|
Lòng tôn kính cao thượng nhất theo đức Phật là sống thuận pháp.
Đức tin trong sạch nhất theo đức Chúa là vâng ý cha.
Thầy kính mến của con! Thầy ơi, con là Pháp Duyên đây ạ, cái tên mà Thầy mới đặt cho con, con rất thích cái tên này. Hôm nay là buổi học thứ 5 trong khóa dạy thiền tháng 8/2010 của Thầy và con đã học được 2 buổi khóa trước nữa, tất cả là 7 buổi. Con định sẽ học xong ngày cuối rồi mới viết thư cho Thầy để trình Pháp. Nhưng chẳng hiểu sao lòng con đang tràn ngập cảm xúc, con chỉ muốn được viết ngay, để được nói, được trải lòng ra với Thầy, để được Thầy chia sẻ, thương yêu dạy bảo thêm cho con với những điều con còn vướng mắc. Thầy thương kính! Con được sinh ra trong một gia đình trung lưu lễ giáo ở Hà Nội, vào năm Nhâm Dần, 1962. Người đời nói rằng tuổi con cọp là cao số lắm phải không Thầy? Thuở nhỏ con được sống trong tình thương của cha mẹ, ông bà rất là hạnh phúc. Ký ức về tuổi thơ của con ngập tràn những điều thật giản dị nhưng rất đẹp. Hà Nội những năm tháng chiến tranh, con phải di tản về các vùng nông thôn để tránh bom đạn, một lần chỉ mới 4,5 tuổi và một lần lúc con 10 tuổi. Xa gia đình, xa cha mẹ, xa thành phố nhưng con đã biết cảm nhận về chân-thiện-mỹ, về âm thanh, màu sắc, vẻ đẹp thiên nhiên cũng như tình người ấm áp của những dân nghèo vùng nông thôn Bắc Bộ. Những ký ức về thủ đô Hà Nội những ngày thanh bình – nơi con đã sinh ra và lớn lên, đến nay vẫn gắn bó và luôn hiện hữu trong tâm hồn con. Con được biết đến Phật Pháp thông qua hình ảnh người mẹ hiền của con, một cô giáo trẻ, đảm đang, tảo tần, yêu thương chồng con. Mẹ con đã gieo vào con những câu niệm Phật, những buổi đi chùa vào dịp đầu xuân, những câu kinh cầu nguyện Phật hằng đêm để mong cho cha con tránh được làn tên mũi đạn ngoài chiến trường mà trở về. Những kỷ niệm ấy mãi sống trong tim con. Sau năm 1975, con đã chuyển vào Sài Gòn để sinh sống cùng với gia đình. Con đã đi học, tốt nghiệp ra trường, đã yêu, được yêu và mãn nguyện khi được kết hôn với mối tình đầu của mình. Nhưng cuộc đời không chỉ có vậy. Chúng con đã sống với tất cả những gì có được, theo đúng bản chất của cuộc đời, đó là thất tình và lục dục… Con đã kết hôn đến nay là 27 năm. Gia đình chồng con là con chiên Thiên Chúa giáo thuần thành xứ Huế. Ông nội và các bác là người có học, xuất thân từ các trường dòng nhưng không làm cha xứ mà đi làm công chức. Con đã lấy một người chồng khác tôn giáo như vậy. Bao nhiêu năm con sống là bấy nhiêu năm con vẫy vùng trong những trạng thái yêu, ghét, mừng, giận, hạnh phúc, đau khổ và lắm khi vô cảm… Con cũng đã từng sống trải qua những ngày tháng túng quẫn, trắng tay vì quá tin người mà mất hết tài sản, một lượng không nhỏ thời bấy giờ. Mọi chuyện lớn nhỏ con đều phải đứng ra đương đầu và gánh chịu vì chồng con rất hiền và tốt tính, nhưng lại luôn né tránh những trách nhiệm lẽ ra anh ấy phải gánh vác, phải là chỗ dựa cho con. Điều ấy con cũng cam lòng vì con nghĩ sức con còn làm được thì con cứ làm, chẳng tính toán thiệt hơn. Con đã cố gắng để chu toàn bổn phận và gìn giữ phẩm cách cho mình. Nhưng Thầy ơi! Có những lúc con thấy mình đau khổ và cô đơn quá. Một mặt phải chu toàn bổn phận, mặt khác phải giữ gìn cho mình tránh khỏi cám dỗ và lạc đường, để không làm mất mát hay tổn thương đến tự ái của chồng con… Con đã âm thầm chịu đựng như thế trong suốt bao năm chung sống với nhau. Chồng con hiểu và biết hết nhưng điều đau khổ nhất là anh ấy không kiềm chế được bản thân mỗi khi nóng giận hay ngã mạn… Những cái này ngấm ngầm trong tâm hồn anh, con không thể cảm hóa được, chỉ còn biết chịu đựng mà thôi. Cha mẹ chồng con chỉ có một mình anh, hai cụ là người rất tốt, nhân hậu và thương con lắm. Con luôn biết ơn bố mẹ chồng của con, và con đã hết lòng hiếu kính, đã tròn nghĩa dâu thảo với hai cụ. Những gì chồng con không làm được cho bố mẹ thì con đều thay chồng để đền đáp. Cho đến ngày cha mẹ chồng con về cõi vô thường là lúc con cảm nhận được sự hụt hẫng và trống vắng trong tâm hồn! Bấy lâu nay con đã được bố mẹ che chở, bù đắp cho những thiếu thốn trong tình cảm vợ chồng của con. Giờ đây, bố mẹ đã ra đi… Một thời gian sau, con đã tìm lại được niềm tin và vui trong Chánh Pháp. Trước đây con cũng có đọc sách nhưng chưa hiểu lắm về bước đường học Phật. Nhân duyên của con được gặp một vị giảng sư. Con tưởng như mình được hồi sinh vì những bài pháp của vị ấy. Bằng kiến thức phong phú, cộng với sự khôn khéo và hiểu biết về tâm lý con người, thêm một giọng nói vô cùng truyền cảm, vị ấy đã đưa các Phật tử vào một thế giới do vị ấy dựng nên. Trên lý thuyết, một mặt nào đó cũng rất tốt, phát huy được nhận thức về một số mặt đạo đức làm người, vì vậy con đã học được ở vị ấy nhiều bài học cần thiết. Con đã biết ơn vị ấy rất nhiều. Về mặt hình thức thì vị ấy tổ chức, điều hành lễ hội, phục vụ một lúc hàng chục ngàn người cũng rất đáng nể, đáng được học tập nếu để áp dụng trong các hoạt động xã hội. Vị ấy cũng rất khéo léo, biết cách lý luận trong việc giảng pháp, biết đắc nhân tâm trong cách đối nhân xử thế với quần chúng Phật tử… nên được rất nhiều người mến mộ. Nhưng rồi trong đời sống thực, con vẫn gặp những điều lấn cấn và bất ổn trong tâm mình. Con đã âm thầm từ bỏ dòng pháp này trong lúc tín đồ theo vị ấy ngày càng đông. Con đã có thể được ưu ái và được đưa lên cao để giúp vị ấy trong việc hoằng pháp nhưng con không thể… vì chắc con được Phật gia hộ và che chở nên con đã linh tính nhận biết có điều gì đó bất ổn sắp xảy ra. Con đã rời xa vị ấy trong sự kính trọng để giữ mãi cái đẹp trong nghĩa thầy trò của những ngày tháng còn là đệ tử. Dù sao vị ấy cũng rất tốt với con, thương quý con. Rồi quả đúng như vậy, sự việc xảy ra! Bốn tháng trời con đau đớn và hoang mang, niềm tin sụp đổ… Con không thể tin và tưởng tượng được… Càng nghĩ con lại càng thấy… Ôi, sao con người có thể độc ác, thủ đoạn đến thế, mà lại là một vị thầy tu… lừa đảo và dối trá… Con không thể hiểu, không thể tin được! Con đau buồn và tự hỏi liệu còn bao nhiêu người nữa chưa hiểu sự thật và vẫn mù quáng đi theo??? Con mất niềm tin hoàn toàn vào con người. Các huynh đệ của con cùng chung một tâm trạng như vậy… May mắn cho con, một thời gian sau con được một người bạn tặng những cuốn sách như Tuyển tập thư Thầy, Thực tại hiện tiền và một số sách dịch như Sức mạnh của hiện tại… Con đã đọc đi đọc lại những cuốn sách đó và bắt đầu có cái nhìn khác hơn về Chánh Pháp, về đạo Phật. Cho đến ngày con được dự những buổi giảng của Thầy. Trong 7 buổi con dự học, Thầy đã dạy thật đơn giản và dễ hiểu. Thầy đã chỉ rõ ngọn nguồn của vấn đề đau khổ và khai mở những yếu tố hóa giải tận gốc những đau khổ ấy. Con nghe mà thấy thấm từng lời của Thầy. Buổi thứ nhất, buổi thứ hai,… con đã dành thời gian trọn vẹn vào những ngày chủ nhật, không một cuộc hẹn… để tâm con được thanh tịnh, rỗng lặng khi lắng nghe Thầy giảng. Nhờ vậy, con đã thật sự xúc động khi những diễn biến bấy lâu ẩn kín trong lòng đang bắt đầu được phát hiện rõ ràng hơn. Dù đó là bất an, vọng động hay đấu tranh, giằng xé… con cũng đã biết bình tĩnh đón nhận để thấy ra sự thật như Thầy đã dạy. Con đang sống trọn vẹn, chú tâm, để các pháp tự đến rồi tự đi. Con không còn sợ hãi và căng thẳng để né tránh hoặc đắm vào nó nữa. Con đã và đang đối diện với chính mình Thầy ạ. Con không còn thấy buồn phiền hoàn cảnh gia đình nữa vì bây giờ con đang học pháp VÔ SỰ của Thầy là biết buông cái ta ra để sống trong sáng suốt, định tĩnh, trong lành! Có một việc con muốn thưa với Thầy. Trước đây ở nhà con phải thờ hai bàn thờ. Một bên là thờ đức Phật, một bên là đức Chúa và cha mẹ chồng. Ngày nào con cũng thắp đèn nhang, cúng lễ cả hai nơi. Con đã thuyết phục chồng con cùng con học đạo để hiểu và cùng đi một hướng, thờ một bàn thờ thôi nhưng chồng con không chịu nghe làm con rất buồn. Con của con chưa theo đạo nào cả nhưng nhờ con có học Phật nên con đã hướng các cháu theo đạo lý nhà Phật và chân thiện mỹ mà thôi. Đến khi nghe được những lời Thầy giảng, con thấy lòng mình thật thanh thản. Con thấy chẳng còn phụ thuộc vào ai mà tất cả chỉ do nội tâm của mình. Và trong một ngày nọ, cả bức tượng Phật và tượng Chúa ở nhà và ở nhà máy của con tự nhiên rơi xuống vỡ hết. Con không còn sợ hãi và mê tín như trước mà con nghĩ duyên như thế là như thế, không còn tượng Phật tượng Chúa, nhưng con vẫn thờ các Ngài trong tâm con, con không còn chấp vào những hình tướng bên ngoài nữa. Như vậy còn hơn là thấy sự cách biệt mỗi ngày trong hình ảnh biểu tượng tôn giáo. Thầy ơi, có thể là một thử thách đang đến với con, nhưng con đã đủ tự tin và bình tĩnh để đối diện với chính mình vì con đã được Thầy dạy bảo và trao cho chiếc chìa khóa HỮU SỰ: biết thận trọng, chú tâm, quan sát để sống tùy duyên mà ứng xử sao cho đúng pháp rồi mà! Hôm nay con vui lắm vì được trải lòng ra với Thầy, con không còn muốn gì hơn nữa! Con xin Thầy ghi nhận lòng tri ân của con. Con mong hồi âm của Thầy để được Thầy chỉ dạy thêm và xin Thầy cho con được nương theo Thầy như một người cha tinh thần của con Thầy nhé! Con kính chúc Thầy luôn được mạnh khỏe và an vui. Con. Pháp Duyên.
Bửu Long, Mùa Thu, 2010 Pháp Duyên con, Con có biết vì sao thầy đặt pháp danh cho con là Pháp Duyên không? Đó là hai từ gói ghém toàn bộ pháp mà con đã học trong khóa thiền 7 ngày vừa rồi: Tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha. Và con có biết vì sao trong Thánh Kinh Cựu Ước Chúa lại nói: “Ta đến không phải để đem lại hòa bình trên đất mà bèn là gươm giáo, ta đến để chia rẽ cha với con, vợ với chồng…” không? Nếu đổi chữ TA thành chữ PHÁP thì ý Chúa là những pháp như chiến tranh, ly loạn, mâu thuẫn, khổ đau… đến với mỗi người để giúp họ thấy ra chân lý, đồng thời qua đó phát huy được rất nhiều đức tính làm chất liệu nòng cốt cho một đời sống giác ngộ giải thoát như nhẫn nại, từ bi, xả ly, trí tuệ v.v… Nếu con người đặt hòa bình và hạnh phúc làm mục đích cho đời sống thì họ liền phải đối mặt với nỗi khổ đau khác đó là cái khổ gánh chịu áp lực của thời gian mà không bao giờ đạt được. Ý muốn hòa bình đã từng gây ra biết bao cuộc chiến tranh tàn khốc trên trái đất này! Và ý muốn hạnh phúc đã khiến con người phải đối đầu với biết bao phiền lụy trong cuộc đời khổ hải trầm luân! Ý nghĩa của đời sống không phải là để đạt được một thứ hạnh phúc như ý muốn của mình, mà để học ra bài học giác ngộ giải thoát. Giống như một hướng đạo sinh được thả vào trong rừng để anh ta vừa thấy ra muôn màu muôn vẻ của khu rừng, vừa đối đầu với những mối hiểm nguy gian khó để học được kỹ năng thoát khỏi khu rừng ấy, chứ không phải chọn một hang động an toàn đẹp đẽ nào để ẩn thân hầu tránh các mối nguy hại. Lười biếng khám phá học hỏi thì anh ta sẽ mãi mãi bị giam hãm trong khu rừng đầy gian nguy hiểm trở, vừa không thể thoát ra vừa không khám phá được vẻ đẹp kỳ diệu của khu rừng. Cũng vậy Pháp đến trong đời sống mỗi người để giúp người ấy học ra bản chất thật (thực tánh) của vạn sự vạn vật, đồng thời biết được cách nhận thức và ứng xử thuận theo nguyên lý vận hành của pháp. Nhờ đó phát hiện ra nghệ thuật sống ung dung tự tại, giác ngộ giải thoát ngay giữa cuộc đời đầy hệ lụy. Nếu mỗi người biết đón nhận mọi sự đến đi trong đời mình để học hỏi chân lý, để khám phá sự thật, thì cuộc đời chính là môi trường tuyệt vời nhất, có đủ muôn mặt để học ra bài học giác ngộ. Những sự kiện xảy ra trong cuộc đời chính là những câu trả lời đích xác nhất để mỗi người thấy ra ý muốn của mình có thuận pháp không hay chỉ thuận theo tham vọng chủ quan của bản ngã. Nếu sống thuận pháp thì an lạc giải thoát, nếu sống thuận ngã thì đau khổ lụy phiền. Bao lâu còn khổ đau phiền muộn là vì còn bản ngã vô minh ái dục. Cho nên Y học phương Đông nói rằng: “Thống tắc bất thông, thông tắc bất thống”. Có 3 yếu tố giúp con phát hiện và loại trừ cái ta ảo tưởng: 1) Nhận thức đúng: Thấy biết trung thực về bản chất đời sống, nhất là khám phá ra đâu là thực tánh của pháp tự nhiên, đâu là giả tướng của cái ta ảo tưởng. Một nhận thức đúng (chánh kiến) phải phát xuất từ tánh biết rỗng lặng, trong sáng và vô ngã, chứ không phải từ kiến thức quy ước hữu hạn của bản ngã lý trí. Ngay khi con buông cái ta ảo tưởng đầy tham vọng của lý trí xuống thì tánh biết liền nhận ra thực tánh pháp như nó đang là. Đó là điều mà đức Phật dạy về một “nội tâm thanh tịnh thấy rõ các pháp”. Có nhận thức đúng sự thật thì mới có suy nghĩ đúng, lời nói đúng, hành động đúng, v.v… Vì vậy, nhận thức đúng là yếu tố cốt lõi để loại trừ bản ngã và sống tùy duyên thuận pháp. 2) Vượt qua chướng ngại: Các pháp đến đi trong đời sống có thể là thuận hay nghịch, khổ hay vui v.v… nhưng đều tuân theo nguyên lý vận hành tất nhiên trong dòng nhân quả nghiệp báo mà mỗi người đã tạo ra cho mình. Người có nội tâm rỗng lặng trong sáng (thanh tịnh) sẽ qua đó thấy ra chỗ đúng sai, thiện ác trong dòng nghiệp của mình để tự điều chỉnh sao cho thuận pháp. Còn người đầy bản ngã tham sân si thì sẽ lăng xăng chống đối với nghịch cảnh, hoặc dính mắc trong thuận cảnh. Chính hai thái độ này đã tạo ra chướng ngại cho đời sống, chứ không phải là duyên thuận hay nghịch. Thực ra, không có chướng ngại nào để vượt qua cả mà chính là vượt qua cái ta ảo tưởng đã tự dựng lên chướng ngại cho mình. Còn thuận duyên hay nghịch duyên là pháp đến giúp con phát hiện và loại trừ cái ta ảo tưởng đã tạo ra biết bao chướng ngại cho mình và người. Phật gọi những chướng ngại do bản ngã dựng lên là triền cái (che lấp), kiết sử (trói buộc), phiền não chướng, sở tri chướng v.v… 3) Thể hiện đức vô ngã vị tha: Nhận thức được cái ta ảo tưởng và phát hiện thái độ phản ứng của nó trước các duyên thuận nghịch là đã thấy được đường đi lối về của bản ngã. Nhưng để chấm dứt hoàn toàn cái ngã ấy thì phải biểu thị được trong hành động vô ngã vị tha. Khi thể hiện một hành động lợi ích cho tha nhân thì được gọi là vị tha, nhưng vị tha chưa hẳn là vô ngã. Tuy nhiên, ít ra hành động vị tha cũng là cách tốt nhất để giảm trừ lòng vị kỷ, một thuộc tính của bản ngã, vị kỷ giảm thiểu thì bản ngã cũng dễ trừ. Vô ngã tất nhiên không còn lòng ích kỷ nhưng cũng không hẳn là vị tha. Nhưng nếu con biết lấy hành động vị tha làm bài học vô ngã thì chính là con đang thể hiện đức vô ngã vị tha. Hơn nữa, chúng ta nợ cuộc đời hai điều: Một là nhờ những bài học từ cuộc đời mà được giác ngộ. Hai là cái ta ảo tưởng đã tạo ra biết bao khổ lụy cho đời. Nên bây giờ không thể ngoảnh mặt làm ngơ để chỉ mưu cầu giải thoát cho riêng mình, mà phải tỏ chút thành ý phục vụ cuộc đời để tạ ơn và sám hối chứ có phải là nghĩa cử vị tha cao cả gì đâu! Nếu nhờ thành ý đó mà thể hiện được đức vô ngã vị tha thì dù sống một ngày còn hơn sống trăm năm với cái ta chỉ biết mưu cầu lợi lạc cho riêng mình. Nếu con biết vận dụng nhuần nhuyễn 3 yếu tố trên thì cuộc đời dù thuận hay nghịch, khổ hay vui đều là bài học quý giá và nhiệm mầu trong từng khoảnh khắc giác ngộ giải thoát, và lợi lạc cho đời. Trong cuộc sống thăng trầm mà con vừa kể, chính con đã vô tình thực hiện những điều thầy đang nói: đối diện với những khổ đau mất mát là tập vượt qua chướng ngại của bản ngã; làm tròn bổn phận người con, người vợ, người mẹ, hoạt động từ thiện chia sẻ với những khổ đau của đời là tập thể hiện đức vô ngã vị tha; qua đó con học ra được bản chất của chính mình và cuộc sồng, như vậy là con đã và đang điều chỉnh những nhận thức ảo tưởng sai lầm để thấy ra bản thân thực tại cuộc sống đúng như nó đang thực sự hiện tiền. * Về việc con học đạo trước đây, do mắc phải sai lầm là quá tin vào cá nhân một vị thầy, hay tin vào quan niệm riêng tư của vị ấy, nên con đã thất vọng khi thấy ra mặt trái của người và việc, của lý thuyết và thực hành. Ngay cả đức Phật cũng luôn cảnh báo hàng tứ chúng đừng tin vào cá nhân Ngài mà phải nương tựa nơi pháp (y pháp bất y nhân). Và tin pháp cũng không phải là tin vào lời dạy của Ngài mà chỉ qua đó phát hiện ra sự thật Ngài muốn chỉ bày. Khi đã thấy được sự thật thì y cứ trên pháp thực tại đó để tự mình thể nghiệm (kinh Kalama), đừng y cứ trên ngôn từ Kinh Điển mà cứ mãi say mê trong tầm chương trích cú. Đức Phật biết về sau nhiều người ngã mạn sẽ phát triển quan niệm cá nhân của mình thành tông môn cá biệt gây ra hậu quả chia rẽ hơn là dẫn đến mục đích giác ngộ giải thoát. Nên mặc dù đức Phật dạy pháp môn niệm Phật, nhưng không dạy niệm cá nhân một vị Phật nào ngoài niệm Ân Đức của chư Phật. Ân Đức của chư Phật là thực tánh chung còn danh hiệu một vị Phật chỉ là danh tướng riêng tạm đặt để tiện xưng hô, không nên theo tướng riêng mà bỏ tánh chung. Giáo Pháp của đức Phật mà Ngài còn bảo đừng vội tin, và bỏ nó đi khi không còn cần thiết nữa, huống chi quan niệm cá nhân của một vị thầy chưa giác ngộ! Đức Phật đã dạy rất rõ: “Pháp như thuyền đưa người qua sông, pháp còn phải bỏ huống chi phi pháp”. Một sai lầm khác là không biết cân nhắc nặng nhẹ giữa chân lý giác ngộ và ân nghĩa cá nhân. Nhiều người mang ơn một vị thầy về vật chất hoặc tình cảm, nên mặc dù đã phát hiện vị thầy đó sai lầm, chỉ là hệ thống lý luận chủ quan, bên ngoài nghe rất êm tai nhưng bên trong tri hành bất nhất, không đúng chánh pháp, vậy mà vẫn không dám rời bỏ vị ấy để tìm đường học đạo, chỉ vì sợ mang tiếng vong ân bội nghĩa, phản bội sư môn! Trong bài kinh Thừa Tự, đức Phật dạy: “Không nên thừa tự tài vật, chỉ nên thừa tự pháp”. Và trong Vinaya Pitaka, đức Phật cho phép: Ở trong trú xứ nào hoặc với vị thầy nào, dù tài vật đầy đủ, nhưng không tiến bộ về pháp học pháp hành hướng đến giác ngộ giải thoát thì có thể rời bỏ trú xứ hoặc vị thầy ấy. Như vậy, nếu không tiến bộ thì cho dù vị thầy ấy không có gì sai, vẫn phải từ bỏ, huống chi là vị thầy sai trái, chỉ biết khôn khéo mượn niềm tin của bá tánh để phát triển danh vọng của mình. Đức Phật dạy: “Như Lai chỉ là người chỉ đường, các con phải tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Và chưa bao giờ Phật tự khoác cho mình quyền uy của một bậc Giáo Chủ, Ngài chỉ xem mình như “thiện bằng hữu” của hàng tứ chúng mà thôi. Trước khi nhập Niết-bàn, biết người sau ưa xưng hùng xưng bá, nên một lần nữa đức Phật khuyên hàng tứ chúng hãy lấy Pháp làm thầy đừng nương tựa vào ai khác. Như vậy quan hệ giữa thầy trò chỉ là quan hệ chia sẻ đạo lý giác ngộ, sách tấn nhau tu tập để thoát khỏi luân hồi sinh tử, chứ không ràng buộc lẫn nhau về bất cứ phương diện nào khác. Trong Dhammpada 160 đức Phật xác định:
Khi con đến học đạo với thầy chắc con cũng nhận ra rằng thầy chỉ muốn giúp các con thấy ra pháp vốn sẵn đầy đủ nơi mỗi người, chỉ cần biết quay lại nơi thực tại thân tâm thì ai cũng có thể tự mình thấy được. Tất cả chân lý ngay đó đều đã viên mãn chỉ vì bị cái ta ảo tưởng che ám nên không những không thấy pháp mà còn tự chuốc họa vào thân. Thầy không muốn quy định để ràng buộc ai và cũng không muốn ai ràng buộc mình, bởi vì cái gì bị quy định thì không còn là chân lý, không còn tự tại giải thoát. Cái gì bị ràng buộc dính mắc đều đem lại khổ đau sầu muộn. Pháp không phải của Phật hay của bất cứ vị đạo sư nào, pháp vốn bình đẳng nơi mỗi mỗi chúng sanh, nên “Dù Như Lai ra đời hay không ra đời thì pháp vẫn vậy”. Ai không thấy pháp thì sống theo ảo tưởng của bản ngã, hoặc đặt niềm tin vào quy định của người khác, và có thể được ru ngủ trong an toàn giả tạo nhưng không bao giờ nếm được hương vị tự do giải thoát. Ai thấy pháp thì người ấy giác ngộ giải thoát, sống thuận pháp, không phiền não khổ đau, thong dong tự tại và không còn tin vào ai khác, như đức Phật mô tả trong kệ Pháp Cú 97:
* Thật là một hiện tượng đáng ngạc nhiên khi những bức tượng Phật và Chúa trong nhà, trong xưởng con đều tự vỡ hết cùng một lúc! Nguyên xưa kia đức Phật và đức Chúa đều không cho thờ ngẫu tượng, nhưng mãi về sau tín đồ mới bắt đầu tạo tượng các Ngài để thờ phụng và tỏ lòng tôn kính. Theo đức Phật thì lòng tôn kính cao thượng nhất là sống thuận Pháp, còn theo đức Chúa thì đức tin trong sạch nhất là vâng ý Cha. Còn ngẫu tượng chỉ là hình tướng vật chất mô phỏng theo niềm tin của mỗi người mà nặn thành chứ không có tượng nào đúng với Phật với Chúa cả. Hồi Phật còn tại thế, có một vị tỳ kheo quá ngưỡng mộ đức Phật, hễ thấy Phật ở đâu cũng đi theo ngồi gần đó để chiêm ngưỡng, lễ bái. Thấy vậy, Phật nói: “Dầu con có nắm chéo y Như Lai, bước từng bước chân theo Như Lai thì suốt đời cũng không thấy được Như Lai. Chừng nào con thực hành pháp, sống thuận pháp thì dù ở xa ngàn dặm vẫn thấy được Như Lai”. Bản thân Phật còn như vậy huống chi ngẫu tượng tạo ra bằng gỗ bằng đá! Do đó, thiền sư Đan Hà đã từng chẻ tượng Phật gỗ để nhóm lửa cứu người. Thờ Phật bên ngoài không bằng kính Phật tại tâm. Tâm rỗng lặng trong sáng là tâm có Phật. Thường hành động, nói năng, suy nghĩ sáng suốt là quy y Phật. Hàng ngày thắp hương, tụng kinh, lễ bái ngẫu tượng, không bằng từng giây từng phút thường chánh niệm tỉnh giác, để luôn biết làm lành lánh dữ, thanh tịnh thân tâm. Bất đồng tín ngưỡng là một vấn đề của xã hội và con người. Nguyên nhân là người ta không y cứ trên sự thật mà chỉ tin vào hệ thống giáo điều và niềm tin vào cá nhân Giáo Chủ của mình. Không biết mở rộng tầm nhìn để cảm thông và học hỏi từ nguồn đạo lý khác. Tự cô lập trong quan niệm lý tính hay niềm tin cảm tính của mình là một trong những trói buộc đưa đến bất đồng, chia rẽ, cố chấp, tranh chấp, khổ đau và mê muội, thực chất chỉ do “hiệu ứng củ mì củ sắn” mà ra. Có lẽ tượng Phật, tượng Chúa nhà con tự vỡ đi là một “mặc khải” “khai thị” cho con biết phá đi mọi ngăn cách của vọng niệm, hình tướng, và chỗ mong cầu đạt đến (không, vô tướng, vô nguyện) để thật sự sống thuận Pháp hay vâng ý Cha, như lời Phật và Chúa đã từ bi chỉ dạy. Con đã thấy pháp, hãy sống thuận pháp, lấy pháp làm nơi nương tựa, đừng nương tựa ai khác hay hình tượng nào ở bên ngoài. Nhân dịp này thầy tặng con bài thơ:
Thầy Viên Minh |