Kính thưa Thầy,  

Đọc được những lá thư thầy trò trên trang web con rất cảm kích. Con đã học được rất nhiều từ những nhận thức, những kinh nghiệm sống và tu tập của các bạn đạo, cũng như từ những lời dạy bảo của thầy. Từ cảm xúc đó bỗng dưng con cũng muốn chia sẻ kinh nghiệm học đạo của con với các bạn và để được thầy chỉ dạy thêm cho con những điều ưu khuyết

Con qua Úc từ lúc 13 tuổi. Đã hơn 20 năm xa đất Việt, xa tiếng Việt, nên con nói còn chưa rành huống hồ là viết. Hơn nữa, hồi con còn đi học ở quê nhà môn văn con rất kém. Bây giờ viết có gì sai xin thầy và các bạn thông cảm cho. Con xin nhờ ban biên tập của trang web sửa lỗi chính tả và lối hành văn của con để lá thư này đến với các bạn không quá ngô nghê buồn cười. 

Trước khi biết thầy, con nghĩ đạo Phật là một tín ngưỡng cao siêu huyền bí và rất xa vời với đời sống thực tế, chỉ để cho những người già cả hoặc cho những ai đang khổ đau thất vọng tin tưởng để cầu Phật, cầu Bồ-tát ban ơn cứu khổ. Cũng có nhiều người vì tham vọng chỉ đến chùa để khấn vái cầu xin được thăng quan tiến chức, làm ăn phát đạt như ý nguyện của họ. Những người xuất gia con cho là bi quan yếm thế. Họ mơ ước được đến Niết-bàn, hoặc cầu mong sớm từ bỏ thế giới này để được lên cõi Tây Phương Cực Lạc… Con suy nghĩ: “Sao lại thế? Sao lại chỉ biết cầu xin? Sao lại từ bỏ cuộc đời này để đi đến một nơi mình chưa biết? Cuộc đời này không có ý nghĩa gì sao? Có phải những lý tưởng cao siêu huyền bí chỉ để an ủi những người khổ đau hay tham vọng?” vân vân và vân vân… Những suy nghĩ đó đã làm con hoang mang và nghi ngờ đạo Phật. Đó cũng là lý do tại sao từ khi qua Úc con rất ít đi chùa, rất ít thích tìm hiểu Phật Pháp, và không hề để ý gì về con đường tâm linh của mình cả. Có lẽ bởi vì con sinh ra trong một gia đình khá giả, muốn gì có nấy, được cha mẹ, anh chị thương yêu nuông chìu, khi lớn lên có chồng hiền con ngoan, cửa nhà êm ấm, nên con không cần cầu xin Bồ-tát ban ơn, cũng không muốn bỏ đời sống này để mong tìm thế giới an lạc nào khác.

Cho đến một hôm nọ cách đây hai năm về trước, người cha thân yêu của con đã bất ngờ đột quị. Lúc đó con hoàn toàn chới với, không thể nào chấp nhận được nỗi đau này. Vừa gào khóc tức tưởi vừa lái xe đến bệnh viện với tốc độ nhanh nhất có thể, hoàn toàn do bản năng điều khiển vì dường như lúc đó con đang trong cơn mê sảng không còn tự chủ được gì. Đến bệnh viện với tình trạng như vậy, gia đình con không cho con vào gặp mặt ba lần cuối cùng khi ba còn tỉnh, vì ngay lúc đó phải đưa vào phòng cấp cứu gây mê… Khi con được vào thăm thì ba con ở trong tình trạng hôn mê không còn tỉnh lại được nữa. Con cứ ngồi bên ba thì thầm kể lể không thôi. Đó là người cha đã dành cho con tất cả tình yêu thương, cho con đời sống này về cả vật chất lẫn tinh thần và thường chia sẻ dạy dỗ con mỗi khi con trái ý, trở trời… Không biết ba có nghe được không nhưng hết thì thầm tâm sự con lại muốn đọc cuốn sách nào đó cho ba nghe để ba không quá cô đơn yên lặng. Lúc đó không có cuốn sách nào khác ngoài cuốn Kinh Tụng Phật Giáo Nguyên Thủy chị con mới mượn về từ thư viện của một ngôi chùa. Con chưa hề biết gì về Phật giáo nên cũng không có chút ý niệm gì về kinh của tông phái nào, con chỉ cần có cái gì đó để đọc cho ba nghe là được. Lật đại ra một trang thì đúng ngay bài Kinh Vô Thường. Con vừa đọc vừa khóc, như có cảm giác rất xúc động, mãi hồi lâu con mới lắng dịu dần. Con cũng không biết có hiểu được gì không nhưng lạ thay sau đó con không khóc nữa, không những thế con lại còn an ủi các anh chị con đừng khóc, hãy chấp nhận để ba ra đi thanh thản nhẹ nhàng hơn… và rồi ba con ra đi mãi mãi!

Trong nỗi buồn đau vô hạn đó, vài ngày sau khi ba từ trần, con tìm được một thiền viện của người Việt xây dựng đã mấy năm rồi. Thiền viện không xa nhà con bao nhiêu mà mấy năm nay con không hề hay biết! Con đến đó tự mày mò ngồi thiền một mình. Con chỉ nghĩ thiền là nỗ lực làm cho tâm mình ổn định thế thôi. Về sau con mới quen được vài người cùng đến ngồi thiền như con. Lúc mới tập ngồi thiền con rất siêng năng. Vì mong muốn được mau ổn định để thoát khỏi buồn đau, nên một mình lái xe qua chùa từ 3 giờ sáng mùa đông để ngồi thiền, dù con rất sợ ma, sợ lạnh, dù đã có thói quen thích ngủ nướng tới gần trưa mới ra khỏi giường.

Dần dần con tự lập thời khóa tu cho mình mỗi ngày. Sáng ngồi một tiếng, trưa ngồi một tiếng, tối ngồi một tiếng. Có hôm nghỉ làm - vì con làm tư nên nghỉ lúc nào cũng được - tự nhốt mình trong nhà, khóa cửa lại, tắt điện thoại, và ngồi tới sáu thời thiền. Hôm nào trong nhà có người ồn ào lại phải chui vào tủ quần áo, tắt đèn đóng cửa ngồi thiền trong đó, để cho yên tĩnh và bảo đảm đúng giờ giấc thiền mà mình tự quy định.

Vì chưa được ai hướng dẫn thiền nên con không tự tin lắm, nghe nói ở Sydney có dạy thiền con vội bỏ con nhỏ ở nhà qua đó dự khóa thiền 10 ngày. Cứ thế con theo đuổi ngồi thiền nhưng thực ra chỉ lăng xăng tạo tác, hễ thiền được chút gì thì liền tham muốn được thêm, do đó càng lệ thuộc vào thiền, càng bất mãn với hiện tại, càng sân với ngoại cảnh và những người xung quanh. Con như người chạy trốn thế giới bên ngoài. Khi ra ngoài làm việc tâm con một mặt thì cứ nghĩ về thiền, mặt khác không chịu nổi hoàn cảnh. Lúc nào cũng nghĩ: “Ai da, sao ồn quá! Sao phức tạp quá! Sao bực mình quá! Sao chán thế này?” v.v… Thế là muốn mau mau trở về nhà ngồi thiền để tránh những phức tạp đó. Nhưng tư tưởng khác lại nổi lên: “Như vậy sao được, mình chưa làm xong công việc mà, thôi rán làm cho nhanh để về ngồi thiền”… Thế là tạo ra mâu thuẫn xung đột bên trong làm con bức xúc, căng thẳng, không khi nào yên tâm toại nguyện. Và hậu quả là thường hay gắt gỏng với nhân viên, hết hét người này đến hét người nọ. Về nhà thì cằn nhằn chồng con, gây gổ với anh chị, thậm chí đôi khi còn lớn tiếng với mẹ mình. Đến nỗi ai cũng nói sao con tu gì kỳ thế! Tu gì mà hung dữ còn hơn người ta không tu! Con cũng thấy buồn lắm vì đã xúc phạm hết người này đến tổn thương người khác, nhưng biết ra thì chuyện đã rồi!

Con đang cố tìm sự bình an, nhưng đồng thời lại tạo ra xáo trộn đối với cả bên trong lẫn bên ngoài mà con chẳng biết nguyên do gì, phải làm sao, nên lại muốn trở về ngồi thiền một mình để tránh xa thế giới phức tạp bên ngoài và để cầu mong thân tâm an lạc. Cũng có lúc con đạt được trạng thái an tịnh hoàn toàn, vô cùng sảng khoái, vì vậy mà càng cố gắng tranh thủ ngồi thiền nhiều hơn. Nhưng làm sao con tránh được những sinh hoạt đời thường, phải còn công ăn việc làm, phải còn tiếp xúc với gia đình, xã hội và vô số những vấn đề cần xử lý. Tưởng ngồi thiền để ổn định bên trong thì bên ngoài cũng được ổn định, như con thường lý luận. Nhưng ngược lại, trên thực tế, càng muốn trú vào bên trong thì bên ngoài càng rắc rối hơn! Sự mâu thun này chỉ tạo ra bất an, lo sợ, phiền não và nhất là sân hận. Vậy là mình đã sai rồi sao? Mình phải bỏ thiền sao? Vậy thì làm sao ổn định được tâm? Bao nhiêu ý nghĩ làm tâm con phân vân nghi hoặc.

Sau đó con vớ được cái phao khi nghe một vị sư nói: “Bệnh sân có thuốc trị, đó là thiền Tâm Từ”. Con mừng lắm, liền về nhà tập thiền tâm từ. Con ngồi cầu mong cho mọi người được sự an vui. Cố gắng nghĩ đến mọi người với tâm mát mẻ. Nhưng chỉ được trong lúc ngồi, còn khi đụng chạm thực tế tâm con lại sân. Hơn nữa, con phát hiện ra rằng ngay khi ngồi với tư tưởng tích cực cầu mong cho tất cả chúng sanh được an vui, thì đó cũng chỉ là ý nghĩ máy móc lặp đi lặp lại không có hồn, trong khi nội tâm vẫn nôn nóng muốn đạt được kết quả, thì đó vẫn là sân, mà sân thì làm sao rải tâm từ đươc! Thế là con lại bỏ không hành thiền tâm từ nữa.

Một hôm, con ra quỳ trước bàn thờ trong nhà mà tâm sự với Phật: “Con biết con rất muốn tu nhưng con đường tu của con không đúng, xin cho con được gặp minh sư để chỉ dạy cho con đâu là con đường chánh đạo đưa đến an lạc hạnh phúc”. Rồi một buổi sáng nọ, con được gia đình giao trách nhiệm về Vit Nam rước mẹ đang bệnh cảm nặng qua Úc để tiện bề chăm sóc, thuốc thang. Trong mấy ngày lưu lại Việt Nam, có người bạn đạo của mẹ con muốn dẫn con đến gặp thầy, người mà cô ấy rất mực kính trọng. Cô ấy bảo rằng đến gặp thầy có thắc mắc gì thì cứ chuẩn bị trước mà hỏi. Con cũng có nghe một hai năm gì đó trước khi mất, ba con có về Chùa Tổ Đình Bửu Long quy y với thầy Viên Minh, và xin một cái cốc để về xuất gia tu tập, nên con cũng tò mò muốn biết thầy của ba con là ai. Con là người rất bướng bỉnh, nghĩ trong bụng cứ đến đó rồi hay, đâu biết thầy thế nào mà chuẩn bị câu hỏi trước.

Như con đã nói, vì sống một đời sống được quá nhiều ân sủng, không thiếu thứ gì, muốn gì được nấy mà vẫn không vừa lòng, được cái này muốn cái khác, vì được rồi lại chán không bao giờ thỏa mãn. Thậm chí suýt nữa con đã lún sâu vào đường sa đọa chỉ vì bất mãn khi thấy chồng không như ý mình. Đúng là thừa phước mà không biết hưởng, không biết sống thì vẫn loay hoay tìm kiếm không bao giờ dứt. Hết muốn thỏa mãn vật chất đến muốn thỏa mãn tâm linh. Rồi cứ lẩn quẩn hoài trong quỹ đạo được thì chán, không được thì sân, dù vật chất hay tâm linh thì cũng không khác nhau gì mấy! Nghĩ vậy, vừa gặp thầy con liền hỏi: “Con sống thế nào cũng bất an, dù cho thiền thì cũng an ổn nhất thời rồi lại càng bất an hơn. Vậy con phải làm sao để tâm con an ổn được?”

Thầy cười và nói: “Nhưng sao con lại muốn an ổn, con có biết chính ý muốn an ổn tự nó đã là bất an không?”. Thay vì chỉ dẫn cách ổn định cái tâm như con mong đợi, thầy hỏi ngược lại khiến con bất chợt quay lại nhìn mình. Bỗng một cái thấy thoáng qua rất nhanh: “Thì ra mãi lo hướng tâm đi tìm kiếm bình an mà quên nhìn lại để thấy chính mối bận tâm đó là gốc rễ của bất an!”. Ngay khi đó, con nghe thầy nói tiếp: “Bản chất của cuộc sống luôn luôn biến đổi vô thường? Muốn an ổn tức là muốn thường. Muốn an ổn là muốn sở hữu cái thường đó. Vậy không phải đã rơi vào ảo tưởng thường và ngã hay sao? Vạn pháp vô thường vô ngã mà con muốn được thường được ngã thì chỉ có khổ thôi làm sao mà an ổn được? Con có biết hễ còn ý đồ của bản ngã, hễ còn lăng xăng kiếm tìm, chọn lựa và tạo tác thì vẫn còn nô lệ cho tham sân si, vẫn còn nghiệp báo triền miên làm sao có thể an bình tự tại?”

Giống như người nằm mộng, bỗng có ai đánh thức dậy, bàng hoàng một chút, nhưng lại vui mừng đã thoát khỏi cơn mơ. Con thấy mình tỉnh táo lại và lắng nghe từng lời thầy giảng trong gần 2 tiếng đồng hồ. Đó là lần đầu tiên con thật sự được một vị thầy khai mở. Con không còn đánh giá đạo Phật là mê tín dị đoan, xa rời thực tế, cũng không còn xem đạo Phật là con đường dẫn đến hạnh phúc ở tương lai như con đã tưởng. Thầy đã chỉ cho con giá trị đích thực của chính mình và cuộc sống. Biết quay về với hiện tại để thấy ra trong đó vô số bài học giác ngộ giải thoát, mà không cần tìm kiếm đâu xa.

Khi con trở về Úc, gia đình bạn bè đều ngạc nhiên thấy con có cái gì đó thay đổi trong cách hành động, nói năng. Con bớt sống chủ quan theo ý mình như trước, mà bắt đầu biết lắng nghe người khác, biết chú tâm trong công việc, bớt gắt gỏng với nhân viên, biết thận trọng mỗi khi ứng xử. Từ đó con không cần phải đi ngồi thiền bên thiền viện mỗi ngày để ổn định tâm nữa vì đã tìm thấy cách ổn định tâm ngay trong hiện tại, ngay khi biết trở về với chính mình, dù đang quan hệ với sự kiện phức tạp tới đâu. Rất nhiều người thân của con muốn biết thầy là ai mà có thể biến đổi được một người cứng đầu bướng bỉnh như con thành giản dị an bình như vậy.

Thế rồi, tháng 12 năm 2009 thầy qua Úc. Phật tử Melbourne, SydneyPerth đã có duyên được nghe thầy giảng pháp. Thầy dạy thực tế nên rất dễ hiểu, thầy nói những gì thầy thực thấy chứ không nói cao xa hay bài bản theo ngôn ngữ kinh điển, nên hầu như ai cũng có thể hiểu được dễ dàng. Những người bạn cùng ngồi thiền với con ngày trước đã từng lặn hụp trong tìm cầu an lạc, sở đắc... nay được thầy khai mở rất hân hoan như những kẻ đánh mất chính mình đã tìm lại được lẽ sống chân thực giản dị và bình thường. Bây giờ con đã thấy ra là nếu không buông đi những hiểu biết lý trí, những kiến thức kinh điển, những tham vọng tìm cầu, những bất mãn đối kháng v.v…  để trở về soi lại chính mình, để lắng nghe, chiêm nghiệm, học hỏi pháp ngay nơi thân, thọ, tâm, pháp này thì nói đến an lạc, thoát khổ hay Niết-bàn chỉ toàn là mơ mộng và nỗ lực tu luyện để trở thành lại càng uổng phí thời gian! Vì vậy, con không tìm kiếm, không muốn trở thành nữa, pháp luôn có mặt nơi con. Mọi thứ vui buồn khổ lạc, mọi cái được mất hơn thua, cuộc đời muôn màu muôn vẻ... cái gì đến với con cũng đều là pháp, chỉ cần ngay đó mà thấy chính là chánh niệm tỉnh giác, là thiền vipassanà, là thấy ngay thực hư chân giả. Nhưng nếu con khởi tâm tìm kiếm thì liền mất chánh niệm tỉnh giác, mất ngay thực tại thân-thọ-tâm-pháp này mà chỉ còn là ảo ảnh của dục vọng mà thôi! Ôi chân lý! Ngươi ở ngay trước mắt, nhưng nếu không có bậc giác ngộ chỉ bày thì mãi mãi vẫn bôn ba tìm kiếm ảo ảnh trong khổ hải trầm luân! Thưa thầy, đó là những gì con thấy được sau khi học đạo với thầy, xin trình lên để kính mong thầy từ bi chỉ dạy.

Bây giờ, thỉnh thoảng có thời gian con vào trang web <trungtamhotong.org> để đọc mục “Hỏi Đáp”, vào “Thư Viện” đọc thư thầy trò, sách và những bài viết của thầy để học hỏi thêm những kinh nghiêm tu tập thực tiễn nơi thầy và các bạn. Cũng chính nhờ đọc những lá thư chân thành của các bạn đạo mà con đã học được ở họ rất nhiều điều bên cạnh những thư trả lời đầy lòng bi mẫn của thầy. Con cám ơn pháp đã cho con gặp được thầy. Tạ ơn thầy, bây giờ con đã hiểu vì sao thầy đặt pháp danh cho con là Như Trung, nên con nguyện luôn sống tùy duyên thuận pháp như thầy đã dạy. Thành kính đảnh lễ thầy.

Con Như Trung.

 


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024