• Tìm Hiểu Pháp Hành Thiền Tuệ
  • Tác giả: Hộ Pháp

5. KẾT QUẢ CỦA PHÁP HÀNH THIỀN TUỆ

Kết quả của pháp hành thiền tuệ là những kết quả diễn tiến theo nhân quả tuần tự như sau:

- Đầu tiên hành giả nên tìm đến một bậc Thiện trí trong Phật giáo, là một vị Thiền sư thông thạo về pháp học, có đầy đủ kinh nghiệm về pháp hành thiền tuệ, để làm nơi nương nhờ.

- Hành giả là người có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có đức tính nhẫn nại, lắng nghe, học hỏi, nghiên cứu để hiểu rõ đối tượng của thiền tuệ, đó là tất cả mọi danh pháp mọi sắc pháp thuộc về Chân nghĩa pháp (Paramatthadhamma), hoặc Thực tánh pháp (Sabhāvadhamma).

- Hành giả là người có giới hạnh trong sạch để làm nền tảng cho định và tuệ.

- Khi tiến hành thiền tuệ, hành giả cần phải hiểu biết rõ về yonisomanasikāra: Sự hiểu biết trong tâm bằng trí tuệ đúng theo 4 trạng thái của mọi danh pháp, sắc pháp, để ngăn ngừa tâm vô minh (avijjā) làm che án thực tánh của danh pháp, sắc pháp và những điều hư ảo (vipallāsa).

- Hành giả tiến hành thiền tuệ đúng theo Pháp hành Trung đạo, để diệt được tham tâm (hài lòng) và sân tâm, (không hài lòng) ở đối tượng danh pháp, sắc pháp.

- Hành giả tiến hành thiền tuệ đúng, có khả năng dẫn đến kết quả là phát sanh trí tuệ thiền tuệ (vipassanāñāṇa) theo tuần tự, từ thấp lên cao, từ trí tuệ thiền tuệ tam giới (lokiyavipassanā), đến trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới (lokuttaravipassanā), gồm có 16 trí tuệ thiền tuệ.

16 TRÍ TUỆ THIỀN TUỆ (VIPASSANĀÑĀṆA)

1- Trí Tuệ Thứ Nhất (Nāmarūpaparicchedañāṇa)

Hành giả tiến hành thiền tuệ, có danh pháp, sắc pháp thuộc Chân nghĩa pháp, hoặc Thực tánh pháp làm đối tượng, có chánh niệm trực nhận ngay nơi đối tượng danh pháp, sắc pháp nào; có trí tuệ tỉnh giác trực giác ngay đối tượng danh pháp, sắc pháp ấy hiện tại; có tâm tinh tấn không ngừng, cho đến khi trí tuệ thứ nhất phát sanh, gọi là Nāmarūpaparicchedañāṇa: Trí tuệ thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp đúng theo thực tánh của chúng là pháp vô ngã.

Trí tuệ thứ nhất này có khả năng thấy rõ, biết rõ trạng thái riêng biệt của danh pháp, sắc pháp là:

- Tất cả danh pháp có trạng thái riêng là: "hướng tâm biết đối tượng" (namanalakkhaṇa).

- Tất cả sắc pháp có trạng thái riêng là: "hủy hoại, biến đổi do nhân duyên đối nghịch như nóng lạnh, đói khát,…" (ruppanalakkhaṇa).

Và còn có khả năng thấy rõ, biết rõ từng trạng thái riêng biệt của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp (visesalakkhaṇa).

Trí tuệ thứ nhất này không những có khả năng thấy rõ, biết rõ đối tượng danh pháp, sắc pháp đúng theo thực tánh của chúng, mà còn có khả năng thấy rõ, biết rõ được chủ thể: danh pháp, tâm biết đối tượng nữa.

- Danh pháp là đối tượng thiền tuệ, chỉ có 81 tâm trong tam giới (trừ 8 hay 40 siêu tam giới tâm),52 tâm sở.

- Sắc phápđối tượng thiền tuệ, thì chỉ có 18 sắc pháp thật (nipphan-narūpa), (trừ 10 sắc pháp không thật (anipphannarūpa)).

Sự thật thực tánh của danh pháp, sắc pháp trước đây bị màn vô minh (avijjā) bao trùm, phủ kín không thấy rõ, lại còn tà kiến theo chấp ngã (attānudiṭṭhi) thấy sai chấp lầm từ danh pháp, sắc pháp cho là ta,người,đàn ông,đàn bà,chúng sinh nào đó, ….

Hành giả tiến hành thiền tuệ, đến khi trí tuệ thứ nhất phát sanh thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ thực tánh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp đúng theo Chân nghĩa pháp là:

- Danh pháp chỉ là danh pháp.

- Sắc pháp chỉ là sắc pháp.

- Danh pháp là một, sắc pháp là một.

- Trong danh pháp không có sắc pháp.

- Trong sắc pháp không có danh pháp.

- Danh pháp, sắc pháp đều là Pháp Vô Ngã, không phải ta, không phải người, không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải chúng sinh nào và cũng không phải vật này, vật kia,…. Khi ấy, mới diệt được tà kiến theo chấp ngã (attānudiṭṭhi) từng thời (tadaṅgapahāna).

Ví dụ:

Trước đây ông A đi đường vào ban đêm, không mang theo đèn, nhìn thấy sợi dây ngoằn ngoèo giống như con rắn nằm giữa đường. Ông thấy sai, tưởng lầm từ sợi dây ngoằn ngoèo kia cho là con rắn độc, ông phát sanh tâm sợ hãi, tránh xa con rắn độc ấy mà đi.

Đến nay, ông A gặp được bậc Thiện trí khuyên dạy, trao cho một ngọn đèn, dẫn trở lại ngay chỗ sợi dây ngoằn ngoèo ấy. Ông A rọi đèn chiếu sáng, tận mắt nhìn thấy rõ sự thật sợi dây chỉ là sợi dây, không phải con rắn độc như đã thấy sai, tưởng lầm trước kia. Tâm của ông A trở lại tự nhiên không còn sợ hãi như trước.

Qua ví dụ trên nên hiểu rằng:

- Sợi dây ám chỉ đến danh pháp, sắc pháp.

- Thấy sai, tưởng lầm từ sợi dây cho là con rắn độc: nghĩa là thấy sai tưởng lầm từ danh pháp, sắc pháp cho là ta, người, đàn ông, đàn bà, chúng sinh, vật này, vật kia v.v….

- Rọi đèn chiếu sáng, tận mắt nhìn thấy rõ sợi dây chỉ là sợi dây, không phải con rắn độc: nghĩa là, khi trí tuệ thứ nhất phát sanh, như ánh sáng trí tuệ thấy rõ biết rõ mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp đúng với thực tánh của chúng đều là pháp vô ngã, không phải ta, người, đàn ông, đàn bà, chúng sinh, vật này, vật kia v.v….

Như vậy trí tuệ thứ nhất này trở lại thấy rõ biết rõ sự thật thực tánh của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp đều là pháp vô ngã, nên diệt diệt từng thời (tadaṅgapahāna) được tà kiến theo chấp ngã (attānudiṭṭhi), hoặc ngũ uẩn tà kiến (sakkāyadiṭṭhi) cả đối tượng lẫn chủ thể; nên gọi là chánh kiến thiền tuệ (vipassanāsammādiṭṭhi), đồng thời đạt đến chánh kiến thanh tịnh (diṭṭhivisuddhi).

Diṭṭhivisuddhi: chánh kiến thanh tịnh

Đối với hạng phàm nhân còn có ngũ uẩn tà kiến, khi thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc và biết không thể tách rời khỏi tà kiến thấy sai chấp lầm rằng: ta, người, đàn ông, đàn bà, chúng sinh, vật này, vật kia,….

Đối với hành giả tiến hành thiền tuệ, đến khi trí tuệ thứ nhất phát sanh gọi là "Nāmarūpaparicchedañāṇa": trí tuệ thấy rõ biết rõ, phân biệt rõ mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp đúng theo thực tánh của chúng là pháp vô ngã. Chánh kiến thiền tuệ phát sanh, mới diệt từng thời được ngũ uẩn tà kiến. Cho nên, khi nhãn thức tâm nhìn thấy sắc trần, nhĩ thức tâm nghe thanh trần, tỷ thức tâm ngửi hương trần, thiệt thức tâm nếm vị trần, thân thức tâm tiếp xúc trần, ý thức tâm biết pháp trần, nhờ trí tuệ thứ nhất này có khả năng phân tích thấy rõ, biết rõ từng mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp đúng theo thực tánh của chúng đều là pháp vô ngã, không phải ta, không phải người, không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải chúng sinh, không phải vật này, vật kia….

Trí tuệ thứ nhất Nāmarūpaparicchedañāṇa thấy đúng, biết đúng thực tánh của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp thuộc chân nghĩa pháp là pháp vô ngã, nên đạt đến thanh tịnh gọi là diṭṭhivisuddhi: chánh kiến thanh tịnh, là thanh tịnh thứ nhất của pháp hành thiền tuệ; và là thanh tịnh thứ 3 trong 7 pháp thanh tịnh.

Vai trò của trí tuệ thứ nhất

Trong 16 trí tuệ thiền tuệ, trí tuệ thứ nhất đóng vai trò tối quan trọng là:

Hành giả tiến hành thiền tuệ, phát sanh trí tuệ thứ nhất thấy rõ biết rõ được thực tánh của danh pháp, sắc pháp thuộc Chân nghĩa pháp hay Thực tánh pháp,pháp vô ngã thấy rõ, biết rõ được sự thật chân lý của danh pháp, sắc pháp trong tam giới đều là khổ đế.

Điều đó có thể nói rằng, lần đầu tiên, hành giả gặp được "Vị Chân Sư", đó là danh pháp, sắc pháp. Chính vị Chân Sư danh pháp, sắc pháp này sẽ trực tiếp dạy cho trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ rằng:

- Danh pháp, sắc pháp đều là pháp vô ngã.

- Danh pháp, sắc pháp sanh rồi diệt liên tục không ngừng.

- Danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô thường.

- Danh pháp, sắc pháp có trạng thái khổ.

- Danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô ngã.

- Dẫn đến sự chứng ngộ từ chân lý Tứ thánh đế trong tam giới cho đến siêu tam giới, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

Như vậy vai trò vị Chân Sư: danh pháp, sắc pháp dắt dẫn giảng dạy tỉ mỉ sự thật chân lý từ tam giới đến siêu tam giới, qua 2 giai đoạn như sau:

* Giai đoạn đầu: Danh pháp, sắc pháp trong tam giới dắt dẫn giảng dạy từ trí tuệ thứ nhất gọi là Nāmarūpaparicchedañāṇa cho đến trí tuệ thiền tuệ thứ 12 gọi là Anulomañāṇa, chấm dứt phận sự đối tượng của danh pháp, sắc pháp trong tam giới.

* Giai đoạn cuối cùng: Đối tượng danh pháp, sắc pháp trong tam giới chuyển sang danh pháp Niết Bàn siêu tam giới làm đối tượng, dẫn đến trí tuệ thiền tuệ thứ 13 gọi là Gotrabhuñāṇa, trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới thứ 14 gọi là Maggañāṇatrí tuệ thiền tuệ siêu tam giới thứ 15 gọi là Phalañāṇa, chấm dứt phận sự của đối tượng danh pháp Niết Bàn siêu tam giới.

Thật vậy, chỉ có hạt muối mới cho ta biết được vị mặn, chỉ có trái chanh mới cho ta biết được vị chua; ngoài hạt muối, trái chanh ra, không có một ai khác có khả năng cho ta biết được vị mặn, vị chua. Cũng như, chỉ có danh pháp, sắc pháp mới có khả năng cho trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ được danh pháp, sắc pháp là pháp vô ngã; sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp. Ngoài danh pháp, sắc pháp ra, không có một ai có khả năng cho biết được sự thật thực tánh của các pháp như vậy.

Do đó, vai trò danh pháp, sắc pháp thuộc Chân nghĩa pháp tối quan trọng trong pháp hành thiền tuệ.

trí tuệ thứ nhất này, thấy rõ biết rõ, phân biệt rõ mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp làm nền tảng, làm nhân để cho những trí tuệ thiền tuệ khác tuần tự phát sanh cho đến trí tuệ thiền tuệ thứ 16. Nghĩa là từ trí tuệ thiền tuệ trong tam giới, cho đến trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới đều nương nhờ trí tuệ thứ nhất làm nền tảng.

Trí tuệ thứ nhất làm nhân duyên phát sanh trí tuệ thứ nhì.

2- Trí Tuệ Thứ Nhì (Paccayapariggahañāṇa)

Hành giả tiếp tục tiến hành thiền tuệ, trí tuệ phát triển và tiến hóa tuần tự phát sanh trí tuệ thứ nhì, gọi là: Nāmarūpapaccaya-pariggahañāṇa: Trí tuệ thấy rõ, biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp.

Trí tuệ thứ nhì này phát sanh do nương nhờ trí tuệ thứ nhất làm nhân duyên, làm nền tảng, có khả năng thấy rõ, biết rõ được mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp phát sanh đều do nhân duyên riêng biệt của chính nó. Ngoài ra, không có một ai có quyền năng tạo ra được một danh pháp, sắc pháp nào.

Trí tuệ thứ nhì có khả năng thấy rõ, biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp khác nhau, tùy theo căn duyên quan điểm của mỗi hành giả. Song đặc biệt đều dẫn đến kết quả diệt được sự hoài nghi ở danh pháp, sắc pháp.

Nhân duyên phát sanh danh pháp, sắc pháp theo quan điểm nguồn gốc

* Nhân duyên phát sanh sắc pháp.

Số hành giả tiến hành thiền tuệ, đến khi trí tuệ thứ nhì phát sanh thấy rõ, biết rõ sắc thân (sắc pháp) bắt nguồn từ khi đầu thai vào lòng mẹ (con người và một số loài súc sanh), do bởi 5 nhân duyên [22] :

1- Avijjā: Vô minh, là không biết chân lý Tứ thánh đế.

2- Taṇhā: Tham ái, là nhân dắt dẫn tái sanh.

3- Upādāna: Chấp thủ, là sự cố chấp trong ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp cho là ta.

4- Kamma: Nghiệp, đó là thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp cho quả tái sanh.

5- Āhāra: Vật thực, là đồ ăn nuôi dưỡng sắc thân.

Trong đó, vô minh, tham ái, chấp thủ và nghiệp là nhân (hetu), còn vật thực nuôi dưỡng là duyên (paccaya), được phân chia ra 3 phận sự như sau:

- Vô minh, tham ái, chấp thủ, là nhân nương nhờ tái sanh; ví như người mẹ, là nơi nương nhờ để cho đứa con đầu thai sanh ra.

- Nghiệp: thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp, là nhân cho quả tái sanh kiếp sau; ví như người cha giúp tạo nên đứa con.

- Vật thực, là duyên nuôi dưỡng cho sắc thân phát triển; ví như người vú nuôi, nuôi đứa trẻ trưởng thành.

Sắc thân (sắc pháp) phát sanh do nương nhờ ở 5 nhân duyên này. Ngoài ra, chắc chắn không có một Đấng Tạo Hoá nào khác có khả năng tạo nên được sắc thân.

Do đó, hành giả không còn hoài nghi trong sự sanh của sắc pháp.

* Nhân duyên phát sanh danh pháp.

Mỗi danh pháp phát sanh do nhiều nhân duyên riêng biệt của chính nó. Nếu trường hợp thiếu một nhân duyên nào thì danh pháp ấy không thể phát sanh được.

1- Danh thấy sắc trần: Đó là 2 nhãn thức tâm phát sanh do nhờ nhân duyên: sắc trần (hình dạng) tiếp xúc với nhãn tịnh sắc (mắt). Khi hội đủ nhân duyên ấy phát sanh nhãn thức tâm, là tâm phát sanh do nhờ nhãn tịnh sắc làm phận sự nhìn thấy sắc trần ấy. Gọi là danh thấy sắc trần.

Theo bộ Vi Diệu Pháp Yếu Nghĩa  [23] dạy:

Hai nhãn thức tâm phát sanh lên được do bởi 4 nhân duyên là:

1- Nhãn tịnh sắc tốt (mắt không bị mù).

2- Sắc trần, (hình dạng rõ ràng) tiếp xúc với nhãn tịnh sắc.

3- Ánh sáng đủ nhìn thấy rõ.

4- Ngũ môn hướng tâm tiếp nhận sắc trần.

Khi hội đủ 4 nhân duyên này thì nhãn thức tâm phát sanh, làm phận sự nhìn thấy sắc trần.

2- Danh nghe thanh trần: Đó là 2 nhĩ thức tâm phát sanh do nhờ nhân duyên: thanh trần (âm thanh) tiếp xúc với nhĩ tịnh sắc (tai). Khi hội đủ nhân duyên ấy phát sanh nhĩ thức tâm, là tâm phát sanh do nhờ nhĩ tịnh sắc làm phận sự nghe thanh trần. Gọi là danh nghe thanh trần.

Theo bộ Vi Diệu Pháp Yếu Nghĩa dạy:

Hai nhĩ thức tâm phát sanh lên được do bởi 4 nhân duyên là:

1- Nhĩ tịnh sắc tốt (tai không bị điếc).

2- Thanh trần (âm thanh) tiếp xúc với nhĩ tịnh sắc.

3- Không gian không bị vật cản.

4- Ngũ môn hướng tâm tiếp nhận thanh trần.

Khi hội đủ 4 nhân duyên này thì nhĩ thức tâm phát sanh, làm phận sự nghe thanh trần.

3- Danh ngửi hương trần: Đó là 2 tỷ thức tâm phát sanh do nhờ nhân duyên: hương trần (các loại mùi) tiếp xúc với tỷ tịnh sắc (mũi). Khi hội đủ nhân duyên ấy phát sanh tỷ thức tâm là tâm phát sanh do nhờ tỷ tịnh sắc làm phận sự ngửi hương trần. Gọi là danh ngửi hương trần.

Theo bộ Vi Diệu Pháp Yếu Nghĩa dạy:

Hai tỷ thức tâm phát sanh lên được do bởi 4 nhân duyên là:

1- Tỷ tịnh sắc tốt (mũi không bị nghẹt).

2- Hương trần (các loại mùi) tiếp xúc với tỷ tịnh sắc.

3- Chất gió đưa mùi hương đến mũi.

4- Ngũ môn hướng tâm tiếp nhận hương trần.

Khi hội đủ 4 nhân duyên này thì tỷ thức tâm phát sanh làm phận sự ngửi hương trần.

4- Danh nếm vị trần: Đó là 2 thiệt thức tâm phát sanh do nhờ nhân duyên: vị trần (các loại vị) tiếp xúc với thiệt tịnh sắc (lưỡi). Khi hội đủ nhân duyên ấy phát sanh thiệt thức tâm là tâm phát sanh do nhờ thiệt tịnh sắc làm phận sự nếm vị trần. Gọi là danh nếm vị trần.

Theo bộ Vi Diệu Pháp Yếu Nghĩa dạy:

Hai thiệt thức tâm phát sanh lên được do bởi 4 nhân duyên là:

1- Thiệt tịnh sắc tốt (lưỡi tốt).

2- Vị trần (các loại vị) tiếp xúc với thiệt tịnh sắc.

3- Chất nước miếng.

4- Ngũ môn hướng tâm tiếp nhận vị trần.

Khi hội đủ 4 nhân duyên này thì thiệt thức tâm phát sanh, làm phận sự nếm vị trần.

5- Danh tiếp xúc trần: Đó là 2 thân thức tâm phát sanh do nhờ nhân duyên: xúc trần (cứng mềm, nóng lạnh, phồng xẹp) tiếp xúc với thân tịnh sắc (thân). Khi hội đủ nhân duyên ấy phát sanh thân thức tâm là tâm phát sanh do nhờ thân tịnh sắc làm phận sự chạm xúc trần ấy. Gọi là danh tiếp xúc trần.

Theo bộ Vi Diệu Pháp Yếu Nghĩa dạy:

Hai thân thức tâm phát sanh lên được do bởi 4 nhân duyên là:

1- Thân tịnh sắc tốt (thân không bị bại liệt).

2- Xúc trần (cứng, mềm; nóng, lạnh; phồng, xẹp) tiếp xúc với thân tịnh sắc.

3- Chất đất cứng mềm.

4- Ngũ môn hướng tâm tiếp nhận xúc trần.

Khi hội đủ 4 nhân duyên này thì thân thức tâm phát sanh, làm phận sự chạm xúc trần.

6- Danh biết pháp trần: Đó là 67 hay 99 ý thức tâm phát sanh do nhờ nhân duyên: pháp trần, tiếp xúc với sắc ý căn (hadayavatthu). Khi hội đủ nhân duyên ấy phát sanh ý thức tâm, là tâm phát sanh do nhờ sắc ý căn làm phận sự biết pháp trần. Gọi là danh biết pháp trần.

Theo bộ Vi Diệu Pháp Yếu Nghĩa dạy:

Ý thức tâm gồm có 67 hay 99 tâm phát sanh được do 4 nhân duyên là:

1- 6 tịnh sắc: nhãn tịnh sắc, nhĩ tịnh sắc, tỷ tịnh sắc, thiệt tịnh sắc, thân tịnh sắc, sắc ý căn.

2- 6 đối tượng: sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần, pháp trần.

3- Sắc ý căn.

4- Ý môn hướng tâm tiếp nhận 6 đối tượng.

Khi hội đủ 4 nhân duyên này thì ý thức tâm phát sanh, làm phận sự biết pháp trần.

Do đó, hành giả không còn hoài nghi trong sự sanh của danh pháp.

Hành giả tiến hành thiền tuệ, đến khi trí tuệ thứ nhì phát sanh thấy rõ, biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp riêng biệt như vậy; nên trí tuệ tư duy đúng đắn phát sanh tư duy rằng:

"Danh pháp, sắc pháp ở hiện tại phát sanh do nhờ nhân duyên như thế nào, thì danh pháp, sắc pháp ở quá khứ hay ở vị lai phát sanh cũng do nhờ nhân duyên như thế ấy; hoặc danh pháp, sắc pháp bên trong của mình phát sanh như thế nào; thì danh pháp, sắc pháp bên ngoài của người khác cũng phát sanh như thế ấy".

Nhờ Trí tuệ thứ nhì làm nền tảng căn bản, nên trí tuệ tư duy đúng đắn theo thực tánh của tất cả mọi danh pháp, mọi sắc pháp hiện tại, quá khứ, vị lai hoặc bên trong của mình, bên ngoài của người khác phát sanh đều do nhờ nhân duyên của mỗi pháp, chắc chắn không có một Đấng Tạo Hoá nào sáng tạo ra được danh pháp, sắc pháp, ngũ uẩn… nào cả. Do đó, nên không còn hoài nghi về danh pháp, sắc pháp.

Trí tuệ thứ nhì có khả năng diệt từng thời hoài nghi (tadaṅga-pahāna), chưa có khả năng diệt đoạn tuyệt hoài nghi.

Nhân duyên phát sanh danh pháp, sắc pháp theo quan điểm nhân quả hiện thực

* Nhân duyên phát sanh sắc pháp

Một số hành giả tiến hành thiền tuệ, đến khi trí tuệ thứ nhì phát sanh thấy rõ, biết rõ được sắc pháp (sắc thân) phát sanh do bởi 4 nhân duyên là__

1- Kamma: Nghiệp: Đó là thiện nghiệp, bất thiện nghiệp đã tạo ở kiếp quá khứ và kiếp hiện tại này, làm nhân duyên phát sanh sắc pháp, danh pháp.

- Nếu thiện nghiệp cho quả phát sanh sắc pháp, thì có được mắt, tai, mũi, lưỡi, thân xinh đẹp, đáng yêu, đáng mến.

- Nếu thiện nghiệp cho quả phát sanh danh pháp, thì nhãn thức tâm nhìn thấy sắc đẹp; nhĩ thức tâm lắng nghe tiếng hay; tỷ thức tâm ngửi mùi thơm; thiệt thức tâm nếm vị ngon; thân thức tâm tiếp xúc êm ấm…; ý thức tâm biết đi, đứng, ngồi, nằm,… nhẹ nhàng, uyển chuyển….


- Nếu bất thiện nghiệp cho quả phát sanh sắc pháp, thì có được mắt, tai, mũi, lưỡi, thân xấu xí, đáng ghét.

- Nếu bất thiện nghiệp cho quả phát sanh danh pháp, thì nhãn thức tâm nhìn thấy sắc xấu xí; nhĩ thức tâm nghe tiếng xấu; tỷ thức tâm ngửi mùi hôi thúi; thiệt thức tâm nếm vị dở; thân thức tâm tiếp xúc thô cứng…; ý thức tâm biết đi, đứng, ngồi, nằm,… nặng nề….

2- Citta: Tâm: Đó là 75 tâm (trừ 10 thức tâm  + 4 vô sắc giới quả tâm) [24], và 52 tâm sở ở kiếp hiện tại, làm nhân duyên phát sanh sắc pháp.

Ví dụ:

- Khi tham tâm làm nhân duyên phát sanh thì sắc thân mềm mại, cử chỉ, dáng điệu dịu dàng, nói cười vui vẻ, mặt mày tươi vui….

- Khi sân tâm làm nhân duyên phát sanh thì sắc thân cứng cỏi, cử chỉ, dáng điệu thô kệch, nét mặt cau có, nói lời sỗ sàng, thô bạo.

- Khi thiện tâm làm nhân duyên phát sanh thì sắc thân nhẹ nhàng, nhu nhuyến, uyển chuyển, nhanh nhẹn,….

3- Utu: Thời tiết: Đó là khí hậu nóng quá, hoặc lạnh quá, hoặc mát mẻ dễ chịu bên trong thân, hoặc ở ngoài thân làm nhân duyên phát sanh sắc thân (sắc pháp) thay đổi theo thời tiết ấy.

4- Āhāra: Vật thực: Đó là những thức ăn có chất bổ, hay những thức ăn có chất độc, làm nhân duyên phát sanh sắc thân (sắc pháp) thay đổi theo vật thực ấy.

Đó là 4 nhân duyên phát sanh sắc pháp, theo nhân quả hiện thực.

* Nhân duyên phát sanh tứ oai nghi

1- Nhân duyên phát sanh sắc đi.

Sắc đi phát sanh từ tâm, qua quá trình diễn biến liên tục do nhiều nhân duyên như sau__

- Tâm nghĩ "đi".

- Do tâm nghĩ đi làm cho phát sanh chất gió.

- Chất gió phát sanh do tâm ấy làm cho toàn thân cử động.

- Toàn thân di chuyển bước đi từng bước do năng lực của chất gió phát sanh từ tâm ấy.

Do đó, gọi là "thân đi" hoặc "sắc đi" sắc pháp phát sanh do tâm (cittajarūpa).

2- Nhân duyên phát sanh sắc đứng.

Sắc đứng phát sanh từ tâm, qua quá trình diễn biến liên tục do nhiều nhân duyên như sau__

- Tâm nghĩ "đứng".

- Do tâm nghĩ đứng làm cho phát sanh chất gió.

- Chất gió phát sanh do tâm ấy làm cho toàn thân cử động.

- Toàn thân từ chân đến đầu đứng yên theo mỗi dáng đứng, tư thế đứng, do năng lực của chất gió phát sanh từ tâm ấy.

Do đó, gọi là "thân đứng" hoặc "sắc đứng",sắc pháp phát sanh từ tâm.

3- Nhân duyên phát sanh sắc ngồi.

Sắc ngồi phát sanh từ tâm, qua quá trình diễn biến liên tục do nhiều nhân duyên như sau__

- Tâm nghĩ "ngồi".

- Do tâm nghĩ ngồi làm cho phát sanh chất gió.

- Chất gió phát sanh do tâm ấy làm cho toàn thân cử động.

- Toàn thân ngồi: thân phần trên ngồi yên, thân phần dưới co theo mỗi dáng ngồi, tư thế ngồi, do năng lực của chất gió phát sanh từ tâm ấy.

Do đó, gọi là "thân ngồi" hoặc "sắc ngồi", sắc pháp phát sanh từ tâm.

4- Nhân duyên phát sanh sắc nằm.

Sắc nằm phát sanh từ tâm, qua quá trình diễn biến liên tục do nhiều nhân duyên như sau__

- Tâm nghĩ "nằm".

- Do tâm nghĩ nằm làm cho phát sanh chất gió.

- Chất gió phát sanh do tâm ấy làm cho toàn thân cử động.

- Toàn thân đặt nằm ngang theo mỗi dáng nằm, tư thế nằm yên, do năng lực của chất gió phát sanh từ tâm ấy.

Do đó, gọi là "thân nằm" hoặc "sắc nằm", sắc pháp phát sanh từ tâm.

Nếu trường hợp thiếu một nhân duyên nào, thì sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm,… không thể phát sanh được.

* Nhân duyên phát sanh danh pháp

Danh pháp đó là tâmtâm sở. Tâm sở luôn luôn tùy thuộc vào tâm. Tâm như thế nào, tâm sở cũng như thế ấy.

Tâm có 4 loại, mỗi loại phát sanh do nhân duyên:

1- Danh pháp thuộc loại bất thiện tâm (tham tâm, sân tâm, si tâm) phát sanh do nhân duyên ayonisomanasikāra: Sự hiểu biết trong tâm do si mê sai lầm trong 4 trạng thái của tất cả mọi danh pháp, sắc pháp trong tam giới cho là: thường, lạc, ngã, tịnh (tốt đẹp), làm nhân duyên phát sanh bất thiện tâm (8 tham tâm +2 sân tâm + 2 si tâm).

2- Danh pháp thuộc loại thiện tâm, phát sanh do bởi nhân duyên yonisomanasikāra: Sự hiểu biết trong tâm bằng trí tuệ hiểu đúng theo 4 trạng thái của tất cả danh pháp, sắc pháp trong tam giới là: vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, làm nhân duyên phát sanh thiện tâm. (8 dục giới đại thiện tâm + 5 sắc giới thiện tâm + 4 vô sắc giới thiện tâm + 4 hay 20 siêu tam giới thiện tâm).

3- Danh pháp thuộc loại quả tâm, phát sanh do bởi nhân duyên nghiệp: thiện nghiệp, bất thiện nghiệp đã tạo ở kiếp quá khứ và kiếp hiện tại.

- Nếu thiện nghiệp làm nhân duyên phát sanh cho thiện quả vô nhân tâm, như : nhãn thức tâm nhìn thấy sắc đẹp; nhĩ thức tâm nghe tiếng hay; tỷ thức tâm ngửi mùi thơm; thiệt thức tâm nếm vị ngon; thân thức tâm tiếp xúc êm ấm; ý thức tâm tiếp nhận đối tượng tốt,….

- Nếu bất thiện nghiệp làm nhân duyên phát sanh cho bất thiện quả vô nhân tâm, như: nhãn thức tâm nhìn thấy sắc xấu; nhĩ thức tâm nghe tiếng xấu; tỷ thức tâm ngửi mùi hôi; thiệt thức tâm nếm vị dở; thân thức tâm tiếp xúc thô cứng; ý thức tâm tiếp nhận đối tượng xấu,….

4- Danh pháp thuộc duy tác tâm: Đó là tâm của bậc Thánh Arahán phát sanh do bởi nhân duyên hộ kiếp tâm (bhavaṅgacitta),….

Hành giả tiến hành thiền tuệ, đến khi trí tuệ thứ nhì phát sanh thấy rõ, biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp riêng biệt như vậy; nên trí tuệ tư duy đúng đắn phát sanh tư duy rằng:

"Danh pháp, sắc pháp ở hiện tại phát sanh do nhờ nhân duyên như thế nào, thì danh pháp, sắc pháp ở quá khứ hay ở vị lai phát sanh cũng do nhờ nhân duyên như thế ấy; hoặc danh pháp, sắc pháp bên trong của mình phát sanh như thế nào; thì danh pháp, sắc pháp bên ngoài của người khác cũng phát sanh như thế ấy".

Nhờ trí tuệ thứ nhì làm nền tảng căn bản, nên trí tuệ tư duy đúng đắn theo thực tánh của tất cả mọi danh pháp, mọi sắc pháp hiện tại, quá khứ, vị lai hoặc bên trong của mình, bên ngoài của người khác phát sanh đều do nhờ nhân duyên của mỗi pháp; chắc chắn không có một Đấng Tạo Hoá nào sáng tạo ra được danh pháp, sắc pháp, ngũ uẩn… nào cả. Do đó, nên không còn hoài nghi về danh pháp, sắc pháp.

Trí tuệ thứ nhì có khả năng diệt từng thời hoài nghi (tadaṅga-pahāna), chưa có khả năng diệt đoạn tuyệt hoài nghi.

Hành giả tiến hành thiền tuệ, đến khi trí tuệ thứ nhì phát sanh thấy rõ, biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi danh pháp mỗi sắc pháp bằng nhiều cách khác nhau, nhưng chắc chắn đều đạt đến kết quả giống nhau, là diệt được sự hoài nghi về sự sanh của danh pháp, sắc pháp, hay thoát ly khỏi sự hoài nghi về sự sanh của danh pháp, sắc pháp ngay ở hiện tại, quá khứ và vị lai.

Do đó, trí tuệ thứ nhì này đạt đến thanh tịnh "Kaṅkhāvitaraṇa-visuddhi": Trí tuệ thoát ly hoài nghi thanh tịnh,diệt từng thời được sự hoài nghi (tadaṅgapahāna). Trí tuệ thứ nhì này chưa có khả năng diệt đoạn tuyệt được hoài nghi.

Kaṅkhāvitaraṇavisuddhi: Trí tuệ thoát ly hoài nghi thanh tịnh

Có số người trong đời, không gần gũi thân cận với bậc Thiện trí trong Phật giáo, không được lắng nghe học hỏi chánh pháp của bậc Thiện trí, không có đức tin trong sạch nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, không tin nghiệp và quả của nghiệp; vì vậy, có những điều hiện hữu trong đời này, ngoài khả năng hiểu biết, suy tư, quán xét, lý giải của mình; cho nên thường nghĩ rằng: "Đó là một điều huyền bí do một Đấng Thiêng Liêng, Đấng Sáng Tạo, Đấng Tạo Hoá tạo nên như vậy… như vậy". Tin như thế là xong, khỏi bận tâm suy nghĩ nữa, thậm chí không còn dám hoài nghi, sợ phạm lỗi, vì xen vào việc của một Đấng nào đó?

Đối với hành giả tiến hành thiền tuệ, đến khi trí tuệ thứ nhì này phát sanh thấy rõ biết rõ mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp phát sanh đều do nhân duyên riêng biệt của nó, ngoài ra, không có một ai có quyền năng sáng tạo ra được một danh pháp, một sắc pháp nào cả. Bởi do chính trí tuệ của mình đã thấy rõ biết rõ như vậy, nên diệt được tâm hoài nghi.

Cho nên, trí tuệ thứ nhì Nāmarūpapaccayapariggahañāṇa thấy rõ biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp, thoát ly được hoài nghi ấy, nên đạt đến thanh tịnh gọi là Kaṅkhāvitaraṇa-visuddhi: Trí tuệ thoát ly hoài nghi thanh tịnh, là thanh tịnh thứ nhì của pháp hành thiền tuệ và là thanh tịnh thứ tư trong 7 pháp thanh tịnh.

Quả báu 2 loại trí tuệ giai đoạn đầu

- Trí tuệ thứ nhất Nāmarūpapaccayaparicchedañāṇa thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ trạng thái riêng của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp.

- Trí tuệ thứ nhì Nāmarūpapaccayapariggahañāṇa thấy rõ, biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp.

* Ñātapariññā: trí tuệ hiểu biết thực tánh của danh pháp sắc pháp gồm có 2 loại trí tuệ: trí tuệ thứ nhất gọi là Nāmarūpaparic-chedañāṇa và trí tuệ thứ nhì gọi là Nāmapaccayapariggahañāṇa.

Bậc Tiểu Nhập Lưu (Cūḷasotāpanna)

- Trí tuệ thứ nhất đạt đến chánh kiến thiền tuệ (vipassanāsammā-diṭṭhi) diệt từng thời được ngũ uẩn tà kiến (sakkāyadiṭṭhi) hoặc tà kiến theo chấp ngã (attānudiṭṭhi) nơi danh pháp, sắc pháp.

- Trí tuệ thứ nhì đạt đến thoát ly hoài nghi thanh tịnh (kaṅkhā-vitaraṇavisuddhi), diệt từng thời được hoài nghi (vicikicchā) về sự sanh của danh pháp, sắc pháp.

Hành giả tiến hành thiền tuệ, phát triển đạt đến hai loại trí tuệ này rồi, diệt từng thời (tadaṅgapahāna) được tà kiến hoài nghi. Do đó, hành giả được gọi là Cūḷasotāpanna: bậc Tiểu Nhập Lưu.

Bậc Tiểu Nhập Lưu chưa phải là bậc Thánh Nhập Lưu, bởi vì hành giả chưa trải qua 16 trí tuệ thiền tuệ, chưa chứng ngộ Tứ thánh đế, chưa chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo, Nhập Lưu Thánh Quả, chưa chứng ngộ Niết Bàn, chưa diệt đoạn tuyệt (samuccheda-pahāna) được tà kiếnhoài nghi. Do đó chưa phải là bậc Thánh Nhập Lưu, song hành giả cũng là người có duyên lành trong Phật giáo, có thể nhập theo dòng đến bậc Thánh Nhập Lưu, nếu có đủ pháp hạnh ba la mật và 5 pháp chủ (indriya).

Nếu hành giả là người có ba la mật đã tạo nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ hỗ trợ, kiếp hiện tại hành giả có tâm tinh tấn không ngừng tiến hành thiền tuệ, thì trí tuệ thiền tuệ tuần tự phát triển có thể dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo, Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu ngay ở kiếp hiện tại này.

Trí tuệ thứ nhì làm nhân duyên phát sanh trí tuệ thiền tuệ thứ ba.

3- Trí Tuệ Thứ Ba (Sammasanañāṇa)

Hành giả tiếp tục tiến hành thiền tuệ, trí tuệ phát triển và tiến hóa tuần tự phát sanh trí tuệ thiền tuệ thứ ba, gọi là: Sammasanañāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của danh pháp, sắc pháp do nhân duyên diệt, nên thấytrạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp.

Trí tuệ thiền tuệ thứ ba phát sanh là do nhờ trí tuệ thứ nhấttrí tuệ thứ nhì làm nhân duyên, làm nền tảng. Trí tuệ thiền tuệ thứ ba có khả năng thấy rõ biết rõ sự diệt của danh pháp, sắc pháp do nhân duyên diệt ở hiện tại, và trí tuệ quán xét biết rõ danh pháp, sắc pháp quá khứ; danh pháp, sắc pháp vị lai chắc chắn cũng diệt như danh pháp, sắc pháp hiện tại này.

Trí tuệ thiền tuệ thứ ba thấy rõ biết rõ sự diệt của sắc pháp, danh pháp, do nhân duyên diệt nên có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

Ví dụ:

Hành giả tiến hành thiền tuệ có tứ oai nghi: sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm và các oai nghi phụ như: sắc bước tới, sắc bước lui, sắc quay bên phải, sắc quay bên trái, sắc co (tay), sắc co (chân), sắc duỗi (tay), sắc duỗi (chân),… đều bị diệt nên có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã như sau__

1- Trí tuệ thiền tuệ thứ ba thấy rõ biết rõ sắc đi

Sắc đi: dáng đi, tư thế đi, toàn thân di chuyển do bước từng bước, gồm có nhiều sắc pháp sanh diệt liên tục làm nhân duyên diễn tiến để cho sắc đi hiện hữu, như sau:

- Khi sắc nhấc (chân) lên: Trong sắc tứ đại, có phong đại và hỏa đại có năng lực mạnh, còn địa đại và thủy đại có năng lực yếu.

- Khi sắc để (chân) xuống: Trong sắc tứ đại, có địa đại và thủy đại có năng lực mạnh, còn phong đại và hỏa đại có năng lực yếu.

Trí tuệ thiền tuệ thứ ba thấy rõ biết rõ sắc đi diễn tiến qua các giai đoạn:

- Khi sắc nhấc (chân) lên: Tất cả sắc pháp nào bị diệt do nhân duyên diệt ở giai đoạn sắc nhấc lên rồi, thì tất cả sắc pháp ấy không còn dư sót đến giai đoạn sắc để (chân) xuống.

Do đó, sắc đi ấy có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

- Khi sắc để (chân) xuống: Tất cả sắc pháp nào bị diệt do nhân duyên diệt ở giai đoạn sắc để xuống rồi, thì tất cả sắc pháp ấy không còn dư sót lại đến giai đoạn sắc nhấc (chân) lên khác….

Do đó, sắc đi ấy có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

Như vậy, trong sắc đi có vô số sắc pháp sanh rồi diệt liên tục không ngừng, nên hiện rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

2- Trí tuệ thiền tuệ thứ ba thấy rõ biết rõ sắc đứng

Sắc đứng: dáng đứng, tư thế đứng, toàn thân đứng yên tự nhiên, trong trạng thái tĩnh (đối tượng hiện tại rất ngắn ngủi).

Trí tuệ thiền tuệ thứ ba này thấy rõ biết rõ sắc đứng ở tư thế nào, tất cả sắc pháp ở tư thế đứng ấy bị diệt do nhân duyên diệt không còn dư sót ở tư thế đứng khác.

Mỗi tư thế đứng là mỗi sắc đứng, có vô số tư thế đứng, nên có vô số sắc đứng sanh rồi diệt liên tục không ngừng.

Do đó, sắc đứng ấy có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

3- Trí tuệ thiền tuệ thứ ba thấy rõ biết rõ sắc ngồi

Sắc ngồi: dáng ngồi, tư thế ngồi, toàn thân ngồi: thân phần trên ngồi yên, thân phần dưới co theo từng mỗi tư thế ngồi tự nhiên, trong trạng thái tĩnh (đối tượng hiện tại rất ngắn ngủi).

Trí tuệ thiền tuệ thứ ba này thấy rõ biết rõ sắc ngồi tư thế nào, tất cả sắc pháp tư thế ngồi ấy bị diệt do nhân duyên diệt không còn dư sót ở tư thế ngồi khác.

Mỗi tư thế ngồi là mỗi sắc ngồi, có vô số tư thế ngồi, nên có vô số sắc ngồi sanh rồi diệt liên tục không ngừng.

Do đó, sắc ngồi ấy có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

4- Trí tuệ thiền tuệ thứ ba thấy rõ biết rõ sắc nằm

Sắc nằm: dáng nằm, tư thế nằm, toàn thân nằm yên theo từng mỗi tư thế nằm tự nhiên, trong trạng thái tĩnh (đối tượng hiện tại rất ngắn ngủi).

Trí tuệ thiền tuệ thứ ba này thấy rõ biết rõ sắc nằm tư thế nào, tất cả sắc pháp tư thế nằm ấy bị diệt do nhân duyên diệt, không còn dư sót ở tư thế nằm khác.

Mỗi tư thế nằm là mỗi sắc nằm, có vô số tư thế nằm, nên có vô số sắc nằm sanh rồi diệt liên tục không ngừng.

Do đó, sắc nằm ấy có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

Trí tuệ thiền tuệ thứ ba này thấy rõ biết rõ được sự diệt của sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm do nhân duyên diệt ở hiện tại như thế nào, và còn có khả năng quán xét biết rõ chắc chắn sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm ở quá khứ, cũng như ở vị lai cũng đều bị diệt do nhân duyên diệt như thế ấy, cũng có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

Trí tuệ thiền tuệ thứ ba thấy rõ biết rõ mọi oai nghi phụ

Tất cả mọi oai nghi phụ như: sắc bước tới, sắc bước lui, sắc quay bên phải, sắc quay bên trái, sắc co (tay) vào, sắc co (chân) vào, sắc duỗi (tay) ra, sắc duỗi (chân) ra,….

Cũng như vậy, có vô số oai nghi phụ là có vô số sắc pháp phát sanh từ tâm.

Trí tuệ thiền tuệ thứ ba này thấy rõ biết rõ:

Sắc bước tới: Tất cả sắc pháp nào bị diệt do nhân duyên diệt trong sắc bước tới nào rồi, thì tất cả sắc pháp ấy không còn dư sót ở sắc bước tới khác, có vô số sắc bước tới sanh rồi diệt liên tục không ngừng, do đó sắc bước tới ấy có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

Cũng như vậy, sắc bước lui, sắc quay bên phải, sắc quay bên trái, sắc co (tay) vào, sắc co (chân) vào, sắc duỗi (tay) ra, sắc duỗi (chân) ra, sanh rồi diệt liên tục không ngừng, nên hiện rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

Do đó, tất cả mọi oai nghi phụ sanh rồi diệt không ngừng, nên đều có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

Trí tuệ thiền tuệ thứ ba này thấy rõ, biết rõ sự diệt do nhân duyên diệt của sắc pháp trong tất cả mọi oai nghi phụ ở hiện tại thế nào, và còn có khả năng quán xét biết rõ chắc chắn tất cả mọi oai nghi phụ ở quá khứ, cũng như ở vị lai cũng đều bị diệt do nhân duyên diệt như thế ấy, cũng có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, như oai nghi phụ hiện tại.

Trí tuệ thiền tuệ thứ ba thấy rõ biết rõ sắc pháp, danh pháp có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã

Trí tuệ thiền tuệ thứ ba thấy rõ biết rõ danh pháp, đó là 6 thức tâm, có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã như sau__

- Nhãn thức tâm là danh pháp phát sanh do nương nhờ ở nhãn tịnh sắc, rồi bị diệt do nhân duyên diệt ở nhãn tịnh sắc, danh pháp nhãn thức tâm ấy không còn dư sót ở tịnh sắc nào khác.

Do đó, danh pháp nhãn thức tâmtrạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

- Nhĩ thức tâm là danh pháp phát sanh do nương nhờ ở nhĩ tịnh sắc, rồi bị diệt do nhân duyên diệt ở nhĩ tịnh sắc, danh pháp nhĩ thức tâm ấy không còn dư sót ở tịnh sắc nào khác.

Do đó, danh pháp nhĩ thức tâmtrạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

- Tỷ thức tâm là danh pháp phát sanh do nương nhờ ở tỷ tịnh sắc, rồi bị diệt do nhân duyên diệt ở tỷ tịnh sắc, danh pháp tỷ thức tâm ấy không còn dư sót ở tịnh sắc nào khác.

Do đó, danh pháp tỷ thức tâmtrạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

- Thiệt thức tâm là danh pháp phát sanh do nương nhờ ở thiệt tịnh sắc, rồi bị diệt do nhân duyên diệt ở thiệt tịnh sắc, danh pháp thiệt thức tâm ấy không còn dư sót ở tịnh sắc nào khác.

Do đó, danh pháp thiệt thức tâmtrạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

- Thân thức tâm là danh pháp phát sanh do nương nhờ ở thân tịnh sắc, rồi bị diệt do nhân duyên diệt ở thân tịnh sắc, danh pháp thân thức tâm ấy không còn dư sót ở tịnh sắc nào khác.

Do đó, danh pháp thân thức tâmtrạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

- Ý thức tâm là danh pháp phát sanh do nương nhờ ở sắc ý căn (hadayavatthu), rồi bị diệt do nhân duyên diệt ở sắc ý căn, danh pháp ý thức tâm ấy không còn dư sót ở căn nào khác.


Do đó, danh pháp ý thức tâmtrạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

- Ý thức tâm nào, dầu là danh pháp cõi trời vô sắc giới phát sanh do không nương nhờ ở sắc ý căn nào, rồi cũng bị diệt do nhân duyên diệt, danh pháp ý thức tâm ấy không còn dư sót.

Do đó, danh pháp ý thức tâm cõi trời vô sắc giới cũng có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

Trí tuệ thiền tuệ thứ ba này có khả năng thấy rõ sự diệt của đối tượng danh pháp, sắc pháp do nhân duyên diệt, nên hiện thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã; và đồng thời cũng thấy rõ sự diệt của chủ thể danh pháp (tâm biết đối tượng) do nhân duyên diệt, nên hiện rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của chủ thể danh pháp ấy.

Trí tuệ thiền tuệ thứ ba này thấy rõ, biết rõ sự diệt của danh pháp, sắc pháp do nhân duyên diệt ở hiện tại như thế nào, và còn có khả năng quán xét biết rõ chắc chắn danh pháp quá khứ, danh pháp vị lai cũng bị diệt như thế ấy, cũng có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã như thế ấy.

Ba Trạng Thái Chung (Sāmaññalakkhaṇa)

Tất cả mọi danh pháp, mọi sắc pháp dầu ở hiện tại, ở quá khứ, ở vị lai đều do nhân duyên cấu tạo, do nhân duyên mà sanh, do nhân duyên mà diệt, nên có 3 trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

Hành giả chưa có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ được sự diệt của danh pháp, sắc pháp do nhân duyên diệt, nên chưa thấy rõ 3 trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

Hành giả tiến hành thiền tuệ, đến khi phát sanh trí tuệ thiền tuệ thứ ba, gọi là "Sammasanañāṇa": Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của danh pháp, sắc pháp do nhân duyên diệt, nên hiện thấy rõ được 3 trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

Ý nghĩa của 3 trạng thái chung

- Tất cả mọi danh pháp, mọi sắc pháp đều có trạng thái vô thường, với ý nghĩa hoại diệt (aniccaṃ khayaṭṭhena) [25] .

- Tất cả mọi danh pháp, mọi sắc pháp đều có trạng thái khổ, với ý nghĩa đáng sợ (dukkhaṃ bhayaṭṭhena) [25].

- Tất cả mọi danh pháp, mọi sắc pháp đều có trạng thái vô ngã, với ý nghĩa vô dụng (anattā asārakaṭṭhena) [25].

Do đó, tất cả mọi danh pháp mọi sắc pháp thuộc tam giới đều có 3 trạng thái chung:

- Trạng thái vô thường (aniccalakkhaṇa).

- Trạng thái khổ (dukkhalakkhaṇa).

- Trạng thái vô ngã (anattālakkhaṇa).

Trong bộ Visuddhimagga, 3 trạng thái chung này, mỗi trạng thái phân tích ra nhiều loại như sau__

Trạng thái vô thường, có 10 loại:

1- Aniccato: do trạng thái không thường.

2- Adhuvato: do trạng thái không bền vững.

3- Asārakato: do trạng thái vô dụng, không cốt lõi.

4- Calato: do trạng thái biến động.

5- Palakato: do trạng thái tiêu hoại.

6- Vipariṇāmadhammato: do trạng thái biến đổi là thường.

7- Maraṇadhammato: do trạng thái hủy diệt (chết) là thường.

8- Vibhavato: do trạng thái bị hoại.

9- Saṅkhato: do trạng thái bị cấu tạo.

10- Pabhaṅguto: do trạng thái bị tan rã.

Đó là 10 loại trạng thái vô thường của danh pháp, sắc pháp, phát sanh tùy theo căn duyên của mỗi hành giả.

Khi trí tuệ thiền tuệ thứ 3 này thấy rõ, biết rõ được 1 trong 10 trạng thái vô thường nào, cũng gọi là trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường của danh pháp, sắc pháp.

Trạng thái khổ, có 25 loại:

1- Dukkhato: do trạng thái khó chịu.

2- Bhayato: do trạng thái đáng kinh sợ.

3- Ītito: do trạng thái khốn đốn.

4- Upaddavato: do trạng thái tai nạn nguy hiểm.

5- Upasaggato: do trạng thái cản trở.

6- Rogato: do trạng thái bệnh tật.

7- Ābādhato: do trạng thái đau ốm.

8- Gandato: do trạng thái ung nhọt.

9- Sallato: do trạng thái tên độc.

10- Aghato: do trạng thái xấu xa.

11- Atāṇato: do trạng thái không che chở, chống đỡ được.

12- Aleṇato: do trạng thái không ẩn náu được.

13- Asaraṇato: do trạng thái không nương nhờ được.

14- Ādīnavato: do trạng thái tội chướng.

15- Aghamūlato: do trạng thái nguồn gốc của đau khổ.

16- Sāsavato: do trạng thái phiền não trầm luân.

17- Vadhakato: do trạng thái sát hại.

18- Mārāmisato: do trạng thái mồi của ma vương.

19- Jātidhammato: do trạng thái tái sanh là thường.

20- Jarādhammato: do trạng thái già là thường.

21- Byādhidhammato: do trạng thái bệnh là thường.

22- Sokadhammato: do trạng thái sầu não là thường.

23- Paridevadhammato: do trạng thái than khóc là thường.

24- Upāyāsadhammato: do trạng thái thống khổ cùng cực là thường.

25- Saṅkilesikadhammato: do trạng thái ô nhiễm bởi phiền não là thường.

Đó là 25 loại trạng thái khổ của danh pháp, sắc pháp, phát sanh tùy theo căn duyên của hành giả.

Khi trí tuệ thiền tuệ thứ 3 này phát sanh thấy rõ, biết rõ được 1 trong 25 trạng thái khổ nào, cũng gọi là trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ trạng thái khổ của danh pháp, sắc pháp.

Trạng thái vô ngã có 5 loại:

1- Anattato: do trạng thái không phải ta, của ta.

2- Parato: do trạng thái khác lạ (không phải ta, của ta).

3- Rittato: do trạng thái trống rỗng.

4- Tucchato: do trạng thái hư huyễn.

5- Suññato: do trạng thái không (không phải ta, của ta).

Đó là 5 trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, phát sanh tùy theo căn duyên của hành giả.

Khi trí tuệ thiền tuệ thứ 3 này thấy rõ, biết rõ được 1 trong 5 trạng thái vô ngã nào, cũng gọi là trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp.

Ba trạng thái chung, theo chi tiết:

- Trạng thái vô thường có 10 loại.

- Trạng thái khổ có 25 loại.

- Trạng thái vô ngã có 5 loại.

Ba trạng thái chung gồm có 40 trạng thái chi tiết. Mỗi trạng thái chi tiết nào của danh pháp, sắc pháp hiện rõ tùy theo căn duyên của mỗi hành giả, đều có khả năng dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được tham ái, phiền não, ác pháp.

Phiền não tà kiến, tham ái, ngã mạn phát sanh

Hành giả tiến hành thiền tuệ, không phát triển và tiến hóa được là do phiền não làm cho tâm ô nhiễm, nhất là tà kiến (diṭṭhi), ngã mạn (māna), tham ái (taṇhā)….

Mặc dầu khi trí tuệ thiền tuệ thứ 3 phát sanh, thấy rõ, biết rõ được sự diệt của danh pháp, sắc pháp do nhân duyên diệt, đã hiện thấy rõ được 3 trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, nhưng trí tuệ thiền tuệ này còn non yếu, chưa đủ năng lực, nên phiền não có thể phát sanh, như tà kiến, ngã mạn, tham ái làm cho tâm ô nhiễm.

* Tà kiến theo chấp ngã phát sanh bằng cách nào?

Tà kiến theo chấp ngã có thể nương nhờ ở trí tuệ thiền tuệ còn non yếu ấy, mà nghĩ rằng:

"Ta thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã", hoặc "trí tuệ thiền tuệ ấy là cái ngã của ta (eso me attā)".

Đó là tà kiến theo chấp ngã, thấy sai, chấp lầm ở danh pháp, (trí tuệ thiền tuệ) cho là ta.

* Ngã mạn phát sanh bằng cách nào?

Tâm ngã mạn có thể nương nhờ ở trí tuệ thiền tuệ còn non yếu ấy mà nghĩ rằng:

"Ta thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã đặc biệt đến như thế này", hoặc "trí tuệ thiền tuệ thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ đặc biệt ấy chính là Ta (eso’hamasmi)".

Đó là tâm ngã mạn, tự cho mình là đặc biệt hơn người, hoặc bằng người, hoặc kém người.

* Tham ái phát sanh bằng cách nào?

Tâm tham ái có thể nương nhờ ở trí tuệ thiền tuệ, còn non yếu ấy mà nghĩ rằng:

"Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của ta đáng hài lòng quá! (etaṃ mama)"

Đó là tâm tham ái hài lòng ở trí tuệ thiền tuệ ấy.

Vậy, khi phiền não tà kiến, ngã mạn, tham ái… đã phát sanh, thì làm cho tâm bị ô nhiễm, làm trở ngại việc phát triển trí tuệ thiền tuệ bậc cao hơn.

Phương pháp diệt tà kiến, tham ái, ngã mạn

- Hành giả tiến hành thiền tuệ, đến khi nào trí tuệ thiền tuệ có năng lực mạnh phát sanh thấy rõ, biết rõ đặc biệt trạng thái vô thường của danh pháp, sắc pháp. Khi ấy, trí tuệ thiền tuệ ấy mới có thể diệt từng thời được tâm ngã mạn, tự cho mình là đặc biệt hơn người, hoặc bằng người, hoặc kém người.

Để diệt đoạn tuyệt được tâm ngã mạn chỉ có Arahán Thánh Đạo Tuệ mà thôi.

- Hành giả tiến hành thiền tuệ, đến khi nào trí tuệ thiền tuệ có năng lực mạnh phát sanh thấy rõ, biết rõ đặc biệt trạng thái khổ của danh pháp, sắc pháp. Khi ấy, trí tuệ thiền tuệ ấy mới có thể diệt từng thời được tâm tham ái, hài lòng, ưa thích, say đắm trong danh pháp, sắc pháp.

Để diệt đoạn tuyệt được tâm tham ái chỉ có Arahán Thánh Đạo Tuệ mà thôi.

- Hành giả tiến hành thiền tuệ, đến khi nào trí tuệ thiền tuệ có năng lực mạnh phát sanh thấy rõ, biết rõ đặc biệt trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp. Khi ấy, trí tuệ thiền tuệ ấy mới có thể diệt từng thời được tâm tà kiến theo chấp ngã, cho là ta, người, đàn ông, đàn bà, chúng sinh,….

Để diệt đoạn tuyệt được tâm tà kiến chỉ cần Nhập Lưu Thánh Đạo Tuệ.

9 Chi Pháp Để 5 Pháp Chủ Có Năng Lực

5 pháp chủ đó là: tín pháp chủ, tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, định pháp chủ tuệ pháp chủ, là pháp rất quan trọng để hỗ trợ cho pháp hành thiền tuệ được phát triển và tiến hóa, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

Trường hợp hành giả tiến hành thiền tuệ, khi trí tuệ thiền tuệ thứ ba đã phát sanh, nhưng chưa có khả năng phát triển đến trí tuệ thiền tuệ thứ tư, là vì 5 pháp chủ còn yếu, chưa đủ năng lực hỗ trợ để cho trí tuệ thiền tuệ thứ tư phát sanh.

Như vậy, hành giả cần phải thực hành 9 chi pháp làm cho 5 pháp chủ được tăng cường thêm năng lực, để hỗ trợ cho trí tuệ thiền tuệ thứ tư phát sanh và tiến hóa theo tuần tự trí tuệ thiền tuệ bậc cao hơn.

9 chi pháp làm cho 5 pháp chủ có năng lực là: [26]

1- Trí tuệ thiền tuệ thứ 3 thường thấy rõ, biết rõ sự diệt của danh pháp, sắc pháp do nhân duyên diệt.

2- Trí tuệ thiền tuệ thứ 3 thấy rõ, biết rõ sự diệt của danh pháp, sắc pháp do nhân duyên diệt, một cách đặc biệt.

3- Làm cho trí tuệ thiền tuệ thứ 3 phát sanh liên tục không ngừng để tăng cường thêm năng lực.

4- Trí tuệ thiền tuệ thứ 3 phát sanh trong 7 điều thuận lợi [27], tránh 7 điều bất lợi.

5- Trí tuệ thiền tuệ thứ 3 luôn luôn có đối tượng danh pháp, sắc pháp.

6- Trí tuệ thiền tuệ phát sanh cùng với pháp hành thất giác chi, thích hợp với mỗi chi trong mỗi trường hợp.

7- Hành giả không màng đến sắc thânsanh mạng, kiên quyết tiến hành thiền tuệ, dầu phải hy sinh sanh mạng của mình.

8- Tinh tấn tiến hành thiền tuệ liên tục, không màng đến sắc thânsanh mạng.

9- Hành giả kiên quyết tiến hành thiền tuệ, nếu chưa chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn, thì nguyện không chịu thối chuyển, không chịu ngưng việc tiến hành thiền tuệ.

Hành giả thực hành đầy đủ 9 chi pháp này, giúp 5 pháp chủ tăng cường thêm năng lực, hỗ trợ cho trí tuệ thiền tuệ thứ tư được phát sanh và phát triển tiến hóa đến những trí tuệ thiền tuệ bậc cao hơn nữa.

Trí tuệ thiền tuệ thứ ba làm nhân duyên phát sanh trí tuệ thiền tuệ thứ tư.


Chú thích:

[22] Bộ Visuddhimagga, phần Kankhāvitaraṇavisuddhiniddesa.

[23] Bộ Abhidhammatthasaṅgaha (còn dịch là "Thắng Pháp Tập Yếu Luận").

[24] 10 thức tâm: 2 nhãn thức tâm + 2 nhĩ thức tâm + 2 tỷ thức tâm + 2 thiệt thức tâm + 2 thân thức tâm.

[25] Bộ Visuddhimagga, Sammasanañāṇakathā.

[26] Bộ Visuddhimagga, Maggāmaggañāṇadassanavisuddhi .

[27] 7 điều thuận lợi: chỗ ở, nơi đi lại, lời nói, bạn thiện trí, vật thực, thời tiết, oai nghi.

-ooOoo-




[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024