|
* Ngũ-giới Là Pháp Đem Lại Sự An Lành Ngũ-giới có tầm quan trọng trực tiếp đem lại sự an lành đến cho người giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn nói riêng, đến cho mọi chúng-sinh nói chung. Tầm quan trọng của ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn là pháp đem lại sự an lành tuỳ theo địa vị mỗi người trong đời. Nếu người ấy là một Đức-vua có ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn thì toàn cõi đất nước có mưa thuận gió hòa, dân giàu nước mạnh, thanh bình thịnh vượng, thần dân thiên hạ đều sống an cư lạc nghiệp, … * Tích Kurudhammajātaka,([1]) Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama thực-hành pháp kurudhamma, được tóm lược như sau: Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn đang ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi. Đức-Thế-Tôn thuyết về tiền-kiếp của Ngài khi còn là Đức-Bồ-tát trong tích Kurudhammajātaka: Trong thời quá-khứ, Đức-vua Bồ-tát Dhanañ-cayakorabya ngự tại kinh-thành Indapattha trị vì đất nước Kuru. Đức-vua Bồ-tát thực-hành “kurudhamma([2])là danh từ gọi ngũ-giới” và có 10 người thực-hành theo Đức-Bồ-tát cùng giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) đó là: 1- Mẫu hậu của Đức-vua Bồ-tát. 2- Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua. 3- Hoàng đệ Đức phó-vương. 4- Vị Bà-la-môn quân sư của Đức-vua. 5- Vị quan đo điền thổ. 6- Người đánh xe ngựa của Đức-vua. 7- Phú-hộ trong thành. 8- Vị quan trông coi kho thóc gạo. 9- Người đóng cửa thành. 10- Cô kỹ-nữ trong thành Indapattha. Đó là 10 người thực-hành kurudhamma theo Đức-vua Bồ-tát Dhanañcayakorabya Đức-vua Bồ-tát lập ra trại bố-thí vật thực và đồ dùng tại 6 nơi: 4 cửa thành, trung tâm kinh-thành và trước cửa cung điện Đức-vua. Đức-vua Bồ-tát Dhanañcayakorabya là Đức-vua rất hoan hỷ trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật. Mỗi ngày, đem của cải trị giá 600.000 (sáu trăm ngàn) phân phát tại 6 trại bố-thí, cho mọi người nghèo khổ, đói khát, người đi đường. Đức-vua Bồ-tát Dhanañcayakorabya ngự tại kinh-thành Indapattha, trị vì toàn đất nước Kuru được mưa thuận gió hòa, dân giàu nước mạnh, thái bình thịnh vượng, mọi thần dân thiên hạ được sống an cư lạc nghiệp. * Thời ấy, Đức-vua Kāliṅga ngự tại kinh-thành Dantapura, trị vì đất nước Kāliṅga. Đất nước Kāliṅga gặp cơn hạn hán, trời không mưa, đến mùa màng không cày cấy trồng trọt gì được, nên dân chúng thiếu ăn đói khổ, còn sinh ra 3 nạn: nạn đói khát, nạn dịch bệnh và nạn cướp bóc. Dân chúng trong đất nước kéo đến kinh-thành Dantapura, đứng trước cung điện Đức-vua kêu la, than khóc xin Đức-vua Kāliṅga cứu giúp. Đức-vua Kāliṅga truyền hội các quan cận thần bèn hỏi rằng: - Này các quan! Có chuyện gì xảy ra? Các quan tâu lên Đức-vua rằng: - Tâu Bệ hạ, trong đất nước của Bệ hạ gặp cơn hạn hán kéo dài, trời không mưa, đến mùa màng không cày cấy trồng trọt gì được, nên dân chúng thiếu ăn, đói khổ, còn sinh ra 3 nạn: nạn đói khát, nạn dịch bệnh và nạn cướp bóc. Dân chúng trong đất nước kéo đến kinh-thành, đứng trước cung điện của Đức-vua, kêu la, than khóc, xin Đức-vua cứu giúp. Cầu xin Đức-vua làm cho mưa thuận gió hòa. Đức-vua bèn truyền hỏi các quan rằng: - Này các quan! Các Đức-vua trước làm cách nào để cho mưa thuận gió hòa? Các quan tâu rằng: - Muôn tâu Bệ hạ, các Đức-vua trước, nếu khi đất nước gặp cơn hạn hán kéo dài, trời không mưa thì Đức-vua đem của cải ra bố-thí, nguyện thọ trì giới, nằm trên giường không lát nệm bông suốt 7 ngày, trời sẽ mưa. Đức-vua làm đúng theo lời tâu của các quan cận thần, nhưng trời vẫn không mưa. Đức-vua hỏi các quan rằng: - Này các quan! Trẫm đã làm đúng theo lời tâu của các khanh, mà trời vẫn không mưa. Vậy, Trẫm nên làm thế nào để cho trời mưa? Các quan tâu rằng: - Muôn tâu Bệ hạ, tại kinh-thành Indapattha, Đức-vua Dhanañcayakorabya có con voi báu tên là Añjanavaṇṇa, nếu Bệ hạ có được voi báu ấy, thì trời ắt có mưa. Đức-vua truyền lệnh hỏi rằng: - Này các quan! Làm thế nào để chúng ta có được con voi báu ấy? Các quan tâu rằng: - Muôn tâu Bệ hạ, chúng ta không thể chiến thắng Đức-vua Dhanañcayakorabya bằng sức mạnh, Đức-vua ấy là bậc thiện-trí cao thượng hoan hỷ làm phước-thiện bố-thí đến người thọ thí theo nhu cầu. Dù người ta muốn xin ngôi Vua, Đức-vua cũng truyền ngôi Vua lại cho họ, dù người ta muốn xin đôi mắt, Đức-vua cũng móc mắt ra cho họ, dù người ta muốn xin sinh-mạng, Đức-vua cũng dám cho sinh-mạng được, huống hồ chúng ta xin con voi báu ấy, chắc chắn Đức-vua sẽ ban con voi báu cho chúng ta. Đức-vua truyền bảo rằng: - Này các quan! Bây giờ Trẫm phái 8 vị bà-la-môn đi đến xin con voi báu ấy. Nhóm 8 vị bà-la-môn đến kinh-thành Indapattha dò hỏi để biết Đức-vua Bồ-tát ngày nào sẽ ngự đến trại bố-thí. Dân chúng cho biết Đức-vua thường ngự đến trại bố-thí mỗi tháng 6 ngày: 8 - 14 - 15 - 23 - 29 - 30. Ngày hôm sau nhằm vào ngày rằm (ngày 15), Đức-vua Bồ-tát sẽ ngự đến trại bố-thí. Nhóm 8 vị bà-la-môn vội đến trước cửa thành phía Đông chờ đợi từ sáng sớm. Đức-vua Bồ-tát ngự trên voi báu trang điểm đầy đủ đồ trang sức, vòng vàng, ngọc quý. Khi Đức-vua Bồ-tát ngự đến phía Đông, tự tay Đức-vua Bồ-tát bố-thí đến cho 7 - 8 người xong, rồi truyền lệnh cho các quan làm phận-sự bố-thí. Đức-vua Bồ-tát cỡi lên voi báu ngự đến cửa thành phía Nam, cùng các quan theo hầu đông đảo, nhóm 8 vị bà-la-môn không thể đến gần Đức-vua Bồ-tát được, nên nhóm 8 vị bà-la-môn vội đến cửa thành phía Nam đứng chờ đợi trước. Khi Đức-vua Bồ-tát ngự đến cửa thành phía Nam, nhóm 8 vị bà-la-môn chắp tay chúc tụng Đức-vua rằng: “Cầu xin Đại-vương sống trường thọ”. Đức-vua Bồ-tát nghe vậy, liền giục voi báu đến gần nhóm 8 vị bà-la-môn truyền hỏi rằng: - Này các vị bà-la-môn! Quý vị muốn được gì không? Nhóm 8 vị bà-la-môn ca tụng ân-đức của Đức-vua bằng câu kệ rằng: Muôn tâu Đại-vương là Bậc cao-thượng. Đức-vua có tâm đại-bi vô lượng, Có đại-thiện-tâm hoan hỷ bố-thí. Chúng hạ thần thành kính xin Đại-vương. Ban con voi báu hạnh phúc an lành, Thỉnh đem về đất nước Ka-lin-ga, Để thần dân thoát khỏi ba tai-nạn. Chúng hạ thần kính dâng số vàng này. Nghe quý vị bà-la-môn ca tụng như vậy, Đức-vua Bồ-tát Dhanañcayakorabya truyền dạy rằng: - Này các vị bà-la-môn! Nếu các ngươi kính dâng vàng để đổi lấy voi báu này, thì thật là việc làm không hợp lẽ chút nào. Trẫm sẽ ban cho con voi báu này cùng với đồ trang sức của nó, và người nài voi tài giỏi này. Con voi báu này là con vật xứng đáng dành cho Đức-vua làm phương tiện. Đức-vua Bồ-tát ngự xuống voi, đi vòng quanh xem xét mọi đồ trang sức đầy đủ, sau đó, Đức-vua Bồ-tát cầm lấy vòi voi đặt lên bàn tay nhóm 8 vị bà-la-môn, rồi lấy bình nước bằng vàng đựng đầy nước thơm rót từ trên vòi voi chảy xuống tay bà-la-môn rơi xuống đất, gọi là làm lễ bố-thí voi báu cùng với người nài voi tài giỏi và cả nhóm tùy tùng cho nhóm 8 vị bà-la-môn ấy. Nhóm 8 vị bà-la-môn dẫn voi báu, người nài voi tài giỏi và đoàn tùy tùng trở về kinh-thành Dantapura, để dâng lên Đức-vua Kāliṅga. Đất nước Kāliṅga đã có voi báu, nhưng trời vẫn không mưa, nên Đức-vua Kāliṅga hỏi các quan rằng: - Này các quan! Nay, đất nước chúng ta đã có voi báu rồi, nhưng trời vẫn không mưa. Vậy, Trẫm nên làm thế nào nữa, để cho mưa thuận gió hòa, dân chúng sống no đủ thái bình an-lạc. Các quan tâu rằng: - Muôn tâu Bệ hạ, Đức-vua Dhanañcaya-korabya là bậc thiện-trí giữ-gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới). Chính do nhờ thiện-pháp ấy, nên trong nước mưa thuận gió hòa, dân giàu nước mạnh, thái bình thịnh vượng, dân chúng được sống an cư lạc nghiệp, chắc chắn là do oai lực của kurudhamma (pháp ngũ-giới) trong sạch của Đức-vua Dhanañcayakorabya. Con voi báu này không có oai lực bằng kurudhamma (pháp ngũ-giới) ấy. Nghe các quan tâu như vậy, Đức-vua Kāliṅga liền truyền lệnh cử một phái đoàn bà-la-môn và các quan đi sứ đến kinh-thành Indapattha, đồng thời tiễn đưa voi báu cùng với người nài voi tài giỏi, tất cả nhóm tùy tùng trở về lại kinh-thành Indapattha, đến chầu Đức-vua Dhanañcaya-korabya kính dâng lại voi báu Añjanavaṇṇa cùng với người nài voi tài giỏi, rồi tâu lên Đức-vua Dhanañcayakorabya, kính xin ghi chép kurudhamma (pháp ngũ-giới) trên tấm biển vàng, đem về dâng lên Đức-vua Kāliṅga để Đức-vua thực-hành kurudhamma (pháp ngũ-giới) ấy, để cho nước Kāliṅga được mưa thuận gió hòa, dân giàu nước mạnh, thái bình thịnh vượng, dân chúng được sống an cư lạc nghiệp.
* Kurudhamma (Pháp Ngũ-Giới) 1- Đức-Vua Bồ-Tát Dhanañcayakorabya Giữ Gìn Kurudhamma (pháp ngũ-giới) Các quan cận thần của Đức-vua Kāliṅga và nhóm bà-la-môn đến kinh-thành Indapattha vào chầu Đức-vua Dhanañcayakorabya dâng trở lại voi báu cùng với người nài voi tài giỏi và nhóm tùy tùng, rồi kính tâu lên với Đức-vua rằng: - Muôn tâu Đại-vương, đất nước của chúng hạ thần, khi đem voi báu trở về, trời vẫn hạn hán không có mưa, được biết Đại-vương là bậc giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) trong sạch. Đức-vua của hạ thần muốn giữ gìn kuru-dhamma (pháp ngũ-giới), nên phái chúng hạ thần đến kính xin Đại-vương ban kurudhamma (pháp ngũ-giới) cho chúng hạ thần ghi chép trên tấm biển vàng này, rồi đem về dâng lên Đức-vua Kāliṅga để thực-hành kurudhamma (pháp ngũ-giới) ấy. Kính xin Đại-vương có tâm đại-bi ban kuru-dhamma (pháp ngũ-giới) cho hạ thần ghi chép. Đức-vua Bồ-tát truyền dạy rằng: - Này các khanh! Trẫm có giữ gìn kuru-dhamma (pháp ngũ-giới) thật, nhưng bây giờ Trẫm hoài nghi về kurudhamma (pháp ngũ-giới) của Trẫm. Vì vậy, Trẫm phân vân không muốn ban kuru-dhamma (pháp ngũ-giới) đến cho các khanh. Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này: Theo lệ thường, cứ 3 năm tổ chức lễ một lần, các quan đều hội họp đông đủ, mỗi đời Đức-vua đều đóng vai chư-thiên đứng trên cung điện Yakkha Cittarāja bắn cây tên được trang điểm bằng các thứ hoa từ 4 phương. Khi ấy, Trẫm cầm cây cung đứng trên cung điện Yakkha Cittarāja, gần mặt hồ nước, bắn mũi tên đến bốn phương, Trẫm thấy rõ 3 mũi tên theo 3 hướng, còn một mũi tên rơi xuống hồ nước, cho nên Trẫm hoài nghi rằng: Không biết mũi tên của Trẫm rơi xuống nước có đụng phải con cá nào hay không? Trẫm có phạm điều-giới sát-sinh hay không? Vì vậy, Trẫm phân vân không muốn ban kuru-dhamma (pháp ngũ-giới) đến cho các khanh. Các sứ giả đều tâu rằng: - Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương không có tác-ý sát-sinh, thì không thể gọi là phạm điều-giới sát-sinh được. Vậy, kính xin Đại-vương có tâm đại-bi ban kurudhamma (pháp ngũ-giới) cho chúng hạ thần. Đức-vua Bồ-tát truyền dạy rằng: - Này các khanh! Nếu vậy thì các ngươi hãy ghi chép kurudhamma (pháp ngũ-giới). Các sứ giả đem tấm biển vàng ra ghi chép: 1- Pāṇo na hantabbo: Không nên sát-sinh. 2- Adinnaṃ nādātabbaṃ: Không nên trộm-cắp. 3- Kāmesu micchā na caritabbaṃ: Không nên tà-dâm với vợ hoặc chồng hoặc con người khác. 4- Musā na bhaṇitabbaṃ: Không nên nói-dối. 5- Majjaṃ na pātabbaṃ: Không nên uống rượu và các chất say. Đức-vua Bồ-tát truyền dạy rằng: - Này các khanh! Mặc dù vậy, Trẫm vẫn chưa hài lòng, Trẫm xin giới thiệu đến Mẫu-hậu của Trẫm là người giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) trong sạch và trọn vẹn. Các khanh hãy đến xin ghi chép kurudhamma (pháp ngũ-giới) nơi Mẫu-hậu của Trẫm. 2- Mẫu Hậu Của Đức-Vua Giữ Gìn Kurudhamma Các sứ giả đến chầu Mẫu-hậu của Đức-vua tâu rằng: - Muôn tâu Hoàng thái-hậu, chúng hạ thần được biết Lệnh-bà giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) trong sạch. Kính xin Lệnh-bà có tâm từ ban kurudhamma (pháp ngũ-giới) cho chúng hạ thần. Hoàng thái-hậu truyền dạy rằng: - Này các khanh! Ta có giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) thật, nhưng bây giờ ta hoài nghi về kurudhamma (pháp ngũ-giới) của ta, nên ta phân vân không muốn ban kurudhamma (pháp ngũ-giới) đến cho các khanh. Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này: “Ta có hai Hoàng-tử, Hoàng-tử trưởng là Chánh-vương và Hoàng-tử thứ là Phó-vương. Một lần có một Đức-vua ở nước lân bang, gửi đồ cống hiến Đức-vua Chánh-vương của ta một lõi trầm thơm giá trị 100.000 (một trăm ngàn) đồng kahāpana, và một nhánh hoa bằng vàng giá trị 1.000 (một ngàn) đồng kahāpana. Đức-vua Chánh-vương đem hai món quà ấy dâng cho ta. Ta nghĩ rằng: “Lõi trầm ta cũng không thoa và nhánh hoa vàng ta cũng không trang điểm, ta nên đem cho hai nàng dâu của ta.” Ta đem nhánh hoa bằng vàng có giá trị thấp ban cho nàng dâu trưởng là Chánh-cung Hoàng-hậu của Hoàng-tử trưởng Chánh-vương, và đem lõi trầm có giá trị cao ban cho nàng dâu thứ là vương-phi của Hoàng-tử thứ Phó-vương. Khi ta ban cho họ rồi, nghĩ lại ta là người giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) lẽ ra ta không nên có tâm thiên vị nàng dâu nào giàu, nàng dâu nào nghèo, ta nên nghĩ đến địa vị lớn địa vị nhỏ. Đúng ra, vật có giá trị cao ta nên ban cho nàng dâu trưởng. Ta đã không làm như vậy, giới của ta có bị ô nhiễm hay không? Vì vậy, ta phân vân không muốn ban kuru-dhamma (pháp ngũ-giới) cho các ngươi. Các sứ giả tâu rằng: - Muôn tâu Hoàng Thái-hậu, của cải của mình muốn ban cho ai tùy theo mình, điều ấy không làm cho giới bị ô nhiễm. Vậy, kính xin Lệnh-bà có tâm từ ban kuru-dhamma (pháp ngũ-giới) cho chúng hạ thần. Sau khi các sứ giả ghi chép kurudhamma (pháp ngũ-giới) nơi Hoàng Thái-hậu của Đức-vua trên tấm biển vàng xong, Bà truyền dạy rằng: - Này các khanh! Mặc dù vậy, ta vẫn chưa hài lòng, ta xin giới thiệu đến nàng dâu trưởng là Chánh-cung Hoàng-hậu của Hoàng-tử trưởng Chánh-vương, là người giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) trong sạch và trọn vẹn. Các khanh hãy đến xin ghi chép kurudhamma (pháp ngũ-giới) từ nơi nàng dâu trưởng của ta. 3- Chánh-Cung Hoàng-Hậu Của Đức-Vua Giữ Gìn Kurudhamma Các sứ giả đến chầu Chánh-cung Hoàng-hậu tâu rằng: - Muôn tâu Chánh-cung Hoàng-hậu, chúng hạ thần được biết Chánh-cung Hoàng-hậu giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới). Kính xin Chánh-cung Hoàng-hậu có tâm từ ban kurudhamma cho chúng hạ thần. Chánh-cung Hoàng-hậu truyền dạy rằng: - Này các khanh! Ta có giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) thật, nhưng bây giờ ta hoài nghi về kurudhamma (pháp ngũ-giới) của ta, nên ta phân vân không muốn ban kurudhamma (pháp ngũ-giới) đến cho các khanh. Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này: “Một hôm, ta đứng trên bao lơn cung điện, nhìn thấy Đức Chánh-vương ngồi trước, Đức phó-vương ngồi sau trên lưng voi báu đang ngự ra khỏi thành, ta trộm nghĩ thầm rằng: “Ta nên giao thiệp với Đức phó-vương này, khi Đức chánh-vương băng hà; Đức phó-vương lên ngôi Chánh-vương sẽ có lòng ưu ái đến ta.” Sau đó, ta cảm thấy hổ-thẹn tội-lỗi, vì ta là người hành kurudhamma (pháp ngũ-giới), Đức-vua phu-quân của ta vẫn còn sống, ta lại trộm nghĩ đến một người đàn ông khác. Như vậy, giới của ta có bị ô nhiễm hay không? Vì vậy, ta phân vân không muốn ban kuru-dhamma (pháp ngũ-giới) cho các khanh. Các sứ giả tâu rằng: - Muôn tâu Chánh-cung Hoàng-hậu, chỉ có suy nghĩ ở trong tâm, không thể phạm điều-giới tà-dâm được. Vì vậy, kính xin Chánh-cung Hoàng-hậu có tâm từ ban kurudhamma (pháp ngũ-giới) cho chúng hạ thần. Sau khi các sứ giả ghi chép kurudhamma (pháp ngũ-giới) nơi Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua trên tấm biển vàng xong, Chánh-cung Hoàng-hậu truyền dạy rằng: - Này các khanh! Mặc dù vậy, ta vẫn chưa hài lòng, ta xin giới thiệu đến Đức phó-vương là người giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) trong sạch và trọn vẹn. Các khanh hãy đến xin ghi chép kurudhamma (pháp ngũ-giới) từ nơi Đức phó-vương ấy. 4- Đức Phó-Vương - Hoàng Đệ Của Đức-Vua Giữ Gìn Kurudhamma Các sứ giả đến chầu Đức phó-vương tâu rằng: - Muôn tâu Đức phó-vương, chúng hạ thần được biết Đức phó-vương giữ gìn kuru-dhamma (pháp ngũ-giới). Kính xin Đức phó-vương có tâm từ ban kuru-dhamma (pháp ngũ-giới) cho chúng hạ thần. Đức phó-vương truyền dạy rằng: - Này các khanh! Ta có giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) thật, nhưng bây giờ ta hoài nghi về kurudhamma (pháp ngũ-giới) của ta, nên ta phân vân không muốn ban kurudhamma (pháp ngũ-giới) đến cho các khanh. Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này: “Một buổi chiều, ta đến chầu Đức Chánh-vương bằng xe ngựa, ta nghĩ, khi đến chầu Đức hoàng-huynh xong, sẽ xin cáo lui trở về. Nhưng khi chầu xong, lại gặp phải cơn mưa lớn có sấm sét, Đức hoàng-huynh khuyên bảo ta nên nghỉ lại đêm tại cung điện. Phần người lái xe và đoàn người thuộc hạ tùy tùng nghĩ rằng: “Đức phó-vương sẽ trở về, nên họ chờ đợi suốt đêm đến sáng.” Sáng ngày hôm sau, ta xin phép ra về, khi ra đến cửa, ta thấy người lái xe và đoàn người thuộc hạ tùy tùng đứng chờ suốt đêm, bị trời mưa ướt phải chịu cực khổ. Ta cảm thấy ân hận và thương cảm cho người lái xe và đoàn người thuộc hạ tùy tùng. Ta là người giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) mà làm khổ người khác”. Như vậy, giới của ta có bị ô nhiễm hay không? Vì vậy, ta phân vân không muốn ban kuru-dhamma (pháp ngũ-giới) cho các khanh. Các sứ giả tâu rằng: - Muôn tâu Đức phó-vương, Đức phó-vương không có tác-ý làm khổ người khác, còn giới của Đức phó-vương không hề bị ô nhiễm một điều-giới nào cả. Vậy, kính xin Đức phó-vương có tâm từ ban kurudhamma (pháp ngũ-giới) cho chúng hạ thần. Sau khi các sứ giả ghi chép kurudhamma (pháp ngũ-giới) nơi Đức phó-vương trên tấm biển vàng xong, Đức phó-vương truyền dạy rằng: - Này các khanh! Mặc dù vậy, ta vẫn chưa hài lòng, ta xin giới thiệu đến vị bà-la-môn quân sư của Đức-vua, là người giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) trong sạch và trọn vẹn. Các khanh nên đến xin ghi chép kurudham-ma (pháp ngũ-giới) từ nơi vị quân sư ấy. 5- Vị Bàlamôn Quân Sư Của Đức-Vua Giữ Gìn Kurudhamma Các sứ giả đến hầu vị quân sư bà-la-môn thưa: - Kính thưa Ngài quân sư, chúng hạ thần được biết quân sư giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới). Kính xin Ngài quân sư có tâm từ ban kuru-dhamma (pháp ngũ-giới) cho chúng hạ thần. Vị bà-la-môn quân sư dạy rằng: - Này các ngươi! Ta có giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) thật, nhưng bây giờ ta hoài-nghi về kurudhamma (pháp ngũ-giới) của ta, nên ta phân vân không muốn ban kurudhamma (pháp ngũ-giới) đến cho các ngươi. Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này: “Một hôm, ta đến chầu Đức-vua, trên đường đi ta thấy một chiếc xe mới xinh đẹp, được biết chiếc xe ấy của Đức-vua lân bang đem đến kính dâng lên Đức-vua Dhanañcayakorabya. Ta thầm nghĩ rằng: ‘Ta đã già rồi, nếu được Đức-vua ban chiếc xe này cho ta, ta sẽ dùng chiếc xe này làm phương tiện đi lại chầu Đức-vua thì tốt biết dường nào!’ Khi ta vào chầu Đức-vua, sứ giả tâu kính dâng chiếc xe lên Đức-vua. Đức-vua khen ngợi chiếc xe rất xinh đẹp, rồi truyền dạy rằng: - Này sứ giả, các ngươi nên kính dâng chiếc xe xinh đẹp này đến vị bà-la-môn quân sư khả kính của Trẫm. Ban đầu ta không chịu nhận, nhưng Đức-vua khẩn khoản mãi ta mới chịu nhận. Vì ta là vị quân sư giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới), sao lại phát sinh tâm tham muốn trong của cải của người khác. Như vậy, giới của ta có bị ô nhiễm hay không? Vì vậy, ta phân vân không muốn ban kuru-dhamma (pháp ngũ-giới) cho các ngươi. Các sứ giả thưa rằng: - Kính thưa Ngài quân sư, tâm nghĩ tham muốn của cải người khác, thì chưa phạm điều-giới được, bởi vì phạm điều-giới phải do thân và khẩu. Vậy, kính xin Ngài quân sư có tâm từ ban kurudhamma (pháp ngũ-giới) cho chúng hạ thần. Sau khi các sứ giả ghi chép kurudhamma (pháp ngũ-giới) nơi vị quân sư trên tấm biển vàng xong, vị quân sư truyền bảo rằng: - Này các ngươi! Mặc dù vậy, ta vẫn chưa hài lòng, ta xin giới thiệu đến vị quan đo điền thổ của Đức-vua, là người giữ gìn kuru-dhamma (pháp ngũ-giới) trong sạch và trọn vẹn. Các ngươi nên đến xin ghi chép kurudhamma (pháp ngũ-giới) từ vị quan ấy. 6- Vị Quan Đo Điền Thổ Của Đức-Vua Giữ Gìn Kurudhamma Các sứ giả đến hầu vị quan đo điền thổ thưa: - Kính thưa vị quan đo điền thổ, chúng tôi được biết quan lớn giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới). Kính xin quan lớn có tâm từ ban kuru-dhamma (pháp ngũ-giới) cho chúng tôi. Vị quan đo điền thổ bảo rằng: - Thưa quý vị, tôi có giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) thật, nhưng bây giờ tôi hoài- nghi về kurudhamma (pháp ngũ-giới) của tôi, nên tôi phân vân không muốn truyền lại kuru-dhamma (pháp ngũ-giới) đến cho quý vị. Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này: “Một hôm, tôi có phận-sự đo điền thổ ở tỉnh ngoài, tôi lấy sợi dây cột vào hai đầu cây, người chủ đất cầm một đầu, còn tôi cầm một đầu. Khi tôi giăng dây để đo đất, đầu cây của tôi nhằm ngay vào hang con cua, tôi nghĩ rằng: ‘Nếu tôi cắm cây ngay vào hang con cua thì có thể làm con cua chết, nếu tôi cắm cây tránh quá hang con cua thì bị thâm lạm đất nhà nước, nếu tôi cắm cây trước hang con cua thì thiếu hụt đất của chủ điền. Tôi nghĩ nếu trong hang này có con cua, thì tôi đã thấy nó, tôi đã xem xét không nhìn thấy con cua nào, có lẽ nó đã bỏ hang đi rồi. Khi tôi cắm cây nhằm ngay vào hang cua, tôi lắng nghe có tiếng kêu, tôi nghĩ có lẽ tôi đã cắm cây đụng phải con cua bị đau, nhưng tôi không biết con cua sống chết thế nào’. Như vậy, giới của tôi có bị ô nhiễm hay không? Vì vậy, nên tôi phân vân không muốn truyền lại kurudhamma (pháp ngũ-giới) cho quý vị. Các sứ giả thưa rằng: - Kính thưa vị quan đo điền thổ, Ngài không có tác-ý sát-sinh, dù con cua có chết hay không, quan lớn cũng không phạm điều-giới sát-sinh. Vậy, xin quan lớn có tâm từ truyền lại kuru- dhamma (pháp ngũ-giới) cho chúng tôi. Sau khi các sứ giả ghi chép kurudhamma (pháp ngũ-giới) nơi vị quan đo điền thổ trên tấm biển vàng xong, vị quan đo điền thổ bảo rằng: - Thưa quý vị, mặc dù vậy, tôi vẫn chưa hài lòng, tôi xin giới thiệu người đánh xe ngựa của Đức-vua, là người giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) trong sạch và trọn vẹn. Các người nên đến xin ghi chép kuru-dhamma (pháp ngũ-giới) từ ông ấy. 7- Người Đánh Xe Ngựa Của Đức-Vua Giữ Gìn Kurudhamma Các sứ giả đến gặp người đánh xe ngựa cho Đức-vua thưa rằng: - Thưa anh đánh xe ngựa, chúng tôi được biết anh giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới). Xin anh có tâm từ truyền lại kurudhamma (pháp ngũ-giới) cho chúng tôi. Người đánh xe ngựa thưa rằng: - Thưa quý vị, tôi có giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) thật, nhưng bây giờ tôi hoài- nghi về kurudhamma (pháp ngũ-giới) của tôi, nên tôi phân vân không muốn truyền lại kuru-dhamma (pháp ngũ-giới) đến cho quý vị. Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này: “Một hôm, tôi đánh xe ngựa đưa Đức-vua du lãm vườn thượng uyển. Đức-vua mải ngắm cảnh, đến quá chiều Đức-vua mới ngự lên xe hồi cung. Chiếc xe đi được một đoạn đường, tôi nhìn thấy bầu trời mây kéo đen nghịt, báo hiệu trời sắp mưa, lo Đức-vua sẽ bị mưa ướt, nên tôi dùng roi báo hiệu cho ngựa chạy nhanh về cung điện. Bắt đầu từ đó về sau, mỗi khi đến đoạn đường này, con ngựa vụt chạy nhanh với ý nghĩ nơi đoạn đường này có nguy hiểm, nên trước đây người lái xe đã báo hiệu cho chạy nhanh. Sự thật, hôm ấy trời mưa ướt hay không, chính tôi không có lỗi, thế mà tôi dùng roi ra hiệu cho ngựa chạy nhanh, tôi đã làm khổ con ngựa từ ngày ấy cho đến nay. Tôi cảm thấy ân hận thương cảm cho con ngựa. Vì tôi là người giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) không nên làm khổ chúng-sinh khác’. Như vậy giới của tôi có bị ô nhiễm hay không? Vì vậy, nên tôi phân vân không muốn truyền lại kurudhamma (pháp ngũ-giới) cho quý vị. Các sứ giả nói rằng: - Này anh đánh xe ngựa, tâm của anh không nghĩ làm khổ đến con ngựa, còn ngũ-giới của anh không phạm một điều-giới nào cả. Vậy, xin anh có tâm từ truyền lại kuru-dhamma (pháp ngũ-giới) cho chúng tôi. Sau khi các sứ giả ghi chép kurudhamma (pháp ngũ-giới) nơi người đánh xe ngựa trên tấm biển vàng xong, người đánh xe ngựa khuyên rằng: - Thưa quý vị, mặc dù vậy, tôi vẫn chưa hài lòng, tôi xin giới thiệu ông phú-hộ là người giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) trong sạch và trọn vẹn. Quý vị nên đến xin ghi chép kurudhamma (pháp ngũ-giới) từ nơi ông ấy. 8- Ông Phú-Hộ ở Kinh-Thành Indapatta Giữ Gìn Kurudhamma Các sứ giả đến gặp ông phú-hộ thưa rằng: - Thưa ông phú-hộ, chúng tôi được biết ông giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới). Kính xin ông có tâm từ truyền lại kuru-dhamma (pháp ngũ-giới) cho chúng tôi. Ông phú-hộ thưa rằng: - Thưa quý vị, tôi có giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) thật, nhưng bây giờ tôi hoài nghi về kurudhamma (pháp ngũ-giới) của tôi, nên tôi phân vân không muốn truyền lại kuru-dhamma (pháp ngũ-giới) đến cho quý vị. Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này: “Một hôm, tôi đi thăm ruộng của tôi, xem xét lúa sāli đến thời kỳ chín, có thể gặt được chưa. Trước khi trở về, tôi sai người cắt một nắm đem về, sau đó tôi nghĩ rằng: ‘Lúa ruộng của tôi chưa được đóng thuế cho nhà nước, nhưng tôi đã đem về một nắm lúa, mà tôi chưa đóng thuế. Tôi là người giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) lẽ ra, tôi phải đóng thuế lúa cho nhà nước xong rồi, phần lúa còn lại là phần của tôi mới đem về nhà được, tôi đã vô ý’. Như vậy, giới của tôi có bị ô nhiễm hay không? Vì vậy, nên tôi phân vân không muốn truyền lại kurudhamma (pháp ngũ-giới) cho quý vị. Các sứ giả thưa rằng: - Thưa ông phú-hộ, ông không có tác-ý trộm-cắp, nên ngũ-giới của ông không phạm điều-giới nào cả. Vậy, xin ông có tâm từ truyền lại kuru-dhamma (pháp ngũ-giới) cho chúng tôi. Sau khi các sứ giả ghi chép kurudhamma (pháp ngũ-giới) nơi ông phú-hộ trên tấm biển vàng xong, ông phú-hộ khuyên bảo rằng: - Thưa quý vị, mặc dù vậy, tôi vẫn chưa hài lòng, tôi xin giới thiệu vị quan trông coi kho thóc gạo là người giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) trong sạch và trọn vẹn. Quý vị nên đến xin ghi chép kurudhamma (pháp ngũ-giới) từ nơi vị quan ấy. 9- Vị Quan Trông Coi Kho Thóc Gạo Của Đức-Vua Giữ Gìn Kurudhamma Các sứ giả đến tìm gặp vị quan trông coi kho thóc gạo của Đức-vua rồi thưa rằng: - Thưa quan trông coi kho thóc gạo, chúng tôi được biết ông giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới). Kính xin quan có tâm từ truyền lại kuru-dhamma (pháp ngũ-giới) cho chúng tôi. Vị quan trông coi kho thóc gạo thưa rằng: - Thưa quý vị, tôi có giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) thật, nhưng bây giờ tôi hoài- nghi về kurudhamma (pháp ngũ-giới) của tôi, nên tôi phân vân không muốn truyền lại kuru-dhamma (pháp ngũ-giới) đến cho quý vị. Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này: “Một hôm, tôi ngồi trước cửa kho, dùng thẻ để đếm lúa đem nạp vào kho thóc lúa nhà Vua. Trong khi đang đếm lúa, thì trời mưa, vì sợ trời mưa ướt lúa, tôi vội vàng sai người đong lúa đóng thuế nạp vào kho. Khi công việc xong rồi, tôi nghĩ lại rằng: ‘Trong khi vội vàng lỡ đếm nhầm, nếu thiếu lúa thì có hại cho nhà nước, hoặc nếu dư lúa thì có hại cho dân chúng. Tôi là người giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) mà không thận trọng trong phận-sự của mình’. Như vậy, giới của tôi có bị ô nhiễm hay không? Vì vậy, nên tôi phân vân không muốn truyền lại kurudhamma (pháp ngũ-giới) cho quý vị. Các sứ giả thưa rằng: - Thưa quan, quan không có tác-ý gì, nên quan không thể phạm điều-giới nào cả. Vậy, xin quan có tâm từ truyền lại kuru-dhamma (pháp ngũ-giới) cho chúng tôi. Sau khi các sứ giả ghi chép kurudhamma (pháp ngũ-giới) nơi vị quan trông coi kho thóc gạo trên tấm biển vàng xong, vị quan ấy khuyên bảo rằng: - Thưa quý vị, mặc dù vậy, tôi vẫn chưa hài lòng, tôi xin giới thiệu người đóng cửa thành là người giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) trong sạch và trọn vẹn. Quý vị nên đến xin ghi chép kurudhamma (pháp ngũ-giới) từ nơi người ấy. 10- Người Đóng Cửa Thành Giữ Gìn Kurudhamma Các sứ giả đến gặp người đóng cửa thành thưa rằng: - Thưa anh, chúng tôi được biết anh giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới). Xin anh có tâm từ truyền lại kurudhamma (pháp ngũ-giới) cho chúng tôi. Người đóng cửa thành thưa rằng: - Thưa quý vị, tôi có giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) thật, nhưng bây giờ tôi hoài- nghi về kurudhamma (pháp ngũ-giới) của tôi, nên tôi phân vân không muốn truyền lại kurudhamma (pháp ngũ-giới) đến cho quý vị. Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này: “Một hôm, đến giờ đóng cửa thành, tôi đã thông báo lớn tiếng đến 3 lần. Khi ấy, một người nghèo với một đứa em gái vào rừng tìm củi, và cỏ xong, đang trên đường đi vào cửa thành. Hai anh em vội vàng chạy đến, cũng vừa đúng lúc đóng cửa thành. Tôi quở trách người ấy rằng: - Anh không biết có Đức-vua trong thành, không biết đến giờ đóng cửa thành hay sao? Mà anh ham vui dẫn vợ đi dạo chơi trong rừng mãi cho đến giờ này mới trở về? Anh chàng nghèo ấy đáp rằng: - Này thưa anh! Người con gái ấy là em của tôi, không phải là vợ. Tôi nghĩ lại rằng: ‘Em gái của anh ấy mà ta nói là vợ. Tôi là người giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới), tôi không biết rõ, nên nói lời không chân thật, tôi rất ân hận’. Như vậy, giới của tôi có bị ô nhiễm hay không? Vì vậy, nên tôi phân vân không muốn truyền lại kurudhamma (pháp ngũ-giới) cho quý vị. Các sứ giả bảo rằng: - Này anh đóng cổng thành, người nào nói theo sự hiểu lầm của mình, thì người ấy không gọi là phạm điều-giới nói-dối. Vậy, xin anh có tâm từ truyền lại kurudham-mma (pháp ngũ-giới) cho chúng tôi. Sau khi các sứ giả ghi chép kurudhamma (pháp ngũ-giới) nơi người đóng cửa thành trên tấm biển vàng xong, người đóng cửa thành ấy khuyên rằng: - Thưa quý vị, mặc dù vậy, tôi vẫn chưa hài lòng, tôi xin giới thiệu cô kỹ-nữ Vaṇṇadāsī là người giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) trong sạch và trọn vẹn. Quý vị nên đến xin ghi chép kurudhamma (pháp ngũ-giới) từ nơi cô kỹ-nữ ấy. 11- Cô Kỹ Nữ Trong Kinh-Thành Indapattha Giữ Gìn Kurudhamma Các sứ giả đến gặp cô kỹ-nữ Vaṇṇadasī, thưa rằng: - Thưa cô, chúng tôi được biết cô giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới). Xin cô có tâm từ truyền lại kurudhamma (pháp ngũ-giới) cho chúng tôi. Cô kỹ nữ Vaṇṇadasī thưa rằng: - Thưa quý vị, tôi có giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) thật, nhưng bây giờ tôi hoài nghi về kurudhamma (pháp ngũ-giới) của tôi, nên tôi phân vân không muốn truyền lại kuru-dhamma (pháp ngũ-giới) cho quý vị. Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này: “Một thuở nọ, một chàng trai trẻ đến tìm tôi và trao trước cho tôi một số tiền 1.000 đồng kahāpana, rồi bảo với tôi rằng: - Này cô! Cô hãy chờ tôi sẽ trở lại. Chàng trai trẻ ấy ra đi, tôi đã chờ đợi suốt 3 năm ròng rã vẫn không thấy chàng trai trẻ ấy trở lại sống chung với tôi. Trong suốt thời gian 3 năm trường ấy, tôi không dám nhận tiền bạc của cải từ một người đàn ông nào khác, tôi giữ gìn ngũ-giới trong sạch trọn vẹn, không đề phạm điều-giới nào. Vì vậy, tôi phải chịu sống trong cảnh nghèo khổ túng thiếu, đến lúc tôi không thể nào tiếp tục chịu đựng kéo dài cuộc sống như vậy được nữa. Khi tôi đến tòa trình bày rằng: - Kính thưa quan tòa, xin tòa phán xét trường hợp của tôi như vầy: ‘Cách đây tròn đúng 3 năm, một chàng trai trẻ trao trước cho tôi số tiền 1.000 đồng kahā-pana, rồi bảo với tôi rằng: - Này cô! Cô hãy chờ tôi sẽ trở lại. Tôi đã chờ đợi chàng trai trẻ ấy tròn đúng 3 năm rồi, mà vẫn không thấy chàng trai trẻ ấy trở lại tìm tôi, tôi giữ gìn ngũ-giới trong sạch trọn vẹn, không để phạm điều-giới nào. Vì vậy, cuộc sống của tôi càng ngày càng túng thiếu, nghèo khổ. Đến nay, tôi không thể tiếp tục chịu đựng kéo dài cuộc sống như vậy được nữa.’ Vậy, kính xin quý tòa phán xét giải quyết hoàn cảnh khổ của tôi thế nào cho được công minh. Tòa phán xét rằng: - Kể từ nay, nàng có thể nhận tiền bạc từ người đàn ông khác được. Sau khi tòa phán xét xong, tôi vừa bước ra khỏi tòa, thì có một người đàn ông lại tìm tôi, trao cho tôi một số tiền 1.000 đồng kahāpana. Tôi vừa đưa tay ra định nhận, nhưng chưa kịp nhận. Ngay khi ấy, chàng trai trẻ cách đây đúng 3 năm về trước xuất hiện, vừa thấy chàng trai trẻ ấy, tôi liền rút tay lui lại và kêu lên rằng: Chàng trai trẻ năm xưa đã đến rồi! Tôi không thể nhận số tiền 1.000 đồng kahāpana của ông được, xin ông thông cảm. Chàng trai trẻ ấy hóa trở lại thành Đức-vua trời Sakka đứng trên hư không có hào quang sáng ngời, làm cho dân chúng trong thành đều vui mừng hớn hở. Đức-vua trời Sakka truyền dạy rằng: “Cách đây đúng 3 năm, Trẫm đã biến hóa thành một chàng trai trẻ trao cho cô kỹ nữ này 1.000 đồng kahāpana, để thử lòng cô kỹ-nữ có giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn hay không. Nay, Trẫm đã biết rõ cô kỹ-nữ ấy là người giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn”. Đức-vua trời Sakka khuyên dạy mọi người nên giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn sẽ được nhiều quả-báu lớn lao. Sau đó, Đức-vua trời Sakka ban phước lành cho tôi, trong nhà có đầy đủ 7 thứ báu vật và khuyên dạy rằng: “Cô nên giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn, chớ nên dể duôi trong mọi thiện-pháp, cho đến trọn đời. Sau khi chết, đại-thiện-nghiệp giữ giới sẽ cho quả tái-sinh lên cõi trời, thọ hưởng mọi sự an-lạc cao quý trong cõi trời.” Như vậy, tôi đã nhận số tiền 1.000 đồng kahāpana từ chàng trai, nhưng tôi chưa làm xong bổn phận, lại còn đưa tay định nhận 1.000 đồng kahāpana từ một người đàn ông khác, tuy tôi đưa tay nhưng chưa kịp nhận số tiền ấy”. Như vậy, ngũ-giới của tôi có bị ô nhiễm hay không? Vì vậy, nên tôi phân vân không muốn truyền lại kurudhamma (pháp ngũ-giới) cho quý vị. Các sứ giả thưa rằng: - Này cô Vaṇṇadāsī! Như vậy, ngũ-giới của cô không bị ô nhiễm, vẫn còn trong sạch và trọn vẹn. Vậy, xin cô có tâm từ truyền lại kurudhamma (pháp ngũ-giới) cho chúng tôi. Các sứ giả ghi chép kurudhamma (pháp ngũ-giới) nơi cô kỹ-nữ trên tấm biển bằng vàng. Như vậy, các sứ giả của Đức-vua Kāliṅga ở kinh-thành Dantapura đã ghi chép kurudhamma từ 11 người giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) trong sạch và trọn vẹn trên tấm biển vàng, rồi trở lại kinh thành Dantapura, kính dâng tấm biển vàng ấy lên Đức-vua Kāliṅga. Đức-vua Kāliṅga thực-hành nghiêm chỉnh theo kurudhamma trong sạch và trọn vẹn. Cho nên, trong đất nước Kāliṅga của Đức-vua được mưa thuận gió hòa, 3 tai nạn không còn nữa, đất nước được thái bình thịnh vượng, dân giàu nước mạnh, dân chúng sống được an cư lạc nghiệp. Phần Đức-vua Bồ-tát Dhanañcayakorabya tiếp tục thực-hành bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật như bố-thí, trì giới, v.v… cho đến trọn đời. Đức-vua Bồ-tát cùng những người trung tín sau khi chết, đại-thiện-nghiệp giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn cho quả đều được tái-sinh lên cõi trời, được hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời. Đức-Phật thuật lại câu chuyện tiền-kiếp của Ngài, những người nghe Đức-Phật thuyết pháp xong, phát sinh đức-tin trong sạch, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, có số chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu. Có số chứng đắc đến Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhất-lai… Có số người phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới suốt đời. Tích Kurudhammajātaka liên quan đến kiếp hiện-tại Trong tích Kurudhammajātaka này, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, sinh làm Đức-vua Bồ-tát Dhanañcayakorabya trong thời quá-khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian thì hậu-kiếp của các nhân vật trong tích Kurudhammajātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại như sau: * Mẫu hậu của Đức-vua nay kiếp hiện-tại này là Mẫu hậu Mahāmayādevī. * Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức Chánh vương nay kiếp hiện-tại này là Chánh-cung Hoàng-hậu Yasodharā, về sau xuất gia trở thành Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Yasodharātherī. * Đức phó vương, Hoàng đệ của Đức-vua nay kiếp hiện-tại này là Ngài Trưởng-lão Nandatthera. * Vị Bà-la-môn quân sư nay kiếp hiện-tại này là Ngài Đại Trưởng-lão Mahākassapatthera. * Vị quan đo điền thổ nay kiếp hiện-tại này là Ngài Trưởng-lão Kaccayanatthera. * Người lái xe ngựa của Đức-vua nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Anuruddhatthera. * Ông phú-hộ kinh thành Indapattha nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại Trưởng-lão Sāriputtatthera. * Vị quan trông coi thóc lúa nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại Trưởng-lão Mahāmoggallānatthera. * Người đóng cửa thành nay kiếp hiện tại này là Ngài Trưởng-lão Puññatthera. * Cô kỹ-nữ Vaṇṇadāsī nay kiếp hiện-tại này là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇattherī. * Đức-vua Bồ-tát Dhanañcayakorabya nay kiếp hiện-tại này chính là Đức-Phật Gotama. Như vậy, người giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn rất quan trọng, có khả năng đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai. Trong kiếp hiện-tại, người giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn có tầm quan trọng ảnh hưởng đến những người khác, chúng-sinh khác tuỳ theo địa vị của mỗi người trong đời. * Nếu Đức-vua là người giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn thì trong nước được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thần dân thiên hạ được sống trong cảnh thanh bình thịnh vượng, an cư lạc nghiệp. * Nếu gia chủ trong gia đình là người giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn thì toàn thể những người trong gia đình được sống an lành hạnh phúc. * Nếu hai vợ chồng đều giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn thì vợ chồng con cái được sống hạnh-phúc an-lạc. * Nếu người nào giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn thì chính người ấy đã tạo những dục-giới đại-thiện-nghiệp giữ gìn ngũ-giới không chỉ cho quả tốt, quả an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai đối với mình, mà quả tốt, quả an-lạc ấy còn ảnh hưởng đến những người thân gần gũi với mình nữa. * Tám Dòng Phước-Thiện Đối với người cận-sự-nam (upāsaka), cận-sự-nữ (upāsikā) có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, đã thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới. Người cận-sự-nam, cận-sự-nữ đã quy y Tam-bảo: quy-y Đức-Phật-bảo, quy-y Đức-Pháp-bảo, quy-y Đức-Tăng-bảo và thọ-trì ngũ-giới: tránh xa sự sát-sinh, tránh xa sự trộm-cắp, tránh xa sự tà-dâm, tránh xa sự nói-dối, tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say. Như vậy, Tam-bảo và ngũ-giới gồm có 8 pháp đó là 8 dòng phước-thiện triền miên vô tận. * Trong 8 dòng phước-thiện này, ngũ-giới là 5 dòng phước-thiện, cũng là 5 pháp đại-thí đối với tất cả chúng-sinh vô lượng Đức-Phật thuyết dạy trong bài kinh Abhisanda-sutta(1)(Puññābhisandasutta) có 8 chi-pháp được tóm lược ý nghĩa như sau: - Này chư Tỳ-khưu! Tám dòng phước, dòng thiện này sẽ cho quả tái-sinh lên cõi trời, hưởng quả an-lạc trong cõi trời, đem lại mọi sự an-lạc đáng mong ước, đáng thỏa thích, đáng hài lòng, đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài. Tám dòng phước, tám dòng thiện ấy là thế nào? 1- Này chư Tỳ-khưu! Trong Phật-giáo này, bậc Thánh thanh-văn đệ-tử đã kính xin quy-y nương nhờ nơi Đức-Phật-bảo. - Này chư Tỳ-khưu! Đó là dòng phước, dòng thiện thứ nhất, sẽ cho quả tái-sinh lên cõi trời, hưởng quả an-lạc trong cõi trời, đem lại mọi sự an-lạc đáng mong ước, đáng thỏa thích, đáng hài lòng, đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài. 2- Này chư Tỳ-khưu! Điều tiếp theo, trong Phật-giáo này, bậc Thánh thanh-văn đệ-tử đã kính xin quy-y nương nhờ nơi Đức-Pháp-bảo. - Này chư Tỳ-khưu! Đó là dòng phước, dòng thiện thứ nhì, sẽ cho quả tái-sinh lên cõi trời, hưởng quả an-lạc trong cõi trời, đem lại mọi sự an-lạc đáng mong ước, đáng thỏa thích, đáng hài lòng, đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài. 3- Này chư Tỳ-khưu! Điều tiếp theo, trong Phật-giáo này, bậc Thánh thanh-văn đệ-tử đã kính xin quy-y nương nhờ nơi Đức-Tăng-bảo. - Này chư Tỳ-khưu! Đó là dòng phước, dòng thiện thứ ba, sẽ cho quả tái-sinh lên cõi trời, hưởng quả an-lạc trong cõi trời, đem lại mọi sự an-lạc đáng mong ước, đáng thỏa thích, đáng hài lòng, đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài. - Này chư tỳ-khưu, năm loại bố-thí gọi là đại- thí cao quý mà chư thiện-trí, sa-môn, bà-la-môn không sao nhãng, trong quá khứ không từng sao nhãng, trong hiện-tại không sao nhãng, trong vị-lai cũng sẽ không sao nhãng. Nên biết rằng: Đó là pháp-hành cao quý của người xưa, theo truyền thống của chư bậc thiện-trí, trải qua từ ngàn xưa. Năm loại bố-thí gọi là đại-thí ấy là thế nào? 4- Này chư Tỳ-khưu! Trong Phật-giáo này, bậc Thánh thanh-văn đệ-tử đã từ bỏ sự sát-sinh, hoàn toàn tránh xa sự sát-sinh. - Này chư Tỳ-khưu! Bậc Thánh thanh-văn đệ-tử hoàn toàn tránh xa sự sát-sinh, gọi là bố-thí sự vô hại, sự an toàn sinh mạng của tất cả chúng-sinh, bố-thí sự không oan trái, bố-thí sự không làm khổ đến vô số chúng-sinh trong muôn loài. Khi đã bố-thí sự vô hại, sự an toàn sinh mạng, sự không oan trái, sự không làm khổ đến vô số chúng-sinh trong muôn loài, thì bậc Thánh ấy được hưởng sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, vô số chúng-sinh không làm khổ bậc Thánh ấy. - Này chư Tỳ-khưu! Đó là sự bố-thí thứ nhất gọi là đại-thí cao quý, mà chư thiện-trí, sa-môn, bà-la-môn không sao nhãng, trong quá khứ không từng sao nhãng, trong hiện-tại không sao nhãng, trong vị-lai cũng sẽ không sao nhãng. Nên biết rằng: Đó là pháp-hành cao quý của người xưa, theo truyền thống của chư bậc thiện- trí, trải qua từ ngàn xưa. - Này chư Tỳ-khưu! Đó cũng là dòng phước, dòng thiện thứ tư, sẽ cho quả tái-sinh lên cõi trời, hưởng quả an-lạc trong cõi trời, đem lại mọi sự an-lạc đáng mong ước, đáng thỏa thích, đáng hài lòng, đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài. 5- Này chư Tỳ-khưu! Điều tiếp theo, trong Phật-giáo này, bậc Thánh thanh-văn đệ-tử đã từ bỏ sự trộm-cắp, hoàn toàn tránh xa sự trộm-cắp. - Này chư Tỳ-khưu! Bậc Thánh thanh-văn đệ-tử hoàn toàn tránh xa sự trộm-cắp, gọi là bố-thí sự vô hại, sự an toàn tài sản của tất cả chúng-sinh, bố-thí sự không oan trái, bố-thí sự không làm khổ đến vô số chúng-sinh trong muôn loài. Khi đã bố-thí sự vô hại, sự an toàn tài sản, sự không oan trái, sự không làm khổ đến vô số chúng-sinh trong muôn loài, thì bậc Thánh ấy được hưởng sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, vô số chúng-sinh không làm khổ bậc Thánh ấy. - Này chư Tỳ-khưu! Đó là sự bố-thí thứ nhì gọi là đại-thí cao quý, mà chư thiện trí, sa-môn, bà-la-môn không sao nhãng, trong quá khứ không từng sao nhãng, trong hiện-tại không sao nhãng, trong vị-lai cũng sẽ không sao nhãng. Nên biết rằng: Đó là pháp-hành cao quý của người xưa, theo truyền thống của chư bậc thiện- trí, trải qua từ ngàn xưa. - Này chư Tỳ-khưu! Đó cũng là dòng phước, dòng thiện thứ năm, sẽ cho quả tái-sinh lên cõi trời, hưởng quả an-lạc trong cõi trời, đem lại mọi sự an-lạc đáng mong ước, đáng thỏa thích, đáng hài lòng, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài. 6- Này chư Tỳ-khưu! Điều tiếp theo, trong Phật-giáo này, bậc Thánh thanh-văn đệ-tử đã từ bỏ sự tà-dâm, hoàn toàn tránh xa sự tà-dâm. - Này chư Tỳ-khưu! Bậc Thánh thanh-văn đệ-tử hoàn toàn tránh xa sự tà-dâm, gọi là bố-thí sự vô hại, sự an toàn (vợ, chồng, con của người khác), bố-thí sự không oan trái, bố-thí sự không làm khổ đến vô số chúng-sinh trong muôn loài. Khi đã bố-thí sự vô hại, sự an toàn hạnh phúc gia đình, sự không oan trái, sự không làm khổ đến vô số chúng-sinh trong muôn loài, thì bậc Thánh ấy được hưởng sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, vô số chúng-sinh không làm khổ bậc Thánh ấy. - Này chư Tỳ-khưu! Đó là sự bố-thí thứ ba gọi là đại-thí cao quý, mà chư thiện-trí, sa-môn, bà-la-môn không sao nhãng, trong quá khứ không từng sao nhãng, trong hiện-tại không sao nhãng, trong vị-lai cũng sẽ không sao nhãng. Nên biết rằng: Đó là pháp-hành cao quý của người xưa, theo truyền thống của chư bậc thiện- trí, trải qua từ ngàn xưa. - Này chư Tỳ-khưu! Đó cũng là dòng phước, dòng thiện thứ sáu, sẽ cho quả tái-sinh lên cõi trời, hưởng quả an-lạc trong cõi trời, đem lại mọi sự an-lạc đáng mong ước, đáng thỏa thích, đáng hài lòng, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài. 7- Này chư Tỳ-khưu! Điều tiếp theo, trong Phật-giáo này, bậc Thánh-thanh-văn đệ-tử đã từ bỏ sự nói-dối, hoàn toàn tránh xa sự nói-dối. - Này chư Tỳ-khưu! Bậc Thánh thanh-văn đệ-tử hoàn toàn tránh xa sự nói-dối, gọi là bố-thí sự vô hại, sự an toàn (không gây thiệt hại), bố-thí sự không oan trái, bố-thí sự không làm khổ đến vô số chúng-sinh trong muôn loài. Khi đã bố-thí sự vô hại, sự an toàn không thiệt hại, sự không oan trái, sự không làm khổ đến vô số chúng-sinh trong muôn loài, thì bậc Thánh ấy được hưởng sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, vô số chúng-sinh không làm khổ bậc Thánh ấy. - Này chư Tỳ-khưu! Đó là sự bố-thí thứ tư gọi là đại-thí cao quý, mà chư thiện trí, sa-môn, bà-la-môn không sao nhãng, trong quá khứ không từng sao nhãng, trong hiện-tại không sao nhãng, trong vị-lai cũng sẽ không sao nhãng. Nên biết rằng: Đó là pháp-hành cao quý của người xưa, theo truyền thống của chư bậc thiện- trí, trải qua từ ngàn xưa. - Này chư Tỳ-khưu! Đó cũng là dòng phước, dòng thiện thứ bảy, sẽ cho quả tái-sinh lên cõi trời, hưởng quả an-lạc trong cõi trời, đem lại mọi sự an-lạc đáng mong ước, đáng thỏa thích, đáng hài lòng, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài. 8- Này chư Tỳ-khưu! Điều tiếp theo, trong Phật-giáo này bậc Thánh thanh-văn đệ-tử đã từ bỏ sự uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi (thất niệm) trong mọi thiện-pháp, hoàn toàn tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh dể duôi (thất niệm) trong mọi thiện-pháp. - Này chư Tỳ-khưu! Bậc Thánh thanh-văn đệ-tử hoàn toàn tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi (thất niệm) trong mọi thiện-pháp, gọi là bố-thí sự vô hại, sự an toàn (không gây ra tai hại), bố-thí sự không oan trái, bố-thí sự không làm khổ đến vô số chúng-sinh trong muôn loài. Khi đã bố-thí sự vô hại, sự an toàn, không gây ra sự tai hại, sự không oan trái, sự không làm khổ đến vô số chúng-sinh trong muôn loài, thì bậc Thánh ấy được hưởng sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, vô số chúng-sinh không làm khổ bậc Thánh ấy. - Này chư Tỳ-khưu! Đó là sự bố-thí thứ năm gọi là đại-thí cao quý, mà chư thiện-trí, sa-môn, bà-la-môn không sao nhãng, trong quá khứ không từng sao nhãng, trong hiện-tại không sao nhãng, trong vị-lai cũng sẽ không sao nhãng. Nên biết rằng: Đó là pháp-hành cao quý của người xưa, theo truyền thống của chư bậc thiện- trí, trải qua từ ngàn xưa. - Này chư Tỳ-khưu! Đó cũng là dòng phước, dòng thiện thứ tám, sẽ cho quả tái-sinh lên cõi trời, hưởng quả an-lạc trong cõi trời, đem lại mọi sự an-lạc đáng mong ước, đáng thỏa thích, đáng hài lòng, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài. - Này chư Tỳ-khưu! Đó là tám dòng phước, dòng thiện sẽ cho quả tái-sinh lên cõi trời, hưởng quả an-lạc trong cõi trời, đem lại mọi sự an-lạc, đáng mong ước, đáng thỏa thích, đáng hài lòng, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.” Trong bài kinh này, Đức-Phật thuyết giảng phép quy-y Tam-bảo và ngũ-giới gọi là tám dòng phước-thiện như sau: “Aṭṭhime bhikkhave puññābhisandā kusalā-bhisandā…” - Này chư Tỳ-khưu! Tám dòng phước, dòng thiện. * Abhisanda: Dòng là một danh từ cụ thể, diễn tả sự trôi chảy không ngừng. Trong bài kinh này, Đức-Phật đã cụ thể hóa phép quy y Tam-bảo và ngũ-giới gọi là tám dòng phước (puññābhisandā), dòng thiện (kusalābhisandā) đó là dục-giới đại-thiện-tâm sinh rồi diệt, trôi chảy thành dòng sinh diệt theo các lộ-trình-tâm. Để tám dòng phước, dòng thiện này được phát triển triền miên là nhờ người cận-sự-nam, cận-sự-nữ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, có dục-giới đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ hướng tâm quy-y nương nhờ nơi Tam-bảo: quy-y nương nhờ nơi Đức-Phật-bảo, quy-y nương nhờ nơi Đức-Pháp-bảo, quy-y nương nhờ nơi Đức-Tăng-bảo, và có tác-ý tâm-sở đồng sinh với dục-giới đại-thiện-tâm tránh xa những đối-tượng phạm giới, giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn. Như vậy 3 phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới (5 thường-giới) gồm có 8 điều gọi là tám dòng phước, dòng thiện này sẽ cho quả tốt, quả an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai, đặc biệt làm phước-duyên dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài. Cho nên, trong cuộc sống hằng ngày, nếu cận-sự-nam, cận-sự-nữ nào có khi lỡ phạm một điều giới nào thì mỗi tối, cận-sự-nam, cận-sự-nữ ấy tự mình nên thọ phép quy y Tam-Bảo và thọ-trì ngũ-giới, để cho ngũ-giới của mình được trong sạch trọn vẹn trở lại. Như vậy, tám dòng phước, dòng thiện của cận-sự-nam, cận-sự-nữ ấy được phát triển triền miên đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai, đặc biệt làm phước-duyên sâu sắc trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama. Người Thọ-Trì Ngũ-Giới * Người cận-sự-nam, cận-sự-nữ đã thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới, có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, biết tự trọng, biết giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn thì người cận-sự-nam, cận-sự-nữ không chỉ tạo đại-thiện-nghiệp ngũ-giới, mà còn tạo 5 phước-thiện bố-thí gọi là đại-thí là bố-thí sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, sự không làm khổ đến vô số chúng-sinh trong muôn loài, nên cận-sự-nam, cận-sự-nữ ấy được hưởng sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, vô số chúng-sinh không làm khổ cận-sự-nam, cận-sự-nữ ấy trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai trong 7 cõi thiện-dục-giới là cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới. Vấn: Một người cận-sự-nam đã thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới gặp lại người bạn thân cũ là người không thọ phép quy-y Tam-bảo và không thọ-trì ngũ-giới. Người bạn cũ mời người cận-sự-nam ấy vào quán rượu, bia, vì cả nể nên chiều theo bạn, người cận-sự-nam ấy cùng uống rượu, bia với bạn. Hai hai người bạn cùng nhau uống rượu, bia đều phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, đã tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say, Vậy, hai người bạn này, người nào tạo ác-nghiệp nặng, người nào tạo ác-nghiệp nhẹ? Đáp: Người cận-sự-nam đã thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới, có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, vì cả nể nên chiều theo bạn, người cận-sự-nam đã uống bia với bạn, đã phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say nhẹ hơn người bạn, bởi vì bất đắc dĩ phải uống bia. Sau khi uống bia xong, người cận-sự-nam biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, biết thọ-trì ngũ-giới trở lại, nên người cận-sự-nam ấy trở nên người có ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn như trước. Còn người bạn cũ uống bia với tham-tâm hoan-hỷ vui mừng gặp lại bạn, đã phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say nặng hơn người cận-sự-nam. Sau khi uống bia xong, người bạn cũ không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, nên vẫn là người không có giới như trước. Cho nên, người cận-sự-nam, cận-sự-nữ đã thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới rồi, nếu lỡ phạm điều-giới nào rồi thì nên biết thọ-trì ngũ-giới trở lại, để có giới trở lại như trước. Tính Ưu Việt Của Người Thọ Phép Quy-Y Tam-Bảo Và Thọ-Trì Ngũ-Giới Trường hợp người cận-sự-nam, cận-sự-nữ đã thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới, và người không thọ phép quy-y Tam-bảo và cũng không thọ-trì ngũ-giới. Ví dụ, nếu cả hai người này đều phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, cùng tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say thì người nào tạo ác-nghiệp nặng? Người nào tạo ác-nghiệp nhẹ? Câu hỏi này tương tự câu hỏi của Đức-vua Milinda bạch hỏi Ngài Trưởng-lão Nāgasena. Đức-vua Milinda(2) bạch hỏi đại ý như sau: - Kính bạch Ngài Trưởng-lão Nāgasena, một người không hiểu biết về ác-nghiệp và một người hiểu biết về ác-nghiệp. Nếu cả hai người đều tạo ác-nghiệp giống nhau thì người nào tạo ác-nghiệp nặng? Người nào tạo ác-nghiệp nhẹ? Bạch Ngài. Ngài Trưởng-lão Nāgasena giải đáp rằng: - Thưa Đại-vương, người không hiểu biết (ajānanto) về ác-nghiệp, và người hiểu biết về ác-nghiệp (jānanto) cùng nhau tạo ác-nghiệp giống nhau thì người không hiểu biết về ác-nghiệp tạo ác-nghiệp nặng, còn người hiểu biết về ác-nghiệp thì tạo ác-nghiệp nhẹ. Nghe như vậy, Đức-vua Milinda bạch rằng: - Kính bạch Ngài Trưởng-lão Nāgasena, nếu như vậy, thì những vị quan, quân lính trong triều đình của con, người nào không hiểu biết pháp luật mà phạm pháp luật thì con phải hành phạt, trị tội nặng đối với người ấy có phải không? Bạch Ngài. Ngài Trưởng-lão giải thích bằng ví dụ rằng: - Thưa Đại-vương, Đại-vương hiểu thế nào về điều này: Một thỏi sắt được nung cháy đỏ, một người không hiểu biết thỏi sắt nóng mà đưa tay đụng chạm vào thỏi sắt nóng ấy, và một người khác hiểu biết rõ thỏi sắt nóng ấy mà bất đắc dĩ phải đưa tay đụng chạm vào thỏi sắt nóng ấy. Trong hai người đều đụng chạm vào thỏi sắt nóng ấy, người nào bị cháy phỏng nặng nhiều? Người nào bị cháy phỏng nhẹ? - Kính bạch Ngài Trưởng-lão Nāgasena, dĩ nhiên người không hiểu biết thỏi sắt nóng mà đưa tay đụng chạm vào thỏi sắt nóng ấy, thì chắc chắn phải bị cháy phỏng nặng nhiều. Còn người hiểu biết thỏi sắt nóng mà bất đắc dĩ phải đưa tay đụng chạm vào thỏi sắt nóng ấy, thì bị cháy phỏng nhẹ. Bạch Ngài. - Thưa Đại-vương, cũng như vậy, người nào không hiểu biết về ác-nghiệp mà tạo ác-nghiệp, thì người ấy tạo ác-nghiệp nặng. Còn người nào hiểu biết về ác-nghiệp, mà bất đắc dĩ phải tạo ác-nghiệp, thì người ấy tạo ác-nghiệp nhẹ. Dựa theo lời giải đáp của Ngài Trưởng-lão Nāgasena, nên hiểu rằng: * Người cận-sự-nam đã thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới, và người bạn không thọ phép quy-y Tam-bảo và cũng không thọ-trì ngũ-giới cùng nhau phạm điều-giới uống rượu, bia đều tạo ác-nghiệp uống rượu, bia thì người không thọ phép quy-y Tam-bảo và cũng không thọ-trì ngũ-giới, tạo ác-nghiệp uống rượu, bia nặng. Còn người đã thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới, rồi bất đắc dĩ phạm điều-giới ấy, tạo ác-nghiệp uống rượu, bia nhẹ. Nguyên nhân vì sao? * Người không thọ phép quy-y Tam-bảo và cũng không thọ-trì ngũ-giới, vốn là người không có đức tin nơi Tam-bảo, không tin nghiệp và quả của nghiệp, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, khi họ phạm điều-giới uống rượu, bia với tham-tâm hoan-hỷ, nên tạo ác-nghiệp uống rượu, bia ấy, rồi họ không biết ăn năn hối lỗi, không biết tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say. Cho nên, người ấy tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say nặng hơn nhiều. * Còn người cận-sự-nam đã thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới, vốn là người có đức-tin nơi Tam-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi. Song vì cả nể bạn cũ, hoặc vì phiền-não tham muốn xui khiến phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, với bạn, tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say nhẹ hơn nhiều.. Bởi vì sau đó, cận-sự-nam biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, biết ăn năn sám hối, rồi tự nguyện xin thọ-trì ngũ-giới trở lại, trong đó có giới: “Con xin thọ-trì điều-giới có tác ý tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp.” Sau khi thọ-trì ngũ-giới xong rồi, người cận-sự-nam ấy có ngũ-giới trở lại như trước. Người cận-sự-nam ấy giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn để làm nền tảng cho mọi thiện-tâm phát sinh và phát triển. Đó là tính ưu việt của cận-sự-nam, cận-sự-nữ, đã thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới. Trước Tạo Ác-Nghiệp Sau Tạo Thiện-Nghiệp Thời gian trước, người nào gần gũi thân cận với bạn ác (pāpamitta), nên tạo dù ác-nghiệp nặng, dù ác-nghiệp nhẹ, nhưng thời gian sau, người ấy được gần gũi thân cận với bạn thiện (kalyāṇamitta), dẫn đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật, phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới, trở thành người cận-sự-nam (hoặc cận-sự-nữ) trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, rồi từ đó, tránh xa mọi ác-nghiệp, cố gắng tạo mọi thiện-nghiệp. Nhờ đại-thiện-nghiệp này làm giảm được tiềm năng cho quả của ác-nghiệp ấy, hoặc nhờ thiện-nghiệp bậc cao làm cho ác-nghiệp ấy không có cơ hội cho quả khổ của ác-nghiệp ấy. Thật vậy, * như trường-hợp Đức-vua Ajāta- sattu, ngự tại kinh-thành Rājagaha trị vì đất nước Māgadha. Thời gian trước, nghe lời khuyên bảo của tỳ-khưu Devadatta, nên Đức-vua Ajātasattu đã phạm điều-giới sát-sinh giết Đức-Phụ-vương Bimbisāra, đã tạo ác-nghiệp vô-gián trọng-tội, nên Đức-vua Ajātasattu hối hận khổ tâm. Nếu Đức-vua Ajātasattu băng hà thì chắc chắn ác-nghiệp vô-gián trọng-tội ấy cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, mà không có nghiệp nào có thể ngăn cản được. Thời gian sau, nhờ vị thái y Jīvaka cung thỉnh Đức-vua Ajātasattu ngự đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, thành tâm xin sám hối tội-lỗi giết Đức-Phụ-vương của mình. Kính xin Đức-Thế-Tôn chứng minh. Đức-Thế-Tôn thuyết-pháp tế độ Đức-vua, sau khi nghe pháp xong, Đức-vua Ajātasattu phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo, rồi kính xin Đức-Thế-Tôn công nhận là người cận-sự-nam đã quy-y Tam-bảo kể từ đó cho đến trọn đời. Từ đó về sau, Đức-vua Ajātasattu là người cận-sự-nam đặc biệt có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, tận tâm phụng sự Tam-bảo. Sau khi Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn được 3 tháng 4 ngày, Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa chủ trì trong kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhất tại động Sattapaṇṇi, gần kinh-thành Rājagaha đất nước Māgadha, gồm có 500 bậc Thánh A-ra-hán có đầy đủ tứ-tuệ phân-tích và lục-thông, thực hiện suốt 7 tháng mới hoàn thành xong trọn bộ Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi. Đức-vua Ajātasattu là người hộ độ chư Thánh A-ra-hán trong kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhất này. Đức-vua Ajātasattu tận tâm phụng sự Tam-bảo cho đến trọn đời. Sau khi băng hà, đáng lẽ ác-nghiệp vô-gián trọng-tội giết Đức Phụ-vương cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, nhưng nhờ các đại-thiện-nghiệp mà Đức-vua Ajātasattu đã tạo sau khi trở thành người cận-sự-nam làm giảm tiềm năng cho quả của ác-nghiệp vô-gián trọng-tội ấy, nên cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi tiểu-địa-ngục Lohakumbhī (địa-ngục nồi đồng sôi) suốt 60.000 năm. Đức-Phật dạy rằng: “Đức-vua Ajātasattu sau khi băng hà, ác-nghiệp vô-gián trọng-tội giết Đức Phụ-vương, cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi tiểu địa-ngục Lohakumbhī (địa-ngục nồi đồng sôi) từ miệng nồi chìm xuống đáy nồi khoảng thời gian 30.000 năm, rồi từ đáy nồi nổi lên đến miệng nồi khoảng thời gian 30.000 năm, mới mãn quả của ác-nghiệp ấy. Do nhờ đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người, hậu-kiếp của Đức-vua Ajātasattu xuất gia trở thành Đức-Phật Độc-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Độc-Giác Vijitāvī ([3]).” * Trường-hợp kẻ cướp sát nhân giết chết hơn ngàn người, rồi cắt một đầu ngón tay trỏ xâu làm vòng đeo cổ, nên có biệt danh gọi là Aṅgulimāla sống trong rừng sâu. Một hôm, Đức-Phật Gotama ngự vào khu rừng để tế độ kẻ cướp sát nhân Aṅgulimāla. Khi nhìn thấy Đức-Phật đang bước đi khoan thai, kẻ cướp sát nhân Aṅgulimāla chạy đuổi theo để giết Đức-Phật, dù y đã chạy nhanh hết sức lực suốt 3 do-tuần mà vẫn không đuổi kịp Đức-Phật, y đuối sức đành dừng lại, rồi gọi Đức-Phật hãy dừng lại. Đức-Phật vẫn bước đi khoan thai, rồi truyền dạy rằng: - Này Aṅgulimāla! Như-lai đã dừng lâu rồi. Còn chính con mới là người chưa chịu dừng lại mà thôi. Nghe Đức-Thế-Tôn truyền dạy như vậy, kẻ cướp sát nhân Aṅgulimāla vô cùng ngạc nhiên, suy nghĩ rằng: “Những sa-môn dòng Sakya thường nói lời chân thật, làm như thế nào, nói như thế ấy, nói như thế nào, làm như thế ấy. Nhưng trong trường-hợp này, vị sa-môn đang bước đi, mà lại nói “Như-lai đã dừng lâu rồi”. Còn ta đã dừng lại rồi, vị sa-môn nói là “Còn chính con mới là người chưa chịu dừng lại mà thôi”. Như vậy, nghĩa là gì?” Aṅgulimāla bèn hỏi Đức-Thế-Tôn rằng: - Này vị sa-môn! Sự thật ông đang bước đi mà lại nói “Như-lai đã dừng lâu rồi.” Còn tôi đã dừng lại rồi, ông lại nói là “Còn chính con mới là người chưa chịu dừng lại mà thôi.” Ông nói vậy nghĩa là gì? Đức-Thế-Tôn giảng giải rằng: - Này Aṅgulimāla! Sự thật “Như-lai đã dừng lâu rồi” nghĩa là Như-lai đã từ bỏ giết hại tất cả mọi chúng-sinh từ lâu rồi. Còn con chưa từ bỏ giết hại chúng-sinh. Vì vậy, Như-lai nói rằng: “Còn chính con mới là người chưa chịu dừng lại mà thôi”. Lắng nghe Đức-Thế-Tôn giảng giải như vậy, kẻ cướp sát nhân Aṅgulimāla liền thức tỉnh ngay, rồi ném các loại vũ khí xuống hố sâu, đồng thời biết rõ vị sa-môn này chính là Đức-Thế-Tôn, nên đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi bạch rằng: - Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Ngài là Bậc Tôn-Sư của chư-thiên, phạm-thiên, nhân-loại. Đức-Thế-Tôn có tâm đại-bi ngự đến khu rừng này để tế độ con thoát khỏi sự si-mê lầm lạc, được thức tỉnh trở lại. - Kính bạch Đức-Thế-Tôn, kể từ nay về sau, con xin nguyện từ bỏ mọi ác-nghiệp. Kính xin Ngài chứng minh lòng chân thành sám hối tội-lỗi của con. Sau đó, Aṅgulimāla đến quỳ đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức-Phật, cầu xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu. Đức-Thế-Tôn có Phật-nhãn thấy rõ, biết rõ phước-duyên của Aṅgulimāla có thể phát sinh đầy đủ 8 thứ vật dụng của tỳ-khưu, nên Đức-Phật đưa bàn tay phải ra, chỉ bằng ngón tay trỏ mà truyền dạy rằng: “Ehi bhikkhu! ...” - Này Aṅgulimāla! Con được trở thành tỳ-khưu như ý nguyện. Pháp mà Như-lai đã thuyết dạy hoàn hảo ở phần đầu, phần giữa, phần cuối. Con hãy nên thực-hành phẩm-hạnh cao-thượng để giải thoát khổ hoàn toàn. Sau khi Đức-Phật vừa truyền dạy xong như vậy, Aṅgulimāla trở thành vị tỳ-khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng của tỳ-khưu, có tăng tướng trang nghiêm như một vị Trưởng-lão có 60 tuổi hạ.
Đức-Thế-Tôn có vị tỳ-khưu Aṅgulimāla theo sau, ngự trở về ngôi chùa Jetavana. Về sau không lâu, vị tỳ-khưu Aṅgulimāla một mình ở nơi thanh vắng tinh-tấn thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt-đoạn-tuyệt được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán. Khi ấy, tại nơi thanh vắng, Ngài Trưởng-lão Aṅgulimāla vô cùng hoan hỷ thốt lên câu kệ rằng: “Yo ca pubbe pamajjitvā, pacchā so nappamajjati. So’maṃ lokaṃ pabhāseti, abbhā muttova candimā.([4])” Người nào trước dể duôi thất niệm, Sau, người ấy không dể duôi thất niệm, Thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ. Hành-giả ấy làm xán lạn cuộc đời mình, Như vầng trăng thoát ra khỏi đám mây. Khi Ngài Trưởng-lão Aṅgulimāla tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới, đồng thời tất cả mọi ác-nghiệp và mọi đại-thiện-nghiệp đã được lưu-trữ ở trong tâm từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp cho đến kiếp hiện-tại trước khi trở thành bậc Thánh A-ra-hán đều trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp (ahosikamma), không còn có cơ-hội cho quả được nữa, bởi vì không còn tái-sinh kiếp sau nữa. Đó là tính ưu việt của các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama, đã thọ phép quy-y Tam-bảo: quy-y nơi Đức-Phật-bảo, quy-y nơi Đức-Pháp-bảo, quy-y nơi Đức-Tăng-bảo, và có giới của mình được trong sạch trọn vẹn làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho mọi thiện-pháp được phát triển tốt. Bố-Thí Cầu Nguyện Thí-chủ sau khi làm phước-thiện bố-thí xong rồi, thường có lời cầu nguyện rằng: “Do nhờ phước-thiện bố-thí này, xin cho tôi được giàu sang phú quý, được chức trọng quyền cao, được sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, v.v… cho được thành-tựu như ý nguyện.” Lời cầu nguyện của thí-chủ được thành-tựu như ý nguyện thật sự, thì thí-chủ phải là người có giới trong sạch và trọn vẹn. Còn nếu thí-chủ là người phạm giới, không có giới thì lời cầu nguyện khó có thể thành-tựu được như ý, bởi vì thí-chủ là người phạm giới, không có giới, nên phước-thiện bố-thí không có cơ-hội cho quả được như ý nguyện. Thật vậy, trong bài kinh Dānūpapattisutta([5]) Đức-Phật thuyết dạy với ý nghĩa rằng: - Này chư Tỳ-khưu! Sự sinh của phước-thiện bố-thí có 8 pháp. 8 pháp ấy như thế nào? 1- Này chư Tỳ-khưu! Có số thí-chủ trong đời này, làm phước-thiện bố-thí như cơm, nước, vải, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn thắp sáng,… đến sa-môn, bà-la-môn. Thí-chủ làm phước-thiện bố-thí, rồi cầu mong quả của phước-thiện bố-thí ấy. Thí-chủ nhìn thấy hoàng tộc cao-thượng, dòng bà-la-môn cao quý, những phú-hộ đầy đủ 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc đáng hài lòng trong đời, nên thí-chủ cầu mong rằng: “Quý báu biết dường nào! sau khi tôi chết, cầu xin phước-thiện bố-thí này cho quả tái-sinh kiếp sau trong hoàng tộc cao-thượng, hoặc trong dòng bà-la-môn cao quý, hoặc trong gia đình phú-hộ đầy đủ 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc đáng hài lòng trong đời.” Thí-chủ hướng tâm cầu mong, luôn luôn niệm tưởng như vậỵ. Tâm của thí-chủ hướng bậc thấp, không hướng lên bậc cao các bậc thiền… Thí-chủ sau khi chết, dục-giới đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy cho quả tái-sinh kiếp sau đầu thai trong hoàng tộc, hoặc trong dòng bà-la-môn, hoặc trong gia đình phú-hộ. Như-lai dạy rằng: “Kiếp sau của thí-chủ được thành-tựu như ý, thì thí-chủ phải là người có giới trong sạch và trọn vẹn, thí-chủ không phải là người phạm giới, không có giới”. - Này chư Tỳ-khưu! Người thí-chủ có giới trong sạch và trọn vẹn, sự cầu mong được thành-tựu như ý, nhờ có đại-thiện-tâm trong sạch thanh-tịnh. 2- Này chư Tỳ-khưu! Có số thí-chủ trong đời này, làm phước-thiện bố-thí như cơm, nước,… đèn thắp sáng,… đến sa-môn, bà-la-môn. Thí-chủ làm phước-thiện bố-thí, rồi cầu mong quả của phước-thiện bố-thí ấy. Thí-chủ nghe nói rằng: Chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ trên cõi trời Tứ-đại-thiên-vương có tuổi thọ sống lâu (500 năm cõi trời, nếu so số năm ở cõi người thì bằng 9 triệu năm, bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời Tứ-đại-thiên-vương bằng 50 năm ở cõi người), có sắc đẹp tuyệt vời, an-lạc vi tế, nên thí-chủ cầu mong rằng: “Quý báu biết dường nào! Sau khi tôi chết, cầu xin phước-thiện bố-thí này cho quả tái-sinh kiếp sau trên cõi trời Tứ-đại-thiên-vương ấy.” Thí-chủ hướng tâm cầu mong, luôn luôn niệm tưởng như vậỵ. Tâm của thí-chủ hướng bậc thấp, không hướng lên bậc cao các bậc thiền… Thí-chủ sau khi chết, dục-giới đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hoá-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời Tứ-đại-thiên-vương ấy. Như-lai dạy rằng: “Kiếp sau của thí-chủ được thành-tựu như ý, thì thí-chủ phải là người có giới trong sạch và trọn vẹn, thí-chủ không phải là người phạm giới, không có giới. - Này chư Tỳ-khưu! Người thí-chủ có giới trong sạch và trọn vẹn, cầu mong được thành-tựu như ý, nhờ có đại-thiện-tâm trong sạch thanh-tịnh. 3 đến 7- Này chư Tỳ-khưu! Có số thí-chủ trong đời này, làm phước-thiện bố-thí như cơm, nước, vải, … đèn thắp sáng, … đến sa-môn, bà-la-môn. Thí-chủ làm phước-thiện bố-thí, rồi cầu mong quả của phước-thiện bố-thí ấy. Thí-chủ nghe nói rằng: -Chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên có tuổi thọ sống lâu (1.000 năm cõi trời, nếu so số năm ở cõi người thì bằng 36 triệu năm, bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời Tam-thập-tam-thiên bằng 100 năm ở cõi người), có sắc đẹp tuyệt vời hơn nữa, an-lạc vi tế hơn nữa, nên thí-chủ cầu mong rằng: … - Chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ trên cõi trời Dạ-ma-thiên có tuổi thọ sống lâu (2.000 năm cõi trời, nếu so số năm ở cõi người thì bằng 144 triệu năm, bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời Dạ-ma-thiên bằng 200 năm ở cõi người), có sắc đẹp tuyệt vời hơn nữa, an-lạc vi tế hơn nữa, nên thí-chủ cầu mong rằng: … - Chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ trên cõi trời Đâu-xuất-đà-thiên có tuổi thọ sống lâu (4.000 năm cõi trời, nếu so số năm ở cõi người thì bằng 576 triệu năm, bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời Đâu-xuất-đà-thiên bằng 400 năm ở cõi người), có sắc đẹp tuyệt vời hơn nữa, an-lạc vi tế hơn nữa, nên thí-chủ cầu mong rằng: … - Chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ trên cõi trời Hóa-lạc-thiên có tuổi thọ sống lâu (8.000 năm cõi trời, nếu so số năm ở cõi người thì bằng 2.304 triệu năm, bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời Hóa-lạc-thiên bằng 800 năm ở cõi người), có sắc đẹp tuyệt vời hơn nữa, an-lạc vi tế hơn nữa, nên thí-chủ cầu mong rằng: … - Chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ trên cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên có tuổi thọ sống lâu (16.000 năm cõi trời, nếu so số năm ở cõi người thì bằng 9.216 triệu năm, bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên bằng 1.600 năm ở cõi người), có sắc đẹp tuyệt vời hơn nữa, an-lạc vi tế hơn nữa, nên thí-chủ cầu mong rằng: “Quý báu biết dường nào! Sau khi tôi chết, cầu xin phước-thiện bố-thí này cho quả tái-sinh kiếp sau trên cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên ấy.” Thí-chủ hướng tâm cầu mong, luôn luôn niệm tưởng như vậỵ. Tâm của thí-chủ hướng bậc thấp, không hướng lên bậc cao các bậc thiền… Thí-chủ sau khi chết, dục-giới đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hoá-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên ấy. Như-lai dạy rằng: “Kiếp sau của thí-chủ được thành-tựu như ý, thì thí-chủ phải là người có giới trong sạch và trọn vẹn, thí-chủ không phải là người phạm giới, không có giới. - Này chư Tỳ-khưu! Người thí-chủ có giới trong sạch và trọn vẹn, cầu mong được thành-tựu như ý, nhờ có đại-thiện-tâm trong sạch thanh-tịnh. 8- Này chư Tỳ-khưu! Có số thí-chủ trong đời này, làm phước-thiện bố-thí như cơm, nước, … đèn thắp sáng, … đến sa-môn, bà-la-môn. Thí-chủ làm phước-thiện bố-thí, rồi cầu mong quả của phước-thiện bố-thí ấy. Thí-chủ nghe nói rằng: Chư phạm-thiên trên cõi trời sắc-giới phạm-thiên có tuổi thọ sống lâu hơn chư-thiên cõi dục-giới, có sắc thân hào quang sáng ngời, an-lạc vô cùng vi-tế, nên thí-chủ cầu mong rằng: “Quý báu biết dường nào! Trước khi tôi chết, cầu xin phước-thiện bố-thí này làm duyên phát sinh sắc-giới thiện-tâm có sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trên cõi trời sắc-giới phạm-thiên ấy.” Thí-chủ hướng tâm cầu mong, luôn luôn niệm tưởng như vậỵ. Tâm của thí-chủ hướng đến bậc thấp trong bậc thiền sắc-giới, không hướng lên bậc cao Thánh-đạo, Thánh-quả, và Niết-bàn. Thí-chủ sau khi chết, sắc-giới thiện-tâm không có tham-ái trong cõi dục-giới, sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp hoá-sinh làm phạm-thiên trên cõi sắc-giới phạm-thiên ấy, (tuỳ theo sắc-giới quả-tâm). Như-lai dạy rằng: “Kiếp sau của thí-chủ được thành-tựu như ý, thì thí-chủ phải là người có giới trong sạch và trọn vẹn, có sắc-giới thiện-tâm không có tham-ái trong cõi dục-giới, thí-chủ không phải là người phạm giới, không có giới, - Này chư Tỳ-khưu! Người thí-chủ có giới trong sạch và trọn vẹn, cầu mong được thành-tựu như ý, nhờ có sắc-giới thiện-tâm trong sạch thanh-tịnh. - Này chư Tỳ-khưu! Sự sinh của phước-thiện bố-thí có 8 pháp như vậy. Nhận Xét Bài Kinh Dānūpapattisutta Trong bài kinh Dānūpapattisutta này, thí-chủ làm phước-thiện bố-thí xong, tâm của thí-chủ cầu mong hưởng quả của phước-thiện bố-thí trong cõi dục-giới, thậm chí trong cõi trời sắc-giới, đó là sự cầu mong bậc thấp trong vòng luẩn quẩn tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài, cho nên Đức-Phật dạy rằng: “Tâm của thí-chủ cầu mong hưởng quả bậc thấp trong 7 cõi thiện-dục-giới là cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới, cho đến cõi trời sắc-giới phạm-thiên, không tiến triển lên bậc cao là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn. Thí-chủ sau khi chết, tâm cầu mong cõi nào thì thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ấy (Tassa taṃ cittaṃ hīne vimuttaṃ, uttari abhāvitaṃ. Tatrūpapattiyā saṃvattati.). “Như-lai dạy rằng: Kiếp-sau của thí-chủ được thành-tựu như ý, thì thí-chủ phải là người có giới trong sạch và trọn vẹn, thí-chủ không phải là người phạm giới, không có giới (Tañca kho sīlavato vadāmi, no dussīlassa). - Này chư Tỳ-khưu! Người thí-chủ có giới trong sạch và trọn vẹn, cầu mong được thành-tựu như ý, nhờ thiện-tâm trong sạch thanh-tịnh (Ijjhati bhikkhave, sīlavato cetopaṇidhi visuddhattā.([6])). Như vậy, người thí-chủ nào có giới trong sạch và trọn vẹn, làm phước-thiện bố-thí thuộc về dục-giới đại-thiện-nghiệp bố-thí. Người thí-chủ ấy sau khi chết, dục-giới đại-thiện-nghiệp bố-thí có cơ-hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện-dục-giới là cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới. Nếu thí-chủ nào đã phạm giới, không có giới, dù có làm phước-thiện bố-thí thuộc về dục-giới đại-thiện-nghiệp bố-thí, thì thí-chủ ấy sau khi chết, dục-giới đại-thiện-nghiệp bố-thí cũng không có cơ-hội cho quả tái-sinh kiếp sau, mà ác-nghiệp phạm giới có cơ-hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh). Còn dục-giới đại-thiện-nghiệp bố-thí chờ cơ-hội khác cho quả. * Trong Phật-giáo này, các hàng thanh-văn đệ-tử sau khi đã làm phước-thiện bố-thí dù lớn dù nhỏ, cũng nên nguyện cầu bậc cao cứu cánh Niết-bàn đó là A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, diệt-đoạn-tuyệt phiền-não trầm-luân, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, sẽ giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài. Trong Chú-giải Chi-bộ-kinh dạy đọc lời cầu nguyện như sau: “Idaṃ me dānaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu”([7]) Phước-thiện bố-thí này của con xin làm nhân-duyên dẫn dắt con đến chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, diệt-đoạn-tuyệt được mọi phiền-não trầm-luân, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới. Nếu làm các phước-thiện khác thì đọc lời nguyện cầu như sau: “Idaṃ me puññaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu.” Phước-thiện này của con xin làm nhân-duyên dẫn dắt con đến chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, diệt-đoạn-tuyệt được mọi phiền-não trầm-luân, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới. Đó là lời cầu nguyện bậc cao cứu cánh Niết-bàn của mỗi hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, nên phước-thiện bố-thí ấy trở thành pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, làm nền tảng hỗ-trợ cho các pháp-hạnh ba-la-mật còn lại được thuận lợi thành-tựu đầy đủ. Trong vòng tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài, mỗi hàng thanh-văn đệ-tử có pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật hỗ-trợ được thành-tựu quả-báu ở cõi người (manussasampatti) dù giàu sang phú quý như thế nào cũng không đắm say trong cõi người, hoặc được thành-tựu quả-báu ở cõi trời (devasampatti) dù hưởng mọi sự an-lạc trên cõi trời như thế nào cũng không đắm say trong cõi trời ấy, bởi vì mục đích cứu cánh của mỗi hàng thanh-văn đệ-tử là nguyện cầu sớm được thành-tựu đầy đủ các pháp-hạnh ba-la-mật, để hỗ-trợ hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt-đoạn-tuyệt được mọi tham-ái, mọi phiền-não trầm-luân, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, đạt đến mục đích cứu cánh thành-tựu quả-báu Niết-bàn (Nibbānasampatti) giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài. [1] Jātakaṭṭhakathā, Udapānavagga, Kurudhammajātakavaṇṇnā. [2] Kurudhammo nāma pañcasīlāni: Pháp kuru là tên gọi ngũ-giới. 1 Aṅguttaranikāya, Aṭṭhakanipātapāḷi, kinh Abhisandasutta. 2 Trong bộ Milindapañhā. [3] Dī, Sīlakkhandhavaggaṭṭhakathā, Sāmaññaphalasuttavaṇṇanā. [4] Dhammapadaṭṭhakathā, Lokavagga, Aṅgulimālattheravatthu. [5] Aṅguttaranikāya, AṭṭhakanipātaPāḷi, Dānūpapattisutta. [6] Aṅguttaranikāya, AṭṭhakanipātaPāḷi, Dānūpapattisutta. [7] Aṅg. Ekakanipātaṭṭhakathā, Paṇihita acchavaggavaṇṇanā.
|