|
Hi hữu thay, một vị Phật ra đời! Hi hữu thay, một Giáo Pháp cao minh! Hi hữu thay, một kiếp sống làm người! Đời sống mặc dầu quí, nhưng quả thật bấp bênh, vô định. Cái chết, trái lại, là điều không thể cưỡng, và nó sẽ đến, chắc như thế. Vậy, ta hãy sử dụng xứng đáng khoảng thời gian ngắn ngủi của kiếp sống này, cố gắng trở thành nguồn hạnh phúc cho chính mình, cho quê hương mình và cho toàn thể nhơn loại. NÀRADA
Ngày Phật Đản, hay ngày Giáng Sanh của Đức Phật, tiếng Pali gọi là Vesak. Vesak là tên của một tháng thường trùng vào tháng Năm dương lịch. Vesak cũng là tên của một ngày có ý nghĩa trọng đại nhất đối với hàng Phật tử khắp thế giới. Đức Phật giáng sanh nhằm ngày rằm, tháng Vesak, vào buổi mai, trong thành Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) gần biên thùy giữa Đông Bắc Ấn Độ và Népal. Ấy là thái tử Siddahattha Gotama. Thái tử sanh ra là một đại hạnh, đại phúc cho tất cả chúng sanh. Dĩ nhiên, đã là hoàng tử, Ngài sống một cuộc đời vô cùng sung sướng trong cung điện nguy nga, nào biết gì đến cảnh thực ngoài đời. Nhưng ngày qua tháng lại, lần lần trong tâm Ngài tự phát giác sự thật. Khi Ngài giác ngộ được rằng vạn vật là vô thường, có rồi không, thành rồi hoại, rằng bao nhiêu khoái lạc vật chất dẫy đầy trước mắt chẳng qua là một bã hư vô, Ngài mới nhất định xuất gia, bỏ hẳn thế sự, để đi tìm đâu là sự thực, đâu là tịnh lạc. Năm ấy được hai mươi chin tuổi, Ngài từ bỏ cung điện nguy nga và cuộc đời cùng xa cực xí của một vị hoàng tử, không phải vì cảnh thắc mắc băn khoăn riêng cho thân Ngài, mà chính vì cảnh đau khổ trầm luân của kẻ khác. Lần từ biệt ra đi của Ngài không phải là một cơ hội trốn tránh sự đời, mà là một gương từ bỏ có một không hai trong lịch sử nhơn loại. Ngài từ bỏ cuộc đời sung sướng để quyết sống khổ hạnh, không phải vào lúc tuổi cao thân yếu, chán nản rồi xây lưng với thế sự, mà chính là lúc còn trong vòng niên thiếu thanh tươi. Ngài bước ra đi không phải vì cơ hàn thiếu thốn, mà chính với bao nhiêu điều phú quí vinh hoa bỏ lại sau lưng. Suốt sáu năm trời, Ngài hãm thân vào cuộc đời khổ hạnh, hi sinh, chịu đựng muôn ngàn gian khổ với một tấm lòng sắt đá, bền dẽo, tin tưởng, và luôn luôn xả thân để phụng sự. Đây là cuộc đời phấn đấu mà sức phàm khó lòng chịu nổi. Rồi một hôm, tịnh tọa trên mớ cỏ khô dưới cội bồ đề, tại Bồ Đề Đạo Tràng (Buddhagaya), Ngài tự nguyện: “Dù rằng thịt ta phải đổ, xương phải tan, hơi phải mòn, máu phải cạn, ta quyết ngồi nơi này đến khi được hoàn toàn vô thượng đắc quả”. Vào ngày rằm, tháng Vesak, Ngài đắc quả Chánh Đẳng, Chánh Giác. Quả này là kết tinh cuối cùng của một lòng tự tin, tự lực, tự giác, chớ không phải nhờ ở một quyền lực siêu nhiên nào giúp đỡ. Ngài đã diệt được bao điều chi phối của ngoại cảnh đối với thân tâm, để trở thành thanh tịnh chứng pháp, lãnh hội rõ ràng chơn tánh của mọi sự vật: Ngài đã là Toàn Giác, Ngài đã thành Phật. Lúc bấy giờ Ngài ba mươi lăm tuổi. Từ đây, người ta gọi Ngài là Đức Phật Cồ Đàm (Gotama), một vị Phật trong trường chi vô lượng Phật quá khứ, và vị lai. Như vậy thì lễ Vesak không những là kỷ niệm ngày giáng sinh mà cũng là ngày đắc đạo của Đức Phật. Khi đã được hoàn toàn sáng suốt và đắc quả Chánh Đẳng Chánh Giác rồi, Ngài gia tâm đi hoằng hóa pháp mầu để rọi sáng và dắt dẫn kẻ khác. Được hoàn toàn giải thoát, Ngài gia tâm giải thoát chúng sanh bằng một lối đường Trung Đạo. “Mở rộng cửa chơn lý cho những ai muốn tìm chơn lý; rót thẳng niềm tin tưởng vào tai những ai muốn tìm tin tưởng”, đó là câu bất hủ mà Ngài đã thốt ra lần đầu tiên, khi bắt đầu sứ mạng hoằng dương diệu pháp của Ngài. Giáo Hội Tăng Già trước nhất Ngài lập ra chỉ gồm có năm vị Thanh Tịnh pháp sư. Đây là hột giống đầu tiên hết sức nhỏ bé mà Ngài đã gieo, để rồi về sau nẩy nở muôn ngàn đầy khắp đồng nội bốn phương: là Giáo Hội Tăng Già ngày nay, khắp thế giới, một hệ thống tổ chức thật sự dân chủ xưa nhất trong lịch sử nhơn loại. Khi rải các đệ tử đi hoằng hóa Giáo Pháp trong thiên hạ, Ngài gởi lời khuyên nhủ chư Tăng như sau: “Hỡi chư Tỳ Khưu, các con hãy mạnh dạn ra đi, đi vì ích lợi cho chúng sanh, đi vì hạnh phúc an vui cho nhơn quần, đi vì thương xót nhơn loại. Các con hãy đi khắp chốn, ban bố giảng dạy Pháp này là diệu pháp hoàn toàn. Các con hãy nêu cao đời sống Thánh Đức khiết thanh, luôn luôn hoàn toàn và trong sạch”. Riêng phần Ngài, là hóa thân của đức độ cao siêu, trí tuệ luôn luôn sáng suốt, lòng tràn trề từ bi, bác ái, hi sinh không bờ bến, đêm nghỉ chỉ một giờ. Trong năm mười hai tháng, hết tám tháng Ngài dãi dầu phong sương khắp chốn, không quản gì thân. Ngài tế độ chúng sanh như vậy suốt bốn mươi lăm năm trường. Một hôm, khi cảm thấy sức đã kiệt, ngày lâm chung sắp đến, Ngài gọi tất cả đệ tử về và nói: “Kiếp sống thật là ngắn ngủi; Thầy nay tuổi đã già. Thầy sắp xa lìa các con! Từ lâu, Thầy đã nương tựa nơi thầy. Các con hãy cố gắng chuyên cần tinh tấn, hãy kỹ càng thận trọng và luôn luôn giữ một lòng đạo đức cao cả. Với những tư tưởng trong sạch siêu mẫn các con hãy giữ gìn bản tâm cho chu đáo. Nhờ tôn chỉ và kỷ luật này, với một đời sống tích cực hoạt động đạo đức, các con sẽ được thoát khỏi vòng sanh tử, tử sanh, và chấm dứt được phiền não đau khổ. Vạn vật cấu tạo là nhứt đán, là vô thường. Các con hãy cố gắng lên!” Năm ấy Đức Phật tám mươi tuổi thọ. Ngài trở về Kusinara, là một làng nhỏ bé xa xôi, nơi đây êm ái và an tịnh. Ngài tịch diệt, thân nằm giữa hai cội cây long thọ (Sala): hôm ấy đúng ngày rằm, vào tháng Vesak. Như thế, Vesak là ngày kỷ niệm gồm ba: Giáng sanh, Thành Đạo, và Tịch Diệt, của Đức Phật. Ngày nay Phật tử khắp hoàn cầu cử hành cuộc lễ gồm ba ấy với một niềm tin trong sạch và một đạo tâm chơn thành.
H. G. Wells, một học giả người nước Anh có viết: “Đức Phật là một nhơn vật vô cùng giản dị, có tâm đạo nhiệt thành, tự lực một mình phấn đấu cho ánh sáng tươi đẹp, một con người sống, chớ không phải là một nhơn vật của thần thoại truyền kỳ. Bên sau cái bề ngoài hơi ly kỳ thần thoại mà người đời hay gán cho Ngài, tôi chỉ thấy rõ một con người như bao nhiêu vị giáo chủ khác, Ngài cũng truyền lại một tuyên ngôn, một hệ thống giáo lý rộng rãi khả dĩ thích hợp cho khắp loài người. Bao nhiêu ý niệm tân thời của ta ngày nay cũng đều hòa hợp được với giáo lý ấy. Ngài dạy rằng tất cả cái bất hạnh và phiền não của ta là do lòng ích kỷ mà ra. Ngài đã nhất định không sống riêng cho Ngài mà phải sống cho kẻ khác. Từ đó Ngài sống một cuộc đời siêu nhơn, trên tất cả mọi người. Xuyên qua trăm ngàn ngôn ngữ khác nhau, Đức Phật đã dạy đức từ, bi, hỉ, xả, ngay năm trăm năm trước Chúa Giêsu giáng sanh. Đứng một phương diện mà nói, ta có thể cho rằng giữa ta là người Âu và những đòi hỏi nhu cầu tâm và trí của chúng ta, với Đức Phật, có nhiều chỗ gần nhau vậy. Đối với đời sống thực tại của ta cũng như đối với vấn đề trường tồn bất hoại của kiếp ta, Đức Phật đã tỏ ra sáng suốt hơn, và không phải lủng củng quây quần”. Rất đúng, Đức Phật là một con người như ta, nhưng Ngài đã tự lực mà trở thành một người hơn ta, một người phi thường, nhờ ý chí sắt đá, nhờ đức vị tha, từ, bi, hỉ, xả, thanh tịnh cao siêu và trí huệ hoàn toàn sáng suốt. Ngài không phải là Phật ngay từ lúc sanh ra, mà đã thành Phật do tự sức của Ngài. Đã lãnh hội rõ ràng được cái tiềm năng và nguồn chí lực có sẵn trong mỗi người, Ngài khai thác đến cùng cực hai yếu tố ấy để đạt đến bực toàn giác, chớ không tự phụ cho mình là thần thánh bao giờ. Luôn luôn Ngài khuyến khích những ai theo chơn Ngài nên làm như Ngài, bởi vì khả năng thành Phật đều có sẵn, như vật cố hữu, trong mỗi người. Tất cả tín đồ quy ngưỡng Đức Phật như một vị Thầy tối cao, mong Ngài dắt dẫn, chớ không phải thờ Ngài như một đấng Thần Linh để cầu phúc ở thế gian và mong được muôn ngàn cực lạc sau khi chết. Dầu có tìm kiếm đến đâu, tín đồ Phật Giáo không thể chỉ ra một lý do nào để Thượng Đế hóa Đức Phật được. Tuy nhiên, mặc dầu Đức Phật chủ trương một giáo lý vô ngã, ai cũng thấy rằng đạo Phật vừa là một tôn giáo phi thần linh, mà đức Phật cũng vừa được quy ngưỡng như một vị thần. Ông Bertrand Russell, một triết học gia hiện kim người nước Anh có nói: “Đức Phật rõ là một nhơn vật chủ trương thuyết phi thiên cách cao thâm nhất từ cổ chí kim vậy.” Tựu theo giáo lý của Đức Phật ông Thomas Paine, một học giả uyên thâm khác đã viết: “Thế giới là nhà ta, nhơn loại là anh em ruột rà ta, và vi thiện là đạo ta”. Từ ngót hơn hai ngàn năm trăm năm về trước Đức Phật há chẳng nói: “Chớ nên làm ác, hãy làm lành, cố gắng lên, cố gắng làm cho tâm ngày càng trong sạch”. Đó là điều mà Đức Phật dạy chúng ta phải làm, chỉ có bấy nhiêu. Và chỉ nhờ có bấy nhiêu mà ta sẽ diệt được ba nạn to trong kiếp sống là: tham ái, sân hận, và si mê. Khi người ta nói đến ý niệm phi thần cách, ta chớ nên lẫn lộn nó với ý niệm “phi tôn giáo”. Cho đặng mưu đồ hạnh phúc và hòa bình cho nhơn loại ngày nay, thiết tưởng không gì cần thiết hơn là sự chấn hưng tinh thần tôn giáo đạo đức. Cái cần thiết trong vấn đề này không phải là câu chuyện giữ tròn một mớ giáo điều suông, hay là chặt chẽ chín chắn trong việc nghi thức, lễ bái, cúng dường, cái mà phần đông người đời hay quan tâm chú trọng. Cái cần thiết chính là chỗ trau dồi một đời sống trong sạch, đạo đức tích cực hữu ích trong tình tương thân tương ái giữa đồng loại với nhau, sống sao cho hợp lý, cho công bằng, sống sao cho đúng với những điều từ tâm, khoan hồng và thương yêu mà các vị giáo chủ của mọi tôn giáo đều dạy bảo. Giáo sư Joad nói: “Vào thế kỷ thứ sáu trước Tây lịch kỷ nguyên, ngay ở Ấn Độ và Trung Hoa có xuất hiện ba nhà đại giáo chủ dạy cho người đời hiểu rằng cái quan trọng nhất trong việc làm của ta là, khi ta làm một điều phải, điều lành là chính vì nó lành và phải tự nó, chớ không phải vì có một thần linh nào cho nó là phải là lành. Một trong ba vị giáo chủ đó, có Đức THÍCH CA.” Đức Phật từng nhấn mạnh rằng bất luận hành vi đạo đức nào cũng chỉ là phương tiện để đem đến một mục đích cứu cánh. Chánh tư duy đem đến chỗ lãnh hội ý niệm vô ngã và lòng từ, bi, hỉ, xả. Chánh ngữ đem đến chỗ chế ngự khẩu nghiệp. Chánh nghiệp đem đến chỗ không sát hại sanh linh, đến chỗ không thâu đoạt, trộm cắp bằng cách này hay cách nọ tài vật của kẻ khác và cũng đem đến chỗ tránh được tà dâm là nguồn cội của sự hư hỏng hủy hoại thân thể, vừa là một nguyên do tan rã hạnh phúc gia đình. Chánh mạng đem đến chỗ làm cho mỗi người là nguồn hạnh phúc cho tất cả chớ không phải là một tai họa cho ai. Đó là những yếu tố căn bản của luân lý nhà Phật. Xưa kia Đức Phật từng truyền bá dạy bảo giáo lý của Ngài, không những cho hàng vương bá quyền quí, mà chí đến hàng đại chúng trong nhơn gian, cho đến kẻ lạc loài, cô độc. Ngài ban cho mỗi ai, dầu sang dầu hèn, những cơ hội và phương tiện thích hợp, và Ngài tích cực nâng cao hoàn cảnh của hạng người thấp thỏi hèn kém. Ngài hằng tuyên bố rằng cánh cửa đi vào chốn thành công và hạnh phúc đã mở rộng ra cho mọi người, bất phân nghèo giàu, sang hèn, cho người thành tâm hay kẻ tội lỗi. Phàm ai đã muốn đi vào chốn hoàn toàn và tận thiện, thì chỉ cần chịu khó đưa tay mở chốt cửa ấy mà thôi. Hơn nữa, không những Đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử nhơn loại đã đề cao phẩm giá của hàng phụ nữ, chỉ rõ cái quan trọng của họ trong xã hội, mà Ngài lại cũng là người thứ nhất thiết lập những nữ tu viện cho phái nữ lưu, với một hệ thống và kỹ thuật đường hoàng. Vấn đề nam nữ không còn là một chướng ngại trong việc tu tâm dưỡng tánh, cũng như trong những công tác phục vụ xã hội. Cũng là lần thứ nhất trong lịch sử loài người việc buôn tôi bán mọi, một vết thương bỉ ổi xấu hổ cho loài người, được chủ trương bãi bỏ. Đức Phật cho rằng người cùng người với nhau là anh em ruột rà, sao lại có chuyện kẻ này sử dụng kẻ kia như con vật? Chí đến loài súc vật, Đức Phật cũng nâng cao nó lên ngang hàng với tất cả sanh linh và chủ trương bãi bỏ việc cúng tế dùng vật hi sinh nữa. Như vậy quả Đức Phật đã đề xướng minh bạch ý niệm đồng đẳng chẳng những giữa các cấp đẳng, các màu da hay tôn giáo trong xã hội mà chí đến loài vật cũng được kể vào hàng sanh linh như người vậy. Chính lòng từ bi vô lượng vô biên của nhà Phật đã đánh tan những ranh giới phân chia người này với kẻ khác. Khác màu da, khác tín ngưỡng, khác chủng tộc, khác quốc tịch, toàn không phải là lý do chơn chánh để chia rẽ con người. Nếu vạn nhất có xảy ra chỗ bất đồng tôn chỉ rồi sanh ra xung đột giữa tín đồ của các tôn giáo khác nhau, làm cho họ phải thù hiềm, chém giết nhau, thay vì cùng với nhau đứng trên một lập trường chung nào đó như anh em ruột một nhà, điều ấy chứng tỏ rằng công trình của các vị giáo chủ đã là một thất bại hư hỏng rồi. Mặt khác, Đức Phật bao giờ cũng chủ trương lòng quảng thứ khoan dung, vì không quảng thứ khoan dung là kẻ thù nguy hiểm nhất cho tôn giáo. Với ý chí ấy Đức Phật thường khuyên đệ tử chớ nên cố chấp, giận dữ hay khó chịu bực mình, chí đến trong trường hợp mà cá nhơn họ, giáo lý họ, hay Giáo Hội họ bị gièm pha, phỉ báng đến đều cũng vậy. Ngài nói: “Này chư Tỳ Khưu, nếu các con không nhẫn nhịn khoan dung trong những trường hợp như vậy, thì không những các con sẽ mất phần đạo đức của các con, mà các con không còn minh mẫn sáng suốt để nhận định xem những điều nói xấu đó đúng hay không”. Giáo sư Radhakrishna nói rằng: “Đó là một tinh thần sáng suốt, mặc dầu đã được thốt ra do một con người đã đạt sáng suốt từ hai ngàn năm trăm năm nay”. Một hôm, để trả lời câu hỏi có ác ý gièm pha của một người thờ đạo khác, Đức Phật dạy rằng: “Kẻ muốn thóa mạ đạo khác hơn đạo mình, chẳng khác nào ngửa mặt phun nước miếng lên cho dơ trời. Nước miếng ấy đã không làm hoen ố trời mà lại rơi xuống làm bẩn cả mặt người phun”. Đức Phật không bao giờ dạy ta những gì mà bắt ta phải nhắm mắt nghe theo. Ngài không ban cho ta những giáo điều và bắt ta phải tin, không cho ta lấy lý trí suy nghĩ cặn kẽ trước khi nghe theo. Ngài cũng không bảo ta phải nghe theo những nghi thức lễ bái cúng dường như thê nầy để được Ngài ban phúc. Ngài cũng không bảo ta phải tế tự cúng bái hình thức phức tạp để được về cõi trên thanh tịnh an vui. Đối với hàng quảng đại dân gian, Ngài dùng lối giản dị mà dạy, đối với hàng trí thức thì Ngài giảng dạy những điều cao siêu. Dầu giản dị hay cao siêu, đối với người thường hay hạng có học, Ngài luôn luôn nhắc nhở căn dặn không nên nhắm mắt nghe theo. Trái lại, Ngài khuyên nên lấy trí mà suy nghĩ coi trúng hay sai, tà hay chánh, rồi mới tin theo. Không bao giờ nên tin một điều gì chỉ vì điều ấy là của một người cao, có uy quyền đã nói. Ta có thể nói: Vinh diệu thay cho Đạo Phật! Suốt hai ngàn năm trăm năm, từ ngày giáo lý của Đức Phật được đem hoằng hóa khắp nơi trên thế giới, chưa hề có một giọt máu nào đã đổ vì Đạo Phật, cũng như chưa hề có một tín đồ nào đã theo Đạo Phật vì bị áp lực hay cưỡng bách. Sở dĩ Đạo Phật được rải khắp nơi trên thế giới và đang phát triển mạnh mẽ tận năm châu, cũng là vì những đặc tánh của nó là thực tế, từ, bi, hỉ, xả, khoan dung và đại đồng quảng đại. Những quốc gia theo Phật Giáo, sở dĩ đã tiến bộ được cũng là nhờ Phật Giáo. Thật vậy, những dân tộc theo giáo lý của Đức Phật đều trưởng thành dưới bóng của Phật cả. Xem qua lịch sử, ta thấy biết bao cuộc vinh hư, tiêu trưởng, bao triều đại, bao đế quốc hùng cường, đã xây đắp sự nghiệp giang san bằng sức mạnh, rốt cuộc rồi cũng tan rã như bọt nước trôi sông. Duy có giáo lý mà Đức Phật đã kiến tạo trên căn cơ lý trí và từ bi, chỉ có giáo lý này suốt hơn 2.500 năm nay mà vẫn còn sum sê tươi đẹp và sẽ tươi đẹp mãi mãi bao giờ tín đồ của Phật còn mãi mãi thành tâm tinh tấn nương theo những tôn chỉ đạo đức mà Đức Phật Cồ Đàm (Gotama) đã vạch ra vậy. |