|
Hà Nội, ngày 12 - 01 - 2011 Kính thưa thầy, Cứ vài ba tháng là con rơi vào trạng thái “trầm cảm” một lần. Phải chăng đây là nghiệp của con? Phải chăng do si mê lầm lạc, tư cao tự đại nên con tự chuốc khổ vào thân? Cho nên hết lần này đến lần khác con rơi vào tình trạng này? Một căn bệnh mà con chưa biết từ nguồn gốc nào, sinh ra sao, diệt ra sao? Có điều lần này khác với những lần trước, con biết rõ từng trạng thái, đang như thế nào, sắp tới sẽ ra sao. Con không chờ mong một lời khuyên nào của ai khác, dù là của thầy, người mà con kính yêu tôn sùng nhất. Con biết được con đang té, hoặc sắp rơi vào “hố” nhưng con không hoảng sợ, con không loay hoay tìm lối thoát như trước đây. Con cứ để y nguyên chư vậy mà xem nó ra sao. Tự nó sinh, trụ, diệt, con chẳng làm được gì, và cũng chẳng muốn làm gì cả. Thật tình mà nói, con đã quen mặt cơn bệnh nghiệp này rồi, nó không còn làm con quá bận tâm hay nóng lòng như xưa nữa. Sáng nay không biết cảm ứng thế nào mà thầy đã gởi cho con một bài kệ rất đúng với tâm trạng con hiện giờ. Đọc xong con chẳng biết nói năng gì, một lúc sau mới nhắn tin lại cho thầy 3 chữ: “Dạ, xin vâng”. Để con ghi lại cho thầy đọc nha, con biết dạy xong là thầy quên mất rồi:
Thầy đừng lo cho con. Con biết con sẽ không sao đâu. Để cơn bệnh này nó hành hạ con, hình như con có duyên học bài học này. Trên đời này ít ai làm cho con đau lòng, chỉ tự con chuốc lấy bệnh để rồi tự làm bác sĩ mổ vết thương cho mình. Phải chăng đây là tình nguyện của con? Phải chăng đó cũng là phước báu cho con để con tu tập ba-la-mật? Nên giờ đây con mới được “khổ luyện” để giác ngộ như thế này? Ai không vào lò luyện khổ mà được giải thoát đâu. Đây chính là lời dạy quý báu nhất để lại cho con mà con đọc được trong những lá Thư Thầy. Con có duyên gặp thầy nên được thầy chỉ dạy tận tình. Lý và sự của Pháp thầy đã truyền dạy cho con cả rồi, đến lúc con phải một mình bước đi mà thôi. Xin thầy đừng cho con một lời khen hay lời động viên nào sau lá thư này. Từ đây con phải bắt đầu đứng dậy để uống cạn chén đắng của mình để giác ngộ. Chào thầy kính yêu vô vàn. Con, Trung Thiên
|