San Jose, ngày... tháng... năm...

Bạch Thầy,

Nếu con nhớ không lầm thì đây là lần đầu tiên trong đời con cầm bút viết thư để gửi đến một vị thầy, vì từ xưa đến nay con chưa một lần viết thư cho ai mà xưng là thầy, dù những vị sư Tăng mà con hằng kính trọng. Có lẽ do bản tính lười cầm bút hay là do văn hóa kém cỏi, hành văn lủng củng, thậm chí còn viết sai chính tả nữa, nhưng thầy là thầy nên con không ngại, và tự thân tâm con cảm thấy vui khi biết rằng hôm nay mình đã có thầy. Lá thư này con sẽ kể cho thầy nghe về tuổi đời thơ ấu của con.

Thưa Thầy!

Lần đầu tiên con gặp thầy là vào năm 1976 cách đây đã 33 năm. Ngày đó Thầy từ Sài Gòn ra thăm chùa Huyền Không Lăng Cô. Ngôi chùa mà chính thầy đã khai sơn tạo dựng. Lúc đó con đang làm công nhân kéo đá hợp đồng cho mỏ đá Lăng Cô. Ngày ngày kéo đá, tối lại lên chùa tụng kinh và nghe chư Tăng nói Đạo. Ba mươi ba năm qua, trong mắt con thầy là vị Sư trang nghiêm và khả kính. Nhưng cũng chính vì cái trang nghiêm của thầy mà con ít gần gũi thầy, ít có cơ hội được nghe thầy dạy bảo, không trình bày được với thầy những ưu tư một cách tự do thoải mái như với những vị sư đệ khác của thầy ở Huyền Không.

Lúc ra đời, con được ba mẹ đặt cho cái tên để gọi là Chót, có lẽ ông bà mong muốn con là đứa con trai sau cùng vì trước con đã có 4 người anh mà không có chị gái nào. Cái tên Chót không phải là cái tên cúng cơm để gọi trong nhà mà nó được nằm luôn trong giấy khai sinh. Tên Chót, cái tên mang lại cho con cái cảm giác như là định mệnh, số phận định sẵn vậy rồi. Hầu như cái gì cũng chót, cuộc đời không có tuổi thơ, không được học hành. Sáu tuổi là con phải rời gia đình để qua sống với ông bà ngoại. Ông bà ngoại con có tất cả ba người con – một trai, hai gái. Nhưng nghe đâu cậu ấy đi kháng chiến lúc còn thanh niên và rồi đã đi không trở lại. Sau ngày đất nước thống nhất mới hay là cậu chết lúc lên rừng. Còn người dì, chị má con, thì lấy chồng ở Huế. Má con lấy chồng cùng quê ở Truồi. Nhà ông bà ngoại con ở bên này giòng sông Truồi, nhà ba má con ở bờ bên kia. Cách nhau chỉ có một giòng sông nhưng vì hồi đó con còn quá nhỏ nên thấy nó xa xôi vời vợi. Ông ngoại con làm nghề thầy giáo làng cho nên khi qua sống với ông ngoại con không đến trường mà ở nhà ông dạy cho những chữ đầu đời.

Sau hai năm, lúc đó con được 8 tuổi, ông mới cho đến trường để học. Tám tuổi thì phải vào lớp 3, mà trình độ căn bản của con lúc bấy giờ mới biết viết, biết đọc chứ làm toán thì chỉ mới biết cộng trừ thôi còn nhân chia thì chưa học. Thầy biết không, tháng nào con cũng đội sổ trong lớp. Sĩ số 28 học sinh thì con số 28 ấy là của con. Còn sĩ số 32 thì con số 32 ấy cũng là của con chứ chẳng ai giành hết! Viết 10 dòng chính tả, bạn học đứa nào cũng ½ lỗi hoặc 1 lỗi, còn con lúc nào cũng từ 5 đến 7 lỗi là chót. Đi học được 5, 6 tháng gì đó thì ba con đưa con vào Cô Nhi Viện ở Sài Gòn do một ông chú họ giới thiệu. Cách một con sông là đã xa vời vợi với tầm nhìn của đứa nhỏ 8 tuổi khi hướng mắt về gia đình, huống hồ chi Truồi với Sài Gòn cách xa ngàn dặm…

Vào đến Cô Nhi Viện, con được tiếp tục học lớp 3 và con số cuối cùng cũng luôn luôn thuộc về con. Nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ đủ thứ… Sống ở Cô Nhi Viện kỷ luật nghiêm khắc, thế là con bỏ trốn ra ngoài, lang thang trên đường phố Sài Gòn, kiếm ăn bằng đủ thứ việc. Đánh giày, bán cà-rem… Đầu tiên là bán báo với đứa bạn mới quen. Nói là bạn chứ nó lớn hơn con chừng 3, 4 tuổi. Ban ngày lang thang kiếm sống. Tối rút vào Viện Hóa Đạo để ngủ.

Cho đến một ngày nọ, con làm quen được một chị chừng hai mươi mấy tuổi. Chị ấy nhận con làm em nuôi và đưa con về bên kia cầu Khánh Hội ở quận Tư để ở. Chị ấy làm nghề bán Bar. Thế là về đó con có rất nhiều chị. Chị nào sai bảo việc gì con làm việc đó. Một điều may mắn cho con lúc ấy là con có khuôn mặt con nít dễ thương lại nói giọng Huế nên được nhiều chị tin tưởng đưa tiền đi mua thứ này thứ nọ mà không sợ con bỏ trốn.

Có gia đình, có cha mẹ mà lại vào sống trong Cô Nhi Viện. Lớn lên mưu sinh bằng đủ thứ công việc, làm đệ tử cho những cô gái bán Bar. Cái tệ hại nhất là làm thêm nghề móc túi mỗi khi kẹt tiền. Bây giờ viết thư cho thầy mà nghĩ lại cái hình ảnh lúc móc túi bị bà kia phát hiện phải chạy trối chết, con thấy xấu hổ và mắc cười quá chừng! Hai năm, hai năm đứa trẻ lạc loài trên mảnh đất Sài Gòn, có những buổi chiều trời mưa, đói bụng, không tiền phải mò vào nhà bếp Viện Hóa Đạo lấy cắp thức ăn… để sống!

Một buổi tối trước cổng Viện Hóa Đạo, hôm đó là buổi thuyết pháp của thầy Hộ Giác, Phật tử đi rất đông, may thay con đã gặp sư Khiêm (sư Thiện Quang). Sau khi hỏi han và nhận con làm đệ tử, sư dẫn con về chùa Pháp Quang. Sau đó đi đâu sư cũng mang con theo. Hình ảnh vị sư đắp chiếc y vàng đã bắt đầu hiện diện trong con từ đó. Và lúc này, thật đỡ lo chuyện không chỗ ăn, không chỗ ngủ, sợ đàn anh ăn hiếp…

Thời gian con ở với sư không nhiều lắm nhưng rất đẹp. Có thể nói đó là một chủng tử phải không thầy? Con còn nhớ là vào khoảng năm 65 hay 66 gì đó, lúc phong trào sinh viên Phật tử đang biểu tình chống các nhà lãnh đạo Thiệu, Kỳ, Hương, Khánh, con đã trở về nhà ba mẹ ở Truồi. Sau khi về nhà con muốn đi học lại. Lúc đó 10 tuổi nên con phải vào học lớp Nhất (bây giờ là lớp 5). Lớp 3 học còn chưa xong mà bây giờ phải vào lớp 5, mặc dù rất cố gắng nhưng bổn cũ soạn lại, chót rồi lại chót! Học được 3 tháng là con phải nghỉ học vì vào trong lớp mà có học được gì đâu! Con còn nhớ rất rõ cô giáo tên Liên nói với con: “Tên Chót thành ra tháng nào cũng chót”!

Về nhà phụ mẹ bứt tót lót vườn, bứt bổi bỏ chuồng heo, hốt phân trâu bón cây trong vườn. Nhưng con là đứa trẻ ngỗ nghịch và hoang đàng, thường hay ăn cắp tiền của ông nội và má con để đi Huế chơi hoặc đánh bài. Hai năm lang bạt giang hồ với những đứa trẻ bán báo, đánh giày ở đất Sài Gòn cho con nhiều mánh khóe tài ba về chuyện móc túi, cho nên con bị nhiều trận đòn thừa chết thiếu sống của ông anh cả. Chỉ cần có ai đó trong nhà hay khách đến nhà chơi mà bị mất gì thì cái tên đầu tiên được nhắc tới là Chót dù có hay không không cần biết, bị đòn cái đã. Có nhiều lúc có tội thật sự, cũng có lúc phải bị đòn oan!

Lên đường! Lên đường, một bộ áo quần trong người, một bộ gói mang theo, thế là đủ. Con vào Đà Nẵng, mặc dù còn nhỏ nhưng đã lanh lợi với cái nghề làm bồi quán Bar. Đầu tiên vào Đà Nẵng, con làm ở nhà hàng Arirang Hause của người Đại Hàn đường Hàm Nghi. Sau đó chê khách Đại Hàn cho ít tiền, chạy xuống đường Thành Thái làm quán Bar Sông Xanh vì ở đó khách Mỹ sộp, với lại dễ móc túi hơn. Còn nhỏ nhưng có kinh nghiệm nên con được mấy chị thương. Giòng đời cứ thế ngày tháng trôi qua… Theo chân làm đệ tử cho mấy đại ca giang hồ vào các sòng bài; mấy đại ca, mấy chị sai đâu làm đó… Nghĩ lại cũng may cho con quá thầy ơi, lúc đó mấy đại ca và mấy chị toàn chơi xì-ke mà con là người chuyên đi mua cho họ, thế mà con không dính vào đường nghiện ngập. Sau này có thời gian, con đi theo xe chuyên vào các sở Mỹ để hốt rác. Rác Mỹ lúc đó kiếm được khá nhiều tiền. Con ra đi nhưng lúc nào cũng quay mặt hướng về nhà, có chút tiền là gởi về cho má. Sau Tết Mậu Thân, con rời Đà Nẵng vào Quy Nhơn. Ở đó được 3 năm thì tới tuổi vào lính…

Tuổi thơ của con là thế đó thầy. Kể thì thật đơn giản nhưng sống cho qua tháng ngày lúc đó, bây giờ nghĩ lại, chẳng đơn giản chút nào. Đi vào con đường ác lúc đó rất dễ, chứ con đường thiện đâu có để mà đi. Có một điều con đi đến đâu, ở với ai lúc nào con cũng làm người ta vừa lòng kể cả những người khó tính vì con sống bằng tấm lòng chân thật, làm việc hết mình. Nhưng sau này lớn lên, ra đời làm ăn con mới thấy cái chân thật lắm lúc đưa đến sự thất bại bởi lẽ người đời thì thích ngọt ngào hơn cay đắng. Họ đâu có hiểu rằng, ngọt ngào có thể là nguyên nhân của mầm bệnh, mà đắng cay lắm khi lại là thuốc ngừa trị bệnh tật. Cho nên ở đời thường hay giả dối, nói láo thì nghe hay hơn nói thật, nói láo thì người ta dễ tin hơn nói thật, mà nói thật thì rất dễ mất lòng. Tuy nhiên con vẫn giữ nguyên tắc bẩm sinh của mình là chân thật và hết lòng.

Bạch thầy! Thầy đặt cho con pháp danh Liễu Ngộ. Ý thầy có phải là mong cho con ngộ được bản chất của đời sống? Thật tình con không biết là con có ngộ được gì không, có điều khi con chiêm nghiệm về Duyên Nghiệp nơi chính mình và những người xung quanh thì con cảm nhận được sự tất yếu của đời sống “thuận pháp, tùy duyên” như thầy đã dạy. Bình thản đón nhận mọi điều thì tốt-xấu, được-mất, khen-chê v.v... không còn là vấn đề. Bình thản đón nhận mọi điều  thì liền được cởi mở nhẹ nhàng, không còn băn khoăn lo lắng gì cả. Con thấy sống thuận pháp chính là hạnh phúc, phải không thầy? Con thường hay nói với vợ con, tâm an thì ở đâu cũng an. Còn tâm bất an thì ở đâu cũng lo âu phiền muộn. Sống đừng hoài nghi, vì chỉ cần một chút phân vân nghi hoặc thì liền đưa đến bất an và đau khổ.

Nhờ ân đức thầy, thời gian gần đây cứ mỗi lần con nghĩ đến thầy, tự thân con thấy an vui và ấm áp. Con không thể diễn tả hết bằng cái vốn ngôn từ hạn hẹp, song con nghĩ thầy biết rõ lòng con. Con cảm nhận được tình yêu thương thật sự của thầy dành cho con, cho mọi người, mọi loài, cho núi sông, cây cỏ… Tình yêu mà con hiếm khi thấy được trong đời. Nhờ nhân duyên được gần gũi thầy trong thời gian qua, đã giúp con tăng thêm sức mạnh của niềm tin nơi sự sáng suốt, định tĩnh, trong lành trước sự thăng trầm của cuộc sống. Thầy cho con thấy rõ những điều mà trước kia con đã có nhận thức sai lạc.

Con đã kể cho thầy nghe đời con, trong đó chỉ có con tim chân thật là quan trọng, ngoài ra đúng sai, xấu tốt, khổ vui chỉ là tương đối, không biết đâu là ranh giới. Ví dụ nói về giới đức thì hầu như không có giới nào con hoàn toàn trong sạch. Có nhiều lúc con cảm thấy xấu hổ khi được ai đó khen mình! Cái nhìn của thế gian là vậy, người ta chỉ đánh giá bên ngoài. Người khác thấy, nghe, nghĩ, biết về mình chưa chắc đã đúng, chỉ có tự mình có chân thật để biết chính mình hay không mà thôi, phải không thầy?  Con và vợ con có một nhân duyên kỳ lạ. Vợ con là người có học, theo Phật Giáo Nguyên Thủy từ hồi nhỏ, còn con là kẻ lang thang bụi đời, và hầu như thất học. Vợ con học từ trường lớp chính quy, còn con học từ chiêm nghiệm cuộc đời, nhưng khi trò chuyện với nhau thì rất tâm đắc, con nghĩ là chỉ vì hai chữ chân thật, phải không thầy?

Thưa Thầy! Trước đây, nhiều lúc con có ý nghĩ buồn trách ba mẹ: tại sao con được sinh thành mà không được dưỡng dục, tại sao làm cha mẹ mà thiếu trách nhiệm với con cái mình; hận anh con sao đánh đập em mình mà như đánh một kẻ thù? Nếu nói rằng đánh để dạy dỗ là không đúng. Có câu người ta thường nói “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, thầy thấy có đúng không thầy? Kể từ khi nhận chân duyên nghiệp con thấy nhẹ nhàng và dễ dàng đón nhận, từ đó thấy thương cho anh con nhiều hơn, vì con nghĩ nợ con đã trả. Con cũng thường hay nói chuyện với vợ con, khi bà con, anh em trong gia đình hoặc bạn bè hàng xóm, nếu có ai đó đối xử với mình không như ý, làm buồn lòng mình thì hãy cố gắng bình tâm quan sát để thấy ra sự thật chứ không nên trách cứ hay giận hờn ai hết, bởi lẽ giận hờn chỉ tự trói lòng mình, tự làm mình đau khổ thêm thôi. Con nghĩ cái quan trọng bây giờ là thực sự sống, làm được gì tốt đẹp cho mình và người là làm ngay, không nên để đến ngày mai bởi thời gian không bao giờ nấn ná đợi chờ. Mới ngày nào đây còn lang thang đầu đường xó chợ mà bây giờ con đã lập gia đình, con cái cũng đã lớn, mọi khổ vui trên cuộc đời đều đã trải nghiệm hết rồi.

Thầy ơi, cái cảm giác khi ngồi viết thư cho thầy đây là con rất sung sướng và đầy cảm xúc, đến nỗi con đang khóc, thầy có tin không? Và con bỗng nhớ đến một người, đó là anh Tâm Đức. Con luôn nhớ ơn anh vì trong đời con, anh vừa là người anh ruột thân thương, va là vị ân nhân, là người thầy khả kính, người bạn chân tình chia sẻ những vị đắng của cuộc đời với con. Nếu thầy là người giúp con khai ngộ thì anh là người có công lao dạy dỗ cho con lẽ sống trong đời. Con thường nguyện cầu kiếp nào con cũng được gặp Chánh Pháp, được gặp lại những người thân thương có thể chia sẻ với mình tình người lẽ Đạo.

Viết thư cho Thầy mà con nghỉ tay cũng phải chục lần vì từ lâu con ít khi cầm bút, nên đã mỏi tay quá rồi thầy ơi!

Giờ đây con thật sự cảm thấy như luôn có thầy bên cạnh. Con sẽ không ngại hỏi thầy khi có điều gì còn khúc mắc trong đời sống. Con xin dừng bút. Kính chúc thầy thân tâm thường lạc.

Con, Liễu Ngộ.


Liễu Ngộ con,

Đọc thư con thầy vừa xúc động vừa hoan hỷ. Xúc động vì không ngờ thời thơ ấu của con lại gian truân, bất hạnh đến thế. Và hoan hỷ vì con đã từ những nỗi đau thương, gian khổ ấy mà tự vươn lên cả mặt vật chất lẫn tinh thần. Trình độ giác ngộ về chân lý đời sống, cũng như phẩm chất đạo đức của con rất chân thực, tự nhiên, không phát xuất từ khuôn khổ gia giáo hay quan niệm đạo đức nào, mà từ lương tâm qua những bài học thực tế giữa chợ đời đen bạc.

Có một sự trùng hợp rất kỳ diệu: Cuộc đời con là một minh họa điển hình phong phú và cụ thể nhất cho nguyên lý thiền mà thầy đang thể nghiệm và trình bày. Thiền là sức mạnh dũng cảm mà con đã đối mặt với những thử thách cam go nghiệt ngã của cuộc đời để học ra bài học giác ngộ, để mở rộng tấm lòng trong tình yêu thương vô hạn. Trí tuệ, tình yêu thương và lòng can đảm sẽ mất đi nếu con sợ hãi, tránh né sự thật phủ phàng để tìm kiếm an toàn trong những trạng thái thiền lâng lâng êm ả. Thiền chẳng có mảy may ý nghĩa nào nếu như con không học được gì từ cuộc đời và không làm được gì cho cuộc đời. Chân lý là sự thật trần trụi ngay trong nghiệp mệnh thăng trầm biến đổi biểu hiện qua kiếp sống của mỗi con người. Vì vậy mỗi người có một bài học thiền riêng phải tự mình khám phá, không thể bắt chước ai cũng không sao hoán đổi được. Ai biết lắng nghe, học hỏi, chiêm nghiệm bài học của chính đời mình, dù khổ hay vui, dù thành hay bại, người ấy đang thật sự thiền, hay đúng hơn là đang sống giáp mặt với chân lý muôn đời.

Thấy ra điều này, một nhà nghiên cứu tử vi nổi tiếng đã nói rằng: Thật là sai lầm khi xem tử vi mong đoán trước kiết hung, thành bại v.v… để rồi lặn hụp trong hy vọng, nản lòng, mừng vui, buồn tủi v.v… Nhưng thực ra mục đích của người sáng lập môn tử vi là muốn nhắn nhủ rằng mỗi người tuy có mỗi nghiệp mệnh khác nhau nhưng giá trị không căn cứ trên phương diện thành bại, được mất, hơn thua, vui khổ mà tùy thuộc vào thái độ của mỗi người đối với nghiệp mệnh của mình. Một người có lá số bất hạnh nhưng học ra từ đó bài học giác ngộ giải thoát thì đó là bậc trí giả hạnh phúc. Ngược lại người có lá số phúc lạc nhưng chẳng học ra được gì ngoài đắm say hưởng thụ thì vẫn là kẻ si mê bất hạnh.

Thiền không phải là nỗ lực tìm kiếm một mảnh đất bình an hay một tháp ngà toàn mỹ cho riêng mình bằng cách quyết tâm luyện tập một phương pháp nghiêm ngặt nào đó để hòng đạt được những kết quả mong đợi ở tương lai, để tìm quên những khổ sầu trong quá khứ, hay tránh né một thực trạng bất an phiền muộn hiện giờ, mà thiền là đón nhận tất cả những gì đang trải nghiệm với thái độ trầm tĩnh, sáng suốt và tự tin để học ra bài học mà pháp đang thể hiện ngay trong nghiệp mệnh chính mình. Mục đích của thiền không phải là những lý tưởng cao xa, huyền bí, để rồi cứ mãi lang thang đi tìm những pháp môn mầu nhiệm, mong cầu đạt được những cảnh giới phi phàm mà quên đi bài học giác ngộ của pháp đang đến với mỗi người ngay trong từng khoảnh khắc hiện tại ngắn ngủi này. Thực ra phi phàm nhất lại là những người có đủ tự tin, nhẫn nại, đủ trầm tĩnh, sáng suốt để giáp mặt với chính đời mình, không trốn tránh cũng không thỏa hiệp vì biết rằng cả hai thái độ này đều là chướng ngại để họ có thể học ra bài học giác ngộ duy nhất mà pháp đặc biệt dành riêng cho chính mình.

Cuộc đời là trường thiền vĩ đại nhất, cung ứng đầy đủ pháp môn tự nhiên nhất, thiết thực nhất cho mọi căn cơ trình độ, bằng cách trao pháp đến cho từng cảnh ngộ nghiệp duyên của mỗi người. Chính những tình huống thực tại đó là những bậc thầy ngày đêm không mệt mỏi, tình nguyện chỉ dạy cho con sống thiền bằng thân giáo cụ thể và chính xác hơn bất cứ hướng dẫn của vị thiền sư nổi tiếng nào. Và đối tượng trung thực nhất, phù hợp nhất, xứng đáng nhất để mỗi người luôn tự chiêm nghiệm, học hỏi, quán chiếu là những gì đang diễn ra ngay nơi chính mình trong tương giao với tình huống nghiệp mệnh mà pháp đang vận hành.

Kỳ diệu thay, chính con đã thấy ra điều đó ngay trong duyên nghiệp “đen đủi” của mình. Mọi thứ xấu tốt, khổ vui, thương yêu, thù hận đã un đúc cho con trưởng thành trong nhận thức chín chắn về bản chất cuộc sống. Tình thương yêu, cảm thông và tha thứ đã nảy nở trong con, giúp con biết cám ơn những ngày tháng khổ đau, và những tình đời khắc bạc. Thực ra, chính con đã tự mình giác ngộ, chứ không phải do thầy khai ngộ. Nếu con không đủ chín mùi trong nhận thức chân thực qua trải nghiệm của chính mình trong cuộc sống, thì thầy nói gì cũng vô ích. Con nói đúng, sự chân thật và nhiệt tình của con đã được đáp đền xứng đáng. Đó là hoa giác ngộ đang kết nụ trong con, như hoa sen đang kết nụ trong bùn. Và thầy đặt cho con pháp danh Liễu Ngộ không phải để mong con giác ngộ trong tương lai, mà để con chứng kiến nụ hoa giác ngộ đang nảy nở trong con trong từng khoảnh khắc hiện tại.

Chúc mừng con.

Thầy Viên Minh


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024