Dec 13, 2015

Con đã có đường đi!

Mỗi sáng thức dậy, con thấy dưới chân mình có một con đường, con đường của hiểu và thương. Mặc dù đôi lúc những nỗi khổ niềm đau cũng liên tục biểu hiện trong cuộc sống hàng ngày, nhưng con biết con đã đi đúng đường, đi bằng cả trái tim mình.

Thầy hỏi con: “Đến Viên Không con cảm thấy thế nào?”

Con cảm nhận được ở nơi đó một lời thì thầm thân thương bên tai rằng: “Con đã về đến rồi”, lần đầu tiên con đặt chân đến nơi đó, “đã tới” nhưng ngay tại sát na đó cũng “đã về”- về nhà.

Là một người trẻ, con ghi nhận đơn thuần về lời “cảnh báo”: “Đừng có lý tưởng hóa bất cứ cái gì để rồi lại hụt hẫng”. Con ghi nhận không thêm không bớt, có chỗ nào ở đâu mà chỉ toàn niềm vui, chỉ toàn hạnh phúc. Mà rằng chỉ có trong đám bùn dơ mà hoa sen vẫn mọc lên thơm ngát, nó vươn mình lên kiêu hãnh với đất trời rồi có cắt đứt liên hệ với bùn đâu, có bùn thì mới có sen, chúng phải ở trong nhau để nuôi dưỡng để hỗ trợ cho nhau chứ.

Hiểu được tất cả những người xung quanh mình có sự gắn kết như là một khối thì khi mình kiêu căng, ngã mạn... đó là kiêu căng ngã mạn với ai, với chính mình mà thôi, điều đó chỉ làm cho cái tự ngã ngày thêm trương phình. Mình là một với mọi người, mọi người là một với mình thì làm sao mình có thể có những hành động gây tổn thương, hiềm khích, có những lời nói chua chát khó nghe đối với Sư Mẹ, Sư Chị, Sư Em của mình được. Và khi thấy ra được sự tương tức giữa hạnh phúc và khổ đau trong mọi thứ thì an vui tự tại sẽ xuất hiện liền.

Ở đây, khi bước những bước chân nhẹ nhàng trên mảnh đất an lành, con thấy trong bước đi đó có hình bóng của Cha, của Mẹ. Con biết ơn lắm mà cũng thương lắm vì con may mắn hơn Cha Mẹ con, con có phước đức được gặp Chánh Pháp, gặp Thầy. Cha Mẹ là vô thường, một ngày nào đó rồi cũng mất đi, mà sự thật thì “có cha đâu”, “có mẹ đâu”. Cũng chính vì thế mà những khổ đau, những phiền muộn, sự áp đặt của Mẹ lên con, con cũng không khởi lên cái tâm oán trách, giận hờn.

Ý thức được sự vô thường vô ngã trong cuộc đời này, con nguyện làm sự tiếp nối trong sáng nhất, cao đẹp nhất đó là đi theo con đường của Đức Thế Tôn. Xác định được đường đi của mình con buông bỏ hết những điều mình không muốn; không muốn trở thành dụng cụ của xã hội, không muốn những chỗ ham vui vô độ, không muốn dính mắc vào một mối quan hệ nam nữ luyến ái… một sự “không muốn” dứt khoát, không có mảy may luyến tiếc, do dự và trăn trở nào.

Sự buông bỏ những thứ vô nghĩa trong hiện tại, ngay ở đây và bây giờ sẽ là thành tựu cho ngày mai. Con thấy rằng khi mình cắt đứt được hoàn toàn tâm mình khỏi những cám dỗ, sự hưởng thụ về vật chất một cách mê đắm thì mình rất dễ toàn tâm toàn ý thực hiện ước mơ của mình. Trước kia, làm gì con cũng chần chừ, cũng lo sợ thế này thế kia, luôn tự đặt ra câu hỏi: “Mình làm thế này Mẹ sẽ buồn, sẽ thất vọng lắm không?” Rồi nghĩ rằng: “Thôi, Mẹ vui là được” và thế là con đã vô tình biến cuộc sống của mình theo khuôn mẫu, mong mỏi của người khác, chứ thực sự những điều đó không làm con cảm thấy vui. Chính vì vậy mà con đã tự làm khổ mình rất nhiều.

Bây giờ thì con đã mạnh dạn, đã “dám” bước ra khỏi số đông để được là chính mình. Có một điều rất kì lạ mà con cảm nhận được đó là khi con muốn cái gì thật nhiều, lúc nào con cũng nghĩ một ngày nào đó con sẽ đi xuất gia được, sự thảnh thơi an lạc của con sẽ được trao truyền sang người khác bằng chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp thì khi ý nguyện đó được phát đi dường như những điều tích cực, những thuận duyên để con có thể làm được điều đó lần lượt đến gõ cửa. “Con người không chỉ thu hút những người có cùng chí hướng và cùng cấp độ trí tuệ như mình mà còn thường thu hút cả những điều mình đặc biệt mong muốn, thích thú hoặc những hoàn cảnh mình hằng mong mỏi”. Con tự thầm nói với mình, và mong niệm lực đó sẽ truyền được đến Mẹ con rằng: “Mẹ ơi con đi tu nhé, con học được cách trở về với tự thân để chăm sóc cho mình, kì diệu lắm Mẹ ơi!”

Có lần, con có cơ hội ở trong một căn phòng vô cùng đặc biệt, có mái che nhưng không có tường, ánh sáng được thắp bằng ngàn sao trên trời, xung quanh tiếng dế kêu râm ran như một bản nhạc giao hưởng, như hòa mình vào với đất trời, ngước mắt ngắm bầu trời đêm mà mỉm cười với sự nhiệm mầu của hiện tại: “A, nếu mình đi tu thì mình sẽ là một người tu trẻ hạnh phúc!” Thỉnh thoảng con nói vui với mọi người rằng nếu hỏi con về giáo lý thì con không biết đâu, nhưng được đem cái tâm phụng sự sáng trong không mong cầu được đáp lại để đem đến tiếng cười, đem lại an vui tới cho người khác thì con hạnh phúc lắm rồi. Con cảm thấy mình đang sống một tuổi trẻ đáng sống, không hề cảm thấy thiếu thốn những cuộc vui như những người trẻ khác mà ngược lại có một bầu trời tự do của riêng mình.

Hôm trước, được chứng kiến Lễ xuất gia con ghi dấu vào tâm mình thật nhiều hình ảnh xúc động, hình ảnh cao quý và thiêng liêng. Trước đó, con đã có suy nghĩ là con sẽ không đến xem đâu, thấy rồi lại khởi lên sự “muốn”, mà hiện tại có được đâu nên con sẽ buồn. Nhưng khi đối diện, một điều vô cùng bất ngờ và kì lạ là trong con không hề khởi lên điều gì, những gì đang diễn ra trước mắt chỉ đơn thuần là nó như thế.

Con nhận ra rằng con vô cùng hạnh phúc với cái con đang là, con đang là như nào thì con là như thế thôi. Con đang là như này mà cứ cố muốn trở thành một tân Sadi, giả sử Thầy có đồng ý thì chuyện gì sẽ xảy ra – đó là vào trong một môi trường mới con sẽ phải học rất nhiều thứ, phải sống với đại chúng và song hành với những quy định, giới luật. Nhọc lắm, có sung sướng gì. Rồi nếu không có một đức tin đúng đắn, lòng nhẫn nại và sự quyết tâm thì coi chừng con ngã gục, đầu hàng ngay khi mới bắt đầu.

Quả thực, chuyện đáng buồn không phải là mình đang như thế nào mà là mình đang là như thế này mà khao khát được giống thế kia mới được xem là chuyện đáng buồn. Từ đó con thấy việc mong muốn “trở thành” chỉ là một hình thức chuyển đổi từ cái khổ này sang cái khổ khác mà thôi. Thấy ra được điều đó rồi, con tặng lại hiện tại một nụ cười. Đừng có vội vàng, ngồi yên cho thật vững để phát triển chánh niệm và hiểu biết cho đủ độ sâu sắc rồi cái gì đến, sẽ đến.

Người ta nói tu mau kẻo trễ, nhưng con thấy càng mong tu mau thì sự tu càng chậm. Cứ vội vàng, hiếu thắng học cho thật nhiều, cái gì cũng muốn biết, biết cho thật nhiều, nhưng rốt cục là không biết cho tới bến, chỉ biết nửa vời, rồi ngã mạn rồi kiêu căng. Chậm một chút nhưng tu đến đâu biết đến đó, yếu kém chỗ nào biết sửa ở chỗ đó, sự tu của mình có gian nan có vất vả thì mình mới dễ đồng cảm và mở lòng ra với những người còn đang tu chậm như mình.

“Nắng chiều nhẹ như hơi thở

Mơ gì một mảnh tương lai xa xôi …”

Con, Uyên Nguyên.

 

Dec 21, 2015 

Thầy kính,

Con đang ở giữa một mùa Đông thật ấm áp, ấm áp về tinh thần, hôm nay có một mùa đông ấm áp rồi thì sẽ là nền tảng cho những mùa tiếp theo thật đẹp. Con đã từng đi qua một cuộc sống mà chính mình là một người thật ích kỉ, con đã giáng xuống những lời nói thật nặng nề lên người khác, khiến cho họ vì thế mà khóc, mà đau khổ. Vì thế mà con đã tự biến những tháng ngày của mình trở thành những “mùa” thật khắc nghiệt, làm cho tâm không lúc nào có thể yên bình. Nếu không nhờ những mùa khắc nghiệt thì sẽ không biết yêu những mùa ấm áp, cuộc sống phải có những lúc như vậy để biết tri ân quá khứ, dù quá khứ đó tốt đẹp, hay quá khứ đau buồn thì đều có công nuôi lớn mỗi người, phải không ạ.

Người ta hay nói đến một nơi mà không có nỗi buồn, chỉ có niềm vui và gọi đó là Tây Phương Cực Lạc, chẳng có ai thấy và biết nơi đó thực sự ra sao, mỗi người tự vẽ ra cho mình một hình ảnh về nơi đó không ai giống ai cả và đi cứ tìm. Ấy thế mà ngay bây giờ và tại đây, nơi mình đang sống hàng ngày – thanh bình, tĩnh lặng chính là Tây Phương Cực Lạc chứ đâu.

Ai đó hỏi rằng: “Nhìn thấy Phật bao giờ chưa?”, “Gặp Phật bao giờ chưa?”. Xin trả lời rằng gặp rồi, gặp hàng ngày, ngay trước mắt thôi có đâu xa xôi. Cha cõng con vỗ về cả một tuổi thơ, Mẹ lo cho con từng giấc ngủ, cơn đau…; đấy là Phật chứ đâu. Những người xung quanh mình, những người vô cùng dễ thương, cả ngày an vui, tự tại, sống khỏe, sống có ích; đấy là Phật chứ đâu.

Con người đa phần hàng ngày đi chùa cúng Phật, lễ Phật, thành kính hết sức nhưng đối với những người thân của mình, đối với những người xung quanh mình thì lại thờ ơ, không kính trọng, có đôi khi là oán ghét, thù hận, ghen tỵ, mong cho người ta gặp những điều xui xẻo, dẫm đạp lên người khác để sống. Khi chỉ biết cung kính Đức Phật mà không biết cung kính Phật trong chúng sanh thì mọi “công đức” trước đó có lẽ là vô nghĩa, là bỏ đi rồi.

Có dịp ở Thái Lan, con rất ấn tượng và thích biểu tượng của người Thái khi nói lời chào và cảm ơn sẽ kèm theo một cái chắp tay rất thành kính nhưng cũng rất thân thiện. Con nói với bạn bè con rằng hãy chắp tay và nở nụ cười chào bất cứ ai bạn gặp ở đây. Cứ thử đi rồi sẽ thấy hoan hỉ vô cùng, khi mình biết “cho đi trước” chính là đang khởi lên lòng từ bi nơi mình. Mình chủ động mỉm cười, phẩm chất đạo đức của mình được dâng lên, thay vì để người khác chào mình trước rồi mới bẽn lẽn chào lại lí nha lí nhí, cái nào xấu hổ hơn. Ngay kể khi chào trước mà đối phương ngoảnh mặt đi thì cũng không có gì phải buồn cả, cứ thương yêu, những điều mình thích mình vui là điều bình thường, nhưng không như ý mình mà mình vẫn vui thì mới cao thượng, mới khó làm.

Bên cạnh đó con còn tự cảm nhận một ý nghĩa sâu sắc rằng mỗi người đều là những vị "Phật" sẽ thành trong tương lai. Mỗi lần chào, mỗi lần cảm ơn mình đều nhìn người trước mặt, kể cả với những người “ăn xin” với tất cả sự trân trọng và tấm lòng ấm áp nhất, hàng ngày hàng giờ cứ nuôi dưỡng từng chút một, từng chút một như thế. Sống cho đẹp là điều không dễ. Hàng ngày cứ trọn vẹn với những công việc rất đỗi bình thường rồi dần dần những việc khó khăn hơn cũng làm đươc.

Một buổi tối ngẫu nhiên được nghe Thầy giảng, sức con không đủ để mang theo nhiều, con xin phép được đúc kết lại ngắn gọn nhất làm hành trang mang đi trên mỗi nẻo đường, chỉ một điều thôi: BÌNH THƯỜNG TÂM tức PHẬT.

Kính cám ơn Thầy.

Con, Uyên Nguyên 

 

 

 


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024