|
I.2 CHUYỂN PHÁP LUÂN Khi suy xét nên thuyết pháp tế độ ai đầu tiên, Ðức Phật nghĩ đến vị Ðạo sư Ālāra Kālāmagotta là bậc Thiện trí có trí tuệ; nếu vị Ðạo sư Ālāra Kālāmagotta được nghe chánh pháp, sẽ mau lẹ chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn. Lúc ấy chư thiên đến hầu Ðức Phật bạch rằng: - Kính bạch Ðức Thế Tôn, vị Ðạo sư Ālāra Kālāmagotta đã viên tịch được 7 ngày qua. Ðức Phật quán xét, thấy đúng: vị Ðạo sư Ālāra Kālāmagotta đã viên tịch, do năng lực đệ tam thiền vô sắc giới cho quả tái sanh lên cõi "Vô sở hữu xứ thiên" thuộc vô sắc giới. Ngài nghĩ: "Thật là sự thiệt hại lớn lao quá!". [11] Tiếp đến, Ðức Phật nghĩ đến vị Ðạo sư Udaka Rāmaputta là bậc Thiện trí có trí tuệ; nếu vị Ðạo sư Udaka Rāmaputta được nghe chánh pháp, sẽ mau lẹ chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn. Lúc ấy chư thiên đến hầu Ðức Phật bạch rằng: - Kính bạch Ðức Thế Tôn, vị Ðạo sư Udaka Rāmaputta vừa mới viên tịch chiều hôm qua. Ðức Phật quán xét, thấy đúng: vị Ðạo sư Udaka Rāmaputta đã viên tịch, do năng lực đệ tứ thiền vô sắc giới cho quả tái sanh lên cõi "Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên" thuộc vô sắc giới. Ðức Phật nghĩ rằng: "Thật là sự thiệt hại lớn lao quá!". Tiếp đến, Ðức Phật nghĩ đến nhóm 5 Tỳ khưu đã từng phụng sự, hộ độ Ngài trong thời gian còn là Bồ Tát hành khổ hạnh. Ðức Phật nghĩ: "Vậy, đầu tiên Như Lai nên thuyết pháp tế độ nhóm 5 Tỳ khưu này". Khi ấy, nhóm 5 Tỳ khưu đang ở tại khu rừng phóng sanh nai gọi là Isipatana, gần thành Bārāṇasi. Thế rồi, từ xóm Uruvela, Ðức Phật ngự đến kinh thành Bārāṇasi thuyết pháp độ nhóm 5 Tỳ khưu: Ngài Koṇṇañña trưởng nhóm, Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji. Ðức Phật Chuyển Pháp Luân Lần Ðầu Tiên Ðức Thế Tôn ngự đến khu rừng phóng sanh nai gọi là Isipatana, nhằm vào ngày rằm tháng 6, sau khi trở thành Bậc Chánh Ðẳng Giác tròn đủ hai tháng. Nhóm 5 Tỳ khưu nhìn thấy Ðức Phật từ xa đi đến, họ nghĩ lầm rằng: "Sa môn Gotama đã từ bỏ sự tinh tấn hành khổ hạnh, trở lại đời sống sung túc". Vì nghĩ như vậy, nhóm 5 Tỳ khưu không còn đức tin và kính trọng Ðức Phật như trước, họ đồng ý thỏa thuận với nhau rằng: "Chúng ta không đứng dậy đón rước, không tiếp nhận y và bát, không đảnh lễ, chỉ nên sắp đặt chỗ để cho Sa môn Gotama ngồi mà thôi". Nhưng khi Ðức Phật đến gần, do oai lực và tâm đại bi của Ngài, nhóm 5 Tỳ khưu không còn nhớ lời giao ước, mà mỗi người đều tự động đứng dậy cung kính đón rước; vị nhận y bát, vị lấy nước rửa chân, vị sắp đặt trải chỗ ngồi cao quí, thỉnh Ngài đến ngự. Nhưng cách xưng hô của họ với Ðức Phật bằng cách gọi: "Āvuso" không hợp lẽ đạo, thiếu cung kính đối với Ðức Thế Tôn. Nghe vậy, Ðức Phật dạy rằng: - Này chư Tỳ khưu, các con không nên gọi Như Lai bằng tiếng "Āvuso" [12] . Như Lai là bậc Chánh Ðẳng Giác, Như Lai sẽ thuyết giảng chánh pháp mà Như Lai đã chứng ngộ. Các con hãy lắng nghe rồi thực hành theo, các con cũng sẽ chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, như Ðức Như Lai đã chứng ngộ". Nhóm 5 Tỳ khưu vẫn chưa tin theo lời dạy của Ðức Phật, vì nghĩ rằng: "Trước đây Sa môn Gotama hành pháp khổ hạnh đến như thế, mà không chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác; nay trở lại đời sống sung túc như vậy, lại có thể chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác được hay sao?". Ðức Thế Tôn thấu hiểu rõ sự hoài nghi của nhóm 5 Tỳ khưu, nên Ngài đã lý giải rõ ràng, phá tan được sự hoài nghi của họ. Cuối cùng, nhóm 5 Tỳ khưu cảm phục Ðức Phật và có đức tin trong sạch nơi Ngài. Khi ấy mặt trời sắp lặn ở hướng Tây, mặt trăng ló dạng ở hướng Ðông, Ðức Thế Tôn lần đầu tiên thuyết pháp bài kinh "Dhammacakkappavattanasutta" [13]: kinh Chuyển Pháp Luân. KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN "Evaṃ me sutaṃ...". Lời Ðại Ðức Ānanda bạch với Ngài Ðại Ðức Mahākassapa: Kính bạch Ðại Ðức Trưởng lão Mahākassapa khả kính: Con là Ānanda được nghe bài kinh Chuyển Pháp Luân từ Ðức Thế Tôn như vậy: Một thuở nọ, Ðức Thế Tôn ngự tại khu rừng phóng sanh nai gọi là Isipatana, trước kia chư Ðộc Giác Phật thường ngự xuống. Tại đây, Ðức Thế Tôn gọi nhóm 5 Tỳ khưu: Ngài Koṇṇañña, Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji mà dạy rằng: Hai Pháp Thấp Hèn (dve antā) - Này chư Tỳ khưu, có 2 pháp cực đoan thuộc về hai biên kiến người xuất gia không nên hành theo. Hai pháp ấy như thế nào? 1- Một là, việc thường thụ hưởng khoái lạc trong ngũ dục do tâm tham ái hợp với thường kiến, là pháp thấp hèn của hạng phàm nhân trong đời, không phải của bậc Thánh nhân, không đem lại lợi ích an lạc nào. 2- Hai là, việc thường tự ép xác hành khổ mình do tâm sân hận và có đoạn kiến, thuộc pháp hành khổ hạnh của ngoại đạo, không phải của bậc Thánh nhân, không đem lại lợi ích an lạc nào. Pháp Hành Trung Ðạo (MajjhimāpaTipadā) Này chư Tỳ khưu, không thiên về hai biên kiến ấy, Như Lai đã hành theo Pháp hành trung đạo, nên đã chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế bằng trí tuệ siêu tam giới, làm cho tuệ nhãn phát sanh; trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới phát sanh, để làm vắng lặng mọi phiền não; làm cho trí tuệ siêu việt thông suốt chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh đạo, Thánh quả và Niết Bàn. Này chư Tỳ khưu, thế nào gọi là Pháp hành trung đạo mà Như Lai đã chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế (bằng trí tuệ siêu tam giới), làm cho tuệ nhãn phát sanh; trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới phát sanh, để làm vắng lặng mọi phiền não; làm cho trí tuệ siêu việt thông suốt chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh đạo, Thánh quả và Niết Bàn. Này chư Tỳ khưu, Pháp hành trung đạo đó chính là Thánh Ðạo hợp đủ 8 chánh cao thượng là: 1- Chánh kiến. 2- Chánh tư duy. 3- Chánh ngữ. 4- Chánh nghiệp. 5- Chánh mạng. 6- Chánh tinh tấn. 7- Chánh niệm. 8- Chánh định. Này chư Tỳ khưu, nhờ Pháp hành trung đạo là Thánh Ðạo hợp đủ 8 chánh cao thượng này, mà Như Lai đã chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế (bằng trí tuệ siêu tam giới), làm cho tuệ nhãn phát sanh; trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới phát sanh, để làm vắng lặng mọi phiền não; làm cho trí tuệ siêu việt thông suốt chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh đạo, Thánh quả và Niết Bàn. TỨ THÁNH ÐẾ 1- Khổ thánh đế (Dukkha ariyasacca) Này chư Tỳ khưu, Khổ thánh đế là sự thật chân lý mà bậc Thánh nhân đã chứng ngộ là: * Tái sanh là khổ, già là khổ, bịnh là khổ, chết là khổ. * Phải sống chung với người không thương yêu là khổ. * Phải xa lìa người thương yêu là khổ. * Mong muốn đừng có sanh, đừng có già, đừng có bịnh, đừng có chết... mà không thể nào được như ý là khổ. * Tóm lại, ngũ uẩn là đối tượng của chấp thủ do tâm tham ái và tà kiến là khổ. 2- Nhân sanh khổ thánh đế (Dukkhasamudaya ariyasacca) Này chư Tỳ khưu, Nhân sanh khổ thánh đế là sự thật chân lý mà bậc Thánh nhân đã chứng ngộ là: tham ái, nhân dắt dẫn tái sanh, hợp với tham muốn, hài lòng, say mê trong các đối tượng, hoan lạc trong kiếp sống; Nhân sanh Khổ thánh đế ấy là: * Dục ái (kāmataṇhā): tham ái trong 6 cảnh trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. * Hữu ái (bhavataṇhā): tham ái trong 6 cảnh trần hợp với thường kiến, hoặc tham ái trong 3 cõi: dục giới, sắc giới và vô sắc giới. * Phi hữu ái (vibhavataṇhā): tham ái trong 6 cảnh trần hợp với đoạn kiến. 3- Diệt khổ thánh đế (Dukkhanirodha ariyasacca) Này chư Tỳ khưu, Diệt Khổ thánh đế là sự thật chân lý mà bậc Thánh nhân đã chứng ngộ là: Niết Bàn, pháp diệt đoạn tuyệt mọi tâm tham ái ấy không còn dư sót, bằng 4 Thánh Ðạo Tuệ; xả ly ngũ uẩn, từ bỏ ngũ uẩn; giải thoát khổ, không còn luyến ái dính mắc. 4- Pháp hành diệt khổ thánh đế (Dukkhanirodhagaminīpaṭipadā ariyasacca) Này chư Tỳ khưu, Pháp hành dẫn đến sự chứng ngộ Niết Bàn, diệt khổ thánh đế là sự thật chân lý mà bậc Thánh nhân đã chứng ngộ là: Thánh Ðạo hợp đủ 8 chánh: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. BA BẬC TRÍ TUỆ TRONG TỨ THÁNH ÐẾ Ba Bậc Trí Tuệ Trong Khổ Thánh Ðế 1- Trí tuệ học biết trong Khổ thánh đế (Saccañāṇa) Này chư Tỳ khưu, tuệ nhãn (cakkhu) thấy rõ ngũ uẩn chấp thuû là Khổ thánh đế đã phát sanh; trí tuệ thiền tuệ (ñāṇa) thấy rõ thực tánh Khổ thánh đế đã phát sanh; trí tuệ sáng suốt (paññā) thấy rõ khổ sanh, khổ già... đã phát sanh; tuệ minh (vijjā) thấy rõ, thấu suốt hoàn toàn Khổ thánh đế đã phát sanh; ánh sáng trí tuệ (āloka) diệt màn vô minh che án Khổ thánh đế đã phát sanh đến với Như Lai trong mọi pháp Khổ thánh đế, mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng: "Thực tánh tất cả các pháp (danh pháp, sắc pháp) trong tam giới, ngoại trừ tâm tham ái ra, gọi là Khổ thánh đế". 2- Trí tuệ hành biết trong Khổ thánh đế (Kiccañāṇa) Này chư Tỳ khưu, tuệ nhãn... đã phát sanh; trí tuệ thiền tuệ... đã phát sanh; trí tuệ sáng suốt... đã phát sanh; tuệ minh... đã phát sanh; ánh sáng trí tuệ... đã phát sanh đến với Như Lai trong mọi pháp Khổ thánh đế mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng: "Thực tánh tất cả các pháp (danh pháp, sắc pháp) Khổ thánh đế ấy, là pháp nên biết rõ bằng Thánh Ðạo Tuệ". 3- Trí tuệ thành biết trong Khổ thánh đế (Katañāṇa). Này chư Tỳ khưu, tuệ nhãn... đã phát sanh; trí tuệ thiền tuệ... đã phát sanh; trí tuệ sáng suốt... đã phát sanh; tuệ minh... đã phát sanh; ánh sáng trí tuệ... đã phát sanh đến với Như Lai trong mọi pháp Khổ thánh đế mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng: "Thực tánh tất cả các pháp (danh pháp, sắc pháp) Khổ thánh đế ấy, là pháp nên biết, thì đã được biết rõ bằng Thánh Ðạo Tuệ rồi". Ba Bậc Trí Tuệ Trong Nhân Sanh Khổ Thánh Ðế 1- Trí tuệ học biết trong Nhân sanh khổ thánh đế (Saccañāṇa) Này chư Tỳ khưu, tuệ nhãn thấy rõ tham ái là Nhân sanh khổ thánh đế đã phát sanh; trí tuệ thiền tuệ thấy rõ thực tánh ba loại tham ái là Nhân sanh khổ thánh đế đã phát sanh; trí tuệ sáng suốt thấy rõ 108 loại tham ái là Nhân sanh khổ thánh đế đã phát sanh; tuệ minh thấy rõ, thấu suốt Nhân sanh khổ thánh đế đã phát sanh; ánh sáng trí tuệ diệt màn vô minh che án Nhân sanh khổ thánh đế đã phát sanh đến với Như Lai trong mọi pháp Nhân sanh khổ thánh đeá mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng: "Thực tánh ba loại tham ái ấy là Nhân sanh khổ thánh đế (Tập thánh đế)". 2- Trí tuệ hành biết trong Nhân sanh khổ thánh đế (Kiccañāṇa) Này chư Tỳ khưu, tuệ nhãn... đã phát sanh; trí tuệ thiền tuệ... đã phát sanh; trí tuệ sáng suốt... đã phát sanh; tuệ minh... đã phát sanh; ánh sáng trí tuệ... đã phát sanh đến với Như Lai trong mọi pháp Nhân sanh khổ thánh đeá mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng: "Thực tánh ba loại tham ái, Nhân sanh khổ thánh đế ấy, là pháp nên diệt đoạn tuyệt bằng Thánh Ðạo Tuệ". 3- Trí tuệ thành biết trong Nhân sanh khổ thánh đế (Katañāṇa) Này chư Tỳ khưu, tuệ nhãn... đã phát sanh; trí tuệ thiền tuệ... đã phát sanh; trí tuệ sáng suốt... đã phát sanh; tuệ minh... đã phát sanh; ánh sáng trí tuệ... đã phát sanh đến với Như Lai trong mọi pháp Nhân sanh khổ thánh đeá mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng: "Thực tánh ba loại tham ái, Nhân sanh khổ thánh đế ấy, là pháp nên diệt, thì đã được diệt đoạn tuyệt bằng Thánh đạo tuệ rồi". Ba Bậc Trí Tuệ Trong Diệt Khổ Thánh Ðế 1- Trí tuệ học biết trong Diệt khổ thánh đế (Saccañāṇa) Này chư Tỳ khưu, tuệ nhãn thấy rõ Niết Bàn, Diệt khổ thánh đế đã phát sanh; trí tuệ thiền tuệ thấy rõ Diệt khổ thánh đế đã phát sanh; trí tuệ sáng suốt thấy rõ thực tánh mỗi loại Niết Bàn đã phát sanh; tuệ minh thấy rõ, thấu suốt Diệt khổ thánh đế đã phát sanh; ánh sáng trí tuệ diệt màn vô minh che án Diệt khổ thánh đế đã phát sanh, đến với Như Lai trong mọi pháp Diệt khổ thánh đế mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng: "Thực tánh Niết Bàn, là pháp Diệt khổ thánh đế (Diệt thánh đế)". 2- Trí tuệ hành biết trong Diệt khổ thánh đế (Kiccañāṇa) Này chư Tỳ khưu, tuệ nhãn... đã phát sanh; trí tuệ thiền tuệ... đã phát sanh; trí tuệ sáng suốt... đã phát sanh; tuệ minh... đã phát sanh; ánh sáng trí tuệ... đã phát sanh đến với Như Lai trong mọi pháp Diệt khổ thánh đế mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng: "Thực tánh Niết Bàn, Diệt khổ thánh đế ấy, là pháp nên chứng ngộ bằng Thánh Ðạo Tuệ". 3- Trí tuệ thành biết trong Diệt khổ thánh đế (Katañāṇa) Này chư Tỳ khưu, tuệ nhãn... đã phát sanh; trí tuệ thiền tuệ... đã phát sanh; trí tuệ sáng suốt... đã phát sanh; tuệ minh... đã phát sanh; ánh sáng trí tuệ... đã phát sanh đến với Như Lai trong mọi pháp Diệt khổ thánh đế mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng: "Thực tánh Niết Bàn, Diệt khổ thánh đế ấy, là pháp nên chứng ngộ, thì đã được chứng ngộ bằng Thánh Ðạo Tuệ rồi". Ba Bậc Trí Tuệ Trong Pháp Hành Diệt Khổ Thánh Ðế 1- Trí tuệ học biết trong Pháp hành diệt khổ thánh đế (Saccañāṇa) Này chư Tỳ khưu, tuệ nhãn thấy rõ Thánh Ðạo hợp đủ 8 chánh là Pháp hành diệt khổ thánh đế đã phát sanh; trí tuệ thiền tuệ thấy rõ thực tánh Thánh Ðạo hợp đủ 8 chánh là Pháp hành diệt khổ thánh đế đã phát sanh; trí tuệ sáng suốt thấy rõ thực tánh của chánh kiến, chánh tư duy... là Pháp hành diệt khổ thánh đế đã phát sanh; tuệ minh thấy rõ, thấu suốt Pháp hành diệt khổ thánh đế đã phát sanh; ánh sáng trí tuệ diệt màn vô minh che án Pháp hành diệt khổ thánh đế đã phát sanh đến với Như Lai trong mọi Pháp hành diệt khổ thánh đế mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng: "Thực tánh Thánh đạo hợp đủ 8 chánh là Pháp hành dẫn đến sự chứng ngộ Niết Bàn, Diệt khổ thánh đế (Ðạo thánh đế)". 2- Trí tuệ hành biết trong Pháp hành diệt khổ thánh đeá (Kiccañāṇa) Này chư Tỳ khưu, tuệ nhãn... đã phát sanh; trí tuệ thiền tuệ... đã phát sanh; trí tuệ sáng suốt... đã phát sanh; tuệ minh... đã phát sanh; ánh sáng trí tuệ... đã phát sanh đến với Như Lai trong mọiPháp hành diệt khổ thánh đế mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng: "Thực tánh Thánh đạo hợp đủ 8 chánh là Pháp hành dẫn đến sự chứng ngộ Niết Bàn, Diệt khổ thánh đế ấy, là pháp nên tiến hành". 3- Trí tuệ thành biết trong Pháp hành diệt khổ thánh đế (Katañāṇa) Này chư Tỳ khưu, tuệ nhãn... đã phát sanh; trí tuệ thiền tuệ... đã phát sanh; trí tuệ sáng suốt... đã phát sanh; tuệ minh... đã phát sanh; ánh sáng trí tuệ... đã phát sanh đến với Như Lai trong mọi Pháp hành diệt khổ thánh đế mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng: "Thực tánh Thánh đạo hợp đủ 8 chánh là Pháp hành dẫn đến sự chứng ngộ Niết Bàn, Diệt khổ thánh đế ấy, là pháp nên tiến hành, thì đã được tiến hành rồi". Vai Trò Quan Trọng Tứ Thánh Ðế Với Ba Tuệ Luân Này chư Tỳ khưu, khi nào trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ thực tánh của chân lý Tứ thánh đế theo tam tuệ luân (trí tuệ học, trí tuệ hành, trí tuệ thành), thành 12 loại trí tuệ hoàn toàn trong sáng, thanh tịnh chưa phát sanh đến với Như Lai. Này chư Tỳ khưu, khi ấy, Như Lai chưa truyền dạy rằng "Như Lai chứng đắc thành Bậc Chánh Ðẳng Giác vô thượng trong toàn thế giới chúng sinh: nhân loại, Vua chúa, Sa môn, Bà la môn, Này chư Tỳ khưu, khi nào trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ thực tánh của Tứ thánh đế theo tam tuệ luân, thành 12 loại trí tuệ hoàn toàn trong sáng, thanh tịnh đã phát sanh đến với Như Lai. Này chư Tỳ khưu, khi ấy, Như Lai truyền dạy rằng "Như Lai đã chứng đắc thành Bậc Chánh Ðẳng Giác vô thượng trong toàn thế giới chúng sinh: nhân loại, Vua chúa, Sa môn, Bà la môn, Trí Tuệ Quán Xét (paccavekkhaṇa ñāṇa) Trí tuệ quán xét đã phát sanh đối với Như Lai biết rõ rằng: "Arahán Thánh Quả Tuệ giải thoát của Như Lai không bao giờ bị hư hoại, kiếp này là kiếp chót, sau kiếp này chắc chắn không còn tái sanh nữa". Ðại Ðức Koṇṇañña Chứng Ngộ Chân Lý Tứ Thánh Ðế Ðức Thế Tôn thuyết giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân này xong, nhóm 5 Tỳ khưu vô cùng hoan hỷ theo lời giáo huấn của Ngài. Trong khi bài pháp thoại đang thuyết giảng, Ngài Ðại Ðức Koṇṇañña đã phát sanh pháp nhãn chứng ngộ Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo Tuệ, tâm không còn bụi dơ bởi phiền não, tà kiến, hoài nghi nữa; Ngài biết rõ ràng, chắc chắn rằng "Tất cả các pháp nào trong tam giới có trạng thái sanh, thì tất cả pháp ấy đều có trạng thái diệt". Toàn Thể Chư Thiên, Phạm Thiên Tán Dương, Ca Tụng Khi Ðức Thế Tôn thuyết giảng kinh Chuyển Pháp Luân vừa xong, chư thiên trên địa cầu đồng thanh tán dương ca tụng rằng: - Ðức Thế Tôn chuyển pháp luân vô thượng tại khu rừng phóng sanh nai gọi là Isipatana, gần thành Bārāṇasi, chưa tùng có Sa môn, Bà la môn, chư thiên, Ma vương, Phạm thiên hay bất cứ một ai trong đời này có thể chuyển pháp luân như vậy được. Ðồng thời, chư thiên ở cõi Tứ đại thiên vương được nghe lời tán dương ca tụng của chư thiên địa cầu, cũng đồng thanh tán dương ca tụng như trên. Cũng như vậy, chư thiên ở cõi Tam thập tam thiên, Dạ ma thiên, Ðâu suất đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa tự tại thiên cũng đồng thanh tán dương ca tụng như trên. Phạm thiên ở cõi trời sắc giới được nghe lời tán dương ca tụng của chư thiên ở cõi Tha hóa tự tại thiên, cũng đồng thanh tán dương ca tụng rằng: - Ðức Thế Tôn chuyển pháp luân vô thượng tại khu rừng phóng sanh nai gọi là Isipatana, gần thành Bārāṇasi, chưa từng có Sa môn, Bà la môn, chư thiên, Ma vương, Phạm thiên hay bất cứ một ai trong đời này có thể chuyển pháp luân như vậy được. Ngay khi ấy, ngay lúc ấy, ngay sát na ấy, lời tán dương ca tụng lên đến cõi sắc giới Phạm thiên cao nhất là "Sắc cứu cánh thiên" (Akaniṭṭhā), mười ngàn thế giới này đều rung chuyển, rúng động, rung rinh, ánh sáng hào quang của Ðức Chánh Ðẳng Giác tỏa rộng vô biên cùng khắp thế giới, hơn hẳn oai lực chư thiên, Phạm thiên cả thảy. Ðại Ðức Koṇṇañna Có Tên Aññasikoṇṇañña Khi Ngài Ðại Ðức Koṇṇañña chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, Ðức Thế Tôn cảm hứng tự thốt lên cho toàn thế giới biết rằng: - Này chư vị, quả thật, Koṇṇañña đã chứng ngộ Tứ thánh đế rồi! Này chư vị, quả thật, Koṇṇañña đã chứng ngộ Tứ thánh đế rồi! Do vậy, Ðại Ðức Koṇṇañña được gọi là Aññasikoṇṇañña (Ðại Ðức Koṇṇañña đã chứng ngộ). Ðại Ðức Aññasikoṇṇañña Xin Thọ Giới Tỳ Khưu Với Ðức Phật Khi ấy, Ðại Ðức Aññasikoṇṇañña đã phát sanh trí tuệ chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, đã chứng đạt đến chân lý Tứ thánh đế, đã biết rõ một cách chắc chắn đúng theo chân lý Tứ thánh đế, đã thấu rõ, thông suốt chân lý Tứ thánh đế, nên đã diệt đoạn tuyệt hoàn toàn mọi điều hoài nghi nơi Ðức Phật, Ðức Pháp,... không còn hoài nghi nào nữa. Và với trí tuệ của mình đã chứng ngộ đúng theo lời giáo huấn của Ðức Thế Tôn, nên không còn tin nơi người nào khác nữa. Ngài Ðại Ðức Aññasikoṇṇañña thành kính đảnh lễ Ðức Thế Tôn rồi bạch rằng: - Kính bạch Ðức Thế Tôn cao thượng, con xin nương nhờ nơi Ngài, cho phép con được thọ Sa di và Tỳ khưu. Ðức Thế Tôn từ bi đưa ngón tay trỏ, chỉ và truyền dạy: - Ehi bhikkhu! Svākkhāto dhammo cara brahmacariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāya. - Này con, hãy đến với Như Lai, con được trở thành Tỳ khưu theo nguyện vọng. Giáo pháp mà Như Lai đã thuyết giảng, hoàn hảo ở phần đầu, phần giữa, phần cuối; con hãy nên cố gắng tinh tấn thực hành phạm hạnh cao thượng chứng đắc Arahán Thánh Ðạo, Arahán Thánh Quả, để chấm dứt sự khổ tử sanh luân hồi. Ðức Thế Tôn chỉ thuyết dạy như vậy, Ðại Ðức Aññasikoṇṇañña đã trở thành Tỳ khưu. (Xuất gia trở thành Tỳ khưu theo cách Ehi bhikkhūpasampadā). (Xong bài kinh Chuyển Pháp Luân). -ooOoo- Trong bài kinh này, đoạn đầu Ðức Thế Tôn dạy bậc Xuất gia không nên hành theo 2 pháp cực đoan thuộc về 2 biên kiến: * Một là, việc thường hưởng thụ khoái lạc trong ngũ dục, do tâm tham ái hợp với thường kiến thấp hèn của hạng phàm nhân trong đời, không phải của bậc Thánh nhân, không đem lại sự lợi ích an lạc nào. * Hai là, việc thường tự ép xác hành khổ hạnh, do tâm sân và có đoạn kiến, thuộc pháp hành khổ hạnh của tu sĩ ngoại đạo, không phải của bậc Thánh nhân, không đem lại sự lợi ích an lạc nào. Ðức Thế Tôn dạy Pháp hành trung đạo, đó chính là Thánh Ðạo hợp đủ 8 chánh cao thượng là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Pháp hành Trung đạo này chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn. Ðoạn giữa, Ðức Thế Tôn thuyết về Tứ thánh đế luân chuyển theo tam tuệ luân gồm có 12 loại trí tuệ: - 4 loại trí tuệ học: là học để hiểu biết rõ về chi pháp của Tứ thánh đế. - 4 loại trí tuệ hành: là hành theo 4 phận sự của Tứ thánh đế. - 4 loại trí tuệ thành: là kết quả đã hoàn thành phận sự của Tứ thánh đế. Ðoạn chót Ðức Thế Tôn truyền dạy rằng: - Này chư Tỳ khưu, khi nào trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ thực tánh của chân lý Tứ thánh đế theo tam tuệ luân (trí tuệ học, trí tuệ hành, trí tuệ thành), thành 12 loại trí tuệ hoàn toàn trong sáng, thanh tịnh đã phát sanh đến với Như Lai. Này chư Tỳ khưu, khi ấy, Như Lai truyền dạy rằng: "Như Lai đã chứng đắc thành Bậc Chánh Ðẳng Giác vô thượng trong toàn thế giới chúng sinh: nhân loại, Vua chúa, Sa môn, Bà la môn, Khi Ðức Thế Tôn thuyết giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân này xong, nhóm 5 Tỳ khưu vô cùng hoan hỉ theo lời giáo huấn của Ngài. Trong nhóm 5 Tỳ khưu này, chỉ có Ngài Ðại Ðức Koṇṇañña là người đầu tiên chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhập Lưu (Sotāpanna), cũng là bậc Thánh Thanh Văn đệ tử đầu tiên trong giáo pháp của Ðức Phật Gotama, cùng với 180 triệu chư thiên, Phạm thiên cũng chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả. Kể từ đó, Tam bảo: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo được trọn đủ, lần đầu tiên đã xuất hiện trên thế gian này. * Pháp hành thiền tuệ được truyền bá khắp trong các hàng đệ tử, từ bậc Xuất gia đến hàng tại gia cư sĩ, chư thiên, Phạm thiên,... truyền từ đời này sang đời khác và được lưu truyền mãi đến ngày nay, trải qua 2591 năm (2546 + 45), kể từ khi Ðức Phật xuất hiện trên thế gian. Trong quá khứ, có vô số hành giả đã tiến hành thiền tuệ, đã được chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả, Nhất Lai Thánh Ðạo, Nhất Lai Thánh Quả, Bất Lai Thánh Ðạo, Bất Lai Thánh Quả, Arahán Thánh Ðạo, Arahán Thánh Quả, đã tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong tam giới. Ở hiện tại, cũng có số hành giả đang tiến hành thiền tuệ, được chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả, tuỳ theo năng lực pháp hạnh ba la mật và 5 pháp chủ của mình. [14] Trong vị lai, giáo pháp của Ðức Phật còn lưu truyền, pháp hành thiền tuệ chưa bị hoại, thì cũng có số hành giả sẽ tiến hành thiền tuệ, cũng sẽ chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, sẽ chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả. * Kinh Chuyển Pháp Luân là bài kinh rất quan trọng trong Phật giáo. Trong bài kinh này, Ðức Phật thuyết giảng về chân lý Tứ thánh đế là nền tảng, cốt lõi vô cùng trọng yếu trong Phật giáo. Chân lý Tứ thánh đế này, được Ðức Phật đã khám phá, làm cho hiện rõ sự thật; mà từ trước đã bị bao trùm, phủ kín bởi màn vô minh dày đặc, chưa có một ai khám phá ra. Nay, Ðức Phật là người đầu tiên đã tìm thấy, chứng ngộ rồi giáo huấn cho chúng sinh có đủ căn duyên lành, có thể chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn như Ngài. Chú thích: [11] Sự thiệt hại ỡ đây có nghĩa là: chúng sinh ở cõi trời vô sắc, không có sắc uẩn, nên không có tai để nghe được chánh pháp , đã mất đi cơ hội tốt hiếm có, để chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn. [12] "Āvuso" từ dùng để gọi vị nhỏ hạ. "Bhante" từ dùng để gọi vị cao hạ một cách tôn kính. [13] Saṃyuttanikāya, Mahāvagga, kinh Dhammacakkappavattanasutta. [14] 5 pháp chủ (Indriya): tín pháp chủ, tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, định pháp chủ, tuệ pháp chủ. -ooOoo- |