• Đạo sư - Nhà giáo dục chân chính
  • Tác giả: Krishnamurti

Đạo sư
Hỏi:
-- Thưa ông, trong chữ guru (đạo sư), thì chữ gu có nghĩa là bóng tối của sự ngu dốt và chữ ru có nghĩa là người gỡ bỏ, người xua đuổi. Do đó, guru là ánh sáng xua tan bóng tối của sự ngu dốt, và ông chính là cái ánh sáng đó đối với tôi bây giờ. Vậy thì theo ý ông, vai trò của vị đạo sư (guru) là gì, một vị thầy hay là một người tỉnh thức?
Đáp:
-- Thưa ông, nếu ông dùng từ guru theo nghĩa cổ điển, nghĩa là "xua tan bóng tối của sự ngu dốt", vậy thì liệu rằng có thể có một người nào đó, bất kể là sáng suốt hay ngu xuẩn, có thể thực sự giúp xua tan cái bóng tối này cho ai không? Giả tỉ như anh A là kẻ ngu tối, và ông là đạo sư của hắn -- đạo sư với cái nghĩa là người xua tan bóng tối, người mang gánh nặng giúp cho người khác, người chỉ đường -- liệu rằng vị đạo sư như thế có thể thực sự giúp cho kẻ khác được không? Hoặc là hơn thế nữa, vị đạo sư có thể xua tan bóng tối cho kẻ khác, -- không phải là lý thuyết suông, mà là trên thực tế không? Có thể nào ông, nếu ông là một vị đạo sư của ai đó, ông có thể xua tan bóng tối cho hắn không? Biết rằng hắn đau khổ, bối rối, thiếu sáng suốt, thiếu tình yêu, buồn bã, liệu ông có thể giúp hắn xua tan được cái bóng tối đó không? Hay là chính bản thân hắn phải cật lực ra mà tự giải thoát? Ông có thể chỉ cho hắn, ông có thể nói: "Nhìn, hãy bước qua cái cửa kia đi", nhưng mà bản thân hắn phải làm trọn công việc từ đầu cho đến cuối. Cho nên, nếu ông công nhận rằng người này không thể làm giúp người khác cái công việc đó, thì quả thật ông không phải là đạo sư theo cái nghĩa kể trên.
Hỏi:
-- Này nhé, đây là chuyện "nếu"... "nhưng mà"..., vậy thì "nếu" như có cái cửa ở đó, tôi phải bước qua. "Nhưng mà" cái sự ngu tối này nó khiến cho tôi không nhìn thấy cái cửa ở chỗ nào. Vậy thì ông, do sự chỉ ra cái cửa, đã gỡ bỏ được sự ngu tối.
Đáp:
-- Nhưng mà chính đương sự phải bước. Ông là đạo sư và ông chỉ ra cái cửa. Công việc của ông đến đây là chấm dứt.
Hỏi:
-- Tuy nhiên, bóng tối của sự ngu muội đã được gỡ bỏ.
Đáp:
-- Không, công việc của ông đã chấm dứt, nay là lúc chính tôi phải đứng lên, bước, và làm tất cả mọi chuyện tiếp theo.
Hỏi:
-- Vậy là tuyệt rồi!
Đáp:
-- Cho nên không phải là ông đã xua tan cái bóng tối của tôi.
Hỏi:
-- Xin lỗi, vậy chứ tôi không biết làm sao mà thoát ra khỏi được cái phòng này. Tôi hoàn toàn mù tịt về sự có một cái cửa đang hiện hữu ở đâu đó, và vị đạo sư đã cởi bỏ sự ngu tối ấy cho tôi. Nhờ vậy, tôi mới làm được những việc cần thiết để thoát ra khỏi căn phòng.
Đáp:
-- Thưa ông, xin nói cho rõ. Ngu tối là sự thiếu hiểu biết, hay là thiếu hiểu biết về bản thân, không phải là đại ngã hoặc tiểu ngã. Cái cửa là cái "tôi" mà qua nó, tôi phải tiến. Cái đó không phải ở ngoài "tôi". Đó không phải là cái cửa thực sự như cái cửa sơn kia. Đó là cái cửa trong tôi mà tôi phải đi qua. Ông chỉ nói: "Làm đi".
Hỏi:
-- Đúng thế.
Đáp:
-- Nhiệm vụ đạo sư của ông đến đây là đã chấm dứt. Ông không còn quan trọng nữa. Tôi không choàng vòng hoa quanh đầu ông. Tôi phải làm mọi việc. Ông không xua tan được bóng tối của sự ngu dốt. Ông đã, đúng hơn, chỉ ra cho tôi rằng: "Anh là cái cửa, và anh, chính bản thân anh phải tự bước qua.”
Hỏi:
-- Nhưng mà thưa ông, ông có công nhận rằng sự chỉ ra cái cửa đó
là cần thiết không?
Đáp:
-- Có chứ! Tôi chỉ ra, tôi làm điều đó. Tất cả chúng ta đều làm điều đó. Tôi hỏi một người bộ hành trên đường: "Xin chỉ cho tôi đường nào đi tới Saanen" và hắn ta chỉ cho tôi. Nhưng tôi không bỏ thì giờ ra để mà cung kính: "Trời ơi! Ông là nhân vật vĩ đại nhất thế giới". Thật là quá con nít!
(Trích The Awakening of Intelligence)

NHÀ GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH
Để là một nhà giáo dục đúng nghĩa, vị thầy phải luôn luôn tự thoát ra khỏi tình trạng lệ thuộc vào sách vở, phòng thí nghiệm; phải luôn luôn coi chừng sao cho đệ tử của mình đừng coi mình là người điển hình, là mẫu người lý tưởng, là người có thẩm quyền đối với hắn. Nếu vị thầy lại muốn tự thỏa mãn qua đám học trò, coi thành quả của họ là của mình, thì khi đó sự dạy dỗ của vị thầy chỉ còn là một kiểu của thói "tiếp nối bản ngã", điều đó chỉ làm hại cho sự tự tìm hiểu và tinh thần khai phóng của người học trò mà thôi. Nhà giáo dục chân chính phải nhận thức được tất cả những chướng ngại này để giúp cho học trò của mình được giải thoát, không chỉ giải thoát khỏi sự khống chế của vị thầy, mà còn giải thoát khỏi sự gò bó tiềm ẩn từ trong nội tâm của chính đương sự.
Đáng tiếc thay, khi phải tìm hiểu một vấn đề rắc rối, phần lớn các nhà giáo đã không coi học trò như người cộng sự bình đẳng. Từ vị thế thượng phong, vị thầy hạ lệnh xuống cho kẻ đệ tử đứng mãi tít phía dưới thấp. Tương quan thầy trò kiểu này chỉ làm tăng sự sợ hãi cho cả hai phía. Cái gì đã tạo nên sự tương quan bất bình đẳng này? Phải chăng vị thầy ngại tìm ra câu trả lời? Phải chăng ông ta muốn giữ cái khoảng cách tôn nghiêm ấy để bảo vệ những điểm nhạy cảm, là sự quan trọng của ông ta? Với cái thói lạnh lùng trịch thượng này, không có cách nào người ta có thể phá vỡ bức tường ngăn cách giữa các cá nhân.
Toàn bộ mối tương quan phải là một nền giáo dục hỗ tương. Nếu nhờ vào kiến thức, thành quả và tham vọng mà nhà giáo tự cách ly thì sẽ chỉ sản sinh ra lòng đố kỵ và thù địch. Nhà giáo dục chân chính phải vượt qua được bức tường bao vây này.
Do sự dâng hiến cuộc đời cho tự do và hòa hợp, nhà giáo dục chân chính đồng thời cũng là một nhà tôn giáo chân chính và sâu sắc. Ông ta không thuộc về một giáo phái nào, không đứng trong một "tổ chức tôn giáo" nào. Ông ta thoát ra khỏi tín ngưỡng và nghi thức lễ lạc, vì ông ta biết rằng đó chỉ là những sáng tác do ảo tưởng của những con người mang cái tâm mong cầu mà thôi.
Nhà giáo dục chân chính biết rằng Thực Tại, hoặc Thượng Đế chỉ thể hiện qua sự tự cảm nhận của một nội tâm hoàn toàn tự do và giải thoát.
(Krishnamurti -- Education & the Significance of Life)


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024