• Tiểu ký sự Sri Lanka (Ngày 2)
  • Tác giả: Minh Quang

 

Sri Lanka - 2014

Ngày 02: ở thiền viện


Gần 5h sáng, sau giấc ngủ sâu, mình được đánh thức bởi một rừng tiếng chim hót! Ra ban công hít thở khí trời trong lành, thật sảng khoái. Tức cảnh sinh tình:

Cảnh trần vốn chỉ thế thôi
Tâm luôn vọng động bởi mồi ham mê.
Chốn tịnh, kẻ thích người chê
Phố đông lắm chuyện, cũng mê, cũng sầu
Ngẫm ra chê với mê cùng
Một tâm bất giác phục tùng vô minh
Bây giờ tại chỗ này đây
Trọn lòng tận hưởng trời mây an bình!

Thỉnh thoảng một chiếc xe gắn máy chạy ngang quyện vào tiếng tụng kinh Pali lúc trời hừng đông, không gian dịu mát. Đứng ngắm mà quên thời gian trôi.

6h30, chạy vội vào rửa mặt đánh răng rồi xuống đảnh lễ Sư, sau đó ăn sáng.

Hôm nay ở chùa không đi đâu, được chứng kiến một ngày đặc biệt! Do là ngày trăng tròn, là ngày quốc lễ của Sri Lanka (tất cả ngày rằm đều là ngày lễ chính thức) nên mọi người được nghỉ. Lại là trăng tròn tháng giêng nên mọi người đi đến chùa từ sáng sớm (có người đến từ tối hôm trước) để nghe thời pháp buổi sáng. Sau đó cúng dường vật thực cho Chư Tăng Ni, và dùng trưa xong lại ngồi thiền, nghe pháp đến 17h. Khắp nơi đều như vậy.

Sư mở ti vi cho mình xem, các đài tiếng địa phương đều là chư Tăng thuyết pháp! Thật là khó tin nếu không tận mắt tai nghe! Tối hôm nay có nơi thỉnh Sư đến chúc phúc cho lễ nhận nhiệm sở.

Ăn sáng xong, hai Sư trò đi qua bên dãy Ni xá. Được Sư kể chi tiết những việc Sư đã, đang và sẽ làm, mình càng khâm phục Sư nhiều hơn. Cuối câu chuyện, Sư chỉ nói, "mọi chuyện chỉ là nhân duyên đến đi thôi, sức người có nghĩa lý gì, đừng để tâm dính mắc vào nó mới là điều quan trọng cần làm con ạ"!

  

 

Ni xá vừa xây xong 2013

Đến giờ đi bát cho chư Tăng Ni, mọi người đã chuẩn bị sẵn và các Tăng Ni ngồi vào chỗ. Từng người múc đồ của mình vào dĩa cho chư Sư Ni. Món nào các vị dùng nhiều thì im lặng nhận, món nào ít dùng hay không dùng thì các vị đưa tay che lại.

Không có việc buồn phiền hay tranh giành đồ này của mình được chư Sư Ni nhận nhiều hay ít. Có lẽ mọi người ở đây đã thấm nhuần ý nghĩa của sự bố thí, cúng dường nên sự hoan hỷ luôn rõ nét trên cử chỉ, hành động.

 

 

 

Mình cho mấy đứa bé đi cùng cha mẹ chúng những gói kẹo m&m mang theo, đứa nào cũng thích. Chúng hồn nhiên, vui vẻ nhận quà cũng như lúc chúng dâng tặng phẩm đến chư Tăng vậy. Hồn nhiên trong sự cho - nhận, Pháp Phật chỉ có thế thôi!

Vì có mình đến nên Sư Walpola cùng dùng bữa với mình trong phòng. Năn nỉ cách mấy là để con dùng bữa với các Phật tử nhưng Sư cũng không chịu nên đành "nhập chùa tuỳ trụ trì" vậy!

Ôi, quả nghiệp thiện trổ sanh, đó là được Sư sớt bát! Nói nghe chơi cho trịnh trọng chứ chỉ là được ăn ké phần phước của Sư. Trên bàn có tổng cộng khoảng 12 món không kể 2 loại cơm và trái cây! Phải xem lại hình chứ không thể nào nhớ hết nổi!

Đặc biệt nhất là món cóc xanh hầm, lần đầu tiên được thấy bởi trái cóc thì có gì lạ đâu. Họ chẻ trái cóc xanh làm đôi, sau đó luộc chín bằng nước muối rồi xào với gia vị. Nói nghe như rành lắm vậy nhưng thật ra đó chỉ là sự tưởng tượng thôi! Có lẽ kiếp nào đó làm người Sri Lanka, đã tự tay làm món này rồi nên bây giờ chế ra sự tưởng biết này, hì hì (nếu công thức này sai thì người ăn hoàn toàn chịu trách nhiệm nha!)

 

 

Ké phần phước của Sư

 

Nhìn chung, đồ ăn của họ rất ít dầu mỡ (trừ bánh tráng chiên và lá xanh chiên). Khẩu vị thì miễn bàn vì hoàn toàn do chủ quan của từng người, có thể người này khen ngon, người kia chê dở. Do vậy mình không đề cập đến chuyện ngon dở.

Ngay cả đồ xào cũng không thấy có váng dầu. Họ chủ yếu luộc rồi trộn chung nên gọi là xào thôi. Vì thế chư Tăng Ni ít bị tiểu đường, tim mạch. Còn ai ăn nhiều thì bụng phệ là chuyện đương nhiên!

Chuyện ăn uống hơi bị dài dòng. Nhưng chắc không làm phiền người đọc!
Đến 14h Sư sẽ thuyết pháp nên mình chủ động thỉnh Sư đi nghỉ sau khi ăn trưa xong.

Còn lại một mình, phụ chú Phật tử trẻ Dilshan 22t dọn dẹp xong thì ngồi trò chuyện cùng chú. Thu nhập trung bình của nhân viên nhà nước vào khoảng 25'000 roupies (chừng gần 200 usd). Dilshan làm trong sân bay, bán hàng lưu niệm, lương được 30'000 roupies. Cậu ấy sử dụng Iphone 3S mà một Phật tử bên châu Âu tặng Sư. Mặt kiếng của điện thoại bể nứt, màn hình thì có mấy chỗ không còn sáng nữa.

Sau đó mình tính lên phòng nằm nghỉ một chút. Tuy nhiên, thấy iPad sạc xong rồi nên đi ra ngoài ban công ngồi viết 1 chút.

Viết được vài chữ thì bên trường mẫu giáo có 2 đứa bé chừng 10-13 tuổi đang đứng chơi, vẫy tay chào. Thế là tò mò, ham vui, lẽo đẽo leo xuống cầu thang sang chơi với chúng. Tranh thủ chụp mấy tấm hình.

 

 

Hai em theo cha mẹ đến chùa tu học

 

 

Trường mẫu giáo làng – ngay phía sau thiền viện

 

 

Bên trong lớp học

Đứng chơi một chút, mình bước ra về thì lại có một đứa bé khác xuất hiện trên đồi cách đó chừng 20m, vẫy tay ngoắc mình, miệng kêu "come, come, come here".

Mình từ tốn bước lên, gần đến nơi mới thấy khuất phía bên trái có một nhóm người đang tụ tập. Họ niềm nở cười chào và kêu mình vào trong sân.

Đây là một ngôi chùa cổ chắc cũng trên 100 năm rồi, xuống cấp nên đang được lợp mái lại. Tiếng tụng kinh từ hai hôm nay vang lại từ ngôi chùa này. Nó cách thiền viện chừng 50m, còn về đất đai thì chính là hàng xóm sát rào với thiền viện. Sư Walpola đã từng ở đây 1 thời gian nhưng sau đó Sư ra riêng vì Sư không muốn chỉ tụng kinh mà phải thực hành thiền. Do vậy mà Sư mới phát triển thiền viện như hiện nay.

Quay trở lại chuyện chùa, chắc cũng hơn cả trăm người, mọi người đều nhìn và tươi cười chào mình. Mình cũng xá chào lại. Một anh nói tiếng Anh đến gần và dẫn mình đi tham quan 1 vòng, rất niềm nở. Bảo mình cứ tự nhiên chụp hình nếu thích.

 

 

 

Mình đảnh lễ tượng Phật trước cây bồ đề thật to (chắc cũng trên trăm tuổi). Sau đó anh ta dẫn vào bên trong tham quan. Vì đang sửa chữa nên các pho tượng được che lại bằng một tấm lưới mỏng. Các tranh vẽ trên tường, trên trần thật đẹp. Có nhiều chỗ bị nước mưa thấm vào nên bị mục, phai hết.

Ra bên ngoài, phía sau là một vườn dừa, bên dưới trồng xen lẫn khoai mì. Chỗ giếng nước khoan có một cây me thật to. Hiếm khi nào thấy một cây me lớn như vậy ở miền Nam VN. Có lẽ do mình chưa đi nhiều nơi ở miền Nam, hay là cây me nào tương đối to là bị đốn xuống làm thớt me hết rồi!

Sau khi tụng kinh xong, các vị nữ thường bưng một lọ nước đi nhiễu vòng quanh cây bồ đề 3 vòng, vừa đi vừa khấn để cầu nguyện, sau đó tưới nước vào một cái hồ nhỏ trước cây. Không biết là để tưới cây, do sợ nhiều người tưới cùng lúc thì không được nên phải làm cái hồ để tích nước, hay là làm hồ chứa để sau đó xin múc lại đem về.

  

 

Truyền thống bưng nước quanh cây bồ đề

 

Đứng chơi, trò chuyện một lúc thì mình xin phép ra về. Kêu đứa bé ban nãy đi theo mình. Có một bé gái chạy theo. Về lên phòng, mình lấy hết số kẹo còn lại đưa cho 2 đứa, kêu nó chia cho mấy đứa nhỏ khác. Chúng rất thích và cảm ơn rối rít. Lần sau có sang thì sẽ mang nhiều hơn!

Còn lại một mình, tính ngồi viết tiếp thì mắt nặng trĩu, biết triệu chứng gì rồi! Để chuông báo thức lúc 16h30 nhưng không cách gì dậy nổi, nướng đến 17h mới gượng đứng lên.

Vào phòng tắm, giặt đồ xong rồi tắm luôn. Nước giếng ngọt lịm, nhờ bơm lên bể chứa nên cũng không lạnh lắm. Ngày đầu tiên tiếp xúc với nước ở đây là đã tự biết sẽ không có vấn đề dị ứng da với nước như ở VN.

Tắm xong, ra bên hông ban công phơi đồ. Sau đó đi xuống nhà thì gặp Sư. Sư bảo ngồi rồi nói chuyện chừng 10' thì Sư phải vào chuẩn bị để đi. Đây là lễ nhậm nhiệm sở của vị cảnh sát trưởng, mới vừa được đổi về gần thủ đô. Vị ấy đích thân đến đón Sư đi và chở Sư về lại chùa. Sư có hỏi mình muốn đi chung hay không nhưng mình từ chối.

Cũng đến giờ tụng kinh của chư Sư. Mình vào trễ một chút. Tuy nhiên, trước khi kết thúc chừng 5' thì mình nhận tin nhắn của Huyền nên đảnh lễ xong rồi ra ngoài luôn.
Xem tin xong thì lại ra chân cầu thang ngồi viết tiếp. Trời đã tối nên tranh thủ ánh đèn néon bên ngoài, và cũng mát hơn là ở trong phòng.

Dilshan kêu mình lại, hỏi có uống nước trà không thì cậu ấy pha cho. Mình nhận lời và vào uống nước, xem tin tức trên ti vi với cậu ấy. Lúc này đã 20h, ngồi 1 chút thì Sư về.

Sư ngồi ghế rồi kêu mình ngồi xuống nói tiếp chuyện lúc nãy đang dở dang. Sư nói ngày rằm tháng giêng quan trọng vì là ngày Đức Phật giảng kinh (mình quên tên rồi)..., và cũng là ngày Đức Phật công bố 2 Thánh Tăng Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là hai vị Đại Đệ Tử bậc nhất của Ngài.

Tiếp theo Sư lại giảng pháp cho mình một thời pháp và sau đó mình thỉnh Sư nghỉ ngơi vì mai sẽ đi sớm tham quan các Thánh tích.

  


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024