Việc tu tập trong Đạo Phật

(Susanta Nguyễn dịch)

 

Ngày nay, nhiều người thường mô tả việc hành thiền trong đạo Phật như là sự rời bỏ cuộc đời nầy để phát triển một trạng thái tâm thức vắng lặng và tập trung cao độ, trong một khung cảnh được lựa chọn, điều chỉnh, và kiểm soát cẩn thận. Vì thế ở Mỹ và một số nước khác, nơi mà việc hành thiền ngày càng phổ biến, người ta quyết đoán rằng hành thiền là để đạt được một trạng thái vắng lặng và tập trung của tâm trong đó kỹ thuật thiền và việc kiểm soát thân tâm là rất quan trọng.
Kỹ thuật hành thiền là tốt và cần thiết. Nhưng khi đã phát huy được một số năng lực quán chiếu thì bạn không cần, hoặc thậm chí không nên mất thì giờ tinh luyện bằng cách đè nén tất cả những gì thô thiển hay khó chịu xảy ra trong tâm. Trái lại, bạn nên triển khai và phát huy tối đa năng lực quán chiếu và nhạy cảm của tâm để biết rằng, ngay bây giờ, những điều kiện mà bạn nhận thức được - hay nói khác đi, những gì bạn đang cảm xúc, thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm, và suy nghĩ - đều là vô thường.

Vô thường là đặc tính chung của tất cả hiện tượng, cho dù đó là niềm tin vào Thượng Đế hay những hồi tưởng về quá khứ, những tư tưởng sân hận hay tình cảm thương mến, cao hay thấp, thô thiển hay vi tế, xấu hay tốt, dễ chịu hay đau đớn. Bất kỳ tính chất của nó là gì, bạn đang quán sát nó như một sự vật khách quan. Tất cả những gì bắt đầu rồi sẽ chấm dứt. Đó là vô thường. Và bây giờ, như một phương pháp hành trì và quán niệm về cuộc sống, việc khai mở tâm thức sẽ giúp bạn nhìn thấy rõ tình cảm và tư tưởng, bản chất của sắc thân, cùng với những đối tượng giác quan của bạn.
Chúng ta hãy trở lại vấn đề ý thức. Khoa học hiện đại hay khoa học thực nghiệm xem thế giới vật chất mà chúng ta thấy, nghe và cảm nhận được mới là thế giới có thật. Vì thế, thế giới khách quan nầy được xem là một thực tại. Chúng ta có thể trông thấy thế giới vật chất, đồng ý với nhau về tính chất của nó, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm nó, hay thậm chí đồng ý với nhau về cảm nhận hay tên gọi mà chúng ta dành cho nó. Nhưng phải chăng cảm nhận về thế giới nầy cũng chỉ là một điều kiện khách quan được sinh khởi trong tâm thức? Vì ý thức tạo ra cảm tưởng là có chủ thể và khách thể nên khi quan sát về thế giới vật chất, chúng ta nghĩ là chúng ta đang quan sát một cái gì đó tồn tại bên ngoài và biệt lập với chúng ta.

Trong khi giảng dạy giáo lý, Đức Phật đã đẩy quan hệ chủ thể và khách thể đến điểm tận cùng của nó. Ngài dạy rằng tất cả cảm nhận, tất cả trạng thái khởi lên trong tâm thức, tất cả tình cảm, tất cả cảm xúc, tất cả đối tượng thế giới vật chất mà chúng ta nghe và thấy đều thay đổi. Ngài nói, "Những gì có sự bắt đầu sẽ có sự chấm dứt.”Và Đức Phật luôn nhắc đi nhắc lại rằng đây là một cái nhìn trí tuệ rất quan trọng. Nó giải thoát chúng ta khỏi tất cả những mê lầm. Những gì có sự bắt đầu sẽ có sự chấm dứt.

Ý thức cũng có thể được định nghĩa là khả năng thấy biết hay kinh nghiệm của sự thấy biết.  Chủ thể thấy biết khách thể. Khi nhìn vào những sự vật và cho chúng tên gọi, chúng ta nghĩ là chúng ta biết về chúng. Chúng ta nghĩ là mình biết người nầy hay người nọ vì chúng ta biết tên của họ hay ghi nhớ họ trong ký ức. Chúng ta nghĩ là chúng ta biết tất cả mọi việc trên đời vì chúng ta có thể ghi nhớ được chúng. Nhưng phần lớn, khả năng thấy biết của chúng ta luôn bị giới hạn - chúng ta chỉ có thể biết "về”chứ không biết trực tiếp bản chất của sự vật.

Tu tập trong đạo Phật là an trú trong sự tỉnh giác thanh tịnh nơi đó có một loại hiểu biết đặc biệt mà chúng ta gọi là trí tuệ, hay cái thấy biết trực tiếp. Đó là một loại tri giác không dựa trên cảm nhận, tư duy, lập trường, hay học thuyết, mà chỉ có thể có qua sự chánh niệm và tỉnh giác. Chánh niệm và tỉnh giác là khả năng không bị dính mắc vào bất cứ đối tượng nào, dù đó là vật chất hay tinh thần. Khi không bị dính mắc, tâm sẽ ở trong trạng thái tỉnh thức, hiểu biết, và trong sáng thuần tịnh. Đó chính là tỉnh giác và chánh niệm. Tâm tỉnh giác là tâm thanh tịnh, dễ tiếp thu, và nhạy cảm với những gì xảy ra chung quanh. Nó không còn là cái tâm bị giới hạn, quy định và chỉ biết phản ứng lại với những lạc thú và đau đớn, lời khen và tiếng chê, hạnh phúc và đau khổ.

Thí dụ nếu bây giờ bạn đang nổi giận, bạn có thể để cho cơn giận khống chế mình. Bạn có thể cho mình giận là đúng và tiếp tục nuôi dưỡng tình cảm đặc thù đó, hoặc là bạn có thể đè nén cơn giận và tìm cách tiêu diệt nó vì bạn sợ hoặc không thích sự giận dỗi. Tuy nhiên, thay vì chọn một trong hai cách trên, bạn có thể quan sát cơn giận như một đối tượng khách quan. Và nếu cơn giận là bản ngã thật sự của bạn, thì bạn không thể nào quan sát nó được; đây chính là ý nghĩa của những gì mà tôi gọi là "quán tưởng". Cái gì có thể quan sát và suy tưởng về tình cảm giận? Cái gì có thể theo dõi và xem xét tình cảm, sự nóng lạnh của thân thể, hay những trạng thái của tâm? Cái có khả năng quan sát và xem xét nầy chính là tâm quán tưởng hay tâm chánh niệm và tỉnh giác. Tâm của con người là tâm có khả năng quán tưởng.

 

Thiền là gì?

(Dịch giả: Mỹ Thanh)


Hiện nay, chữ ‘Thiền’ được sử dụng rất nhiều để diễn tả nhiều cách thực tập. Trong Phật giáo, chữ Thiền được dùng để chỉ định hai cách thực tập sau đây. Cách thực tập một gọi là “Thiền định”(samatha), và cái thứ hai gọi là “Thiền Minh Sát”(Vipassana).

Thiền định (Samatha) là cách tập trung ý tưởng vào một vật và không để bị chi phối bởi gì khác. Ta chọn một đề mục như hơi thở chẳng hạn, và chú tâm theo dõi hơi thở ra vào. Trong cách thực hành nầy sau một thời gian huân tập, tâm trí của bạn sẽ được an lành, yên tịnh, vì những ý tưởng lăng xăng lộn xộn đến từ những cảm thọ đã bị cắt đứt. Không cần phải nói, muốn được yên tịnh, bạn cần phải sử dụng những gì có thể mang lại sự yên tịnh. 

Nếu bạn muốn náo nhiệt thì đừng tìm đến thiền viện, mà hãy đi vào vũ trường. Sự náo nhiệt hay làm chúng ta chú ý, phải không nào? Sự náo nhiệt có những rung động rất mạnh và chúng hút bạn vào trong đó. Nếu đi xem phim mà phim sôi động thì bạn cũng náo nức không kém. Bạn chẳng cần chút cố gắng nào. Nhưng nếu bảo bạn phải chú tâm vào cái gì yên tịnh thì thiệt là chán, phải vậy không? Còn gì chán bằng khi phải theo dõi hơi thở khi mà bạn đã từng quen chú ý đến những cái náo nhiệt hơn? Vì thế đối với sự thực tập nầy, bạn cần phải có một sự cố gắng lớn nơi tâm trí của bạn, vì hơi thở không có gì đặc biệt, không lãng mạn, không phiêu lưu, hay hấp dẫn…hơi thở rất là tầm thường. Nó chỉ có như thế, vì vậy bạn phải cố gắng nhiều hơn. 

Trong cách thiền nầy, bạn không cần phải sáng tạo bất cứ một hình ảnh nào. Chỉ cần chú tâm theo dõi hơi thở. Sau một thời gian theo dõi hơi thở, dần dần hơi thở sẽ trở nên nhẹ nhàng, đều đặn, và bạn sẽ trở nên trầm lặng hơn… Tôi biết có những lời khuyên nên tập thiền định để giúp không bị áp huyết cao, vì thiền định làm cho nhịp tim đập tốt hơn. Ðây là một cách thực tập để được yên tịnh. Bạn có thể chọn những đề mục khác nhau để tập trung sự chú tâm cho đến khi mà bạn cảm thấy mình và đề mục chú tâm trở nên Một. Sau một thời gian tập luyện đến mức độ nầy thì gọi là “sự hòa nhập”.

Trong khi Thiền Minh Sát (Vipassana) hoặc “Thiền quán”thì với cách thực  tập theo cái nhìn thấu đáo thì tư tưởng của bạn sẽ được mở rộng. Bạn không cần phải chọn những đề mục đặc biệt để tập chú tâm, hoặc phải hòa nhập với chúng. Nhưng bạn chỉ cần nhìn, quan sát để hiểu rõ sự vật như nó là. Khi nào bạn thấy rõ sự vật như nó là thì bạn sẽ thấy những cảm xúc thật là vô thường. Mọi thứ bạn thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm; tất cả những khái niệm trừu tượng… những cảm giác của bạn, ký ức hay ý nghĩ - đang trên đà thay đổi, và tâm tưởng của bạn cũng vì thế mà đổi thay… Chúng xuất hiện một lúc rồi chúng biến mất.

Trong Thiền Vipassana, chúng ta giữ ý niệm của sự vô thường (hoặc thay đổi) như là một cách để quan sát những cảm thọ. Ðây không phải là một triết lý hay một sự tin tưởng có tính cách Phật học, mà đây là thấy được Vô thường - thấy mọi vật một cách thấu đáo, với cặp mắt của hiểu biết, để biết rõ mọi sự vật như chúng là. Ðây không phải là cách phân tách những sự vật để đánh giá rằng chúng như thế nầy hay thế khác - và khi sự vật không như ta nghĩ, ta lại tìm cách suy đoán nguyên nhân tại sao. Với sự thực tập về ‘cái thấy rốt ráo’, chúng ta không phân tách hay thay đổi sự vật theo ý của mình. 

Trong cách thực tập nầy, chúng ta chỉ kiên nhẫn quan sát để thấy những gì xuất hiện sẽ biến mất, cho dù trên phương diện tinh thần hay vật chất. Khi ‘căn’ và ‘trần’ duyên với nhau thì ý thức liền xuất hiện. Sau đó là cảm giác thương hoặc ghét đối với những gì chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm. Tất cả những tên gọi, những ý tưởng, những chữ và khái niệm, chúng ta đặt ra theo kinh nghiệm của sự cảm thọ.

Phần lớn đời sống của chúng ta được dựa trên sự phán đoán sai lầm vì chúng ta không hiểu cũng như không chịu tìm tòi sự thật. Vì vậy đối với một người không ‘tỉnh thức’, cuộc sống dường như chán chường, lộn xộn, nhất là lúc mà những thất vọng hay đau buồn xảy đến. Và như vậy, người đó dễ bị khủng hoảng thần kinh, vì họ đã không quan sát được sự vật như chúng là.

 

Trong danh từ Phật giáo, chúng ta dùng chữ Pháp (Dhamma or Dharma) có nghĩa là “sự thể như nó là”- “luật thiên nhiên”. Khi chúng ta quan sát và ‘thực tập pháp’, chúng ta mở rộng tư tưởng của chính mình để hiểu rõ sự vật như nó là. Như vậy, chúng ta sẽ không còn phản ứng mù quáng, chạy theo những cảm thọ; chúng ta đã hiểu được, và với sự hiểu biết nầy, là một bắt đầu cho sự từ bỏ chạy theo cảm thọ.  

Chúng ta không bị những bề ngoài của sự vật làm mờ mắt, và chúng ta bắt đầu giải thoát cho chính mình khỏi sự ràng buộc. Ðể được tỉnh thức không phải là để trở thành như thế mà là “sống như thế”.  Vì thế, chúng ta hãy tập quan sát ngay bây giờ xem như thế nào, hơn là làm cách nào để trở nên như thế trong tương lai. Ngồi nơi đây, chúng ta quan sát thân thể như nó là. Thân thể thuộc về thiên nhiên, phải không nào? Cơ thể con người thuộc về đất, nó cần được nuôi dưỡng bằng những thức từ mặt đất. Bạn không thể sống bằng không khí hoặc thử nhập cảng thực phẩm từ hành tinh hay vệ tinh. Bạn cần phải ăn những thức ăn được nuôi dưỡng và lớn lên từ trái đất nầy.  Khi mà cơ thể hư hoại, nó trở về cát bụi, nó hư thối, mục rữa và trở nên một với đất. Nó chỉ theo chu trình tự  nhiên của sinh và diệt, của thành và hoại. Tất cả những gì sanh ra sẽ lớn lên, già đi và rồi chết. Tất cả mọi thứ trong thiên nhiên cho đến vũ trụ, cũng có thời hạn của chúng; sanh rồi chết, bắt đầu và kết thúc. Tất cả những gì chúng ta nhận thấy và có khái niệm đều trên đà thay đổi; chúng vô thường, vì thế không có gì có thể làm bạn hài lòng lâu dài.

 Với sự thực tập pháp, chúng ta quan sát sự bất như ý của các cảm thọ. Bạn hãy để ý xem, trong cuộc sống của bạn, khi bạn muốn được như ý từ những cảm thọ thì sự thỏa mãn nầy chỉ ngắn hạn, dù hạnh phúc, cũng chỉ trong giây phút - và rồi thì nó cũng thay đổi. Bởi vì trong ý thức cảm thọ, không có tính chất thường còn.  Vì vậy cảm thọ luôn đổi thay và vì si mê, thiếu hiểu biết, nên chúng ta hay đòi hỏi quá đáng nơi những cảm thọ. Chúng ta hay hy vọng, đòi hỏi, tạo ra đủ mọi thứ để rồi sau đó cảm thấy thất vọng, chán chường, hối tiếc, với nỗi thống khổ già, bệnh, chết. 

Ðây là cách xem xét ý thức của cảm thọ. Tư tưởng có thể suy nghĩ một cách trừu tượng, có thể tạo ra đủ thứ ý kiến và hình ảnh, có thể làm cho mọi vật trở nên xinh đẹp hay thô xấu. Nó có thể biến một trạng thái từ sang đẹp, hạnh phúc tới đau đớn, thô kệch, khổ sở: từ thiên đàng đến địa ngục. Nhưng không có thiên đàng hay địa ngục thường trực, bởi vì tất cả đều là vô thường. Trong lúc chúng ta thực tập thiền, chúng ta bắt đầu biết được những giới hạn, thấy rõ sự bất như ý, tính chất thay đổi của cảm thọ; chúng ta cũng bắt đầu hiểu rằng không có gì là “tôi”hay “của tôi”, tất cả chỉ là “anatta”, vô ngã. 

Vì vậy, khi hiểu rõ điều nầy, chúng ta bắt đầu giải thoát cho chính chúng ta khỏi những ràng buộc với những trạng thái của cảm thọ. Không phải là chúng ta chán ghét chúng nhưng để hiểu rõ thực chất của chúng.

Ðây là một sự thật cần được thấu hiểu, không phải là niềm tin. “Anatta”không phải là niềm tin của Phật giáo nhưng mà là một chứng nghiệm thực sự. Bây giờ nếu bạn không chịu bỏ thời gian để tìm hiểu điều nầy, và vì thế suốt cuộc sống của bạn, bạn tin rằng bạn là thân thể nầy. Mặc dù đôi lúc bạn cũng chợt nghĩ, “Ô, tôi không phải là thân nầy”lúc bạn đọc một bài thơ gây hứng khởi hoặc một đoạn về triết lý mới. Bạn có thể nghĩ thật là hay quá, vì mình không phải là thân thể nầy, nhưng chính bạn đâu có chứng nghiệm được điều đó. Cho dù có những người rất thông thái sẽ nói, ‘chúng ta không phải là thân thể, thân thể không phải là tôi’ – nhưng thật ra, nói thì dễ, nhưng thật sự Biết thì là việc khác.  

Xuyên qua việc thực tập Thiền, khi có được sự hiểu biết về tính chất thật của sự vật, chúng ta bắt đầu cởi trói cho chính chúng ta khỏi những ràng buộc tham đắm. Khi chúng ta không còn đòi hỏi, ham muốn thì chúng ta sẽ không còn hối tiếc hay chán nản, đau buồn khi chúng ta không được những gì chúng ta muốn.

Và đây là mục đích - Niết-bàn (Nibbana hay Nirvana), là sự thấu hiểu về không ham muốn bất cứ điều gì có bắt đầu và có kết thúc. Khi chúng ta bỏ đi những ham muốn thường hằng, chúng ta bắt đầu thấu hiểu được sự bất tử. 

Nhiều người chỉ sống một cuộc sống giống như con chó của Pavlovian. Dù có thông minh nhưng chỉ là sự thông minh được ‘uốn nắn’ sẵn. Nhìn xem con chó của Pavlovian, chảy nước dãi khi nghe tiếng chuông – chúng ta cũng có hơn gì đâu. Bởi vì với kinh nghiệm cảm thọ, tất cả chỉ là được ‘uốn nắn’ sẵn. Thân thể, cảm giác, ký ức, ý nghĩ là những khái niệm đã ‘có sẵn’ trong tâm thức, xuyên qua cuộc sống làm người. Ðược sanh ra trong một gia đình, chủng tộc, quốc tịch, thuộc về một giai cấp nào đó, dựa trên cơ thể đàn ông hay đàn bà, xấu hay đẹp, vân vân và vân vân.  Ðây là tất cả những trạng thái ‘có sẵn’, không phải là của chúng ta, không phải Tôi hay Của tôi. Những trạng thái nầy theo quá trình của quy luật thiên nhiên, chúng ta không thể nói, “Tôi không muốn già đi”– Chúng ta có thể nói như thế, nhưng mà cơ thể vẫn cứ già. Chúng ta không thể nào đòi hỏi cơ thể không bao giờ đau đớn hay đừng bịnh, lúc nào cặp mắt cũng thấy rõ, tai lúc nào cũng nghe rõ.

 Chúng ta thường hy vọng như vậy, có phải không nào?  “Tôi mong sao cho tôi luôn khỏe mạnh, không bao giờ bị tàn tật, luôn luôn có mắt sáng, không bao giờ bị mù lòa; có tai thính để luôn luôn nghe rõ, không như những người già lãng tai, luôn bị người la vào mặt; và tôi sẽ không bị lãng, lúc nào cũng điều khiển được các giác quan của mình cho đến khi 95 tuổi, vẫn còn lanh lẹ, sáng suốt, yêu đời, và được chết trong giấc ngủ không đau đớn.”

Chúng ta ai ai cũng đều mong muốn như vậy cả. Có những người trong chúng ta có thể sống lâu và chết an lành. Cũng có thể xảy ra như thế, nhưng mà khó nói trước lắm! Nhưng gánh nặng cuộc sống sẽ nhẹ đi nhiều nếu chúng ta biết được giới hạn của chính mình. Chúng ta sẽ biết được chúng ta làm được gì và học được gì trong đời sống nầy.  Những nỗi khổ đau của con người đều bắt nguồn từ những ham muốn quá đáng, muốn được hết những gì mình đòi hỏi. 

Do đó, khi thực tập thiền, thì chúng ta sẽ thấu hiểu rõ ràng về sự vật cũng như tính chất thật của chúng. Chúng ta có thể thấy vẻ đẹp, vẻ cao quý, sự sung sướng, cũng như sự xấu xí, sự đau đớn, nỗi khổ đau, là những trạng thái vô thường. Nếu bạn thật sự hiểu điều nầy thì bạn có thể sung sướng và chịu đựng tất cả những gì có thể xảy ra cho bạn. Thật ra, bài học của cuộc sống là học chịu đựng những gì chúng ta không thích nơi chúng ta cũng như nơi cuộc sống, để trở nên kiên nhẫn và tử tế hơn và sẽ không quá chú trọng đến những gì bất toàn nơi những cảm thọ. Chúng ta có thể thích ứng và chịu đựng cũng như chấp nhận tính cách đổi thay của sự vật, để không còn bám víu vào chúng nữa. Khi chúng ta không còn đồng hóa mình với sự vật, chúng ta sẽ kinh nghiệm được bản chất thật của mình. Một cái gì đó trong sạch, sáng suốt, hiểu biết. Không còn sự lệ thuộc giữa ta và vật. Không có “của tôi”hay “tôi”… không có gì để bám víu vào hay phải đạt cho được.

Những lời dạy của Ðức Phật giúp chúng ta thấy rõ được sự vật như chúng là. Những lời dạy đưa chúng ta đến sự hiểu biết. Những lời nầy không phải là những lời răn hay giáo điều mà chúng ta buộc phải chấp nhận hay tin tưởng. Chúng ta không học những lời dạy của Ðức Phật như học bài; nhưng mà học những lời nầy để tự nhắc nhở mình phải luôn tỉnh thức, sáng suốt và chú ý đến những gì đang xuất hiện cũng như biến mất. 

Ðây là một cách luôn luôn theo dõi và quan sát không ngừng nghỉ về những hiện tượng của cảm thọ. Khi có được thân thể nầy và sống trong một xã hội như hiện nay, ai ai trong chúng ta cũng cảm thấy bị ‘búc xúc’ phần nào. Mọi sự diễn biến rất nhanh… truyền hình và máy móc hiện đại, xe cộ… mọi thứ dường như tiến triển ở mức độ khá nhanh. Thật là hay, thật là náo nhiệt và thích thú, và mọi thứ hình như thu hút mọi giác quan của chúng ta. Chẳng hạn ở Luân Ðôn, để ý xem, chúng ta sẽ thấy những bích chương quảng cáo mời gọi chúng ta dùng rượu và thuốc lá!  Sự chú ý của chúng ta được mời gọi để tiêu thụ, các giác quan luôn luôn tìm kiếm những kích thích mới cho sự cảm thọ. Xã hội vật chất luôn kích thích lòng tham của chúng ta, để cho chúng ta phải xài tiền, và sẽ không bao giờ hài lòng với những gì mình đang có. Lúc nào cũng phải có gì khác hơn, tốt hơn, đẹp hơn, ngon hơn, mới hơn những thứ của ngày hôm qua… Và cứ tiếp tục như thế, các giác quan của bạn bị bao thứ mời gọi, lôi kéo…

 Nhưng khi chúng ta bước vào thiền phòng, chúng ta không đến đây để nhìn nhau, hoặc để cho những đồ vật trong phòng lôi cuốn. Nhìn mọi vật để nhắc nhở lấy mình, nên tập trung tư tưởng vào một vật an lành, hoặc tìm hiểu và suy ngẫm về bản chất của sự vật. Chúng ta cần phải chứng nghiệm điều nầy tự nơi bản thân mỗi người. Không có sự giác ngộ của ai khác có thể làm cho mình trở nên giác ngộ. Ðây là một việc làm đòi hỏi nơi tự tâm. Không thể nào đem sự giác ngộ của người khác để giúp mình giác ngộ. Ðây là một cơ hội để khuyến khích và chỉ dẫn cho những ai muốn ‘tự thức tỉnh’. Nơi đây, thường thì không ai giựt bóp của bạn cả! Vì đây là Thiền Viện nên vẫn an toàn hơn ngồi ở gánh xiếc phải không nào? Thiền Viện là nơi tạm trú để khai thị tư tưởng của chúng ta. Ðây là một cơ hội duy nhất của chúng ta để thực tập Thiền khi chúng ta đang mang được thân người. 

Ðược làm người chúng ta có được tư tưởng có thể suy ngẫm và quan sát. Bạn có thể quan sát sự giận dữ, hay ghen tuông, hoặc sự lộn xộn nơi tư tưởng của mình. Khi bạn ngồi xuống và cảm thấy thật sự lộn xộn hay tức giận, có một cái gì nơi bạn đang biết được điều nầy. Nếu bạn không thích nó thì bạn sẽ phản ứng một cách mù quáng. Nhưng nếu bạn kiên nhẫn và quan sát thì bạn sẽ thấy sự tức giận, lộn xộn, hay tham lam đều là những trạng thái luôn thay đổi, không thường hằng. Nhưng một con thú thì không thể quan sát như chúng ta được. Khi nó giận thì nó chỉ biết giận. Thử bảo một con vật nào đang giận, quan sát cái giận của nó xem!  Dĩ nhiên là không thể nào được. Nhưng chúng ta có thể quan sát được con mèo, và luôn cả những ham muốn của nó khi nó nhìn thấy đồ ngon. Chúng ta thấy đồ ngon, thích thú những đồng thời cũng thấy được cái ham muốn nơi chính mình. Và đây là cách dùng sự sáng suốt của chính mình để theo dõi cái ham muốn và để hiểu rõ nó hơn. Cái mà đang quan sát sự ham muốn. Sự ham muốn không thể quan sát lấy chính nó. Vì thế cái mà đang quan sát theo dõi sự vật, chúng ta gọi là “Phật”hay “Phật tánh”- ‘Cái biết’ , sự chú ý về những gì đang xảy ra.


Hạnh Phúc, Khổ Đau và Niết-bàn

(Mỹ Thanh dịch)

 

Mục đích của Thiền Phật Giáo là Niết-bàn. Chúng ta hướng đến Niết-bàn và tránh xa những rắc rối của thế giới dục lạc - vòng tròn không dứt của những thói quen. 

Niết-bàn là mục đích mà ta có thể đạt được ngay hiện đời. 

Chúng ta không cần đợi lúc lìa đời mới biết Niết-bàn hiện hữu.Các giác quan & thế giới dục lạc là cõi của Sanh, Già, Bệnh, Chết. 

Cái thấy là một thí dụ, nó dựa vào rất nhiều nguyên nhân: cho dù là ngày hay đêm, cho dù mắt tốt hay không tốt.

 Chúng ta hay bám víu vào màu sắc, hình dáng mà ta cảm nhận được bằng mắt và bắt đầu đồng hóa với chúng. 

Kế đến là lỗ tai và cái nghe. Khi chúng ta nghe những âm thanh chói tai thì chúng ta chán ghét. Cái ngửi thì cũng vậy. Chúng ta tìm kiếm những mùi thơm tho, và không ưa những mùi hôi thối.

 Với cái nếm cũng thế, chúng ta kiếm những vị thơm ngon và tránh những vị dở. Kế nữa là sự xúc chạm - có bao lần trong đời, chúng ta trốn chạy những xúc chạm khó chịu, đau đớn và tìm kiếm những xúc chạm dễ chịu. 

Cuối cùng là sự suy nghĩ, sự phân biệt. Cái suy nghĩ và phân biệt nầy đem lại cho chúng ta bao niềm vui cũng như nỗi khổ. Bời vì đây là những cảm giác, cảm xúc. 

Chúng ta đang ở trong thế giới dục lạc - Thế giới của Sanh Tử. Do đó đau khổ, bất toàn, và bất như ý là những điều hiển nhiên. 

Bạn không bao giờ tìm được hạnh phúc hoàn toàn, không bao giờ hài lòng và an bình trong thế giới dục lạc. Nơi đây chỉ có thất vọng và sự chết. 

Thế giới dục lạc là bất như ý, do đó khi chúng ta tìm sung sướng nơi đây - chúng ta chỉ được kết quả đau khổ mà thôi. 

Chúng ta sẽ đau khổ nơi thế giới nầy khi mà chúng ta đòi hỏi nơi đây nhiều hơn là nó có thể mang lại cho chúng ta. 

Chẳng hạn như đòi sự an toàn tuyệt đối, tình yêu vĩnh viễn, và mong đời sống của chúng ta chỉ toàn niềm vui và không có đau buồn.  

“Nếu chúng ta có thể đoạn diệt được bệnh hoạn và tuổi già.”Tôi còn nhớ hai mươi năm trước ở Mỹ Quốc, người ta hy vọng vào khoa học tiên tiến để loại trừ hết bệnh tật. 

Họ nói: Tất cả bệnh về tâm thần là do hóa chất trong cơ thể không được cân bằng. Nếu chúng ta có thể tìm ra công thức của những hợp chất và chích những hóa chất mà ta thiếu vào trong cơ thể thì bệnh tâm thần như phân tán tâm thần (schizophrenia) sẽ được chữa lành. Sẽ không còn bệnh đau lưng hay đau đầu nữa. 

Chúng ta có thể thay thế tất cả bộ phận bên trong bằng những bộ phận tốt hơn làm bằng plastic. Tôi còn đọc một bài báo của Úc Châu nói là họ sẽ làm thế nào để chiến thắng tuổi già! 

Nhưng hiện giờ dân số của thế giới cứ tiếp tục gia tăng, chúng ta cứ tiếp tục sanh con và nếu không ai già và không ai chết... Thử xem thế giới sẽ hỗn loạn đến mức nào. 

Thế giới sắc dục là bất như ý và điều nầy là hiển nhiên. Khi mà chúng ta bám víu vào thế giới nầy, thì chúng ta chỉ có thất vọng - vì bám víu nghĩa là muốn được như ý - chúng ta muốn thế giới nầy làm vừa lòng chúng ta, làm cho chúng ta sung sướng và hạnh phúc, an toàn. Nhưng chúng ta hãy nhìn lại bản chất của hạnh phúc.

Chúng ta có thể hạnh phúc trong bao lâu? 

Hạnh phúc là gì? Bạn có thể nghĩ là khi mà bạn có được những gì bạn mong muốn, đó là hạnh phúc. Người nào đó nói điều gì, hay làm điều gì mà bạn hài lòng và bạn cảm thấy vui, cảm thấy hạnh phúc. Người nào làm đồ ăn ngon đãi bạn - bạn vui. Bạn vui khi trời đẹp, có nắng ấm. Nhưng bạn có thể vui trong bao lâu?

Ở Anh Quốc, thời tiết thay đổi liền liền, sự sung sướng, vui thích lúc nắng ấm bên Anh là một việc không hoàn toàn được như ý, vả lại chúng ta đâu phải lúc nào cũng vui khi được thời tiết đẹp.

Tóm lại, đau khổ là khi không được cái mà ta mong muốn. Muốn trời đẹp, mà trời mưa. Người ta làm những việc mà mình không vừa ý, đồ ăn không ngon v...v...

Đời sống nhàm chán, đơn điệu khi mà ta không vừa ý với đời sống ta đang có. Do đó hạnh phúc và khổ đau dựa trên những gì ta muốn và được, hoặc không muốn mà phải chịu có. 

Nhưng hạnh phúc là mục đích của mọi người trong cuộc sống nầy. Trong luật nhân quyền của Mỹ, có nói đến tự do tìm hạnh phúc. 

Làm cho được những gì mình mong muốn, và đây là mục đích của chúng ta trong đời sống hằng ngày. Nhưng hạnh phúc lúc nào cũng đưa đến đau khổ vì nó là Vô Thường. 

Bạn có thể hạnh phúc được trong bao lâu? Ráng thu xếp, điều khiển, làm mọi cách để có những gì ta muốn, luôn nghe được những điều ta muốn nghe, thấy những gì ta muốn thấy, để cho ta không phải nếm đau khổ hay thất vọng - Nhưng đây chỉ là một việc làm vô ích. Một điều không thể thực hiện đưọc, phải không? 

Vì thế đây không phải là một điều mà ta có thể dựa vào hay lấy đó làm mục đích cho đời sống.

Hạnh phúc luôn luôn là thất vọng vì nó hiện hữu một cách ngắn ngủi và tiếp theo là đau khổ.

Hạnh phúc lúc nào cũng tùy thuộc vào những nguyên nhân khác - Chúng ta hạnh phúc khi chúng ta mạnh khỏe, nhưng cơ thể con người luôn bị đổi thay; chúng ta có thể mất sức khỏe một cách nhanh chóng. Lúc ấy chúng ta thiệt là khổ vì bệnh hoạn làm mất đi cảm giác mạnh mẻ, đầy sức sống.

Do vậy, mục đích của người Phật tử không phải là tìm hạnh phúc vì biết nó không thật.

Mục đích thật , nằm ngoài thế giới dục lạc. Không có nghĩa là chối bỏ thế giới nầy, nhưng mà là hiểu được nó một cách cặn kẽ để mà thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn.

Chúng ta không còn chờ đợi nó mang hạnh phúc lại cho chúng ta nữa. Chúng ta không còn đòi hỏi quá đáng và bắt đầu ý thức về bản chất thật của thế giới mình đang sống. 

Chấp nhận bản chất thật của nó trong mọi trường hợp và hoàn cảnh. Ta không còn bám víu vào những cảm xúc nhất thời lúc hạnh phúc cũng như khi đau khổ.  

Niết-bàn không phải là trạng thái trống vắng mà là một trạng thái tỉnh thức - khi mà ta không còn bị lôi cuốn theo những pháp trần.

Bạn sẽ không còn đòi hỏi thứ gì nơi cõi dục lạc nầy. Bạn chỉ nhận biết tất cả là những hiện tượng của có và không. 

Trong hiện tại được thân người, chúng ta không thể tránh khỏi già, bệnh, chết. Một lần, có một người đàn bà trẻ ẵm con đến Thiền Viện ở Anh Quốc. Đứa bé bệnh đã hơn một tuần và bị ho rất nhiều. Người mẹ nhìn con với vẻ thất vọng và khổ sở.

Bà ngồi ôm con, đưá bé bắt đầu ho và la khóc đỏ cả mặt mày. Bà mẹ nói:

"Ôi! Thầy Sumedho, tại sao con tôi phải khổ như thế? Nó chưa từng hại ai, chưa làm gì sai trái. Tại sao? Chẳng lẻ kiếp trước nó đã làm gì nên tội, nên bây giờ phải chịu khổ như thế?"

Thật ra đứa bé khổ vì nó đã ra đời! Nếu nó không ra đời thì đâu phải chịu khổ. Khi mà chúng ta được sanh ra tức là chúng ta sẽ phải gánh chịu bệnh hoạn, đau đớn, già và chết.

Đây là một điều quan trọng cần suy ngẫm. Chúng ta có thể đoán chừng là kiếp trước, đứa bé nầy có lẻ đã bóp cổ mèo, chó gì đó, và bây giờ phải chịu trả nghiệp mà nó đã gieo.

Nghĩ và đoán chừng như thế nầy cũng chẳng lợi ích gì. Ta chỉ cần biết là khi được sanh ra là do Nghiệp.

Mỗi người trong chúng ta đều phải chịu bệnh, đau, đói, khát, già, và cuối cùng là chết. Đây là định luật của Nghiệp báo!

Cái gì có bắt đầu thì phải có kết thúc, có sanh thì có tử, có sum hợp thì có chia ly. Chúng ta không phải chán đời vì những điều nêu trên, nhưng chúng ta nên chiêm nghiệm để mà đừng đòi hỏi nhiều nơi cuộc sống ở đây.

Nhờ vậy ta mới có thể đương đầu với cuộc sống, chịu đựng khi gặp trở ngại, hài lòng khi mọi việc êm xuôi. Nếu hiểu được như thế, chúng ta có thể sống vui và không trở thành nạn nhân của cuộc sống.

Bao nhiêu đau khổ xảy ra trong đời sống con người cũng chỉ vì chúng ta đòi hỏi quá đáng. Chúng ta có những ý tưởng lãng mạn như là gặp đúng ý trung nhân, thương nhau và sống với nhau hạnh phúc suốt đời; nghĩa là chúng ta sẽ không cãi nhau, một liên hệ hoàn hảo.

Nhưng còn cái chết thì sao? Bạn có thể nghĩ, "nếu hai chúng ta có thể chết cùng lúc.”Đây chỉ là hy vọng phải không?

Hy vọng và rồi thất vọng khi một người thân yêu vĩnh viễn ra đi - trước khi bạn đổi ý bỏ đi theo một người nào khác.

Bạn có thể học được rất nhiều từ nơi trẻ em, bởi vì trẻ em không biết che dấu những cảm xúc. Khi chúng vui thì cười, khi chúng buồn thì khóc.

Một lần tôi đến nhà một cư sĩ. Khi chúng tôi đến, đứa con gái trông thấy cha nó thì rất là vui mừng. Người cư sĩ nói với con:

"Cha phải đi với Thầy Sumedho, chỉ một chút thôi - sẽ trở lại trong vòng một tiếng.”Đứa bé chưa đủ trí khôn để hiểu câu trở lại trong vòng một tiếng, và nó bắt đầu la khóc. Bởi vì sự chia ly đột ngột của người thân yêu là một nỗi khổ lớn. 

Hãy để ý xem trong cuộc sống của chúng ta, khi nào có khổ đau là lúc mà ta phải chia ly với người thân yêu, hay mất đi một vật gì mà ta yêu thích; hoặc phải rời xa một chỗ mà ta hằng yêu mến. 

 Là người lớn chúng ta có đủ sáng suốt để hiểu rằng chúng ta đi rồi sẽ trở lại - nhưng nỗi buồn vẫn man mác đâu đây. 

Từ tháng ll đến tháng 3, tôi du lịch khắp nơi... mỗi lần đến phi trường, gặp người đón tôi chào anh/chị, và vài ngày sau thì chào tạm biệt, lúc nào cũng có ý sẽ trở lại và tôi nói vâng, tôi sẽ trở lại... và như vậy tôi hứa với tôi sẽ trở lại năm sau.

Ta không thể nói chào vĩnh biệt với người mà chúng ta mến thương, phải không nào?

Vì vậy, chúng ta nói tôi sẽ gặp lại anh/chị; tôi sẽ điện thoại, tôi sẽ viết thư, và hẹn gặp lại... Chúng ta nói lên những câu nầy để che đậy phần nào cảm giác buồn xa cách. Đây là cảm giác tự nhiên. 

Trong Thiền định chúng ta bắt đầu chứng nhận đau khổ, để hiểu rõ nó hơn, và không đè nén, hoặc bỏ nó qua một bên. Bên Anh, người ta có khuynh hướng đè nén đau khổ khi người thân qua đời.

Họ tránh không khóc, và ráng giữ bình tĩnh. Và khi họ bắt đầu thực tập Thiền thì họ thấy, họ tự nhiên khóc cho một người đã chết cách đây 15 năm.

Họ đã không khóc và chờ 15 năm sau mới giải tỏa nỗi lòng. Khi mà người thân qua đời, chúng ta không muốn chấp nhận nỗi khổ, và không khóc vì khóc là yếu đuối, và mắc cỡ với mọi người chung quanh. Do đó, chúng ta đã đè nén và giữ lại những cảm xúc, không nhận thức được đây là một hiện tượng tự nhiên. 

Trong Thiền định, chúng ta để cho tâm trí rộng mở và để cho những gì bị đè nén, chèn ép, được nhận diện, và khi mà những vấn đề được nhận diện thì chúng sẽ tự dưng chấm dứt.

Chúng ta để cho mọi việc trôi theo tiến trình của nó - Sanh và Diệt. Chúng ta để nó tự nhiên mất đi hơn là chúng ta xua đuổi nó đi. 

Thông thường thì chúng ta hay đẩy những vấn đề qua một bên, từ chối không chấp nhận hoặc không chịu ý thức sự hiện diện của chúng. 

Khi chúng ta ngắm nhìn hoa đẹp, trời xanh, đọc sách, xem TV, tức giận, chán chường, hoặc làm việc gì đó. Chúng ta không khi nào nhận thức được một cách hoàn toàn những việc nầy.

Chúng ta không nhận thức được nỗi buồn, nỗi thất vọng của chính mình vì chúng ta thường tìm cách khỏa lấp chúng bằng cách: Ta có thể ăn bánh, kẹo, và nghe nhạc. Rất dễ dàng để thấm hồn vào âm nhạc, tránh được sự nhàm chán, thất vọng. 

Chúng ta lệ thuộc vào việc xem TV, và đọc sách. Có rất nhiều sách đến nỗi ta cần phải đốt bớt, vì có bao sách vô bổ. 

Mọi người thi nhau viết về mọi thứ mà không có thứ nào đáng để nói cả. Ngày nay có bao tài tử viết và làm phim về cuộc đời của họ. Rồi có những đề mục về tán gẫu. 

Con người muốn tránh sự nhàm chán của đời sống riêng mình, cho nên đọc những chuyện về thiên hạ, chuyện liên quan đến tài tử nổi tiếng và những nhân vật quan trọng.

Chúng ta không bao giờ nhận thức được bản chất thật của sự nhàm chán. Khi mà sự nhàm chán xuất hiện thì tức thời chúng ta chạy tìm những cái hấp dẫn, những thú vui khác để khoả lấp nó.

Nhưng trong lúc Thiền định, chúng ta để cho sự nhàm chán bộc lộ. Chúng ta để cho thất vọng, chán chường, ganh tỵ, giận dữ, oán ghét... xuất hiện và ý thức nhận diện chúng với bản chất thật của chúng không thêm không bớt. 

Bằng vào từ tâm và trí tuệ, chúng ta để cho những điều nầy tự Sanh và Diệt - tốt hơn là đè nén chúng theo thói quen. Nếu chúng ta cứ muốn đè nén những cảm xúc thì đây là một thói quen không tốt. 

Khi chúng ta thất vọng và chán chường, chúng ta không thể nào thưởng thức được những vẻ đẹp; vì bình thường chúng ta chưa bao giờ nhận thức được bản chất thật của cái đẹp.

Tôi còn nhớ một kinh nghiệm trong năm đầu thực tập Thiền ở Thái Lan. Trong năm đó, tôi sống một mình trong chòi lá và những tháng đầu thật là khủng khiếp...

Bao nhiêu là thứ nổi lên trong tâm thức - ham muốn, sợ hãi, khủng hoảng và ganh ghét. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình có nhiều ganh ghét đến thế. 

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình ghét ai, nhưng trong những tháng đầu Thiền định, tôi hình như ghét tất cả mọi người. Tôi không thể nghĩ tốt về ai hết, có rất nhiều phản kháng hiện ra trong tâm thức.

Cho đến một buổi trưa, tôi bắt đầu thấy một điều lạ... Lúc đó, tôi nghĩ là tôi điên -Tôi thấy người ta đi ra khỏi óc của tôi - Tôi thấy mẹ tôi bước đi khỏi óc tôi và tan vào trong hư không. Rồi cha và chị tôi bước đi kế tiếp. Đây là một kinh nghiệm rất là khó chịu. 

Sáng hôm sau thức dậy nhìn quanh, tôi cảm nhận và thấy rằng tất cả mọi vật đều tuyệt đẹp. Tất cả, kể cả những cái bất toàn cũng đẹp.

Tôi trong tình trạng ngạc nhiên cực điểm. Cái chòi được dựng nên rất thô sơ, nhưng lúc ấy tôi như sống trong cung điện. Những cây cằn cỗi trông như khu rừng xanh tươi, đẹp đẽ. Ánh nắng tràn ngập qua cửa sổ chiếu lên một cái dĩa plastic - trông thật là đẹp vô cùng. 

Tôi sống trong cảm giác tươi đẹp ấy trong vòng một tuần lễ và chiêm nghiệm nó; và tôi đột nhiên hiểu rằng mọi vật có chu trình của nó và chỉ khi nào tâm thức thật sáng suốt thì ta mới cảm nhận được một cách đầy đủ.

Trong bao tháng, cửa sổ có rất nhiều bụi bám, nhưng tôi không hề hay là cửa sổ dơ. Mãi cho đến lúc đó, tôi mới nhận ra rằng mình đã nhìn thấy mọi việc qua khung cửa sổ dơ bẩn. Và vì thế, cho nên tất cả những gì tôi thấy đều mang màu sắc xám, xấu xí. 

Thực hành Thiền là lau chùi cửa sổ, là thanh lọc tinh thần, để cho mọi việc đến và đi không chút vướng bận. 

Một khi đạt Giác ngộ, kiến tánh, chúng ta sẽ nhận xét một cách rốt ráo bản chất thật của sự vật. Không còn bám víu vào cái sắc tướng nữa. 

Nhờ vậy chúng ta không còn bị cuốn theo thói quen qua cái nhìn của Vô minh mà thật sự thấy rõ lẽ tự nhiên của tạo hóa. 

Có sanh là có già, có bệnh và có chết. Nhưng đây là nói về thân thể của bạn, không phải bạn. Thân thể của bạn không thật là của bạn. 

Không cần biết bạn có những đặc điểm gì, cho dù bạn có khoẻ mạnh hay đau yếu, đẹp hay không đẹp, trắng hay đen, tất cả đều là Vô Ngã. Đó là ý nghĩa của Anatta. 

Thân thể con người thuộc về thiên nhiên, nó bị chi phối bởi thiên nhiên, sanh ra, lớn lên rồi già, rồi chết. Biết là biết như thế, nhưng chúng ta vẫn bám víu vào thân thể nầy rất nhiều. 

Ta có thể nói: "Tôi là người sáng suốt, tôi sẽ không khi nào bám víu vào thân nầy.”Như vậy thì là ta đã quá lý tưởng rồi. 

Tựa như chúng ta muốn leo lên ngọn cây, ta nói: "Tôi đáng lý phải ở ngọn cây, không phải ở dưới đất.”Nhưng thật ra ta phải khiêm mình chấp nhận là ta hiện ở gốc cây, phải nhìn lại những việc xem như tầm thường, trước khi ta biết nhận diện được cái gì là ngọn cây.

Đây là chiêm nghiệm một cách sáng suốt. Khi mà tâm thần được chút gì trong sáng, ta cũng không nên bám vào cái mà gọi là thanh tịnh, sáng suốt.

Bởi vì cả đến những cảm giác, ý tưởng cao tột, trong sáng nhất cũng là Vô thường, vì chúng đều dựa vào những yếu tố khác để mà hiện hữu. 

Niết-bàn thì khác. Những nguyên nhân xấu hay đẹp, hay hoặc dở, thanh cao hay gì gì đi nữa -chúng xuất hiện và rồi biến mất, không dính dáng gì đến bản thể của Niết-bàn. 

Chúng ta không nên chán bỏ thế giới nầy, vì khi chúng ta cố gắng loại bỏ những cảm xúc thì chúng ta có thể sẽ trở nên thờ ơ, lãnh đạm. Chúng ta cần phải kiên nhẫn. 

Cuộc sống của con người là một cuộc sống trong Thiền định. Hãy xem phần cuối cuộc đời ta như là một buổi thực tập Thiền dài hơn là 10 ngày.

Khi mà bạn Thiền và đạt đến trình độ cao hơn, thì những việc tầm thường hằng ngày dường như là trở nên nhàm chán.

Bạn đang lên cao và khi trở về với cuộc sống thực tại, với những công việc độc điệu, thì còn tệ hơn là lúc bạn chưa Thiền, phải không nào?

Khi đến mức độ cao thì tự nhiên sinh hoạt hằng ngày trở nên quá tầm thường, thô kệch, và khó chịu. 

Sự sáng suốt (Giác ngộ) không phải là thích thanh cao và chán ghét những cái thô kệch, nhưng nhận chân ra là dù thanh cao hay thô kệch thì cũng chỉ là những giai đoạn của Vô thường. 

Vô thường thì là bất như ý. Vì vậy, chúng sẽ không bao giờ làm ta hài lòng vì chúng là Vô ngã. Chúng không phải là ta và ta không phải là chúng. 

Vì vậy giáo lý của Phật dạy thật là đơn giản - có gì đơn giản hơn là cái gì có sanh thì có diệt. Đây đâu phải là một triết lý cao siêu gì, kể cả dân bộ lạc thiếu học cũng biết điều nầy. Bạn không cần phải vào đại học mới biết được điều nầy.

Khi ta còn trẻ, ta nghĩ "Tôi còn những bao năm của tuổi trẻ và hạnh phúc". Nếu ta nghĩ ta đẹp thì "Tôi sẽ trẻ, sẽ đẹp hoài hoài".

Nếu ta 20 tuổi, đang vui chơi, thì cuộc sống thật là tuyệt vời và nếu có ai đó nói: “Anh ngày nào đó sẽ chết". Ngay khi ấy, ta nghĩ đây là một kẻ đang chán đời, không nên mời anh ta đến nhà mình nữa.

Chúng ta không muốn nghĩ đến cái chết, chỉ lo nghĩ đến cuộc sống là đẹp, là vui. Chúng ta có thể có được bao nhiêu niềm vui trong đời?

Khi là Thiền sinh, chúng ta suy ngẫm về già và chết. Đây không phải là ý nghĩ chán đời, bệnh hoạn hay u ám, nhưng mà là bắt đầu hiểu được chu kỳ của cuộc sống, để sống một cách thận trọng hơn.

Bao người làm những việc rất dã man, vì họ không chịu suy nghiệm về cái chết của chính họ. Họ chỉ chạy theo những dục vọng và cảm thọ nhất thời, chỉ muốn được phần mình và rồi thì tức giận, chán chường khi mà cuộc sống không đem lại cho họ những gì họ mong muốn.

Hãy suy ngẫm lại cuộc đời của bạn, suy ngẫm về cái chết, cũng như những tiến trình tự nhiên của tạo hóa. Ta nên chiêm nghiệm lại niềm vui cũng như niềm thất vọng.

Hãy nhận xét xem chúng ta cảm giác như thế nào lúc được cũng như lúc mất, lúc ưa cũng như lúc ghét. Khi mà chúng ta đang buồn, chúng ta đọc một quyển sách và chợt có niềm hứng thú cao độ.

Nhưng nên nhớ là cho dù cảm giác cao đến đâu đi nữa, tất cả cũng chỉ là vô thường. Chẳng hạn như muốn được cảm giác vui vẻ, bạn phải tập như thế nào để có được niềm vui ấy hoài hoài.

Nhưng một khi công việc ấy trở nên máy móc, đơn điệu thì bạn không còn cảm thấy vui thú nữa. Do đó, dựa vào hứng thú tôn giáo thì chắc chắn là thiếu sót. Bởi vì khi bạn quá bám vào sự hứng thú tìm hiểu về Phật Giáo chẳng hạn, khi bạn nhàm chán thì sao?

Bạn sẽ tức khắc chạy đi tìm một tôn giáo mới để gây cảm hứng cho mình. Chẳng hạn như là bám víu vào tình yêu, một khi một mối liên hệ vừa chấm dứt thì bạn bắt đầu đi tìm một tình yêu mới.

Vài năm trước ở Mỹ, tôi có gặp một cô đã lập gia đình những đến sáu lần, cô ấy chỉ mới 33 tuổi. Tôi nói: “Cô đáng lý đã phải học hỏi được nhiều nơi lần đổ vỡ thứ 3, thứ 4. Tại sao cứ tiếp tục cưới rồi ly dị?” Cô trả lời:

“Vì Tình Yêu, tôi không thích mặt trái của tình yêu. Nhưng tôi yêu tình yêu."

Ít ra cô ta cũng thành thật, nhưng không sáng suốt mấy. Tình yêu, sự hứng thú, sự náo nhiệt, phiêu lưu, luôn hiện hữu, khi đạt đến tột đỉnh của nó, rồi thì mặt trái của những thứ nầy xuất hiện, giống như khi chúng ta hít vào thật sâu rồi thì phải thở ra.

Thử tưởng tượng sự hít vào. Y như là có nhiều tình yêu, cái nầy nối tiếp cái kia. Bạn có thể hít vào trong bao lâu? Hít vào thì phải có thở ra, cả hai đều cần thiết. Sanh thì Tử, hy vọng thì rồi thất vọng... 

Vì thế khi chúng ta bám vào niềm hy vọng thì tất nhiên là chúng ta sẽ thất vọng. Khi ta bám vào sự náo nhiệt thì nó sẽ đưa ta đến sự chán chường. Khi ta bám vào tình yêu thì sẽ vỡ mộng và ly dị là điều không tránh khỏi. Khi ta bám vào sự sống thì nó đưa ta đến cõi chết.

Vì vậy, nên nhận thức rằng sự bám víu vào bất cứ cái gì đều là đau khổ, vì chúng là vô thường, là vô ngã. Đừng đòi hỏi nơi chúng những gì mà chúng không thể cho ta được.

Có bao người lúc nào cũng dường như chờ đợi, hy vọng vào một sự thành công, hay niềm hoan lạc nào đó; hoặc giả lo lắng, sợ hãi về một điều bất tường sẽ xảy ra trong tương lai. 

Nhưng hy vọng nhiều thì cũng sẽ thất vọng nhiều. Do đó, khi ta suy ngẫm và bắt đầu hiểu rằng cái gì làm cho ta đau khổ.

Ta thấy rằng chính mình là người làm cho mình đau khổ. Vì Vô minh, vì không hiểu rõ lý vô thường của sự vật, chúng ta đã đồng hóa mình với sự vật và do đó đã đau khổ, thất vọng.

Khi mà ta có thể buông bỏ, không một chút vướng bận thì đây là Giác ngộ.

Khi chúng ta hiểu rõ được thế giới dục lạc, ta có thể sống chung với nó mà không bị lệ thuộc. Ta không còn đòi hỏi thế giới nầy phải làm hài lòng chúng ta, hay cho chúng ta sự an toàn tuyệt đối vì biết rằng, càng đòi hỏi thì chúng ta sẽ càng thất vọng, khổ đau.


Ta biết dùng thế giới nầy để thực tập bố thí, để thực tập từ tâm.

Khi chúng ta không còn đồng hóa với sự vật, chúng ta sẽ thấy rằng tất cả là Vô ngã.

Khi sự vật đổi thay, ta có thể an tâm chịu đựng cái bất toàn của nó. Ta có thể âm thầm chịu đựng bệnh hoạn, đau đớn, đói lạnh, thất bại hay chê bai.

Khi ta không còn bám víu vào thế giới nầy thì dù cho nó có thay đổi đến đâu đi nữa,dù tốt dù xấu, ta cũng có thể thích ứng.

Khi ta còn bám víu thì ta khó có thể thích ứng được như ý, chúng ta luôn luôn phản kháng, chống đối, muốn điều khiển mọi thứ theo ý mình, nhưng hoài công, chỉ còn cảm giác bất mãn, sợ hãi và thất vọng vì cuộc đời sao mà hão huyền đáng sợ.

Khi ta không có thời gian tìm hiểu, chiêm nghiệm về cuộc đời thì cuộc đời là một nơi đáng sợ.

Cuộc đời giống như là một khu rừng vậy: bạn không biết sau cái cây kia, sau cái bụi kia, một con dã thú, một con cọp, rắn độc hay rồng dữ đang chờ bạn.

Niết-bàn là rời khỏi khu rừng đó. Khi chúng ta hướng về Niết-bàn tức là chúng ta đang trên đường tìm an lạc cho bản tâm. 

Trạng thái của tinh thần có thể là vui, buồn, khổ, phấn chấn, hoặc thất vọng, thương hay ghét, lo lắng hoặc sợ hãi.

Hãy tưởng tượng một căn phòng, ví dụ cho tinh thần, chúng ta bỏ thời gian để soi mói những người trong căn phòng, để xem là ta ưa hay không ưa, họ như thế nầy, như thế kia, nhớ lại họ đã làm gì trong quá khứ, và sẽ làm gì trong tương lai...

Nếu ta chịu khó đừng để ý mọi người trong căn phòng; nhưng hãy để ý khoảng không trong phòng. Khoảng không gian nầy có thể chứa đựng tất cả người, vật, và những trạng thái khác nhau.

Hãy xem tinh thần ta là khoảng không đó, cho dù là trống không hay chứa đầy sự vật, chúng ta chỉ để ý đến hư không. Khi ta sống với khoảng không nầy thì những gì đến cũng như đi không còn lôi kéo ta được nữa.

Chúng ta tập buông bỏ. Chúng ta từ bỏ không đồng hóa mình với sự vật, vì biết là chúng vô thường, vô ngã. Đây là môn Thiền Vipassana.

Chỉ cần nhìn lại, nhận thức, lắng nghe, soi xét những gì đến cũng như đi. Mọi vật dù thô thiển hay thanh cao, tốt hay xấu, chúng đến rồi đi.

Chúng ta không phải nam cũng không phải nữ, nói chi đến xấu hay đẹp - những trạng thái đổi thay nầy là vô ngã.

Hiểu được như vậy thì đây là con đường giác ngộ của người Phật tử, tiến dần đến Niết-bàn.

Bây giờ bạn có thể hỏi, “Nếu tôi không phải là những trạng thái của tinh thần, không nam cũng không nữ, vậy thì tôi là cái gì?” 

Câu hỏi nầy ví như con mắt muốn nhìn thấy con mắt. Bạn chỉ cần biết cái gì không phải là mình thì đã giải quyết được phần nào vấn đề rồi, phải không nào? 

Chẳng hạn tôi nói Tôi là ai? Tôi phải đi tìm tôi, thế rồi tôi kiếm dưới bàn thờ, dưới thảm, sau màn cửa... bạn sẽ nghĩ, Thầy Sumedho chắc điên rồi. Ông đang tự kiếm mình.

Khi ta đồng hóa với sự vật thì ta sẽ đau khổ và thất vọng. Vấn đề nằm ở chỗ biết buông bỏ hay là bám víu.

Bạn không cần loại bỏ những cảm giác, chỉ cần theo dõi và học hỏi, đừng để cho mình bị lôi cuốn theo chúng. Tiếp tục theo dõi, lắng nghe, tỉnh thức, có chánh niệm, thì trí tuệ sẽ dần sáng suốt.

Hãy dùng trí tuệ nầy để nhận thức sự vật đến và đi, bạn không cần làm gì hết, chỉ cần tỉnh thức trong từng giây phút hiện tại và những giây phút kế tiếp.

 

Phương tiện thiện xảo

(Dương Vĩnh Hùng dịch)

 

Buông Xả

Chúng ta đã bàn về Khổ Ðế - về cái khổ - về cái thực trạng càng ngày càng trở nên hiển nhiên trong lúc bạn ngồi suy gẫm về thân tâm của chính bạn. Chỉ cần ý thức về những gì xảy ra thôi: bạn có thể thấy rằng hạnh phúc hiện diện trong những trạng thái tâm thức khi những tư tưởng thoải mái hoặc niềm vui sướng thể chất trôi qua, trái lại khi có niềm đau nỗi khổ, khi có sự phủ nhận và những điều tiêu cực xảy đến, thì cũng bao nhiêu là xao xuyến lo âu và tuyệt vọng đi kèm. Thế thì chúng ta có thể thấy chúng ta luôn luôn vướng vào thói quen cố gắng để thành đạt, hoặc để duy trì, hoặc để giải trừ những quy định đã bị điều kiện hóa.

Tập Ðế đề cập đến ý thức trực tiếp về sự nảy sinh của ba loại dục vọng chúng ta vẫn hằng có - dục ái, hữu ái và hủy ái - và trong những điều kiện nào những dục vọng này thường phát khởi. Sự thấu đạt Diệt Ðế là để thấy được mọi vật đều có sinh và có diệt. Chúng ta ý thức được sự diệt, sự buông xả, và từ đó khai triển Ðạo Ðế, Chân Ðế về Bát Chánh Ðạo - chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định - nói một cách khác, Bát Chánh Ðạo là con đường dẫn đến sự trực thức.

Ðể ý thức được sự buông xả chúng ta phải dùng những phương tiện thiện xảo, bởi vì chúng ta thường bị làm hoang mang bối rối lúc đầu. Chúng ta có khuynh hướng ý niệm sự trực thức, cố gắng trở nên có ý thức, và nghĩ rằng sự trực thức đó là một cái gì ta phải có được hoặc đạt được hoặc phải cố gắng phát triển; nhưng chính ngay cái ý định này, ngay cái sự khái niệm hóa này làm ta đánh mất sự chú tâm! Chúng ta cứ luôn luôn cố gắng để trở nên chú ý lưu tâm, thay vì chỉ ý thức được sự vận hành của tâm thức trong lúc cái tâm đang cố gắng trở nên, cố gắng đạt được, và cố gắng chạy theo ba loại dục vọng đã gây ra biết bao đau khổ cho chúng ta.

Sự thực hành "buông xả” rất là hiệu quả cho những ai thường bị ám ảnh bởi lối tư duy có tính cách cưỡng bách: bạn chỉ cần đơn giản hóa lối hành thiền của mình thành hai chữ - "buông xả” - thay vì cố gắng để khai triển sự thực hành này, phát triển sự thực hành kia; thực hiện cái này, đi sâu vào cái nọ, và phải hiểu được điều này, phải đọc những đoạn kinh kia, và phải nghiên cứu thêm về A-tỳ-đạt-ma, học tiếng Pali, tiếng Phạn,... rồi học Thuyết Trung Ðạo và kinh Bát-Nhã Ba-La-Mật-Ða... thọ giới với Nguyên thủy, Ðại Thừa, Kim Cang Thừa,... viết sách và có được cương vị của kẻ có bề thế thẩm quyền và tiếng tăm quốc tế về Phật Giáo. Thay vì trở thành nhà thông thái của thế giới về Phật Giáo, được mời đến những cuộc Hội Thảo Phật Giáo Quốc Tế to lớn, bạn chỉ cần "buông, buông, và buông".

Ngoài sự buông xả trên ra tôi chẳng làm gì khác hơn trong suốt hai năm - mỗi một khi tôi cố gắng hiểu hoặc giải lý điều gì, tôi tự nhủ "buông, buông”cho đến khi dục vọng tan biến mất. Như vậy tôi đang đơn giản hoá vấn đề này cho bạn, để bạn đừng vướng vào nỗi khổ đau vời vợi. Không có gì sầu muộn ủ rũ hơn việc phải đi dự những Hội Nghị Phật Giáo Quốc Tế! Một vài bạn có lẽ có ước vọng trở thành Chư Phật của thời đại, hoặc trở thành một vị Bồ Tát ban tỏa lòng từ ái cho mọi chúng sinh khắp thế gian - nhưng thay vì thế, tôi đề nghị bạn chỉ cần là một con giun đất, buông bỏ hết mọi dục vọng để chỉ bộc lộ tình thương vào trong đất. Chỉ cần là một con giun đất biết vỏn vẹn chữ - "buông, buông, buông". Bạn thấy gì chưa, giáo phái Tiểu Thừa của chúng tôi chỉ là một Chiếc Xe Nhỏ khiêm tốn, vì vậy mà chúng tôi chỉ có những hành trì đơn giản thiếu thốn nghèo nàn!

Ðiều quan trọng trong cách hành thiền là phải cương quyết trước sau như một trong sự thực hành, với sự quyết tâm giác ngộ. Ðừng khờ khệch chểnh mảng, đừng để bị lừa dối về việc này, mà phải cương quyết ngay cả trong những hoàn cảnh rủi ro. Hãy nhắc nhở lấy chính bạn về Phật-Pháp-Tăng, và kiên trì với điều đó - buông bỏ những xao xuyến lo âu, buông bỏ những thống khổ u sầu, buông bỏ những niềm đau, lòng hoài nghi, buông bỏ mọi thứ gì sắp sửa nảy sinh và đã trôi qua mà ta thường bám víu và gắn bó vào theo thói quen. Hãy duy trì tinh thần "buông xả” này như một sự kiềm chế không đổi trong tâm bạn, để sự buông xả có thể tự nó xuất hiện và vận hành dù cho bạn đang có mặt ở bất cứ nơi đâu.

Thoạt tiên bạn phải luôn luôn nghĩ đến điều này, bởi vì cái tâm của chúng ta thường bị ám ảnh bởi tất cả những điều vô dụng - với những lo âu về thứ này thứ nọ, với sự hoài nghi, với sự giận dữ, ý muốn trả thù, lòng ghen tuông, nỗi sợ hãi, sự chán chường và sự ngu xuẩn với đủ mọi hình thức. Tâm trí của chúng ta bị ám ảnh với những thứ luôn gây ra cho chúng ta niềm đau và đã đẩy chúng ta vào những nỗi khó khăn của cuộc sống. Xã hội dạy chúng ta cách nhồi nhét độn đầy tâm óc với những ý nghĩ, thiên kiến, hối tiếc, đợi chờ, mong ngóng - một xã hội đang chất đầy chiếc tâm thuyền của bạn như thế đấy. Hãy nhìn vào những cửa hàng sách báo ở đây tại Oxford, đang được nhét đầy với tất cả những tin tức mà bạn có thể muốn biết, những tin tức được ấn bản dưới những bìa sách trông thật khéo với những hình ảnh và những hàng chữ thuyết minh dẫn dụ... Hay chúng ta có thể nhét đầy đầu óc của chúng ta bằng cách xem TV, đi coi xi-nê, đọc báo... Ðó là cách tốt để đong đầy tâm trí của bạn - nhưng hãy nhìn kỹ những gì được in trên sách báo! Những tin tức đang kêu gọi khuyến dụ bản năng, dục tính sơ cấp của con người - tất cả đều nói về những bạo hành, chiến tranh, tham nhũng, những lề thói tai ác và những tin đồn nhảm nhí.

Tất cả những điều trên đều có tác động đến tâm thức. Khi nào chúng ta còn nhồi nhét thêm vào một tâm trí đã bị ám ảnh bởi những sự kiện, những biểu tượng và những quy ước, tâm trí sẽ trở nên nghẹt cứng và chúng ta sẽ còn hành động một cách ngu xuẩn điên dại. Chúng ta có thể đi ra ngoài chè chén say sưa - phải chăng đó là một cách để buông xả? Bạn nghĩ những tửu điếm dành để làm gì? Trong đó bạn dám thốt ra những lời bạn muốn nói nhưng không có gan để nói ra khi bạn còn tỉnh hoặc sáng suốt. Khi bạn mất lý trí, ngớ ngẩn, cười nói hí hửng, bạn biện minh "bởi vì tôi say, tôi bị tác động bởi rượu".

Khi chúng ta không hiểu bản tính của sự vật, chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng. Bạn đã thấy các thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi những sự đề xuất, gợi ý trong xã hội của chúng ta. Nào là thế hệ của nhạc rock punk - mọi người trong thế hệ đó cho rằng chính họ là những cá thể có những hành động chống lại thái độ nệ theo quy ước cổ lỗ. Thời trang cũng vậy, tất cả đều là một sự gợi ý - đối với phụ nữ bạn không tự cho mình đẹp trừ khi bạn ăn mặc theo một lối nào đó. Phim ảnh lại đề xuất tất cả những niềm vui sướng kích thích và làm thoả mãn các giác quan, và cứ thế mà chúng ta nghĩ có lẽ chúng ta cũng nên thử qua những điều đó cho biết, biết đâu chúng ta còn thiếu một cái gì đó nếu chúng ta không chịu sở nghiệm nó... Sự gợi ý này tai hại như thế đó đến nỗi con người không còn biết phân biệt cái gì đẹp hoặc cái gì xấu nữa. Có người nói rằng hòa âm là tạp âm, và nếu bạn không biết, nếu bạn còn là đối tượng của sự gợi ý, bạn có khuynh hướng tin vào điều đó. Dù cho bạn không tin vào điều đó lúc ban đầu đi nữa, sự gợi ý đã khởi sự vận hành trên tâm trí của bạn và điều đó làm bạn bắt đầu suy nghĩ: "Có lẽ nó đúng theo cách đó, có lẽ sự đồi bại cũng là đạo đức, và đạo đức cũng là sự đồi bại".

Chúng ta cảm thấy mình bị bắt buộc phải biết tất cả mọi thứ - để hiểu và cố gắng để làm những người khác tin. Bạn dự nghe những buổi nói chuyện của tôi, bạn đọc sách, rồi bạn muốn dạy đời những người khác về Phật Giáo - ngay cả bạn có thể cảm thấy có chút ít đức tin vào thuyết Phúc Âm sau những lần ẩn trí - nhưng hãy duy trì sự buông xả ngay cả đối với ý muốn khuyến dụ người khác trong sự thực hành này. Khi chúng ta cảm thấy phấn chấn, hăng hái, chúng ta bắt đầu áp đặt điều này lên những người khác; nhưng trong phương pháp tu thiền chúng ta buông bỏ cả ước muốn ảnh hưởng người khác cho đến khi thời điểm thuận lợi cho phép điều đó xảy ra - rồi nó sẽ xảy ra một cách tự nhiên thay vì bắt nguồn từ cái tham vọng háo thắng.

Như vậy bạn chỉ làm những điều cần làm, và bạn buông bỏ những cái còn lại. Khi người ta khuyến dụ bạn nên đọc quyển sách này, cuốn sách kia, học môn này và khoá nọ... nghiên cứu tiếng Pali, A-tỳ-đạt-ma... đi sâu vào lịch sử Phật Giáo, lý luận Phật Giáo... vân vân và vân vân như thế... hãy "buông ra, buông ra và buông ra". Nếu bạn nhồi nhét thêm vào tâm trí của bạn với những khái niệm, ý kiến mới, bạn chỉ làm tăng thêm khả năng nghi ngờ của bạn. Chỉ nhờ vào tu tập cách trút bỏ hết những gì vướng bận trong tâm, bạn mới có thể tiếp thu những điều bổ ích và có giá trị - và tuy vậy học cách trút bỏ hết những phiền trược và những quy định nô lệ trói buộc của tâm thức đòi hỏi một sự minh triết phi thường.

Những đề nghị tôi đang đặt ra cho sự hành thiền vào lúc nhập thất là những phương tiện thiện xảo. Phương châm của sự "buông xả” là một phương châm thiện xảo - trong khi bạn lập đi lập lại điều này, mỗi khi một ý tưởng phát khởi, bạn ý thức được nó đang phát khởi. Bạn duy trì sự buông xả trên bất cứ cái gì chuyển biến - nhưng nếu nó không chuyển dời, thì đừng nên cố gắng cưỡng bức nó. Sự hành trì "buông xả”này là một cách xoá bỏ tất cả những sự ám ảnh và những điều tiêu cực ra khỏi tâm trí; bạn phải vận dụng nó một cách dịu dàng, uyển chuyển, nhưng với một sự cương quyết. Tham thiền là một sự buông xả thiện xảo, cố ý trút sạch hết những gì trong tâm để ta có thể thấy được sự tinh khiết của tâm thức - dọn dẹp nó sạch sẽ để ta có thể chứa đựng trong đó những điều bổ ích.

Nếu bạn quý trọng cái tâm của mình, bạn phải lựa chọn cẩn thận những gì bạn muốn chứa đựng trong đó. Cũng như nếu bạn có một ngôi nhà đẹp, bạn không đem những rác rưởi từ ngoài đường vào, bạn đem vào những thứ nào có thể cải biến nó thành một nơi tươi mát và thoải mái.

Nếu bạn sắp sửa hòa nhập với bất cứ điều gì thứ gì, đừng bao giờ đồng hoá chính bạn với những điều kiện tiêu vong. Hãy xem sự đồng hóa đó là gì - khảo sát tâm thức của chính bạn để nhìn rõ ràng bản chất của tư tưởng, của hoài niệm, của tri giác và của cảm thọ, để thấy chúng chỉ là những điều kiện vô thường. Hãy mang sự trực thức của bạn đến gần những điều thật tinh tế, đến sự thay đổi cảm giác nhất thời của thân thể; khảo sát nỗi đau và thấy nó như một năng lực đang chuyển dời, một điều kiện đang chuyển biến. Mỗi khi bạn cảm thấy đau đớn về mặt cảm xúc, điều kiện ấy dường như trường tồn không nguôi, nhưng thật ra đó chỉ là một ảo tưởng của cảm xúc mà thôi - hãy buông hết ra. Ngay cả nếu bạn có được sự nội chứng, ngay cả bạn chứng ngộ mọi thứ một cách rõ ràng thông suốt - hãy buông luôn cả sự nội chứng.

Khi tâm thức hoàn toàn trống không, hãy nói "Ai buông?” Hãy đặt câu hỏi đó, cố gắng xác định ai buông bỏ, cái gì buông bỏ. Hãy dựng lên trạng thái không-biết đó với chữ "Ai”- "Tôi là ai? Ai buông?” Một trạng thái vô định nảy sinh; hãy dựng điều này lên, cho phép nó là... và rồi sẽ có sự trống không, sự trống rỗng, trạng thái vô định khi cái tâm trí đã buông bỏ trút sạch mọi thứ.

Tôi đã nhấn mạnh nhiều lần rằng chánh kiến, chánh nghiệp, chánh tư duy, có khuynh hướng đơn giản hoá đời sống của bạn để bạn khỏi bị vướng vào những hoạt động phức tạp và bất chánh. Và như thế để bạn đừng sống một cách vô ý thức, lợi dụng kẻ khác hoặc không tôn trọng chính bạn và những người xung quanh. Hãy khai triển cái Giới Bản như một tiêu chuẩn, và phát huy tinh thần Lánh Tục (nekkhamma), viễn trần ly cấu - từ bỏ tất cả những gì bất lương, bất chánh hoặc không nhất thiết - và tạo điều kiện để tâm trí có thể buông bỏ những cái tham, sân, si.

Ðiều này không có nghĩa là một sự phản kháng chống đối lại những điều kiện này mà chỉ là buông chúng ra, khi bạn nhận ra sự ràng buộc. Khi bạn đau khổ - "Tại sao tôi đau buồn? Tại sao tôi thống khổ?” Bởi vì bạn cứ mãi bám víu vào một cái gì đó! Hãy tìm cho ra cái gì điều gì bạn đang bám víu, nhìn sâu vào cội rễ căn nguyên của những điều đó. "Tôi bất hạnh bởi vì không ai thương yêu tôi". Ðiều đó có thể thật đấy, có thể không ai thương yêu bạn, nhưng nỗi bất hạnh đến từ lòng ham muốn người khác thương yêu bạn. Ngay cả nếu có người thương mến bạn, bạn sẽ vẫn đau khổ nếu bạn nghĩ rằng những người khác phải chịu trách nhiệm cho niềm hạnh phúc hoặc nỗi khổ đau của bạn. Nếu một người nào đó nói, "Bạn là người cao quý nhất đời!”- bạn nhảy cởn lên vì sung sướng. Một người khác nói, "Bạn là người đáng ghét nhất mà tôi đã từng gặp trong đời!”- bạn đâm ra buồn rầu sầu muộn. Hãy buông sự phiền não ra, buông cả hạnh phúc luôn. Hãy giữ sự thực hành thật đơn giản: hãy sống cuộc đời bạn với sự hành niệm, với đạo đức, và cả lòng tin vào sự buông xả.

Nhận thức được chúng ta không phải là những nạn nhân vô vọng của số mệnh là một điều rất quan trọng - thật ra chúng ta vẫn là nạn nhân nếu chúng ta còn vô minh. Khi nào bạn còn vô minh, bạn còn là nạn nhân vô vọng của sự vô minh đó. Tất cả những gì vô minh nảy sinh và chết, nó phải chấm dứt - thế thôi, tất cả những thứ đó bị vướng vào vòng sanh tử luân hồi. Và nếu bạn chết, bạn sẽ tái sinh - bạn có thể tin chắc vào điều đó. Bạn càng sống một cách vô ý thức bao nhiêu, sự tái sinh càng thảm hại bấy nhiêu.

Vì vậy mà Ðức Phật đã dạy chúng ta phải chặt đứt xiềng xích của vòng luân hồi, và qua sự trực thức, qua sự nhìn nhận được sự luân hồi thay vì bị ràng buộc vào đó. Khi bạn buông vòng luân hồi ra, bạn không còn bị hãm hại bởi nó nữa. Như thế bạn buông bỏ vòng luân hồi, buông cả sinh, cả tử, buông cả sự trở thành. Buông bỏ dục vọng là sự phát triển của Diệt Ðế, là sự mở đường cho Bát Chánh Ðạo.

Lắng Nghe Tâm Thức

Trong khi hành thiền, hãy lắng nghe những chuyển biến bên trong tâm thức một cách kỹ càng. Ðể lắng nghe được nội tâm, chúng ta phải xem ngoại giới chỉ là những hiện thể không quan trọng một cách triệt để - hãy vượt thoát khỏi những khái niệm và những ý tưởng; vì những điều đó không phải là bạn. Bên cạnh những ngôn từ quen thuộc, hãy lắng nghe những điều kiện khác, ví dụ như không gian hoặc sự im lặng.

Bây giờ, trong khi lắng nghe, bạn có nghe được cái gì không? Hãy lắng nghe sự vật đang chuyển biến như ai khác đang nói, "Tôi không thích cái này hoặc cái kia. Tôi chán chường, ngán ngẫm; Tôi muốn quay về". Hoặc lắng nghe một "kẻ cuồng tín", một "nhà khuyển nho giễu cợt"; bất cứ hình thức hoặc phẩm tính nào của tiếng nói, chúng ta cũng có thể ý thức được bản tính chuyển biến thay đổi của chúng.

Bạn không còn một dục vọng trường tồn bất biến. Khi nào bạn tập lắng nghe được nội tại một cách liên tục không ngừng, bạn sẽ bắt đầu sở nghiệm được trạng thái không tính. Thông thường, chúng ta không lắng nghe một cách hữu hiệu, và chúng ta cứ tưởng chúng ta là những tiếng nói này, từ đó chúng ta tự tạo ra cho chính mình những vấn đề kinh khiếp bằng sự gắn bó đồng lõa với tiếng nói của dục vọng. Chúng ta tưởng rằng có một nhân cách hoặc chủ thể cố định nào đó, với một lòng tham bất biến; nhưng trong lúc hành thiền, chúng ta có thể thấy rằng những tiếng nói này phát sinh từ cái trống không - chúng phát khởi, hiện ra và rồi biến đi.

Theo lời dạy của Ðức Phật, sự thực hành là để biết những điều quen thuộc. Như vậy là để biết điều gì? Phật Tử phải biết những gì? Và "Người Thiện Tri Thức” thì sao? Người Thiện Tri Thức biết rằng những điều kiện chuyển biến này không có tính tự ngã. Không có bất cứ phẩm tính hằng cửu như linh hồn nào cả, cũng không có thực chất nào trong những điều kiện này mà ta có thể gọi là một sự chiếm hữu vĩnh cửu. Người Thiện Tri Thức biết rằng nếu một sự thể phát sinh, nó sẽ tiêu vong. Bạn không cần phải chứng ngộ nhiều hơn thế để trở thành Phật.

Là Chư Phật có nghĩa là trực chứng được mọi điều qua sự quan sát (như thực tri kiến), không phải qua sự tin vào kinh điển hoặc những người như tôi. Hãy thấy được điều đó cho chính bạn. Hãy thử tìm xem có điều kiện nào nảy sinh mà không tàn lụi. Có thứ gì được sinh ra mà sẽ không chết hoặc tiêu vong? Chỉ cần làm Phật với tinh thần này, nhận biết được điều trên bằng cách dồn hết những tinh lực vào việc sở nghiệm cuộc đời bạn ở đây và ngay giờ phút này, đừng để lầm đường lạc lối trong cái vọng tưởng của ý niệm làm Phật - "Tôi là Phật, tôi biết hết mọi thứ". Ngay cả dục vọng nhiều khi cũng đội lốt Phật. Thật ra, không ai biết và nhận thức về điều Phật không phải chỉ làm Phật mà thôi.

Những tu sĩ theo giáo phái Nguyên Thủy thường nói về vô ngã (anatta), còn những tu sĩ theo giáo phái Ðại Thừa thường nói về tánh Không (shunyata) - những điều này thật ra chỉ là một. Ðể chứng nghiệm được vô ngã, ta phải khảo sát và nhận ra rằng sự bám víu vào cái tôi, cái bệnh thần kinh mà tất cả chúng ta đều có, vào những ý tưởng, lòng tham, mối thù và vọng tưởng, tất cả đều là vô ngã. Không có bản ngã nào để phải gìn giữ cả, chỉ có những điều kiện trống rổng phát sinh từ cái trống không và một lúc nào đó sẽ chui ngược vào cái không này mà không để lại dấu vết nào. Như vậy chúng ta buông mọi thứ ra, cho phép mọi thứ như nó đang là, và mọi thứ sẽ tự nó chuyển hoá một cách tự nhiên. Bạn không cần phải cưỡng bức chúng. Nếu bạn đang kinh nghiệm một điều gì đó không vừa lòng, bạn không cần phải tiêu diệt nó; nó sẽ tự biến đi. Những kẻ tự lừa dối mình thường nói, "Tôi không thích điều kiện này. Tôi phải tiêu diệt nó, tẩy trừ nó". Ðiều này chỉ làm cho hoàn cảnh trở nên phức tạp hơn - bạn đang cố gắng đẩy lùi cái gì đó ra xa, vùi đầu trốn tránh thực tại và nói, "Ô, nó đã trôi qua!” Nhưng cái ước vọng tẩy trừ - gọi là hủy ái - đó chỉ tạo những điều kiện cho nó tái phát mà thôi, bởi vì chúng ta cha thấy nó tiêu vong một cách tự nhiên.

Giờ đây chúng ta ngồi cùng nhau trong một gian phòng đầy những hình thái nghiệp uẩn mà chúng ta cho là những nhân cách cố định. Chúng ta mang cái nghiệp của mình đi khắp nơi như một cái "bọc chứa đầy những quan niệm", bởi vì chúng ta thường nhìn kẻ khác như những nhân cách cố định từ phạm trù tư tưởng có tính cách khái niệm. Bạn đã thường mang bao nhiêu thứ theo bạn đi khắp nơi - mối thù hằn, sự mê đắm, nỗi sợ hãi và những gì thuộc về quá khứ? Chỉ nhớ đến tên những kẻ đã gây cho chúng ta đau khổ, chúng ta cũng đủ cảm thấy khó chịu rồi - "Sao họ lại cả gan làm điều đó, dám đối xử với tôi như thế à!”- mặc dầu điều đó đã xảy ra ngót hai mươi năm rồi! Có những người tốn cả cuộc đời đem những mối thù hằn đó theo họ khắp nơi, để rồi những mối thù đó sẽ tàn phá quãng đời còn lại của họ.

Tuy nhiên là những thiền giả, chúng ta phải phá bỏ được khuôn khổ của ký ức. Thay vì nhớ những kẻ đó và coi họ như thực, chúng ta thấy rằng, trong phút chốc, hoài niệm và nỗi cay đắng đang là những điều kiện đang chuyển biến; chúng ta thấy được chúng là vô thường, khổ, vô ngã  (anicca, dukkha, anatta). Những điều kiện này được hình thành theo thời gian, chỉ như những hạt cát của sông Hằng - dù cho đẹp, xấu, trắng hoặc đen, cát cũng chỉ là cát.

Và như vậy hãy lắng nghe tiếng nói của nội tâm. Hãy lắng nghe tâm thức khi bạn bắt đầu kinh nghiệm nỗi đau của thân xác; nâng đỡ tiếng nói của tâm thức, "Tôi không muốn nỗi đau này, bao giờ tiếng chuông quái ác nguyền rủa sắp sửa reo?". Hãy lắng nghe tiếng than van, rên rỉ không vừa lòng - hoặc lắng nghe khi bạn cảm thấy hoan lạc, "Ôi diễm phúc, tôi cảm thấy thật tuyệt vười". Hãy lắng nghe những chư thiên (devatta) đang đắm mình trong dục lạc và diễm phúc, hãy lấy cương vị của một người chỉ im lặng lắng nghe, không bộc lộ sự thiên vị giữa chư thiên và ma quỷ. Và hãy nhớ rằng nếu đó là một điều kiện, nó sẽ chấm dứt.

Nhận diện được mọi sự việc, cho phép chúng đến và đi - những sự việc này chỉ là những điều kiện nghiệp uẩn đang chuyển biến, vì thế đừng can thiệp vào. Khuynh hướng suy nghĩ trong thời đại ngày nay thường cho rằng có con yêu tinh nào đó ẩn núp sâu kín bên trong, chỉ thừa cơ chờ đợi một giây phút sơ hở để hớp hồn bạn và làm cho bạn trở nên điên loạn vĩnh viễn. Có người thực sự sống cả cuộc đời mình với nỗi sợ hãi đó, và mỗi lần con yêu tinh đó xuất hiện thì: “Ôi… Ôi…!” Nhưng yêu tinh quỷ quái chỉ là những hiện tượng cấu thành một loại hành uẩn (sankhara), chỉ là một hạt cát khác của sông Hằng. Có thể là một hạt cát xấu, thế thôi. Nếu bạn cảm thấy khó chịu mỗi khi bạn nhìn thấy một hạt cát xấu, bạn sẽ thấy đời sống càng ngày càng khó khăn hơn. Ðôi khi bạn phải chấp nhận sự hiện diện của những hạt cát xấu. Hãy để cho nó xấu; đừng cảm thấy khó chịu gì cả. Nếu bạn gặp tôi ngồi cạnh bờ sông Hằng nhìn những hạt cát xấu, và nói, "Có lẽ tôi trở nên điên mất!", chắc bạn sẽ nghĩ "Thầy Sumedho điên!". Ngay cả một hạt cát thật xấu cũng chỉ là một hạt cát.

Vì vậy những gì chúng ta làm là nhìn những yếu tố tầm thường chung của tất cả những phẩm tính khác nhau này - những con yêu tinh ẩn hình, những năng lực, tinh lực bị ức chế ngấm ngầm và những sức mạnh nhân tính khuôn mẫu - tất cả những điều đó chỉ là hành (sankhara), không có gì đáng kể cả. Bạn hãy giữ lấy cương vị của Ðức Phật: hiện thân của sự hiểu biết.

Ngay cả những điều xa lạ - chúng ta chỉ nhìn nó như một điều kiện đang chuyển biến khác - đôi khi có điều quen biết, đôi khi có điều xa lạ; điều này quy định trói buộc điều kia. Hố Ðen (theo thuyết Black Hole) sâu thẳm của vũ trụ, ánh sáng mặt trời, ngày và đêm tất cả đều chuyển biến, thay đổi; không có bản ngã, không có gì để trở thành nếu bạn là hiện thể của sự hiểu biết. Nhưng nếu bạn phản ứng lại tất cả những phẩm tính của vòng sanh tử luân hồi (samsara), bạn sẽ trở nên điên loạn. Ðiều đó lại là vô cùng tận, cũng như phản ứng lại tất cả những hạt cát của sông Hằng, bạn cảm thấy sảng khoái nhờ những hạt đẹp và u sầu vì những hạt xấu, phải thế không? Tuy vậy đó lại là những gì con người làm, họ tự làm chính họ chán ngán mệt mỏi, đần độn chán mứa hẳn ra để rồi kiệt lực với những hỗn loạn không ngừng về mặt cảm xúc, và cuối cùng chỉ muốn tự kết liễu lấy đời mình. Cứ như thế họ bắt đầu dùng ma túy, rượu chè ngày đêm để tự làm cho mình trở nên chai lì, thiếu nhạy cảm.

Thay vì tạo dựng một cái vỏ và ẩn núp khỏi sự sợ hãi và nỗi chán chường, những gì chúng ta nên làm là quan sát và nhận ra rằng không có cái gì điều gì có tính tự ngã cả. Vì thế chúng ta không cần phải tự làm chúng ta chai lì: ngay cả chúng ta có thể trở nên nhạy cảm hơn, rõ ràng và sáng suốt hơn. Trong sự minh bạch và sáng suốt đó, có cả sự hiểu biết: rằng nếu nó nảy sinh, nó sẽ tiêu vong - và đó chính là điều những vị Chư Phật biết!

 


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024