|
Sri Lanka - 2014 Ngày 05: Sri Maha Bodhi, viếng Aluvihara và trở về chùa Tối hôm qua tuy mệt nhưng cũng thức đến hơn 12h khuya mới đi ngủ. Có lẽ tâm biết sự kiện trọng đại trong vài giờ nữa nên mới 3h sáng đã thức dậy. Nằm lại nhưng không ngủ sâu, hồi lâu mới thiếp đi thì chuông gõ 4h sáng. Thức dậy tắm rửa sạch sẽ, đi xuống dưới nhà thì vắng tanh (không vắng mới là lạ vì mới hơn 4h sáng). Ngồi viết tiếp dưới sự tấn công của muỗi. Đến 4h55 thì Sư xuống và cùng lên xe đi đến cội Đại Bồ Đề. Sáng nay, Sư thắt dây giới. Chỉ khi có đại lễ thì các Sư mới thắt dây giới. Và hiển nhiên là sự chiêm bái trực tiếp cội Đại Bồ Đề là một đại lễ đối với Sư! Các cảnh sát đâu có cho vào, Sư phải gọi nhiều lần cho vị Sư quản lý, rồi đọc số xe, rồi ngồi chờ đến 5h40 mới được cho vào. Lúc này chưa mở cửa nên chỉ có những người dọn dẹp và thân tín của quý Sư đang chuẩn bị cho mở cửa thôi. Mới đầu mình bị ngăn lại không được lên, Sư Walpola cũng không làm gì được. Đến khi vị quản lý ra thì mới được phép lên.
Cội Sri Maha Bodhi Hai Sư trò đến gần, đảnh lễ, chạm tay và tựa đầu vào thân cây. Lúc này, đầu và tay của mình run lên bần bật một cách không tự chủ. Một sự rung động của sự xúc chạm này không thể nào diễn tả nổi, mình cảm nhận một từ trường vô biên đang truyền chảy qua cơ thể! Giáo Pháp đã tồn tại hơn 2500 năm, là một giá trị tinh thần cao quý không gì có thể sánh được. Tuy nhiên, một vật thiêng gắn liền với sự tồn tại của Giáo Pháp, mà ngày nay mình có thể xúc chạm, chiêm bái bằng mắt, bằng thịt thì giá trị đó càng có ấn tượng sâu đậm hơn nữa! Sau đó xin lượm 2 lá dưới tán cây, vị Sư nói để vị ấy lượm vài cái đẹp hơn cho rồi đi xuống. Tất cả chỉ diễn ra trên dưới 5 phút. Trời còn tối quá nên không chụp hình được. May là vị Sư đó cũng nói đưa máy cho vị ấy chụp giùm vài tấm. Nhờ vậy mà có hình! Xuống dưới, hai Sư trò quỳ và Sư tụng bài kinh tán thán cội Bồ Đề cùng Kinh Từ Bi (Metta Sutta) cho tất cả chúng sinh. Sau khi mắt thấy, tay sờ thì mình cảm thông hơn cho sự bảo vệ nghiêm mật cội Đại Bồ Đề này. Cây hiện giờ yếu nhiều, chỉ còn duy nhất một cành, và không có tược nào khác. Ngay cả chư Sư Sri Lanka bình thường cũng không được quyền lên viếng nữa chứ đừng nói hàng Phật tử xa lắc như mình! Ở đây phải thật lòng mà nói, là thiện duyên của bao nhiêu kiếp mới được hạnh ngộ này! Có lẽ đây là một ấn tượng tâm linh mạnh mẽ nhất trong suốt quãng đời còn lại! Nhánh duy nhất của cây được chăm sóc kỹ lưỡng Nói thêm một chút về cảm nghĩ cá nhân: Từ trước đến nay, mình chưa có sự thôi thúc sang Bod Gaya để chiêm bái cây Bồ Đề bên đó. Nếu có dịp đi thì cũng là để tưởng niệm đến sự thành Đạo của Đức Phật tại nơi chốn này mà thôi. Trong khi đó mình lại có mong muốn đến chiêm bái cây Đại Bồ Đề này. Nhất là từ khi được chiêm bái và ở gần cội Bồ Đề trong Tổ đình Bửu Long, ngày xưa được Ngài Narada chiết từ cội Sri Maha Bodhi này mang sang trồng vào những năm 1960. Nhân duyên trong tưởng nghĩ nó là như vậy. Sư nói thêm là cây Bồ Đề mẹ ở Bod Gaya đã bị phá huỷ và chết từ lâu. Cây hiện nay chính là cây con của cội Maha Bodhi này mang sang. Cho nên, xét về vai vế thì cây ở đây mới là gốc! Nhân duyên lành cho tất cả những ai còn có đức tin, và có cơ hội để đến chiêm bái các Thánh tích như vầy. Mình nghĩ dù ở vị trí nào, căn cơ nào thì sự tăng trưởng về các thiện pháp đều sẽ đến với những chúng sinh ấy! Hai Sư trò chuẩn bị ra về thì có khoảng năm người phụ nữ đến năn nỉ Sư đọc kinh quy y ngũ giới cho họ. Sư đồng ý, và đọc lời ban giới cho họ trong tiếng kèn trống in ỏi của những tín đồ mang lễ vật đến cúng.
Sư làm lễ thọ ngũ giới cho 5 nữ Phật tử Liền sau đó, một nhóm khoảng 50 người hành hương đi đến cũng xin Sư làm lễ y chang như vậy. Họ đi cả đoàn với một vị Sư rất trẻ, chỉ là Sadi thôi nên thấy một vị đại trưởng lão như vậy, mặc y giới nên họ dĩ nhiên là muốn được Sư ban giới rồi. Từ chối đâu có được nên Sư đứng đọc tiếp, chừng đến giới thứ 3 thì tiếng tụng của micro vang lên lấn át tất cả. Sư cũng ráng đứng đọc cho xong 5 giới rồi mới đi được.
và sau đó...
... là quá trời Phật tử luôn! Hai Sư trò ra xe về khách sạn. Đến khách sạn ăn sáng xong khoảng 7h30. Hẹn với nhau sẽ trả phòng lúc 8h30. Lên phòng, mình tranh thủ một chút tĩnh lặng tận hưởng quả lành vừa nhận được. Sau đó dọn dẹp và chuẩn bị đi xuống thì có tiếng gõ cửa. Anh nhân viên hỏi mình có valise không để anh ta khiêng xuống. Mình cười cảm ơn và nói không có gì. Xuống tính tiền phòng, tổng cộng chỉ có 20'000rp (140 frs) cho 2 đêm, 3 người, ăn sáng, ăn tối và giặt ủi bộ đồ (vì mới đầu tính đi 2 ngày thôi nên chỉ mang theo 1 bộ). Mình tặng thêm 1 ít cho họ. Có Sư ở đó nên họ từ chối, nhưng Sư nói thì họ mới dám nhận. Lên xe ra về, Sư nói sẽ đi đường khác để ghé ngang bảo tích Aluvihara ở Matale. Xe chạy khoảng 2 tiếng thì tới nơi.
Chùa Aluvihara Đây là những hang động, khi xưa lần kết tập kinh điển lần thứ 3 được viết lên những lá bối. Và sau đó ngài Buddhaghosa đã trú ngụ ở đây một thời gian và viết ra bộ Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo), là kinh sách gối đầu cho chư Tăng cũng như Phật tử Nguyên Thuỷ hiện nay. Đường lên chùa là những bậc thang rất cao. Có lẽ chút nữa phải tìm đường vòng khác xuống, sẽ đỡ nguy hiểm cho Sư. Lên đến nơi, hang lớn nhất, ngoài sân phía trước rộng rãi, tương truyền là nơi chư Tăng ngồi viết lên lá bối.
Các tượng có kiểu dáng rất giống những nơi khác
Kinh điển được viết tại sân này
Lúc bấy giờ, lần kết tập kinh điển thứ 3, theo thông lệ thì các chư Tăng chỉ tuyên đọc lại bằng miệng. Tuy nhiên, một số vị lại nghĩ rằng nếu chỉ trùng tuyên bằng miệng và thực hành, lỡ như kiếp này chưa chứng đắc được, tiếp tục những kiếp tới thì lấy đâu ra kinh điển để học hành theo? Thế là họ đề nghị nên viết ra. Các vị chủ trương tuân theo truyền thống cũ không đồng ý. Vì không có sự nhất trí chung nên vua mới nói với nhóm đầu là vua không thể tài trợ để các vị ấy viết kinh ra chữ nếu không có sự đồng ý của các vị kia. May thay, một hoàng thân tình nguyện tài trợ, và các vị ấy chọn nơi đây làm địa điểm, viết ròng rã mấy năm trời mới xong bộ kinh và chú giải. Nhờ vậy hôm nay chúng ta mới còn kinh điển Pali tạng. Trong hang có một tượng Phật nằm lớn, chiếm hết bề ngang của hang, khoảng 10m và vô số tượng nhỏ, tranh vẽ khác. Trên trần vẽ đầy ấp các hoa sen tượng trưng cho trí tuệ bát nhã của Chư Phật. Hang thứ hai thì hẹp hơn nhiều, cũng tôn thờ như vậy. Đi ra và vòng sang phía bên hông, đi ngang qua một hẽm hẹp giữa hai tảng đá núi lớn.
Đường hẻm hẹp giữa 2 khối đá Lên mấy bậc tam cấp là đến hang của ngài Phật Âm (Buddhaghosa) khi xưa. Tại đây ngài viết ra bộ Thanh Tịnh Đạo, viết lần thứ nhất thì bị một chư thiên lấy cắp, ngài viết lần thứ hai, vừa xong thì lại tiếp tục bị lấy cắp. Đến khi viết xong lần thứ 3 thì hai vị chư thiên mang hai bộ trước đến đối chiếu, thấy không sai một chữ nào giữa 3 bộ thì mới kinh sợ và phục ngài.
Hang đá nơi ngài Buddhaghosa viết bộ Thanh Tịnh Đạo Phía trên cốc của ngài có một cây bồ đề được trồng trên mặt đá granite. Rễ duy nhất chui qua 1 cái lỗ nhỏ và sau đó phình to ra ăn vào đất, rất đặc biệt. Phía trên cây bồ đề là những bậc thang xưa kia được tạc thẳng vào mặt đá granite để leo lên chỏm của phiến đá. Trên đây có một stupa nhỏ, nhìn lên đỉnh núi cao sau lưng và khung cảnh xanh ngát bên dưới. nhìn từ trên cây bồ đề Ngoài ra, phía dưới xung quanh còn trang trí những hình ảnh quả khổ khi phạm 5 giới. Chúng được làm ra thời Anh quốc sang đô hộ. Không có gì đặc biệt. Hai Sư trò đi một vòng khoảng 15' rồi xuống xe. các vị Tăng của tương lai Bây giờ trực chỉ đến Kandy, cố đô cuối cùng trước khi chuyển sang nền dân chủ. Đường đi quanh co và đồi dốc giống như đường lên Đèo Chuối, Lâm Đồng. Thảm thực vật thay đổi hẳn, xuất hiện cây cà phê, ca cao, bơ, sầu riêng,... Trên những cung dốc, thỉnh thoảng xuất hiện một chỗ bán sầu riêng đơn độc. Sư hỏi mình có ăn được không, mình trả lời là rất thích. Sau đó anh tài xế ngừng sát một chỗ bán sầu riêng. Chỉ có 1 người bán và một bàn nhỏ bày sầu riêng. Các trái được xếp thành 3 cỡ lớn, vừa, nhỏ. Trái to giá 450rp (3 frs), nặng hơn 1kg một chút, vừa thì 250rp và nhỏ (bằng trái cam vàng) giá 150rp. Giá như vậy không rẻ chút nào so với đời sống bên này. Sư nói rằng sầu riêng là món cao cấp ở đây, tuy nhiên cái hay là họ lại không nhập từ nước khác dù là sẽ rẻ hơn, ngon hơn!
Sư và mình khui ăn 3 trái bự tại chỗ, anh tài xế không ăn. Sư bảo giữ lại hột để Sư mang về chùa ươm trồng. Mình mua thêm 10 trái mang về chùa để ăn tiếp. Sầu riêng ở đây chỉ to như vậy, cơm màu trắng, hột rất to và không thơm nhiều như sầu riêng chỗ khác. Tuy nhiên, thoải mái ăn vì không sợ hoá chất! Đây là điểm đặc biệt ở xứ này. Gì thì gì chứ gian lận trong trồng trọt thì họ không dám, vì phạm giới nói dối, trộm cắp và gây bệnh cho người khác. Ngay cả phân hoá học họ cũng không dùng. Trừ những nơi làm với quy mô công nghiệp thì chắc khó tránh khỏi. Mình để ý rằng họ mua trái cây, rau củ cũng vậy, sự đẹp mắt hay to lớn không phải là yếu tố quan trọng. Mong là những đức tính tốt này còn tiếp tục được gìn giữ trong tương lai! sầu riêng cùi trắng Cách Kandy chừng 5km, xe chạy ngang qua khu phố xá đông đúc, hai bên dày đặc các cửa hàng, bán ôi thôi đủ thứ, rất màu mè. Sư nói khu này người Hồi giáo nhiều. Mình xin Sư chạy xe ngang qua chùa thôi chứ đừng dừng lại vì mình không muốn vào. Nói thêm, trước khi đi thì Kandy là địa điểm được nhắc đến nhiều trong các forum. Là điểm đầu tiên mình muốn tới. Tuy nhiên, khi sang đây rồi, Sư nói là Xá Lợi Răng Phật chỉ được mang lên cho mọi người chiêm bái mỗi 5 năm mà thôi. Hiện giờ mình chỉ được nhìn bình tháp đựng Xá Lợi thôi, còn Xá Lợi thì cất sâu dưới hầm do 1 vị Sư và 2 viên chức cao cấp nhà nước giữ chìa khoá. Phải có 3 chìa này thì mới lấy ra được. Thêm nữa, sau khi đã chiêm bái Mahintale và cội Đại Bồ Đề, thật lòng là mình không muốn đi đâu nữa hết. Do vậy, khi vào Kandy, thấy cảnh đông đúc, khách du lịch,... Thì mình cũng không hứng thú lắm. Xe chạy đến sát chùa, Sư chỉ cho mình và hỏi có muốn chụp hình không ? Mình trả lời Sư rằng hình đẹp trên mạng nhiều lắm, Sư đừng lo. Phải công nhận hoàng cung cũ và xung quanh rất đẹp. Sư cho xe chạy đến gần toà biệt điện lớn nằm bên hồ, nói rằng đây là nơi ở của đức Tăng thống Sri Lanka hiện nay. Và hằng năm giáo hội cũng họp ở đây.
một góc Kandy (hình lấy từ internet) Sau đó xe quay đầu lại đi về. Khoảng cách chừng 90km, chắc chạy hơn 2h. Mình nhắc Sư tìm chỗ để anh tài xế nghỉ, ăn trưa. Bây giờ mới 13h nên anh ấy nói đến khoảng 14h mới ăn. Xe chạy xuống đèo, đường xá rất tốt, cảnh vật xanh mướt dù đang mùa khô. Họ gìn giữ rừng hay thiệt. Giống như ở bên đảo Madere vậy. Mình lại chập chờn ngủ. Một lúc sau, xe ngừng ở một nhà hàng sân vườn. Mọi người vào vệ sinh, ăn uống, nghỉ ngơi. Có rất nhiều khách du lịch, Tây Tàu đủ hết. Giá cho buổi ăn trưa complet là 900rp (6frs) gồm đồ uống, xà lách, các món chính (buffet, khoảng 6-8 món), và tráng miệng (trái cây, bánh ngọt, kem,...). Sư không ăn, chỉ uống 1 ly nước dừa. Anh tài xế chỉ ăn món chính, mình chỉ ăn xà lách và rau muống xào sa tế cay và một ly nước dừa. Vì vậy, họ tính là một phần ăn thôi nên chỉ trả hơn 900 rp một chút. Trong sân vườn, có một người ngồi trong cái lều cây, ngồi thổi sáo để tạo không khí cho khách thưởng thức. Lên xe là mình ngủ luôn đến khi về chùa. Tiền xe, tài xế, xăng cho chuyến đi 3 ngày là 25'000rp (170 frs), mình tặng thêm 3000 cho anh tài xế rất dễ thương và nghiêm túc. Đến chùa, mình lên phòng tắm rửa xong đi xuống chơi một chút rồi chạy lên ngủ thiếp 1 giấc khoảng 30'.
Xuống gặp Dilshan, hỏi mình có ăn tối không. Mình trả lời không thì cậu ta nói đã để dành cho mình 1 miếng đu đủ bự. Mình không từ chối lòng dễ thương này. Ăn xong, nói chuyện 1 chút về chuyến đi rồi mình tranh thủ ngồi viết đến khuya, chờ gọi cho hai mẹ con chuột nhắt. Kết thúc 3 ngày hành hương với bao nhiêu điều mới mẻ!
Ngày 06: ở thiền viện
Sau giấc ngủ yên tĩnh, thức dậy vào 4h30 sáng trong tiếng chim hót như mọi hôm. Ra hít thở khí trời và viết tiếp. Đến 6h thì xuống tìm cây chổi để quét hành lang. Cũng muốn quét vườn nhưng không biết mấy cây chổi chà để ở đâu. Quét chút xíu phía sau ban công thì nghe tiếng quét sân phía trước. Mình đi ra thì thấy vị Sư đệ tử của Sư Walpola đang quét sân dưới gốc xoài. Mình mon men lại gần thì thấy chổi được cất dưới cây nước xây trên cao. Mình tham gia vào quét phụ. Trời nóng nhưng Sư vẫn mặc y, lại trùm thêm mũ len (loại mùa đông), chắc để tránh bụi.
Sư vẫn mặc y dài để quét lá
Đất chùa rộng, nhìn thật thích, nhưng khi quét lá thì cũng thật là lâu! Quét cả tiếng mới xong chừng 3/4, sau đó Sư Walpola đi ra phụ hốt lá bỏ xuống một cái hố đào trước chùa. Khi hố đầy thì đốt lá khô bên dưới, y như nhà mình ngày xưa khi còn nhỏ 9-10t.
Gần xong thì Sư bảo để đó, vào ăn sáng. Hai Sư trò cùng ăn và nói chuyện Đạo Pháp. Ăn xong và nói chuyện 1 chút thì có người cần gặp Sư. Mình ở lại dọn dẹp rồi đi ra. Thì ra là người thầu xây dựng, đến để xem việc làm lại khu nhà bếp vì bị nứt tường, xuống cấp quá. Sư kêu mình lại, hỏi xem mình có ý kiến gì không. Hai vợ chồng mình đã bàn với nhau và thống nhất cúng dường chùa để xây lại nhà bếp mới. Mình có thỉnh Sư nên làm sớm trước mùa mưa sẽ bắt đầu trong vài tuần nữa.
Hôm nay có một gia đình thỉnh chư Tăng Ni, xin cúng dường trai tăng. Họ chuẩn bị từ hôm qua và sáng nay tiếp tục dọn dẹp, chuẩn bị mọi thứ để các Sư đến vào lúc trưa. Nghe nói có khoảng 12 vị Sư và 4 vị Ni. Xem xong với người thầu thì Sư và mình cùng đi ra ngân hàng để mình lấy tiền chuẩn bị cho việc sửa chữa. Ngân hàng đông nghẹt người. Vào guichet, sau khi xem thẻ Visa và passport của mình xong, cô nhân viên gọi lên trung tâm để check thì họ bảo là thẻ bị block không rút tiền được. Mình ra ngoài cây ATM ngay ngoài cửa thì rút tiền bình thường. Chẳng biết họ làm cái gì nữa? Chuyện quan trọng là rút được tiền xong xuôi. Về đến nơi cũng gần giờ trai tăng. Họ đón tiếp chư Tăng rất long trọng, múc nước rửa và lau chân cho từng vị, y như thời của Đức Phật vậy.
nghênh đón chư Tăng Chư Tăng Ni ngồi vào chỗ, Sư Walpola nói vài lời giới thiệu, sau đó họ bưng đồ ăn múc cho từng vị.
Ăn xong thì các vị nhai trầu. Quên kể là bên đây nhiều người nhai trầu cau, trai gái gì cũng vậy. Chư Sư, lớn nhỏ đều nhóp nhép nhai trầu, thật là lạ mắt.
Trầu, cau khô và vôi Sau đó họ bưng lễ vật cúng dường chư Sư, Ni. Mình đợi họ xong thì cũng đến dâng cúng dường mỗi Sư một ít tịnh tài. Một Sư thuyết bài Pháp ngắn, rồi cùng tất cả mọi người tụng đọc từ bi kinh, hồi hướng, rồi chư Sư ra về. Bây giờ các Phật tử mới ăn trưa. Mình đâu biết là đã được dọn sẵn thức ăn trong phòng ăn. Vào nhìn thấy hoảng luôn, quá trời đồ ăn! Năn nỉ Palita vào ăn chung, nói mãi anh ta mới chịu vào. một góc của các món ăn dọn riêng cho mình Ăn xong thì mình lên tìm chỗ mát ngồi viết tiếp. Tuy nhiên, mấy người thợ đang đào cắt nền nhà nên hơi ồn. Trưa nóng quá không biết làm gì, đang đứng đó thì Sư Walpola đi đến, Sư đưa 1 lá trầu cho mình nhai. Sư nói rất tốt cho răng, nhưng Sư chỉ nhai trầu và cau thôi chứ không dùng vôi. Nói chuyện với mình 1 chút rồi có 2 vị Ni đến hỏi chuyện Sư. Tranh thủ lúc đó mình đi vào bếp chặt 1 trái dừa uống và gọi cho hai mẹ con Ba Khía. Nói chuyện xong rồi chạy lên ngủ một giấc đến 16h30 thì thức dậy. Lúc này, trời cũng dịu lại, bớt nóng. Mấy người thợ đã đi về. Mình vào tắm xong thì đi ra sau ban công, ngồi chỗ khuất và mát nên viết 1 hơi cho đến tối. |