|
Những gì tôi đã viết vào năm 1964 (Thiền Phật giáo và chiều sâu tâm lí học) với một ít sửa đổi và thêm bớt làm nó trở thành một phần của lần xuất bản năm 1965. Bây giờ đây, tại thời điểm đầu năm 1972 và sau sáu năm ở Thái Lan, chính là lúc để tôi nhìn lại những gì đã viết. Những năm qua, tôi không chỉ có thêm nhiều kinh nghiệm hành Thiền, mà còn có cơ hội tiếp xúc lâu dài với những thiền sinh khác (thường là bạn thân) mà nhiều người trong số họ có tâm nguyện, thiện xảo và kinh nghiệm phong phú hơn tôi. Người ta thường để ý đến nhiều tính cách khác nhau trong những người hành thiền. Một số người xem thiền như là một thứ có tính thực nghiệm, phê phán, chiêm nghiệm; những người khác lại tin tưởng hơn, tận tâm hơn, và xem nó như là lí tưởng. Một số có vẻ thích nghi tốt và hài lòng với chính mình và những gì xung quanh, trong khi một số khác lại có vẻ cố tìm kiếm hạnh phúc và mục đích trong cuộc đời. Một số trung thành tuyệt đối với mọi chi tiết trong kinh điển, trong khi những người khác lại thích tin theo những diễn giải và phương pháp của những bậc thầy khả kính của họ. Ngoài ra còn có những người tự nỗ lực tự tìm đường đi và cách tiếp cận cho riêng mình mà không màng tới sự giúp đỡ nào khác. Cũng vậy, kỹ thuật, phương pháp mà họ thực hành thì rất khác nhau và đa dạng. Suốt trong thời kỳ này, bằng kinh nghiệm cá nhân và sự cố vấn của những người khác, tôi đã chứng kiến những gì mình tin tưởng là những thành công thực sự và một số thất bại đáng chú ý. Vấn đề là những gì thì được gọi là thành công và điều gì là không thành công? Và tại sao? Hoặc xác định vấn đề một cách chính xác hơn: người ta có thể thành công trong một lĩnh vực nào đó thuộc về thiền nhưng không phải trong một hướng khác. Để có thể đánh giá đúng mức sự tiến bộ trong việc hành thiền người ta phải có những tiêu chuẩn hay thước đo để làm giá trị. Như vậy, chúng ta phải tự hỏi mình đó là cái gì, Niết bàn chăng? Phải chăng chúng ta mong đợi tìm thấy nó trong những người có những tiến bộ đáng kể trên Bát Chánh Đạo? Những khoảnh khắc ngắn ngủi của sự thư thái, nhận thức thay đổi, hay những trạng thái kỳ lạ của tâm thức dù chỉ thoáng chốc đều không phải là những gì chúng ta tìm kiếm. Cũng vậy chúng ta không theo đuổi những năng lực siêu phàm, sự bất thường của điện não đồ hay điều khiển hệ thần kinh tự động (ví dụ như làm chậm nhịp tim hay thay đổi nhiệt độ cơ thể). Với sự liên hệ với Tứ Diệu Đế, chúng ta ghi nhận lời dạy của đức Phật: “Như Lai chỉ thuyết giảng về một điều: khổ và chấm dứt đau khổ.” Như vậy, nếu ai đó thực sự tiến bộ, thì chúng ta có thể thấy rằng trước đây người đó buồn bã và ưu não, thì nay ít bị như vậy; trước đây ích kỷ, nay người ta cho đi nhiều hơn; trước đây thường thủ thế, bí hiểm và tự vệ thì nay người đó cởi mở, tự tin hơn. Trạng thái lo lắng và kích động cũng giảm thiểu; khiêm tốn và khách quan nên thay thế cho tự kiêu. Thay vì ôm ấp tư tưởng hận thù và trả đũa, người đó nên khoan dung, tha thứ và bình thản với mọi điều quanh mình. Điều đáng quan tâm là những thành quả như vậy đã được xác nhận như là kết quả của sự thực hành (Thiền Phật giáo) một cách đúng đắn. Lại nữa, với sự liên hệ đến Tứ Diệu Đế, sự tham đắm hay dục vọng chính là nguyên nhân của những bất toại nguyện và sản sinh ra mọi phiền não trong chúng ta. Như vậy, chỉ bằng sự tấn công vào những vấn đề của tham đắm, ham muốn và dục vọng thì mới có thể đạt được sự tiến bộ. Ở đây, tôi không đả động nhiều đến những ham muốn thô thiển và rõ ràng như đói khát và tình dục; mà đến những thứ tinh tế hơn như ngã chấp, sự lệ thuộc trong tình cảm, và những ham muốn chiếm hữu. Người ta có thể nhịn ăn hai tuần mà không hề thấy ra sự thật rằng nguyên nhân chính của việc tuyệt thực này chỉ là để nuôi béo bản ngã – để trở nên khá hơn, có kỷ luật hơn, sùng tín hơn những người bạn đạo khác. Hoặc giả người ta có thể làm việc một cách tinh cần để chiếm được tình thương, niềm tin và sự chú ý của một vị thầy thẳng thắn và xa cách, và người đó không bao giờ nhận ra rằng mình đang nỗ lực để khỏa lấp những thất vọng và thiếu thốn tình cảm từ (thuở còn lệ thuộc vào) những bậc cha mẹ khô khan và lạnh lùng. Để thực sự phá vỡ những cảm giác chán chường (hang ups) kiểu đó, hành giả phải tập trung chú ý, không phải trên cảm thọ của hơi thở vào ra lỗ mũi, mà là trên cảm giác đau đớn của sự bất toàn, nếu không thì sẽ bị khống chế một cách tồi tệ bởi sự quá yêu bản thân mình (narcissism). Thiền còn bị định hướng sai theo một cách khác, như là kết quả của ngay chính động cơ quyết định nó. Đó là sự tìm kiếm những cảm giác hay kinh nghiệm mới lạ, nghĩa là tham lam! Rất nhiều người tìm trong thiền chính những thứ mà các con nghiện tìm kiếm trong á phiện – nghĩa là một cảm giác lâng lâng ngập tràn khoái cảm của sự biến vào tự ngã, với những nhận thức, màu sắc và tình cảm, và “vượt qua những trạng thái mà từ ngữ có thể diễn tả”. Ở đây tôi không hàm ý làm giảm giá trị của những kinh nghiệm như vậy và nói rằng chúng không có gì đáng chú ý hay không có giá trị gì. Nhưng cũng giống như chích một loại ma túy mạnh (LSD) hay đang xem một cuộn phim hay, chúng nhanh chóng tan biến đi và chỉ còn là những kỷ niệm. Và mỗi khi nó đã qua, thì ngay trong chớp mắt, những tật xấu cũ trở lại, những ganh tị nhỏ nhen, những ngã mạn, những bực dọc cáu kỉnh vẫn mạnh mẽ và thường xuyên như bao giờ. Nếu như không có một nhân cách thay đổi lâu dài và thực sự, thì thiền Phật giáo đã bị xem như thất bại trong mục đích chính của nó. Ngược lại, ở một cực đoan khác là những người mà cách tiếp cận đạo Phật lại quá ư giáo điều, chiết tự, chính thống và đạo đức chủ nghĩa. Họ mạnh mẽ chống lại cách tiếp cận có tính thực dụng và sự không chấp nê trong việc thực hành, và họ quá chú trọng đến những điểm tế nhị trong truyền thống chuẩn mực của Phật giáo. Người ta có thể nghe lập đi lập lại từ những người này các nhận xét như: “Để có sự tiến bộ trong hành Thiền thì phải có kỷ luật đạo đức nghiêm ngặt”, hoặc “bạn không thể mong đợi những kết quả nhanh chóng, phải thực hành hàng năm cơ”. Thực ra thì (ít nhiều) những nhận định kiểu đó đều đúng. Nhưng trong bối cảnh này, chúng thực sự là những triệu chứng của sự quá khích trong cứng nhắc và giáo điều, điều mà trong bản chất không khác gì chủ nghĩa giáo điều của những nhà truyền giáo Thiên Chúa hay những người trung thành tận tụy với một thể chế định sẵn. Sự tận tâm của hành giả vào truyền thống, vào văn tự quá mạnh mẽ sẽ khiến cho hành giả không thể thực sự thực hành ngay chính những lời dạy (của đức Phật) rằng không nên chấp thủ định kiến, và rằng hãy thấy chân lý như là phổ quát và độc lập với bất cứ một thể chế nào. Tôi cảm thấy rằng hiện tượng không may này là nguyên nhân khiến cho nhiều hành giả tiêu biểu trong việc rất tận tụy, nỗ lực mặc dù đã trải qua nhiều năm thực hành chuyên cần, lại chỉ (đạt được) chút ít nét phảng phất u hoài kinh niên xen lẫn với sự quyết tâm nặng nề. Khúc dạo đầu của cảm giác tội lỗi và sự tự trừng phạt là một yếu tố (mặc dù không chỉ là một) khiến làm chệch hướng và dẫn tới việc kiên trì một kiểu tinh tấn cố công mà kết quả lại giảm thiểu. Nó thường bắt đầu với hành giả quá lí tưởng, quá đạo đức và đôi khi là một cách tiếp cận pháp quá ư sùng tín. Hành giả cố gắng để nhất tâm và hoàn toàn đè nén những phiền não trong tâm. Thất bại và cố gắng lần nữa; lại thất bại và lại cố gắng; tự trách cứ mình về những thất bại, hành giả đi đến chỗ cảm thấy tội lỗi và lại nỗ lực hơn nữa chỉ để thất bại tiếp. Từ sự khổ hạnh này hành giả đi đến một tính cách tự trừng phạt mình. Giận dữ với chính mình, hành giả trở nên hà khắc hơn với chính bản thân mình. Đối với những ai biết soi chiếu vào vấn đề tiến thoái lưỡng nan của họ, thì còn có thêm vào đó vấn đề của cảm giác tội lỗi về cảm giác tội lỗi, hoặc trở nên bực dọc về sự bực dọc của mình. Nhưng biết soi chiếu cũng chính là bước đầu tiên đi đến một giải pháp. Bước thứ hai là lùi lại và xả hơi một chút. Như đức Phật đã nói nếu dây đàn có lúc quá chùng nay lại quá căng, nên để có được sự hài hòa thì sự căng thẳng phải được buông xả. Với những người lý tưởng và đạo đức, thì sự buông xả và nghỉ ngơi lại chính là những gì làm tăng thêm cảm giác tội lỗi. Vâng, nhưng trong nguyên tắc xử thế thì đây cũng chính là những gì đức Phật đã làm khi ngài từ bỏ lối tu khổ hạnh và thực hành pháp trung đạo. Hành giả phải lùi lại và đánh giá lại những hậu quả của quyết định của mình. Trong vấn đề đo lường sự tiến bộ trong thiền tập, điều quan trọng là phải biết cách phân biệt giữa sự chứng đạt thực sự có tính Phật giáo và sự thích ứng. Bất cứ một chúng sinh nào (hay mọi sinh vật sống) mỗi khi được đặt vào một hoàn cảnh mới sẽ đi qua tiến trình của thích nghi, thích ứng và phát triển để quen thuộc. Điều này cũng đúng đối với đời sống con người nói chung và đúng cho người xuất gia hành đạo. Thời gian trôi đi, anh ta phát triển và chấp nhận vai trò của mình, anh ta cũng có thể trở nên bằng lòng và vui vẻ chấp nhận chỉ vì thời gian và tuổi tác mà thôi. Tiến trình thích ứng đặc biệt liên hệ trong trường hợp một khóa thiền tích cực nơi mà hành giả phải trải qua hàng tuần hay hàng tháng quanh quẩn trong một căn phòng nhỏ, chỉ rời phòng trong khoảnh khắc để gặp thiền sư và trình thiền. Trong bối cảnh đó, hành giả có thể cảm thấy cực kỳ an lạc và hạnh phúc, tâm tư bỗng trở nên thanh tịnh và tỉnh giác như chưa bao giờ có được trước đó, và thiền sinh có thể nghĩ rằng đây chính là trạng thái siêu thế. (Tuy nhiên, cũng có những khoảnh khắc buồn phiền, lo lắng vô cớ, khóc chút đỉnh … tùy thuộc vào mỗi người). Rất nhiều hành giả sau khi kết thúc những khóa thiền như vậy cảm thấy rất ấn tượng và đánh giá cao phương pháp này. Tuy nhiên, có vẻ như tất cả những kinh nghiệm chủ quan này lại nhanh chóng biến mất khi thiền sinh không còn sống biệt lập nữa và sau đó, thật giống như trạng thái “mơ màng với nàng tiên nâu”, chúng chỉ còn là những hồi ức đẹp đẽ. Hơn nữa, rất nhiều thiền sinh sau khi “hoàn tất những khóa thiền tích cực” lại trở về với những ích kỷ và những tính xấu chung của con người chẳng khác gì bất cứ phàm phu tục tử nào. Tệ hơn nữa, còn có những chướng ngại nguy hiểm trong những kẻ (tự cho rằng) “đã tốt nghiệp” này là những biểu hiện cực kỳ ngã mạn khi đề cập đến những chứng đạt của họ. Nhưng cũng đừng vì thế mà cho rằng không có lợi ích gì trong những khóa thiền tích cực. Ngược lại, tôi vẫn thường khuyên người ta hãy tìm sự hướng dẫn hành thiền đúng theo khả năng. Tuy nhiên, đối với rất nhiều người, nếu không muốn nói là hầu hết mọi người chỉ có phương pháp này thôi thì không đủ. Và thật sự thì Bát Chánh Đạo và kinh điển Phật giáo cũng ủng hộ điều này. Vậy nên chăng hãy giải quyết những vấn đề tục lụy của cá nhân mình như khả năng sống chung với người khác và những vướng mắc tình cảm trước khi thử sức với những pháp hành đặc biệt hơn. (Người Việt mình có câu: Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa: ND). Thường thì một tu viện bảo vệ người ta khỏi mọi hình thức của sự phỉ báng, làm nhục, kích động và lo lắng và điều đó có thể khiến sinh ra ảo tưởng của sự chứng đạt và tạm lắng với cảm giác thỏa mãn. Chúng ta có thể đối diện và triệt tiêu những phiền não chỉ khi chúng đang hiện khởi sống động trong tâm mình. Chúng ta không thể làm điều này khi chúng chỉ là những hồi ức mờ nhạt hay chỉ là thuần kiến thức sách vở. Rốt cuộc nhiều hành giả nhận thấy rằng sự tiến bộ thực sự của họ chính là từ những tình huống thực tế của cuộc sống trong mối tương quan xã hội và sự thất vọng. Mặt khác, những va chạm thái quá trong các mối quan hệ tương tác và va vấp như vậy cũng có thể ngoài khả năng tự chủ và chánh niệm, và rồi một cách âm thầm trở nên vướng bận vào những cãi cọ và trói buộc khiến sinh ra giận ghét và buồn đau. Khi sống đời sống tu viện nơi không có vấn đề gì sinh khởi, những phản ứng thủ thế và tính tình không hay có thể ngủ ngầm và do đó hiện diện trong bóng tối. Nhưng trong đời sống bình thường hàng ngày của người cư sĩ, những cám dỗ, những cảm thọ, và những vấn đề sinh khởi quá nhanh đến nỗi hầu như lịch trình hàng ngày chỉ là mẫu lập đi lập lại của nhận biết, phản ứng, giải quyết; nhận biết, phản ứng, giải quyết … cứ như vậy. Như vậy đối với rất nhiều hành giả, giải pháp nằm trong con đường Trung Đạo giữa hai cực đoan: đó là một vị thế mà hành giả vẫn tiếp xúc với một số công việc tương đối, những bực dọc và các mối tương tác có tính xã hội, nhưng nó được xen kẽ với những khoảng lặng lẽ và tĩnh tại. Những khoảng giữa này có thể kéo dài hàng ngày hoặc hàng tuần tùy thuộc trên sự cần thiết của mỗi cá nhân hay tùy vào hoàn cảnh thực tế. Như vậy bằng sự duy trì một số tối ưu của sự liên quan với xã hội và các kích thích giác quan, người này đi xa hơn là chỉ nhận biết, phản ứng, giải quyết. Với chánh niệm, hành giả có thể bắt được tri giác và phản ứng khi nó đang sinh khởi. Anh ta quan sát, chiêm nghiệm và đánh giá nó. Trong khi làm như vậy, nó có thể được hạn chế, buông bỏ hay phát triển khi thấy cần thiết. Hành giả hành động với chánh niệm thay vì chỉ bằng thói quen hay phản xạ, và như vậy có thể học được những phản ứng mới và những giải pháp. Nếu (như một số nhà tâm lí học đã tuyên bố) nhân cách của mỗi người là tổng số của tri giác, nhận biết và phản ứng, thì trong trường hợp này sự tăng trưởng và phát triển của nhân cách là điều có thể. Phần thời gian tối ưu mà hành giả nên dành cho thiền tập trong sự tương xứng với khoảng thời gian cho các công tác khác cũng có sự sai khác tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Nó cũng thay đổi tùy thuộc vào thời gian và giai đoạn phát triển đối với từng hành giả. Tôi khẳng định những kết luận trên không chỉ từ góc độ lý thuyết, và cũng không phải dường như chúng được tiết lộ từ khuôn mẫu của cuộc đời đức Phật và các đệ tử lớn của ngài như được miêu tả trong kinh điển. Những sự quan sát giới hạn của tôi về những cá nhân có biểu hiện sự tiến bộ trong thực hành Thiền Phật giáo cũng đúng cho kết luận này. … Tôi cảm thấy có một điểm cần được nhấn mạnh, đó là sự thực hành có tính thời khóa biểu sẽ không cho kết quả trừ khi hành giả tự nguyện chiêm nghiệm một cách thấu suốt toàn bộ phong cách sống của mình và sẵn lòng làm lại hay từ bỏ phong cách sống đó nếu thấy cần thiết. Cũng theo cách đó, những hành giả bước chân trên chánh đạo dù là tu sĩ hay cư sĩ đều có thể thực hành tốt mà không đặt giới hạn thời gian và cũng không cố theo một lộ trình vạch sẵn cho tương lai. (Ví dụ như là “Tôi sẽ học xong chương trình đại học”, hay “Tôi sẽ trở lại quê hương để hoằng dương chánh pháp”). Với những người đã quyết định sẵn lộ trình sẽ là như vậy, thì họ đã tự giới hạn những thay đổi mà họ sẽ cho phép mình làm. … Tôi không hoàn toàn đồng ý với một số truyền thống cho rằng định là không cần thiết trong thiền Phật giáo. Nhưng nếu hành giả chỉ chú tâm đặc biệt trên hơi thở, thiền hành hay bất cứ đề mục nào khiến chặn đứng mọi tư tưởng, tình cảm, thì điều này sẽ khiến cho hành giả chạy trốn khỏi những phiền não và xung đột nội tâm nên được đối diện để giải quyết. Điều này dường như nói lên điểm nổi bật là trong Bát Chánh Đạo chánh định theo sau chánh niệm. Người ta có thể gặp không ít những người đã (hoặc giả như đã từng tuyên bố) có những chứng đạt nào đó trong thiền định. Vâng, chỉ với một số ít ngoại lệ, họ xuất hiện (trong mắt chúng ta) chỉ như những người có khuynh hướng ích kỷ và những ganh tị nhỏ mọn như bất cứ một kẻ tầm thường nào mà ta tình cờ gặp gỡ. Quả thật vài người trong số họ còn có những biểu hiện như bất an, cô đơn, và rất không hạnh phúc. Mặt khác, những người mới chỉ có một số ít tiến bộ trong thiền tập, tuy nhiên, trên lộ trình của việc thực hành, lại cho thấy có những giảm thiểu của ngã mạn, bất mãn, trầm uất và ích kỷ. (Tuy nhiên, có một người mà tôi được biết sau những tháng chuyên tâm thiền quán, đã tỏ ra có những tiến bộ rất lớn trong việc giải trừ phiền não thuộc mọi loại, và nay cũng là người duy nhất mà tôi được biết có khả năng nhập định vào tầng thiền thứ ba bất cứ lúc nào). Những quan sát trên cũng đúng cho phương pháp đặt tên, hiện là phương pháp rất phổ biến trong các khóa thiền tích cực ở Burma. Với kỹ thuật này, những người hành thiền khi nhận thấy mình đang “mơ ngày” sẽ chỉ đơn giản (thầm tự nhắc mình) “tưởng tượng”, “tưởng tượng”, hoặc “mơ màng”, “mơ màng” và rồi trở lại trên đề mục quán niệm của hơi thở hay cảm thọ. Tuy nhiên, trạng thái mơ màng hay vọng tưởng lại thường là biểu hiện của những ước muốn, hay những xung đột tình cảm trong ta. Do đó, nếu hành giả tự kiểm điểm lại sự mơ tưởng trong tâm: “Nó muốn diễn đạt gì đây?”, “Nó lại đòi hỏi gì nữa đây?”, “Nó mang sắc thái tình cảm gì?”; thì như vậy hành giả có được tuệ giác soi chiếu vào thế giới tình cảm và những đòi hỏi của nó, và đó cũng chính là lúc mà hành giả đối diện với những vết nhơ trong tâm hồn mình (mà mục đích của thiền quán chính là để vượt qua chúng). Tuy nhiên, kỹ thuật đặt tên có tính ứng dụng rất cao trong việc đối kháng với những phân tâm do khổ thọ nơi thân như ngứa, đau, ồn; và với một số loại tâm trạng như chán ngán, hay với một số ký ức không mời mà đến. Nhưng nó phải được sử dụng một cách thận trọng, bởi vì nếu sử dụng nó một cách thái quá, thì điều đó có thể làm sự tiến bộ bị chậm lại. Có một qui luật chung trong sự thực hành mà nhiều hành giả đã dùng để nhảy bực như sau: Hành giả bắt đầu thực hành bằng cách làm tâm lắng dịu và định tâm. Nhưng sau vài phút thấy tâm cứ tiếp tục lang thang ra khỏi đề mục thiền, thì hành giả liền lùi lại và tự hỏi: “Tâm tôi hiện đang ở trạng thái nào?”, “Điều gì khiến nó rời khỏi đề mục thiền?” Đây chính là phân tích và đối diện. Về cơ bản điều này rất giống với một kỹ thuật hữu dụng khác là thiền sinh không chọn một đề mục thiền cụ thể nào, mà chỉ ngồi đó đơn giản ghi nhận: điều gì đang hiện khởi trong tâm đây? Cảm thọ thô nào đây? Cảm thọ tế nào đây? Ký ức hay mộng tưởng nào đây? Ý định hay ham muốn gì đây?” Trong thực tế hành thiền, điều này không phải được thực hiện như kiểu nói chuyện trong tâm, giống như hình thức trong những câu nói ở trên, mà đúng hơn nó là một trạng thái tỉnh giác quán sát mà trong đó chỉ có vài ngôn ngữ tư tưởng xuất hiện. Thường thì vào những lúc như vậy, hành giả thấy một loại phiền não vi tế mà nó cần phải được xác nhận và loại bỏ. Nó là tư tưởng: “Bây giờ đây tôi đang hành thiền và muốn có vài trạng thái thiền. Tôi muốn điều gì đó xảy ra.” Hoặc nó có thể là: “Tôi muốn đối diện và chiến thắng sân hận trong mình, nhưng bây giờ khi tôi tìm kiếm nó thì nó lại đi đâu mất tiêu!” Và điều này đưa đến cảm giác hụt hẫng. Ở đây hành giả đã đặt ra một mục tiêu nên mới bị phá ngang. Như vậy sự mong ước dưới hình thức một mục đích đặc biệt và kết quả của nó là sự hụt hẫng chính là trạng thái tâm cần được giải quyết. Sự hành thiền tốt đẹp đòi hỏi phải quan sát được những gì đang hiện khởi. Cuối cùng, một điều đáng nhớ trong chứng đạt của thiền tập là trừ khi hành giả rất lão luyện, thì đừng trông mong hay ước ao những kinh nghiệm mới hay khác thường ngoài những gì được thấy trong đời sống bình thường. Ngược lại, chứng đạt lại là những thứ có tính phủ định và chúng được nhìn thấy trong sự hồi tưởng lại. Ví dụ như, hành giả bỗng nghiệm thấy: “một năm trước đây mình thường bị chứng trầm uất mãn tính, phiền muộn, bực bội và thủ thế. Bây giờ hiếm khi như vậy. Những thứ như vậy, như vậy thường làm mình bực dọc điên đầu. Nay chúng xảy ra mà mình hầu như không để ý tới.” Có thể khẳng định hơi mạnh mẽ rằng trong hành thiền hành giả không tìm kiếm để đạt được gì cả. Vì mặc dù có sự tăng trưởng của hạnh phúc và bình an trong tâm hồn, nhưng khi được hỏi: “Bạn đạt được điều gì khi hành thiền?” thì có thể câu trả lời sẽ là: “Không phải những gì tôi đạt được là quan trọng, mà điều quan trọng chính là những gì tôi đã giảm thiểu. Chúng chính là tham, sân, si.” AyyaKhema Centre, June 1st, 2005 |