năng lực quả của ác nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo trong tiền kiếp mà thôi.
- Nếu thiện nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau thì sinh trong cõi thiện giới: cõi người, 6 cõi trời dục giới, 16 cõi trời sắc giới, 4 cõi vô sắc giới. Được sinh làm chúng sinh trong cõi nào, chỉ hoàn toàn tuỳ thuộc vào năng lực quả của thiện nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo trong tiền kiếp mà thôi.
Để giữ gìn tôn ti trật tự trong đời, phải nên căn cứ vào địa vị, tuổi tác….Còn để nhận định giá trị đích thực của một người nào cao thượng hoặc thấp hèn, thì phải căn cứ vào trí tuệ, các pháp hạnh Ba-la-mật của người ấy.
Trong trường hợp trí tuệ của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita được phát sinh trực tiếp từ quả của các pháp hạnh Ba-la-mật, nhất là pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật mà những tiền kiếp của Ngài đã tạo và đã tích luỹ, nay có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại này. Cho nên, mới lên 7 tuổi, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita có trí tuệ siêu việt như vậy.
Pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật có 3 bậc đối với 3 Đức Bồ Tát như sau:
* Pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc hạ đối với chư Bồ Tát Thanh văn Giác, lắng nghe chánh pháp của Đức Phật Chánh Đẳng Giác hoặc bậc Thánh Thanh văn đệ tử của Đức Phật Chánh Đẳng Giác, rồi thực hành pháp hành thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, có số chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo- Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Nhập Lưu; có số chứng đắc đến Nhất Lai Thánh Đạo- Nhất Lai Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhất Lai; có số chứng đắc đến Bất Lai Thánh Đạo- Bất Lai Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Bất Lai; có số chứng đắc đến A-ra-hán Thánh Đạo - A-ra-hán Thánh quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán. Trở thành Thánh nhân bậc nào là hoàn toàn tùy thuộc vào các pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc hạ của bậc Thánh Nhân ấy. Bốn bậc Thánh nhân này là các bậc Thánh Thanh văn đệ tử của Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
* Pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc trung đối với chư Đức Bồ Tát Độc Giác không thầy chỉ dạy, tự mình có khả năng chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán gọi là Đức Phật Độc Giác có nhiều Đức Phật Độc Giác cùng thời trên thế gian.
* Pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc thượng đối với Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác không thầy chỉ dạy, tự mình có khả năng chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán gọi là Đức Phật Chánh Đẳng Giác độc nhất vô nhị trên toàn thế giới chúng sinh.
Trí tuệ là pháp cao thượng, người có trí tuệ là bậc cao thượng trong đời.
Patthanā
Iminā puññakammena, sukhī bhavāma sabbadā. Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo, loke sattā sumaṅgalā.
Vietnam ca raṭṭhikā sabbe, janā pappontu sāsane. Vuḍḍhiṃ viruḷhivepullaṃ, patthayāmi nirantaraṃ.
Lời cầu nguyện
Do nhờ phước thiện thanh cao này, Cho chúng con thường được an lạc. Cầu mong chánh pháp được trường tồn, Tất cả chúng sinh được hạnh phúc.
Dân tộc Việt Nam được phát triển, Tiến hóa hưng thịnh trong Phật giáo. Bần sư cầu nguyện với tâm thành, Hằng mong được thành tựu như nguyện.
Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo lokasmiṃ Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo VietNamraṭṭhasmiṃ.
Cầu nguyện chánh pháp được trường tồn trên thế gian, Cầu nguyện chánh pháp được trường tồn trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Mùa an cư nhập hạ PL. 2554/2010 Rừng Núi Viên Không Xã Tóc Tiên, Huyện Tân Thành Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tel. +84 (0)64 3603274
Tỳ khưu Hộ Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) (Aggamahāpaṇḍita)
Sách Tham Khảo Và Trích Dẫn
* Bộ Chú giải Jātaka (Jātakaṭṭhakathā),
* Tích Mahosadhajātaka hoặc Tích Umaṅgajātaka,
* Suttantapiṭakapāḷi và Aṭṭhakathāpāḷi,
* Bộ Abhidhammatthasaṅgaha của Ngài Đại Trưởng Lão Anuruddha,
* Toàn bộ Mahābuddhavaṃsa của Ngài Đại Trưởng Lão Vicittasārābhivaṃsa, v.v…
|