|
Bất cứ lúc nào tôi có một ý niệm, thì ý niệm ấy cũng có thể áp dụng cho nhiều cá thể. Chúng ta không nói về một cái tên riêng biệt, cụ thể như Mary hay John – những cái tên ấy không thuộc lãnh vực quan niệm. Một ý niệm có thể được áp dụng cho vô vàn vô số các cá thể. Ý niệm có tính phổ quát. Chẳng hạn, từ “lá” có thể áp dụng cho từng chiếc lá đơn độc hay cho tất cả những lá của một cây nào đó. Hơn thế nữa, cũng chính từ “lá” ấy có thể được áp dụng cho mọi lá của mọi cây: lá to, lá nhỏ, lá non, lá vàng, lá khô, lá xanh, lá dừa, lá chuối… Và nếu tôi bảo bạn rằng sáng nay tôi trông thấy lá – thì thực sự bạn cũng không ý niệm được gì về cái mà tôi trông thấy sáng nay. Nếu có được ý niệm gì, thì đó là bạn ý niệm về những gì mà tôi đã không trông thấy. Tôi đã không thấy một con vật. Tôi đã không thấy một con chó. Tôi đã không thấy một con người. Tôi đã không thấy một chiếc giày. Bạn có được một ý niệm mù mờ nào đó về cái tôi thấy, nhưng nó không được đặc thù, cụ thể. Hai tiếng “con người” là để chỉ ý niệm “người”, chứ không nhằm vào người sơ khai hay người văn minh, người già hay em bé, đàn ông hay đàn bà, cũng không nhằm chỉ thời đại nào hay văn hóa nào. Con người là một cái gì có tính cụ thể. Bạn không thể tìm thấy một con người chung chung như ý niệm của bạn. Vì thế công việc của ý niệm là chỉ dẫn, nhưng sự chỉ dẫn ấy không bao giờ tới nơi tới chốn; nó bỏ qua cái độc đáo, cái cụ thể. Ý niệm luôn mang tính khái quát chung chung. Khi tôi cung cấp cho bạn một ý niệm thì chắc chắn là tôi đã cung cấp một cái gì đó, chứ không trống rỗng, tuy nhiên, nó rất bé nhỏ, không đáng kể. Đối với khoa học thì ý niệm rất cần thiết, rất hữu ích. Chẳng hạn, nếu tôi bảo rằng mỗi người ở đây là một con vật, thì điều đó hoàn toàn chính xác theo nhãn giới khoa học. Thế nhưng chúng ta còn là một cái gì đó hơn con vật. Giả dụ tôi bảo Mary Jane là một con vật – điều đó không sai; nhưng vì tôi đã bỏ qua một cái gì đó thuộc yếu tính của cô, nên điều đó trở thành sai. Nói Mary Jane là một con vật là đã không công bằng với cô. Khi tôi bảo một người nào đó là một phụ nữ - điều đó đúng; nhưng nơi con người ấy có vô số điểm không phù hợp với ý niệm “phụ nữ” chung chung. Chị ấy luôn luôn là người phụ nữ đặc thù, cụ thể và độc đáo trước mặt thiên hạ, và người ta chỉ có thể cảm nghiệm về chị chứ không thể gói chị vào trong quan niệm nào đó được. Cái con người cụ thể ấy là cái mà tôi phải tự hiểu, tự cảm nghiệm, tự trực giác lấy cho mình. Người ta trực giác được, nhưng không thể quan niệm được về cá thể. Con người vượt quá trí khôn tư duy. Nhiều người trong các bạn tự hào vì mình được gọi là người Mỹ, cũng như nhiều người Ấn Độ hẳn sẽ tự hào vì mình là Ấn Độ. Nhưng Mỹ là chi, Ấn là gì? Đó là một đoàn nhóm, không phải là cái gì thuộc bản tính của bạn. Tất cả những gì bạn có đều chỉ là nhãn hiệu. Thật sự bạn không biết được con người. Ý niệm bao giờ cũng bỏ nhỡ hay thiếu sót một cái gì đó vô cùng quan trọng, một cái gì đó quí giá mà người ta chỉ tìm thấy được nơi thực tại – đó là tính độc đáo riêng tư. Krishnamurti đã diễn tả rất hay về điều này: “Kể từ ngày mà bạn dạy cho đứa trẻ biết tên của con chim thì đứa trẻ không bao giờ thấy con chim ấy nữa”. Đúng vô cùng! Lần đầu tiên đứa trẻ nhìn thấy cái đối tượng linh hoạt, sống động, bù xù lông lá ấy, bạn bảo nó “Chim sẻ đấy”. Thế là ngày mai, khi đứa trẻ nhìn thấy một đối tượng với cùng những đặc điểm như vậy, nó nói: “Ồ, chim sẻ, chim sẻ mình đã từng gặp, chim sẻ chán thật”. Khi người ta không nhìn sự vật qua lăng kính các ý niệm, người ta sẽ không bao giờ chán. Mỗi cá vật là một cái gì độc đáo. Không con sẻ nào giống con sẻ nào, cho dù có những nét tương đồng về chúng. Những nét tương đồng đó rất hữu ích; chúng giúp chúng ta trừu tượng, giúp ta có một ý niệm. Chúng hữu ích trong những lãnh vực thông tin, giáo dục, khoa học. Nhưng chúng cũng rất phỉnh gạt và ngáng trở không cho ta hiểu cái cá thể cụ thể. Nếu tất cả những gì bạn kinh nghiệm chỉ là ý niệm của bạn thì có nghĩa là bạn chưa kinh nghiệm được thực tại, vì thực tại thì cụ thể chứ không phải ý niệm. Ý niệm giúp bạn đi đến với thực tại, và khi đã đi đến, bạn phải trực giác hay cảm nghiệm lấy thực tại một cách trực tiếp. Đặc tính thứ hai của ý niệm đó là nó tĩnh tại – trong khi thực tại luôn linh hoạt. Ta cứ gọi cái thác ấy là thác Niagara, thế nhưng nước của thác ấy thì không ngừng thay đổi. Nhìn dòng sông ta gọi đó là “sông”, nhưng nước sông thì không cố định như chữ “sông” cụt ngủn ấy. Thân thể con người gồm những tế bào đổi mới không ngừng, thế mà trước sau nó vẫn mang một tên gọi là “thân thể”. Thử hình dung, một cơn gió dữ ào qua ngoài vườn và tôi muốn giúp cho những đồng bào Ấn Độ của tôi biết thế nào là một trận cuồng phong ở Mỹ, tôi hứng lấy cơn gió ấy vào trong một hộp xì gà. Đem về nước, tôi bảo: “Hãy xem đây này!” Thế nhưng, rõ ràng đó không còn là trận cuồng phong nữa. Gió mà bị nhốt lại thì hết còn là gió. Cũng như tôi không thể mô tả dòng sông cho bạn bằng cách đem tới cho bạn một xô nước sông ấy. Vừa khi tôi đựng nó vào xô, nó không còn là dòng sông nữa. Cũng vậy, vừa khi bạn giam sự vật vào trong một ý niệm, sự vật sẽ tĩnh tại, chết cứng. Sóng đóng băng thì hết còn là sóng. Yếu tính của sóng là chuyển, là động; khi bạn làm đông cứng nó lại, nó không phải là sóng nữa. Các ý niệm của chúng ta thì bao giờ cũng đông cứng như thế. Trong khi đó thực tại vẫn trôi chảy. Thảo nào, các nhà thần bí dạy chúng ta rằng thực tại là một toàn thể - và ngôn từ, ý niệm của chúng ta là những lưỡi dao chia năm xẻ bảy nó ra. Điều này không khó hiểu, cũng chẳng khó tin; thế nhưng không phải ai cũng lập tức nhìn ra sự thật của nó. Chúng ta hiểu vì sao dịch ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác là một việc gai góc; vì mỗi ngôn ngữ cắt thực tại một cách rất riêng. Chữ “home” trong Anh ngữ không thể dịch sang tiếng Pháp hay tiếng Tây Ban Nha được. “Casa” không hẳn là “home”. “Home” có những mối tương kết độc đáo của nó trong Anh ngữ. Ngôn ngữ nào cũng có những từ và những kiểu nói không thể dịch được vì chúng cắt thực tại và thêm bớt một cái gì đó đối với thực tại khiến cho công cụ của chúng luôn biến huyễn. Thực tại là một toàn thể và chúng ta cắt nó ra để hình thành những ý niệm, rồi chúng ta dùng ngôn ngữ để biểu diễn các phần khác nhau ấy. Thử ví dụ trong đời bạn, chưa bao giờ trông thấy một con vật, bỗng một hôm bạn thấy một cái đuôi, chỉ một cái đuôi thôi, và có người nói với bạn: “Cái đuôi đấy”; trong trường hợp ấy bạn có được ý niệm nào không, khi mà bạn chưa có chút ý niệm nào về một con vật? Thật vậy, khái niệm là những lưỡi cắt thực tại vốn là một toàn thể trước cái nhìn, sự trực giác và kinh nghiệm của ta. Các nhà thần bí luôn luôn nhắc chúng ta về điều đó. Ngôn từ không chuyên chở thực tại đến cho bạn được. Vai trò của nó là chỉ, là dẫn – không hơn không kém. Bạn dùng nó như kim chỉ nam để đi tới thực tại. Một khi bạn đã đi tới rồi, các ý niệm trở thành vô dụng. Có một câu chuyện kể về cuộc tranh cãi giữa một tăng lữ Ấn giáo và một triết gia – vì vị triết gia này tuyên bố rằng lá chắn cuối cùng không cho người ta gặp thấy Thiên Chúa chính là hai tiếng “Thiên Chúa”. Vị tăng lữ hoàn toàn phản đối lời tuyên bố này, nhưng vị triết gia bảo: “Con lừa mà ngài cưỡi để đi đến một ngôi nhà không phải là phương tiện mà ngài dùng để bước vào ngôi nhà đó. Ý niệm cũng vậy, nó giúp ngài đi đến – và khi đi đến rồi, ngài phải bước xuống khỏi ý niệm, để bước vào”. Chẳng cần phải trở thành một nhà thần bí để hiểu rằng thực tại là một cái gì đó không thể bị nhốt trong những ý niệm, ngôn từ. Để biết thực tại, bạn luôn luôn phải biết hơn cái mình đang biết. Biết hơn điều đang biết – những tiếng ấy có làm bạn giật mình không? Những ai đã từng quen thuộc với ĐÁM MÂY VÔ TRI hẳn sẽ không còn lạ lẫm gì về điều đó. Tất cả các nhà thơ, họa sĩ, các nhà thần bí và những triết gia vĩ đại đều cảm nhận rõ điều đó. Bữa nọ tôi nhìn một thân cây; trước đó, mỗi khi nhìn một thân cây tôi đều tự nhủ, “À, nó là một cái cây”. Nhưng lần này khi nhìn thân cây ấy, tôi không trông thấy một thân cây. Chí ít là tôi không trông thấy cái mà tôi vốn thường trong thấy. Tôi thấy một cái gì đó tinh khôi như cái nhìn của một trẻ thơ. Tôi không có lời lẽ nào để diễn tả nó. Đó là một cái gì độc đáo, trọn vẹn, trôi chảy và không bị chia cắt. Và tôi bàng hoàng. Nếu bạn hỏi tôi: “Cái gì thế?”, tôi chỉ im lặng thôi. Bởi không có ngôn từ nào nói lên được thực tại. Bởi nếu tôi vịn đến ngôn từ, lập tức chúng ta đã trở về với ý niệm. Thực tại sờ sờ trước mắt như thế mà còn không diễn tả được, huống chi là những thực tại ở ngoài tầm mắt thấy tai nghe! Ngôn từ nào sẽ chứa đựng thực tại Thiên Chúa đây? Chắc rằng bạn đang hiểu Thánh Tôma Aquinô, hiểu Thánh Augustinô, hiểu tất cả các vị khác và hiểu Giáo Hội – khi bạn nghe dạy rằng Thiên Chúa là một mầu nhiệm bất khả niệm đối với trí khôn tư duy của con người? Nhà thần học danh tiếng Karl Rahner – một trong những bức thư cuối cùng của ngài là viết cho một thanh niên nghiện ma túy người Đức; thanh niên này đã ngỏ ý xin ngài giúp đỡ. Anh đã viết cho cha Rahner: “Là thần học gia, cha nói về Thiên Chúa; nhưng làm sao nối Thiên Chúa ấy vào cuộc đời của con đây? Làm sao Thiên Chúa ấy đem con ra khỏi sự nghiện ngập đây?”. Rahner viết lại cho anh: “Với tất cả sự thành thực, tôi phải thú nhận với bạn rằng đối với tôi, Thiên Chúa mãi mãi là mầu nhiệm tuyệt đối. Tôi không hiểu Thiên Chúa là gì, cũng chẳng ai hiểu nổi. Chúng ta cố gắng bập bẹ về mầu nhiệm, nhưng mầu nhiệm cứ là mầu nhiệm. Không có chữ nào, câu nào nói đúng được mầu nhiệm”. Và trong một lần nói chuyện với một nhóm thần học gia ở Luân Đôn, cha Rahner phát biểu: “Công việc của nhà thần học là giải thích mọi sự qua Thiên Chúa – và giải thích Thiên Chúa như một cái gì không thể giải thích được”. Vâng, Thiên Chúa là mầu nhiệm không thể giải thích được. Chúng ta không biết, chúng ta không thể nói. Chúng ta chỉ há miệng: “A!, a !..” Ngôn từ là những mũi tên chỉ dẫn, chúng không phải là những trình bày. Trớ trêu thay, người ta đã sa vào ngẫu tượng vì cho rằng về vấn đề Thiên Chúa thì ngôn từ chính là thực tại. Làm thế nào bạn khùng như vậy được? Có gì khùng điên hơn thế nữa không? Ngay cả đối với con người hay cây, lá, súc vật… thì ngôn từ cũng không là thực tại kia mà. Hẳn bạn sẽ chống chế rằng về vấn đề Thiên Chúa thì ngôn từ là một thực tại? Bạn có ý nói gì? Một học giả Thánh Kinh nổi tiếng trên thế giới đã tham dự một khóa hội thảo ở San Francisco, ông nói với tôi: “Trời ơi, sau khi nghe cha nói, con mới biết rằng từ xưa đến bây giờ con chỉ tôn thờ ngẫu tượng. Ngẫu tượng của con không được khắc bằng gỗ hay đúc bằng đồng. Đó là một ngẫu tượng làm bằng trí tưởng”. Thậm nguy hiểm. Những người tôn thờ ngẫu tượng như vậy sử dụng chất liệu rất tinh vi là chính trí khôn để sản xuất ra Thiên Chúa của họ. Điều tôi muốn nói với bạn ở đây là: Hãy ý thức về những thực tại xung quanh bạn. Ý thức có nghĩa là theo dõi, quan sát những gì diễn tiến bên trong bạn và xung quanh bạn. Nói “diễn tiến” thật rất chính xác: cỏ, cây, hoa, lá, thú vật, đất đá… tất cả đều là thực tại. Người ta quan sát nó, theo dõi nó. Quả là điều khẩn thiết – việc chúng ta không chỉ quan sát chính mình, mà còn theo dõi tất cả thực tại nữa. Phải chăng tất cả các ý niệm của bạn là ngục tù giam hãm bạn? Bạn có muốn phá vỡ ngục tù đó không? Vậy thì hãy nhìn; hãy quan sát; hãy kiên trì quan sát. Ta quan sát, theo dõi cái gì? Bất luận cái gì! Những khuôn mặt người, những hình thù cây lá, một cánh chim đang bay qua, đống đá bên đường, thảm cỏ non đang mọc. Hãy tiếp cận với sự vật, hãy nhìn ngắm chúng. Thế rồi một lúc nào đó ta sẽ đột phá những khuôn dạng cứng nhắc mà tất cả đều do ta vẽ vời nên, ta sẽ bứt ra khỏi những ý tưởng và ngôn từ vốn ràng rịt mình. Rồi ta sẽ thấy. Thấy gì? Thấy cái ta mệnh danh là thực tại, cái vượt khỏi ngôn ngữ và ý niệm. Đấy chính là một cuộc linh thao, là linh đạo, là vượt thoát chuồng cũi, vượt thoát ngục tù của ý niệm và ngôn từ. Buồn biết bao nếu chúng ta đi qua cuộc đời mà không bao giờ nhìn ngắm cuộc đời bằng ánh mắt trẻ thơ. Tôi không nói là bạn phải giũ sạch sành sanh mọi ý niệm; bởi chúng vẫn rất có giá trị. Dù chúng ta không màng tới chúng, thì chúng vẫn giữ một vai trò rất tích cực. Chúng giúp ta phát triển trí tuệ. Chúng ta không được mời gọi trở nên trẻ thơ, mà là trở nên như trẻ thơ. Chúng ta không thể níu lấy tình trạng ngây thơ và bám lấy thiên đàng, chúng ta đã phát triển một cái “tôi ” chủ thể và một cái “tôi ” đối tượng xuyên qua các ý niệm. Nhưng rồi chúng ta cần phải trở lại thiên đàng. Chúng ta cần phải được chuộc lại. Chúng ta cần phải cởi bỏ con người cũ, bản tính cũ, cởi bỏ cái tôi hẹp hòi để trở về với tình trạng của trẻ thơ mà không phải là để làm một đứa trẻ thơ. Một khi chúng ta lên đường, chúng ta sẽ nhìn thực tại với sự ngạc nhiên – nhưng không phải là sự ngạc nhiên thuộc trí năng của nhà thần bí – mà đó là sự ngạc nhiên vô hình vô dạng của trẻ thơ. Ngạc nhiên ấy sẽ nhòa dần, tắt hẳn và bị nỗi chán chường choán chỗ - một khi chúng ta lại để cho ngôn ngữ và ý niệm kéo lại bao vây. Nhưng đừng nản; rất có thể chúng ta lại tìm thấy được sự ngạc nhiên đã mất. |