|
Sri Lanka - 2014 Ngày 10: ở thiền viện
Đến khoảng 5h30 vào rửa mặt, giặt đồ, phơi đồ xong rồi xuống lấy chổi quét sân. Sáng nay chỉ có 1 mình. Quét đến 7h thì Sư Walpola ra, phụ mình hốt lá bỏ vào bao, xong Sư kêu ngưng để ăn sáng. Đồ ăn sáng có bánh mì kẹp xúc xích, cá kho và trái thơm cắt khoanh, quá đầy đủ.
Buổi ăn sáng thịnh soạn Ăn xong, mình ra quét tiếp. Sư Silaratana đang tưới nước quanh sân cho đỡ bụi. Quét chút xíu thì Sư bảo ngừng, để Sư quét hết cho (có lẽ Sư thấy mình đã quét nữa sân lúc nãy). Mình nói không sao và quét tiếp. Tưới đất xong, lần thứ 2 Sư lại bảo mình ngưng để cho Sư làm. Thế là mình cất chổi, đi vào đứng cạnh Sư Walpola xem những người thợ làm. Họ niềng lại những phần tường bị nứt bằng bê tông cốt sắt và tháo phần cửa cũ để mở rộng lối vào bếp. Đứng nói chuyện về chuyến đi Kandy hôm qua, mình chợt nhớ đến tượng Phật nên nhờ Sư đọc kinh cho tượng và cho xâu chuỗi của bà nội Ba Khía. Sư làm lễ xong, kêu mình để đó, mai rồi hãy cất vào valise.
Sau đó một chú Phật tử chặt 2 trái dừa cho Sư và mình uống. Mình tranh thủ Sư có điện thoại, đi ra bên ngoài dạo một vòng. Trưa nay có buổi cúng trai tăng và thiền nên có nhiều người ra vào. Dạo 1 vòng xong, quay về phòng rửa mặt cho mát rồi xuống chỗ Sư. Sư đang có khách nên mình vào phòng khách ngồi viết, bên ngoài trời nóng rồi. Viết một hơi thì Sư kêu ăn trưa. Lại được ăn đồ cúng dường, khoảng 10 món. Ăn xong, ngồi nói chuyện với Sư 1 chút rồi Sư đi nghỉ trưa, mình ngồi nói chuyện với mẹ Huyền đến khi máy hết pin. Đi ngang phòng Sư thấy Sư đang ngủ, mình cũng đi về phòng ngủ một giấc đến 15h30. Trời nóng gay gắt như vầy, ăn trưa xong thì chỉ có ngủ chứ không làm gì khác được. Thức dậy thấy oi bức quá, mình vào tắm cho mát. Biết là bên dưới đang có buổi giảng nên mình tắm nhanh rồi đi ra. Phòng tắm nằm bên ngoài giảng đường nên không làm phiền gì mọi người, nhưng mình giữ ý một chút vẫn tốt hơn. Trời vẫn còn nắng nóng, mình xuống xem các anh thợ làm việc. Sư bảo lấy sầu riêng ăn chứ không thôi hư hết. Mấy hôm nay nóng quá, sầu riêng nứt chín hết phân nữa, kiến bu đầy. Trong bốn trái cũng còn ăn được 2 trái, Sư ăn thử 1 miếng rồi thôi vì có lẽ không thích chín quá, còn lại mình ăn hết, cũng ngon ra trò. Ăn xong, dọn dẹp rồi đứng nói chuyện với Sư về thiền viện. Mình hỏi Sư những vật dụng hữu ích có thể mang sang vào lần tới. Sư dẫn đi xem rồi nêu ra một số đồ có thể mua bên châu Âu, rẻ và tốt hơn là mua tại Sri Lanka. Mình ghi vào liste để về xem có gặp thì mua. Sư nói xây dựng phòng ốc tốn kém, cực nhưng đâu có xong, còn phải bảo trì. Những thiền sinh đến đây, Sư muốn họ có điều kiện sinh hoạt tốt nhất nên cái gì Sư cũng chuẩn bị. Sau khi họ ra về thì chư Sư Ni phải dọn dẹp, giặt ủi để chuẩn bị cho khoá kế tiếp. Buổi thiền kết thúc, người ra về, người nán lại trò chuyện. Họ sử dụng nhiều phương tiện, xe hơi riêng, xe gắn máy, xe đạp, tuk-tuk, đi bộ.
Một chiếc tuk tuk đợi khách trong sân chùa Có mấy vị nữ còn ngồi thiền tiếp, sau đó thiền hành đến tối. Vị giảng sư lấy chổi quét phần sân sát đường, nơi mà lá cây rụng nhanh, nhiều. Chỉ một buổi là lá rơi đầy sân. Mình phụ lấy đồ hốt lá và bỏ xuống hố. Tận dụng trời chiều mát mẻ, lang thang 1 chút quanh thiền viện rồi lên sân thượng ngồi nhắm mắt tĩnh tâm một chút. Vậy mà cũng hơn 20', mở mắt ra là trời tối rồi. Xuống đứng nói chuyện với Sư 1 chút rồi mình về phòng. Sư nghỉ sớm vì khuya nay 12h phải ra sân bay đón một vị Sư quen đi Miến Điện về. Nóng quá nên tắm một lần nữa. Sau đó xuống sân ngồi ngắm cảnh vật xung quanh.
Ngủ ở chùa đêm nay. Ngày mai giờ này là chuẩn bị hành lý để ra sân bay rồi. Đã nghe thấy những điều nên nghe thấy, đã làm những việc cần làm. Dilshan vừa đi làm về, đáng lẽ ngủ liền nhưng phải canh cửa chờ Sư nên còn thức. Mình đề nghị để mình canh giúp cho nhưng nó không chịu, thì thôi vậy. Lên phòng bỏ mùng xuống thì cũng đã 12h khuya.
Ngày 11: ở thiền viện - trở về Genève
Đi qua đi lại vài vòng, mình leo lên sân thượng, nơi chỉ có duy nhất một tượng Đức Phật nhập định. Xung quanh trống trơn nên gió mát lạnh. Mình đảnh lễ xong, ngồi xuống trong tĩnh lặng, lắng nghe tiếng động xung quanh. Ngồi nghe vậy thôi, gần như không cảm xúc, thật tuyệt vời. Ánh sáng từ từ xuất hiện, mọi cảnh vật rõ dần, tiếng xe máy nhiều hơn. Trời mờ sáng, lúc này đã 5h55. Mình vào rửa mặt, xong đi xuống quét sân. Hôm nay Sư thức dậy sớm, mình mới quét có vài phút là Sư ra. Sư nói vị Sư trụ trì khu bảo tích Aukana đã về hồi khuya. Phòng Sư ở sát ngoài sân nên mình định ngưng quét. Sư Walpola bảo cứ quét, không phiền gì. Quét hết 1/3 sân là đã 7h15, Sư bảo vào ăn sáng. Mình ăn sáng cùng 2 vị. Đồ ăn hôm nay đơn giản, là đồ dư hôm qua hâm nóng lại. Dilshan mua thêm bánh mì kẹp trứng và kẹp xúc xích cho mọi người. Mình chỉ dùng cơm và đồ ăn cũ, vậy thôi là đã quá no đủ rồi. Ăn xong, mình ngồi nói chuyện với Sư. Hôm nay chủ nhật, mọi người tụ tập rất đông để nghe pháp, ngồi thiền, cúng dường trai tăng. Đợi Dilshan ăn sáng xong, nó lái xe đưa Sư đi chúc phúc một lễ cưới hỏi gì đó ở cách chùa chừng 15km. Sư bảo đi sớm chừng 2 tiếng để mình đến đưa quà cho 2 gia đình nghèo, ghé qua giới thiệu nhà của Dilshan cho mình biết và chở mình đến một chùa xem các em nhỏ học Giáo Pháp. Đến nhà đầu tiên, chỉ có người vợ ở nhà, chồng thì đi làm thuê ngoài đồng, ngay cả ngày chủ nhật. Bên này, người nghèo lắm mới phải đi làm cả chủ nhật. Dilshan và mình vào, đưa quà và nói vài lời chúc an lành xong thì đi tiếp. Đến nhà thứ 2 thì cả nhà đều đi vắng. Gọi là nhà cho có chứ chỉ là mấy tấm bạt cũ kỹ che 4 bề xung quanh thôi. Sau đó đi sang nhà Dilshan ở cách chừng 1km. Nhà nằm dưới vườn cây mát mẻ, đa số là dừa. Gia đình cậu ta, cả nhà phục vụ chư Tăng. Đêm nào Dilshan đi làm thì ba của cậu ta ra ngủ với Sư. Anh trai của Dilshan cũng vậy, phục vụ cho vị Sư trụ trì ở Aukana (tượng Phật đứng lộ thiên).
Nhà của ba mẹ Dilshan
hoa lan trong vườn nhà Dilshan Lên xe đi tiếp chừng 500m thì Sư chỉ vào một căn nhà nhỏ, đơn giản nhưng khang trang. Sư nói đây là nhà của ba mẹ Sư ngày xưa. Bây giờ căn nhà này do chị dâu của Sư ở. Bây giờ Sư kể thì mình mới biết rõ hơn. Làng này tên là làng Walpola, là nơi mẹ Sư được sinh ra. Ba của Sư ở làng kế bên, là người gốc đạo Chúa. Ông ngoại Sư ngày xưa ra điều kiện là muốn cưới mẹ Sư thì ba Sư phải theo đạo Phật. Không ngờ sau đó ông còn mộ đạo hơn gia đình bên ngoại của Sư! Đến năm Sư 9 tuổi, ông khuyến khích Sư xuất gia. Mười tuổi thì Sư vào ở luôn trong chùa tu học. Một năm sau thì ba Sư qua đời lúc mới 53 tuổi, và 6 năm sau đó mẹ Sư cũng mất do bị ung thư lúc còn rất trẻ, chỉ 44 tuổi. Sư có 2 người anh, bây giờ họ đều đã mất. Mình hiểu rõ hơn tại sao Sư chọn nơi nghèo nàn này để ở, vì đây chính là quê hương của Sư! Đi ngang qua 1 cánh đồng, Sư nói đây là ruộng mà ngày xưa ba Sư làm. Sư chỉ vào một cái ao khô rất lớn và nói đây là nhà tắm của ba Sư ngày xưa. Lúc đó nước trong ao có quanh năm và rất sạch, chứ không phải bị khô cạn như bây giờ. Có hôm ba Sư còn bắt được cá sấu nữa. Sư nói rất biết ơn cha đã có cái nhìn đúng đắn, hướng dẫn Sư vào con đường tu hành sớm như vậy. Xe chạy vòng vo một hồi thì đến một chùa, bề ngoài không có gì đặc sắc. Nhưng khi vào bên trong, một cảnh sinh động, đẹp mắt hiện ra, đó là cả mấy trăm em nhỏ, chắc cũng cả ngàn, trong một màu trắng đang tụ thành nhóm, thành lớp nhìn rất xúc động! Sư bảo mình đi 1 vòng xem. Đây chính là nguồn nhựa sống để duy trì Giáo Pháp trong tương lai, Sư nói.
Giống như ở chùa gần hồ Mihitale, ở đây nhiều hơn. Mọi người tận dụng cả chuồng bò để làm lớp học, có nhóm thì ngồi ngoài sân cỏ dưới bóng cây xoài, có nhóm ngồi thẳng dưới đất cát rất dễ thương. Có vài lớp dành cho các em mẫu giáo. Mình đi ngang qua hay đứng lại quan sát, các em đều nhìn mình với cặp mắt tròn xoe. Có đứa dơ tay chào, vẫy vẫy. ... nơi chuồng bò cũ, ...
... ngoài mái hiên, ...
... trong lớp, ...
... nhỏ có, ...
... lớn có, ...
..., trong phòng, ...
... ngoài sân, ...
... nghiêm túc,...
... quan sát, ... Các thầy cô giáo cũng mặc đồ trắng tinh, nghiêm túc. Họ tươi cười nhìn mình rồi dạy tiếp. Mình đến gần một nhóm các em nhỏ khoảng 10 tuổi đang ngồi xếp bằng dưới bóng mát của cây xoài. Mắt nhắm lại và lập lại theo lời cô giáo bài kinh Tam Bảo. Ngôn ngữ Sri Lanka có đến 70-80% có nguồn gốc từ tiếng Pali nên tất cả Phật tử đọc kinh Pali như mình uống nước. Và các em bé được giáo dục truyền thống như vậy từ lúc 4-5 tuổi nên dù không xuất gia thì khi lớn lên, các em cũng đã có được một hành trang tâm linh vững chắc. Phật Pháp cũng như tất cả mọi thứ khác ở trên đời, không vượt ra ngoài quy luật tự nhiên sinh trụ hoại diệt. Nhưng ngay ở thời khắc này, những hình ảnh trên thật đẹp! Đẹp theo nghĩa đen của mắt thấy tai nghe, và đẹp theo nghĩa bóng của một lối sống lành mạnh, tri túc và lạc quan, hướng thiện. Lành thay, lành thay, lành thay! Đi xung quanh một vòng, quan sát và chiêm ngưỡng cảnh đẹp này khoảng 15' rồi mình cùng Sư ra xe đi tiếp. Vẫy tay chào các em với một sự kính trọng sâu sắc! Xe quay về đoạn đường cũ và ngừng lại nơi lễ cưới để Sư xuống. Dilshan lái xe đi tới khoảng 1km vì hai bên chật cứng xe hơi, tuk-tuk, xe gắn máy,... Đám cưới tuốt phía trong mà ở ngoài đường cái giăng đầy dây nhiều màu trang trí, kéo dài cả cây số. Hai đứa ngừng kế một quán nhỏ bán rau quả bên đường, mua 2 trái dừa uống, tổng cộng chỉ có 60rp (40cts). chỗ bán dừa
... và mít. Họ dùng mít chủ yếu để xào, nấu Uống xong, quay xe đi ngược lại, vượt qua khỏi chỗ đám cưới chừng 500m thì thấy một hàng bán trái cây. Mình kêu Dilshan ngừng lại rồi vào lựa mua 1 ít trái cây mang về. Họ treo chuối cả quày nhìn thấy mê, còn trái cây địa phương như đu đủ, ổi, xoài, trái đắng (miêu tả hôm trước), mãng cầu gai, mãng cầu ta, bơ,... không đẹp mắt nhưng nhìn thấy an tâm, không sợ hoá chất.
Chuối nhìn thấy mê, 1 nải khoảng 100rp (70cts) Tranh thủ đợi Sư, mình mua thêm 2 trái mãng cầu chín cây ăn tại chỗ. Mãng cầu địa phương, trái xấu xí, hạt bở chứ không dai nhưng không có hoá chất. Cũng định mua mang về nhưng tất cả đã chín mềm, không khả thi. Ăn xong, đứng chơi 1 chút thì Sư gọi, 2 đứa lên xe đến đón Sư và về chùa. Về đến chùa khoảng gần 12h, hôm nay họ cúng trai tăng nhiều nên Sư phải qua bên trai đường. Sư kêu mọi người mang riêng một phần riêng cho mình. Gọi là một phần chứ 4 người ăn cũng không hết. Mình gọi Dilshan và một anh khác vào cùng ăn. Anh ấy đang lột mít, xong rồi mang dĩa mít vào. Thế là mình ăn mít với thơm và đu đủ trước rồi mới ăn món chính sau. Sau đó lên ngủ một giấc khoảng 30'. Ở dưới nhà, ăn uống xong là họ vào nghe giảng pháp liền. Mấy hôm nay mình quan sát thấy như vậy. Họ có vẻ tận dụng ngày học rất tốt. Cả ngày từ sáng 9h đến 4h chiều không phung phí thời gian. buổi học pháp Thức dậy, mình tranh thủ xuống nói chuyện với Sư. Thường những ngày này Sư hay có Phật tử đến nên những cuộc nói chuyện hay bị cắt ngang. Mình lang thang gần quanh đó đợi, hoặc đôi khi đi làm việc khác. Đứng 1 chút rồi mình lên phòng ngồi viết, sau đó đi tắm để 16h đi với Dilshan tặng quà cho gia đình kia. 16h, mình xuống thì Dilshan đang tắm. Sau đó Sư kêu Dilshan ghé qua một nhà khác mà Sư thấy cần thiết hơn. Dilshan chở mình bằng xe gắn máy đi vòng vèo một hồi, qua những khu vườn, cánh đồng,... Cảnh thật tương phản, có những biệt thự với vườn rộng bao la, cắt tỉa đẹp đẽ, 3-4 chiếc xe hơi đắt tiền đậu trong sân. Và kề bên đó là những căn nhà (gọi là lều mới đúng) lụp xụp, tối tăm, thể hiện được hết cuộc sống của người ở trong đó. Đi một chút, len qua những ruộng thơm, vườn dừa, thì đến một căn nhà nhỏ, cũ kỹ với vách là những miếng gỗ nhỏ ghép lại. Khung cảnh trước nhà là một mảnh đất cát nhỏ, sạch sẽ. Trên đó, một đứa bé khoảng 2-3 tuổi ở trần, chỉ mặc một chiếc quần short màu vàng, mặt mày lấm lem đang ngồi bốc đất chơi, y như Shrek vui đùa trong đống bùn vậy. Có một người đàn ông ốm con, ở trần, chắc là ba của đứa bé đang đứng gần đó cười cười một mình. Phía bên hông nhà một người phụ nữ đang chặt mấy nhánh lá dừa khô, chắc để làm củi chụm. Dilshan đứng hỏi, người đàn ông nói gì đó như ra vẻ không biết, người vợ đi lại và sau đó gọi người mẹ trong nhà ra. Một người phụ nữ đứng tuổi, gầy nhom bước ra, nói gì đó với Dilshan như có vẻ không biết. Dilshan gọi về hỏi Sư nhưng cũng không rõ. Quay xe chạy ngược ra 1 chút, thấy một căn nhà khác lụp xụp hơn nữa nhưng khoá lại, không có ai ở nhà. Mình nói với Dilshan là quay lại nhà hồi nãy vì mình cảm thấy họ rất nghèo. Xung quanh nhiều người đáng được chia sẻ, lòng nhiều nhưng của ít, vì vậy thấy ai thì giúp người ấy chứ đi vòng vòng đâu ích lợi gì. Thế là quay lại nhà đó, mình gửi quà, chụp với họ một tấm hình, đứng nói chuyện 1 chút rồi về. Khoảng 17h30 Dilshan phải đi làm rồi.
Về đến chùa, đưa hình cho Sư xem thì Sư nói đúng rồi. Người chồng khoảng hơn 1 năm nay tự nhiên bị chứng bệnh mất trí nhớ, cứ cười cười nói nói một mình. Không rượu chè, cờ bạc, là nhân lực chính trong nhà, giờ đau yếu như vậy nên gia cảnh rất đáng thương. Bà mẹ có đến chùa thưa chuyện với Sư nên Sư biết hoàn cảnh. Sư cảm ơn Bà Nội Ba Khía đã chia sẻ với họ. Trời chạng vạng tối, mình đứng ngoài sân nói chuyện với Sư, cũng quay quanh Phật pháp, nhân quả. Một chút sau, có người đến gặp Sư nên mình đi lên sân thượng dạo 1 vòng, ngắm cảnh vật yên bình xung quanh. Đứng nhìn xung quanh một cách vô tâm, chợt nhớ lời thơ sâu sắc của Sư Viên Minh : Tự do là ung dung trong ràng buộc Cảnh trần vốn vậy, người thấy yên bình, người thấy vô vọng không lối thoát. Tất cả cũng chỉ là cái tâm phân biệt. Đứng một chút thì Dilshan lên chào mình, nó hẹn gặp ở sân bay khuya nay. Đi một vòng ngắm cây trái đất trời. Lòng vắng lặng.
... cây trái trong chùa ... Mình đi xuống chánh điện, tối hôm nay chỉ có một mình Sư Silaratana đọc kinh. Mình vào ngồi nghe, để tâm thư thả. Khoảng 20' sau trời đổ mưa thật lớn, át cả tiếng Sư. Vén màn cửa sổ ra dòm xong rồi Sư tiếp tục đọc. Ngồi hơn 30' thì mình đau chân quá nên đảnh lễ rồi đứng lên đi ra. Lúc này đã gần tạnh mưa, không khí mát hẳn.Mình đi lên phòng dọn dẹp, quét lau xong rồi vào tắm, thay đồ. Nằm 1 chút tận hưởng cái mát mẻ sau mưa rồi ngủ hồi nào không hay. Tỉnh dậy thấy 21h, mình ra ngoài sân thì mưa đã tạnh hẳn. Ngồi viết một hồi thì gặp Sư Silaratana đi ra, mình đảnh lễ và từ biệt Sư. Đến khoảng 23h, mình xuống dưới cốc của Sư, xin với Sư ra sân bay sớm vì muốn Sư không phải thức quá khuya (2h55 mới đến giờ bay) vì đã 2 đêm liên tiếp Sư phải thức khuya để ra sân bay đón người quen. Sư đồng ý và gọi cho Dilshan. Mình đảnh lễ Sư ở trong, ra ngoài thấy ba của Dilshan đã đem hành lý ra xe. Mình chào từ biệt ông xong rồi lên xe. Ra tới sân bay, Dilshan đứng đó đón sẵn, đưa mình vào trong. Thủ tục cũng không có gì phức tạp, Dilshan đi cùng mình lên trên nơi quầy lưu niệm. Nó làm ở đây, mình chào ông chủ của nó rồi ngồi viết ở ghế chờ. Thỉnh thoảng nó chạy ra ngồi nói chuyện 1 chút rồi vào bán hàng. Nó xin xem passport của mình rồi nói không biết chừng nào mới được đi du lịch nước ngoài, và có một cái passport như vầy? Mình hiểu tâm trạng của nó, cũng như bao nhiêu người khác trong hoàn cảnh như vậy. Mình động viên nó rằng không ai biết trước được chuyện gì. Mọi thứ đều có thể xảy ra. Chỉ có nhẫn nại với hoàn cảnh hiện tại là điều đáng làm nhất. Công việc của nó cũng không nhẹ nhàng gì, mỗi tuần làm hai ngày ca sáng (8h-18h) và hai ngày ca đêm (20h-6h) với lương khoảng 200 usd/tháng. Sư nói với thu nhập như vậy thì làm sao nghĩ đến chuyện có vợ con, mua nhà được. Cuộc sống là một chuỗi liên tục của quá trình nhận ra thái độ sống đúng đắn với hoàn cảnh hiện tại. Nói như vậy nhưng đâu có dễ dàng gì, mình biết như vậy. Mỗi vị trí là những điều kiện sống hoàn toàn khác nhau, chúng sinh quả là phức tạp, muôn hình muôn trạng, và cũng quá đơn giản vì đâu đâu cũng chỉ là một sự bất toại ý với hoàn cảnh sống của chính mình! Khoảng 1h30, mình chào nó rồi đi từ từ ra phòng chờ lên máy bay. Trên đường băng, lúc tăng tốc cất cánh, mình nhìn xa xa cửa hàng Dilshan đang làm, cuộc sống đang tiếp tục như nó vẫn là. Kết thúc hành trình du lich quốc đảo Sri Lanka hiền hoà.
Vài lời tâm tình Thật khó mà có thể đưa ra kết luận nào đó cho cuộc hành trình ngắn này. Trước chuyến đi, mình không mong đợi gì nhiều, hay nói đúng hơn là không mong đợi gì. Và sau chuyến đi, cũng chẳng thể nói là thành tựu hay không, thích hay không thích, ưa hay ghét. Cuộc sống luôn có hai mặt của nó, và tất cả những điều chúng ta nghe thấy cũng vậy, cũng hai mặt và không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của chúng ta. Những gì mình nghe thấy và những cảm xúc riêng trong những ngày qua, đã được ghi lại trung thực và tương đối đầy đủ lúc ấy rồi. Còn lại chỉ là sự chia sẻ, mình xin để dành phần cho bạn đọc. Kính mượn lời dạy của Đức Phật để kết thúc tiểu ký sự này : Quá khứ thì đã qua Khuya 24.02.2014
|