• Sư Walpola Kalyanatissa và thiền viện Sudarsana
  • Tác giả: Minh Quang


Sư Walpola Kalyanatissa

và thiền viện Sudarsana


Nhân duyên đầu tiên khi Huyền được học qua internet với Sư vài ngày ở Lensburg, và sau đó trực tiếp 1 tuần ở Aalen giữa năm 2012, mình mới có dịp được biết đến Sư khi Huyền đề nghị xin thỉnh Sư về nhà để dâng cúng trai tăng.

Lần đầu tiên tiếp xúc và trao đổi pháp học, pháp hành với Sư, mình rất có ấn tượng về vị Sư này. Sư nói và giảng dạy rất đơn giản, không tầm chương trích cú hay giáo điều mà chỉ đi thẳng vào sự trải nghiệm thực tế của quá trình tu tập mà thôi.

Sau đó, năm 2013, mình sang tu học 1 tuần với Sư ở Duseldorf. Một tuần ở cạnh, được nghe, thấy và sống cùng với Sư, mình rất phục sự giản dị và hoà đồng, đồng thời nghiêm túc của Sư với tất cả thiền sinh.

Khi kết thúc khoá tu, Sư có giới thiệu với mọi người là Sư có một thiền viện nhỏ bên Sri Lanka, Sư mời mọi người sang tham quan và tu tập bên ấy. Lúc đó, sau 1 tuần tu tập nghiêm túc, ai cũng thấy hoan hỷ, lợi lạc nên bàn tính nhau cùng đi. Nhưng về sau, ý định này mai một dần trong những lo toan hằng ngày, không thấy ai nhắc đến nữa.

Phần mình thì vẫn giữ ý này, trao đổi với Huyền thì Huyền cũng muốn đi cùng. Hai vợ chồng thống nhất sẽ để Ba Khía ở nhà 1 tuần với bà ngoại và cùng đi vào khoảng tháng giêng, tháng hai 2014, khi Sri Lanka không có mưa.

Tuy nhiên, cô Thanh Nghiêm tổ chức khoá tu 10 ngày vào tháng chín 2014, và mong muốn có Huyền tham dự để cùng phụ thông dịch. Thế là Huyền chọn ở nhà để mình sang Sri Lanka 1 mình.

Sư Walpola sinh năm 1954, xuất gia từ nhỏ, khoảng 9 tuổi. Sau đó Sư học ở đại học Phật giáo Sri Lanka và tốt nghiệp tiến sĩ Phật học. Với khoảng 40 tuổi hạ, Sư hiện đã nằm trong hàng Đại Trưởng Lão (Maha Thero).

 

 

Sư Kalyanatissa Walpola

Từ nhỏ Sư đã nhuần nhuyễn pháp hành thiền định và thiền vipassana. Về sau này, Sư chủ trương không quan trọng thiền định mà chỉ tập trung vào vipassana thôi. Sư cũng chủ trương đơn giản tối đa pháp học, có thể tóm gọn trong tứ diệu đế, tứ niệm xứ, từ bi kinh, hạnh phúc kinh và giới luật. Sư cũng cắt bỏ những lý thuyết cao siêu nhưng không thiết thực trong sự hành trì, trải nghiệm minh sát như Vi Diệu Pháp, dù rằng Sư đã nghiên cứu nhiều về những phần này.

Với vị thế như vậy, Sư có thể đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong hệ thống Phật giáo Sri Lanka. Nhưng Sư không muốn vì hai lý do :

- Ở những vị trí như vậy không có thời gian và không gian thích hợp để tu hành  theo sát nghĩa của một nhà sư.

- Sư không muốn quản lý mà chỉ muốn chia sẻ pháp hành với các Phật tử, thiền sinh mà thôi.

Chính vì vậy, 20 năm trước, năm 1994, Sư tìm về chỗ hẻo lánh, nghèo nàn này, mua một miếng đất khoảng 800m2, lúc đó chẳng có giá trị gì (3000 frs) để xây một cốc và tĩnh tu.

Đây là một vùng vắng vẻ, cách sân bay quốc tế chỉ khoảng 5km, tiện lợi trong việc đi lại. Từ từ, Phật tử trong vùng tìm đến cúng dường trai tăng, tu thiền, học pháp,…

 

 

Khung cảnh yên bình ở thiền viện Sudarsana


Và mãi sau đó, đến 2008 nhân mảnh đất kế bên được rao bán và được sự cúng dường của Phật tử bên Pháp, Sư mua lại và xây chánh điện nhỏ ở đây, dùng để thuyết pháp và ngồi thiền.

 

 

Phía trước chánh điện

 

Bên trong chánh điện xây năm 2008

Đến 2010, Sư mua miếng đất phía sau và cất một thiền đường rộng hơn bên dưới, còn phía trên lầu làm chỗ ở cho chư Tăng đệ tử của Sư. Lúc này, các vị Ni đệ tử vẫn phải ở nhờ trong các chùa hay nhà Phật tử gần đó.

 


Thiền xá xây năm 2010

 

Cầu thang lên thiền xá

 

Năm 2011 Sư xây tiếp một khu Tăng xá riêng vuông góc với thiền đường mới, còn chỗ cũ thì dành cho thiền sinh đến trú ngụ trong thời gian tu tập các khoá thiền.

 

Tăng xá xây xong năm 2011. Phía trên là sân thượng để thiền tọa


 

Tăng xá nhìn từ khu thiền xá

 

Sang 2012, Sư mua được khu đất kế bên, chỉ cách nhau một con hẻm cụt rộng 3-4m. Và năm ngoái 2103, Sư xây được tầng trệt cho chư Ni ở đây (4 vị), kết thúc khoảng thời gian ăn nhờ ở đậu nơi khác cho chư Ni.

 

 

Khu Ni xá vừa xây xong phần trệt năm 2013

Chương trình năm nay 2014 của Sư là xây tiếp lầu cho Ni xá để có thể chứa thêm 8 phòng và đồng thời giúp cho tầng trệt bớt nóng trong mùa khô.

   


Xây tầng một cho Ni xá - dự án của năm 2014 và sắp tới

 

Sau đó Sư sẽ "về hưu" để chuyên tâm trong việc giảng pháp và dạy thiền. "Sư đã 60t, bôn ba đủ rồi, tổ chức sự kiện, lễ lạc đủ rồi. Bây giờ Sư muốn dành thời gian cho mình và cho các thiền sinh", Sư nói.

Mặc dù không muốn quản lý, không muốn tổ chức nhưng việc đến tay thì cũng phải làm. Chỉ một mình, Sư quán xuyến tất cả về dự án, về thiết kế, về bản vẽ, về sắp xếp ý tưởng trong xây cất, sửa chữa... Được ở chỗ là những đệ tử của Sư siêng năng, bảo trì chăm sóc kỹ lưỡng khu thiền viện.

 


Những mảng xanh nhỏ, gần gũi trong sân vườn


Với kinh nghiệm về pháp học và pháp hành của mình, Sư không có bất cứ đề mục hay truyền thống cố định nào. "Tất cả là ở nơi mỗi thiền sinh, mỗi Phật tử. Không có đề mục hay phương pháp chung cho tất cả mọi người", Sư nói với mình như vậy.
Và Sư chủ trương rằng, "Đạo Quả có thể thành tựu ở bất cứ lúc nào, với bất cứ ai khi mà sự tu tập được đặt đúng hướng: ở gần thiện hữu tri thức, nghe pháp, trạch pháp, hành pháp", trái ngược với những ý kiến bi quan rằng thời mạt pháp này, không thể thành tựu Đạo Quả hoặc phải xuất gia mới thành tựu được.

Do vậy, Sư luôn khuyến khích mọi người tinh tấn trong tu tập với tri kiến đúng đắn.
Điều dễ nhận ra ở nơi một vị thiền sư chú trọng đến pháp hành là từ bên ngoài, không có vẻ gì là một ngôi chùa. Không tượng Phật, không stupa, không mái ngói cong vút chạm trổ đặc biệt thường thấy ở những ngôi chùa Phật giáo. Phải để ý lắm mới thấy một băng rôn nhỏ, cũ kỹ là cờ Phật giáo 5 màu của Sri Lanka.

 


Thiền viện nhìn từ đường cái, quá giản dị. Khó mà biết được…


 

… ngay cả khi bước vào !

Sư nói rằng ở Sri Lanka, những nơi để tín đồ đến dâng cúng, cầu xin,... đã quá nhiều. Sư không muốn làm thêm một chỗ như vậy nữa. Mọi người đến đây là để thực hành, hay ít ra cũng là trao dồi pháp học.

Khi rảnh rỗi, Sư thường hay ngồi trên ghế im lặng nhìn ra phía trước sân nhà trong tiếng chim hót, chó sủa, gió thổi len qua đám lá.

Hiện nay, thiền viện có thể chứa khoảng 40 hành giả đến lưu trú, đầy đủ tiện nghi, sạch sẽ. Nguồn nước giếng ở đây rất tốt, không khí miền quê yên tĩnh, thiên nhiên với tiếng chim, tiếng tụng kinh của các chùa lân cận, rất thích hợp cho thiền vipassana ở mọi căn cơ, trình độ.

 

 

Khung cảnh yên tĩnh trước sân chùa

 

Cây trái hiền hòa trong sân

Những buổi chỉ thuyết pháp hay trai tăng thì có thể chứa đến 1-2 trăm vị Tăng Ni và Phật tử.

 

 

Một buổi cúng dường trai tăng

 

 Nghe giảng pháp

Mười ngày ở đây, mình nhìn thấy sự hoan hỉ, tươi vui trên nét mặt, cử chỉ của những người đến đây cúng dường chư Tăng, đến đây nghe pháp, hành thiền. Lành thay!

Những ngày này, mình sống hoà trong nhiên nhiên với nhiều loại chim, từ 3-4h sáng đến tối mịt, tự do bay nhảy, kêu hót. Rồi cả đàn sóc 5-7 con, kỳ đà, khỉ,... thong thả kiếm ăn, đi lại.

 


Đất lành chim đậu, chú sóc này chẳng có gì phải sợ hãi nơi yên bình!

 

Dân cư trong vùng tuy phần lớn cuộc sống nghèo nàn nhưng rất hiếu khách và thật thà, không màu mè tính cách xã giao. Họ rất tuân thủ ngũ giới và kính trọng chư Tăng Ni. Để xe ngoài vườn với chìa khoá trong ổ, không sợ mất. Sư nói rằng trong 20 năm qua, xung quanh chùa không ai bị mất thứ gì, ngay cả một trái xoài cũng không!

  


Một gia đình tuy chỉ thu nhập 150 usd/tháng nhưng rất giàu kham nhẫn và lạc quan !

 

Đây là một số những điều chia sẻ của mình sau những ngày sống tại thiền viện. Trăm nghe không bằng một lần thấy, trăm thấy không bằng 1 lần sống, trải nghiệm. Như Đức Phật nói, Ehipassiko, hãy đến để mà thực nghiệm, để mà thực chứng! Hoan hỷ thay, lành thay!

Sri Lanka, xuân 2014

  


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024