• Những cơn mưa tháng Chín
  • Tác giả: Chơn Hữu

1.      

Bất cứ khi nào và ở đâu cũng vậy, mỗi khi nghĩ về Ngài Cố Tăng trưởng Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam tôi đều thấy tâm mình dâng lên một niềm hoan hỷ diệu vợi… Một hình ảnh, một tấm gương mà suốt cả cuộc đời tôi sẽ vẫn luôn ngưỡng mộ và kính phục.

Trời lúc này đã sang tháng mười một. Những cơn mưa buốt giá vẫn phủ xuống đất Huế như còn vương nỗi tiếc thương trước sự ra đi của Người về nơi cõi vĩnh hằng.

“Điều gì thuộc về trái tim thì sẽ còn mãi giữa lòng người!” Vâng, điều ấy là sự thật mà bất cứ ai cũng đều cảm nhận.

Bao nhiêu cuộc đời đức hạnh đã đi qua nơi trần gian giả tạm này, mỗi người ra đi đều để lại một cái gì đó cho những người ở lại. Ngài cũng vậy, đã đi xa nhưng đã để lại cho chúng tôi, những người tu Phật, một gia sản vô ngôn nhưng vô vàn quý giá; cũng như những chân lý luôn biểu hiện nơi những gì bình thường nhất vậy.

2.

Cũng những cơn mưa, những mùa mưa, những sáng trời mưa gió - mưa Huế thật lạnh. Ngài với tam y mỏng manh và bình bát trên tay, không quản nắng mưa, khất thực gieo duyên khắp nơi; cũng đủ là một hình ảnh mà ai đó đã được cúng dường để bát cho Ngài, dù chỉ là một lần thôi, cũng sẽ được tăng thêm tín tâm bội phần nơi Tam Bảo, và đã tạo thành một thiện nghiệp vô cùng mãnh liệt để tái sanh vào thiện cảnh. Ngài đã âm thầm đi bát gần 50 năm như thế thì đã có biết bao chúng sanh được nương nhờ thiện quả nơi ruộng phước của Ngài.

Với tứ vô lượng tâm, với suối nguồn Giáo Pháp giác ngộ, và với những bước chân chánh niệm lặng lẽ, Ngài đã hiện thân đích thực của một vị “Sứ giả Như Lai” đã thành tựu việc đưa dòng “Đạo sống uyên nguyên” vào với cuộc đời cùng với hạnh nguyện đầu đà khất thực mỗi ngày. Ngài đã phục vụ chúng sanh cho đến hơi thở cuối cùng: đem đạo vào đời, đem chân lý giác ngộ cao cả phổ cập vào nhân gian chứ không phải là hình thức lễ nghi, danh từ, chủ nghĩa sáo rỗng hoặc khoác màn thần bí linh thiêng để chứng tỏ mình cao siêu, cao thượng hơn thiên hạ.

Con người ai cũng có tên cùng danh xưng. Riêng Đức Cố Tăng trưởng không cần đến danh xưng, nhưng nói đến việc sáng nào cũng đi khất thực thì hầu như ai sống nơi đất Thần kinh này đều biết đến Ngài. Là một Đức Tăng thống của Phật giáo Nam Tông mà Ngài chỉ là một người bình thường giản dị như chúng ta! Nói rõ, Ngài chỉ là một người sống đúng theo Chánh Pháp giác ngộ! Ngài đã giác ngộ bản thân, giác ngộ đời sống, giác ngộ tự trong lòng thế gian chứ không phải ở đâu khác, ở cảnh giới nào khác.

Lúc Ngài nằm xuống, hàng chục vạn người đã đến, họ đã khóc; những giọt nước mắt không phải đau đớn, mà bởi vì từ đây họ không còn cơ hội tu học, tạo phước, gieo duyên nơi Ngài nữa.

Khi Ngài còn tại tiền, ai cũng thấy Ngài thật gần gũi. Chính nhờ nơi sự chứng ngộ thầm lặng, nơi sự an lạc và thanh tịnh nội tâm, nơi một đời sống giản dị, trong lành và thanh thoát ấy mà bất cứ lúc nào chư thiện tín cần gặp đều được gặp. Nắng, Mưa, Khuya, Sớm. Hễ ai có điều gì bất an đến thỉnh Ngài về nhà tụng kinh chú nguyện, Ngài đều hoan hỷ nhận lời.

Khi Ngài nằm xuống, mọi người càng cảm thấy Ngài gần hơn. Trong mọi ánh mắt, lời nói và những hành động hòa hợp trong tang lễ Ngài đã nói lên điều ấy. Ngài không ra đi, Ngài vẫn còn đó. Hình ảnh cao quý thanh khiết của Ngài sẽ còn mãi trong không gian, trong trái tim trân trọng của tất cả mọi người.

3.

Ba mươi ba tuổi, gần một nửa đời người, còn mãi quẩn quanh trong vòng niệm, tôi có cảm tưởng như lòng mình đã bị đông cứng bởi rừng danh từ, ngôn ngữ và khối không – thời – gian mênh mông chế định… cho đến hôm nay, hình ảnh đi bát gần 50 năm và một đời sống đạo hạnh trong lành của Ngài đã làm cho tôi tỉnh ngộ. Khối ảo tưởng như rạn vỡ… Niềm cảm xúc dâng lên dạt dào! Chân lý không nằm nơi sách vở vô tri và khô chết mà là nơi những gì đang là; nơi từng hơi thở, nơi từng bước chân thong dong vào xóm làng khất thực của Ngài vậy!

Chúng ta là đệ tử của Đức Phật, đi theo Con đường Vô thượng của Ngài thì chúng ta phải noi theo gương sáng của Đức Cố Tăng trưởng!

Hãy sống, thở, ăn nói, làm việc, đi đứng… trong tương quan với mọi người, phải thường trực có ánh sáng giác ngộ chiếu soi! Phải nhìn ngắm cho rõ những tham vọng, mưu cầu, toan tính… nhỏ bé, chật chội của bản ngã! Bản ngã thường đánh lừa, đánh tráo, biện minh, xảo ngôn…” Đó chính là lời nói mà Đức Cố Tăng trưởng dường như muốn nói với chúng ta!

Sáng nay, trên đường khất thực, mưa lay bay. Trong hình hài tứ đại, cũng trên con đường mà trước đây hai tháng Ngài vẫn đi qua; tôi chợt cảm nhận một điều gì đó thật thiêng liêng, như lời của Đức Đại giác từ ngàn xưa còn vang vọng: “Không có ta và không gì là của ta cả”. Bất chợt, tôi thấy rõ mình không thực sự là gì cả, nơi trần gian này, trong hình tướng của một người xin ăn nhân thế.

Mỗi vị tu sĩ đều có riêng một mật hạnh. Nhưng đạo hạnh của Ngài thật sự là vĩ đại. Ngài vừa là đại diện cho hình bóng của Chư Tăng ba thời, vừa không bỏ quên mục đích giác ngộ giải thoát của mình. Chỉ cần vật với một phần nhỏ như đời sống của Ngài, thì chúng ta có thể mãn nguyện khi phủi tay hết cuộc đời nơi cõi thế gian mắt hồng bụi đỏ này.

 

 

 

4.

Có lẽ thành phố Huế là nơi có nhiều chùa nhất trong cả nước. Nhưng duy nhất chỉ có chùa Thiền Lâm, nơi Ngài cư trú, mới có đạo tràng tu gieo dyên với Pháp đầu đà từ thời Đức Phật để lại. Cứ đến những ngày lễ chính là chư thiện tín vân tập về đây, tu tập đầu đà, ngăn oai nghi nằm và hành thiền dưới sự dẫn dắt của Ngài.

Trong mỗi chúng ta, những đệ tử Ngài. Ai cũng có nhiều kỷ niệm về Ngài. Nhớ những đêm được thọ đầu đà cùng Ngài. Những lần được tiếp kiến, đảnh lễ Ngài, là phát sanh niềm hoan hỷ trong suốt mấy hôm liền. Ngài luôn chú ý đến những hạnh phúc tinh thần của chúng sanh, lấy đó làm công việc của mình.

Ngài đúng là một vị “ẩn sĩ tịch tịnh giữa cuộc đời”, như trong bài kinh “Giới phân biệt” trong Trung Bộ Kinh III. Chính nhờ tâm thanh tịnh biết quên mình đi của Ngài, mà mọi người đã cảm nhận được Chánh Pháp luôn hiện hữu giữa muôn màu vẻ của những hình thức giả tạo và hư dối. Thật đúng như lời của một vị thiền sư đương đại: “Chân lý, dù người ta có chà đạp xuống tận bùn sâu thì luôn vẫn là chân lý. Tà kiến, dù có tán dương lên tận mây xanh thì muôn đời vẫn là tà kiến!”

5.

Mọi người trong Hệ phái Phật giáo Nam Tông đều tiên liệu trước sự ra đi của Đức Tăng trưởng trong năm 2002 này, vì một lời nguyện trước đây của Ngài. Đầu năm 2002, Chư Tăng và Phật tử trong Hệ phái đã tổ chức lễ mừng thọ và cung thỉnh Ngài xã bỏ lời nguyện cũ để trụ thế thêm cho mọi người được nương nhờ. Buổi lễ ấy được tổ chức rất cung kính tại Thiền Lâm tự. Tôi thật diễm phúc được có mặt trong buổi lễ ấy. Hôm đó là một ngày mùa xuân thật đẹp. Ngài ngồi giữa Chư Tăng, nhỏ bé và khiêm tốn nhưng uy nghi và an tịnh một cách lạ lùng! Sau khi một vị Sư cao hạ thay mặt Chư Tăng, ba lần đọc lên lời thỉnh nguyện, Ngài im lặng, hiền dịu với nụ cười. Tất cả Chư Tăng đều thành kính và nhất tâm như một khối núi đá, đọc kinh vang lên như hải triều âm. Ngay lúc ấy, tôi chợt có linh cảm đây là lần mừng thọ cuối cùng của Ngài. Thấy vọng tưởng của mình thật dễ sợ, tôi vội niệm chín hồng Ân Đức Phật, cầu xin Chư Phật chứng minh và gia hộ cho Ngài thêm nhiều tuổi thọ; cầu xin cho lời thỉnh nguyện của Chư Tăng được thành tựu,… Vậy mà, không ngờ! Hỡi ôi!

6.

Tin Ngài mất đến vào buổi sáng. Lúc ấy tôi đang ngồi họp ở UBND xã, và thật bất ngờ. Điện thoại của Sư thúc reo liên tục, cuộc họp về nhà đất cũng vừa xong. Sư thúc tôi sau khi nhận tin, quay qua tôi, giọng nguời thật điềm tĩnh: “Ngài đi bát, bị tai nạn giao thông. Ngài mất rồi. con hãy vào núi báo tin cho thầy con biết, sư thúc lên Thiền Lâm trước”. Tôi choáng váng như không tin vào tai của mình. Nhưng nhìn nét mặt của Sư thúc, tôi biết mình không nghe nhầm. Lúc ấy, cảm xúc của tôi thật khó tả, sợ mình không làm chủ được vì quá xúc động, tôi vội chánh niệm tâm của mình. Rời khỏi UBND xã Hương Hồ, tôi vội chạy xe về núi để báo tin cho Sư phụ. Khi xe qua khỏi những nơi có người, giữa rừng núi mênh mang… bao nhiêu hình ảnh thân thương của Ngài hiện ra trong tâm. Nước mắt đã rơi xuống như mưa… tôi cứ để mình khóc tự nhiên. Nhớ lần cuối, gặp Ngài trước đó hai hôm, khi đi trai tăng ở nhà một Phật tử, Ngài vẫn với nụ cười trẻ thơ khi tôi cung kính vái chào Ngài, thế mà... Lên đến núi tôi cho xe chạy thẳng xuống “Tuệ Học Đường” nơi sư phụ đang dạy. Nhìn kiểu tôi chạy xe khác thường, Thầy và cả lớp như đã cảm nhận được chuyện gì đó không hay. Khi tôi báo tin, cả lớp bàng hoàng. Thầy cho dừng buổi học và tức khắc mở cuộc họp cả chùa. Sau đó, tôi chở Thầy lên Thiền Lâm thì đã thấy Ngài nằm đó, vẫn với nụ cười phiêu phất như còn vương niềm hỷ lạc của thiền. Có điều Ngài im lặng, vĩnh viễn từ đây Ngài đi vào cõi im lặng “mặc như lôi”.

  

 

 

7.

Nhục thân Đức Tăng trưởng được đặt trên chiếc giường quen thuộc của Ngài. Từ lúc đưa Ngài từ nơi tai nạn về đây, suốt mười tiếng đồng hồ trước lúc nhập Kim quan, rất nhiều người tự mọi nơi kéo đến khi hay tin. Ai cũng muốn xin vào chiêm bái và đảnh lễ nhục thân Ngài. Vì số lượng người quá đông nên căn phòng để nhục thân Ngài mở bung hết mọi cánh cửa. Khi sống, Ngài không hề từ chối gặp bất cứ ai, từ người cao sang quyền quý cho đến kẻ nghèo hèn mạt vận. Khi Ngài nằm xuống, mấy sư trong Hệ phái cũng không nỡ làm mọi người thất vọng, nên ai nấy đều được tận mắt chiêm bái nhục thân của Ngài.

Thật kỳ lạ, suốt mười giờ trôi qua mà thần sắc của Ngài vẫn hồng hào, trên môi vẫn nở nụ cười hồn nhiên của hài nhi như thường ngày vậy. Tôi cùng mấy huynh đệ nữa được cho phép đứng hầu bên nhục thân của Ngài cho đến lúc nhập Kim quan. Suốt khoảng thời gian ấy chúng tôi ai nấy cũng đều cảm nhận được năng lực định thiền tỏa ra từ nhục thân Ngài.

Dường như sự hiện hữu hay phi hữu trong cuộc đời đau khổ đã từ lâu không còn là điều quan trọng đối với Đức Cố Tăng trưởng. Sứ mạng của Ngài là an nhiên đi qua cuộc đời với một niềm tin bất hoại nơi Tam Bảo với hình hài, thân xác rất đỗi mong manh, vậy mà rất kiên định. Ngài xuyên suốt trong một quãng thời gian dài hoằng hóa Chánh Pháp, bằng mạch sống, bằng thực hành Pháp đầu đà của mình. Có lẽ sẽ khó và hiếm có ai đủ sức kiên định, đại định như Ngài để thực hành lời Phật dạy, nơi thế gian bị vây phủ bởi vô minh và ái dục này.

8.

Tang lễ của Đức Cố Tăng trưởng Hệ phái Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam được tổ chức một cách trọng thể. Một khoảng thời gian rất ngắn, khi vừa hay tin Ngài mất, hai văn phòng Trung ương Giáo hội tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để thành lập BTC tang lễ cho xứng đáng với tầm vóc đức hạnh của Ngài.

Những ngày cử hành tang lễ, trời mưa thật nhiều. Mưa trắng xóa cả thành phố Huế. Mưa như từ lòng đất tuông lên như bày tỏ nỗi tiếc thương của trời đất trước sự ra đi của một nhân cách vẹn toàn: Chân – Thiện – Mỹ.

Những đoàn người xếp hàng dài dằng dặc, nước mắt của những người đến viếng Ngài cũng như những cơn mưa tháng Chín vậy.

Trong những ngày mưa gió tơi bời ấy, con đường dài vào chùa Thiền Lâm lúc nào cũng tràn ngập người và hoa. Những đoàn người kỉnh mộ kiên nhẫn đứng xếp hàng lặng lẽ, chờ đến lượt mình vào thắp nén nhang cúng dường Ngài lần cuối.

Các đài truyền hình trong nước liên tiếp đưa tin. Trên mạng Internet, trong một trang web PG xuất hiện dòng tin buồn từ ngày hôm đầu tiên Ngài viên tịch. Một số Phật tử kể: “Các đài phát tin Đức Tăng trưởng Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam viên tịch suốt cả tuần lễ”; thật đúng như lời kinh Đức Phật đã dạy:

Hương các loài hoa thơm, không bay ngược chiều gió. Nhưng hương người đức hạnh, ngược gió bay khắp muôn phương”.

Những đoàn người về viếng Kim quan Ngài tưởng như không đếm xuể, tuy mỗi người chỉ có một vài phút để vào làm lễ trước Kim quan; thắp một nén nhang, đảnh lễ, để bày tỏ niềm kỉnh mộ của họ đối với người mà họ luôn kính quý. Có người viếng với vòng hoa, có người đem theo những lễ phẩm quý giá, có người đến chỉ với thẻ nhang, có người đến tay không nhưng với tâm thành kính vô hạn. Ngài đón nhận tất cả, như nhau, như khi còn tại tiền Ngài vẫn vậy, luôn rộng mở từ tâm với mọi người. Chưa từng có sự so sánh, phân biệt khoảng cách nào.

9.

Có chứng kiến cảnh người xứ Huế đưa tiễn Ngài, và còn rất nhiều người nữa trong và ngoài nước âm thầm thọ tang và tưởng nhớ, mới thấu hiểu được công đức của Ngài

Ngài đã trở thành người của đại chúng.

Những ngày và đêm trước khi cung tiễn Kim quan Ngài nhập Bảo tháp; những người đến viếng đều được BTC tặng quà Pháp bảo. Đến khi đêm xuống, có rất đông Phật tử thức và phát nguyện thọ đầu đà như lần cuối cùng với Ngài. Trong những đêm ấy, BTC đã cung thỉnh một số Pháp sư đến thuyết pháp, nhờ vậy mà có thêm rất nhiều người được hiểu biết thêm và được gieo duyên với Chánh Pháp. Ôi, quả là suốt một cuộc đời, cho đến khi nằm xuống rồi mà Ngài còn đem lợi lạc đến cho quần sanh!

Sáng sớm ngày 14 tháng 9 Nhâm Ngọ, cả một vùng núi đồi rộng lớn của Thiền Lâm đã đông nghịt người. Ngày hôm ấy trời quang, mây tạnh. Tham dự lễ truy điệu và cung tiễn Kim quan Ngài nhập Bảo tháp, ngoài ban trị sự GHPGVN Trung ương Thừa Thiên Huế còn có rất nhiều vị lãnh đạo cao cấp Tỉnh, TP… Đoàn đưa tiễn chầm chậm đi qua con đường quen thuộc thường ngày. Ngài vẫn đi bát. Nhiều Phật tử tung hoa cúng dường. Hoa bay lả tả khắp cả không gian nơi kim quan Ngài đi qua, như hoa Mạn-đà-la do Chư thiên tung rải cúng dường Đức Thế Tôn tịch diệt Niết-bàn thuở nọ. Tôi chợt liên tưởng đến bài kinh Đại Bát Niết-bàn, trong bài kinh ấy có viết đoạn: “Lúc Thế Tôn sắp sửa tịch diệt Niết-bàn, Ngài Annada có hỏi Đức Thế Tôn:

“Bạch Đức Thế Tôn, chúng con phải lo xử sự thân Xá Lợi Thế Tôn như thế nào?”

“Này A Nan, các con thường lo lắng vấn đề cung kính thân Xá Lợi của Như Lai. Này Ananda, các con hãy nỗ lực, hãy tinh tấn hướng về tự độ; sống không phóng dật, cần mẫn chuyên hướng về tự độ. Này Ananda, có những học giả Sát Đế Lợi, học giả Bà La Môn, những vị này sẽ cung kính cúng dường thân Xá Lợi của Như Lai. Thân Xá Lợi của Như Lai sẽ được xử sự cung kính như một vị Chuyển luân Thánh Vương”. Quả thật vậy, chân lý do Phật dạy luôn vượt thời gian và không gian. Bất chợt tôi nhớ rằng, Đức Cố Tăng trưởng thân yêu của chúng ta cũng xuất thân từ dòng dõi Hoàng tộc.

Hành trạng của Đức Cố Tăng trưởng sẽ không có ngôn từ nào tán dương hết được. Tôi muốn dừng bài viết này với bài thơ như một nén nhang lòng xin thành kính đảnh lễ Giác linh Đức Cố Tăng trưởng Phật giáo Nam Tông Việt Nam với bao niềm kính tiếc.

 

Bước Cha Lành

(Kính dâng Giác linh Ngài)

 

Đầu trần chân đất y vàng

Trên tay bình bát xóm làng gieo duyên

Từ tâm cùng khắp mọi miền

Mắt xanh thế cuộc làm thiền rỗng không

Bước chân từng bước thong dong

Vào miền tập đế Sa môn chạnh lòng

Khất thực chánh mạng nuôi thân

Đã ngàn năm trước trong ngần đường mây.

Huế, mùa đông 2002

Sa di Chơn Hữu

                                                                                                                                                                        Kính bái

 


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024