|
Đôi khi chúng ta nghĩ rằng, khi bước vào con đường tu học ta sẽ phải đánh mất đi sự say mê (passion) và những bén nhạy tự nhiên (spontaneity) của mình đối với cuộc sống chung quanh. Dường như là thiền tập sẽ khiến ta trở thành một người vô cảm! Nhưng sự thật có đúng là như vậy chăng?
Thế nào là tự nhiên? Tôi thấy vấn đề có lẽ là vì chúng ta có một quan niệm sai lầm, một lối hiểu khác về thế nào là tánh tự nhiên của mình. Có thể ta lầm lẫn tính tự nhiên với lại những tập quán và thói quen sẳn có của mình, và cũng có lẽ ta nghĩ rằng những hành động nào mà không suy tính, phản ứng theo cảm xúc, thì mới là tự nhiên, spontaneity. Thật ra phần lớn những hành động mà ta cho là "tự nhiên" ấy, chúng chỉ là những phản ứng bị điều kiện của mình mà thôi. Chúng ta bị điều kiện bởi các thói quen và tập quán lâu đời, mà chúng là sự huân tập của những buồn vui, ham muốn, ghét bỏ qua năm tháng. Chúng ta hành xử theo chúng, đôi khi làm mà không hề ý thức được hậu quả của việc mình làm. Và rồi ta bị trôi lăn theo những bận rộn, lo âu của cuộc sống hằng ngày, phản ứng máy móc theo hoàn cảnh chung quanh. Và ta lại vô tình cho đó là sự say mê (passion) và tánh tự nhiên (spontaneity) của mình.
Nhất kỳ nhất hội
Tuy trong cuộc sống ta có thể đã gặp nhau nhiều lần, đã cùng ngồi uống với nhau bao nhiêu tách trà, nhưng mỗi lần là một lần hoàn toàn mới. Bao giờ cũng chỉ có thể là một lần gặp mặt này thôi và chỉ là một tách trà này mà thôi. Không thể là một lần thứ hai. Và nếu ta biết có mặt trọn vẹn với giây phút ấy, ta mới có thể tiếp xúc được với sự tự nhiên chân thật của sự sống. Bà Maurine Stuart là một giáo thọ thuộc dòng thiền Lâm Tế, và cũng là một nhạc sĩ trình tấu piano, có chia sẻ như sau: “Chúng ta bao giờ cũng là đang bắt đầu. Lúc nào cũng sẽ là lần đầu tiên của mình. Khi chơi piano, tôi thường đánh nhạc đến dấu hiệu lặp trở lại (repeat sign) trong bài nhạc. Thật ra ta có thể nào lặp lại đoạn nhạc ấy được chăng? Mỗi khi dạy học trò mình chơi piano, và khi đánh đến dấu lặp trở lại ấy, tôi bảo các em rằng, không có sự lặp lại. Chúng ta trở lại đầu của đoạn nhạc ấy, nhưng nó sẽ không bao giờ giống y như trước. Lúc nào cũng sẽ là mới tinh khôi.” Và sự sống của ta cũng vậy. Mà thật ra đó mới chính là cái ý nghĩa chân thật, sâu xa của sự tự nhiên, nó khác biệt với những phản ứng và lối hành xử máy móc có điều kiện kia biết là bao nhiêu! Tuy hoàn cảnh có thể không thay đổi, năm tháng vẫn vậy, cũng tách trà ấy, cũng trời mây ấy, nhưng những điều kiện chung quanh ta, và ngay chính ta, chắc gì cũng vẫn là như xưa? Và nếu như ta không thật sự có mặt thì mình có thể nào sống với một lòng say mê tự nhiên như ta nghĩ được chăng? Vì cuộc sống không bao giờ có một sự lặp lại, nhưng nhiều khi ta vẫn cứ ôm ấp và tiếp nối mãi những nỗi muộn phiền xưa cũ của mình...
Biết ơn giây phút này
Và tâm từ ấy cũng thường được biểu hiện bằng một thái độ biết ơn. Trong kinh có ghi lại rằng, sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, đức Phật đã đứng yên một khoảng xa để chiêm bái cây bồ đề trong suốt một tuần. Phật bày tỏ lòng tri ân sâu xa của mình đối với cây bồ đề đã che chở nắng mưa cho ngài trong suốt thời gian tầm đạo. Có lẽ bài pháp đầu tiên đức Phật dạy cho cuộc đời, là một bài học về lòng biết ơn. Trong Kinh Tăng Chi bộ, đức Phật cũng thường khen ngợi những người biết nhớ ơn khi họ tiếp nhận một điều gì. Mà trong cuộc sống này chúng ta được tiếp nhận nhiều lắm, phải không bạn!
Lòng biết ơn mang lại hạnh phúc
Ông David Steindl-Rast là một tu sĩ người Áo, ông cũng đã từng theo học Zen với các vị thiền sư Nhật bản, như là Sōen Nakagawa thuộc dòng Lâm Tế và Shunryu Suzuki của dòng Tào Động. Ông Steindl-Rast nói, chúng ta ai cũng đều muốn đi tìm hạnh phúc. Ông đã gặp những người có hoàn cảnh rất thương tâm và nhiều bất hạnh, nhưng họ vẫn thật sự có hạnh phúc, và hạnh phúc ấy của họ lại còn lan tỏa đến những người chung quanh. Tại sao họ lại có thể được như vậy? Ông Steindl-Rast nói, “Vì họ biết nhớ ơn.” Ông tiếp, “Không phải vì ta có hạnh phúc mà ta biết nhớ ơn, nhưng chính vì lòng biết ơn mà ta có được hạnh phúc.” Xin bạn lắng nghe những chia sẻ dưới đây của ông David Steindl-Rast về năng lượng hạnh phúc của sự biết ơn.
Tiếp nhận giây phút này
Dầu cho bạn không làm gì hết, chỉ đáp lại bằng sự trân quý đối với món quà của ngày hôm nay, sống như đó là một ngày đầu tiên và cũng là ngày cuối cùng của cuộc đời, thì bạn đã sống ngày hôm nay thật tốt đẹp rồi. Bạn hãy bắt đầu bằng mở mắt ra, và ngạc nhiên rằng bạn có một đôi mắt để nhìn. Kìa một tia sáng với những màu sắc kỳ diệu, lúc nào cũng dâng tặng cho ta những niềm vui trong sáng. Hãy nhìn bầu trời, chúng ta hiếm khi nào ngước lên nhìn bầu trời. Thật ít khi ta lại chú ý đến những áng mây đẹp vẫn đang trôi ngang qua trong từng mỗi giây phút. Chúng ta có thấy được những sắc thái biến đổi của thời tiết khác nhau chăng, hay ta chỉ thấy thời tiết là xấu hoặc tốt mà thôi. Như ngay trong chính ngày hôm nay, thời tiết cá biệt này có thể sẽ không bao giờ trở lại một lần nữa. Những áng mây trắng với hình dạng ấy trên bầu trời, sẽ không bao giờ có mặt y như vậy một lần thứ hai. Bạn hãy mở mắt ra và nhìn cho kỹ đi… Hãy nhìn vào những gương mặt của người bạn gặp. Phía sau mỗi khuôn mặt ấy là một câu truyện rất kỳ thường. Một câu truyện mà bạn không thể nào hoàn toàn hiểu thấu hết được. Không phải chỉ là câu truyện riêng của người ấy, mà còn là của tổ tiên, của nhiều thế hệ cha ông của họ. Quá khứ của mỗi chúng ta được bắt đầu từ một nơi rất xa xôi, một sự sống trải dài qua bao thời gian và biết bao không gian, và bây giờ nó có mặt ở nơi đây, trong giờ phút này. Bạn có thấy kỳ diệu không?
Và đó chỉ là một vài trong vô số những món quà tặng cho bạn, nếu như ta biết mở rộng con tim mình. Tôi cầu chúc cho bạn mở được lòng mình ra để tiếp nhận những may mắn và hạnh phúc này, và để cho chúng tuôn chảy qua bạn. Để rồi những người bạn gặp trên con đường mình đi cũng sẽ nhận được một hạnh phúc từ bạn. Chỉ cần qua ánh mắt của bạn, nụ cười, một sự xúc chạm của bạn, chỉ đơn giản bằng sự có mặt của bạn. Hãy để lòng biết ơn ấy tuôn chảy thành những hạnh phúc tràn ngập chung quanh mình. Và ngày hôm nay sẽ là một ngày tuyệt vời. Và lẽ dĩ nhiên chúng ta không thể nào trân quý những bạo động, chiến tranh, những sự hiếp đáp, và bóc lột trong cuộc sống. Và trên lãnh vực cá nhân cũng vậy, ta đâu thể nào hoan hỷ trước sự ra đi của một người thân, trước một sự phản bội, hay mất mát của nhau. Nhưng chúng ta hãy tiếp nhận những gì cuộc sống đang dâng tặng cho mình trong giây phút này. Chúng có thể là những hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng ta nên chấp nhận và hãy làm những gì cần làm, để tiếp xúc với hạnh phúc. Đôi khi những kinh nghiệm khổ đau là cơ hội để chúng ta học bài học của mình. Mà nếu như ta không có khả năng để học lần này, thì rồi lần tới cũng sẽ có một cơ hội mới cho ta học lại mà thôi.”
Là hạnh phúc lớn nhất
Tôi nghĩ, có lẽ ông Steindl-Rast cũng đã đọc được đoạn này trong bài kinh Phước Đức, Mahamangala sutta:
Biết khiêm cung lễ độ Tri túc và biết ơn Không bỏ việc học đạo Là phước đức lớn nhất.
Bạn thấy không, biết đủ và biết ơn, biết tiếp nhận những gì xảy đến cho mình như là một bài học trên con đường đạo, là một hạnh phúc. Và nó sẽ mang lại cho ta một phước đức lớn nhất. Và thái độ ấy thật ra không phải phát xuất từ một sự cố gắng nào của một cái tôi, mà chỉ là trở về với sự tĩnh lặng và trong sáng sẵn có của mình. Trở về để biết mà thôi.
|