|
Khi ta cưỡi một con ngựa đẹp thì hãy nhớ rằng con ngựa đẹp (Ngạn ngữ Á Rập)
Đó là một câu ngạn ngữ đơn giản, đơn giản đến mức tưởng chừng như ngớ ngẩn, nhưng phải đến hơn mười năm tôi mới hiểu nổi. Và người giúp tôi thấm thía thêm câu nói đầy minh triết đó lại là một đứa bé khoảng ba bốn tuổi đứng tắm truồng giữa hè phố trong một trận mưa chiều. Khi một người cỡi con ngựa đẹp, nếu có nhiều cặp mắt nhìn vào để trầm trồ khen ngợi, thì tự nhiên anh ta lại thấy giá trị mình tăng theo con ngựa, và dễ dàng đồng hóa sự khen ngợi đó với chính bản thân mình. Trong khi có một điều đơn giản nhất nhưng người cưỡi ngựa bao giờ hiểu: chính con ngựa mới là con ngựa đẹp. Nếu anh ta là thằng ngốc chỉ đáng giá một xu thì có ngồi trên ngàn vạn con thiên lý mã, anh ta vẫn là thằng ngốc một xu. Mà suốt cuộc đời, ta vẫn cứ ngây ngô đồng hóa mình với bao nhiêu con ngựa như vậy? Tài sản, địa vị, quyền lực, thậm chí kiến thức đều là những con ngựa đẹp mà đôi lúc cuộc đời cho ta mượn để trang sức. Lâu ngày, ta quên bẵng mất đi, nghĩ đó là cái thực của mình. Con người luôn bị lừa phỉnh bởi cái mình đang có hay tưởng mình đang có. Đạo Phật bảo đó là sự trói buộc của Ngã và Ngã sở (thiền sư Suzuki dịch là Me và Mine). Ta luôn luôn đồng nhất ta (Ngã, Me) với cái thuộc về ta (Ngã sở, Mine) và tự huyễn hoặc bản thân mình.
Vua Lear có ba người con gái: Goneril, Regan và Cordelia. Sau thời gian cai trị một vương quốc rộng lớn và hùng mạnh, ông quyết định chia hết tài sản cho con gái để, sau khi vứt bỏ uy quyền lớn lao của bậc đế vương, thưởng thức toàn vẹn cái lớn lao được làm người. Ông quyết định chia đôi vương quốc cho hai người con gái lớn, và tước quyền thừa kế của con gái út Cordelia dịu hiền nhân hậu, chỉ vì cô không thể phỉnh nịnh cha bằng những lời lẽ như hai cô chị. Cô muốn yêu vua Lear như một người cha, trong khi ông muốn mình phải được tôn sùng như một thần linh. Khi cái vương trượng của quyền uy tối thượng còn nằm trên tay, ông luôn nghĩ rằng cái uy quyền đó thực chất là uy quyền của cá nhân ông, được tạo bởi con người của chính Lear. Tin chắc vào sự ưu việt của mình, ông ngây thơ nghĩ rằng ông vẫn là nhà vua về phương diện tinh thần ngay cả khi trong thực tế không còn làm vua nữa. Đó chính là bi kịch của sự kiêu ngạo ngu xuẩn và hoang tưởng đầy thảm hại, khi người ta đang cưỡi trên một con ngựa quá khổng lồ. Khi vương quốc đã bị chia, cây vương trượng đã lìa tay, thì hai người con gái trở mặt ngay khiến ông bị sốc gần như bị điên loạn, phải rời bỏ cung điện của con gái để sống lang thang cùng đám ăn mày. Chính lúc đó ông mới ngộ ra rằng khi buông cây vương trượng thì Lear và đứa ăn mày cũng không có gì khác biệt, cũng chỉ là một con vật hai chân, trơ trụi, nghèo đói. Hào quang chung quanh Lear ngày xưa là hào quang của cây vương trượng tỏa ra, và nó vẫn tỏa hào quang cho bất kỳ ai cầm đến nó. Thực chất Lear cũng chỉ là một con người đớn hèn trong thân phận, như bất kỳ người nào trên cõi đời này. Chính trong hoàn cảnh trần truồng trong tâm và thân đó, ông hoát nhiên đại ngộ, phân biệt được con người thực của mình và con ngựa mình từng cưỡi,và hiểu rằng những quan niệm trước kia về tính ưu việt của bản thân và về vị trí của mình trên thế giới đều là ảo tưởng.
Cơn mưa chiều thình lình đổ xuống. Khách đi đường hối hả đổ dạt vào hàng hiên nhà hai bên phố. Trước mặt chúng tôi đứng, nước từ các ống xối đổ xuống thật mạnh. Thoạt đầu nước có màu đen vì kéo nhiều bụi bẩn, rồi từ từ chuyền sang màu trắng đục. Thình lình có tiếng cười ré lên, một chú nhóc cởi trần, mặc quần đùi chạy nhanh ra từ một hẽm nhỏ và đứng ngay dước xối nước. Chú tung tăng nhảy múa một hồi trên hè phố, rồi như để tận hưởng cảm giác sung sướng do cơn mưa đem lại, chú cổi nốt quần ra đứng ngữa mặt lên trời cười thật sảng khoái. Tiếng cười trong vắt như pha lê ngân vọng giữa cơn mưa chiều. Cái tâm trẻ thơ không có gì làm vướng bận và cái thân nhỏ bé trần truồng không còn gì ràng buộc ấy dường như đang tắm mình trong một niềm lạc phúc vô biên, mà người lớn chúng ta không bao giờ hiểu được. Cơn mưa và chú hình như đã biến thành một. Không còn cơn mưa dội xối xả lên người chú, mà cũng không có chú bé nào đứng tắm mưa. Chú bé chính là cơn mưa.
Thiền tông có nhiều giai thoại lý thú để ta suy ngẫm. Đức Sơn là một thiền sư lớn đời Đường. Sư là một học giả uyên bác tinh thông kinh điển, chuyên chú giải kinh Kim Cương, người đương thời ca ngợi là Chu Kim Cương. Khi nghe nói thiền tông đang nổi lên ở phương Nam, sư cho đó là tà đạo, nên bèn rời đất Thục để đi Lễ Dương, với niềm tin sẽ diệt bỏ được cái đám “tà đạo” kia để xiển dương Phật pháp. Trên đường đi, sư gặp bà lão bán bánh và xin mua bánh điểm tâm. Bà lão hỏi: “Ngài mang theo cái gì đó?” Sư trả lời đầy hãnh diện: “Đó là bộ Thanh Long sớ sao chú giải kinh Kim cương”. Bà lão hỏi: “Trong kinh có một câu, già này xin hỏi, nếu thầy trả lời được thì già này cúng dường bánh điểm tâm, nếu không thì xin mời thầy đi nơi khác”. Sư đồng ý. Bà già hỏi: “Kinh Kim Cương nói: ‘quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc’. Vậy xin hỏi thầy muốn điểm cái tâm nào?”. Sư không đáp được bèn tìm đến thiền sư Sùng Tín ở Long Đàm. Một đại sư uyên bác luôn khệnh khạng với kiến thức đành bó tay trước câu hỏi đơn giản của bà lão nhà quê. Có lẽ trong bao năm, sư luôn thỏa mãn và tự mãn với bộ Thanh Long sớ sao đầy kiến giải sâu sắc, và tự đồng hóa mình với nó, như vua Lear tự đồng hóa mình với cây vương trượng đầy quyền lực. Đó có lẽ là con ngựa tuyệt đẹp mà sư luôn cưỡi để rong ruỗi trong cõi học thuật đương thời. Bà lão bán bánh quê mùa chỉ tung một chiêu nhẹ nhàng đủ đập chết ngay con ngựa khổng lồ đó - con ngựa mà ắt hẳn các học giả đương thời lắm phen phải “kính cẩn nghiêng mình”. Bao nhiêu kiến thức phù phiếm rơi lả tả, để sư hoang mang cực độ khi chợt thấy ra cái đớn hèn nhỏ bé của con người khi mất hoàn toàn các điểm tựa. Con ngựa có thể đẹp đấy nhưng chính nó mới là con ngựa đẹp. Con ngựa chết rồi, sư đành phải lết bộ một cách thiểu não đến Long Đàm, nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Giá như chúng ta có thể giũ bỏ mọi ràng buộc trong tâm và trong thân mà sống giữa đời, như đứa bé tắm trần truồng trong mưa đó, vất bỏ mọi con ngựa đang tạm cưỡi, ắt hẳn chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao với con người thực của ta. Và lúc đó ta sẽ cảm nhận thêm tính minh triết trong câu nói đơn giản của Hoàng đế Võ Tắc Thiên: “Ta chỉ thực là ta khi ta tắm!” Trong truyện kiếm hiệp, khách giang hồ khi cần liên lạc với người trong môn phái hay cùng bang hội luôn có những ám ký lưu lại để những người cùng bang hội nhận ra. Các bậc chân nhân khi viết sách cũng luôn lưu lại ám ký để độ những người “cùng hội cùng thuyền”. Và đứa bé hồn nhiên kia phải chăng cũng là một loại “ám ký”mà Thượng Đế muốn gởi lại cho con người giữa cõi trần gian đầy huyên náo? |