Mỗi độ Thu sang với màu trời khói sương lãng đãng, Melbourne phôi pha theo biệt khúc của những chiếc lá tan tác lìa cành, cũng là dịp tổ ấm tâm linh chúng tôi tham dự khóa tu ngoài trời do Thầy Thiện Tâm hướng dẫn.

Sáng hôm ấy, 8 giờ30, chúng tôi tập họp trước thềm Chánh điện để… run lập cập, vì cơn mưa mang theo những trận gió xa khơi từng đợt quét nhầu phố xá, đủ buốt giá cho một số các Cô yếu sức phải ở lại Chùa. Thầy luôn nhắc nhở chúng tôi: giữ thức tỉnh không gián đoạn, giữ Chánh niệm không ngừng nghỉ, sống an nhiên ung dung trong dòng sông nhân quả nhưng không hề bị cuốn trôi theo định mệnh hay những thói quen vô thức, những bậc thiền sư lâu năm cũng chỉ thực hành như vậy, hạnh phúc tối thượng là hạnh phúc phát xuất từ tâm hồn thanh thản. Rồi dặn dò đệ tử cách di chuyển theo đoàn để không thất lạc. Thầy lái xe đi trước dẫn đường, chúng tôi 3 xe theo sau khi mưa vẫn lất phất đan nhau từng sợi mỏng nhạt nhòa.

Bước xuống xe hay nghỉ giải lao, với chúng tôi là những cuộc hành thiền. Từ viên sỏi lặng lẽ trên đường đi, vũng nước đọng sau cơn mưa yên tĩnh cho đến vòm mây đang lang thang u uất trên kia đều bao hàm ý nghĩa phù du nhưng thường còn trong vạn vật.

Cuộc hành trình băng ngang rừng cây Gums trùng trùng điệp điệp, tuy cô độc khôn cùng giữa đất trời lênh đênh huyễn hoặc, chúng vẫn dặt dìu hoan ca giữa thiên nhiên bạt ngàn sức sống.

Đàn bò cắm cúi gặm cỏ non trên những cánh đồng rải rác bên đường, một số trầm tư đăm chiêu nhìn chân trời mông lung xa vắng. Phải chăng chúng đang thăng hoa cuộc sống để giải thoát kiếp thú trầm luân.

Chúng tôi hiện diện tại Warburton khoảng 11 giờ trưa. Đó là một thị trấn nhỏ rất thu hút du khách, cách Melbourne 76 km về hướng đông, với số cư dân khoảng 2.000 người. Thị trấn nằm ở độ cao 159m từ mặt biển. Nơi đây mỏ vàng đã được phát hiện năm 1863.

Vì chào mừng viễn khách nên cơn mưa cũng tạm ngừng vũ điệu. Chút nắng hanh hao trải vàng lối nhỏ, hai bên lề sướt mướt tàn tạ vàng phai, dẫn lối cho thi sĩ tìm lại thú đau thương với ký ức chập chùng kỷ niệm, với nhân ảnh mơ hồ hun hút đong đưa. Tâm thức chúng tôi đang quyện nhập cùng đất trời vạn hữu, hiểu rằng từng sát na sanh diệt đang diễn biến quanh mình.

Nhìn chiếc lá sậm màu ưu tư rẩy run trong gió, chúng tôi hiểu được cả vũ trụ sinh quan ẩn tàng đâu đó. Muôn ngàn và đại thể nằm gọn trong một mảnh lá đẫm mưa hoang phế, xao động lìa cành rồi cong queo bên bờ đất hắt hiu.

Tôi nằm dưới bóng thời gian,

Thấy ngày và tháng đang tàn trên cây.

Tôi và trái đất cùng quay,

Cả hai trong những vòng xoay luân hồi.

(Phạm Trung Kiên )

Dưới kia là dòng Yarra River. Thầy và đệ tử dừng lại trên chiếc cầu treo chông chênh theo nhịp bước người đi. Sông hẹp như dòng suối, không có sóng vỗ bờ nhưng vẫn vang những âm thanh rì rào do không khí dao động khi nước va chạm vào các tảng đá ngầm, rồi tung bọt trắng xóa như những thác ghềnh thăng trầm trong kiếp nhân sinh. Đàn vịt đang xếp cánh trầm mình đón nhận sự ve vuốt êm đềm từ làn nước yêu thương, có phải là hình ảnh của chúng tôi lúc quy tụ về Chùa, lòng dạt dào cảm xúc, nụ hoa nào như bừng nở dưới gót chân theo từng bậc thang dẫn lên Đại Hùng Bửu Điện, để chúng tôi được những dòng Kinh mầu nhiệm gột rửa tẩy trần thân tâm, tìm lại cái Chân Như mà chính mình đã tự đánh mất trên mê lộ chập chùng mộng mị. Vương vất đâu đó tiếng trống chùa xa xôi của những buổi chiều sám hối mà Thầy Minh Hiếu đã từng gióng lên bằng Định Tâm, tiếng trống thúc giục của sự dấn thân trên vùng chon von tuế nguyệt, tiếng trống của chiếc chìa khóa mở vào tầng sâu tâm thức đểvượt nghìn trùng sinh tử, tử sinh, hòa với từng hồi chuông huyền nhiệm một vị thiền mãnh liệt. Sự phối hợp của hai âm ba trầm tịch mà hùng dũng phiêu diêu, cao khiết mà khinh an thoát tục đã phô bày Diệu Pháp là chân lý muôn đời sẵn có.

Người về tắm suối Hoa Nghiêm,

Nghe kinh phổ độ bên triền sắc không.

Lòng tôi tan giữa dòng sông,

Mà dòng sông vẫn mênh mông chảy hoài.

(Tùy Anh)

Tôi chợt lặng người khi nhìn xuống dòng sông. Dòng sông của một Tất Đạt đã reo vang cười lớn cho đời người mãi ray rức vì những rạn vỡ mong manh. Dòng sông Tâm thức của chúng sanh trước khi nhập về biển cả mênh mông phải chứa đựng bao nhiêu rác rưởi là bấy nhiêu phù sa màu mỡ.

Những con nước lớn, ròng là ghét, thương, vinh, nhục, những đối xử nhị phân vì ô nhiễm túy sinh mộng tử đã cách ngăn con người trên chuyến hành hương thâm sâu trở lại bản lai diện mục.

Sông với nước chung đôi một bóng

Nước với sông một bóng chung đôi.

Trăm năm cũng chỉmột đời

Nghìn năm cũng chỉmột lời nước sông.

(Mặc Giang)

Thu luôn luôn là mùa của thi sĩ cho đi vào cung bậc với những nốt trầm buồn lãng mạn. Ai đang qua cầu mang gió thu bay, chở đầy trên vai dâu bể lưu đày. Cầu nằm hao gầy nhìn nước trôi xuôi, như lòng sông đau câm lặng ngậm ngùi. Với chúng tôi, thu là sự tiếp nối của mùa hạ mãn khai, thu mở cửa để rồi thu hấp hối. Vạn vật tuần hoàn hồi sinh để chờ ngày tàn tạ. Vạn vật tàn tạ để chờ đợi phục sinh. Mỗi hoàng hôn lịm tắt để chờ đợi một bình minh. Mọi hiện tượng hữu vi đều mang dấu hiệu vô thường và vô ngã, ngay cả trong tiến trình của mỗi bước chân đi. Vì vậy, khi dở chân lên, chúng tôi nhận thức được sự hiện hữu của động tác này liền biến mất lúc chúng tôi đưa chân ra trước, nghĩa là có sự sinh khởi và hủy diệt xảy ra trong từng thời khắc. Cũng như tác động di chuyển chân ra phía trước đã hoại diệt khi chúng tôi vừa đặt chân xuống mặt đất bình an. Từng dòng máu an lành trong cơ thể đang luân lưu, từng hơi thở an lành đang hòa với hương núi rừng thuần khiết.

Đoàn người đi thiền hành theo Thầy trên đường mòn cong queo, nhấp nhô như con rắn khổng lồ uốn lượn giữa bờ sông lồi lõm và những triền đá rong rêu dựng đứng, in hằn vết cào xé của thời gian. Dấu chân nào âm thầm trên sỏi đá ngày mưa, cho vùng lau lách đìu hiu bỗng thoang thoảng trầm hương thơm ngát. Gió ơi, có chuyên chở dùm ta lời kinh của núi Linh Thứu xa xưa, sao vùng trời lênh đênh bàng bạc mơ hồ bỗng vang lừng triều âm từ cõi Tây Phương huyền diệu, và đóa-vô-ưu-thực-tại đang lộng lẫy trang hoàng mặt đất. Dòng chảy mênh mang của kiếp người bỗng bừng lên ánh sáng nhân duyên trong suốt, sự sống trở nên uyên mặc, thế gian không còn dâu bể ngút ngàn và cuộc đời hiện ra đích thực như thị.

Tôi đi từ chỗ không đi,

Luân hồi không đến ngại gì có không.

Tôi đi pháp giới rỗng không

Tôi về vạn hữu hằng còn hiện ra.

(Mặc Giang)

Nắng luôn hồi hộp phập phồng, vì hôm ấy, bất cứ lúc nào gió cũng có thể rủ mây kéo mưa về tấu khúc nhạc thiên nhiên, cho núi rừng thêm nét cô liêu lắng đọng. Thật vậy, ngay lúc đó, mưa rơi hay người rơi, đường ướt hay người ướt, chúng tôi là dòng sông thanh thản đang bò trên mặt đất tuyệt vời, chúng tôi là lòng đất bao dung, dang rộng vòng tay hứng lấy những giọt nước hiện tại nhiệm mầu mang tính chất của đại dương chứa thiên thu ba ngàn cõi.

Vỡ toang, chấn động ba ngàn

Mười phương thế giới chưa tràn chân lông.

(Mặc Giang)

Sau đó, chúng tôi đến Millgrove dùng Ngọ. Trước mắt, dãy Yarra Range National Park đứng sừng sững ngậm sương. Gió mang không khí lên độ dốc, gặp hơi lạnh nơi đây bao bọc, biến thành mây la đà bềnh bồng phủ trên đỉnh núi, làm chúng tôi liên tưởng đến những vị chơn sư, những vị đã thành tựu tâm linh trên vùng núi non cô tịch như Hy Mã Lạp Sơn hay Phú Sĩ Sơn. “Tâm sơn dục minh đức. Lưu huân vạn do diên” - Ở trong núi nuôi dưỡng các đức tánh sáng chói. Hương thơm tỏa ra hàng vạn dặm (Kumarajiva).

Và mùa thu lại trở về rồi đó

Trên núi cao có từng đám sa mù.

Tôi hờhững tưởng tên mình chưa có

Cánh hoa nào đang đợi lần mộng du.

(Dương Minh Loan)

Núi là nơi quy tụ các năng lực vô hình như năng lực của khí, của nước, của điện và từ. Núi cũng là một trong những nhân tố sinh ra mây và gió, mưa và bão, thác và sông. Núi âm thầm ủ kín vết thương đời, núi thi gan cùng tuế nguyệt để chứng nhân cho dâu bể tro tàn, núi lạnh lùng cô tịch như cưu mang cả cái hồn thênh thang của vũ trụ.

Ngôn ngữ đôi khi trở nên thừa thải, vì chẳng bao giờ diễn tả hết được vẽ hoang sơ thăm thẳm lẫn với sắc màu vi diệu siêu phàm của núi rừng trùng ngộ hơi thu. Đầu non ai nhuộm trắng tóc mây, ẩn hiện nét trầm hùng uy nghi của cửa tùng đôi cánh mở cho một cõi đi về nơi uyên nguyên tịch tĩnh. Nắng chợt loang loáng nhuộm màu bạch ngọc lên những hàng cây phản chiếu tựa hào quang, lá được tráng lớp men lụa óng tô đậm thêm nét thiên đường huyền thoại. Bức tranh thủy mạc của thiên nhiên dù trác tuyệt đến đâu vẫn có những nét bút tài hoa, cố gắng mang chúng đi vào tranh vẽ, nhưng muốn mang cái hồn rỗng lặng an nhiên, cái vĩnh hằng của càn khôn đi vào văn học, phải là những vị có pháp khí phi thường, đó là Trí Huệ Bát Nhã hòa với lòng Đại Bi thi vị. Gió cuốn bản Ngã của chúng tôi hun hút biệt tăm. Uy lực của ngọn núi ngập tràn trong chúng tôi một Pháp giới đại đồng viên dung vô ngại.

Chúng tôi quay lại nhìn Thầy, áo nâu sòng trầm mặc, bình dị và vô cùng thanh đạm, nhưng tàng ẩn bên trong là hùng lực và sự kiên nhẫn rất đỗi dịu dàng, đang dắt dìu chúng tôi leo dần lên ngọn núi trí tuệ bằng cách nhìn sâu vào hiện tại. Vì hiện tại bao gồm cả quá khứ lẫn tương lai, nhưng ta không trôi lăn vào tương lai hay quá khứ. Chánh niệm là sống trong hiện tại, bây giờ. Giác ngộ là sống với cái đang là, sống với sự bình an thường trụ. Sự an lạc phải được thực tập theo từng bước chân và từng hơi thở để làm nền tảng cho một mai, nếu dòng đời xô ta chênh vênh trên đầu con dốc, ta chỉ thực sự biết sống khi ta có thể tự chủ vượt qua chung cuộc lâm nguy.

Một nửa chúng tôi quay quần quanh chiếc bàn đầy tràn thực phẩm và một nửa sợ lạnh nên ngồi lại trên xe dùng Ngọ. Diệu Hoa rất chu đáo nhiệt tình, săn sóc cho từng Cô Chú với những miếng trái cây mát dạ. Cô Diệu Ngọc liên tục chỉ cho tôi thưởng thức những hình ảnh thiên nhiên kỳ diệu, phảng phất thiền vị của những bức họa Đông phương huyền bí. Bất chấp gió mưa, Thầy vẫn đưa chúng tôi đến đây thưởng thức một nơi không bị bụi hồng khuất lấp, cho chúng tôi hiểu được đời là một chuỗi ngày tạ ơn liên lỉ, khi còn hơi thở là biết mình còn tri ân Tam Bảo và tri ân tha nhân trong từng phút giây được bồi dưỡng để hoàn thành Đạo nghiệp.

Về tuế nguyệt bước ngao du tận mỵ

Người có nghe tang hải réo vô thường?

(Bùi Giáng)

Những cánh tay nào đã tranh nhau đưa lên vội vã khi Thầy vừa ngưng giọng: “Ai đi xe Thầy?” Tức thì ồn ào hàng loạt giọng vang lên: “Con đi xe Thầy, con đi với Thầy.” Tôi bật cười về hình ảnh trẻ trung ấy và niềm xúc động thình lình choáng ngợp, vì tôi hiểu được vị trí của Thầy trong lòng các Cô các Chú.

Xong buổi Ngọ, Thầy cho chúng tôi đi thiền hành lần nữa. Mặt đất trân trọng từng gót chân người, người ung dung trân trọng bước chân lên lòng đất. Những bước chân từ vạn cổ sơ khai, những bước chân đến tương lai chưa bao giờ gián đoạn trong dòng biến dịch sinh hóa không ngừng. Dưới kia, tiếng xe chuyển động rập rình đua nhau trên đường lộ. Nơi này, gió phả hơi rì rào qua không gian lặng lẽ, tiếng lao xao của lau lách ngàn cây, tiếng nhè nhẹrơi đều của mưa về đậu quyến luyến trên vai, tiếng rỉ rả tí tách rớt trên những chiếc dù căng phồng sũng nước. Chúng tôi lắng nghe cung đàn muôn điệu đang tấu khúc sinh ca về thế nhân và vũ trụ, nhưng chúng tôi không bị ràng buộc với bất cứ âm thanh nào.

Dòng hiện sinh này đang diễn đạt câu Kinh và âm thanh là một tiếng “OM” toàn thiện. Vạn vật trong vũ trụ được xếp đặt bằng những hệ thống hóa tri thức, tạo nên sự hài hòa vô cùng trật tự, ngay cả ở các cõi viên mãn vô biên. Chúng tôi đi bằng những bước sơ tâm như nhánh cỏ ẻo lả bên vệ đường, cong oằn theo giọt mưa rơi rụng. Nó chỉ biết tồn sinh trong hiện tại, đang hưởng thụ nước từ trời kích thích để tăng trưởng theo định luật tuần hoàn, nó đang ngửi mùi ẩm mốc của rừng hoang liêu tịch mặc, không cần biết ngày mai sẽ ra sao, chẳng cần hiểu quá khứ nó đã là gì trong vô số kiếp phù du.

Đi giữa cái bất tận của thiên nhiên nhưnúi biếc non cao, sương bạc mây ngàn, hương rừng suối ngọc, mang thi vị đất trời về đây nhập mộng trần gian, nên Tâm thức chúng tôi dễ dàng trải rộng bao la với sự vẹn toàn của vạn vật, vì vậy khả năng tập trung và Quán sát được tăng cường mãnh liệt, như Nguyễn Trãi ngày xưa cũng đã ngậm ngùi tiễn Thiền Sư Đạo Kiêm về núi với lời chúc: "Về non ta lại có thiền tâm”. Biết thưởng thức được vẻ đẹp hữu hạn phù du của cõi thế, chúng ta mới thấy được giá trị miên viễn của vĩnh cữu thiên thu.

Khoảng 13 giờ, chúng tôi quay về chùa, cùng nhau kiểm Công cứ mỗi 2 tuần. Buổi chiều họp chúng, cô Viên An phát biểu cảm tưởng về chuyến đi như sau: “Trong cuộc sống, có thể nói cái khổ lớn nhất của đời người là sanh ly tử biệt. Trên một bình diện nào đó, tu là biết thay đổi cách nhìn. Về mặt tục đế thì sanh tử đầy ưu bi khổ não. Nhưng nếu hiểu đạo, nhìn sanh tử về mặt chân đế, khi duyên chia ly gọi là chết, duyên hợp lại gọi là sanh”.

Nhìn rừng lúc chớm sang thu, lá lưng chừng ngã màu một nửa như mái tóc của Viên An tự bao giờ đã một nửa ngã màu. Cô chợt ghi lại cảm nhận trong 8 câu thơ tựa đề là Rừng Thu:

Rừng thu giờ đã thay màu,

Tóc xanh mới đó bạc màu rồi đây.

Thu về lá rụng rơi đầy,

Đời người lo mãi sum vầy biệt ly.

Trời đất chuyển duyên chia ly,

Trùng trùng duyên khởi hợp thì thấy sanh.

Lặng nhìn tạo hóa rành rành,

Trăm năm nào có tử sanh bao giờ.

Rồi Thầy giảng cho chúng tôi phải biết giáp mặt với thực tại để nhận ra chân diện của cuộc đời, không thể cứ tiếp tục lẩn quẩn bên 4 dòng nước xoáy. Thi sĩ Tùy Anh đã hạ bút khơi nguồn, có phải đó là hình ảnh Thầy của chúng tôi, người đang ngồi đó, với nụ cười cố hữu trên môi:

Mai rồi về cõi hoang sơ

Lòng trần cũng trắng như tờ kinh văn.

Người đi vui với phong vân

Tôi về với bụi hồng trần hóa duyên.

(Viên Hướng – 15/04/2006)

 


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024