Ngày.....tháng......năm......

TA em,

Có lẽ em nghĩ rằng chị đã giận em nhiều lắm vì thái độ cáu gắt của em với chị vừa qua. Đến chính em còn phải thấy… mình quá đáng vì chị thấy em đã im bặt và ngượng ngùng ngay sau đó. Nhưng chị không hề giận em. Thật lòng khi bị em từ chối và thét lớn tiếng vào mặt như vậy ngay trước sự hoan hỷ mà chị đang tỏ bày tặng sách cho em đã khiến chị mất 5 phút… chết lặng và hụt hẫng. Trông em rất lạ. 5 phút ấy chị dán mắt nhìn vào màn hình tivi vì chẳng còn biết phải nhìn vào đâu nữa nhưng lòng chị đang đau và… cũng bẽ bàng lắm! Chưa bao giờ em cư xử như vậy với chị. Chị chỉ muốn tặng em một cuốn kinh sách mà chị đọc thấy rất hay nhưng giờ đây chỉ đã hiểu rằng không phải điều gì hai chị em mình cũng đều hợp ý cả, hoặc chị đã chọn thời điểm không thích hợp với việc tặng sách này. Khi ấy chị mới nhớ ra có những lúc trao đổi về quan điểm sống và những lời chia sẻ, em đã im lặng nhưng kèm theo câu nói “im lặng không có nghĩa là đồng ý” và cười. Chị đã nhận ra rằng… chị em mình vẫn có những điểm không chung dù việc nào em cũng đều chia sẻ với chị. Nhưng nếu những điểm không chung ấy ảnh hưởng xấu đến em (chứ chưa dám nói nó cũng có lúc sẽ ảnh hưởng đến chị cũng như những người sống chung quanh em) thì chị không thể im lặng được. Chị phải lên tiếng nhưng không thể bằng lời vì chắc rằng không có thể nào nói ra hết được một cách mạch lạc suy nghĩ của chị cho em hiểu và hơn nữa lời khuyên bằng khẩu ngữ sẽ bay từ lỗ tai này sang lỗ tai kia nên hôm nay nhân tiện chị nghe chị TT than phiền với chị về tính khí nóng nảy bất thường của em chị quyết định gửi thư này. 

TA à, cuộc sống của em thật may mắn. Em có được một mái ấm gia đình mà bao người mơ ước, một cuộc sống nhàn nhã và sung sướng không phải bon chen lo kiếm tiền cho từng bữa ăn… Em có cho là mình may mắn không? Chắc là có, bởi em cũng thừa nhận mình không có nhan sắc, không trình độ học vấn cao, không bươn chải kiếm tiền mà cũng chẳng giành giật cướp bóc của ai. Vợ chồng em chỉ do sự giỏi giang, chuyên cần làm việc nhưng đã tạo dựng một cơ ngơi tuyệt vời. Ngoài xã hội có hàng vạn người như thế nhưng họ vẫn trắng tay dù đã cố gắng hết sức! Đó là điều mà em nên suy nghĩ và hiểu rằng các em đã gây dựng phước báu từ kiếp nào rồi và đang được trổ quả lành để giờ đây thụ hưởng chứ chẳng phải hoàn toàn là do sự chăm chỉ. Nhưng nếu chỉ biết hưởng không thôi thì đến núi cũng sẽ mòn nên phải biết gieo trồng phước báu trong đời này để hưởng quả ngọt đời sau nữa và quan trọng là phải biết sử dụng đồng tiền chân chính ấy cho đúng. Em chỉ trích chị “Suốt ngày bận rộn, chỉ biết làm mà không biết hưởng thụ, ngày nghỉ gọi điện hỏi đang ở đâu thì 10 lần hết 6, 7 lần là nghe hai chữ “đi chùa”. Không chùa gần thì chùa xa. Chẳng lẽ những nơi ấy thú vị hơn những nơi vui chơi? Đã vậy còn lôi kéo con cái theo mình. Tội nghiệp mấy nhóc!…”. Chị đã cười khi nghe câu ấy. Dù gì đi nữa trong 10 lần em gọi có 3,4 lần chị vẫn nằm ngoài phạm vi “chùa” nhỉ?! Thật ra đến chùa theo chị nghĩ không phải chỉ thắp nhang, cúng dường và cầu nguyện. Nếu em suy nghĩ như vậy thật sai lầm. Phật đã nhập Niết Bàn trên 2500 năm và không còn tái sanh hiện hữu nữa thì làm sao Ngài còn đứng đó để nghe bao lời van xin? Để cứu độ chúng sanh? Chẳng lẽ ai làm tội lỗi rồi vào chùa cúng dường xin Phật xá tội sẽ được thứ tha và ung dung phạm tội tiếp tục ngoài đời? Trên thế gian này có vay ắt có trả. Em phải hiểu điều ấy. Chị vào chùa đảnh lễ Phật như một sự tri ân, tưởng nhớ đến ân đức cao vời và lòng tôn sùng kính trọng Ngài. Chị cùng mọi người đi đến các Chùa khi những nơi ấy cần sự góp sức hộ trì đóng góp. Muốn Phật Pháp bền lâu, Giáo Pháp được giáo truyền để mọi người mọi thời đại được sống trong Chánh Pháp thì phải có Tăng đoàn và chùa chiền. Không cùng nhau góp sức thì Phật sự đó sẽ lâu thành và hơn nữa, các nhóc nhỏ cần được đi theo để học hỏi, giúp sức tùy khả năng để gieo mầm từ bi, biết thương yêu, biết chia sẻ và không ích kỷ, v.v… Các chùa cũng thường tổ chức các chuyến đi từ thiện cứu trợ, uỷ lạo… Chị nghĩ em nên thử đi cùng chị một lần, sau đó cho nhóc đi theo. Chắc chắn nhóc sẽ rất thích và em sẽ hiểu chị hơn.

Khi em hiểu Đạo Phật một cách đúng đắn, em sẽ tìm thấy cho mình sự an vui thật sự. Có khi sự an vui ấy ngự trị ngay khi mình đối diện với hiện tượng mà trước đây mình bị vướng vào làm cho đau khổ. Đó là sự giải thoát. Chắc em sẽ hỏi giải thoát cái gì? Đó là giải thoát chính mình ra khỏi tri giác sai lầm, các vướng mắc trong các hưởng thụ lạc thú của cuộc đời khiến chúng ta luôn lầm tưởng đó là hạnh phúc, là sung sướng, là quả ngọt của cuộc đời và đắm chìm trong ấy. Đó là khổ. Chắc em sẽ nói “Sao lại là khổ? Em không có khổ. Em sống không thiếu thốn thứ gì mà bảo khổ là khổ gì?”. Nói ra điều này cần nhiều thời gian và giấy mực vì em phải hiểu và trải nghiệm cuộc sống của mình qua lăng kính Phật Pháp, em sẽ hiểu được nhưng… sách thì em không đọc, nghe Pháp thì chắc các dĩa chị gửi tặng em cũng chẳng mở nghe. Thôi thì chị sẽ chỉ ra cho em nhớ vài “biểu hiện” nhỏ xác thực để em dễ hiểu vậy. Như có lần mới sáng sớm em đã gọi điện cho chị và khóc như mưa chỉ vì lý do con gái em nổi ban đầy mặt! Cái đó là khổ tâm vì quá thương con không thể chấp nhận được con bị đau ốm nên nhìn con như vậy rất đau lòng. Rồi đến mấy lần em và ông xã đã thức khuya canh trộm vì chuông báo động reo lên giữa đêm khuya, báo hại em và chồng ngủ không ra ngủ! Đó là khổ vì cuộc sống dư giả tạo sự ham muốn cho kẻ xấu rình rập khiến tâm bất an! Em đã bao  phen mệt mỏi với các biểu hiện, các trạng thái tâm bất an, mất bình tĩnh, cáu gắt, sân si, buồn bực xảy đến với em trong cuộc sống vì sự trái ý, nghịch lòng, không thuận theo ý của mình, là do cái Khổ của việc quá coi trọng vào mình, xem mình là luôn đúng… Đó là vài điều biểu hiện mà chị thấy và biết được ở em. Có lẽ trong cuộc sống nhung lụa êm ấm quá em không cảm nhận được hoặc em vì không hiểu nên chẳng nhận ra mình đang bước trên thảm cỏ gai mà nghĩ là thảm nhung vậy. Vì đã quen thọ nhận những được, có của đời rồi, khi không đạt được hoặc khi gặp chướng ngại con người chúng ta sẽ thấy hết sức khổ đau. Giống như người nghiện ma túy, người ngoài sáng suốt nhìn nhận rằng nó rất nguy hiểm nhưng kẻ nghiện vẫn bằng mọi giá để hút, chích vì họ đã quen trạng thái sống mơ màng trong ảo ảnh, được thăng hoa, được nhận sự khoan khoái của thể xác nhưng không hề biết rằng sau những lần tìm cảm giác hạnh phúc ấy là bệnh, là chết trong đau đớn, là khổ không những cho bản thân mà hệ lụy cho bao người nữa.

Chỉ khi nào em thật sự hiểu biết rằng dưới tấm thảm nhung ấy, tôi đang đạp lên gai cỏ mà đi, sẽ có lúc tôi chảy máu, sẽ có lúc chân tôi đau buốt tận xương, v.v... Biết để mà cảm nhận cuộc đời là không suông sẻ, là giả tạm, lúc được lúc mất, lúc vui  lúc buồn, không gì bền vững. Vậy tất cả chỉ là tạm bợ nên không vui quá khi được, không buồn quá khi mất đi. Nhìn mọi sự vật hiện tượng đến với mình bình thản. Hiểu rõ như vậy thì dù em là một người ngoại đạo, một người Phật tử không hiểu Tam Pháp Ấn là gì, em cũng đã tự giúp mình giải thoát được cái Khổ của thế gian, an vui tự tại với mọi diễn biến của vạn vật đang diễn ra chung quanh mình trong từng phút, giây và sát na một.

Chị cũng chỉ mới đang trên con đường học Đạo tuy chỉ qua kinh sách, băng giảng và đàm đạo cùng quý Chư Tăng nhưng cảm thấy thật vui mừng và hạnh phúc vô cùng vì mình đã chọn đúng đường đi như người bấy lâu nay lạc đường tìm thấy con đường trở về rộng mở trước mặt. Chị ước mong em cũng như bao người Phật tử khác chưa hiểu rõ về Đạo Phật hãy sớm có duyên lành được biết đến Chánh Pháp. Gặp được những vị minh Sư chỉ dẫn, giảng Pháp để có được tri kiến, đến với Đạo Phật bằng Chánh tín vững vàng chắc chắn sẽ được an vui và nhiều lợi lạc.

Thư cũng đã dài dù chị còn nhiều điều muốn nói với TA, nhưng chị hẹn em thư sau vậy. Mong rằng sau khi đọc thư này em sẽ hiểu chị và nếu còn bất kỳ điều gì nghi ngờ, mơ hồ thậm chí chất vấn chị cũng sẽ sẵn sàng dành thời gian để đàm đạo cùng em.

Chúc em và gia đình luôn tìm thấy sự an vui trong cuộc sống.

Chị. TN.


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024