Bửu Long những ngày Hạ

Khói chiều, con thích cái khung cảnh mờ mờ ảo ảo ấy. Cả mùi của nó nữa, mùi khói, nghe thì lạ, ai mà đi thích cái mùi ấy, thế mà con lại mê mẩn, một thứ mùi mang hương vị của quê hương, có thể khiến ta bồi hồi, xao xuyến, và cả một chút nhớ nhung đến da diết. Và đôi khi nhớ là nhớ những cái mơ hồ chẳng biết gọi tên, nhưng sao vẫn đẹp lạ kỳ bởi cái sự không chắc chắn ấy.

Nhìn kỹ hơn, con thấy trong khói còn có bóng dáng đôi vai gầy của Mẹ, bởi thế mà mỗi lần nhìn khói, khóe mắt khẽ cay cay. Khói dễ làm cho người ta hoài niệm lại những điều quen thuộc, thân thương và ấm áp như thế.

Trong khói có bình yên, bình yên lắm, nhưng không phải thứ bình yên trong những tác phẩm hội họa, bình yên này là bình yên được nảy nở trổi dậy một cách mạnh mẽ trước sự đi lên của con người trong làn khói nhân sinh, trong sự nhọc nhằn tần tảo hy sinh của Mẹ để cho những đứa con mọi điều tốt đẹp nhất.

Khói chiều chúm chím nụ cười Mẹ
Chiếu rạng nơi con tháng ngày tàn
Con nguyện một lòng khắc ghi sâu
Bằng trái tim nhỏ bé đã lên đường
Để mỗi bước chân đi là mãi mãi trở về 

Ngồi trong phòng một mình, mắt con nhòa đi, nấc lên tiếng gọi Mẹ, gọi cha.  Một cảm xúc rất khác lạ, một sự xúc động có thể khiến bờ vai rung lên, nhẹ nhàng và sâu lắng như đang cảm lại từng chút một, từng chút một tiếng hát ru ngày nào: “Bé con, con may mắn lắm đấy, con có biết không?” Lớn lên chút, con bắt đầu hiểu một cách sâu về hai từ may mắn đó. May mắn thực sự là được gặp chánh pháp, là có thể mỉm cười hồn nhiên trước việc được sinh ra trên đời này. Một cơ hội để sử dụng thân đang mang từng giây từng phút khám phá sự thật mà không phụ thuộc vào những điều kiện bên ngoài nào để cảm thấy đau khổ hơn hay hạnh phúc hơn. Chân lý không ở cuối con đường, chân lý ở con đường con đang đi.

“NHƯ” một con đường...

Như một con đường, có một con đường vô cùng tuyệt vời như thế. Chỉ là chúng ta có thể ngờ được rằng là mình đã đi, hay có đủ dũng cảm để ngoảnh đầu lại rồi trầm trồ ngạc nhiên: “Ồ, hóa ra đường dài hay ngắn có hay không, vui buồn chen ngang có nặng lòng, chẳng là gì cả, chỉ là gì cả - khi thái độ, cách nhìn  ra sao?” Có đến rồi có đi, đi mãi chẳng đến là khổ, đến rồi chưa thỏa mãn càng khổ hơn. Không có gì là quan trọng cả, đến đâu, và đi đâu. Đến đâu để lẩn trốn mình, đi đâu để xa cách mình hơn. Ngay đây và bây giờ, đến đi tan biến cả, vì đã đến - cũng đã đi ngay tích tắc đó rồi, thấy không?

Như một con đường, nhờ khổ mới thành người, khi thấy ra cái khổ, lạc ngay đó biểu hiện. Ở đời, một chữ “chọn” có thể giết dần giết mòn một con người. Có nhiều lựa chọn có thực đem đến niềm vui. Chọn gì đây khi tốt xấu, hay dở cùng chung một hình tướng. Con mắt mê mờ tham lam với những lựa chọn, lựa chọn và lựa chọn, nay xin lựa chọn đối diện với tất cả để không còn phải lựa chọn nữa. Một hôm kia, trên đường từ sân bay về chùa, nhìn dòng người tấp nập, ngược xuôi dưới cơn mưa lớn, ôi, con thấy cả Đức Phật tủm tỉm cười qua những khuôn mặt khắc khổ, lam lũ mưu sinh hối hả! Tự hỏi, trong cõi đời trầm luân tươi đẹp này, nụ cười thực sự đó không phải là cái gì xa lạ và khó hiểu, cốt cách ấy thể hiện rõ rệt nhất qua cơ trí gan dạ trong những phiền não, khổ đau khi làm người thôi vậy.

Như một con đường, là để đi tìm chính mình. Chính mình mang một vẻ đẹp nguyên sơ lắm, nguyên sơ lại tỏa sáng, chứ không bị che lấp bởi những ảo tưởng cho rằng phải“trang trí” lên những thứ lý tưởng để cảm thấy giá trị hơn. Khi bắt gặp được con người ấy trong tâm sẽ thấy chẳng có gì huyền bí, cao siêu, một phép màu hô biến gì cả, mà sẽ vỡ òa hạnh phúc khi nhìn thấy một vị Phật sáng ngời, thực sự giản đơn, bình thường đến không ngờ. Chỉ đơn giản rằng con đường này là con đường trở về là chính mình, một người xả bỏ đi được những tính xấu xa, những mê mờ che lấp vốn được đem đến trong cuộc đời như những thử thách để giác ngộ, giác ngộ sự thật. Con người, suy cho cùng đi một vòng, đến cuối cùng cũng chỉ mong một điều là có thể sống thật với chính mình. Đưa bản thân trở về với nó như nó là, thật thú vị nhưng cũng thật hài hước, vốn “như nó là” đã rất đẹp, nhưng lại đi tìm chính cái “sẵn nó là”, đôi khi cứ mải miết như vậy mất cả một đời. Khi có thể trở về “tự nhiên, giản đơn” trong tâm hồn há chăng cũng là một loại “thần thông” mà ta không thể tin!

 

 

Như một con đường, có phải làm gì đâu. Kỳ diệu lắm “không làm gì”, chính là một“động từ” đặc biệt. Không làm gì cả ẩn chứa một bí mật rất sâu, chỉ với cái thấy trong lành, trọn vẹn quan sát, để có thể sống với trạng thái ban đầu, nơi mọi thứ tự nhiên đang diễn ra với đúng giá trị mà không có gánh nặng của tưởng tượng, suy diễn xen vào. Không cố gắng loại bỏ đi điều gì, đó là bình thản. Không cố gắng thêm vào điều gì, đó là tự do.

Như một con đường, vui cười trải nghiệm bằng chính trái tim này. Có sẵn những sắc màu tuyệt đẹp nhưng mỗi người phải tự tô lấy bức tranh của riêng mình. Không ai có thể sao chép bức tranh của ai, nhưng cũng sẽ thật đáng tiếc khi quá lo lắng trước vấn đề mình không có khả năng vẽ bức tranh của riêng mình. Chấp nhận và không có bất cứ một sự bất mãn nào với bản thân, với xung quanh, thế là bức tranh tự động được điểm những nét vẽ chân thực, giản đơn và đẹp đẽ hơn bao giờ hết.

Có lần, con xem một bức ảnh, trên bức ảnh đó là một vị tu sĩ ôm bình bát đi khất thực  ngang qua một đường ray tàu hỏa. Con cứ ngắm nhìn một lúc, đó quả là một bức ảnh rất đẹp và đặc biệt nữa. Nếu có một bức ảnh khác, vị tu sĩ đi song song với đường tàu thì có lẽ nó đã là chuyện khác. Bức ảnh trước mặt con, không ai cố tình sắp xếp, nhưng nó lại rất thú vị. Con đường tu tập thật không bằng phẳng, nhưng ta có thể khiến bước chân của mình trở nên nhẹ nhàng hơn. Và có những khi ý nghĩa cuộc đời không phải là điều gì thật lớn, không phải ở chỗ cố chấp đến cùng với một điều gì đó. Mà chính là trên con đường mình đang đi, bất cứ lúc nào thấy có dấu hiệu sai, mỉm cười bước ra để đi một đường khác, thêm một bước chân, không làm cho con đường trở nên xa hơn, mà ngược lại làm cho ta trưởng thành hơn.

Có những con đường mình tự thấy, thấy niềm tin sáng ngời dưới chân này, đó không phải là một thứ gì đó dai dẳng hay giống như là mong đợi vào một viêc làm có kết quả, niềm tin chỉ đơn giản là không cố gắng trong việc kiểm soát bất cứ điều gì cả, không cưỡng ép theo ý riêng của mình thôi. Đâu cần phải như thế vì có một sự sắp xếp vô hình rất trật tự đang được diễn ra rồi.

Con cũng có những ước muốn của riêng mình, nhưng cái muốn đó chẳng hề làm con mệt mỏi hay chịu áp lực gì cả. Để sống thật sự có ý nghĩa với một điều gì đó, thì phải muốn cái đó, muốn cho thật nhiều, muốn thật mãnh liệt. Với con – đó là một dạng sức mạnh. Muốn thật nhiều chỉ đơn giản là muốn nói đến một thái độ rộng mở, không bám vào gì cả, trọn vẹn với việc đang làm, khác xa với một thái độ tiêu cực, gấp gáp, mau mau muốn biết cái đang làm sẽ thành gì? Thực tế hiện tại thực sự đang như thế nào mới thật hay, thôi không phải thứ tưởng rằng sẽ là, hay nghĩ rằng nó sẽ là…

Và, như một con đường, có thể lắng nghe, kiên nhẫn với chính bản thân này thì chẳng còn con đường nào nữa. Vì ơ kìa, nơi đâu cũng là đường rồi. Con đường nhìn nhau vui cười, nhìn đời vui cười, cười lên vì chân lý đơn giản là thực tại mà thôi.

Cuối cùng, con cảm được trên con đường này có một thứ hương thơm đặc biệt, hương thơm của hai chữ “Báo hiếu” một cách dịu ngọt mà thiêng liêng. Phải chi đâu cần chờ đến lúc thấy ai ai cũng cài trên mình bông hồng mới bồi hồi xúc động ngày Vu Lan, giờ đây con không cần phải cài lên áo một bông hồng mới nhớ về Cha Mẹ, con nghe trong từng bước chân là cả một sự tri ân lớn, có in sâu cội nguồn yêu thương mới có những bước chân con từng ngày thêm mạnh mẽ. Và lúc nào con cũng có đây rồi, những gói quà đôi khi còn vụng dại ví là những trải nghiệm của con, rồi khi Cha Mẹ mở quà ra, bên trong đó là một món quà đặc biệt nhất trên đời, đó chính là “Hạnh phúc” của con đấy!

BỬU LONG, MÙA AN CƯ ĐẦU TIÊN!

 


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024