|
PHÁP-HÀNH-THIỀN (BHĀVANĀ) Chương IX: Bhāvanā: Pháp-Hành-Thiền là chương tiếp theo chương VIII: Pāramī: Pháp Hạnh Ba-La-Mật đã được trình bày trong quyển VI (gồm có 3 tập) của bộ Nền-Tảng-Phật-Giáo. Chương IX: Bhāvanā: Pháp-Hành-Thiền này làquyển VII gồm có 2 phần, có 2 tập: - Tập 1: Phần I: Pháp-hành-thiền-định,
- Tập 2: Phần II: Pháp-hành-thiền-tuệ.
Định Nghĩa Bhāvanā
“Kusaladhamme bhāveti uppādeti vaḍḍhatī’ti bhāvanā.” Trạng-thái nào làm cho thiện-pháp bậc cao phát sinh lên đầu tiên, rồi làm cho thiện-pháp ấy phát triển, trạng-thái ấy gọi là bhāvanā: pháp-hành-thiền. Định nghĩa bhāvanā có 2 đoạn:
1- Đoạn đầu: Kusaladhamme bhāveti uppādeti: Trạng-thái làm cho thiện-pháp bậc cao phát sinh lên đầu tiên. 2- Đoạn sau: Kusaladhamme bhāveti vaḍḍhati: Trạng-thái làm cho thiện-pháp bậc cao phát triển, và tăng trưởng. Bhāvanā có 2 loại:
1- Samathabhāvanā: Pháp-hành-thiền-định có trong Phật-giáo và có ngoài Phật-giáo. 2-Vipassanābhāvanā: Pháp-hành-thiền-tuệ chỉ có trong Phật-giáo, từ khi Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác xuất hiện trên thế gian mà thôi, không có ngoài Phật-giáo. PHẦN I
PHÁP-HÀNH-THIỀN-ĐỊNH
(SAMATHABHĀVANĀ)
Pháp-hành-thiền-định (Samathabhāvanā) là pháp-hành làm cho định-tâm an trú trong một đề-mục-thiền-định duy nhất, dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới-tâm, 4 bậc thiền vô-sắc-giới-tâm, hưởng sự an-lạc trong bậc thiền ấy trong kiếp hiện-tại và hưởng quả của bậc thiền ấy trong kiếp sau kế tiếp. Pháp-hành-thiền-định này đã có trước khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian. Thật vậy, theo tiểu sử của Đức-Phật Gotama, kiếp chót là kiếp Đức-Bồ-Tát Thái-tử Siddhattha của Đức-vua Suddhodana và Chánh- cung Hoàng-hậu Mahāmayādevī. Năm 16 tuổi, Đức-Bồ-Tát Thái-tử Siddhattha được Đức Phụ vương truyền ngôi lên làm vua, và kết hôn cùng với công-chúa Yasodharā. Đức-vua Bồ-Tát Siddhattha làm vua ngự tại kinh thành Kapilavatthu được 13 năm. Năm 29 tuổi, Đức-vua Bồ-Tát Siddhattha từ bỏ ngai vàng, trốn đi xuất gia tìm con đường giải thoát khổ sinh, lão, bệnh, tử, tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài, ngay vào nửa đêm rằm tháng sáu (âm lịch), mặc dù Ngài nghe tin Chánh-cung Hoàng-hậu Yasodharā sinh hạ hoàng-tử Rāhula. Đức-Bồ-Tát Thọ Giáo Pháp-Hành-Thiền-Định Đức-Bồ-Tát Siddhattha trước tiên tìm đến thọ giáo với vị Đạo-sư Ālāra Kālāmagotta. Vị Đạo-sư hân hạnh tiếp nhận Đức-Bồ-Tát, rồi truyền dạy pháp-hành-thiền-định. Đức-Bồ-Tát Siddhattha thực-hành pháp-hành-thiền-định trong thời gian không lâu, Ngài đã chứng đắc 4 bậc thiền sắc-giới, và chứng đắc đến đệ tam thiền vô-sắc-giới gọi là Vô-sở-hữu-xứ-thiền thiện-tâm (Akiñcañ-ñāyatanajjhānakusalacitta) ngang bằng bậc thiền mà vị Đạo-sư Ālāra Kālāmagotta đã chứng đắc. Vị Đạo-sư Ālāra Kālāmagotta tán dương ca tụng tài đức của Đức-Bồ-Tát Siddhattha rằng: - Này hiền giả! Tôi đã chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới nào, thì hiền giả cũng chứng đắc được bậc thiền vô-sắc-giới ấy. Hiền giả chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới nào, thì tôi cũng đã chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới ấy. - Này hiền giả, từ nay, hai chúng ta cùng làm Đạo-sư dạy dỗ nhóm đệ tử này. Đức-Bồ-Tát Siddhattha suy xét rằng: “Bậc đệ tam 1thiền vô-sắc-giới, vô-sở-hữu-xứ-thiền thiện-tâm này sẽ cho quả tái sinh lên cõi vô-sắc-giới Phạm-thiên, cõi Vô-sở-hữu-xứ-thiên, có tuổi thọ sống lâu đến 60.000 đại-kiếp, không phải là pháp dẫn đến sự nhàm chán ngũ-uẩn, không diệt-đoạn-tuyệt được tham-ái, không diệt-đoạn-tuyệt được phiền-não, không chứng ngộ chân-lý tứ-Thánh-đế, không chứng đắc Niết-bàn, không giải thoát khổ sinh, lão, bệnh, tử, không giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài”. Đức-Bồ-Tát Siddhattha không bằng lòng với sở đắc của mình, nên Ngài xin từ giã vị Đạo-sư Ālāra Kālāmagotta khả kính, để đi tìm pháp môn khác, hầu mong giải thoát khổ sinh, lão, bệnh, tử. Sau khi từ giã vị Đạo-sư Ālāra Kālāmagotta, Đức-Bồ-Tát Siddhattha tìm đến vị Đạo-sư Udaka Rāmaputta xin thọ giáo. Vị Đạo-sư hân hoan tiếp nhận Ngài, rồi truyền dạy pháp-hành-thiền-định. Đức-Bồ-Tát thực-hành pháp-hành-thiền-định qua một thời gian không lâu, Ngài chứng đắc 4 bậc thiền sắc-giới và chứng đắc đến đệ tứ thiền vô-sắc-giới tột đỉnh gọi là: Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền thiện-tâm (Nevasaññānāsaññāyatanaj-jhānakusalacitta) là bậc thiền tột đỉnh cõi vô-sắc-giới, ngang bằng với bậc thiền mà vị Đạo-sư Udaka Rāmaputta đã chứng đắc. Vị Đạo-sư Udaka Rāmaputta tán dương ca tụng Đức-Bồ-Tát Siddhattha rằng: - Này hiền giả! Tôi đã chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới tột đỉnh nào, thì hiền giả cũng chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới tột đỉnh ấy. Hiền giả chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới tột đỉnh nào, tôi cũng đã chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới tột đỉnh ấy. - Này hiền giả, tôi xin thỉnh hiền giả làm Đạo-sư dạy dỗ nhóm đệ tử này. Đức Bồ-Tát Siddhattha suy xét rằng: “Bậc đệ tứ thiền vô-sắc-giới, Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền thiện-tâm này sẽ cho quả tái sinh lên cõi trời vô-sắc-giới Phạm-thiên, cõi Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiên, có tuổi thọ sống lâu đến 84.000 đại-kiếp, không phải là pháp dẫn đến sự nhàm chán ngũ-uẩn, không diệt-đoạn-tuyệt được tham-ái, không diệt-đoạn-tuyệt được phiền-não, không chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không chứng đắc Niết-bàn, không giải thoát khổ sinh, lão, bệnh, tử, không giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới”. Sau khi suy xét như vậy, Đức-Bồ-Tát Siddhattha xin từ giã Đạo-sư Udaka Rāmaputta khả kính, để đi tìm pháp môn khác, hầu mong giải thoát khổ sinh, lão, bệnh, tử. Đức-Bồ-Tát Hành Pháp Khổ-Hạnh (Dukkaracariyā) Sau khi từ giã vị Đạo-sư Udaka Rāmaputta, Đức-Bồ-Tát Siddhattha ngự đến khu rừng Uruvelā gần con sông Nerañjarā, nơi đây có nhóm 5 Tỳ-khưu: Ngài Trưởng- lão Koṇḍañña là trưởng nhóm cùng với Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji xin theo hộ độ Đức-Bồ-Tát Siddhattha. Đức-Bồ-Tát Siddhattha tinh tấn thực-hành pháp-hành khổ-hạnh (Dukkaracariyā) là pháp-khó-hành như phương-pháp nín thở ra, thở vào bằng miệng và mũi, hơi thở thoát ra ở hai lỗ tai; rồi tiếp tục nín thở ra, thở vào bằng miệng, bằng mũi và ngăn không để hơi thoát ra hai lỗ tai, hơi đâm lên trên đầu đau dữ dội, hơi đâm xuống bụng đau tức tối, hơi nóng phát ra toàn thân kinh khủng đến nỗi làm cho Đức-Bồ-Tát chết ngất. - Số Chư-thiên tưởng rằng:“Sa-môn Gotama đã chết rồi!” - Số khác tưởng rằng: “Sa-môn Gotama đang gần chết!” - Số khác cho rằng: “Sa-môn Gotama không phải chết, cũng không phải đang gần chết, mà Sa-môn Gotama đang hành pháp của bậc Thánh-A-ra-hán!” Đức-Bồ-Tát tiếp tục giảm vật thực dần dần, ban đầu độ vật thực chỉ vừa lòng bàn tay, từ từ giảm xuống chỉ còn bằng hạt sen… Vì vậy, kim thân của Đức-Bồ-Tát gầy ốm chỉ còn da bọc xương, đến nỗi sờ da bụng, thì đụng phải đường xương sống. Trước kia kim thân của Đức-Bồ-Tát có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc Đại-nhân và 80 tướng tốt phụ, có làn da màu vàng sáng ngời. Đến nay, các tướng tốt của bậc Đại-nhân và các tướng tốt phụ đã biến mất, còn làn da đã trở thành màu đen sẫm. Một hôm, Đức-Bồ-Tát Siddhattha suy xét rằng: “Ta đã thực-hành pháp-hành khổ-hạnh là pháp-khó-hành này suốt 6 năm trường ròng rã, đến chỗ cùng tột rồi. Trong quá-khứ, chưa từng có Sa-môn, Bà-la-môn nào đã thực-hành pháp-hành khổ-hạnh đến mức như ta đang thực-hành. Hiện-tại và vị-lai cũng sẽ không có Sa-môn, Bà-la-môn nào có thể thực-hành pháp-hành khổ-hạnh như ta, thế mà, ta không thể trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác. Như vậy, chắc chắn còn có một pháp-hành nào khác”. Đức-Bồ-Tát Siddhattha hồi tưởng lại: “Khi còn nhỏ, ta cùng đi với Đức Phụ-vương ra đồng làm lễ hạ điền, Đức Phụ-vương để ta ngồi trong một chiếc lều vải dưới gốc cây mận. Ta đã ngồi niệm đề-mục hơi thở vào, hơi thở ra, và ta đã chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm. Vậy, chắc chắn pháp-hành-thiền-định này làm nền tảng, để cho ta có thể trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác cũng nên”. Ngài suy xét rằng: “Bây giờ, thân thể của ta gầy ốm, sức khỏe của ta yếu đuối, ta không thể thực-hành pháp-hành-thiền-định với đề-mục niệm hơi thở vào, hơi thở ra này được. Vậy, điều tốt hơn hết, ta nên thọ thực trở lại, để phục hồi sức khỏe, rồi ta mới có thể thực-hành pháp-hành-thiền-định với đề-mục-thiền-định niệm hơi thở”. Đức-Bồ-Tát Từ Bỏ Pháp-Hành Khổ-Hạnh
Đức-Bồ-Tát Siddhattha đã thực-hành pháp-hành khổ- hạnh là pháp-khó-hành suốt 6 năm trường ròng rã, mà không đạt đến mục đích trở thành Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác, nên Ngài từ bỏ pháp-hành khổ-hạnh, Đức-Bồ-Tát mang bát vào xóm nhà Senā đi khất thực, độ vật thực trở lại trải qua một thời gian sức khoẻ hoàn toàn hồi phục trở lại như xưa. Trong thời kỳ thực-hành pháp-hành khổ-hạnh là pháp-khó-hành, 32 tướng tốt của bậc Đại-nhân và 80 tướng tốt phụ của Đức-Bồ-Tát Siddhattha biến mất. Nay, kim thân của Đức-Bồ-Tát Siddhattha lại hiện rõ 32 tướng tốt của bậc Đại-nhân và 80 tướng tốt phụ, có nước da màu vàng sáng ngời như trước. Vào ngày 14 tháng tư âm lịch, canh chót đêm ấy, Đức-Bồ-Tát Siddhattha nằm thấy 5 điều đại mộng (Mahāsupina). Qua 5 đại mộng này, Ngài đoán biết rằng: “Ngài chắc chắn sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác”. Sáng hôm rằm tháng tư âm lịch, Đức-Bồ-Tát ngự đến ngồi dưới gốc cây da, để chờ đến giờ đi vào xóm khất thực. Tại nơi đây, hằng năm, vào ngày rằm tháng tư này, nàng Sujātā thường đem lễ vật đến cúng dường, tạ ơn Chư-thiên, theo lời nguyện của nàng. Nàng Sujātā là con gái của ông phú hộ Mahāsena ở làng Senā gần khu rừng Uruvelā, khi nàng trưởng thành có đến gốc cây da này cầu nguyện: “Khi tôi trưởng thành được kết duyên với người cùng dòng dõi, cùng giai cấp và sinh được một đứa con trai đầu lòng. Nếu tôi được toại nguyện, thì hằng năm vào ngày rằm tháng tư (âm lịch), tôi sẽ làm lễ cúng dường tạ ơn Chư-thiên cội cây này”. Lời cầu nguyện của nàng được thành tựu như ý, cho nên, hằng năm vào ngày rằm tháng tư âm lịch, nàng Sujātā thường đem cơm sữa đến cúng dường tạ ơn Chư-thiên cội cây này. Từ sáng sớm, nàng Sujātā đã thức dậy vắt sữa tinh khiết của 8 con bò, khi nàng đem nồi đựng sữa để gần vú con bò thứ nhất, thì dòng sữa tự nhiên chảy ra một mạch. Thật là một việc lạ thường chưa từng có bao giờ! Lần lượt 7 con bò còn lại, dòng sữa cũng chảy ra một mạch như vậy. Khi nàng đổ sữa vào nồi nấu cơm, sữa sôi xoay tròn bên phải, không một giọt nào chảy tràn ra bên ngoài, còn lửa củi cháy đều không có một làn khói nào bốc lên. Sở dĩ, có những việc lạ thường như vậy, là vì buổi sáng hôm ấy có Tứ-đại-Thiên-vương trông coi lò lửa, Vua-trời Sakka cõi Tam-thập-Tam-thiên,lấy củi bỏ vào lò, Đức-vua Trời Phạm-Thiên che dù, tất cả Chư-thiên đem những chất bổ dưỡng do năng lực của mình bỏ vào nồi cơm sữa. Nàng Sujātā đem chiếc mâm bằng vàng để đựng cơm, khi nàng đặt mâm gần nồi cơm, thì cơm sữa trong nồi tự nhiên viên lại thành vắt bằng trái thốt nốt lăn ra tuần tự từ nồi sang mâm đúng 49 vắt, thì vừa đầy mâm. Nàng lại chứng kiến thêm một việc lạ thường chưa từng có bao giờ. Nàng lấy một chiếc mâm khác đậy lại rồi phủ lên một lớp vải trắng tinh. Hôm ấy, nàng Sujātā trang điểm bằng những đồ trang sức quý giá, rồi đội mâm cơm sữa cùng người con gái Puṇṇā ([1]) đi theo sau đến gốc cây đa. Nhìn thấy Đức-Bồ-Tát có đầy đủ tướng tốt của bậc Đại-nhân và tướng tốt phụ, hào quang tỏa ra từ kim thân của Ngài sáng chói khắp vùng. Thấy vậy, nàng Sujātā lại càng phát sinh đức tin trong sạch và vô cùng hoan hỷ chưa từng có bao giờ, bởi vì nàng tưởng rằng: “Đức-Bồ-Tát Siddhattha là vị thiên thần cội cây hiện ra, để thọ nhận phẩm vật cúng dường tạ ơn của nàng”. Nàng Sujātācung kính đến gần Đức-Bồ-Tát Siddhattha, đặt chiếc mâm vàng đầy cơm sữa và bình nước, hoa quả, vật thơm, … gần Đức-Bồ-Tát, đảnh lễ cung kính dâng lên Ngài. Khi ấy, cái bát của Ngài bỗng nhiên biến mất, Ngài nhìn nàng Sujātā. Nàng liền bạch rằng: - Kính bạch Đức Thiên-thần, con thành kính dâng lên Ngài chiếc mâm vàng đầy phẩm vật này. Kính xin Ngài từ bi hoan hỷ thọ nhận chiếc mâm vàng đầy phẩm vật này, để cho con được sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc lâu dài. Con được toại nguyện như thế nào, kính xin Ngài cũng được toại nguyện như thế ấy. Đức-Bồ-Tát Siddhattha đưa hai tay ra nhận lấy chiếc mâm vàng đầy phẩm vật cúng dường ấy.
Đức-Bồ-Tát Thọ Nhận Cơm Sữa Của Nàng Sujātā
Sau khi thọ nhận mâm vàng đầy cơm sữa của nàng Sujātā xong, Đức-Bồ-Tát đứng dậy rời khỏi gốc cây da, tay cầm chiếc mâm vàng đầy cơm sữa đi đến bến sông Nerañjarā, nơi mà chư Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác kiếp chót quá-khứ, trước khi trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, cũng đều ngự đến tại bến sông này để tắm, nên bến sông này gọi là bến Supaṭitthita. Ngài đặt mâm vàng đầy cơm sữa tại bến Supaṭitthita, rồi ngự xuống dòng sông Nerañjarā, để tắm. Sau khi tắm xong, Đức-Bồ-Tát mặc y-cà-sa tượng trưng lá cờ chiến thắng của chư Thánh-A-ra-hán, đoạn Ngài ngồi quay mặt về hướng Đông, độ hết 49 vắt cơm sữa, rồi uống hết bình nước. (từ đó về sau suốt 7 tuần lễ gồm 49 ngày, Đức-Phật không độ vật thực và nước, chỉ an hưởng hương vị giải thoát Niết-bàn). Sau khi độ cơm xong, Ngài đứng trên bờ sông, cầm chiếc mâm vàng phát nguyện: “Hôm nay, nếu tôi được trở thành Đức-Phật-Chánh Đẳng-Giác thì xin cho chiếc mâm vàng này sẽ trôi ngược dòng nước; nếu không được thì chiếc mâm vàng này sẽ trôi xuôi theo dòng nước”. Phát nguyện xong, Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha ném chiếc mâm vàng xuống dòng sông Nerañjarā. Thật phi thường thay! Chiếc mâm vàng cắt ngang dòng nước đang chảy, trôi ra giữa sông, rồi từ đó trôi ngược dòng nước một cách vô cùng mau lẹ, khoảng một đoạn khá xa, rồi chiếc mâm vàng chìm sâu xuống đáy nước, đụng phải ba chiếc mâm vàng của ba Đức-Phật quá-khứ: Đức-Phật Kakusandha, Đức-Phật Koṇā-gamana và Đức-Phật Kassapa, phát ra một âm thanh vang dội, làm cho Long vương Kālanāga tỉnh giấc nghĩ rằng: “Hôm qua một Đức-Phật đã xuất hiện, hôm nay sẽ có một Đức-Phật nữa xuất hiện”, rồi thức dậy tán dương ca tụng hằng trăm bài kệ.
Trưa hôm ấy, Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha nghỉ trong khu rừng Sāla, những cây Sāla trong khu rừng bên bờ sông Nerañjarā, đua nhau nở hoa, để cúng dường đến Ngài. Chiều hôm ấy, trên đường Đức-Bồ-Tát Siddhattha ngự đến cội cây Assattha ([2]),dọc theo hai bên đường Chư-thiên trang hoàng những đoá hoa trời rất xinh đẹp, các hàng Chư-thiên ở các cõi trời đua nhau cúng dường hương thơm cùng với thiên nhạc vang rền khắp 10 ngàn thế giới chúng-sinh. Cùng lúc ấy, một người cắt cỏ Sotthiya, trên đường đi ngược chiều lại phía Đức-Bồ-Tát, nhìn thấy Ngài, liền phát sinh đức tin trong sạch, nên dâng cúng Ngài tám nắm cỏ. Đức-Bồ-Tát cầm tám nắm cỏ ngự thẳng đến cội cây Assattha. Khi đứng hướng Nam của cội cây Assattha, Đức-Bồ-Tát nhìn thẳng về hướng Bắc, Ngài có cảm giác mất thăng bằng, như toàn cõi thế giới hướng Nam bị chìm sâu xuống cõi địa ngục Avīci, còn toàn cõi thế giới hướng Bắc được nổi lên đến cõi trời sắc-giới Phạm-thiên tột đỉnh. Ngài nghĩ: “Đây không phải là chỗ ngồi để ta có thể trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác”. Ngài ngự đi sang đứng hướng Tây của cội cây Assattha, Đức-Bồ-Tát nhìn thẳng về hướng Đông, cũng như vậy, Ngài có cảm giác mất thăng bằng, như toàn cõi thế giới hướng Tây bị chìm sâu xuống cõi điạ ngục Avīci, còn toàn cõi thế giới ở hướng Đông được nổi lên đến cõi trời sắc-giới Phạm-thiên tột đỉnh. Ngài nghĩ: “Đây cũng không phải là chỗ ngồi, để ta có thể trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác”. Ngài ngự sang đứng hướng Bắc của cội cây Assattha, Đức-Bồ-Tát nhìn thẳng hướng Nam, cũng như vậy, Ngài có cảm giác mất thăng bằng, như toàn cõi thế giới hướng Bắc bị chìm sâu xuống cõi điạ ngục Avīci, còn toàn cõi thế giới ở hướng Nam được nổi lên đến cõi trời sắc-giới Phạm-thiên tột đỉnh, Ngài nghĩ: “Đây cũng không phải là chỗ ngồi, để ta có thể trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác”. Ngài ngự sang đứng hướng Đông của cội cây Assattha, Đức-Bồ-Tát nhìn thẳng về hướng Tây. Thật phi thường thay! Ngài có cảm giác toàn khắp cõi thế giới đều ở trạng-thái thăng bằng, nên Ngài nghĩ: “Chính đây là chỗ ngồi, để ta có thể chứng đắc thành bậc Chánh-Đẳng-Giác”. Ngôi Bồ Đoàn Toàn Thắng Ác-Ma-Thiên
Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha trải tám nắm cỏ tại hướng Đông của cội cây Assattha. Thật phi thường thay! Tại ngay chỗ ngồi ấy bỗng nhiên hoá thành ngôi bồ-đoàn quý báu, có chiều cao 14 hắc tay thật nguy nga lộng lẫy, mà không có một nhà kiến trúc mỹ thuật nào có thể tạo nên một ngôi bồ-đoàn đẹp tuyệt vời như vậy. Bởi vì, ngôi bồ-đoàn quý báu này phát sinh do thiện-nghiệp 30 pháp hạnh Ba-la-mật đầy đủ trọn vẹn của Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác sắp trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác. Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ngồi kiết già vững vàng trên ngôi bồ-đoàn quý báu, mặt quay về hướng Đông rồi phát nguyện: “Dù cho thịt và máu trong thân ta khô cạn hết, dù sắc thân này chỉ còn da bọc xương đi nữa, nếu ta chưa trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thì ta cũng không bao giờ chịu rời khỏi ngôi bồ-đoàn quý báu này”. Lúc ấy, từ cung trời Tha-Hoá-Tự-Tại-Thiên, Ác-Ma- Thiên hoá ra hàng ngàn cánh tay đều cầm khí giới, cỡi voi trời Girimekhala dẫn đầu đoàn thiên ma tướng, thiên ma binh rầm rộ hiện xuống vây quanh cội cây Assattha, kéo dài 12 do tuần. Bên trên hư không, chúng thiên ma dày đặc 9 do tuần, chúng la hét âm thanh vang dội kinh khủng làm chấn động khắp mọi nơi, quyết tâm tranh giành ngôi bồ-đoàn của Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha.
Vừa mới đây, Chư-thiên, Phạm-thiên từ 10 ngàn thế giới đến cung kính cúng dường, tán dương ca tụng Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha. Khi thoáng nhìn thấy Ác-Ma-Thiên cùng với thiên ma binh, thiên ma tướng trùng trùng điệp điệp từng đoàn, từng lớp hiện xuống, tất cả Chư-thiên, Phạm-thiên đều bay xa lánh mặt, trở về chỗ của mình, chỉ còn một mình Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha vẫn điềm nhiên ngồi ngự trên ngôi bồ-đoàn quý báu, một cách an nhiên tự tại. Ác-Ma-Thiên đã sử dụng đủ mọi loại vũ khí và phép thuật cực kỳ nguy hiểm, quyết sát hại Đức-Bồ-Tát, để chiếm đoạt ngôi bồ-đoàn quý báu ấy, với mục đích ngăn cản không cho Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác. Do oai lực 30 pháp hạnh Ba-la-mật đầy đủ trọn vẹn của Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha sắp trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, nên không có một loại phép thuật hay vũ khí nguy hiểm nào có thể sát hại Ngài được. Quả thật như vậy! Do oai lực 30 pháp hạnh Ba-la-mật của Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác, các loại vũ khí, phép thuật của Ác-Ma-Thiên đều hóa thành những vật cúng dường Ngài. Ngồi trên lưng voi trời Girimekhala, Ác-Ma-Thiên vô cùng căm uất chỉ tay về Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha nói như ra lệnh rằng: - Này Sa-môn Gotama! Nhà ngươi hãy mau mau rời khỏi ngôi bồ-đoàn ấy, vì ngôi bồ-đoàn ấy là của ta, không phải của ngươi! Đức-Bồ-Tát từ tốn đáp lại: - Này Ác-Ma-Thiên! Ngôi bồ-đoàn quý báu này phát sinh do thiện-nghiệp 30 pháp-hạnh Ba-la-mật, 5 hạnh đại-thí, 3 pháp-hành mà Như-Lai đã thực-hành từ vô số kiếp cho đến kiếp hiện-tại này. Vì vậy, ngôi bồ-đoàn này thuộc về của Như-Lai, không phải của ngươi. Khi ấy, chỉ một mình Đức-Bồ-Tát Siddhattha ngồi ngự trên bồ-đoàn quý báu, ngoài ra, không còn có một ai bên cạnh Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha cả, nên Ác-Ma-Thiên đặt câu hỏi bắt bí Đức-Bồ-Tát rằng: - Thưa Sa-môn Gotama! Ngài nói rằng: “Ngôi bồ- đoàn quý báu ấy thuộc về của Như-Lai.” Vậy, ai làm chứng cho Ngài!”
Nhìn xung quanh đều không có một Chư-thiên, Phạm-thiên nào cả, Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha bèn đưa bàn tay phải ra, rồi dùng ngón trỏ chỉ xuống mặt đất như truyền dạy bằng lời chân thật rằng: “Trong vô số tiền kiếp của Như-Lai đã từng thực-hành 30 pháp-hạnh Ba-la-mật, 5 hạnh đại-thí, 3 pháp-hành. Bây giờ, tại nơi đây không có chúng-sinh nào đứng ra làm chứng cho Như-Lai, chỉ có mặt đất, mặt đất không có tâm thức này có thể làm chứng cho Như-Lai được không?” Thật phi thường thay! Lời chân thật của Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha vừa chấm dứt. Ngay tức khắc, mặt đất chuyển mình, rung động, phát ra những tiếng sấm sét long trời lở đất, làm cho Ác-Ma-Thiên kinh hoàng khiếp đảm, giục voi trời Girimekhala bỏ chạy trở về cõi Tha-Hóa-Tự-Tại-Thiên; còn đám thiên ma binh, thiên ma tướng thì vô cùng khiếp sợ, hốt hoảng chạy tán loạn theo Ác-Ma-Thiên trở về cõi trời. Khi ấy, Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha ngồi ngự trên ngôi bồ-đoàn quý báu dưới cội cây Assatthađã toàn thắng Ác-Ma-Thiên, vừa đúng lúc mặt trời sắp lặn hướng Tây, mặt trăng ló dạng hướng Đông. Khắp mười ngàn thế giới chúng-sinh, Chư-thiên các cõi trời dục-giới, Phạm-thiên các cõi trời sắc-giới, Long vương dưới long cung… toàn thể Chư-thiên, Phạm-thiên vui mừng reo hò vang dội khắp các tầng trời, tán dương ca tụng oai lực Ba-la-mật của Đức-Bồ-Tát rằng: - Đức-Bồ-Tát Siddhattha đã toàn thắng rồi! - Ác-Ma-Thiên đã hoàn toàn thất bại rồi!
Cho nên, ngôi bồ-đoàn quý báu này được phát sinh do quả của thiện-nghiệp 30 pháp-hạnh Ba-la-mật của Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha nên gọi là “Aparājitapallaṅka” nghĩa là Ngôi bồ-đoàn quý báu nơi toàn thắng Ác-Ma-Thiên. Chư-thiên, Phạm-thiên đem những phẩm vật quý báu nhất từ cõi trời đến cúng dường, tán dương ca tụng 30 pháp-hạnh Ba-la-mật của Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác. Đức-Bồ-Tát Siddhattha Chứng Đắc Tam-Minh Sau khi Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đã toàn thắng Ác-Ma-Thiên, vào canh đầu đêm rằm tháng tư âm lịch, Ngài thực-hành pháp-hành-thiền-định (samathabhāvanā) với đề-mục niệm hơi thở vào, hơi thở ra (anāpānassati) tuần tự chứng đắc 4 bậc thiền sắc-giới làm nền tảng để chứng đắc Tam-minh. Tam-Minh (Tevijja)
1- Tiền-Kiếp-Minh (Pubbenivāsānussatiñāṇa)
Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha có đệ tứ thiền sắc-giới, định-tâm trong sáng thanh tịnh, thiền-tâm không lay động, làm nền tảng để Ngài hướng tâm đến chứng đắc tiền-kiếp-minh: Trí-tuệ nhớ rõ lại tiền kiếp, từ một kiếp đến hằng trăm kiếp, hằng ngàn kiếp, hằng vạn kiếp, hằng triệu kiếp, hằng triệu triệu kiếp… cho đến vô lượng kiếp không giới hạn.([3]) Tiền-kiếp-minh là trí-tuệ nhớ rõ tiền kiếp thuộc loại chúng-sinh nào, trong cõi giới nào, tên gì, thuộc dòng dõi nào, thực-hành thiện-nghiệp, bất-thiện-nghiệp, thực- hành pháp hạnh Ba-la-mật như thế nào, thọ lạc, thọ khổ, tuổi thọ, v.v… đều ghi nhớ rõ ràng mọi chi tiết. Tiền-kiếp-minh là minh thứ nhất mà Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đã chứng đắc vào canh đầu đêm rằm tháng tư (âm lịch). 2- Thiên-Nhãn-Minh (dibbacakkhuñāṇa)
Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha có đệ tứ thiền sắc-giới, định-tâm trong sáng thanh tịnh, thiền-tâm không lay động, làm nền tảng để Ngài hướng tâm đến chứng đắc thiên-nhãn-minh: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ kiếp quá-khứ, kiếp vị-lai của tất cả chúng-sinh hơn thiên nhãn của Chư-thiên, Phạm-thiên. Thiên-nhãn-minh có 2 loại:
* Tử-sinh-minh (Cutūpapātañāṇa):Trí-tuệ thấy rõ biết rõ sự tử, sự tái sinh của tất cả chúng-sinh muôn loài trong các cõi giới, do nghiệp nào, do quả của nghiệp nào. * Vị-lai-kiến-minh (Anāgataṃsañāṇa): Trí-tuệ thấy rõ những kiếp vị-lai của tất cả chúng-sinh trong muôn loài trong tam-giới. Chư Phật dùng vị-lai-kiến-minh này để thọ ký, xác định thời gian của chúng-sinh trong những kiếp vị-lai xa xăm, còn lại thời gian bao nhiêu đại kiếp trái đất nữa, sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, hoặc Đức-Phật Độc-Giác, hoặc bậc Thánh-Thanh-Văn-Giác… Thiên-nhãn-minh là minh thứ nhì mà Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đã chứng đắc vào lúc canh giữa đêm rằm tháng tư (âm lịch). 3- Trầm-Luân-Tận-Minh (Āsavakkhayañāṇa)
Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha dùng đệ tứ thiền sắc-giới làm nền tảng, để thực-hành pháp-hành-thiền-tuệ suy xét thấy rõ các pháp Thập-nhị-duyên-sinh (Paṭiccasamuppāda) là đối-tượng pháp-hành-thiền-tuệ của chư Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác. * Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác suy xét Thập-nhị- duyên-sinh theo chiều thuận như sau: - Do vô-minh làm duyên, nên các hành sinh,
(Avijjāpaccayā saṅkhārā) - Do hành làm duyên, nên thức sinh,
(Saṅkhārapaccayā viññāṇaṃ) - Do thức làm duyên, nên danh sắc sinh,
(Viññāṇapaccayā nāmarūpaṃ) - Do danh sắc làm duyên, nên lục-nhập sinh,
(Nāmarūpapaccayā saḷāyatanaṃ) - Do lục-nhập làm duyên, nên lục-xúc sinh,
(Saḷāyatanapaccayā phasso) - Do lục-xúc làm duyên, nên lục-thọ sinh,
(Phassapaccayā vedanā) - Do lục-thọ làm duyên, nên lục-ái sinh,
(Vedanāpaccayā taṇhā) - Do lục-ái làm duyên, nên tứ-thủ sinh,
(Taṇhāpaccayā upādānaṃ)
- Do tứ-thủ làm duyên, nênnhị-hữu sinh, (Upādānapaccayā bhavo) - Do nhị-hữu làm duyên, nên tái sinh sinh,
(Bhavapaccayā jāti) - Do tái sinh làm duyên, nên lão tử… sinh.
(Jātipaccayā jarāmaraṇaṃ…)
Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác suy xét Thập-nhị- duyên-sinh theo chiều thuận, chiều sinh, để trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ biết rõ “sự sinh” của mỗi pháp, trí-tuệ-thiền-tuệ chứng ngộ chân-lý Khổ-Thánh-đế và Nhân-sinh- Khổ-Thánh-đế. * Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác suy xét Thập-nhị- nhân-diệt theo chiều nghịch, chiều diệt như sau: - Do diệt tận vô-minh, nên diệt các hành,
(Avijjāyatveva asesavirāganirodhā saṅkhāranirodho) - Do diệt hành, nên diệt thức,
(Saṅkhāranirodhā viññaṇanirodho)
- Do diệt thức, nên diệt danh sắc,
(Viññāṇanirodhā nāmarūpanirodho)
- Do diệt danh sắc, nên diệt lục-nhập,
(Nāmarūpanirodhā saḷāyatananirodho)
- Do diệt lục-nhập, nên diệt lục-xúc, (Saḷāyatananirodhā phassanirodho)
- Do diệt lục-xúc, nên diệt lục-thọ,
(Phassanirodhā vedanānirodho)
- Do diệt lục-thọ, nên diệt lục-ái,
(Vedanānirodhā taṇhānirodho)
- Do diệt lục-ái, nên diệt tứ-thủ, (Taṇhānirodhā upādānanirodho)
- Do diệt tứ-thủ, nên diệt nhị-hữu, (Upādānanirodhā bhavanirodho)
- Do diệt nhị-hữu, nên diệt tái sinh,
(Bhavanirodhā jātinirodho) - Do diệt tái sinh, nên diệt lão tử….
(Jātinirodhā jarāmaraṇaṃ… nirodho)
Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác quán xét Thập-nhị- nhân-diệt theo chiều nghịch, chiều diệt, để trí-tuệ-thiền tuệ thấy rõ, biết rõ “sự diệt” của mỗi pháp, trí-tuệ-thiền- tuệ chứng ngộ chân-lý Diệt-Khổ-Thánh-đế và Pháp-hành-dẫn-đến-Diệt-Khổ-Thánh-đế. Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha không thầy chỉ dạy tự mình suy xét Thập-nhị-duyên-sinh và thập-nhị-nhân-diệt theo chiều thuận - chiều nghịch; chiều sinh - chiều diệt, nên trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ biết rõ sự sinh - sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp; trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái-vô-thường, trạng-thái-khổ, trạng-thái-vô-ngã, của danh-pháp, sắc-pháp, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ day, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt-đoạn-tuyệt được 4 pháp-trầm-luân (āsava),đồng thời diệt-đoạn-tuyệt được mọi tham-ái, mọi phiền-não, và tất cả mọi ác-pháp không còn dư sót, đặc biệt, diệt-đoạn-tuyệt được tất cả mọitiền-khiên-tật-xấu (vāsanā)đãtích lũy từ vô số kiếp trong quá-khứ, trở thành bậc Thánh-A-ra-hán cao thượng nhất đầu tiên trên toàn cõi muôn ngàn thế giới chúng-sinh, nên gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị,có danh hiệu là Đức-Phật Gotama, tại đại cội cây Mahābodhirukkha([4]): cây Đại-Bồ-đề, đúng như 24 Đức-Phật quá-khứ đã từng thọ ký. Trầm-luân-tận-minh là minh thứ 3 mà Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha chứng đắc vào canh chót của đêm rằm tháng tư (âm lịch), vào lúc rạng đông, trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama. Như vậy, Pháp-hành-thiền-định (Samathabhāvanā) là pháp-hành có trước khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian. Còn Pháp-hành-thiền-tuệ (Vipassanā-bhāvanā) là pháp-hành có từ khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian. Samatha: Thiền-Định Định nghĩa Samatha.
Samatha có 3 định nghĩa:
1- Kilese sametī’ti samatho: Hành-giả là hạng thiện-trí phàm-nhân thực-hành pháp-hành nào chế ngự được mọi phiền-não loại trung, đó là 5 pháp-chướng-ngại (nīvaraṇa), pháp-hành ấy gọi là pháp-hành-thiền-định. Pháp-hành-thiền-định này có chi pháp là nhất-tâm tâm-sở (ekaggatā cetasika) đồng sinh với 8 dục-giới đại- thiện-tâm và đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm. 2- Cittaṃ sametī’ti samatho: Hành-giả là bậc Thánh-A-ra-hán ([5])thực-hành pháp-hành nào làm cho định-tâm vững chắc trong một đối-tượng thiền-định duy nhất. Pháp-hành ấy gọi là pháp-hành-thiền-định. Pháp-hành-thiền-định này có chi pháp là nhất-tâm tâm-sở (ekaggatā cetasika) đồng sinh với 8 dục-giới đại- duy-tác-tâm và đệ nhất thiền sắc-giới duy-tác-tâm. 3- Vitakkādi oḷārikadhamme sametī’ti samatho: Hành-giả đã chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới, rồi tiếp tục thực-hành pháp-hành nào, để chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới, v.v… bằng cách chế ngự được chi-thiền loại thô như vitakka, vicāra, v.v… Pháp-hành ấy gọi là pháp-hành-thiền-định. Pháp-hành-thiền-định này có chi pháp là nhất-tâm tâm-sở (ekaggatā cetasika) đồng sinh với dục-giới đại-thiện-tâm, đại-duy-tác-tâm, đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, duy-tác-tâm, đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm, duy-tác-tâm, v.v… cho đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm, duy-tác-tâm. Giải Thích 3 Định Nghĩa: 1- Định nghĩa thứ nhất: Các hành-giả là hạng phàm-nhân có đủ tam-nhân (tihetukaputhujjana) có 2 giai đoạn: * Giai đoạn đầu: Hành-giả tinh tấn thực-hành pháp-hành-thiền-định với dục-giới đại-thiện-tâm có đề-mục-thiền-định có khả năng dẫn đến chứng đắc được đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm. * Giai đoạn cuối: Hành-giả chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm có 5 chi-thiền (jhānaṅga) là vitakka, vicāra, pīti, sukha, ekaggatā có khả năng chế ngự 5 pháp-chướng-ngại (nīvaraṇa) là kāmacchanda, byāpāda, thīnamiddha, uddhaccakukkucca, vicikicchā. Mỗi chi-thiền có khả năng chế ngự được mỗi pháp-chướng-ngại như sau: * Vitakka: Hướng-tâm chế ngự được thīna-middha: buồn-chán - buồn-ngủ,
* Vicāra: Quan-sát chế ngự được vicikicchā: hoài nghi, * Pīti: Hỷ chế ngự được byāpāda: sân-hận, * Sukha: Lạc chế ngự được uddhacca-kukkucca: phóng-tâm, hối-hận, * Ekaggatā: Nhất-tâm chế ngự được kāmacchanda: tham-dục. Định nghĩa thứ nhất, Samatha này chỉ là nhất-tâm tâm-sở (ekaggatā cetasika) đồng sinh trong dục-giới đại- thiện-tâm và đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm mà thôi. Cho nên, định nghĩa này:“Kilese samatī’ti samatho.”
2- Định nghĩa thứ nhì: Các hành-giả là bậc Thánh-A-ra-hánthuộc hạng Paññāvimutta: bậc Thánh-A-ra-hán giải thoát bằng trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới, không có bậc thiền sắc-giới làm nền tảng, làm đối-tượng-thiền-tuệ, nghĩa là bậc Thánh-A-ra-hán vốn là hành-giả không thực-hành pháp-hành-thiền-định trước, mà chỉ thực-hành pháp-hành-thiền-tuệ mà thôi, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt-đoạn-tuyệt mọi phiền-não, mọi tham-ái không còn dư sót, trở thành bậc Thánh-A-ra-hán gọi là Sukkhavipassaka. Nay, bậc Thánh-A-ra-háncó ý nguyện muốn thực- hành pháp-hành-thiền-định, để chứng đắc các bậc thiền sắc-giới và vô-sắc-giới, có 2 giai đoạn: * Giai đoạn đầu: Bậc Thánh-A-ra-hán thực-hành pháp-hành-thiền-định với dục-giới đại-duy-tác-tâm có đề-mục-thiền-định có khả năng dẫn đến chứng đắc được đệ nhất thiền sắc-giới duy-tác-tâm. * Giai đoạn cuối: Bậc Thánh-A-ra-hánchứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới duy-tác-tâm có 5 chi-thiền (jhānaṅga) là vitakka, vicāra, pīti, sukha, ekaggatā không phải để chế ngự 5 pháp-chướng-ngại (nīvaraṇa) nào cả, mà chỉ làm cho định-tâm vững chắc trong một đối-tượng thiền-định mà thôi. Cho nên, định nghĩa này:“Cittaṃ sametī’ti samatho.”
3- Định nghĩa thứ ba: Các hành-giả đó là hạng thiện-trí phàm-nhân có đủ tam-nhân (tihetukaputhujjana), bậc Thánh-Nhập-lưu, bậc Thánh-Nhất-lai, bậc Thánh-Bất-lai đã chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm và bậc Thánh-A-ra-hán đã chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới duy-tác-tâm. Quý Ngài tiếp tục thực-hành pháp-hành-thiền-định để chứng đắc các bậc thiền cao hơn như đệ nhị thiền sắc-giới, đệ tam thiền sắc-giới, v.v... có 2 giai đoạn: * Giai đoạn đầu: Quý Ngài thực-hành pháp-hành-thiền-định với dục-giới đại-thiện-tâm, đại-duy-tác-tâm([6]) có đề-mục-thiền-định có khả năng dẫn đến chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, duy-tác-tâm, v.v… - Giai đoạn cuối: Quý Ngàikhông còn chế ngự 5 pháp-chướng-ngại (nīvaraṇa) nữa, mà chỉ làm cho định-tâm vững chắc có nhiều năng lực theo tuần tự, có khả năng chế ngự được chi-thiền (jhānaṅga) loại thô theo tuần tự là vitakka, vicāra, v.v… không phát sinh, để chứng đắc các bậc thiền sắc-giới bậc cao như sau: * Nếu chế ngự được chi-thiền vitakka thì chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, sắc-giới duy-tác-tâm còn 4 chi-thiền: Vicāra, pīti, sukha, ekaggatā. * Nếu chế ngự được chi-thiền vicāra thì chứng đắc đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm, sắc-giới duy-tác-tâm còn 3 chi-thiền: Pīti, sukha, ekaggatā. * Nếu chế ngự được chi-thiền pīti thì chứng đắc đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm, sắc-giới duy-tác-tâm còn 2 chi-thiền: Sukha, ekaggatā. * Nếu chế ngự được chi-thiền sukha thay bằng chi-thiền upekkhā thì chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm, sắc-giới duy-tác-tâm có 2 chi-thiền: Upekkhā, ekaggatā. Định nghĩa samathathứ ba này là nhất-tâm tâm-sở (ekaggatā cetasika) đồng sinh với dục-giới đại-thiện-tâm, đại-duy-tác-tâm, với đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, sắc-giới duy-tác-tâm cho đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm, sắc-giới duy-tác-tâm. Cho nên, định nghĩa này: “Vitakkādi oḷārikadhamme sametī’ti samatho”.
Samatha có 2 loại:
1- Paritta samatha: Thiền định có năng lực yếu. 2- Mahaggata samatha: Thiền định có năng lực mạnh. Thế nào gọi là paritta samatha? Hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-định, tâm chưa đạt đến appanāsamādhi: an-định, nên gọi là paritta samatha, bởi vìtâm của hành-giả đang còn dục-giới đại-thiện-tâm hoặc dục-giới đại-duy-tác-tâm gần đến appanāsamādhi: an-định. Tuy có 5 chi-thiền hợp với các dục-giới-tâm ấy nhưng năng lực còn yếu. Thế nào gọi là mahaggata samatha? Hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-định, tâm đã đạt đến appanāsamādhi: an-định, nên gọi là mahaggata samatha, bởi vìtâm của hành-giả đã chứng đắc mahag-gatajjhāna đó là sắc-giới thiền thiện-tâm, hoặc sắc-giới thiền duy-tác-tâm (của bậc Thánh-A-ra-hán). Các chi-thiền hợp với các sắc-giới thiện-tâm ấy có nhiều năng lực. Đối với hành-giả phàm-nhân, 5 chi-thiền hợp với đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm ấy có khả năng chế ngự được 5 pháp-chướng-ngại (nīvaraṇa) bằng cách chế ngự, đè nén (vikhambhanapahāna). Pháp-hành-thiền-địnhcó 2 phần:
1- Đối-tượng thiền-định, 2- Tâm biết đối-tượng thiền-định. 1- Đối-Tượng Thiền-Định Đối-tượng thiền-định (Samatha kammaṭṭhāna) là đối-tượng của pháp-hành-thiền-định, gồm có 40 đề-mục-thiền-định ([7])chia ra làm 7 loại như sau: 1- 10 đề-mục kasiṇa, 2- 10 đề-mục tử-thi asubha, 3- 10 đề-mục niệm-niệm anussati, 4- 4 đề-mục tứ-vô-lượng-tâm appamaññā, 5- 1 đề-mục vật-thực đáng nhờm āhāre paṭikkūlasaññā, 6- 1 đề-mục phân tích tứ-đại (catudhātuvavatthāna), 7- 4 đề-mục vô-sắc-giới (āruppa). 1- 10 Đề-Mục-Thiền-Định Kasiṇa 1.1- Đề-mục-thiền-định đất (Pathavīkasiṇa), 1.2- Đề-mục-thiền-định nước (Āpokasiṇa), 1.3- Đề-mục-thiền-định lửa (Tejokasiṇa), 1.4- Đề-mục-thiền-định gió (Vāyokasiṇa), 1.5- Đề-mục-thiền-định màu xanh (Nīlakasiṇa), 1.6- Đề-mục-thiền-định màu vàng (Pītakasiṇa), 1.7- Đề-mục-thiền-định màu đỏ (Lohitakasiṇa), 1.8- Đề-mục-thiền-định màu trắng (Odātakasiṇa), 1.9- Đề-mục-thiền-định hư không (Ākāsakasiṇa), 1.10- Đề-mục-thiền-định ánh sáng (Ālokakasiṇa). Đó là 10 đề-mục-thiền-định (kasiṇa) làm đối-tượng của pháp-hành-thiền-định. 2- 10 Đề-Mục Tử-Thi (Asubha)
2.1- Đề-mục tử-thi trải qua 2-3 ngày (Uddhumātaka), 2.2- Đề-mục tử-thi biến sang màu tím thâm (Vinīlaka), 2.3- Đề-mục tử-thi chảy máu mủ (Vipubbaka), 2.4- Đề-mục tử-thi bị chặt đứt thành nhiều đoạn (Vicchiddaka), 2.5- Đề-mục tử-thi bị chó, quạ, diều hâu, kên kên cắn xé ăn thịt, bỏ rải rác (Vikkhāyitaka), 2.6- Đề-mục tử-thi bị chặt tay, chân, đầu, mình bỏ rải rác (Vikkhittaka), 2.7- Đề-mục tử-thi bị đâm lủng nhiều lỗ (Hatavikkhittaka), 2.8- Đề-mục tử-thi có máu chảy lai láng (Lohitaka), 2,9- Đề-mục tử-thi có giòi (Puḷuvaka), 2.10- Đề-mục tử-thi còn bộ xương trắng (Aṭṭhika). Đó là 10 đề-mục tử-thi (asubha) làm đối-tượng của pháp-hành-thiền-định. 3- 10 Đề-Mục Niệm-Niệm (Anussati) 3.1- Đề-mục niệm-niệm 9 Ân-Đức-Phật (Buddhānussati), 3.2- Đề-mục niệm-niệm 6 Ân-Đức-Pháp (Dhammānussati), 3.3- Đề-mục niệm-niệm 9 Ân-đức-Tăng (Saṃghānussati), 3.4- Đề-mục niệm-niệm giới trong sạch của mình (Sīlānussati) 3.5- Đề-mục niệm-niệm sự bố-thí của mình (Cāgānussati), 3.6- Đề-mục niệm-niệm 5 pháp Chư-thiên có nơi mình (Devatānussati), 3.7- Đề-mục niệm-niệm trạng-thái tịch tịnh an-lạc Niết-bàn (Upasamānussati), 3.8- Đề-mục niệm-niệm sự chết (Maraṇānussati), 3.9- Đề-mục niệm 32 thể trọc (trược) trong thân của mình (Kāyagatāsati), 3.10- Đề-mục niệm hơi thở vào, hơi thở ra (Ānāpānassati). Đó là 10 đề-mục niệm-niệm (anussati) làm đối-tượng của pháp-hành-thiền-định. 4- Đề-Mục Tứ Vô-Lượng-Tâm (Appamaññā) 4.1- Đề-mục niệm rải tâm-từ (Mettā) đến chúng-sinh vô-lượng, 4.2- Đề-mục niệm rải tâm-bi (Karuṇā)đến chúng-sinh vô-lượng, 4.3- Đề-mục niệm rải tâm-hỷ (Muditā) đến chúng-sinh vô-lượng, 4.4- Đề-mục niệm rải tâm-xả (Upekkhā) đến chúng-sinh vô-lượng. Đó là 4 đề-mục niệm rải tâm từ, bi, hỷ, xả đến chúng-sinh vô-lượng (appamaññā) làm đối-tượng của pháp-hành-thiền-định. 5- Đề-Mục Vật Thực Đáng Nhờm Gớm (āhārepaṭikkūlasaññā) 6- Đề-Mục Phân Tích Tứ-Đại (catudhātuvavatthāna) 7- 4 Đề-Mục Thiền-Vô-Sắc (Āruppa) Trong 4 đề-mục thiền-vô-sắc, mỗi đề-mục riêng biệt chỉ có khả năng dẫn đến chứng đắc mỗi bậc thiền vô-sắc-giới riêng biệt mà thôi như sau: 7.1- Đề-mục thiền-vô-sắc-giới thứ nhất gọi là ākāsa-paññatti chỉ để chứng đắc đệ nhất thiền vô-sắc-giới gọi là ākāsānañcāyatanajjhāna:không-vô-biên-xứ-thiền mà thôi 7.2- Đề-mục thiền vô-sắc-giới thứ nhì gọi là paṭhamā-ruppaviññāṇa chỉ để chứng đắc đệ nhị thiền vô-sắc-giới gọi là viññāṇañcāyatanajjhāna: thức-vô-biên-xứ-thiền mà thôi. 7.3- Đề-mục thiền vô-sắc-giới thứ ba gọi là natthi-bhāvapaññatti chỉ để chứng đắc đệ tam thiền vô-sắc-giới gọi là ākiñcaññāyatanajjhāna:vô-sở-hữu-xứ-thiền mà thôi. 7.4- Đề-mục thiền vô-sắc-giới thứ tư gọi là tatiyārup-paviññāṇa chỉ để chứng đắc đệ tứ thiền vô-sắc-giới gọi là nevasaññānāsaññāyatanajjhāna: phi-tưởng-phi- phi-tưởng-xứ-thiền mà thôi. Gồm có 40 đề-mục-thiền-định.
3 Loại Nimitta, 3 Loại Bhāvanā, 3 Loại Samādhi Trong 40 đề-mục-thiền-định phân loại 3 loại nimitta, 3 loại bhāvanā, 3 loại samādhi. 3 Loại Nimitta 1- Parikammanimitta: Đối-tượng đề-mục-thiền-định ban đầulàm đối-tượng của parikammabhāvanā: tâm- hành ban đầu thực-hành pháp-hành-thiền-định. Tất cả 40 đề-mục-thiền-định đều là parikammanimitta. 2- Uggahanimitta: Đối-tượng thô-ảnh-tương-tự của parikammanimitta (đối-tượng đề-mục-thiền-định ban đầu) ấyphát sinh rõ trong tâm theo ý-môn-lộ-trình-tâm (manodvāravīthicitta) có tác-hành-tâm (javanacitta) là dục-giới-đại-thiện-tâm hoặc dục-giới-đại-duy-tác-tâm của bậc Thánh-A-ra-hán, biết rõ đối-tượng thô-ảnh-tương-tự của parikammanimitta ấy. Trong 40 đề-mục-thiền-định chỉ có 22 đề-mục trực tiếp([8]) có uggahanimitta và 18 đề-mục gián tiếp ([9])có uggahanimitta. 3- Paṭibhāganimitta: Đối-tượng quang-ảnh-trong-sáng của đối-tượng uggahanimitta (đối-tượng thô-ảnh-tương-tự) ấy, trở nên hoàn toàn trong sáng được phát sinh rõ trong tâm của hành-giả, theo ý-môn-lộ-trình-tâm (manodvāravīthicitta). Trong 30 đề-mục-thiền-định chỉ có 22 đề-mục trực tiếpcó paṭibhāganimitta và 8 đề-mục gián tiếp([10])có paṭibhāganimitta, gồm có 30 đề-mục-thiền-định. 3 Loại Bhāvanā, 3 Loại Samādhi 1- Parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu thực- hành pháp-hành-thiền-định. Hành-giả bắt đầu thực-hành pháp-hành-thiền-định với các dục-giới lộ-trình-tâm có tác-hành-tâm (javanacitta) dục-giới-đại-thiện-tâm hoặc dục-giới-đại-duy-tác-tâm([11]) phát sinh liên tục có đối-tượng parikammanimitta: đối-tượng đề-mục-thiền-định ban đầu tiến triển tốt trở thành đối-tượng uggahanimitta: đối-tượngthô-ảnh-tương-tự của parikammanimitta (đối-tượng đề-mục-thiền-định ban đầu) ấy. Định-tâm đồng sinh với dục-giới-đại-thiện-tâm hoặc dục-giới-đại-duy-tác-tâm gọi là parikammasamādhi: sơ-định ban đầu thực-hành pháp-hành-thiền-định còn cách xa bậc thiền sắc-giới (mahaggatajjhāna). Tất cả 40 đề-mục-thiền-định đều có parikamma-bhāvanā, parikammasamādhi.
2- Upacārabhāvanā: Tâm-hành cận bậc thiền:
Hành-giả đang thực-hành pháp-hành-thiền-định với các dục-giới ý-môn lộ-trình-tâm có tác-hành-tâm (javana-citta) dục-giới-đại-thiện-tâm hoặc dục-giới-đại-duy-tác-tâm phát sinh liên tục có đối-tượng uggahanimitta: đối-tượng thô-ảnh-tương-tự của đề-mục-thiền-định ấy tiến triển tốt trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta: đối-tượng quang-ảnh-trong-sáng của đề-mục-thiền-định ấy dẫn đến gần bậc thiền sắc-giới. Định-tâm đồng sinh với dục-giới-đại-thiện-tâm hoặc dục-giới-đại-duy-tác-tâm gọi là upacārasamādhi: cận-định trong đề-mục-thiền-định ấy, đạt đến gần bậc thiền sắc-giới (mahaggatajjhāna). Trong các dục-giới lộ-trình-tâm có tác-hành-tâm là dục-giới-đại-thiện-tâm hoặc dục-giới-đại-duy-tác-tâmphát sinh liên tục có đối-tượng đề-mục-thiền-định tiến triển tốt chia làm 2 giai đoạn: * Dục-giới lộ-trình-tâm có tác-hành-tâm (javana-citta) là dục-giới-đại-thiện-tâm hoặc dục-giới-đại-duy-tác-tâm phát sinh liên tục ở giai đoạn đầucòn cách xa bậc thiền sắc-giới, gọi là parikammabhāvanā. * Dục-giới lộ-trình-tâm có tác-hành-tâm (javana-citta) là dục-giới-đại-thiện-tâm hoặc dục-giới-đại-duy-tác-tâm phát sinh liên tục ở giai đoạn sau gần bậc thiền, gọi là upacārabhāvanā. Trong 40 đề-mục-thiền-định chỉ có 10 đề-mục trực tiếp([12]) có upacārabhāvanā và upacārasamādhi mà thôi. 3- Appanābhāvanā: Tâm-hành chứng đắc bậc thiền: Hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-định với sắc-giới lộ-trình-thiền-tâm có tác-hành-tâm (javanacitta) chứng đắc sắc-giới thiền-thiện-tâm hoặc sắc-giới thiền-duy-tác-tâm,gọi là Appanābhāvanā:chứng đắc bậc thiền sắc-giới phát sinh có paṭibhāganimitta đối-tượng quang-ảnh-trong-sáng của đề-mục-thiền-định ấy, Định-tâm đồng sinh với sắc-giới thiện-tâm ấy gọi là appanāsamādhi: an-định trong đề-mục-thiền-định ấy, chứng đắc bậc thiền-sắc-giới (mahaggatajjhāna). Trong 40 đề-mục-thiền-định chỉ có 30 đề-mục ([13]) dẫn đến appanābhāvanā và appanāsamādhi chứng đắc các bậc thiền mà thôi. Chứng đắc bậc thiền sắc-giới hoặc vô-sắc-giới nào hoàn toàn tuỳ thuộc vào khả năng của mỗi đề-mục-thiền-định ấy. (Xem nghi thức lễ thọ pháp-hành-thiền-định trong phần cuối pháp-hành-thiền-định này).
Giảng Giải 40 Đề-Mục-Thiền-Định I- 10 Đề-Mục-Thiền-Định Kasiṇa 10 đề-mục-thiền-định kasiṇa là 10 đề-mục-thiền-định có đủ 3 loại nimitta, 3 loại bhāvanā, 3 loại samādhi, có khả năng dẫn đến chứng đắc đủ 5 bậc thiền sắc-giới. 1.1- Đề-Mục-Thiền-Định Đất (Pathavīkasiṇa) Pathavīkasiṇa=Pathavī+kasiṇa mà thôi.
Pathavī: Đất dùng để làm đề-mục-thiền-định (pathavī-kasiṇa) không phải là thật-tánh của đất (sabhāvapathavī) có trạng-thái cứng hoặc mềm, thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), mà chỉ là đất bình thường tự nhiên (sasambhārapathavī) thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma mà thôi. Kasiṇa: Trọn vẹn đề-mục-thiền-định đất, nghĩa là
hành-giả hướng tâm đến trọn vẹn đề-mục-thiền-định đất, không thiếu một phần nào. Pathavīkasiṇa là đề-mục-thiền-định đất trọn vẹn mà hành-giả dùng làm đề-mục của pháp-hành-thiền-định, có khả năng dẫn đến chứng đắc đầy đủ 5 bậc thiền sắc-giới. Hành-giả là bậc xuất gia tỳ-khưu, sa-di hoặc cận-sự-nam, cận-sự-nữ có ý nguyện muốn thực-hành pháp-hành-thiền-định, với đề-mục-thiền-định đất (pathavīkasiṇa),hành-giảkhông nên biết đến thật-tánh của địa-đại (sabhāvapathavī) có trạng-thái cứng, mềm thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), cũng không nên quan tâm đến màu sắc của đề-mục-thiền-định đất, mà hành-giả chỉ nên hướng tâm đến toàn diện trọn vẹn đối-tượng đề-mục-thiền-định đất (pathavīkasiṇa) là đất bình thường (sasambhārapathavī) thuộc về chế-định-pháp mà thôi.Tiền Kiếp Chứng Đắc Thiền Sắc-Giới * Nếu hành-giả là người đã từng chứng đắc các bậc thiền sắc-giới với đề-mục-thiền-định đất (pathavīkasiṇa) trong tiền kiếp gần kiếp hiện-tại (kiếp trước từ cõi trời sắc-giới tái sinh xuống làm người), thì khi hành-giả hướng tâm đến đất bình thường tự nhiên (sasambhāra-pathavī) nhưmặt đất, đám đất nào đó thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma), làm đối-tượng đề-mục-thiền-định đất gọi là đối-tượng parikammanimitta là đề-mục-thiền-định ban đầu, với parikammabhāvanā: tâm-hành ban đầu bằng dục-giới-đại-thiện-tâm niệm thầm trong tâm rằng:“Pathavī,… Pathavī,… Pathavī,…, hoặc Đất,… Đất,… Đất, …” Định-tâm đồng sinh với dục-giới-đại-thiện-tâm gọi làparikammasamādhi: sơ-định trong đề-mục-thiền-định đất là đối-tượng parikammanimitta ban đầu ấy tiến triển dần dần trở thành đối-tượng uggahanimitta là đối-tượng thô-ảnh-tương-tự như đề-mục-thiền-định đất phát sinh rõ trong tâm. Khi đối-tượng uggahanimitta đã phát sinh, hành-giả không nên hướng tâm đến đối-tượng đề-mục-thiền-định đất bên ngoài nữa, mà chỉ hướng tâm đến đối-tượng uggahanimitta của đề-mục-thiền-định đất ấy bên trong tâm mà thôi, tiến triển dần dần trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta là đối-tượng quang-ảnh-trong-sáng của đề-mục-thiền-định đất phát sinh rõ trong tâm với upacārabhāvanā: tâm-hành cận bậc thiền sắc-giới, đạt đến upacārasamādhi: cận-định gần bậc thiền sắc-giới. Hành-giả tiếp tục thực-hành hướng tâm đến đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta: đối-tượng quang-ảnh-trong-sáng của đề-mục-thiền-định đất ấy với tâm-hành tiến triển dần đến appanābhāvanā: tâm-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới trong sắc-giới lộ-trình-tâm, chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, có appanāsamādhi: an-định trong đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm. Sau khi chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành-thiền-định với đề-mục-thiền-định đất (pathavīkasiṇa) ấy, bắt đầu hướng tâm đến đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta là đối-tượng quang-ảnh-trong-sáng của đề-mục-thiền-định đất ấy với tâm-hành tiến triển dần đến appanābhāvanā: tâm-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới trong sắc-giới lộ-trình-tâm, chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, có appanā-samādhi: an-định trong đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm. Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành-thiền-định với đề-mục-thiền-định đất (pathavīkasiṇa) ấy như vậy, theo tuần tự chứng đắc đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm, đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm một cách thuận lợi đối với hành-giả ấy. * Nếu hành-giả là người không chứng đắc đề-mục- thiền-định đất trong tiền kiếp gần kiếp hiện-tại, thì hành-giả cần phải làm đề-mục-thiền-định đất như sau: Cách Làm Đề-Mục-Thiền-Định Đất (Pathavīkasiṇa) Hành-giả tìm đất sét màu mặt trời hừng đông rất sạch sẽ và dẻo, nhồi đất sét ấy cho thật nhuyễn, rồi cán mỏng ra trên tấm ván thành bánh tròn bằng phẳng trơn tru, không có vật dơ nào dính trên mặt hoàn toàn sạch sẽ, cũng không có màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng lẫn lộn, cắt bánh hình tròn có đường kính 1 gang và 4 lóng tay nằm ngang, dùng màu xanh hoặc màu trắng, vẽ một đường viền bằng ¼ lóng tay vòng quanh chu vi hình tròn đất sét, để làm nổi phần đất sét “Đề-mục-thiền-định đất (Pathavīkasiṇa)”. Đề-mục-thiền-định đất (Pathavīkasiṇa) trung bình có đường kính 1 gang và 4 lóng tay nằm ngang, đối với các hành-giả. Nhưng nếu đối với hành-giả có tính hay suy- nghĩ (vitakkacarita) thì nên làm đề-mục-thiền-định đất nhỏ lại 2 hoặc 3 lóng tay, để phù hợp với tính hay suy- nghĩ. Vàđối với hành-giả có tính-si (mohacarita) thì nên làm đề-mục-thiền-định đất lớn thêm 4 hoặc 8 lóng tay, để phù hợp với tính-si. Đề-mục-thiền-định đất (pathavīkasiṇa) mà hành-giả sử dụng làm đối-tượng để thực-hành pháp-hành-thiền-định, hành-giả nên biết tôn kính, và giữ gìn sạch sẽ như tượng Đức-Phật. Đặt Đề-Mục-Thiền-Định Đất (Pathavīkasiṇa) Sau khi đã làm đề-mục-thiền-định đất xong, hành-giả
cần phải tìm một nơi thanh vắng, thuận lợi cho việc thực-hành pháp-hành-thiền-định. Hành-giả đặt đề-mục-thiền-định đất ngay trước mặt ngang tầm mắt, không cao, không thấp, cách chỗ ngồi khoảng 2 cùi và 1 gang tay. Nếu hành-giả ngồi cách xa quá thì mắt không nhìn thấy rõ trọn vẹn đề-mục-thiền-định đất, hoặc nếu ngồi gần quá thì mắt nhìn thấy rõ dấu tay, những tỳ trên mặt đề-mục-thiền-định đất. Như vậy, làm trở ngại cho định-tâm trong đề-mục- thiền-định đất, và làm cho đối-tượng uggahanimitta: thô-ảnh-tương-tự như đề-mục-thiền-định đất khó phát sinh. Cho nên, hành-giả ngồi không xa quá, cũng không gần quá với đề-mục-thiền-định đất (pathavīkasiṇa) ấy. Pháp Hỗ Trợ Pháp-HànhThiền Thực-hành pháp-hành-thiền-định hoặc pháp-hành-thiền-tuệ cho được thuận lợi, hành-giả cần phải biết nhữngpháp hỗ trợ như sau: * Để có đức tin trong sạch trong pháp-hành-thiền-định, pháp-hành-thiền-tuệ, hành-giả nên niệm tưởng đến 9 Ân-Đức-Phật, 6 Ân-Đức-Pháp, 9 Ân-đức-Tăng. * Để tránh mọi sự trở ngại và tai hại, hành-giả nên niệm rải tâm-từ đến tất cả chúng-sinh vô-lượng trong muôn loài. * Để diệt tâm tham-ái trong 5 đối-tượng ngũ dục: sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục, xúc dục, hành-giả nên niệm về 32 thể trược (trọc) trong thân của mình. * Để có sự tinh-tấn thực-hành pháp-hành-thiền-định, pháp-hành-thiền-tuệ, hành-giả niệm về sự chết. Bốn pháp hỗ trợ này được áp dụng tùy lúc, hợp thời. Phương-Pháp Thực-Hành Đề-Mục-Thiền-Định Đất Sau khi ngồi trong tư thế 2 chân bắt tréo lên nhau ngay thẳng trước đề-mục-thiền-định đất (pathavīkasiṇa), hành-giả chắp 2 tay cung kính đề-mục-thiền-định đất, rồi đặt bàn tay phải trên bàn tay trái trên 2 bàn chân, mắt nhìn thẳng đến toàn diện trọn vẹn đối-tượng đề-mục-thiền-định đất, không nên nhìn một phần nào của đề-mục-thiền-định đất ấy. Khi hành-giả hướng tâm đến trọn vẹn đối-tượng đề-mục-thiền-định đất, không nên biết đến thật-tánh của địa-đại (sabhāvapathavī) có trạng-thái cứng, mềm thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), cũng không nên quan tâm đến màu sắc của đề-mục-thiền-định đất, mà hành-giả chỉ nên hướng tâm đến trọn vẹn đối-tượng đề-mục-thiền-định đất là đất bình thường (sasambhāra-pathavī) thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma) mà thôi. Thực-Hành Đề-Mục-Thiền-Định Đất Pathavīkasiṇa Hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-định, với đề-mục-thiền-định đất (pathavīkasiṇa) gọi là đối-tượng parikammanimitta, là đề-mục-thiền-định ban đầuvới parikammabhāvanā: tâm-hành ban đầu trong dục-giới lộ-trình-tâm có tác-hành-tâm (javanacitta) dục-giới-đại-thiện-tâm niệm thầm trong tâm rằng: “Pathavī,… Pathavī, … Pathavī, … hoặc Đất, … Đất, … Đất,…” từng lúc khoảng 2-3 giây đồng hồ một lần, không nên niệm liên tục như niệm chú, nên thường mở mắt hướng tâm nhìn thẳng đến toàn diện trọn vẹn đề-mục-thiền-định đất (pathavīkasiṇa) ấy, càng lâu càng tốt, không nên thường nháy mắt, làm trở ngại đối-tượng uggahanimitta: thô-ảnh-tương-tự của đề-mục-thiền-định đất phát sinh rõ trong tâm. Nếu hành-giả cảm thấy mỏi mắt thì nhắm mắt niệm thầm một lát, rồi mở mắt trở lại niệm thầm “Pathavī,… Đất,…” như vậy, cho đến khi đối-tượng parikamma-nimitta là đối-tượng đề-mục-thiền-định ban đầu tiến triển dần dần trở thành đối-tượng uggahanimitta là đối-tượng thô-ảnh-tương-tự như đề-mục-thiền-định đất (pathavīkasiṇa) phát sinh rõ ràng trong tâm. Định-tâm đồng sinh với dục-giới-đại-thiện-tâm gọi là parikammasamādhi: sơ-định ban đầu thực-hành pháp- hành-thiền-định còn cách xa bậc thiền sắc-giới. Đối-Tượng Uggahanimitta Phát Sinh Rõ Trong Tâm Khi đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh-tương-tự như đề-mục-thiền-định đất đã phát sinh rõ trong tâm, hành-giả cần phải thay đổi chỗ ngồi, hoặc ngồi quay sang hướng khác, không còn phải mở mắt hướng tâm nhìn thẳng đến đề-mục-thiền-định đất bên ngoài nữa, mà chỉ hướng tâm nhìn đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh-tương-tự như đề-mục-thiền-định đất bên trong tâm của hành-giả mà thôi. Đối-Tượng Uggahanimitta Biến Mất Trong Tâm Nếu đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh-tương-tự như đề-mục-thiền-định đất ấy bị biến mất thìhành-giả cần phải quay trở lại mở mắt bình thường hướng tâm nhìn thẳng đến trọn vẹn đề-mục-thiền-định đất (pathavī-kasiṇa) ấy với parikammabhāvanā: tâm-hành ban đầu với dục-giới-đại-thiện-tâm niệm thầm trong tâm rằng: “Pathavī,... Pathavī,… Pathavī,… hoặc Đất,… Đất,… Đất,… Đất,…” như trước cho đến khi đối-tượng uggaha- nimitta là thô-ảnh-tương-tự như đề-mục-thiền-định đất phát sinh rõ trở lại trong tâm như trước. Sự Khác Nhau Parikammanimitta Với Uggahanimitta Đối-tượng parikammanimitta và đối-tượng uggaha-nimitta của đề-mục-thiền-định đất (pathavīkasiṇa) là 2 đối-tượng có hình dáng, màu sắc, lớn nhỏ giống nhau, chỉ có điểm khác nhau như sau: * Đối-tượng parikammanimitta của đề-mục-thiền-định đất ban đầu là đối-tượng đề-mục-thiền-định đất hiện-tại, mà hành-giả ban đầu thực-hành pháp-hành-thiền-định, mở mắt bình thường hướng tâm nhìn thẳng đến toàn diện trọn vẹn đề-mục-thiền-định đất ấy với nhãn-môn-lộ-trình-tâm (cakkhudvāravīthi). * Đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh-tương-tự của đề-mục-thiền-định đất ấy là đối-tượng hình ảnh quá-khứ thô và tương tự với đề-mục-thiền-định đất được phát sinh rõ trong tâm, theo ý-môn-lộ-trình-tâm (manodvāravīthi). Đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh-tương-tự của đề-mục thiền-định đất được phát sinh rõ trong tâm mau hoặc chậm là tùy thuộc vào 5 pháp-chủ: tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ và các pháp-hạnh Ba-la-mật của hành-giả. Khi đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh-tương-tự của đề-mục-thiền-định đất (pathavīkasiṇa) đã phát sinh rõ như gắn dính trong tâm của hành-giả. Cho nên, hành-giả khi đứng, hoặc khi ngồi, hoặc khi nằm, hễ khi nhắm mắt lại thì đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh-tương-tự của đề-mục-thiền-định đất liền phát sinh rõ trong tâm. Đối-Tượng Paṭibhāganimitta Phát Sinh Trong Tâm Nếu hành-giả thuộc hạng người tam-nhân (tihetuka-puggala) có đủ 3 nhân: vô tham, vô sân, vô si (trí-tuệ) thì khi thực-hành pháp-hành-thiền-định với đề-mục- thiền-định đất, có khả năng làm cho đối-tượng uggahanimitta của đề-mục-thiền-định đất ấy diễn biến dần dần trở nên hoàn toàn trong sạch thanh khiết, trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta là đối-tượng quang-ảnh-trong-sáng của đề-mục-thiền-định đất phát sinh rõ ràng trong tâm. Sự Khác Nhau Uggahanimitta Với Paṭibhāganimitta * Đối-tượng uggahanimitta và đối-tượng paṭibhāga-nimittacủa đề-mục-thiền-định đất (pathavīkasiṇa) cả 2 đối-tượng đều phát sinh rõ trong tâm, theo ý môn dục-giới lộ-trình-tâm, chỉ có khác nhau như sau: * Đối-tượng uggahanimitta là thô-ảnh-tương-tự quá-khứ hoàn toàngiống như đề-mục-thiền-định đất ban đầu như các dấu tay, mặt đất có tỳ chút đỉnh, có màu lẫn lộn,v.v…như thế nào, khi đối-tượng uggahanimitta được phát sinh rõ trong tâm cũng có các dấu tay, mặt đất có tỳ chút đỉnh, có màu lẫn lộn, v.v… cũng đều như thế ấy. * Đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh-trong-sáng không giống như đề-mục-thiền-định đất ban đầu, bởi vì các dấu tay, mặt đất có tỳ chút đỉnh, có màu lẫn lộn, v.v… hoàn toàn biến mất, không còn một tỳ nhỏ nào cả, thay vào đó chỉ là hình ảnh hoàn toàn trong sáng thanh khiết mà thôi. Thật ra, đối-tượng paṭibhāganimitta của đề-mục- thiền-định đất làdo năng lực của thiền định tiến triển làm cho đối-tượng uggahanimitta của đề-mục-thiền-định đất diễn biến dần dần biến mất các dấu tay, các tỳ, màu sắc, v.v… Vì vậy, đối-tượng uggahanimitta biến đổi trở nên hoàn toàn trong sáng thanh khiết, trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta của đề-mục-thiền-định đất ấy. Đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta không phải là đối-tượng chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) mà chỉ là đối-tượng chế-định-pháp (paññattidhamma) mà thôi. Như vậy, từ đề-mục-thiền-định đất (pathavīkasiṇa) gọi là đối-tượng parikammanimitta ban đầu tiến triển dần dần trở thành đối-tượng uggahanimitta của parikammabhāvanā, và parikammasamādhi. Từ đối-tượng uggahanimitta tiến triển dần dần trở thành đối-tượng paṭibhāganimitta của upacārabhāvanā, và upacārasamādhi: cận-định có đối-tượng paṭibhāga- nimitta của đề-mục-thiền-định đất ấy, gần bậc thiền sắc-giới (mahaggatajjhāna). Do năng lực của upacārasamādhi: cận-định gần bậc thiền sắc-giới, nên làm giảm dần tiềm năng của 5 pháp- chướng-ngại (nīvaraṇa) không có cơ hội phát sinh. 5 Pháp-Chướng-Ngại (Nīvaraṇa):
1- Tham-dục trong ngũ dục (kāmacchandanīvaraṇa), 2- Sân-hận không hài lòng trong đối-tượng (byāpāda- nīvaraṇa) 3- Buồn-chán, buồn-ngủ buông bỏ đối-tượng (thīna- middhanīvaraṇa) 4- Phóng-tâm, hối-hận, (uddhaccakukkuccanīvaraṇa), 5- Hoài-nghi (vicikicchānīvaraṇa). Năm pháp-chướng-ngại (nīvaraṇa) này bị chế ngự làm cho yếu dần bởi năng lực của upacārasamādhi có đối-tượng paṭibhāganimitta. Đối-Tượng Paṭibhāganimittacó 2 giai đoạn: - Giai đoạn đầu: Đối-tượng paṭibhāganimitta của đề-mục-thiền-định đất (pathavīkasiṇa) là đối-tượng của upacārabhāvanā: tâm-hành cận bậc thiền sắc-giới. Hành-giả đang thực-hành pháp-hành-thiền-định với đề-mục-thiền-định đất, các dục-giới lộ-trình-tâm có tác-hành-tâm (javanacitta), dục-giới-đại-thiện-tâm có đối-tượng paṭibhāganimitta của đề-mục-thiền-định đất. Định-tâm đồng sinh với dục-giới-đại-thiện-tâm gọi là upacārasamādhi: cận-định có đối-tượng paṭibhāga-nimitta của đề-mục-thiền-định đất ấy, đạt đến cận-định, gần bậc thiền sắc-giới (mahaggatajjhāna). - Giai đoạn sau: Đối-tượng paṭibhāganimitta của đề-mục-thiền-định đất (pathavīkasiṇa) là đối-tượng của appanābhāvanā: tâm hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới. * Nếu hành-giả là hạng người tam-nhân (tihetuka-puggala) thuộc hạng tikkhapuggala: hành-giả có trí-tuệ sắc bén nhanh nhạy, tiền kiếp gần kiếp hiện-tại đã từng chứng đắc các bậc thiền sắc-giới, thì kiếp hiện-tại này, hành-giả hướng tâm đến đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh-trong-sáng của đề-mục-thiền-định đất, với appanābhāvanā: tâm hành dễ dàng chứng đắc sắc-giới-thiền thiện-tâm trong sắc-giới lộ-trình-thiền-tâm. Định-tâm đồng sinh với sắc-giới thiền-thiện-tâm gọi là appanāsamādhi: an-định vững chắc trong đối-tượng paṭibhāganimitta của đề-mục-thiền-định đất (pathavī-kasiṇa) ấy, chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm (paṭhamajjhānakusalacitta). * Nếu hành-giả là hạng người tam-nhân (tihetuka-puggala) thuộc hạng mandapuggala: hành-giả có trí-tuệ chậm, tiền kiếp gần kiếp hiện-tại không chứng đắc các bậc thiền sắc-giới, thì kiếp hiện-tại này, hành-giả dù hướng tâm đến đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh-trong-sáng của đề-mục-thiền-định đất (pathavīkasiṇa), với appanābhāvanā: tâm-hành chậm chứng đắc sắc-giới-thiền thiện-tâm trong sắc-giới lộ-trình-thiền-tâm. Định-tâm đồng sinh với sắc-giới thiền-thiện-tâm gọi là appanāsamādhi: an-định vững chắc trong đối-tượng paṭibhāganimitta của đề-mục-thiền-định đất (pathavī-kasiṇa) ấy, chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm (paṭhamajjhānakusalacitta). *Nếu đối-tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh-trong-sáng của đề-mục-thiền-định đất (pathavīkasiṇa) tuy đã phát sinh rõ trong tâm của hành-giả, nhưng chưa chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, thìhành-giả cần phải giữ gìn đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta ấy một cách rất thận trọng, ví như Chánh-cung Hoàng-hậu có thai, các quân sư Bà-la-môn tiên đoán thai nhi là thái tử, khi sinh ra đời, đến lúc trưởng thành sẽ là Đức-Chuyển-luân Thánh-vương. Vì vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu cần phải giữ gìn thai nhi rất thận trọng như thế nào, hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-định, khi có đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta đã phát sinh rõ trong tâm cũng cần phải giữ gìn rất thận trọng cũng như thế ấy. Pathavīpaṭibhāganimitta Biến Mất Khi ban đầu đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta phát sinh rõ trong tâm, thì tâm của hành-giả đang là upacāra-bhāvanā: tâm-hành cận bậc thiền sắc-giới, có định-tâm là upacārasamādhi: cận-định gần bậc thiền sắc-giới. * Nếu hành-giả giữ gìn đối-tượng pathavīpaṭibhāga-nimitta thiếu thận trọng thì đối-tượng pathavīpaṭibhāga- nimitta ấy dễ bị biến mất. Nếu khi đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta ấy bị biến mất thì tâm của hành-giả xuống bậc thấp parikam-mabhāvanā có định-tâm là parikammasamādhi: sơ-định ban đầu thực-hành pháp-hành-thiền-định còn cách xa bậc thiền sắc-giới (mahaggatajjhāna). Cho nên, hành-giả nên bắt đầu trở lại thực-hành pháp-hành-thiền-định với đề-mục-thiền-định đất theo tuần tự như trước, cho đến khi đối-tượng pathavīpaṭibhāga-nimitta phát sinh rõ trở lại trong tâm của hành-giả. Cách Giữ Gìn Paṭibhāganimitta Để giữ gìn đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả cần phải tránh xa 7 điều bất lợi trong việc thực-hành pháp-hành-thiền-định (asappāya), đồng thời nên có đầy đủ 7 điều thuận lợi trong việc thực-hành pháp-hành-thiền-định (sappāya) như trong bộ Visuddhimagga chỉ dạy như sau: 7 Asappāya: 7 điều bất lợi, 7 Sappāya :7 điều thuận lợi. 1- * Āvāsa asappāya: Chỗ ở bất lợi, * Āvāsa sappāya: Chỗ ở thuận lợi,
* Āvāsa asappāya: Chỗ ở bất lợi: Chỗ ở nào mà hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-định, nimitta chưa sinh thì không sinh, khi nimitta đã sinh rồi thì bị mất, tâm không an trụ thì vẫn không an trụ, … Như vậy, chỗ ở ấy gọi là chỗ ở bất lợi.
* Āvāsa sappāya: Chỗ ở thuận lợi: Chỗ ở nào mà hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-định, nimitta chưa sinh thì phát sinh, khi nimitta đã sinh rồi thì không bị mất, tâm không an trụ thì được an trụ, … Như vậy, chỗ ở ấy gọi là chỗ ở thuận lợi.
2- * Gocara asappāya: Xóm nhà bất lợi * Gocara sappāya: Xóm nhà thuận lợi * Gocara asappāya: Xóm nhà bất lợi khi đi khất thực như sau: * Xóm nhà nằm cách chỗ ở của hành-giả về hướng đông, hoặc hướng tây, ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào mặt khi hành-giả đi khất thực hoặc trở về. * Xóm nhà nằm cách xa quá 5 cây số với chỗ ở của hành-giả, đường sá gồ ghề khó đi lại. * Đi khất thực trong xóm nhà ấy, hành-giả không có đủ đồ ăn để sống. Như vậy, gọi là xóm nhà bất lợi khi đi khất thực.
* Gocara sappāya: Xóm nhà thuận lợi khi đi khất thực như sau: * Xóm nhà nằm cách chỗ ở của hành-giả về hướng nam, hoặc hướng bắc, tránh được ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào mặt khi hành-giả đi khất thực hoặc trở về. * Xóm nhà nằm gần khoảng cách dưới 5 cây số với chỗ ở của hành-giả, đường sá bằng phẳng dễ đi lại. * Đi khất thực trong xóm nhà ấy, hành-giả có đầy đủ vật thực để sống. Như vậy, gọi là xóm nhà thuận lợi khi đi khất thực.
3- * Bhassa asappāya: Lời nói bất lợi, * Bhassa sappāya: Lời nói thuận lợi.
* Bhassa asappāya: Lời nói bất lợi đó là lời nói liên quan đến tiracchānakathā, có 32 lời nói gọi là lời nói bất lợi. Những lời nói này làm trở ngại cho sự chứng đắc các bậc thiền, Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn. Tiracchānakathā có 32 lời nói là:
1- Nói chuyện về Đức-vua và hoàng tộc, 2- Nói chuyện về trộm cắp, 3- Nói chuyện về các quan, chính phủ, 4- Nói chuyện về quân đội, 5- Nói chuyện về tai họa, 6- Nói chuyện về chiến tranh, 7- Nói chuyện về các đồ ăn, 8- Nói chuyện về các thức uống, 9- Nói chuyện về vải vóc, y phục, 10- Nói chuyện về chỗ nằm ngồi, 11- Nói chuyện về các vòng hoa, 12- Nói chuyện về các vật thơm, 13- Nói chuyện về bà con thân quyến, 14- Nói chuyện về các xe cộ, 15- Nói chuyện về xóm làng, 16- Nói chuyện về các tỉnh thành, 17- Nói chuyện về các thành phố, 18- Nói chuyện về các vùng quê, 19- Nói chuyện về đàn bà, 20- Nói chuyện về đàn ông, 21- Nói chuyện về sự can đảm, 22- Nói chuyện về các con đường, 23- Nói chuyện về các bến nước, 24- Nói chuyện về thân quyến đã quá vãng, 25- Nói chuyện về đâu đâu, 26- Nói chuyện về ai tạo ra thế giới này, 27- Nói chuyện về đại dương, 28- Nói chuyện về sự phát triển và sự suy đồi, 29- Nói chuyện về rừng rú, 30- Nói chuyện về núi non, 31- Nói chuyện về dòng sông 32- Nói chuyện về hòn đảo… Đó là 32 lời nói bất lợi đối với hành-giả đang thực- hành pháp-hành-thiền-định hoặc pháp-hành-thiền-tuệ, bởi vì lời nói này không hỗ trợ cho pháp-hành thiền phát triển được, mà ngược lại chỉ làm trở ngại cho sự chứng đắc các bậc thiền, Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn mà thôi. Do đó, hành-giả nên tránh xa những lời nói bất lợi. * Bhassa sappāya: Lời nói thuận lợi đó là lời nói liên quan đến kathāvatthu có 10 lời nói gọi là lời nói thuận lợi. Những lời nói này hỗ trợ cho sự chứng đắc các bậc thiền, Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn. Kathāvatthu có 10 lời nói là: 1- Nói chuyện về sự ít ham muốn, 2- Nói chuyện về sự hài lòng vật gì đã có, biết tri túc, 3- Nói chuyện về thân, khẩu, ý thanh tịnh, 4- Nói chuyện không liên quan với ngũ dục, 5- Nói chuyện về sự tinh tấn không ngừng, 6- Nói chuyện về giới, 7- Nói chuyện về định, 8- Nói chuyện về tuệ, 9- Nói chuyện về A-ra-hán Thánh-quả, 10- Nói chuyện về trí-tuệ quán triệt A-ra-hán Thánh đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn. Đó là 10 lời nói thuận lợi đối với hành-giả đang thực- hành pháp-hành-thiền-định hoặc pháp-hành-thiền-tuệ, bởi vì lời nói này hỗ trợ cho pháp-hành thiền phát triển được, hỗ trợ cho sự chứng đắc các bậc thiền, Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn. Tuy 10 lời nói này gọi là lời nói thuận lợi, nhưng hành-giả đang thực-hành pháp-hành-thiền-định hoặc pháp-hành-thiền-tuệ, chỉ nên nói khi cần thiết mà thôi, không nên nói nhiều. 4- * Puggala asappāya: Con người bất lợi,
* Puggala sappāya: Con người thuận lợi,
* Puggala asappāya: Con người bất lợi là người mà hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền không nên tiếp xúc, nói chuyện. Có 2 hạng người là: 1- Người thích trang điểm thân hình, 2- Người thích nói chuyện tiracchānakathā có 32 lời. Hai hạng người này chỉ làm cho hành-giả phóng tâm, không an trụ trong đối-tượng thiền định được, nên gọi là con người bất lợi đối với hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-định hoặc pháp-hành-thiền-tuệ . * Puggala sappāya: Con người thuận lợi là người mà hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-định hoặc pháp-hành-thiền-tuệ nên thân cận gần gũi, để làm tăng thêm đức tin trong pháp-hành thiền của hành-giả. Có 2 hạng người là: 1- Người không nói chuyện tiracchānakathā, mà chỉ nói lời động viên khuyến khích làm tăng đức tin. 2- Người có giới, định, tuệ đầy đủ, khuyên dạy rõ ràng. Hai hạng người này hỗ trợ cho hành-giả tăng trưởng đức tin trong sạch nơi pháp-hành thiền, làm cho tâm an trụ trong đối-tượng thiền định được, nên gọi là con người thuận lợi đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền. 5- * Bhojana asappāya: Món ăn bất lợi,
* Bhojana sappāya: Món ăn thuận lợi,
* Bhojana asappāya: Món ăn bất lợi là món ăn mà hành-giả đang thực-hành pháp-hành-thiền-định hoặc pháp-hành-thiền-tuệ, dùng vào không có thích hợp, nên làm cho thân thể cảm thấy khó chịu, có ảnh hưởng đến tâm hành-giả không được an-lạc. Đó là món ăn bất lợi mà hành-giả không nên dùng. * Bhojana sappāya: Món ăn thuận lợi là món ăn mà hành-giả đang thực-hành pháp-hành-thiền-định hoặc pháp-hành-thiền-tuệ, dùng vào được thích hợp, nên làm cho thân thể cảm thấy dễ chịu, khỏe mạnh, có ảnh hưởng đến tâm hành-giả được an-lạc. Đó là thức ăn thuận lợi mà hành-giả nên dùng. 6- * Utu asappāya: Thời tiết bất lợi, * Utu sappāya: Thời tiết thuận lợi,
* Utu asappāya: Thời tiết bất lợi là thời tiết quá nóng, hoặc quá lạnh làm cho thân thể của hành-giả đang thực- hành pháp-hành-thiền-định hoặc pháp-hành-thiền-tuệ, khó chịu đựng nổi, khiến cho tâm của hành-giả không được an-lạc. Đó là thời tiết bất lợi đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền. * Utu sappāya: Thời tiết thuận lợi là thời tiết không nóng quá cũng không lạnh quá làm cho thân thể của hành-giả đang thực-hành pháp-hành-thiền-định hoặc pháp-hành-thiền-tuệ, dễ chịu đựng nổi, khiến cho tâm của hành-giả được an-lạc. Đó là thời tiết thuận lợi đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền. 7- * Iriyāpatha asappāya: Tứ oai nghi bất lợi, * Iriyāpatha sappāya: Tứ oai nghi thuận lợi, * Iriyāpatha asappāya: Tứ oai nghi bất lợi là 4 oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm, mà hành-giả đang thực-hành pháp-hành-thiền-định hoặc pháp-hành-thiền-tuệ, nếu sử dụng oai nghi nào, khi ấy, hành-giả cảm thấy thân tâm không được an-lạc thì oai nghi ấy gọi là oai nghi bất lợi đối với hành-giả. * Iriyāpatha sappāya: Tứ oai nghi thuận lợi, là 4 oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm, mà hành-giả đang thực-hành pháp-hành-thiền-định hoặc pháp-hành-thiền-tuệ, nếu sử dụng oai nghi nào, khi ấy, hành-giả cảm thấy thân tâm được an-lạc thì oai nghi ấy gọi là oai nghi thuận lợi đối với hành-giả. Hành-giả đang thực-hành pháp-hành-thiền-định có đối- tượng paṭibhāganimitta là quang-ảnh-trong-sáng của đề-mục-thiền-định đất (pathavīkasiṇa) đã phát sinh rõ trong tâm, dù hành-giả đã tránh xa 7điều bất lợi trong việc thực-hành pháp-hành-thiền-định, và có đầy đủ 7 điều thuận lợi trong việc thực-hành pháp-hành-thiền-định, nhưng vẫn chưa chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm. Vậy, hành-giả cần phải thực-hành 10 pháp Appanākosala: Sự hiểu biết trong Appanā chứng đắc các bậc thiền sắc-giới, các bậc thiền vô-sắc-giới. Appanākosala Có 10 Pháp 1- Hành-giả nên làm vệ sinh thân thể, y phục cho sạch sẽ, quét dọn chỗ ở, đồ dùng sạch sẽ, rồi sắp xếp gọn gàng dễ nhìn. 2- Hành-giả nên thực-hành đồng đều giữa 4 pháp-chủ là: tín-pháp-chủ với tuệ-pháp-chủ đồng đều nhau, và tấn-pháp-chủ với định-pháp-chủ đồng đều nhau, còn niệm-pháp-chủ có năng lực hơn 4 pháp-chủ kia, để giữ gìn thiện-tâm phát triển. 3- Hành-giả có trí-tuệ hiểu biết cách giữ gìn các nimitta thiền-định. 4- Khi nào hành-giả biết tâm buồn chán thực-hành pháp-hành-thiền-định, thì khi ấy hành-giả nên nâng đỡ 3 pháp giác-chi: pháp phân-tích giác-chi, pháp tinh-tấn giác-chi, pháp hỷ-giác-chi được phát triển, để tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định. 5- Khi nào hành-giả biết phóng-tâm chuyện này chuyện kia, thì khi ấy hành-giả nên nâng đỡ 3 pháp giác-chi: pháp an-tịnh-giác-chi, pháp định-giác-chi, pháp xả- giác-chi được phát triển, để tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định. 6- Khi nào hành-giả biết chán nản, biếng nhác thực-hành pháp-hành-thiền-định, thì khi ấy hành-giả nên suy xét đến 8 pháp-động-tâm (saṃvegavatthu) sinh, lão, bệnh, tử, khổ trong cõi 4 ác-giới, khổ tử sinh luân hồi trong kiếp quá-khứ, trong kiếp vị-lai, khổ trong kiếp hiện-tại; và nên niệm tưởng đến 9 Ân-Đức-Phật, 6 Ân-đức- Pháp, 9 Ân-đức-Tăng, để phát sinh đức tin trong pháp-hành thiền-định, tiếp tục thực-hành pháp-hành-thiền-định. 7- Khi nào hành-giả biết tâm ở trong trạng-thái ổn định, không buồn-chán, không phóng-tâm, không chán-nản, thì khi ấy hành-giả không nên nâng tâm, không nên chế ngự tâm, mà chỉ nên giữ gìn đại-thiện-tâm dõi theo biết đề-mục-thiền-định ấy mà thôi. 8- Hành-giả tránh xa người không có định-tâm, hành động không nghiêm túc. 9- Hành-giả nên gần gũi thân cận với người có định-tâm vững chắc, có thân, khẩu, ý thanh-tịnh. 10- Hành-giả cố gắng tinh tấn không ngừng, chỉ hướng tâm đến đối-tượng paṭibhāganimitta ấy, để chứng đắc các bậc thiền sắc-giới mà thôi. Đó là 10 pháp hiểu biết để chứng đắc các bậc thiền sắc-giới. Khai Triển Đối-tượng Paṭibhāganimitta Hành-giả giữ gìn đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta vững chắc, rồi từ đó, nên khai triển đối-tượng pathavī-paṭibhāganimitta này lớn dần từ 1 lóng tay, 2 lóng tay, 3 lóng tay, …, 1 gang, 2 gang, 3 gang, …,1 cùi, 2 cùi, 3 cùi, … dần dần lớn rộng ra chỗ ở, xóm làng, trong nước, v.v…, để cho định-tâm tăng trưởng có nhiều năng lực. Dù đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta được khai triển rộng lớn như vậy, tâm vẫn còn upacārabhāvanā: tâm- hành gần bậc thiền sắc-giới, có định-tâm là upacāra-samādhi: cận-định gần bậc thiền sắc-giới. Hành-giả tiếp tục thực-hành như vậy cho đến khi tiến triển đến appanābhāvanā: tâm-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới trong sắc-giới lộ-trình-tâm, có định-tâm là appanāsamādhi: an-định vững chắc trong đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta, chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới-thiện-tâm đầu tiên (paṭhamajjhānakusalacitta). Paṭhamajjhānakusalacitta Đầu Tiên Phát Sinh Khi hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-định với đề-mục-thiền-định đất (pathavīkasiṇa) tiến triển theo tuần tự như trên đến giai đoạn chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới-thiện-tâm (rūpāvacarapaṭhamajjhānakusalacitta) có đối-tượng pathavīpaṭibhāganimitta phát sinh, có 5 chi-thiền, trong sắc-giới lộ-trình-tâm đầu tiên gọi là (ādikammikajjhānavīthicitta). Ādikammikajjhānavīthicitta: Lộ-trình-thiền-tâm đầu tiên Đệ nhất thiền sắc-giới lộ-trình-thiện-tâm đầu tiên phát sinh có các loại tâm sinh rồi diệt theo tuần tự như sau: Đồ Biểu Đệ Nhất Thiền Sắc-Giới Lộ-Trình-Tâm Đầu Tiên Đối-tượng cũ đối-tượng cũ kiếp trước kiếp trước |