• Nhật ký Sri Lanka: 02/12/2013
  • Tác giả: Pháp Tông


Ngày 2/12/2013

  

Sáng hôm nay dùng điểm tâm tại khách sạn. Ăn buffet nhưng ở ks này hơi ít món. Có chapati như của Ấn nhung theo kiểu S L. - mềm và có vị ngọt. Có bánh mì sandwich nướng ăn với bơ. Có cơm và rau cải, cà rốt, đậu vert xanh xào. Sư P L. có mang theo bánh mì làm ở nhà Phật tử theo kiểu Pháp và một ít thức ăn riêng đem ra mời mọi người. Thấy có món cà ri, món cá ngừ kho. Ăn thử món cá thấy cũng đậm đà. Mình đọc báo và đâu đó trong sách nói xứ đảo này là vùng đất gia vị, sản xuất tiêu, tỏi rất nhiều nhưng sao trong món ăn hai ngày qua thấy họ dùng rất ít gia vị. Chưa gặp món gì cay hoặc mặn.

 

 

  

Ăn sáng xong sư PL. đưa đoàn đi thăm lần lượt 3 địa điểm quan trọng của Phật giáo Tích Lan trong quá khứ: Maha Vihara (Đại tự) hình thành khoảng thế kỷ thứ 3-5, là ngôi tự viện mà ngài Buddhaghosa từng cư trú khi từ Ấn sang; Abhayagiri (Vô uý phong) nổi tiếng vào giai đoạn kế tiếp, tức khoảng thế kỷ thứ 5-7, thời các ngài cao tăng soạn Phụ chú giải (Anu atthakatha) và Jetavana monastery ở tk 11-12. Cả ba nơi ngày nay đều đã được trùng tu hoặc xây mới trên nền đất cũ. Hình thức bên ngoài là một ngôi mộ tháp hình chuông úp với đỉnh nhọn nằm trên đế tứ giác. Diện tích đất của từng thắng tích ngày xưa nhỏ như Maha Vihara cũng khoảng 20 mẫu Tây, Abhayagiri 40 mẫu Tây... mà nay khuôn viên mỗi nơi chỉ còn vài ba mẫu! Xung quanh nhà cửa dân chúng xây dựng rải rác! Nghe nói, vùng đất này sau thời kỳ hưng thịnh đã bị các triều đại sau bỏ phế vì bị các thế lực Ấn giáo và Hồi giáo từ phía Bắc lấn chiếm. Kinh đô phải dời về phương Nam. Suốt 1500 năm sau đó Anuradhapura chìm trong lãng quên và bóng tối, cho đến khi người Anh sang xâm chiếm đảo quốc này và đô hộ. Chính nhờ các nhà khảo cổ người Anh và các học giả, nhà nghiên cứu của đất nước sương mù mà vùng đất một thời là cố đô của xứ sở, cũng là thủ phủ của Phật giáo thời ấy được người thời nay biết đến. Sau ngày giành lại độc lập, chính phủ Tích Lan đã đầu tư không ít tiền bạc, công sức để tái thiết, trùng tu các thắng tích xưa ở đây.

    

    


  

Điểm tham quan cuối của buổi sáng là ngọn núi nơi ngài Mahinda tịnh tu. Cũng là nơi khi mới đến Tích Lan, sau khi đến diện kiến đức vua thời ấy không gặp, ngài về đây ẩn tu. Sau này nơi đây trở thành khu vực dành cho các vị sau khi học Pháp học xong sẽ vào đây tu Pháp hành.

  

 

   

Vừa đến chân núi, bước xuống xe trời đã đổ mưa. Mỗi người được phát một cây dù. Mới đi quanh và bước vài đoạn bậc cấp xem và chụp được mấy tấm hình thì trời chuyển sang mưa nặng hơn. Ôn GĐ, sư cô dừng bước quay về. Mình và số còn lại tiếp tục leo núi. Cũng nhờ có hai cậu thanh niên bản xứ và cậu hướng dẫn viên địa phương dìu lên, dìu xuống bậc cấp và nói khéo với các sư ở trong tu viện nên nhóm được vào chiêm bái Xá-lợi ngài Mahinda và Xá-lợi Đức Phật. Của Ngài Mahinda rõ ràng là miếng xương trắng. Của Đức Phật có hai ngôi. Một ngôi màu tím như ruby, ngôi kia màu trắng đục. Cả nhóm xuống núi khi trời đã dần bớt mưa.

  

    

Bữa trưa đoàn ghé tới một nhà hàng để dùng bữa. Nếu trưa hôm trước ăn nghĩa là "cho cái gì đó vào miệng để đầy bụng nuôi thân" thì trưa nay cả đoàn đều ăn ngon miệng hơn. Nhóm hậu cần của đoàn có kinh nghiệm đi Ấn hai năm trước nên đã chuẩn bị sẵn một số thức ăn khô như chà bông thịt, chà bông cá, cá cơm kho khô... đem ra hỗ trợ đúng lúc nên được "ủng hộ" nhiệt tình.

  

    

 

Trời vẫn mưa khi đoàn vừa tới nhà hàng và sau khi ăn xong mưa nặng hạt hơn. Do vậy sư PL. bàn nên thay đổi chương trình, sẽ không đi cố đô Polonnaruva như kế hoạch dự kiến mà sẽ cho xe chạy thẳng qua Dambulla, thành phố trong dự định sẽ ngủ lại đêm. Trong tình hình trời mưa thế này, rất có thể cố đô Polonnaruva bị ngập nước, không tham quan được. Từ nơi ăn trưa đi Dambulla khoảng 160 km. Đi cố đô Polonnaruva khoảng cách cũng tương tự.

Mình lên xe ngủ một hơi, mở mắt đã thấy phố xá, người đi lại trên đường đông đúc. Bụng nghĩ, chăc sắp đến Dambulla. Đúng thật! Chỉ ít phút sau đã thấy tên thành phố trên pano, biển hiệu dọc đường.

    

    


 

Xe ghé vào chùa Vàng (Golden Temple). Trong chùa này có một bảo tàng viện ghi chép lại toàn bộ tranh ở trong chùa Đá phía sau. Khu vực chính là nơi trưng bày tượng Phật của các nước trong tương lai vì tới nay chỉ mới có một số nước hoặc tổ chức Phật giáo các nước gởi tặng. Điểm tham quan chính ở đây là chùa Đá. Đây là ngôi chùa nằm trên đỉnh núi, mái chùa dựa vào một phần của khối đá vĩ đại. Mái lợp bằng ngói đồng tấm, dưới đóng trần gỗ. Rất nhiều tượng Phật được tôn trí bên trong. Hầu hết ở tư thế ngồi. Chùa chạy dài theo triền đá, phân ra nhiều phòng lớn nhỏ tuỳ độ phình ra thóp vào của khối đại cự thạch. Từ trên núi nhìn xuống cảnh trí phủ một màu xanh cây lá rất tuyệt. Phần nào có lẽ nhờ trận mưa đã rửa sạch không khí. Như thường nghe nói: Sau cơn mưa trời lại sáng.

Tối nay đoàn ngủ lại ks Gimanhala.

 (Tiếp theo)

 


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024