|
NGHIỆP
Hỏi: Tôi đến để hầu chuyện với ngài về nghiệp. Dĩ nhiên tôi có một vài quan điểm về vấn đề ấy, song tôi muốn biết quan điểm của ngài. Krishnamurti: Quan điểm không phải là sự thật, muốn tìm ra sự thật chúng ta phải dẹp những quan điểm sang một bên. Có vô số quan điểm, nhưng sự thật, chân lý không thuộc nhóm này phe kia. Muốn hiểu chân lý, thì mọi ý tưởng, kết luận, quan điểm phải rơi rụng như lá khô. Chân lý không thể tìm trong sách vở, kiến thức, kinh nghiệm. Nếu bạn đi tìm quan điểm, thì bạn sẽ không gặp quan điểm nào ở đây.
Hỏi: Nhưng chúng ta có thể nói về Nghiệp và cố tìm hiểu ý nghĩa của nó, phải không? K: Điều đó dĩ nhiên là vấn đề khác hẳn. Muốn hiểu, thì quan điểm và kết luận phải chấm dứt.
Hỏi: Tại sao ngài nhấn mạnh điều đó? K: Bạn có thể hiểu được cái gì không nếu tâm bạn đã quyết định sẵn về điều đó hoặc nếu bạn lặp lại kết luận của một người khác về điều đó? Muốn tìm hiểu sự thật của vấn đề, há không phải chúng ta nên đến với nó hoàn toàn mới mẻ, với một tâm thức không bị che mờ vì kiến thức? Điều gì quan trọng hơn, thoát ra khỏi những kết luận, thành kiến, hay là suy tưởng về một điều trừu tượng nào đó? Há chẳng phải điều quan trọng là tìm ra chân lý hơn là việc tranh luận chân lý là gì? Một quan niệm về chân lý thì không phải là chân lý. Há chẳng phải điều trọng yếu là tìm ra chân lý liên quan đến nghiệp? Thấy rõ cái sai là sai, chính là bắt đầu hiểu nó, phải không? Làm sao chúng ta có thể thấy đúng hay thấy sai được nếu tâm thức chúng ta bị kẹt trong truyền thống, ngôn từ và giải thích? Nếu tâm bị trói buộc vào một niềm tin, thì làm sao có thể đi xa được? Muốn đi xa, tâm phải tự do. Tự do không phải là một cái gì đạt được ở cuối đường của một nỗ lực dài hạn, nó phải ở ngay từ đầu của cuộc hành trình.
Hỏi: Tôi muốn biết ngài hiểu Nghiệp là gì? K: Thưa bạn, chúng ta hãy cùng nhau khởi hành cuộc khám phá ấy. Chỉ lặp lại lời của người khác thì không có nghĩa gì sâu sắc, giống như chơi một đĩa hát. Lặp lại hay bắt chước không đem lại tự do. Bạn hiểu Nghiệp là cái gì? Hỏi: Đó là một tiếng Phạn ngữ có nghĩa là làm, hành động v.v... Nghiệp là hành động, là kết quả của quá khứ. Không thể có hành động nếu không có cái bối cảnh (background) gồm những điều kiện. Qua một loạt kinh nghiệm, qua hoàn cảnh và kiến thức, bối cảnh truyền thống được dựng lên không chỉ trong đời sống hiện tại của cá nhân và đoàn thể mà còn qua nhiều kiếp tái sinh. Sự tác động và phản ứng liên tục giữa bối cảnh là 'cái tôi ', với xã hội, cuộc đời, đó chính là nghiệp; và nghiệp trói buộc 'cái tôi ', tâm thức. Những gì tôi đã làm trong đời quá khứ, hay chỉ mới hôm qua sẽ giữ tôi lại và định hướng đời tôi, đem lại khoái lạc hay đau khổ trong hiện tại. Có nghiệp tập thể hay cộng nghiệp, cũng như có nghiệp cá nhân. Cả tập thể và cá nhân đều bị giam nhốt trong vòng xích nhân quả. Sẽ có khổ hay vui, thưởng hay phạt, tùy theo những gì tôi đã làm trong quá khứ. K: Bạn nói hành động là kết quả của quá khứ. Hành động như vậy thì không phải là hành động gì cả, mà chỉ là một phản ứng, phải không? Bối cảnh phản ứng lại những kích động, phản ứng này là đáp ứng của ký ức, ký ức ấy không phải là hành động, mà là nghiệp. Bây giờ chúng ta không bàn tới hành động là gì. Nghiệp là cái phản ứng phát sinh từ một số nguyên nhân và tạo ra một số hậu quả. Nghiệp là dây xích nhân quả này. Tựu trung, quá trình thời gian là nghiệp, phải không? Bao lâu còn quá khứ, thì phải còn hiện tại và tương lai. Hôm nay và ngày mai là kết quả của hôm qua; hôm qua phối hợp với hôm nay làm nên ngày mai. Nghiệp, như cái hiểu thông thường, là một tiến trình của sự đền bù.
Hỏi: Như ngài nói, nghiệp là một quá trình thời gian, và tâm thức là kết quả của thời gian. Chỉ có một ít may mắn mới có thể thoát ra khỏi nanh vuốt của thời gian; còn phần đông chúng ta đều bị ràng buộc vào nó. Những gì chúng ta đã làm trong quá khứ tốt hay xấu, nó quyết định hiện tại của chúng ta. K: Có phải bối cảnh quá khứ, là một tĩnh trạng? Há chẳng phải nó trải qua đổi thay liên tục? Bạn hôm nay không giống hôm qua; cả về cơ thể và tâm lý, luôn luôn có sự biến đổi tiếp diễn, phải không? Hỏi: Dĩ nhiên là vậy. K: Vậy, tâm không phải là tĩnh trạng. Những tư tưởng chúng ta là vô thường, luôn luôn thay đổi; chúng là phản ứng của bối cảnh (background). Nếu tôi lớn lên trong một xã hội giai cấp nào đó, trong một nền văn hóa nào đó, thì tôi sẽ phản ứng với những thách thức, những kích thích bên ngoài tùy theo những giới hạn (conditioning) của tôi. Với phần đông chúng ta, giới hạn này ăn sâu tận gốc rễ đến nỗi phản ứng hầu như luôn luôn theo một mẫu mực. Tư tưởng chúng ta là phản ứng của bối cảnh.. Chúng ta là bối cảnh; giới hạn ấy không tách rời, không khác với chúng ta. Thay đổi bối cảnh thì tư tưởng chúng ta cũng thay đổi theo.
Hỏi: Nhưng chắc chắn con người tư duy hoàn toàn khác với bối cảnh chứ, phải không? K: Khác sao? Há chẳng phải người tư duy là kết quả tư tưởng của nó? Có chăng một thực thể tách biệt, một con người tư duy khác với tư tưởng của nó? Há chẳng phải tư tưởng đã tạo ra người tư tưởng, đem lại cho nó tính trường cửu ở giữa cái vô thường của tư tưởng? Người tư duy là chỗ trú của tư tưởng, và người tư duy tự đặt mình vào những mức độ khác nhau của của sự trường tồn. Hỏi: Tôi thấy rõ như vậy, song thật là một điều làm tôi dội người (rather a shock) khi nhận ra những ngón lừa dối mà tư tưởng tự tạo tác như thế. K: Tư tưởng là phản ứng của bối cảnh, của ký ức; ký ức là tri thức, hậu quả của kinh nghiệm. Ký ức này, qua những kinh nghiệm và phản ứng mới, trở nên rắn rỏi hơn, rộng lớn hơn, sắc sảo hơn, hiệu quả hơn. Một hình thức giới hạn này có thể được thay thế bằng một hình thức khác, song vẫn còn là giới hạn. Sự phản ứng của cái giới hạn này gọi là nghiệp, phải không? Phản ứng của ký ức gọi là hành động, nhưng kỳ thực nó chỉ là phản ứng, cái ‘hành động' này đưa đến phản ứng khác nữa, bởi thế mà có một dây xích được gọi là nhân và quả. Song há không phải nhân cũng là quả hay sao? Không có nhân hoặc quả nào là tĩnh trạng. Hôm nay là kết quả của hôm qua, mà cũng là nguyên nhân của ngày mai; nguyên nhân trở thành kết quả và kết quả lại làm nhân. Cái này chảy hòa vào trong cái kia. Không có một lúc nào mà nhân lại không đồng thời là quả. Chỉ có một cái gì được tách riêng để quan sát thì mới cố định trong nhân và quả của nó. Hạt của cây sồi không thể trở thành gì khác ngoài cây sồi. Cái tách riêng là một vật chết; nhưng con người không phải là một thực thể bị tách rời để khảo sát, nó có thể thành bất cứ cái gì nó muốn. Nó có thể phá vỡ hoàn cảnh giới hạn của nó - và nó cần phá vỡ, nếu muốn khám phá ra cái thực. Bạn cần phải thôi làm một người gọi là tín đồ Bà-la-môn giáo mới nhận ra Thượng đế được. Nghiệp là tiến trình của thời gian, quá khứ di chuyển qua hiện tại đến tương lai; dây xích này là đường lối của tư tưởng. Tư tưởng là kết quả của thời gian, và cái vô lượng, phi thời gian, chỉ có thể hiển lộ khi quá trình tư duy đã chấm dứt. Sự tĩnh lặng của tâm không thể được tạo thành, không thể được tạo nên bằng bất cứ kỷ luật hay tập luyện nào. Nếu tâm được làm cho an, thì khi ấy bất cứ cái gì xuất hiện ở trong đó chỉ là hình ảnh do chính nó phóng chiếu ra, chỉ là phản ứng của ký ức. Do sự hiểu rõ hoàn cảnh giới hạn của nó, do sự Tỉnh giác không chọn lựa đối với những phản ứng của chính nó - những ý tưởng và cảm giác - chính từ sự Tỉnh giác ấy mà tâm được an tĩnh. Sự phá vỡ dây xích của Nghiệp không phải là vấn đề của thời gian, chính vì cái phi thời gian không thể ở trong tiến trình thời gian vậy. Nghiệp phải được hiểu như là một tiến trình xuyên suốt, không phải chỉ là cái gì đó của quá khứ. Quá khứ là thời gian, cũng là hiện tại và tương lai. Thời gian là ký ức, ngôn từ, ý niệm. Một khi ngôn từ, tên gọi, sự liên tưởng, kinh nghiệm, không còn lệ thuộc thời gian, thì chỉ lúc bấy giờ tâm thức mới tĩnh lặng, không những ở thượng tầng ý thức mà sự tĩnh lặng này xuyên suốt toàn thể tâm thức. |