|
Sri Lanka - 2014 Ngày 03: thăm quan các bảo tích Hôm nay thức dậy trước chuông báo thức, chỉ mới hơn 4h30 sáng. Ngồi trên giường lắng tâm nghe vô số tiếng chim, tiếng tụng kinh, tiếng xe máy thỉnh thoảng chạy qua, tiếng chó sủa tạo nên bức tranh âm thanh sống động. Gần 5h30, thiền hành ngoài sân. Trăng tròn tháng giêng sáng dịu, như được nâng nhẹ bởi tàu lá dừa xa xa. Không khí buổi sớm mát rượi. 6h15, xuống đảnh lễ Sư, sau đó chuẩn bị đồ ăn sáng. Hôm qua còn dư nhiều đồ ăn, mặc dù Dilshan và Palita ăn nhiều lắm nhưng vẫn còn dư đầy tủ lạnh. Lấy mỗi thứ một muỗng thì cũng đã đầy dĩa. Còn thêm miếng đu đủ bự hôm qua chưa ăn, bây giờ phải thanh toán luôn. Sáng nay Sư dùng rất ít, chỉ một chút bánh mì và trái cây thôi. Sau đó về phòng thay đồ chuẩn bị đi. Cuối tuần Palita bị bận nên Sư gọi một anh lái xe khác trẻ hơn, khoảng 25t. Xe to 12 chỗ lận, mà chỉ có ba người thôi. Trên đường đi, bây giờ là đường liên tỉnh nên cái nhìn nó tương đối đầy đủ hơn 2 hôm trước. Cảnh quan trông giống hệt như vùng miền Đông Nam Bộ, khúc Trảng Bom, Dầu Giây, Định Quán,... Có điều là xen vào trong bức tranh, có rất nhiều dừa. Còn lại thì khoai mì, bắp, lúa, chuối, sầu riêng,...
Xe tuk-tuk nơi đâu cũng có
Đường bộ bên này rất tốt, thói quen chạy xe thì cũng giống như ở VN, có chỗ trống là cứ vượt, có điều họ chạy từ tốn hơn, ít ẩu hơn. Còn lại thì cũng lấn đường, bóp kèn (chỉ có xe hơi bóp kèn chứ xe gắn máy không nghe thấy). Đặc biệt là có rất nhiều xe lam, bên này gọi là tuk-tuk. Có lẽ đây là phương tiện chính yếu nhất cho người dân, sau đó mới đến xe buýt. Xe chạy trung bình 50km/h, đường tốt không có ổ gà. Đi chừng 2 tiếng thì ngừng lại cho tài xế ăn sáng. Một chỗ tương đối sang trọng (đối với dân ở đây). Ăn sáng buffet, anh ta lấy một dĩa đầy (cũng bây nhiêu đó món: cà ri, cơm trắng, thịt gà xào cà ri, đậu que luộc, súp,...) còn Sư thì uống 1 ly nước và ăn chén súp. Mình thì không ăn gì vì đã ăn no trước khi đi. Tranh thủ lúc Sư dùng súp, mình đi ra ngoài sau vườn hít khí trời. Cảnh đồng lúa, hàng dừa giống hệt miền Tây. Đưa hình cho coi đố ai nói không phải ở VN thì thua gì cũng chịu! Xong xuôi mình trả tiền, tất cả là 395 roupies (2,80 frs).
Khung cảnh y chang miền quê mình
Dọc đường, hàng quán ít có nhưng những chòi nhỏ treo vài buồng chuối, vài quày dừa thì nhiều vô số. Chỗ nào sang hơn thì có thêm vài loại trái cây khác như sầu riêng, mít, rau quả, bắp nướng. Cũng hơi thèm uống nước dừa nhưng thôi, trưa nay thế nào cũng có dịp. Mình lái xe không quá tệ, nhưng ngồi xe thì rất tệ. Ngắm cảnh một chút là phải ngủ chứ không thì nặng đầu, chóng mặt rất khó chịu. Cũng may Sư có tài xế để nói chuyện và thông cảm cho mình nên tha hồ ngủ. Rồi cũng tới chỗ đầu tiên, đó là Dambulla, chùa Vàng và thạch động. Từ xa đã thấy chùa Vàng với tượng Phật sơn màu vàng rất to. Xuống xe, đầu tiên là mua vé vào tham quan thạch động. Dân bản xứ miễn phí, người nước ngoài phải trả 1500rp (10 frs). Mua vé xong rồi Sư dẫn mình đi thẳng lên thạch động, không ghé vào chùa vì Sư nói đối với người tu hành, chẳng có gì đáng coi trong đó hết, chỉ để dành cho khách du lịch thôi. Ngọn núi cao chừng 300m. Thấy Sư lớn tuổi rồi, leo khoảng vài chục bậc thang là đứng lại thở hổn hển, mình cũng áy náy quá. Nói với Sư thì Sư trả lời là dĩ nhiên thân già rồi đâu còn nhanh nhẹn như trước, nhưng tâm vẫn khoẻ, Sư cười nói như vậy.
Điều cuốn hút mình là từ dưới, khỉ rất nhiều. Sư đưa túi vải cho mình đeo hộ và bảo phải nắm thật chặt mọi thứ vì mấy con khỉ ở đây tinh quái lắm. Càng lên trên thì khỉ càng nhiều. Chúng giật hoa của người mang lên cúng rồi leo lên đọt cây ngồi ăn ngon lành. Có con ngồi giữa đường cầm trái xoài không biết lấy ở đâu ra ngồi cạp ăn tỉnh bơ. Lên đến cổng, phải bỏ dép ra, và qua chỗ soát vé. Người bảo vệ ghi lại số serie vé của mình vào sổ rồi cho đi qua. Vào bên trong cổng, ôi thôi, nến và dầu mọi người dâng cúng đen một góc đất. Cũng cầu nguyện, xem bói đủ trò, chỉ có điều là tụ tập lại 1 chỗ chứ không lộn xộn, chèo kéo khách. Phía trên đầu là một vách núi sừng sững, phải cao hàng trăm mét nữa. Sư nói hồi nhỏ lên đây, Sư leo tuốt lên đỉnh núi. Trên đó nhìn xuống thấy voi hàng đàn. Bây giờ lâu lâu mới thấy. Phía dưới cây rừng xanh ngát. Mật độ cây xanh còn tốt lắm. Sư nói trên đây có 5 hang, bắt đầu đi vào hang thứ nhất. Đây là hang nhỏ nhất nhưng tượng được tạc lớn nhất. Là một tượng Phật nằm, dài chừng 20m. Điều đáng kinh ngạc là hang được khoét từ vách núi đá granite nguyên khối, trần cao cả 5-7m, sau đó gọt đẽo thành tượng Phật với y áo chạm trổ rất sống động. Sư nói những kỳ tích này, theo kinh sách thì do chư thiên làm, không phải do người thường. Thấy tận mắt thì mình cũng nghĩ như vậy. Hai Sư trò đứng đảnh lễ dưới bàn chân Đức Phật, nguyện bước theo chân của Ngài
Tượng Phật nằm được đẽo thẳng từ đá khối trong động
Nguyện theo bước chân của Ngài Qua hang thứ 2, rộng và sâu hơn hang đầu cả chục lần. Trong này vô số tượng Phật ngồi thiền định cùng kích cỡ, một số ít Phật đứng. Ngoài ra có thêm 1 stupa cũng bằng đá. Tương truyền rằng 1 tảng đá khối rơi ra từ hang đầu, chư thiên đẽo lại thành stupa này. Ở hang này, trên đỉnh hang có một nguồn nước, chảy theo trần hang, nhỏ giọt đúng xuống 1 chỗ duy nhất, từ khi thạch động được làm cho đến nay vẫn không ngừng chảy.
Tất cả các tượng đều từ 1 khối đá, không có cắt, dán, ráp nối. Có thể thấy đường chảy của mạch nước trên trần hang.
Qua hang thứ 3 thì số lượng tượng Phật đứng nhiều hơn, nhỏ hơn hang trước. Lòng hang cũng nhỏ hơn. Hang 4 và 5 tương đối nhỏ, chỉ nhỉnh hơn hang đầu một chút.
Khó mà tưởng tượng rằng sức người có thể làm những điều này
Thật là một kiệt tác
Ra ngoài, trời nắng gắt, đứng ngắm nhìn 1 chút rồi đi xuống. Mình nghĩ rằng ở đây 1 đêm rồi sáng ra ngắm mặt trời mọc chắc tuyệt vời lắm, như ở núi Tà Cú ngày xưa vậy, lúc còn hoang sơ ít người biết đến.
Bên ngoài ngũ động
Khung cảnh hoang sơ nhìn từ thạch động, xanh ngát, mát mắt
Trả tiền giữ giày 50rp (30 ct). Sau đó hai thầy trò đi từ từ xuống. Có người ngồi bán trái cây rừng, giống như trái táo ta của mình, lớn hơn trái chùm ruột 1 chút. Sư ghé lại mua, 1 bịch (khoảng 30 trái) giá 20rp. Sư nói ăn rất tốt cho sức khoẻ khi trời nắng nóng, giải nhiệt. Xong rồi Sư ăn ngon lành. Mình nghĩ là nó sẽ chua chua chát chát như các loại trái rừng mình đã từng ăn. Nhưng má ơi, cắn vào một cái nó đắng thấu trời luôn. Khổ qua không nghĩa lý gì hết, nhai thuốc tây chắc cũng ít đắng hơn! Trước đây là mình phun ra tức thì, khỏi bàn cãi. Bây giờ khá hơn nên kiên nhẫn nhai tiếp, nó khô chứ không mọng nước như mình nghĩ. Vậy mà hay, trệu trạo nhai đến sạch cái hột thì một vị ngọt thanh từ hột thoát ra giống như hột cà na, ngậm 1 chút thì muối đường trong hột thấm ra vậy. Ăn vài trái quen rồi lại thấy ngon. Đang xử lý trái thứ 3 thì một cặp Tây trẻ đi sau, đến hỏi có ngon không. Tụi nó không dám mua vì không biết ăn ra làm sao. Sư liền hăng hái giải thích công dụng của nó, mình thì chìa bịch ra, kêu nó ăn thử, và bảo là phải hết sức bình tĩnh vì nó khó nuốt lắm. Thằng nhỏ cắn một miếng và la lên, nhưng cũng cố sức bình sinh mà nuốt và cảm ơn mình đã nhắc nhở, sau đó chắc quăng đi phần còn lại. Con bé thấy vậy thôi không dám thử. Xuống đến xe, mình ăn cũng mấy trái, Sư còn lấy vài trái ăn tiếp. Đi lên đi xuống cũng khoảng gần 1h, ngoài ra không ghé vào chùa vàng, mình cũng không có nhu cầu.
Khung cảnh bên ngoài chùa Vàng - mình không vào trong. Lên xe khởi hành đi tiếp. Rời nơi đây khoảng 12h, Sư hỏi mình có đói không thì mình trả lời là không. Phần Sư thì cũng còn no nên Sư nói đi tiếp, chừng nào đói thì ghé lại ăn. Đi được chừng 15', mình đang chập chờn ngủ thì xe dừng lại. Mở mắt ra thấy ngay quày dừa tòn ten trước mặt. Thì ra Sư muốn mua nước dừa uống, vậy là khỏi phải xin, hì hì.
Buồn ngủ gặp chiếu manh, đang khát có nước dừa để uống! Cô gái trẻ con cháu gì của bà chủ quán chặt 3 trái dừa. Trái không to nhưng vỏ mỏng nên nhiều nước. Uống xong 1 trái là no luôn. Sư kêu cô ấy chẻ ra để Sư ăn luôn cái (họ vạt một miếng vỏ dừa để làm muỗng múc), còn mình no quá nên không ăn. Tính tiền là 200 roupies/3 trái (1,30 frs). Mình nói với Sư món này có thể uống mỗi ngày, thế là Sư kêu họ khiên lên xe 1 quày nguyên luôn, chừng 10 trái. Xem ra rất mọng nước vì ông chủ khoảng 45 tuổi khiêng không muốn nổi. Như vậy khi về chùa, khỏi cần đi lượm mót dừa rụng nữa. Đi tiếp, bây giờ rẽ vào một con đường nhỏ, vắng nhưng trải nhựa đàng hoàng. Tuy hơi bị dằn nhưng không hề có một ổ gà nhỏ nào. Sư nói đây là khu rừng, vừa có người ở, vừa có voi ở Cảnh vật hoàn toàn giống như ở vùng Thất Sơn, An Giang hay bên Campuchia, có điều không có cây thốt nốt thôi. Còn lại họ cũng trồng lúa, khoai mì, hành lá, đậu bắp, đậu đũa,... Đi ngang qua một căn nhà, phía trước cửa có vài đứa nhỏ đang đứng quanh một cây chùm ruột. Hai đứa đang cầm cái khăn lông to hứng, một đứa thì cầm cây khoai mì khô thọc cho chùm ruột rớt xuống. Y chang mình lúc nhỏ. Sư nói lâu lâu voi ở trong rừng đi ra, Sư thấy vài lần. Mình thì đang bị sốc khi thấy 2 bên vệ đường, cò với khỉ tụi nó nhởn nhơ chăng coi xe cộ, người đi bộ ra gì Xe tránh tụi nó, còn không thì ngồi đứng đó một cách tự nhiên. Hoàn toàn không có ai bắt hay ăn, và bên này cũng không dùng cao khỉ, phước tám đời con khỉ Sri Lanka.
Con cò nhởn nhơ, chẳng sợ ai bắt đưa lên chảo Vừa đi vừa hỏi đường cộng với xe chạy chậm do đường nhỏ và dằn nên chỉ vài chục km mà mãi đến 13h30 mới đến nơi. Bảo tích này gọi là Aukana. Tượng Phật lộ thiên ở Aukana : Mình thấy bảng nội quy đề rằng khách ngoại quốc trả tiền vé 750rp (5 frs) nên nói với Sư. Sư trả lời là đi với Sư, ở đây không ai lấy tiền của con đâu. Mình bỏ vội vào thùng cúng dường rồi chạy theo Sư. Chỗ này di tích chỉ có mỗi tượng PHẬT lộ thiên, tạc từ tảng đá khối granite, cao khoảng 20m. Tượng được tạc rất đẹp, y áo sống động. Xung quanh còn lại vết tích của một ngôi chùa nhỏ bao quanh. Tượng này được tạc vào thế kỷ thứ 5, tức khoảng 1000 năm sau khi Đức Phật nhập diệt. Cùng thời, cùng triều đại với thạch động ở Dambulla. Sư nói ngày xưa Sư leo lên đỉnh đá phía sau tượng, thấy được biển. Xung quanh vắng hoe, chỉ lác đác vài người bản xứ đến cúng dường, chiêm bái. Không thấy có khách du lịch nhộn nhịp như bên thạch động Dambulla. Mình đọc trong forum, thấy có nhiều người phàn nàn rằng hướng dẫn viên du lịch dẫn họ đến đây là một sự lừa bịp vì ngoài pho tượng này ra, chẳng có thứ gì khác. Thêm nữa, đường đến đây xa và chậm nên họ thất vọng là phải. Ngược lại, những người hành hương tâm linh thì họ biết điều gì họ cần nên đâu ngại xa xôi
Tấm hình duy nhất chụp với Sư trong cả chuyến đi, hì hì
Một kiệt tác nữa
Phía trước tượng có một cây bồ đề lớn, chắc cũng trên dưới ngàn năm rồi. Mình hỏi Sư về 64 cây bồ đề con đầu tiên. Sư nói rằng sau khi được Thánh Ni Sanghamitta đem qua, trồng xuống. Sau đó cây Đại Bồ Đề ra được 8 quả đầu tiên, mỗi quả có đúng 8 hột, ươm xuống đều lên cây con. 64 cây con này được chia ra trồng khắp nơi trên đảo. Hiện nay chỉ còn 1 vài cây được biết đến, như ở Mihintale, Kelaniya. Sư nói có lẽ còn nhiều cây khác nhưng ở trong những khu rừng rậm đã bị cây rừng che phủ, hoặc ở những khu bảo tồn nên không ai biết, không ai tới.
Hơn 1500 năm, tự tại cùng mưa nắng Lên lại cổng khu di tích, Sư được mời vào trong sảnh đường. Vì mới được xây lại nên còn bừa bộn, và cũng nhện giăng bụi bám đầy rồi. Anh bảo vệ đã mua 3 chai nước ngọt nhỏ để mời Sư. Sư kêu mình vào uống. Đó là nước gừng có gaz, uống cũng hơi lạ lạ. Sư nói chuyện với mọi người, còn mình lang thang bên ngoài ngó xung quanh. Mình đến quầy lưu niệm mua 2 tấm hình lớn chụp tượng Phật. Tổng cộng 400rp, mình đưa tờ 1000rp (khoảng hơn 6 frs), phần còn lại mình cúng dường cho chùa. Nhận xét : bên này đến chiêm bái các bảo tích do tâm linh, tín ngưỡng là chính nên họ không phát huy những hàng quán hay đồ lưu niệm ăn theo. Tất cả sách ở nơi này đều bằng tiếng Sri Lanka, họ không chú trọng đến lượng khách du lịch nước ngoài. Cũng hay. Một lát sau, Sư đi ra và mình đi theo xuống xe ra về. Rời nơi đây khoảng 14h30, bắt đầu thấy đói bụng. May quá, anh tài xế đã mua cho 2 Sư trò đồ ăn trong lúc đợi. Mỗi người 1/2 bánh sandwich trét pa-tê và 2 cái bánh giống bánh xèo ngọt ăn chung với chuối sứ mang theo từ chùa. Bánh sandwich nhỏ xíu, hình tam giác được cắt đôi từ cái bánh toast, cắn 2 miếng là hết. Đặc biệt là bánh crêpe ngọt, pha nhiều nước cốt dừa, bột để màu trắng chứ không pha bột nghệ như bánh xèo, bánh đổ rất dày ở trung tâm và mỏng tang ở rìa, to bằng cái dĩa nhỏ, và cao hơn cái chén. Lấy trái chuối sứ chín cây, lột vỏ xong rồi lấy bánh cuốn lại và ăn, cũng hơi lạ và ngon (cực rẻ)! Nó có vị chua chua của chuối, ngọt của bánh, thơm của nước cốt dừa, gần giống chè chuối nhưng không phải vì khô hơn, gần giống như bánh chuối nướng nhưng chuối tươi hơn, rất đặc biệt. Ăn xong rồi mình mệt quá nên ngủ thiếp đi, Sư cũng vậy (đoán thôi chứ đâu có biết). Anh tài xế đã ngủ trong khi đợi Sư và mình rồi nên lái xe không có vấn đề gì. Khi mình tỉnh dậy thì thấy đang đi trên đường rất rộng, nhựa mới. Đoán chắc là gần tới Anuradhapura, nơi cội cây Đại Bồ Đề. Nhưng không phải, đã đi xa hơn một chút, đó là Mihintale. Mình biết vì xe chạy ngang qua một khách sạn tên là Mihintale Hotel. Xe quẹo vào vài trăm mét nữa là đến nơi. Thánh tích Mihintale (Mihitalaya) : Sau khi mua vé vào cổng 500rp (3,50 frs), Sư nói khu di tích này trải rộng mấy chục hecta. Xưa kia, số chư Tăng ở đây rất nhiều, tổng số A La Hán cả trên 12'000 vị. Chính giữa khu đất là một giảng đường rộng, là nơi chư Tăng giảng pháp, đàm đạo hay những lễ lớn. Xung quanh còn rất nhiều vết tích của những khu đền, nhà, cốc,... Bắt đầu đi lên trên. Con đường dốc hai bên là những cây sứ trắng to, gốc bự sần sì. Bên phải là vách núi, có rất nhiều khỉ, và cả hươu sao cũng dám xuống tận đây. Hàng bày bán tương đối nhiều, đồ ăn nhẹ, thức uống, trái cây, hoa cúng, kem,... Khi thấy Sư đi qua thì những người bán hàng đứng dậy để tỏ lòng kính trọng.
Những bậc thang được đẽo thẳng vào đá núi, hơn 2000 năm nay.
Các bậc thang, một số được xây sau này, có rất nhiều bậc được đẽo thẳng từ tảng đá núi, vẫn còn nguyên vẹn và sử dụng tốt sau vài ngàn năm. Đi chừng 5' là đến nơi, một bãi đất lớn. Việc đầu tiên là gửi giày. Sau đó đi vào bên trong. Sư dẫn mình đi tuần tự những nơi theo lịch sử thời gian, chứ không phải theo cách những người du lịch hay đi (họ thích đi thẳng tới chỗ cao nhất để nhìn phong cảnh bao quát trước). Xung quanh đang có rất nhiều người, Tây, Tàu, bản xứ đủ hết. Đầu tiên là trung tâm của vùng đất, nơi hiện nay có 1 stupa nhỏ và các trụ bằng đá từ thời đó. Nơi đây, Phật pháp chính thức được truyền vào Sri Lanka
Nơi Ngài Mahinda giảng pháp cho vua lần đầu tiên... Sư kể rằng khi ấy, vị vua đang đi săn, đuổi theo con thú đến chỗ này và đang chuẩn bị bắn nó thì ngài Mahinda gọi thẳng tên của vua (theo lệ, gọi như vậy là không kính trọng) và kêu rằng ngừng tay, đừng sát sinh nữa. Vua ngạc nhiên và sau đó cùng ngài Mahinda đàm luận Pháp tại trong khu nhà. Sau cuộc đàm luận, vua hoàn toàn chấp nhận và hình thành đức tin nơi chánh pháp. Trước đó thế nào nơi đây cũng nghe biết đến Đức Phật và Phật pháp nhưng có lẽ chỉ là sự nghe lại. Từ lúc này, Giáo Pháp mới chính thức được một vị Thánh Tăng uyên thâm khởi giảng.
... tại ngay chỗ được rào lại đây.
Phật tử đảnh lễ Sư
Ngày đó là ngày rằm tháng sáu. Do vậy bây giờ, đến ngày rằm tháng sáu hàng năm, Sư nói nơi đây có khi cả triệu người tụ tập về chứ không phải 1, 2 trăm ngàn như ở Kelaniya. Trong khu này, còn nguyên tảng đá là nơi ngài Mahinda và vua ngồi đàm đạo. Bây giờ được rào kín kỹ càng. Có vài người đến ném tiền xu vào đó, chắc để cầu may. Rời chỗ này, Sư dẫn mình vào khu Tăng đường. Nơi đây có vài người lính đang đổ đất cho nền sân cao lên. Gặp một vị sư trẻ ra đảnh lễ Sư Walpola, còn Sư trụ trì đi vắng. Sư ngồi chơi 1 chút rồi cùng với mình đi tiếp ra sau hậu viện, có một con đường mòn với các bậc thang dẫn xuống phía dưới triền núi. Chỗ này vắng vẻ, chẳng có khách du lịch nào đến đây hết. Đi xuống 1 chút là có 2, 3 gian hàng nhỏ bán nước, trái cây,... Vắng hoe. Đi thêm chừng 50m thì thấy mấy tảng đá lớn nằm chồng lên nhau. Đây chính là chỗ trú ngụ của ngài Mahinda khi xưa! Leo lên cái thang bằng thép, đến nơi gọi là "giường" của ngài. Đó là tảng đá núi tương đối phẳng (nhưng dốc) khoảng 2x1.5m, phía trên là một tảng đá khác chồng lên, ở giữa rỗng, trần cao khoảng hơn 1m (ngồi chắc vừa đụng đầu), hai bên trống toát, một phía là cầu thang vừa leo lên, phía kia là vực sâu dưới núi, té xuống chắc khó sống. Trên tảng đá để ngồi, nằm có đẽo gọt lõm xuống chừng 2cm hình chữ nhật vừa một người nằm im. Đây chính là giường của ngài nằm nghỉ và ngồi thiền.
Cốc của ngài Mahinda hơn 2300 năm trước, vòm hang nhỏ phía bên trái Sư
và đây là "giường" của Ngài, phía sau khung sắt Mình xúc động vô cùng khi sờ tay chạm vào đây. Im lặng trong một lúc không biết nói gì. Trước mắt 4 bề là núi rừng thanh tịch, chỉ có tiếng gió, cây lá và thú rừng. Các vị Thánh Tăng đã sống chuỗi ngày vô ưu như vậy. Mình có cảm giác rằng những rung động của sự thanh tịnh của Ngài vẫn còn ở đây. Người xa đã mấy ngàn năm Xin phép Sư được ở lại 1 chút nơi này, Sư vui vẻ nhận lời. Ngắm nhìn trời mây, núi rừng u tịch một vài phút rồi cùng Sư đi lên lại.
Thiên nhiên u tịch nhìn từ cốc của Ngài.
Sau đó hai Sư trò leo lên bảo tháp Stupa. Cái này to hơn cái ở Kelaniya nhiều, chắc đường kính phải gấp đôi. Sư nói đây chưa phải cái lớn nhất. Đi vòng quanh, ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, thấy xa xa có rất nhiều stupa khác, đã bị sụp đổ và chỉ còn 1 phần của cái bát úp, nền gạch đỏ nâu sẫm màu, phủ rong rêu. Kế bên cái stupa lớn này là một cái cũ, có ghi chép bằng tiếng Anh. Đến đọc thì biết được đây là cái xưa nhất mà các nhà khảo cổ đã xác định ở Sri Lanka.
Vết tích của stupa cổ xưa nhất ở Sri Lanka
Stupa Mihitale
Từ stupa nhìn xuống, khi xưa là cả Tăng đoàn hàng mấy ngàn vị sống xung quanh.
Cảnh quan thanh dịu Sau đó đi xuống. Phía dưới stupa có một cội Bồ đề rất lớn. Đây cũng là 1 trong 64 cây con đầu tiên được trồng khắp quốc đảo, và còn sống đến bây giờ. Đảnh lễ xong, Sư và mình đi nhiễu quanh 3 vòng. Đi xuống lại dưới trung tâm của sân, Sư chỉ lên một mỏm đá nằm cao trên đồi. Đó là nơi mà khi ngài Mahinda thuyết pháp cho vua nghe, có 4 vị cận thần đứng hầu. Và 1 trong 4 vị ấy đã leo lên đỉnh của mỏm đá này để kêu gọi chư thiên đến nghe pháp.
Mình leo lên 1 mình vì Sư không muốn đi. Đường lên đỉnh mỏm đá rất hẹp và nguy hiểm. Rất đông người lên xuống nên hay kẹt đường. Gần đến nơi thì rất hẹp, chỉ vừa cho 1 người qua nên phải chờ bên trên xuống hết rồi mới leo lên được. Mình lên đến nơi, ngắm nhìn xung quanh khoảng 30" rồi xuống. Đi xuống còn nguy hiểm hơn lên vì toàn là đá granite và dốc cao, té xuống là tiêu ngay. Xuống đến nơi, Sư đang đứng ngắm trời mây. Còn 1 đỉnh đồi nữa, trên đó có một tượng Phật lớn, nhưng mới làm sau này nên mình nói thôi, khỏi lên. Đường lên mỏm đá dốc cheo leo
Khung cảnh thanh bình nhìn từ trên mỏm đá
Trên đường đi ra, mình ghé cúng dường để bảo tồn các di tích ở đây và sửa sang lại những nơi bị hư trong tăng xá. Sau đó lấy giày. Họ không lấy tiền của Sư, rồi mình đi chung nên cũng khỏi trả luôn. Hơi bị áy náy nhưng thôi, nó là như vậy đó Trên đường xuống xe, Sư kể lúc nhỏ Sư và chư Tăng đến ở đây cả tuần, giăng lều ngủ ngoài trời. Sau đó nội chiến kéo dài hơn 40 năm, phiến quân chiếm giữ chỗ này trong một thời gian nên cũng phá huỷ nhiều di tích. Sư nói nhất là những tượng đá khắc hình sư tử đều bị đập vỡ, bởi vì những phiến quân tự cho mình là hổ, hổ Tamoul, nên không chấp nhận sư tử. Xe quay ra là đã 17h30, Sư nói từ đây về khách sạn chừng 15'. Đường tốt và vắng nên xe chạy nhanh. Đến nơi nhận phòng, mỗi người có khoảng hơn 20' để tắm rửa. Hẹn lúc 18h15 xuống xe để đi thăm cội cây Đại Bồ Đề. Khách sạn này của một ngân hàng đầu tư vào, gần ga xe lửa và cách cội Đại Bồ Đề chừng 2km. Bên ngoài không có gì đặc biệt, bên trong thì tương đối mới và rất rộng.
Sân vườn khách sạn
Tắm rửa xong là đến giờ hẹn đi thăm cây Bồ Đề. Nơi này cách khách sạn chừng 2km là cùng. Khi gần đến nơi, thấy một bảo tháp Stupa cực lớn. Lớn hơn cái ở Mihintale nhiều. Quên kể là Sư chỉ rằng, đến thánh tích thì đầu tiên là chiêm bái Stupa (vì là nơi cất thờ xá-lợi Đức Phật), sau đó đến cội Bồ Đề và cuối cùng mới là vào tự viện. Sư nói bây giờ khách du lịch làm ngược lại. Bây giờ mình mới biết đây là Anuradhapara, cố đô trong hơn 1000 năm đầu tiên của Sri Lanka
Bảo tháp Xá Lợi Maha Vihara và cội Đại Bồ Đề - Anuradhapura Bảo tháp Xá Lợi vĩ đại này cũng do cùng hoàng hậu đã xây cất Stupa ở Kelaniya Maha Vihara để tặng con trai của mình. Đặc biệt rằng hiện nay, bên trong Stupa này cất giữ khoảng 2/3 tổng số Xá-lợi Đức Phật Mình thắc mắc vì sao như vậy? Sư giải thích rằng khi xưa, lúc hoả táng nhục thân Đức Phật xong thì chia Xá Lợi thành 8 phần, và mỗi vùng giữ một phần được chia. Tuy nhiên, sau này vua Ashoka (A Dục) lúc trẻ rất hiếu chiến nên đã thôn tính gần như tất cả, cướp lấy hết Xá Lợi ở những nơi đó mang về nước mình. Sau đó ông ta tỉnh ngộ, từ một vị vua nổi tiếng tàn bạo trở thành một vị vua nổi tiếng truyền bá Chánh pháp. Ông có 2 người con tu hành và đắc A La Hán, đó chính là Thánh Tăng Mahinda và Thánh Ni Sanghamitta. Thánh Tăng Mahinda là người đã mang Phật Pháp vào Sri Lanka. Còn Thánh Ni Sanghamitta là người đã mang cây Đại Bồ Đề đến Sri Lanka để chúng ta vẫn còn có thể chiêm bái ngày nay. Sẽ quay lại chi tiết này sau.
Bảo tháp Maha Vihara
Sau khi Phật pháp truyền sang Sri Lanka, đức vua A Dục mới đem gần như tất cả Xá Lợi có được sang tôn thờ ở đây. Đó chính là lý do mà quốc đảo Sri Lanka giữ gần như phần lớn Xá Lợi. Một chi tiết nữa, đó là khi còn tại thế, Đức Phật đã nói rằng sau này Chánh Pháp sẽ được lưu giữ ở Sri Lanka. Và đúng 5000 năm sau khi Ngài nhập diệt, lúc ấy Chánh Pháp đã ở tận cùng của sự suy đồi, tất cả Xá Lợi của Ngài (kể cả phần các Chư Thiên đang giữ) sẽ tụ hội về bảo tháp Anuradhapura này, sau đó bay đến Bodh Gaya (Bồ Đề đạo tràng) và xếp thành hình của Ngài cho chư Thiên chiêm bái lần cuối (vì không còn người nào có thể biết đến Đức Phật nữa), sau đó tất cả Xá Lợi sẽ tự thiêu huỷ và Chánh pháp chính thức biến mất trên thế gian cho đến khi Đức Phật Di Lặc thành tựu Đạo quả. Vì thế, Bảo tháp này có tầm quan trọng như vậy. Từ xa, đã thấy vô số áo trắng nhấp nhô, không biết là bao nhiêu. Sư nói chỗ này không bao giờ vắng, từ 6h sáng đến 22h đều là như vậy.
Một rừng áo trắng Vì xe chở Sư nên được ưu tiên chạy vào bên trong 1 chút. Đông nghịt người. Trên đường ra Bảo tháp, thấy khoảng 10 sadi nhí (chừng 7-12t) đang xếp hàng đi ra Bảo tháp luôn. Đi ra đến cửa thì gặp vị Sư cả ở đây, đảnh lễ xong thì Sư giới thiệu vài dòng. Thì ra Sư vừa qua Genève dự lễ Kathina năm vừa rồi, mình không nhớ. Sau đó Sư vội đi. Sư Walpola nói tu ở đây mệt lắm, rất bận rộn. Đến trước Bảo tháp, đứng nhìn mới thấy thật vĩ đại. Cái vĩ đại này chẳng là gì so với kim tự tháp, so với Rome, so với tất cả những kỳ quan nhân tạo vĩ đại khác. Nó khác ở chỗ là khi để tâm chiêm ngưỡng, ai nhạy cảm sẽ cảm nhận được sự giản dị và đặc biệt là nó toả ra một từ trường rất dịu, không có mùi chiến tranh, tàn bạo trong đó Giản dị hơn những stupa này thì khó mà có được. Nó được xây bằng cách xếp đầy gạch thẻ đất nung cho thành hình một cái bát úp, đế là mặt vuông (tượng trưng 84'000 pháp môn), trên là 3 vòng tròn (tượng trưng Giới Định Tuệ). Sau đó, từ dưới lên đến đỉnh bát là 37 Bồ Đề phần, trên đỉnh bát xây một khối vuông cùng vật liệu (tượng trưng Tứ Diệu Đế) và trên đó xây 8 vòng tròn (Bát Chánh đạo) và tiếp theo 9 vòng tròn nhỏ dần xếp chồng lên nhau (tượng trưng 8 đôi Thánh Đạo Quả và Niết Bàn). Bên ngoài tô lớp hồ để cho tròn. Chỉ vậy thôi. Khi xây, bên trong được tôn trí Xá Lợi, và những Xá Lợi này được đặt ở đâu thì là bí mật. Hai Sư trò đi nhiễu quanh một vòng Bảo tháp. Đi một đoạn thì thấy mấy chú Sadi nhỏ lúc nãy đang ngồi xếp hàng sát Bảo tháp ê a đọc kinh. Như vầy thì đến khi thọ đại giới thì làm sao mà không thông thuộc kinh cho được! Tối nay, có lễ quấn y xung quanh Bảo tháp. Kèn trống rất trang trọng. Một hàng người nâng một tấm y rộng chừng 1m và dài bằng... chu vi của phần rộng bên dưới tháp (chắc chừng 300m) đi đến chân tháp và bắt đầu quấn cho đến hết vòng.
Lễ quấn y xung quanh bảo tháp - khoảng 18h30 Nghe Sư giảng giải về Bảo tháp, đang đứng ngắm thì có 2 vị Ni lại xin đảnh lễ Sư. Họ giữ giới luật cực kỳ nghiêm trang.
Sau đó, hai Sư trò đi bộ sang cội Bồ Đề, cách khoảng 500m. Trên đường đi đã nghe thấy tiếng tụng kinh từ xa. Đến nơi, phải bước qua cổng có trang bị máy dò kim khí như ở sân bay vậy. Vào bên trong, xung quanh có rất nhiều cây bồ đề, chắc là được chiết hay ươm từ cây mẹ. Cây nào gốc cũng to. Trên tầng cao là cây Đại Bồ Đề, nhánh cành duy nhất được chống dựng kỹ càng. Sư nói rằng cội Bồ Đề hiện nay yếu ớt, chỉ còn 1 nhánh nên được bảo vệ nghiêm ngặt, khó có ai có thể vào chiêm bái trực tiếp.
Khuôn viên chỉ toàn các cây bồ đề và... người Và ôi thôi vô số người đang dâng cúng hoa (súng, sen, cúc, nhất là súng trắng, vạn thọ,... những hoa trong vùng), tụng đọc kinh, cầu khấn, ngồi chiêm ngưỡng,... nhiều vô số. Sư nói Phật Pháp cao quý, cội cây bồ đề tĩnh lặng che mưa nắng cho Đức Phật, và được mang trồng nơi này để tượng trưng cho sự hiện diện của Chánh Pháp giờ bị biến thành thánh thần ban phát lợi lộc, mình cũng thấy như vậy. Và có nói với Sư rằng Giáo Pháp rồi cũng phải suy đồi như bản tính của nó. Sư thở dài đồng ý, và nói "thôi thì mình lo chuyện của mình". Đứng chiêm ngưỡng, mình rất xúc động khi tưởng niệm đến Đức Như Lai, đến Thánh Ni Sanghamitta, đến cây Đại Bồ Đề mà Đức Phật đã ngồi dưới đó, và đến Giáo Pháp mà Ngài khai thị, và chúng ta đang được trải nghiệm trên thân tâm này đây. Một sự xúc động không biết phải diễn tả như thế nào bằng ngôn từ vì nó chẳng là gì cả, cũng chẳng mong cầu điều gì, chẳng sân ưu, nó đơn giản như nó là, vậy thôi.
Tích về cảnh Thánh Ni Sanghamitta mang cây Bồ Đề đến Sri Lanka Một hồi sau, hai Sư trò ra về, mình xin Sư ở lại thêm 1 ngày nữa, và sáng mai qua đây sớm ngồi chiêm ngưỡng trong yên lặng. Sư vui vẻ đồng ý. Về đến khách sạn, Sư không dùng bữa tối và lên thẳng phòng. Mình xuống ăn với anh lái xe. Đồ ăn vẫn bấy nhiêu đó món, mình ăn món xào cà ri không cay, còn anh tài xế thì cũng vậy nhưng cay. Mình thử 1 chút thì đúng là cay thiệt. Nếu không có 3 cái mụt trong miệng thì không thành vấn đề, nhưng bây giờ không phải lúc để cái ngã nó phô trương tâm xả, hì hì No quá nên không dùng tráng miệng, anh tài xế thì ăn một ly kem. Trời nóng ăn kem thì ngon rồi, nhưng lạ nước lạ cái nên cũng không phải lúc để cái miệng nó rông chơi rồi hại cái bụng. Ăn xong thì anh ta về phòng, mình ngồi dưới sân viết ký sự. Muỗi cắn quá chừng. Chỗ nào cũng vậy chứ không phải ở khách sạn. Nói chuyện với mẹ Huyền 1 chút rồi đi lên ngủ, đi bộ cả ngày nên cũng đừ rồi. |