• Nhật ký Sri Lanka: 03/12/2013
  • Tác giả: Pháp Tông


Ngày 3/12/2013

  

Khách sạn Gimanhala nằm giữa lòng Dambulla.

Sáng sớm sau khi thức dậy vệ sinh xong bước ra ngoài hành lang dạo ít vòng. Không khí ở đây thật tinh khiết, trong lành. Giữa đô thị mà không ngửi thấy mùi đặc trưng của đô thị như mùi dầu xăng, mùi bụi bặm... Hít mấy hơi thật sâu!

Điểm tâm sáng ở đây thật phong phú. Có rất nhiều thức ăn để mọi người tuỳ ý chọn lựa. Mình để ý có món cá ngừ kho. Nếm thử thấy cũng đậm đà, thấm thía. Cũng lạ! Mình đi đây đi đó trong nước ngoài nước mà ít thấy ở đâu trong thực đơn nhà hàng có món cá, ngoại trừ ở Vinh và Buôn Mê Thuột. Trong đoàn hầu như ai nấy đều ngon miệng.

 

 

 

Trên đường từ Dambulla về Kandy giữa đường xe ghé lại cho đoàn chiêm bái chùa Thạch Động (Rock Cave temple). Đây là địa điểm mà theo sử liệu Sri Lanca cho biết là nơi lần đầu tiên Tam tạng tiếng Pali được ghi lại thành văn bản trên lá bối. Mình được tận mắt nhìn thấy các loại hạt được nghiền ra làm mực để bôi lên nét chữ khắc của lá và loại hạt được xay thành bột để thoa lên mặt lá xoá mực thừa. Một vị sư trẻ ở đây trình diễn công đoạn khắc chữ lên lá cho mọi người xem. Hay thật! Mình mua một bản kinh được khắc theo kỹ thuật này để lưu niệm. Giá 3.000 Rs/48.000 đ. Sư Tuệ Tâm, sư Giới Đức và Phương Mai cũng mua. Nơi đây còn dấu tích thiền thất của ngài Buddhaghosa một thời từng lưu trú.

 

 

 

 

Chỗ dừng chân tiếp theo là vườn thực vật chuyên canh cây dược liệu thuốc dân tộc của Tích Lan. Rất nhiều cây trong vườn ở Việt Nam cũng có. Hệ thực vật ở xứ này tương tự như ở nước mình. Nhân viên hướng dẫn đưa cả đoàn đi xem và giới thiệu giống loài, đặc tính và dược tính của những cây trồng. Sau đó mời mọi người vào một ngôi nhà lớn giữa vườn tham quan các sản phẩm thuốc dân tộc được chế biến từ các loại thực vật. Mọi người được mời massage và thoa bóp bằng dầu dược liệu bản xứ. Mình bị nài nỉ quá cũng để cho nhân viên massage chân một lúc. Màn cuối không tránh khỏi là mời mua thuốc. Giá thuốc ở đây không đắt. Với một số bệnh thông thường nghe nói cũng khá hiệu nghiệm. Thầy thuốc nhà mình có mua một ít.

   

   

 

Đường lên Kandy quanh co.  Đèo dốc nối nhau như đường lên Đà Lạt, Sapa nhưng mặt đường rất tốt, không gặp bất kỳ một ổ gà hoặc điểm mấp mô nào. Dọc đường, tít tắp, trùng trùng điệp điệp hai bên quốc lộ là những cánh rừng, đồi núi đậm màu xanh của hệ thực vật nguyên sinh. Nhà cửa dân chúng và vườn tược nằm dọc theo tuyến giao thông như ở xứ mình nhưng do lượng xe ô tô ít, các khu dân cư không san sát, liền kề và nhất là xe máy, xe đạp hầu như không thấy nên ô tô chạy nhanh mà vẫn có cảm giác an toàn. Sau mấy ngày qua xứ này, sáng nay đoàn mới nhìn thấy một tai nạn giao thông: Một chiếc ô tô 4,5 chỗ dòng sedan do lái xe xử lý kém khi qua đoạn đường cong, lạc tay lái bị rơi xuống mương. Xe cứu hộ đang tìm cách móc và kéo lên. Không thấy người bị thương tích gì.  

 

   

Kandy là cao nguyên duy nhất ở đảo quốc này. Khí hậu mát mẻ quanh năm. Nghe nói ở đây có vùng chuyên trồng trà và sản xuất ra một loại trà đặc biệt có sắc trắng như trà bạch mao ở Thái Nguyên mình. Rất tiếc là thời gian đoàn lưu lại đây không nhiều nên không có cơ hội đến thăm các đồn điền trà này và nếm thử hương vị độc đáo của xứ đảo.

Tới trung tâm tỉnh lỵ của Kandy thì vừa giữa trưa. Xe của đoàn ghé lại một nhà hàng đã liên hệ trước dùng bữa. Nhà hàng này có tên là Oak-Ray. Thực đơn và trình độ nấu nướng của đầu bếp ở đây thuộc đẳng cấp quốc tế rồi! Tuy nhiên, do buổi sáng ở Gimanhala mọi người đã điểm tâm hơi nhiều nên bữa trưa ở đây phải tự động giảm bớt.

   

 

Kandy là đơn vị hành chính lớn thứ hai sau Colombo được quốc tế biết đến. Tuy là đô thị miền núi nhưng phố xá ở đây suốt ngày nhộn nhịp người mua kẻ bán, du khách đi lại tấp nập. Kandy nổi tiếng trong cộng đồng Phật giáo thế giới vì ở đây có ngôi chùa thờ một chiếc răng nhọn của Đức Phật. Với giới học thuật thì Kandy được biết đến do có một số trường đại học uy tín được chính phủ thuộc địa Anh thành lập từ cuối thế kỷ 19.

Sau khi ăn trưa xe đưa đoàn về một khách sạn nhỏ nằm bên triền núi. Mọi người tranh thủ đi nghỉ một chút để buổi chiều có mục shopping. Nghe vậy là mình khoai khoái rồi. Đúng 14g30  số đông thành viên trong đoàn đã có mặt ở phòng đợi. Đi shopping hay đi mua sách trước? Shopping được ủng hộ tuyệt đối! Một số vị không đi. Chủ trương ở nhà ngủ sướng hơn. Cũng được thôi.

 

 

Nhóm đi đông hơn nhóm ở nhà. Ai nấy háo hức muốn được sớm ghé cửa hàng bán đồ lưu niệm. Hỡi ôi, chẳng mua được gì sất! Xe chở mọi người đến một shop bán khá nhiều mặt hàng cho du khách, pano quảng cáo rất ghê: the best souvenir shop in Sri Lanca (cửa hiệu bán hàng lưu niệm hạng nhất ở Sri Lanca). Thế nhưng sản phẩm chỉ ngang đồ tầm tầm mà giá thì hét trên đọt cây! Mấy cô nhân viên bán hàng thì bám sát mình nhìn lăm lăm? Cuối cùng một cô mạnh dạn lên tiếng: "Thai?". "No". "Chinese?". "No, guess it" Các cô nhìn nhau lắc đầu. Đến khi mình cho biết là người Việt thì họ mới ồ lên ngạc nhiên.

Đến bookshop thì không khí khác hẳn. Các thành viên trong nhóm tản ra ngắm nghía và chọn các đầu sách mình cần. Cửa hiệu này có tên là: Book Publication Society, vừa ấn hành vừa phát hành kinh văn Phật giáo các tông phái bằng ba ngôn ngữ: Sinhalese, Pali và Anh ngữ. Có rất nhiều bản kinh, sách có giá trị được trưng bày nơi đây. Vì giá sách rất rẻ nên các thành viên trong nhóm hầu hết đều tay xách nách mang khi ra khỏi cửa hiệu. Phải nói là chư Tăng và Phật tử Việt Nam hôm nay đã gây ấn tượng cho các nhân viên cửa hàng sách này. Bằng cớ là một cụ nhân viên run tay, không bấm bàn tính được, phải nhờ một đồng nghiệp trẻ hơn làm giúp! Khi cả nhóm rời khỏi cửa hiệu, toàn bộ các ông bà nhân viên trong cửa hiệu còn nhìn theo trầm trồ mãi!

  

  

 

Trở về khách sạn trước 17g, vệ sinh và nghỉ ngơi một lúc đến 17g30 lại tiếp tục đi đến chùa thờ răng Đức Phật. Đây là mục đích chính của đoàn khi lên Kandy. Sư Panna Loka có hẹn trước với người có thẩm quyền ở đây nên đoàn được ưu tiên cho vào cửa riêng. Được mời vào phòng khách ngồi chờ. Nhưng thấy thì giờ còn nhiều nên mọi người bảo nhau ra ngoài tham quan quanh chùa trước.

Ngôi đại tự thờ răng của Đức Phật ở phía ngoài nhà ngang dãy dọc rất nguy nga, tráng lệ. Nét chạm trổ, các mẫu phù điêu, trang trí trên cột, xà, tường vách rất tinh xảo và độc đáo. Trong chùa có một khu nhà bảo tàng khá đẹp. Rất tiếc, đoàn đến vào lúc chiều tối nên không có nhiều thời gian để nhìn ngắm kỹ hơn. Mình chỉ kịp ghi lại một số ảnh góc này góc kia lưu niệm.

 

      

Do lượng khách xếp hàng xin chiêm bái quá đông - thường xuyên như vậy - nên ban tổ chức chỉ cho phép mỗi người được đến trước bảo tháp dâng lễ phẩm và vái một vái rồi lùi ra nhường chỗ cho người khác. Mình cũng được vào lạy một lạy rồi tránh ra cho vị đi sau. Nghe nói, bảo tháp mà mọi người được cho vào chiêm bái đó chỉ là tháp mang tính chất biểu tượng. Tháp đựng răng thật được cất dưới tầng hầm, có 4 chìa khoá do 4 vị cao Tăng giữ. Mỗi 5 năm một lần mới được thỉnh ra, tôn trí trên một thớt tượng và cung nghinh đi quanh Kandy cho Phật tử đảnh lễ, vọng bái. Đức Xá- lợi răng này là quốc bảo đệ nhất của xứ sở này, liên quan mật thiết đến vận mệnh đảo quốc Sri Lanca. Trong quá khứ, dường như có một lần một vị quốc vương cho chuyển đi nơi khác, ngay sau đó quốc độ gặp đại nạn nên từ đó chính phủ Tích Lan không cho phép đưa Xá- lợi đi ra khỏi Kandy dù rất nhiều nước Phật giáo muốn cung thỉnh về nước họ cho dân chúng Phật tử xứ họ được một lần chiêm bái! Trong thời kỳ các nước Tây phương đến xâm lăng, đô hộ không ít âm mưu, kế hoạch tìm cách chiếm đoạt quốc bảo này nhưng chư Tăng, Phật tử Tích Lan đã khiến họ không thể thực hiện được.

   

 

Mình hữu duyên được một lần vái lạy bảo tháp đựng Xá- lợi răng của Đức Phật cũng phước phần lắm à nha.

Đêm ở bên ngoài chùa đèn chiếu mờ ảo, lung linh.

Sáng mai dùng điểm tâm xong là lên đường về lại Colombo rồi.

 

 (Tiếp theo)


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024