Màu vàng trong con không phải là màu vàng trong những hộp bút chì màu hay tô hồi tấm bé, không phải thứ màu mà người lớn thường chỉ để dạy con trẻ phân biệt màu sắc. Mà màu vàng trong con là một gam màu đặc biệt, thứ màu sắc biết rung động, biết tỏa sáng, bởi lẽ nó được pha bằng chính những bước đi của con, những bước đi không có gánh nặng của quá khứ, cũng chẳng có những hứa hẹn ở tương lai.

Có tồn tại một thứ màu sắc đẹp đẽ như thế, không cần phải đứng cạnh gam màu nào để tỏa sáng cùng bảy sắc cầu vồng. Một mình mà lại có thể chiếu rọi bốn phương, thứ màu sắc mang một sức mạnh to lớn chứa đựng cả biển trí tuệ, tự do, thương yêu. Thứ màu sắc vượt lên trên những quy ước về quốc gia, ngôn ngữ, chủng tộc, mà chỉ bằng một con đường hiểu thôi “từ tâm thì sẽ đến được tâm”.

Màu vàng trong con bắt đầu từ những bước chân không ai bảo mà tự lên đường. Đến những vùng đất chưa đến bao giờ mà như đã từng đi đến mòn mỏi, gặp những con người chưa từng biết đến mà sao thân quen đến lạ thường. Đường đi lối về có thể không tỏ, nhưng chỉ cần lòng tỏ rõ niềm vui sống đời thì sẽ tới đích, lạc đường nơi thế gian chưa bao giờ là đáng sợ cả, đáng sợ nhất là mất phương hướng ngay chính nội tâm mình thôi.

Màu vàng trong con là những lúc một mình, một mình lặng lẽ giữa dòng người ngược xuôi ở sân bay, nơi những con người mỗi người một vẻ một lý do để về với quê hương gia đình, để đi đến một chốn an vui, một nơi làm việc mới… Còn con, con muốn đến đâu, con muốn tìm kiếm cái gì trong khi đi đâu làm gì không ai hay. Những gì con nếm trải là do con tự quyết định nên những điều đó có một tác dụng ngược lại đem đến cho con một sức mạnh phi thường thay vì buồn tủi.  Đi để thấy, thấy rõ trái tim mình thì thầm: “sự cô đơn này hóa ra lại có vị thật ngọt”, đi để bắt gặp sự trưởng thành ngay tại đây và bây giờ rồi, trong cái cảm giác đôi khi là lạc lõng, bơ vơ, có hề chi, cảm giác mở lòng ra đón nhận những trạng thái buồn lúc đó mới thật sự là chính mình, phủ nhận những cái xấu lúc đó không còn là mình nữa, mà đó chỉ là một hình ảnh tự vẽ nên để bảo vệ, một sự phản kháng gượng gạo. Tu không phải là học cái gì cao siêu, mà chỉ cần hiểu con người luôn đi theo mình 24/24 trong từng phút giây, trong những cảm giác hỷ lạc, trong những đắng cay tủi hờn; là khi đối với cái đúng không bám víu, cái sai không phá bỏ vậy. Nếu làm việc gì cũng luôn tạo ra sự đối kháng dẫn đến thân tâm không trở về làm một thì quả là một sự đáng buồn, buồn vì không sống thật được với lòng mình, không sống được với hiện tại thì cũng không sống được đâu cả. Một hành trình đúng nghĩa không nằm ở đường thẳng từ điểm A tới điểm B mà trên quãng đường ấy dẫu có ngoằn ngoèo, trắc trở tới đâu mà tiến trình tâm của mình diễn biến trên thực tế như thế nào - mình thấy - mình biết, đó là đến!

Màu vàng trong con là ghi nhận tình thương yêu vô bờ bến từ ông bà cha mẹ; nhưng hằng đối diện với những tình yêu thương mang kiến thức ở đời, những chuẩn mực xã hội quy định thấy được sự yêu thương đó không giúp đem đến một sự tự do thực sự, thì trong lòng vẫn luôn luôn lấp lánh một niềm tin: “tại sao phải sống giống như bao người khác?” Sống không giống với mọi người không phải là đi con đường khác, không phải tự tạo cho mình một vỏ bọc khác, mà rằng vẫn ở trong cuộc đời này nhưng làm gì cũng có ánh sáng của tự tâm soi chiếu. Cuộc đời vốn dĩ không xấu, chỉ có con người tự vẽ thêm ra những điều bất thiện mà lầm lạc. Không có việc gì là vô dụng cả, cốt lõi là khi đứng trước một chu trình được coi là tất cả mọi người sẽ đi giống nhau thì thái độ nhận thức của mỗi người trước việc đó ra sao sẽ quyết định cuộc đời hạnh phúc hay đau khổ. Một bước duy nhất thôi là thấy rõ việc mình đang làm và việc đó đem lại lợi ích cho chính mình như thế nào rồi quyết tâm làm việc đó tới cùng thì những bước tiếp theo sẽ vô cùng nhẹ nhàng, an trú được trong hiện tại tuyệt vời này, ngày mai sẽ tự lo việc của ngày mai.

Với những tác động ở mối quan hệ trong gia đình, ngoài xã hội thì thử xem rằng: “À, sự tác động từ bên ngoài này đây đang chống đối mình hay chính mình đang chống đối lại mình?”. Bất cứ điều gì trên đời đang diễn ra cũng là đúng cả, ngay cả những điều tưởng như xấu xa, trái ý nghịch lòng đến đâu chăng nữa xảy đến cũng vậy, nó phù hợp với tư tưởng, sự hiểu biết của đối tượng đó, phù hợp với chu trình nghiệp báo nhân quả, phù hợp với bản chất cuộc đời. Chỉ có con người bám vào cái cho là của mình, tưởng tượng ra “trở ngại này là của tôi”, “nỗi khổ này là của tôi” đã vô tình đi ngược lại quy luật của tự nhiên đó. Hòa hợp được với tự nhiên thì sống, chống đối lại thì khổ là lẽ đương nhiên. Thấy được những điều thiện đang thể hiện như thế nào sẽ làm cho những điều thiện đó phát triển thêm ra, ngược lại thấy được những điều bất thiện đang thể hiện ra sao ngay lúc đó chúng cũng liền mất đi sức mạnh. 

Màu vàng trong con là thứ màu đẹp lắm. Thứ màu sắc có thể kén người nhìn vì có vị của đau khổ, nhưng lại mang hương giải thoát nên ai có thể dừng lại và chiêm nghiệm sẽ thầm cảm ơn sự kỳ diệu mà nó đem lại.

Trên đời không có cái gọi là lý tưởng. Một điều gì đó khiến cho bản thân cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc nhưng những cảm xúc đó cũng vô thường, khi có được điều này rồi lại muốn một điều khác hơn như thế nữa, đa phần đều ảo tưởng thứ mình sở hữu với đối tượng được sở hữu. Ai cũng cho rằng “Tôi có cái này, tôi có cái kia”, nhưng bản chất thực sự thì chính mình đang làm nô lệ cho cái sở hữu đó, đồng hóa mình với những thứ đạt được vô hình chung đã bị chính những “tưởng” sở hữu mà không hề hay biết.

Cả cuộc sống này là lý tưởng nhất rồi, tạo hóa đã vẽ ra cho sẵn chỉ việc sống với nó thôi, ai nghĩ rằng những điều kiện bên ngoài có thể khiến cho bản thân thỏa mãn thật không khác gì câu cá trên cạn. Đau khổ không đáng sợ, đáng tiếc hơn cả là từ chối cái “vỗ về” của khổ để dẫn đến khổ hơn. Cái vỗ về này dạy cho con người biết buông bỏ - buông bỏ đi những tư tưởng bất thiện để giải phóng tâm ra khỏi những ảo mộng mà sống thực hơn. Có ai bị bỏng mà lần sau lại nghịch lửa nữa? Khi một trạng thái bất như ý đến, chỉ quan sát thôi thay vì nôn nóng muốn thay đổi, quan sát không có nghĩa là đứng nhìn như gỗ đá, mà là để thấy được tiến trình vận hành của nó rồi khi nhận mặt được tự nó sẽ mất đi; và khi hiểu rồi thì lửa làm sao bùng lên được nữa, cũng không bị “tàn than” bay ra hại người hại chính mình. Khổ đau xứng đáng là một báu vật tiềm năng để mỗi người sử dụng như một vũ khí để có thể độc lập với vũ trụ mà không cần dựa vào bất cứ thứ gì cả. Hãy là người học trò xuất sắc, từng ngày trôi đi, ngày càng trưởng thành lớn mạnh dưới kỷ luật nghiêm khắc của bậc Thầy khả kính nhất trên đời – “Dukkha”.

Màu vàng trong con là nhìn thấy được con đường mình đang đi một cách rõ ràng và dứt khoát. Điều con học được là người khác nghĩ về mình như thế nào không quan trọng, quan trọng là mình có đoàn tụ được với chính mình hay không. Cuộc sống có bao lâu mà chạy theo những giá trị người khác mong chờ, nhận thức được giá trị nào khiến mình hạnh phúc mới là việc đáng làm. Để tìm được một điều gì đó vừa lòng có khi đi hết một đời cũng chưa thấy, hôm nay có điều vui vui chút nhưng niềm vui đó cũng không ở mãi, lại có một nỗi buồn khác thay thế, những trạng thái đó như một bản nhạc có cung trầm, cung bổng sẽ lặp đi lặp lại trong mọi ngõ ngách của cuộc sống liên tục như vậy.

Một người ưa thích vẻ đẹp của ánh trăng tròn chiều nào cũng ngồi xa xa ngắm hoàng hôn, hôm nào trời bất chợt đổ cơn mưa, trăng không có thì buồn chăng? Hãy quay trở về để nhìn rõ, mặt trăng của lòng mình đây đã bao giờ tắt đâu, nhưng chỉ vì cứ mải miết đi tìm ánh trăng ở bên ngoài mà không nhận ra ánh trăng trong lòng vốn có công năng soi sáng như ánh trăng trên trời cao kia có kém chi.    

Nếu hướng ý nghĩa cuộc sống lên một công việc lý tưởng, một gia đình hạnh phúc, những người bạn tâm giao tri kỉ… thì hiển nhiên sẽ đặt sự an toàn lên những thứ đó, hy vọng, nỗ lực, phấn đấu, mong chờ, chừng nào chưa có được thì còn đau khổ, nhưng có một sự thật rằng sự đau khổ này sẽ diễn ra mãi mãi không bao giờ kết thúc bởi chúng là vô thường mà. Nhìn ngược lại để thấy chính cái thân mình đây cũng vô thường đấy thôi, vậy nào có điều gì đi ra được sự thật ấy đâu. Vậy hãy thử đặt ý nghĩa của cuộc sống là chính mình đây, đặt mình là kim chỉ nam cho mọi vấn đề, cho mọi phương tiện và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn ấy. Chọn lựa đương đầu với những điều bất như ý, bất như ý để “đổi lấy” sự trưởng thành, đó chính là món của ý nghĩa và sâu sắc nhất mà Pháp đem lại. Thực ra thành bại - được mất hơn thua ở đời không đáng để phiền não đâu, điều đáng nói là những phiền não này do mỗi người tự đồng hóa những điều đó “là tôi”. Thấy biết mình ra sao trong vòng xoáy khổ lạc có chăng mới chính là ý nghĩa thực sự của cuộc sống này. Chính mỗi người mới là người đem đến cho cuộc đời ý nghĩa, chứ không phải cuộc đời có ý nghĩa gì với mỗi người, bằng những trải nghiệm thấm mồ hôi, rơi nước mắt mà mình đem đến cho những nghiệt ngã, bất hạnh, khổ đau có một giá trị không gì sánh được, giá trị đó là sự giác ngộ của chính mình.

Và màu vàng trong con còn là những cuộc dạo chơi đêm trăng rằm, dưới tiếng chuông chùa ngân vang cùng trao nhau những ánh mắt biết nói - biết cười, thắp lên những ngọn nến sáng ngời của trí tuệ. Chỉ thế thôi mà vui lắm! Có những lúc âm thầm lặng lẽ không nói chi mà cũng hiểu nhau, có những cuộc “đối thoại” không cần một lời nói nào được biểu hiện mà lại trở thành những cuộc đối thoại tuyệt vời nhất. Tại sao người ta cứ phải muốn nói thật nhiều, tranh cãi thật nhiều, luôn luôn ưa thích đánh giá, phê bình, tại sao lại cứ phải lãng phí thời gian của mình như thế, đa phần họ không biết phiền não có mặt là do chính họ tự bỏ tù họ thôi, tại sao không thể trở về lắng nghe tiếng nói của chính mình?

  Trong Kinh có câu: “Làm sao vui cười, có gì thích thú, khi ở trong cõi đời luôn luôn bị thiêu đốt. Ở trong chỗ tối tăm bưng bít sao không tìm tới ánh quang minh”. Vậy “nơi ánh quang minh” nói đến trong đây là ở đâu? Thiết nghĩ nơi ánh quang minh ở đây không phải là một nơi chốn hoàn mĩ, mà hàm ý là ở trong mình đây, mỗi người hãy quay về với chính mình mà đối diện với phong ba cuộc đời. Quay về với bản tánh chân thật để thấy sự trôi chảy của chân lý muôn đời. Trở ngại lớn nhất của mỗi người đâu phải nằm ở những tác động bên ngoài, mà trở ngại lớn nhất chính là nằm ở chỗ tâm bất thiện. Vấn đề sinh khởi ở đâu thì cũng chỉ tại đó mới tìm được đáp án cho mọi vấn đề. 

Sống giữa cuộc đời để có thể đứng vững với những sự lựa chọn, với sự đấu tranh lý trí giữa một bên là mong muốn của mình và những kỳ vọng của người người xung quanh thì tốt nhất là tin vào những cảm giác của chính nội tâm mình. Hơn cả là những trạng thái khổ đau, cùng cực, chính tại đó, nơi tưởng như bùn lầy mà lại là môi trường tốt để hoa mọc lên thơm ngát, kỳ lạ làm sao nơi tận cùng thường là nơi sự sống trổi dậy. Chân lý thì chỉ có một, ai thực hành tâm, thể nghiệm  chánh kiến, hiểu biết đúng về nhân quả, sống đúng với chân thiện mỹ người đó mang một vẻ đẹp tuyệt vời. Vẻ đẹp của sự trưởng thành, của việc chịu đựng được sự đau đớn vỡ vụn từ bên trong trước khi tung cánh giác ngộ cuộc đời.  

Một khu vườn đẹp chưa chắc đã là khu vườn ngăn nắp, trong cái tưởng như lộn xộn ngổn ngang mà lại trật tự, vì thế mà nó đẹp, đẹp vì mang theo trật tự của tạo hóa. Cũng vậy, sự nhẹ nhàng và thư thái không phụ thuộc vào sự an tịnh của thân tâm, mà tỉnh thức để thản nhiên đi tiếp trong sự an tịnh mà không bị dính mắc, đó mới thực sự là đang đi đúng hướng. Làm được điều này là một chiến thắng lớn vì sự tĩnh lặng này chính là biểu hiện của những cay đắng, nghịch cảnh bởi có điều gì tệ hại hơn là dậm chân tại chỗ với cái thỏa mãn, hài lòng không có thực đâu cơ chứ.

Những gì đang diễn ra trong hiện tại không giống sự thể hiện của cái đã qua, càng không có những tính chất như mình sẽ nghĩ trong tương lai, mỗi một điều xuất hiện đều là một sự mới mẻ cả. Cuộc sống quả là thiếu thú vị nếu như cái gì cũng diễn ra như ý, mà không có cái gì diễn ra như thế cả, bởi bản chất cuộc đời là thế, luôn luôn thay đổi dù muốn hay không.“Nếu chẳng một phen xương thấm lạnh - Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương!”, và khi thấy điều ấy rồi, thì lên đường mà đi thôi.

Màu vàng này, không phải của riêng con, của riêng ai mà là của chung tất cả mọi người. Ai cũng có gam màu cao quý đó trong mình như những bông hoa tuyệt sắc tròn vẹn nhưng tiếc thay những bông hoa đó lại thật khó khăn để vươn lên khoe sắc bởi chính sự tàn phá của giông tố nội tâm.

Thành tựu không phải là đứng trên núi cao, dám nhìn xuống dưới để hiểu điều gì đã làm nên núi mới là công trình vĩ đại của một đời người, núi ở đây là tâm thức của mỗi người thôi. Rất dễ để cảm nhận được niềm vui khi đạt được điều mình mong muốn, nhưng lại rất khó có thể chấp nhận được khi điều đó mất đi. Đa phần không có can đảm để đương đầu với khổ đau, hơn nữa lại vụng về trong việc kết bạn với hạnh phúc nên cứ chật vật, loay hoay mãi cả cuộc đời. Nếu làm việc gì cũng chỉ mong chóng có kết quả, thì kết quả khi nhận được cũng sẽ tương xứng với độ ngắn của cuộc hành trình, đó là thứ “hạnh phúc” mang bản chất của vội vàng, của tham danh. Mỗi bước uyên nguyên hãy trở về để thấy: “Ồ, HẠNH PHÚC suy cho cùng chỉ là tên gọi khác của KHỔ ĐAU”.

Hãy khoan than vãn rằng: “Tại sao mình lại sinh ra trên cuộc đời này?” Không có cuộc đời nào bên ngoài cả, Ta – chính là cuộc đời đấy thôi! Bất ngờ là thế, mà cũng thật sâu sắc là thế.

Đừng đợi hạnh phúc ở cuối con đường, người ta thường nuôi dưỡng một ảo tưởng sẽ bắt gặp ánh sáng nơi cuối chân trời nhưng chân trời làm gì có thật! Đừng sống với những điều mơ tưởng giả dối nữa. Hãy dừng lại những tạp niệm, những tạo tác lăng xăng, những ham muốn trở thành, dừng lại để thấy mình đang tự hát những khúc ca yên bình. Nhưng cũng chớ hiểu dừng lại là một động từ ám chỉ hành động nơi bước chân, mà thực chất dừng lại có nghĩa là thấy rõ, thấy rõ mình với xung quanh ra sao, thấy rõ mình với chính mình như thế nào, thấy rõ trong mình vốn đã có hạt giống của những bông hoa mai thanh cao và tinh khiết rồi.

Đạo Phật là khôi phục lại tất cả những gì đã có sẵn thôi. Trong mỗi người có đủ những tinh hoa của vũ trụ, có đủ tất cả những gì để xây nên một cuộc sống dễ thương và hạnh phúc đấy! 

 

 


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024