Trong đời, có lẽ không có gì đáng ghê người bằng hình ảnh ngọ nguậy của con sâu, và không có gì đẹp bằng hình ảnh phất phới bay của con bướm màu sặc sỡ. Nhưng hai con chỉ là một từ trong bản chất. Đó là điều huyền mật nhất giữa trần gian. Sinh tử hoà nhập với Niết-bàn, tội lỗi trộn lẫn với thanh cao, giác ngộ ẩn tàng trong vô minh, bóng tối chan hòa cùng ánh sáng, tất cả đều chỉ là một. Chỉ có các bậc chân nhân, như vị vô danh tăng trong Thiên long bát bộ, mới nhận ra và âm thầm thể hiện được huyền nghĩa đó giữa cuộc sống bình nhật đời thường. 

Nếu tác phẩm Kim Dung luôn đưa người đọc đến chỗ bất ngờ, và xem đó là một yếu tố hấp dẫn trong truyện, thì có lẽ sự xuất hiện lặng lẽ của vị tăng vô danh trong Tàng Kinh Các là điều bất ngờ nhất trong tất cả mọi sự bất ngờ. Một vị tăng già không tên tuổi, suốt tháng quanh năm chỉ làm một công việc bình dị tầm thường là quét dọn Tàng Kinh Các, lại hiện thân như một vị Bồ Tát giữa trần gian, hoá giải ân cừu giữa hai nhân vật kiêu hùng tuyệt đỉnh của võ lâm: Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn. Một kẻ lén nhập vào Tàng Kinh Các xem trộm bí kiếp võ công, khổ luyện để mong khôi phục lại nước Đại Yên. Một kẻ ẩn náu trong Thiếu Lâm tự học trộm võ thuật để mong chuyện báo thù. Trong Tàng Kinh Các tưởng chừng như lặng lẽ kia đã ẩn tàng biết bao nhiêu sóng gió. Những cuốn kinh Phật từ bi đầy những điều siêu huyền uẩn áo bỗng nhiên biến thành phương tiện cho tham vọng và cừu hận. Mà dường như chính cõi đời này được sai sử bởi hai động cơ trên, nên mới cứ mãi chảy trôi theo một quĩ đạo vô cùng điên đảo. 

Ai đã từng đọc Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung ắt hẳn không thể quên được hình ảnh vị tăng vô danh đó trong Tàng Kinh Các. Chỉ xuất hiện một lần duy nhất, như cô gái áo vàng ở Chung Nam Sơn (Ỷ Thiên Đồ Long Ký) - nhưng để lại một ấn tượng không thể phai nhoà: điều hoà ân oán thị phi, cứu vãn tình thế đã đi đến chỗ bất khả vãn hồi, đem Phật pháp thâm diệu cảnh tỉnh cho những tâm hồn cuồng điên trong hận cừu và tham vọng.

Kim Dung đã xây dựng nên nhiều nhân vật xuất hiện rất bình thường, mỗi người mỗi vẻ, nhưng lại rất bất ngờ về thân phận. Đó là một Mạc Đại tiên sinh, dưới dạng một ông lão quê mùa, ngồi đàn ca và nhận tiền bố thí trong quán nước. Đó là một Xung Hư đạo trưởng trong y phục luộm thuộm rách rưới của một ông lão cưỡi lừa dưới chân núi Võ Đang. Đó là một Phong Thanh Dương nhợt nhạt như người bệnh, bất ngờ hiện ra sau câu nói của Điền Bá Quang, trên đỉnh Hoa sơn. Nhưng đối với các nhân vật đó, thì ít ra Kim Dung cũng chuẩn bị một bối cảnh lót đường, để người đọc đoán ra phần nào thân phận của họ. Đường kiếm tinh ảo của ông lão nhà quê trong quán nước chém đứt miệng bảy chén trà đã để lại tấm "danh thiếp" của vị chưởng môn phái Hành sơn, sau khi ông bỏ ra đi. Tiếng thở dài khinh bỉ kiếm pháp Hoa sơn, khi nhìn Lệnh Hồ Xung giao đấu với Điền Bá Quang, đã giúp người đọc khẳng định được ngay ông lão trông nhợt nhạt như cái thây ma trên đỉnh Hoa sơn đó, chính là Phong Thanh Dương - một cao nhân tuyệt đỉnh về kíếm thuật. Đối với Xung Hư thì Kim Dung chuẩn bị kỹ càng hơn. Trước khi cùng Xung Hư so kiếm dưới chân núi Võ Đang, Kim Dung đã bố trí cho Lệnh Hồ Xung tỉ thí với hai cao thủ của Võ Đang trong vai hai đại hán gánh củi gánh rau. Nhưng đó mới chỉ đoạn nhạc dạo, một khúc "khai tấu" cho bản "giao hưởng" tiếp theo với ông lão rách rưới bệnh hoạn cưỡi lừa. Chỉ với một thế kiếm mở đầu trận tỉ thí, ông lão kia đã khiến Lệnh Hồ Xung phải kinh hãi, rồi ông ta tiếp tục vây khốn Lệnh Hồ Xung trong làn kiếm quang dày đặc của Thái cực kiếm pháp, và gã tửu đồ lãng tử kia chỉ có thể chiến thắng nổi trong một chiêu tối hậu bằng trí thông minh, bằng lòng quả cảm và bằng tấm chân tình đối với Doanh Doanh! Tiếp theo đó, trong câu chuyện đàm đạo, ông lão lại ngầm đặt mình ngang với Phương Chứng đại sư và cao hơn cả Nhạc Bất Quần thì người đọc - dầu chưa rõ đó là ai - nhưng cũng đoán được phần nào danh phận cực cao của nhân vật. 

Tất cả những nhân vật tuyệt đỉnh đó đều xuất hiện một cách bình dị tầm thường, nhưng ta thấy giữa họ với đời vẫn có một cái gì ngăn cách. Dầu có dấn thân vào chốn phong trần, hoà đồng trong cõi tục, nhưng tâm sự u hoài của Mạc đại tiên sinh trong cung đàn Tiêu tương dạ vũ vẫn ngậm ngùi xa lánh trần gian. Bức huyền nhai nơi thạch động của Phong Thanh Dương, như một đường kiếm cắt đôi cõi đời với cõi thanh tu ẩn tịch. Nó ngăn cản cả bước chân của Lệnh Hồ Xung, dù y là người được vị Thái sư thúc tổ kia yêu mến và coi như là bạn vong niên. Một giới tuyến tuy thơ mộng nhưng rạch ròi đến mức lạnh lùng. Núi Võ Đang tuy gần gũi với bình nguyên của cõi trần tục đấy, nhưng nó vẫn là một tháp ngà của những đạo sĩ phẩm hạnh cao siêu đi tìm cõi vô vi thanh tĩnh. Dù sự xuất hiện của họ có bình dị đến độ nào đi nữa, thì chung quanh thân phận họ vẫn được bao phủ bởi lớp sương mù của huyền thoại và lòng kính ngưỡng của võ lâm. 

Chỉ có vị tăng vô danh trong Tàng Kinh Các kia mới bình dị làm sao, không ầm ĩ, không huyền thoại, không tên tuổi, như tất cả những gì thực sự vĩ đại trên cõi đời này. Già yếu hom hem, đôi mắt như mất hẳn thần quang, quanh năm quét rác, lặng lẽ và vô danh đến mức mọi người trong chùa không ai để ý ngay đến cả sự tồn tại của ông. Đó mới chính là cực điểm trong sự tu học theo truyền thống phương Đông. Nhưng những lời thuyết pháp mộc mạc và võ công kỳ diệu của ông đã làm chấn động cả đương trường. Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn phải tạm chết đi dưới chưởng lực của vị vô danh tăng đó, để rồi sau đó họ mới có thể trùng sinh trong giác ngộ.

Trí thông minh hơn người của họ đã bị tham vọng và lòng thù hận dẫn đi lạc nẻo. Họ chỉ chăm chăm lén lút rèn luyện võ công trong bảy mươi hai tuyệt kỹ Thiếu Lâm tự để mong nhanh chóng đạt được bản lĩnh hơn đời, mà không biết đến các nguy hiểm chí mạng đang rình rập họ. Họ u mê không nhận ra được Phật pháp vô biên dùng để hoá giải hiểm nguy, ẩn tàng trong các cuốn ngữ lục thâm huyền của các bậc tôn túc cùng cuốn Pháp hoa kinh uẩn áo, mà vị vô danh tăng kia đã âm thầm bỏ công hoá độ. Cùng với cách chết tạm của họ là cái chết thực, cái chết vĩnh viễn của tham vọng hận thù. Đứng trước cái chết, mọi sự đều trở nên phù phiếm bọt bèo. Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn đều hoát nhiên đại ngộ mà qui y cửa Phật, vì nhận ra huyền nghĩa của Phật môn qua vị tăng không tên tuổi, điều mà một kẻ đại trí đại dũng như Đại luân minh vương Cưu Ma Trí chỉ nhận ra được, khi bị mất hết võ công.

Vị tăng vô danh kia đã đem Phật pháp vô biên để hoá giải tham vọng hận cừu. Đẹp biết bao là hình ảnh những đại đức cao tăng uyên bác của chùa Thiếu Lâm, vốn chỉ quen thuộc với hình ảnh những pháp sư đa văn quảng kiến đăng đàn giảng kinh, lại kính cẩn ngồi nghe vị sư già quét rác kia thuyết pháp dưới tàng cây! Một lão tăng ốm yếu gầy gò không danh phận lại bỗng nhiên thị hiện như một nhân vật quảng đại thần thông. Con sâu đột nhiên hoá thân thành con bướm, vì con bướm đang tàng ẩn trong chính con sâu! 

Trong Thiền tông có một giai thoại rất lý thú. Ba thiền sư trên đường hành cước, ghé vào một qúan nước nhỏ bên đường. Bà lão bán nước nói: "Trong các vị đây, ai có thần thông thì mới được uống nước". Cả ba thiền sư đều im lặng nhìn nhau. Bà lão bèn nói: "Hãy xem già biểu diễn thần thông đây". Nói xong, bà lão bưng bình trà rót vào từng chén trà! Đó mới chính là thần thông của những tâm hồn giác ngộ. Vị vô danh tăng kia cũng chính là bà lão bán nước. 

Thiền tông chia công việc điều phục cái tâm thành mười giai đoạn, qua hình ảnh kẻ chăn trâu - Thập mục ngưu đồ. Giai đoạn thứ 9 là "quay về nguồn cội" (Phản bổn hoàn nguyên), là giai đoạn đạt ngộ, nhưng đó không phải là giai đoạn cuối cùng, mà chỉ để chuẩn bị bước sang giai đoạn cuối cùng là "thỏng tay vào chợ" (nhập triền thùy thủ). Điều kỳ diệu của kinh Dịch là nó không chấm dứt bằng quẻ Ký tế (việc đã xong) mà bằng quẻ Vị tế (sự chưa thành). Bậc chân nhân giác ngộ sống âm thầm lẫn lộn với cõi đời trong phố thị để thị hiện thần thông, trong những cái rất đỗi tầm thường. Vị vô danh tăng kia cũng chính là người đã "thỏng tay vào chợ".

Con người không bao giờ đủ khôn ngoan và thông tuệ để hiểu được rằng cái phép lạ, mà họ đang mong đợi đó, đang ngập tràn trong cuộc sống bình dị của áo cơm. Nhà thơ Mỹ Walt Whitman (1819-1892) viết một bài thơ diễn tả những điều mắt thấy tai nghe quanh đời, và đặt nhan đề là "Miracles" (Những phép lạ). Đó cũng tâm hồn của một vị Bồ tát phương Tây, đang sống trong cảnh giới "Bình thường tâm thị đạo" (Tâm bình thường là đạo) của Thiền tông. Bàng Uẩn - một cư sĩ Thiền tông - có hai câu thơ lừng danh "Thần thông kiêm diệu dụng, vận thuỷ cập ban sài" (Gánh nước là diệu dụng, chẻ củi là thần thông).

Tín đồ Phật giáo thường mê muội đi tìm phép lạ mà không nhớ rằng đức Phật đã từng ngăn cấm không cho các môn đồ lấy việc tu tập thần thông làm cứu cánh, vì ngài cho rằng thần thông tự nó chỉ là "sản phẩm phụ" của việc tu học theo chính đạo. Tương truyền đức Phật đi trên bờ sông Hằng, gặp một đạo sĩ đang tu khổ hạnh ở đó. Ông này tự hào khoe rằng sau hai mươi năm khổ luyện, giờ đây ông ta có thể vượt qua sông Hằng bàng đôi chân trần. Đức Phật mỉm cười, bảo: "Này anh bạn, tại sao anh phải mất đến hai mươi năm để làm được một điều mà tôi cũng có thể làm được với 5 xu tiền đò?". Trong kinh Tân Ước, khi Chúa Jesus đi trên mặt nước, hay nạt sóng biển, quở quỉ dữ thì điều đó, theo tôi, chẳng có gì là phép lạ, mà phép lạ thực sự đã xảy ra khi Chúa Jesus từ chối không chịu hiển thị phép lạ theo lời thách thức của quỉ là biến đá thành bánh mì, và nhảy từ trên núi cao xuống. 

Đỉnh cao tư tưởng Kim Dung trong Thiên Long Bát Bộ nằm ở hình ảnh vị vô danh tăng đó. Hình ảnh đó nói lên được nhiều điều huyền ẩn trong cõi đạo Đông phương, mà tư tưởng của triết học trường trại không bao giờ với tới được. Thật kỳ diệu biết mấy, khi người duy nhất đứng ra giảng hoà được mọi tham vọng hận thù, hiện thân như một Bồ Tát giữa đời để cứu vãn được bao điều oan nghiệt trên chốn giang hồ lại là một vị tăng quét rác tầm thường, tầm thường đến nỗi không có được một cái tên! 

 


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024