|
Kính thưa Thầy! Quê con ở Tây Ninh, nhà theo đạo Cao Đài nhưng không nhập môn và ăn chay vì nghĩ rằng Tôn Giáo chỉ là chỗ dựa tinh thần. Con vẫn rất tôn trọng các Chánh Giáo, dạy điều hay lẽ phải, dạy đạo làm người nhưng vẫn nghĩ là cuộc sống của mình, bản thân mình phải tự nỗ lực vươn lên và vượt qua số phận. Con xin chia sẻ với Thầy, những bài học con đã học được từ cuộc sống, và nhận thức bản thân thay đổi thế nào khi hiểu về tâm linh, biết đến Phật pháp, đặc biệt sau khi đã nghe rất nhiều bài giảng và đọc sách của Thầy. 1/ Sinh ra trong gia đình nghèo 11 tuổi: ba mẹ bị nợ nên bế em đi trốn nợ, con ở lại với ông bà nội để tiếp tục đi học. Cứ lây lất, tiền học phí là cô chú đã góp nhặt cho, rồi quần áo cũ, sách cũ của người ta cho, con cũng lên cấp 3. 18 tuổi: đậu đại học 20 tuổi: bằng tự lực vươn lên, con đạt được học bổng đi du học Nhật (gia đình vẫn rất khó khăn) 21 tuổi: con về nước rồi mở 1 quán ăn Nhật nhưng sau hơn 1 năm thất bạiL (do quá nhỏ tuổi, thiếu kinh nghiệm, bị lừa). Và đó là lần đầu tiên con không còn nhận ra cuộc sống màu hồng nữa, người ta lợi dụng, lừa lọc nhau thề nào. Thế là từ 21 tuổi, con hoài nghi về niềm tin những gì tốt đẹp trong cuộc sống, hoài nghi về giá trị con người. Con đã rất cảnh giác trong việc nhìn người. Có lẽ những khốn khó thuở bé, sự cô lập của bạn bè, những người xung quanh vì hoàn cảnh của mình đã hun đút một động lực mạnh mẽ vươn lên trong con thế nào, nghị lực, vượt qua sự mặc cảm hoàn cảnh gia đình. Bài học về sự nỗ lực và những thành quả xứng đáng cho những nỗ lực ấy, bài học về sự quý trọng thức ăn, sách vở, điều kiện được đến trường… những đồng tiền làm ra từ mồ hôi, nước mắt của ông con, bài học về sự bớt để tâm và bị tổn thương bởi những lời dèm pha của những người xung quanh. 2/ Con kết hôn, sinh con. Lúc mang thai bé bị một dị tật tim nhẹ, có thể do di truyền, nhưng cũng rất khó nuôi và hay bệnh. Có lúc con bế tắt vì sợ hãi. Con đã ước gì mình bị bệnh thay cho nó, sao mình sinh ra nó không được khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác… Giai đoạn đi đi, về về bệnh viện lúc đó con như bị khủng hoảng. Nhưng rồi con học được bài học rằng mọi thứ cũng qua bằng cách này hay cách khác, Thầy ạ! Quan trọng không phải là cuộc sống ném vào mình cái gì mà là thái độ của mình ra sao, nhìn mọi thứ đơn giản thì cũng tự nhiên nó cũng đơn giản hơn, Thầy nhỉ? 3/ Con bé vừa đỡ bệnh thì ba mẹ con vỡ nợ tiếp, trả nợ cho ba mẹ vừa ổn ổn thì đến ông chồng - người mà đồng hành cùng mình vượt bao khó khăn, lại tư dưng lừa dối, nghỉ làm, vay một số tiền lớn mua hàng đa cấp và kinh doanh đa cấp… dù khuyên cách nào cũng không được. Chồng con sẵn sàng ly dị để theo đuổi giấc mơ triệu phú. Gia đình lục đục, ba mẹ con khuyên ly dị, bên ngoại bên nội xích mích lớn, dù trước giờ rất hòa thuận. Dường như thấy cuộc sống chưa bao giờ mình được bình an, hạnh phúc. Con như bị trầm cảm. Nhưng ngay trong khoảng thời gian này, con lại chiêm nghiệm được rất nhiều điều. Rất nhiều người khuyên con phải thế này, thế nọ… Càng nghe họ nói, càng rối vì mỗi người một kiểu. Con đến một quán nước, đọc quyển sách “Phút nhìn lại mình” - Spercer Johson và con đã thật bình tâm lại, tĩnh lặng lại, và rồi con đã có câu trả lời, mình nên làm gì tiếp theo. Con đã học được bài học là câu trả lời chính xác nhất có sẵn trong mình, và sẽ hiện ra khi nội tâm mình định tĩnh nhất, đừng vội vàng quyết định hay làm điều gì khi mình đang trong trạng thái không sáng suốt vì sẽ dẫn đến sai lầm. Và con đã quen với biến cố cuộc đời, con nhận ra chân lý rằng, chẳng có cái gì là tuyệt đối, tất cả rồi thay đổi cả. Tình yêu, niềm tin... ngay cả bản thân con cũng vậy, cũng thay đổi về nhận thức, tính cách... hằng ngày Thầy ạ. Con hay dành những phút cho riêng mình, đọc sách "Quẳng gánh lo đi và vui sống", "Từ giận dữ đến bình an" - Mike Geogre, "Phút nhìn lại mình" - Spercer Johson, "Vượt qua giới hạn" - Nick Vujicic… Hầu như những quyển sách này rất hay, nội dung cũng đề cập đến thiền định... Nhưng vẫn thiếu thiếu cái gì đó, nên mỗi khi tâm loạn và con phải đọc sách để tự trấn tâm mình lại... lúc đó con hoàn toàn không biết đến Phật pháp, biết đến thầy. Là một người độc lập và vững vàng vượt qua mọi khó khăn, nhưng đồng thời cũng lại là một người cầu toàn, tham vọng và những sợ hãi sâu kín nhất về quãng thời gian khó khăn vẫn tiềm ẩn. Và con đã sống với quan niệm, cuộc sống vốn không công bằng, mình không hại ai cũng không để ai hại mình. Con đã sống tạo vỏ bọc, và những mối quan hệ cũng tự tạo ra do ảo tưởng… Dù nhìn có vẻ rất an toàn, rất vui nhưng thực sự nỗi bất an vẫn còn ở đâu đó… Con lại không bằng lòng với thực tại, mong muốn cống hiến nhiều hơn, làm nhiều việc có ích hơn, giấc mơ, hoài bão… nhưng tất cả cũng chỉ làm cho con thất vọng hơn và quên đi trọn vẹn với giây phút thực tại. Và thật kỳ diệu khi con biết đến tâm linh, biết đến Phật Pháp, do duyên lành nên con chuyển qua ăn chay dễ dàng. Con tự tìm hiểu nhiều về thế giới tâm linh, nghe nhiều bài Pháp thoại, và đặc biệt hơn khi được nghe Thầy giảng, những chiêm nghiệm trong cuộc sống về vô thường, nhân quả, về Phật tánh, tánh biết, bản ngã, sự sợ hãi, trốn chạy, những nghịch cảnh... của chính mình. Con đã hiểu tường tận hơn thân tâm mình. Con lại nhận ra rằng cuộc sống thật đẹp và công bằng theo sự vận hành riêng của Pháp, những va vấp, khó khăn trong cuộc sống tất cả đều để lại những bài học thật quý giá. Con đã tự giải thoát cho mình khỏi những mong muốn, muốn ly dị để sống một cuộc sống tự tại, không bị ràng buộc. Muốn xuất gia để chuyên tâm tu hành, mau đắc đạo... Đó chỉ là những ham muốn ích kỷ của bản ngã. Thầy ơi, con sẽ sống trọn vẹn trong từng giây phút, để tâm mình sáng suốt, định tĩnh, trong lành, quan sát mọi sự sinh diệt cùa Pháp để học những bài học mình cần học. Con xin thành kính đảnh lễ Thầy và chúc Thầy thật nhiều sức khỏe để hoàn thành sứ mệnh cao cả. Kính Thầy Con, TT.
Thanh Tram con, Đúng như một danh ngôn đã nói "Cảnh khổ là nấc thang cho bậc anh tài, là kho tàng cho người khôn khéo và là vực thẳm cho những kẻ yếu đuối". Có lần khi nghe thầy nói: "Cuộc đời thật đẹp", một hành giả liền hỏi: "Con thấy đời toàn là khổ đau, chính Phật cũng dạy đời là vô thường, khổ, vô ngã, vậy thầy nói cái gì đẹp?" Thầy trả lời: "Chính vô thường, khổ, vô ngã là vẻ đẹp của cuộc đời". Nếu không thấy đời là vô thường, người ta sẽ chấp giữ những cái đã khô chết của quá khứ, hoặc bám víu vào một quan niệm thường hằng trong ảo tưởng, làm sao sự sống có thể luôn luôn đổi mới từng sát-na? Nếu không thấy đời là khổ đau con người sẽ mãi mãi đắm chìm trong lầm lạc và dục vọng, chỉ biết lợi mình hại người, làm sao giải thoát khỏi những tà kiến và tham ái? Nếu không thấy đời là vô ngã, chiến tranh để giành phần thắng về mình hoặc để chiếm hữu cho riêng mình sẽ không bao giờ chấm dứt. Chính vô thường, khổ, vô ngã giúp con người giác ngộ giải thoát ra khỏi ảo tưởng tự trói buộc mình, vậy không phải đó là vẻ đẹp của cuộc đời hay sao? Sở dĩ con hiểu được những lời Phật dạy và nghe được những điều thầy giảng vì con đã trải qua những cay đắng của cuộc đời. Chính thầy cũng đã trải qua biết bao thăng trầm trong cuộc sống mới thấy ra sự thật để có thể chia sẻ với con và mọi người những điều rất trung thực với bản chất đời sống mà chỉ "đoạn trường ai có qua cầu mới hay". Nếu con chỉ miệt mài tìm cầu những sở tri, sở đắc để thoả mãn lý trí và dục vọng của bản ngã thì dù có đạt được điều gì cao siêu đến đâu cũng khó mà thấy ra sự thật. Tuy mỗi người một tình huống khác nhau nhưng cũng tương tự như con, thầy ra đời vào những năm cuối gay cấn nhất của thế chiến thứ 2, mới hơn 1 tuổi đã lâm vào nạn đói trầm trọng trên cả nước vào năm 1945, từ đó lớn lên trong cơ cực, chiến tranh, bom đạn..., cho đến 11 tuổi phải rời cha mẹ, ra khỏi vùng quê để vào Huế đi học, ở trọ nhà này qua nhà khác... như thân phận của những người tha phương cầu thực... đến năm 21 tuổi xuất gia vẫn gặp nhiều trắc trở, thậm chí còn bị tù đày... Tưởng đâu đó là những điều bất hạnh, ai ngờ chính nhờ trải qua những bước thăng trầm của cuộc sống mà con mắt pháp mới được khai hoa. Thì ra tất cả những điều đến với mình trong đời đều là những bài học giác ngộ để thấy ra bản chất thật của chính mình và vạn pháp. Hạnh phúc thay ai biết học ra sự thật từ những khổ đau bất hạnh của cuộc đời để luôn có thể tùy duyên đổi mới thái độ nhận thức và hành vi của mình cho thuận với pháp tánh tự nhiên và chân thực. Giác ngộ giải thoát chính là thấy ra bản chất thật của cuộc sống để không còn bị cuốn trôi hoặc ràng buộc trong những vọng cầu đạt được sở đắc lý tưởng hão huyền đầy mộng ảo. Thầy chân thành tán dương và chúc mừng con đã biết vươn lên từ những thăng trầm của cuộc sống. Thầy Viên Minh
|