|
Ký sự: trở lại đảo Phật - Sri Lanka Ngày 03: Lễ Kathina (ngày 1/2)
Thức dậy lúc 4h sáng, mở của sổ phòng thì trời đã mờ sáng. Tiếng chim quyện tiếng tụng kinh. Không khí thật mát mẻ sau cơn mưa đêm qua. Ngồi viết 1 hồi thì Huyền thức dậy, đi tắm. Bà ngoại bé Lam cũng thức dậy, ngồi thiền. Đến khoảng 5h30, bà đi lên nơi trưng bày Xá Lợi ngồi nghe kinh sáng. Bé Lam ngủ thật say, còn mẹ Huyền thì nói khí trời ở đây nằm ngủ ngon không muốn dậy. Loay hoay đến 6h30 xuống ăn sáng. Mình đảnh lễ Sư xong, gặp Sư Anurudha vừa về đến (Sư trụ trì chùa Tích Lan ở Lensburg, Thuỵ Sĩ). Đảnh lễ Sư xong, ngồi ăn sáng chung với Sư. Mình ăn nửa trái đu đủ và một miếng bánh dạng bánh cam, bên trong là nhân mặn gồm đậu trộn với hành tây xào cà ri. Sau đó ăn thêm nữa cái bánh giống bánh ít, là bún gạo (sợi nhuyễn gần như bánh hỏi) bọc bên ngoài, nhân bên trong là dừa nạo xào đường. Ăn xong thì mình hỏi Sư xem mình có phụ gì không? Sư nói mình yên tâm, sẽ có việc để làm. Mình ra ngoài đi dạo một vòng, hai mẹ con bé Lam vẫn còn say sưa ngủ.
Hoa cảnh trong sân chùa
Thấy Palita đang khiêng ghế, mình đến phụ. Nhưng chỉ khiêng vài cái là mồ hôi đầm đìa, mặt quay cuồng với cái nóng ẩm. Mình ngưng và chuyển sang lau bàn ghế dưới bóng cây. Không quen nên đứng ngoài nắng một chút là xây xẩm đầu mặt. Hơn 9h sáng, lên phòng vẫn thấy hai mẹ con còn nằm ngủ (thật ra mới khoảng hơn 6h sáng ở TS thôi). Kêu bé Lam thức dậy, cô nàng xin ngủ thêm 5 phút nữa. Xoa lưng vài cái thì nàng ta cũng dậy, nói là ngủ ngon quá. Rửa mặt xong, bé Lam soạn đồ chơi, bánh kẹo mang sang trường mẫu giáo phía sau chùa tặng cho các em nhỏ. Mình hỏi muốn ăn sáng trước hay đi tặng quà trước, bé Lam muốn đi tặng quà. Cả ba người xách hai túi đồ chơi và bánh kẹo đi qua trường. Trường làng đơn sơ nhưng sạch sẽ.
Cô giáo mở cửa, các cháu nhỏ đang học hát, mắt tròn xoe nhìn 3 người lạ. Cô giáo không nói tiếng Anh nhưng cũng hiểu. Cô kêu bé Lam chia quà cho từng bạn. Mấy đứa nhỏ rất thích đồ chơi, ríu rít cảm ơn.
Lớp học trường làng đơn sơ, sạch sẻ
Về chùa, hai mẹ con vào ăn sáng. Món mặn nào cũng cay nên bé Lam chỉ ăn được bánh mì ngọt thôi. Huyền chỉ ăn nữa trái đu đủ, uống ly nước dừa tươi là thấy no rồi. Ăn xong cả ba người ra ngoài dạo một chút. Hoa sứ trắng rụng đầy sân. Các vị Ni quét dọn sân vườn sạch sẻ. Cây bồ đề lớn cao nhanh, mới cao chừng gần 3m hồi tháng hai, bây giờ đã khoảng 10m rồi. Bé Lam đứng dựa gốc cây dừa, hỏi tía mẹ đi dạo xong chưa, cô nàng muốn về phòng ngủ tiếp.
Chuẩn bị cho lễ dâng Y vào ngày hôm sau
Miệng la con là mới thức dậy mà ngủ gì nữa. Nhưng thấy nóng quá nên cũng muốn về phòng trốn nắng. Nàng ta vừa vào đến phòng là lôi ipad ra xem truyện tranh. Mình ngồi viết 1 chút rồi ngủ sụp luôn. Tỉnh dậy là cũng 11h30. Vào tắm nhanh, vừa ra thì Dilshan kêu xuống ăn trưa để 13h30 cả nhóm sang nhà đại thí chủ tổ chức lễ Kathina năm nay. Từ đó mới rước y đi khắp làng rồi đưa về chùa, sáng hôm sau dâng lên chư Tăng. Rửa mặt xong, xuống dưới nhà thì mọi người vừa bắt đầu ăn. Hôm nay có cơm trắng, thịt gà kho gừng, cơm dừa xay xào lá chanh ớt, đậu que xào hành tây và ớt xanh. Ngoại trừ cơm trắng, tất cả đều cay nên bé Lam ăn vài miếng là đòi uống nước. Cuối cùng cô nàng chỉ ăn cơm không. Ai cũng tội nghiệp nhưng tía mẹ thì quá rành, vì thường ở nhà, Lam ăn đồ ăn trước rồi sau đó ăn 1 chén cơm không. Mình cũng đem mấy bịch xúc xích khô và sữa nên không sợ Lam thiếu chất đạm. Ăn xong, mỗi người ăn tráng miệng với thơm, đu đủ, chuối. Bác người Lào nói nhìn trái thơm xấu xí, không mập mạp như thơm châu Mỹ nhập sang, vậy mà ăn rất đậm đà, ngọt. Ăn xong, mọi người về phòng thay đồ trắng. Đúng 13h30 cả nhóm ra xe. Hôm qua Dilshan chở đi đổi tiền, đã đi ngang đó nên mình biết khoảng cách chừng hơn 2km.
Chuẩn bị đi dự lễ rước Y
Xe chạy một chút, đến nơi thì thấy rất đông người ở đó. Có các em trẻ mặc áo sặc sỡ truyền thống, các thanh niên chơi nhạc cổ truyền (kèn, trống da) đang ăn trưa. Và rất nhiều người khác, ai cũng mặc đồ trắng, đang đứng hoặc ngồi ăn. Ngay bên hông cổng vào là một con voi thật to, đang ăn các tàu lá dừa. Bé Lam được bác quản tượng dẫn đến gần, sờ vào voi nhưng Lam sợ, đòi đi với mẹ và chỉ nép sát người mẹ thôi chứ không dám sờ voi.
Trong sân vườn gia đình thí chủ chính, chuẩn bị lễ rước Y
Luôn cả chú voi to cũng sẽ đi rước Y
Không hiểu sao nhưng đối với mình, voi có linh tính rất nhạy, mình luôn có sự tôn trọng với loài vật này. Mấy lần bác quản tượng kêu mình vào nhưng mình từ chối, nhất là khi nó bị xiềng xích như vậy. Mình thích nhìn vào mắt và nói chuyện thầm từ xa với nó hơn, mặc dù không biết nó có nghe hiểu gì không :-) Gia đình đại thí chủ này là người quý phái nhiều đời ở trong làng. Gia đình theo đạo Công giáo nhưng mấy năm nay hướng về Phật giáo, năm nay tổ chức cúng dường Kathina nữa. Trong nhà đặt mâm y, mình vào xá, thấy trên tường treo nhiều hình Đức Chúa và kế bên mâm y còn có cả một hang đá nhỏ.
Với các em nhỏ
Đến khoảng 15h, các chư Tăng Ni đến khoảng hơn chục vị, và lễ rước y bắt đầu. Rất nhiều cảnh sát làm nhiệm vụ canh trật tự, điều tiết xe.
Đi đầu là hơn một chục em nhỏ trên dưới 10 tuổi, mỗi đứa một chiếc xe đạp, trên đó trang trí đủ thứ, hình con bò, cây hoa, lộc bằng giấy màu, ...
Kế đến là một đám con nít cùng cỡ, mỗi đứa 1 cây roi dài khoảng 2-3m, tụi nó quay đập sao đó không biết mà nó phát ra tiếng nổ lốp đốp y như đốt pháo trung. Mới đầu mình tưởng tụi nó gắn pháo trên đó, nhưng coi kỹ thì chỉ là những sợi dây được bện vào nhau mà thôi, hay thiệt. Vừa kêu to như pháo mà không nguy hiểm cháy nổ. Có chăng là không nên đứng gần vì khi tụi nó lấy hết sức quay, đập, lỡ trúng ai thì chắc là đau lắm.
Kế đến là một đội các em nhỏ mặc đồ truyền thống, múa hát. Theo sau là xe tải nhỏ, chạy chậm chậm, bên trên đặt tượng Phật to, xung quanh là các đĩa hoa tươi, các tranh được bện từ lá dừa tươi. Kế sau là đoàn kèn trống (ồn ào nhất !) với vài thanh niên vừa múa theo tiếng kèn. Ngay sau đó là đoàn Phật tử nữ, cầm cờ 5 màu đi theo.
Bé Lam được phát cho 1 cây cờ
Và bây giờ là đến vị thí chủ nam, đội mâm y trên đó có một hoa sen vàng to bằng vải, có người cầm lọng che đi theo. Liền sau là người vợ đội mâm y thứ hai, cũng có lộng che. Đoàn người theo sau gồm có chư Tăng Ni và Phật tử. Cuối cùng đến chú voi to và một đoàn Phật tử nữa.
Đám rước có khoảng trên dưới 1 ngàn người, đi đoạn đường khoảng 10km, từ 14h cho đến 17h30, qua rất nhiều nhà trong làng. Sau đây là hai điều rất hay mà mình ghi nhận được : 1. Có nhiều nhà trên đường đi, họ không tham gia đoàn rước y nhưng họ chuẩn bị bánh ngọt, nước cam, cà phê loãng và bưng từng khay ra mời tất cả mọi người trong đoàn. Đây cũng là một sự dâng cúng gián tiếp nhưng quan trọng vì dưới cái nóng ẩm 30 độ, ly nước rất cần thiết. 2. Hai vợ chồng thí chủ chính chỉ đội mâm y từ nhà ra. Sau đó họ nhường cho Và quan trọng hơn, hình ảnh rất đẹp mắt là khi thấy từ xa có người đứng xem ở hai bên đường, người chồng chủ động bưng mâm y, mang đến cho mọi người sờ vào để cùng chia phước. Một sự san sẻ tinh thần rất dễ thương, cao quý trong mắt chủ quan của mình! Nói thêm : lần đầu tiên mình tham dự lễ dâng Y là vào năm 2011, do những Phật tử Sri Lanka ở Genève tổ chức. Lúc đó, trời lạnh nên ban tổ chức thuê 1 phòng chừng 100m2. Khi bưng Y ra, mâm Y được chuyền tay đến tất cả mọi người trong phòng, không phân biệt nam nữ, màu da, quen lạ, ... Mình thấy ngạc nhiên. Bây giờ tận mắt chứng kiến thì mới hiểu truyền thống này được gìn giữ ngay cả ở nơi xa xôi!
Chia phước đến tất cả mọi người ... ngay bây giờ !
Về đến thiền viện trời cũng sập tối, mọi người còn múa hát, kèn trống đến tối hẳn. Mình lên phòng nằm thiếp chừng 10', khi xuống thì đã thấy các nhóm múa và chú voi ra về.
Chỉ còn lại các Phật tử ngồi nghe các Sư thay nhau giảng kinh. Hôm nay mọi người thức suốt đêm, các Sư và Phật tử cùng ngồi tụng đọc kinh đến sáng. Trong sảnh, các Sư ngồi trong một chòi gỗ, được trang trí bởi hoa dừa, lá và hoa tươi các loại. Các Sư quấn một sợi chỉ trắng trên hai tay, rồi chuyền nhau cuộn chỉ cho đến các Phật tử ngồi bên dưới. Như vậy, tất cả mọi người đều được nối với nhau bằng một sợi chỉ, như vậy khi đọc tụng kinh và hồi hướng, không phân biệt mà chia sẻ đều cho tất cả.
nghe giảng kinh tối (các Phật tử thọ bát quan trai, không ăn chiều)
Khoảng 20h, nhóm 2 gia đình châu Âu vào ăn súp tối. Trong lúc chờ nấu súp, hai cha con mang kẹo, chocolat ra phân phát cho các em nhỏ. Các bé gái thì xếp hàng từ tốn, các cậu trai thì chen lấn nhau để dành phần. Có đứa xin hai thanh chocolat, mình nói chỉ 1 thôi, còn dành cho đứa khác nữa, thế là nó vội mở ra ăn ngấu nghiến, rồi quay lại nói ăn hết rồi, xin thêm, mình phải phì cười và phát cho nó 1 cái nữa. Ăn tối xong thì ai cũng mệt nên về phòng ngủ. Bé Lam về đến phòng, tắm và thay đồ xong, uống hết hộp sữa nhỏ là lăn ra ngủ khò. Mình tranh thủ viết xong, bây giờ gần 12h khuya, đi xuống dưới nghe kinh với mọi người. Các Sư ngồi bên trong, thay phiên nhau đọc kinh qua micro, các Phật tử ngồi bên dưới. Các em nhỏ đi theo cha mẹ, đứa thì nằm ngủ ngon lành dưới đất, đứa thì nằm im lặng trên đùi mẹ, mở mắt nhìn, đứa thì ngồi nghe, chưa ngủ. Cảnh làm mình nhớ lại ngày xưa, lâu lâu ba mẹ thuê được đầu máy và ti vi, coi phim suốt đêm, mình và các đứa nhỏ cùng xóm cũng nằm ngủ la liệt như vậy. Chỉ có khác là coi phim để cho cảm xúc chạy theo buồn vui nơi nhân vật trong phim, còn ở đây thì để lời kinh thấm vào trong tâm thức !
Chư Tăng và Phật tử tụng kinh suốt đêm
tất cả nối với nhau qua sợi chỉ trắng tinh khiết ...
Sư kêu mình và Huyền ra và giới thiệu với 1 anh thương gia, cỡ trạc tuổi với mình. Anh ấy chuyên kinh doanh đá quý, nông sản xuất khẩu. Sư nói anh ta hộ trì chùa rất nhiều. Anh ấy có ý muốn sang VN du lịch, tìm hiểu về thị trường. Sau khi tặng mình một stupa bằng đồng rất đẹp, mọi người đứng nói chuyện với nhau khoảng 10 phút thì anh ấy xin phép ra về. Sau đó Huyền về phòng, mình ra ngoài đi dạo một vòng trước khi về ngủ. Một vị Sư trẻ kêu mình lại, đảnh lễ xong mình ngồi nói chuyện với Sư một chút. Sau đó Sư Walpola đi ra, mình chào Sư xong rồi đi về phòng.
Trước sân, ngước nhìn ánh trăng, tức cảnh sinh tình: Bóng trăng soi xuống ngọn dừa Xào xạc tiếng gió lá đưa êm đềm Sân chùa vang tiếng kinh đêm Hàng cau lặng lẽ ngoài thềm ngắm trăng Dế kêu, gió thổi, mây bay Cảnh khuya mờ tối, tỏ bày nơi tâm ... (Còn tiếp)
|