|
ÂN ÐỨC PHẬT THỨ BA III- Itipi so Bhagavà vijjàcaranasampanno (Cách đọc: Í-tí-pí-xô phá-gá-voa Vít-xà-chá-rá-ná-săm-băn-nô). Ðức Thế Tôn có ân đức Vijjàcaranasampanno = Ðức Minh Hạnh Túc. Ðức Minh Hạnh Túc là bậc có trọn đủ Tam minh, Bát minh và 15 Ðức hạnh cao thượng. Tam Minh 1- Túc mạng minh: Là trí tuệ thấy rõ, biết rõ, nhớ rõ trở lại tiền kiếp từ một kiếp, hằng trăm kiếp, hằng ngàn kiếp, hằng vạn kiếp, hằng triệu kiếp, hằng triệu triệu kiếp... Ðối với Ðức Phật Toàn Giác có khả năng ghi nhớ lại vô số kiếp không có giới hạn. (Còn đối với Ðức Phật Ðộc Giác, bậc Thánh Thanh Văn Giác có giới hạn). Túc mạng minh biết rõ tiền kiếp thuộc loại chúng sinh nào, tên gì, thuộc dòng dõi nào, tạo thiện nghiệp, bất thiện nghiệp, ba la mật, thọ lạc, thọ khổ, tuổi thọ... đều ghi nhớ rõ ràng mọi chi tiết. 2- Thiên nhãn minh: Là trí tuệ thấy rõ biết rõ như mắt của chư thiên, phạm thiên, có khả năng thấy rõ biết rõ kiếp quá khứ, kiếp vị lai của tất cả chúng sinh. Thiên nhãn minh có hai loại: a) Tử sanh minh: Là trí tuệ biết rõ sự tử, sự tái sanh của tất cả chúng sinh. Ðức Thế Tôn có Tử sanh minh này biết rõ chúng sinh sau khi chết rồi do nghiệp nào cho quả tái sanh ở cảnh giới nào. b) Vị lai kiến minh: Là trí tuệ thấy rõ những kiếp vị lai của chúng sinh. Chư Phật dùng Vị lai kiến minh này để thọ ký chúng sinh trong những kiếp vị lai xa xăm; còn thời gian bao nhiêu đại kiếp trái đất nữa sẽ trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác, bậc Ðộc Giác Phật, bậc Thánh Thanh Văn... 3- Lậu tận minh: Là trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới đó là 4 Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt được 4 pháp phiền não trầm luân không còn dư sót; đồng thời Ðức Thế Tôn tận diệt được tất cả mọi tiền khiên tật (vàsanà) do tích luỹ từ vô lượng kiếp trong quá khứ. Bát Minh 1- Túc mạng minh. 2- Thiên nhãn minh. 3- Lậu tận minh. 4- Thiền tuệ minh: Trí tuệ thiền tuệ tam giới thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp sắc pháp, và trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới chứng đắc Thánh Ðạo Tuệ, Thánh Quả Tuệ và Niết Bàn. 5- Hoá tâm minh: Trí tuệ có khả năng hoá thân khác theo mong muốn của mình, do năng lực của thiền định. Như trường hợp Ðức Phật thuyết tạng Vi Diệu Pháp vào hạ thứ bảy tại cung Tam thập tam thiên suốt ba tháng. Mỗi ngày đến giờ đi khất thực, Ðức Phật hoá thân khác như Ðức Phật tiếp tục thuyết pháp, còn chính Ðức Phật thật đi khất thực ở Bắc câu lưu châu. Khi độ ngọ xong trở lại cung trời thay thế Ðức Phật hoá thân, chỉ có một số ít chư thiên, phạm thiên bậc cao có nhiều oai lực mới biết được. 6- Thần thông minh: Trí tuệ có khả năng biến hoá nhiều phép thần thông khác nhau do năng lực thiền định, như một người hoá thành nhiều người, tàng hình không ai thấy, hiện hình nơi khác, đi xuyên qua núi, đi trên hư không... 7- Thiên nhĩ minh: Là trí tuệ như tai của chư thiên có khả năng nghe được nhiều thứ tiếng người, tiếng súc sanh, tiếng chư thiên gần xa do năng lực thiền định. 8- Tha tâm minh: Là trí tuệ có khả năng biết đến tâm của người khác, chúng sinh khác đang nghĩ gì, thiện tâm hoặc bất thiện tâm. Ðó là Tam minh, Bát minh. 15 Ðức Hạnh Cao Thượng 1- Có giới đức hoàn toàn trong sạch và thanh tịnh. 2- Thu thúc lục căn thanh tịnh: thu thúc khi thấy bằng mắt, nghe bằng tai, ngửi bằng mũi, nếm bằng lưỡi, tiếp xúc bằng thân, suy nghĩ bằng ý hoàn toàn thanh tịnh. 3- Biết tri túc trong vật thực: nhận vật thực vừa đủ thọ thực, khi thọ thực đàng hoàng, còn 4-5 miếng cơm nữa đủ no, biết ngừng lại để dành uống nước, không dùng no quá. 4- Tinh tấn tính thức: ngày, đêm tinh tấn hành phận sự, nghĩa là suốt ngày không ngủ, ban đêm có 3 canh; canh đầu: ngồi hành đạo, đi kinh hành; canh giữa: (22 giờ khuya) nằm nghỉ ngủ trong tư thế nằm nghiêng bên phải, có trí nhớ trí tuệ trước khi ngủ, sẽ thức dậy lúc cuối canh giữa; canh chót: (2 giờ sáng) hành đạo, đi kinh hành... Gọi là tinh tấn luôn luôn tính thức. 5- Ðức tin: có đức tin không lay chuyển. 6- Trí nhớ: thường có trí nhớ. 7- Hổ thẹn: biết tự mình hổ thẹn, không làm mọi tội ác. 8- Ghê sợ: biết ghê sợ, không làm mọi tội ác. 9- Ða văn túc trí: học nhiều hiểu rộng tất cả các pháp. 10- Tinh tấn: có tâm tinh tấn không ngừng nghỉ. 11- Trí tuệ: có trí tuệ hiểu biết rõ tất cả các pháp. 12- Ðệ nhất thiền: có đệ nhất thiền hữu sắc và vô sắc. 13- Ðệ nhị thiền: có đệ nhị thiền hữu sắc và vô sắc. 14- Ðệ tam thiền: có đệ tam thiền hữu sắc và vô sắc. 15- Ðệ tứ thiền: có đệ tứ thiền hữu sắc và vô sắc. Ðó là 15 đức hạnh cao thượng. Ðức Thế Tôn có trọn đủ Tam minh, Bát minh và 15 Ðức hạnh cao thượng hợp với trí đại bi để tế độ chúng sinh, có hữu duyên nên tế độ, cứu vớt chúng sinh ấy giải thoát khỏi mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài. Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Vijjàcarana-sampanno = Ðức Minh Hạnh Túc. Niệm Ân Ðức Vijjàcaranasampanno Người Phật tử thường niệm tưởng đến Ân Ðức Phật, "Ân Ðức Vijjàcaranasampanno" này, sẽ phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Thế Tôn, có trí tuệ sáng suốt, phát sanh hỉ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Ðức Thế Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai hoạ, phước thiện được tăng trưởng. Hành giả tiến hành đề mục niệm Ân Ðức Phật, Ân Ðức "Vijjàcaranasampanno..., Vijjàcaranasampanno..., Vijjàcaranasampanno...", hoặc câu Ân Ðức Vijjàcaranasampanno: "Itipi so Bhagavà Vijjàcaranasampanno..., Itipi so Bhagavà Vijjàcaranasampanno..., Itipi so Bhagavà Vijjà-caranasampanno...", làm đối tượng thiền định... (Phần còn lại giống như Ân Ðức Araham). ÂN ÐỨC PHẬT THỨ TƯ IV- Itipi so Bhagavà Sugato (Cách đọc: Í-tí-pí-xô phá-gá-voa Sú-gá-tô) Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Sugato = Ðức Thánh Thiện. Sugato có 4 ý nghĩa: 1- Ngự theo Thánh Ðạo. 2- Ngự đến Niết Bàn an lạc tuyệt đối. 3- Ngự đến mục đích cao thượng bất thoái chí. 4- Thuyết pháp chân lý đem lại sự lợi ích cho chúng sinh. Giải thích: 1- Sugato có ý nghĩa ngự theo Thánh Ðạo như thế nào? Ðức Thế Tôn ngự (hành) theo Thánh Ðạo hợp đủ 8 chánh là: - Chánh kiến: Trí tuệ thấy chân chính, đó là trí tuệ thiền tuệ chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế. - Chánh tư duy: Tư duy chân chính, đó là tư duy thoát khỏi ngũ trần, tư duy không thù oán, tư duy không hại chúng sinh. - Chánh ngữ: Lời nói chân chính, đó là không nói dối, không nói lời đâm thọc chia rẽ, không nói lời thô tục, không nói lời vô ích. - Chánh nghiệp: Hành nghiệp chân chính, đó là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. - Chánh mạng: Nuôi mạng chân chính, đó là không sống theo tà mạng do hành ác. - Chánh tinh tấn: Tinh tấn chân chính là: * Tinh tấn ngăn ác pháp phát sanh. * Tinh tấn diệt ác pháp đã sanh. * Tinh tấn làm cho thiện pháp phát sanh. * Tinh tấn làm cho tăng trưởng thiện pháp đã sanh. - Chánh niệm: Niệm chân chính, đó là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp. - Chánh định: Ðịnh chân chính, đó là định tâm trong đệ nhất thiền, đệ nhị thiền, đệ tam thiền, đệ tứ thiền, đệ ngũ thiền siêu tam giới có Niết Bàn làm đối tượng. Thánh Ðạo hợp đủ 8 chánh này đồng sanh trong Thánh Ðạo tâm, Thánh Quả tâm, có Niết Bàn làm đối tượng. Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Sugato với ý nghĩa ngự theo Thánh Ðạo. 2- Sugato có ý nghĩa ngự đến Niết Bàn an lạc tuyệt đối như thế nào? Ðức Thế Tôn là bậc đầu tiên chứng ngộ Niết Bàn bằng trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới, đó là 4 Thánh Ðạo Tuệ, 4 Thánh Quả Tuệ, nên Ngài có Ân Ðức Sugato với ý nghĩa ngự đến Niết Bàn an lạc tuyệt đối. Về sau, Ðức Thế Tôn thuyết pháp tế độ các hàng đệ tử cũng chứng ngộ Niết Bàn bằng Thánh Ðạo Tuệ, Thánh Quả Tuệ, nhưng những bậc Thánh Thanh Văn này không có Ân Ðức Sugato như Ðức Thế Tôn, vì không phải bậc đầu tiên chứng ngộ Niết Bàn. Do đó, chỉ có Ðức Thế Tôn mới có Ân Ðức Sugato với ý nghĩa ngự đến Niết Bàn an lạc tuyệt đối. 3- Sugato có ý nghĩa ngự đến mục đích cao thượng, bất thoái chí như thế nào? Ðức Bồ Tát đạo sĩ Sumedha, tiền thân của Ðức Thế Tôn, đã phát nguyện sẽ trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác, được Ðức Phật Dìpankara thọ ký còn 4 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp nữa, sẽ trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác có danh hiệu Gotama. Từ đó, Ðức Bồ Tát trở thành cố định tiếp tục bồi bổ pháp hạnh ba la mật: 10 bậc thường, 10 bậc trung và 10 bậc thượng gồm đủ 30 pháp hạnh ba la mật suốt 4 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp bất thoái chí. Ðến kiếp chót, Ðức Bồ Tát Siddhattha từ bỏ ngai vàng đi xuất gia đã trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác. Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Sugato với ý nghĩa ngự đến mục đích cao thượng bất thoái chí. 4- Sugato có ý nghĩa thuyết pháp chân lý đem lại sự lợi ích cho chúng sinh như thế nào? Ðức Thế Tôn tuỳ thời thuyết pháp chân lý chắc chắn đem lại sự lợi ích cho chúng sinh, nếu không đem lại lợi ích, thì Ðức Thế Tôn không thuyết pháp. Ðức Thế Tôn biết rõ 6 trường hợp; trường hợp nào nên thuyết giảng và trường hợp nào không nên thuyết giảng như sau: 1- Ðức Thế Tôn biết rõ pháp nào không chân thật, không đem lại sự lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỉ, Ngài không thuyết giảng pháp ấy. 2- Ðức Thế Tôn biết rõ pháp nào không chân thật, không đem lại sự lợi ích, người nghe hài lòng, hoan hỉ, Ngài không thuyết giảng pháp ấy. 3- Ðức Thế Tôn biết rõ pháp nào chân thật, nhưng không đem lại sự lợi ích, dầu người nghe hài lòng, hoan hỉ, Ngài không thuyết giảng pháp ấy. 4- Ðức Thế Tôn biết rõ pháp nào chân thật, không đem lại sự lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỉ, Ngài không thuyết giảng pháp ấy. 5- Ðức Thế Tôn biết rõ pháp nào chân thật, đem lại sự lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỉ, Ngài biết tùy nơi, đúng lúc sẽ thuyết giảng pháp ấy. 6- Ðức Thế Tôn biết rõ pháp nào chân thật, đem lại sự lợi ích, người nghe hài lòng, hoan hỉ, Ngài biết tùy nơi, đúng lúc sẽ thuyết giảng pháp ấy. Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Sugato với ý nghĩa thuyết pháp chân lý đem lại sự lợi ích cho chúng sinh. Ân Ðức Sugato có 4 ý nghĩa tóm tắt này, đặc biệt đáng ghi nhớ ý nghĩa đức Sugato thuyết pháp chân lý đem lại lợi ích cho chúng sinh. Niệm Ân Ðức Sugato Người Phật tử thường niệm tưởng đến Ân Ðức Phật, "Ân Ðức Sugato" này, sẽ phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Thế Tôn, có trí tuệ sáng suốt, phát sanh hỉ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Ðức Thế Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai hoạ, phước thiện được tăng trưởng. Hành giả tiến hành đề mục niệm Ân Ðức Phật, Ân Ðức "Sugato..., Sugato..., Sugato...", hoặc câu Ân Ðức Sugato: "Itipi so Bhagavà Sugato..., Itipi so Bhagavà Sugato..., Itipi so Bhagavà Sugato...", làm đối tượng thiền định... (Phần còn lại giống như Ân Ðức Araham). ÂN ÐỨC PHẬT THỨ NĂM V- Itipi so Bhagavà Lokavidù (Cách đọc: Í-tí-pí-xô phá-gá-voa Lô-ká-vn-đu). Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Lokavidù = Ðức Thông Suốt Tam Giới. Ý nghĩa Loka Loka: Thế giới đó là các pháp có sự sanh, sự diệt, sự thành, sự hoại,... nhất là ngũ uẩn chấp thủ của mình, gọi là thế giới. Thế giới có 3 loại: 1- Chúng sinh thế giới (sattaloka). 2- Cõi thế giới (okàsaloka). 3- Pháp hành thế giới (sankhàraloka). Ðức Thế Tôn có hai loại trí tuệ đặc biệt mà Chư Phật Ðộc Giác và bậc Thánh Thanh Văn không có là: - Trí tuệ thấy rõ biết rõ căn cơ cao thấp của mỗi chúng sinh. - Trí tuệ thấy rõ biết rõ phiền não ngấm ngầm, thiện nghiệp, ác nghiệp của mỗi chúng sinh. Cho nên, Ðức Thế Tôn có khả năng thông suốt cả ba thế giới. 1- Thế nào gọi là chúng sinh thế giới? Chúng sinh thế giới: * Về nơi sanh có 4 loại: - Thai sanh: Chúng sinh sanh từ bụng mẹ như: loài người, trâu, bò... - Noãn sanh: Chúng sinh sanh từ trứng như: gà, vịt, chim... - Thấp sanh: Chúng sinh sanh từ nơi ẩm thấp như: con dòi, con trùn,... - Hoá sanh: Chúng sinh sanh hiện hữu ngay tức thì như: chư thiên, phạm thiên, loài ngạ quỷ, atula, chúng sinh địa ngục, con người đầu tiên xuất hiện trên trái đất này... * Về uẩn có 3 loại: - Chúng sinh có ngũ uẩn: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn ở cõi dục giới và cõi sắc giới. - Chúng sinh có tứ uẩn: thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn (không có sắc uẩn) ? cõi vô sắc giới. - Chúng sinh có nhất uẩn: sắc uẩn (không có 4 danh uẩn) ? cõi sắc giới Vô tưởng thiên, v.v... Ðức Thế Tôn biết rõ tất cả mọi loài chúng sinh có căn cơ cao hoặc thấp; có phiền não ngấm ngầm nặng hoặc nhẹ, có bản tánh riêng của mỗi chúng sinh; có nguyện vọng cao quý hoặc thấp hèn, có 5 pháp chủ [*] già dặn hoặc còn non nớt... [*] 5 pháp chủ: tín pháp chủ, tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, định pháp chủ, tuệ pháp chủ. Chúng sinh có khả năng chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả trong kiếp hiện tại, hoặc kiếp vị lai trở thành Toàn Giác Phật, hoặc Ðộc Giác Phật, hoặc bậc Thánh Thanh Văn Giác bậc nào... Chúng sinh không có khả năng chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả trong kiếp hiện tại bởi do nguyên nhân nào... Ðức Thế Tôn thông suốt tất cả các loài chúng sinh không còn dư sót. 2- Thế nào gọi là cõi thế giới? Cõi thế giới là nơi tạm trú của tất cả các loài chúng sinh hiện hữu tuỳ theo thiện nghiệp, ác nghiệp cho quả và hỗ trợ chúng sinh. Tam giới Tam giới là một thế giới nhỏ, gồm có 31 cõi: - Dục giới có 11 cõi. - Sắc giới có 16 cõi. - Vô sắc giới có 4 cõi. * 11 cõi dục giới. - 4 cõi ác giới: * Cõi Ðịa ngục: có tuổi thọ không nhất định. * Cõi Atula: có tuổi thọ không nhất định. * Cõi Ngạ quỷ: có tuổi thọ không nhất định. * Cõi Súc sanh: có tuổi thọ không nhất định. - 7 cõi thiện dục giới: * Cõi Người: có tuổi thọ không nhất định. * Cõi Tứ đại thiên vương: có tuổi thọ 500 tuổi trời, bằng 9 triệu năm cõi người. (Bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 50 năm cõi người). * Cõi Tam thập tam thiên: có tuổi thọ 1.000 tuổi trời, bằng 36 triệu năm cõi người. (Bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 100 năm cõi người). * Cõi Dạ ma thiên: có tuổi thọ 2.000 tuổi trời, bằng 144 triệu năm cõi người. (Bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 200 năm cõi người). * Cõi Ðâu xuất đà thiên: có tuổi thọ 4.000 tuổi trời, bằng 576 triệu năm cõi người. (Bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 400 năm cõi người). * Cõi Hoá lạc thiên: có tuổi thọ 8.000 tuổi trời, bằng 2.304 triệu năm cõi người. (Bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 800 năm cõi người). * Cõi Tha hoá tự tại thiên: có tuổi thọ 16.000 tuổi trời, bằng 9.216 triệu năm cõi người. (Bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 1.600 năm cõi người). * 16 cõi sắc giới phạm thiên. - Ðệ nhất thiền hữu sắc có 3 cõi: * Cõi Phạm chúng thiên: có tuổi thọ 1/3 a tăng kỳ kiếp trụ. (Vivattatthàyì asankheyyakappa = a tăng kỳ kiếp trụ của trái đất.) * Cõi Phạm phụ thiên: có tuổi thọ 1/2 a tăng kỳ kiếp trụ. * Cõi Ðại phạm thiên: có tuổi thọ 1 a tăng kỳ kiếp trụ. - Ðệ nhị thiền hữu sắc có 3 cõi: * Cõi Thiểu quang thiên: có tuổi thọ 2 đại kiếp. (Ðại kiếp = trải qua 4 a tăng kỳ: thành - trụ - hoại - không của kiếp trái đất.) * Cõi Vô lượng quang thiên: có tuổi thọ 4 đại kiếp. * Cõi Quang âm thiên: có tuổi thọ 8 đại kiếp. - Ðệ tam thiền sắc giới có 3 cõi: * Cõi Thiểu tịnh thiên: có tuổi thọ 16 đại kiếp. * Cõi Vô lượng tịnh thiên: có tuổi thọ 32 đại kiếp. * Cõi Biến tịnh thiên: có tuổi thọ 64 đại kiếp. - Ðệ tứ thiền sắc giới có 7 cõi: * Cõi Quảng quả thiên: có tuổi thọ 500 đại kiếp. * Cõi Vô tưởng thiên: có tuổi thọ 500 đại kiếp. * Cõi Phước sanh thiên: có 5 cõi dành riêng cho bậc Thánh Bất Lai chứng đắc đệ tứ thiền hữu sắc: - Cõi Vô phiền thiên: có tuổi thọ 1.000 đại kiếp. - Cõi Vô nhiệt thiên: có tuổi thọ 2.000 đại kiếp. - Cõi Thiện hiện thiên: có tuổi thọ 4.000 đại kiếp. - Cõi Thiện kiến thiên: có tuổi thọ 8.000 đại kiếp. - Cõi Sắc cứu cánh thiên: có tuổi thọ 16.000 đại kiếp. * 4 cõi vô sắc giới phạm thiên. - Không vô biên xứ thiên: có tuổi thọ 20.000 đại kiếp. - Thức vô biên xứ thiên: có tuổi thọ 40.000 đại kiếp. - Vô sở hữu xứ thiên: có tuổi thọ 60.000 đại kiếp. - Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên: có tuổi thọ 84.000 đại kiếp. 1 thế giới có tam giới, gồm có 31 cõi. 1 tiểu thế giới có 31.000 cõi. 1 trung thế giới gồm có 31 triệu cõi. 1 đại thế giới gồm có 31 triệu triệu cõi hay 31.000 tỉ cõi. Ðức Thế Tôn không những thông suốt 31.000 tỉ cõi mà còn thông suốt vô lượng thế giới (ananta-cakkavàla). 3- Thế nào gọi là pháp hành thế giới? Pháp hành thế giới đó là ngũ uẩn chấp thủ do nhân duyên cấu tạo, nên có sự sanh, sự diệt. Chúng sinh thế giới và cõi thế giới thuộc về thế giới do Chế định pháp (Pannattidhamma), còn pháp hành thế giới thuộc về Chân nghĩa pháp (Paramatthadhamma). Ðức Thế Tôn thông suốt pháp hành thế giới có nhiều loại như sau: - Thế giới có 1 pháp: tất cả chúng sinh được tồn tại do nhờ nhân (àhàra).
ÂN ÐỨC PHẬT THỨ SÁU VI- Itipi so Bhagavà Anuttaro purisadammasàrathi (Cách đọc: Í-tí-pí-xô Phá-gá-voa Á-nút-tá-rô pú-rn-sá-đăm-má-sa-rá-thí). Ðức Thế Tôn có ân đức Anuttaro purisa-dammasàrathi = Ðức Vô Thượng giáo hoá chúng sinh. Ðức Thế Tôn giáo hoá các loại chúng sinh như: súc sanh, nhân loại, dạ xoa, chư thiên, phạm thiên trở thành bậc Thiện trí. a) Giáo hoá loài súc sanh Ðức Thế Tôn giáo hoá các loài súc sanh như rồng chúa Apalàla, rồng chúa Cùlodara, rồng chúa Mahodara... trở thành rồng hiền lành. Voi chúa Nàlàgiri rất hung dữ trong cơn say, chạy đến hại Ðức Thế Tôn, Ngài rải tâm từ đến voi chúa, ngay tức khắc voi chúa tính lại, bò đến quỳ mọp xuống hai bàn chân của Ðức Phật, Ngài giáo hoá voi chúa này trở thành voi hiền lành, biết quy y Tam bảo, thọ trì ngũ giới. Kể từ đó về sau, voi chúa rất hiền lành dễ thương, Ðức Thế Tôn đặt tên là voi chúa Dhanapàla. b) Giáo hoá người ác trở thành bậc Thánh nhân Kẻ cướp sát nhân cắt ngón tay xâu thành vòng đeo ở cổ có biệt danh Angulimàla. Y có võ nghệ cao cường, một mình ở trong rừng, từng đoàn người 20 - 30 người đi qua khu rừng, không một ai thoát chết. Một hôm, Ðức Thế Tôn một mình đi vào rừng, nơi trú ẩn của Angulimàla, để giáo hoá y. Y thức tính, từ bỏ sát nhân, xin xuất gia trở thành Tỳ khưu nơi Ðức Phật. Về sau không lâu Tỳ khưu Angulimàla chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo - Nhập Lưu Thánh Quả, cho đến Arahán Thánh Ðạo - Arahán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng... c) Giáo hoá Dạ xoa ác trở thành bậc Thánh nhân Tích dạ xoa Àlavaka ăn thịt người rất hung ác, tàn bạo, có nhiều phép mầu cực kỳ nguy hiểm. Ðức Thế Tôn đến ngự trên bảo tọa trong lâu đài của dạ xoa Àlavaka, y bực tức dùng mọi phép mầu để xua đuổi Ðức Thế Tôn ra khỏi cung điện của y. Nhưng y hoàn toàn bất lực, không xua đuổi Ðức Thế Tôn được. Cuối cùng, y có những câu hỏi mà quên câu trả lời, y đã hỏi nhiều Sa môn, Bà la môn mà không một ai có thể trả lời đúng được. Nay y đem những câu hỏi ấy đặt điều kiện hỏi Ðức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn đã giải đáp đúng ý nghĩa những câu hỏi, dạ xoa Àlavaka vô cùng hoan hỉ liền chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo - Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh thứ nhất trong Phật giáo. d) Giáo hoá phạm thiên tà kiến trở thành chánh kiến Phạm thiên Baka ở cung trời sắc giới Quang âm thiên phát sanh thường kiến mê lầm. Ðức Thế Tôn từ chùa Jetavana, hiện lên cõi trời sắc giới để tế đ? phạm thiên Baka từ bỏ tà kiến trở lại chánh kiến... Ðức Thế Tôn giáo hoá tế độ chúng sinh hữu duyên nên tế độ. Nghĩa là, những chúng sinh ấy tiền kiếp có liên quan với Ngài, hoặc tiền kiếp đã từng gieo duyên lành nơi chư Phật trong quá khứ, hoặc đã từng tạo ba la mật, gieo phước duyên trong giáo pháp của chư Phật ấy. Nay kiếp hiện tại, có duyên lành được Ðức Thế Tôn quan tâm đến, để giáo hoá tế độ chúng sinh ấy. (Không có nghĩa Ðức Thế Tôn gặp chúng sinh nào cũng giáo hoá tế độ chúng sinh ấy được cả thảy). Ðức Thế Tôn giáo hoá những chúng sinh mà không có một ai có thể giáo hoá tế độ được, không có một vị nào sánh được như Ngài. Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Anuttaro purisa-dammasàrathi = Ðức Vô Thượng giáo hoá chúng sinh. Riêng Ân Ðức Phật Anuttaro purisadamma-sàrathi: trong bộ Thanh Tịnh Ðạo, phần giảng dạy Ân Ðức Phật, Ân Ðức Phật này phân chia làm hai Ân Ðức riêng biệt. - Anuttaro = Ðức Vô Thượng. - Purisadammasàrathi = Ðức giáo hoá chúng sinh. Giải thích: - Ân Ðức Anuttaro = Ðức Vô Thượng như thế nào? * Ðức Thế Tôn có giới đức trong sạch thanh tịnh không một ai trong toàn thế giới hơn Ngài. Cũng như vậy, * Có định đức trong sạch thanh tịnh... * Có tuệ đức trong sạch thanh tịnh... * Có giải thoát đức trong sạch thanh tịnh... * Có giải thoát tri kiến đức trong sạch thanh tịnh không một ai trong toàn thế giới hơn Ngài. Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Anuttaro = Ðức Vô Thượng. - Ân Ðức Purisadammasàrathi: Ðức giáo hoá chúng sinh như thế nào? Ðức Thế Tôn giáo hoá các loài chúng sinh có duyên lành, mà không có một ai trong toàn thế giới chúng sinh có khả năng giáo hoá tế độ chúng sinh như Ngài được. Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Purisa-dammasàrathi = Ðức giáo hoá chúng sinh. Niệm Ân Ðức Anuttaro purisadammasàrathi Người Phật tử thường niệm tưởng đến Ân Ðức Phật, "Ân Ðức Anuttaro purisadamma -sàrathi", này sẽ phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Thế Tôn, có trí tuệ sáng suốt, phát sanh hỉ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Ðức Thế Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai hoạ, phước thiện được tăng trưởng. Hành giả tiến hành đề mục niệm Ân Ðức Phật, Ân Ðức "Anuttaro purisadammasàrathi..., Anuttaro purisadammasàrathi..., Anuttaro purisa-dammasàrathi...", hoặc câu Ân Ðức Anuttaro purisadammasàrathi: là "Itipi so Bhagavà Anuttaro purisadammasàrathi..., Itipi so Bhagavà Anuttaro purisadammasàrathi..., Itipi so Bhagavà Anuttaro purisadammasàrathi...", làm đối tượng thiền định... (Phần còn lại giống như Ân Ðức Araham). -ooOoo- |