• Nền Tảng Phật Giáo - Quyển VI

    PHÁP HẠNH BA-LA-MẬT

    (Tập 1)

  • Soạn giả: Hộ Pháp

Tiền Kiếp Và Kiếp Chót Của Ngài Đại Trưởng Lão Aññāsikoṇḍañña

 

*Tiền Kiếp Của Ngài Đại Trưởng Lão Aññāsikoṇḍañña

 

 Trong thời kỳ Đức Phật Padumuttara xuất hiện trên thế gian. Khi ấy, tiền kiếp của Ngài Đại Trưởng Lão Aññāsikoṇḍañña là một đại phú hộ trong kinh thành Haṃsāvatī. Đức Phật Padumuttara cùng với 100 ngàn chư tỳ khưu Tăng ngự đến kinh thành Haṃsāvatī, ông đại phú hộ cùng dân chúng trong kinh thành lũ lượt kéo nhau đến lễ bái cúng dường Đức Phật Padumuttara, rồi nghe Ngài thuyết pháp.

Một hôm, Đức Phật Padumuttara thuyết pháp tế độ dân chúng trong kinh thành Haṃsāvatī, giữa hội chúng, Đức Phật Padumuttara tuyên dương một tỳ khưu chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế đầu tiên, trở thành vị Thánh Đại Thanh Văn đệ tử đầu tiên trong giáo pháp của Ngài, cũng là vị tỳ Khưu đầu tiên có tuổi hạ cao bậc nhất trong các hàng thanh văn đệ tử của Ngài.

 

Khi ấy, ông đại phú hộ, tiền kiếp của Ngài Đại Trưởng Lão Aññāsikoṇḍañña, ngồi nhìn thấy Ngài Đại Trưởng Lão Đại Thanh Văn đệ tử ấy có những đức tính đặc biệt hơn các hàng thanh văn khác, nên suy nghĩ rằng: 

 

 “Ngài Đại Trưởng Lão ấy thật là cao thượng! Ngài là bậc chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế đầu tiên, trở thành bậc Thánh A-ra-hán Đại Thanh Văn đầu tiên trong giáo pháp của Đức Phật Padumuttara, Ngài cũng là vị tỳ khưu đầu tiên có tuổi hạ cao bậc nhất trong hàng thanh văn đệ tử của Đức Phật Padumuttara.

Đối với ta, trong thời vị lai, Đức Phật Chánh Đẳng Giác nào xuất hiện trên thế gian, ta cũng muốn sẽ trở thành vị Thanh Văn đệ tử chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế đầu tiên, sẽ trở thành bậc Thánh Đại Thanh Văn đầu tiên trong giáo pháp của Đức Phật Chánh Đẳng Giác ấy, ta cũng sẽ là vị tỳ khưu đầu tiên có tuổi hạ cao bậc nhất trong các hàng thanh văn đệ tử của Đức Phật Chánh Đẳng Giác ấy, như Ngài Đại Trưởng Lão Đại Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Padumuttara này, thì cao thượng biết dường nào!”

 

Sau khi suy nghĩ như vậy, chờ Đức Phật thuyết pháp xong, ông đại phú hộ ấy đảnh lễ Đức Phật Padumuttara, bạch rằng:

 

- Kính bạch Đức Thế Tôn, kính thỉnh Đức Thế Tôn cùng với 100 ngàn chư Đại Đức Tăng sáng ngày mai ngự đến tư thất của con, để cho con làm phước thiện bố thí, cúng dường vật thực.

 

Đức Phật Padumuttara nhận lời bằng cách im lặng. Biết Đức Phật Padumuttara đã nhận lời, ông đại phú hộ đảnh lễ Đức Phật, rồi xin phép trở về nhà.

 

Về đến nhà, ông đại phú hộ truyền bảo các gia nhân chuẩn bị trang hoàng lộng lẫy chỗ ngồi của Đức Phật Padumuttara cùng 100 ngàn chư Đại Đức Tăng thật trang nghiêm tôn kính, chuẩn bị sẵn sàng các vật thực ngon lành.

 

Đêm đã qua, sáng ngày hôm ấy, ông đại phú hộ đến kính thỉnh Đức Phật Padumuttara cùng với 100 ngàn chư Đại Đức Tăng ngự đến tư thất của ông. Ông đại phú hộ tự tay thành kính cúng dường những món vật thực ngon lành đến Đức Phật Padumuttara và 100 ngàn chư Đại Đức Tăng.

 

Sau khi Đức Phật Padumuttara cùng chư Đại Đức Tăng đã thọ thực xong, ông đại phú hộ thành kính dâng bộ tam y vải tốt đặc biệt đặt dưới hai bàn chân của Đức Phật Padumuttara.

 

 Ông đại phú hộ làm phước thiện bố thí, cúng dường như vậy suốt 7 ngày. Đến ngày thứ 7, ông đại phú hộ thành kính tự tay dâng cúng dường món vật thực ngon lành đến Đức Phật Padumuttara và chư Đại Đức Tăng.

 

Đức Phật cùng chư Đại Đức Tăng đã thọ thực xong, ông đại phú hộ thành kính dâng bộ tam y vải tốt đặc biệt đặt dưới hai bàn chân của Đức Phật Padumuttara và chư Đại Đức Tăng mỗi vị một bộ tam y vải tốt như vậy.

Sau khi làm phước thiện đại bố thí cúng dường xong, ông đại phú hộ đến đảnh lễ dưới chân Đức Phật Padumuttara, rồi chắp hai tay bạch rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, suốt 7 ngày qua, con đã thành kính làm phước thiện đại bố thí cúng dường đến Đức Thế Tôn cùng chư Đại Đức Tăng. Do nhờ phước thiện thanh cao này, con chỉ có ý nguyện mong ước trong thời vị lai, Đức Phật Chánh Đẳng Giác nào xuất hiện trên thế gian, khi Ngài thuyết pháp lần đầu tiên tế độ chúng sinh thì con sẽ là vị tu sĩ vừa nghe chánh pháp xong, liền chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế đầu tiên, trở thành bậc Thánh Đại Thanh Văn đầu tiên trong giáo pháp của Đức Phật Chánh Đắng Giác ấy, con cũng sẽ là vị tỳ khưu đầu tiên có tuổi hạ cao nhất trong hàng Thanh Văn của Đức Phật Chánh Đẳng Giác ấy mà thôi, như vị tỳ khưu chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, trở thành vị Thánh Đại Thanh văn đệ tử đầu tiên trong giáo pháp của Ngài, cũng là vị tỳ khưu đầu tiên có tuổi hạ cao bậc nhất trong các hàng thanh văn đệ tử của Ngài.

Ngoài ra, con không cầu mong gì khác. Bạch Ngài.

 

Ông Đại Phú Hộ Được Thọ Ký

 

Nghe ông đại phú hộ bạch như vậy, Đức Phật Padumuttara dùng tuệ nhãn xem xét quá khứ và vị lai của ông đại phú hộ này, thấy rõ biết rõ ông đại phú hộ hội đủ 2 pháp là:

 

Adhikāro ca chandatā.”

 

1- Adhikāra: Đã từng tích lũy các pháp hạnh Ba-la-mật đặc biệt có nhiều oai lực,

2- Chandatā: Nguyện vọng tha thiết muốn trở thành bậc Thánh A-ra-hán Đại Thanh Văn Giác trong thời vị lai.

 

Cho nên, ý nguyện của ông đại phú hộ này sẽ chắc chắn được thành tựu trong thời vị lai. Do đó, Đức Phật Padumuttara thọ ký xác định thời gian còn lại rằng:

- Này cận sự nam! Trong thời vị lai, còn 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa, Đức Phật Gotama sẽ xuất hiện trên thế gian, lần đầu tiên Đức Phật Gotama sẽ thuyết bài kinh Dhammacakkappavattanasutta: Kinh Chuyển Pháp Luân. Khi ấy, con sẽ là vị trưởng nhóm 5 tu sĩ ngồi lắng nghe bài kinh ấy.

Sau khi nghe bài kinh ấy xong, chỉ có con là vị tu sĩ đầu tiên chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo, Nhập Lưu Thánh Quả và Niêt Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu đầu tiên trong giáo pháp của Đức Phật Gotama, con sẽ là vị tỳ khưu đầu tiên có tuổi hạ cao bậc nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử, con cũng sẽ là vị Thánh Đại Thanh Văn đệ tử đầu tiên trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.”

 

Nghe Đức Phật Padumuttara thọ ký xác định như vậy, ông đại phú hộ cảm thấy vô cùng hoan hỷ vì biết ý nguyện của mình chắc chắn sẽ được thành tựu như ý. Ông đại phú hộ trở thành Vị Bồ Tát Đại Thanh văn Giác cố định, tiếp tục thực hành 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ, suốt khoảng thời gian 100 ngàn đại kiếp trái đất cho được đầy đủ trọn vẹn.

 

Khi Đức Phật Padumuttara tịch diệt Niết bàn, các hàng đệ tử tổ chức làm lễ hỏa táng xong, phần Xá Lợi của Đức Phật Padumuttara còn lại được các hàng đệ tử xây dựng một ngôi bảo tháp to lớn và cao, để tôn thờ Xá Lợi Đức Phật Padumuttara. Khi ấy, ông đại phú hộ tiền kiếp của Ngài Đại Trưởng Lão Aññāsikoṇḍañña là một trong những thí chủ lớn đóng góp xây dựng ngôi bảo tháp tôn thờ Xá Lợi Đức Phật Padumuttara ấy.

 

Từ thời kỳ Đức Phật Padumuttara ([1]) xuất hiện trên thế gian trong thời quá khứ cho đến Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian trong thời hiện tại, có khoảng cách thời gian 100 ngàn đại kiếp trái đất, trải qua 16 Đức Phật Chánh Đẳng Giác theo tuần tự xuất hiện trên thế gian như sau:

 

Đức Phật Padumuttara, Đức Phật Sumedha, Đức Phật Sujāta, Đức Phật Piyadassī, Đức Phật Atthadassī, Đức Phật Dhammadassī, Đức Phật Siddhattha, Đức Phật Tissa, Đức Phật Phussa, Đức Phật Vipassī, Đức Phật Sikhī, Đức Phật Vessabhū, Đức Phật Kakusandha, Đức Phật Koṇāgamana, Đức Phật Kassapa và Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian trong thời hiện tại này.

 

Trong thời kỳ Đức Phật Vipassī ([2]) xuất hiện trên thế gian, tiền kiếp của Ngài Đại Trưởng Lão Aññāsi-koṇḍañña là nhà phú hộ Mahākāla, có người em là Cūḷakāla, có ruộng lúa sāli rộng lớn bao la nhiều mẫu.

Người anh Mahākāla đề nghị với người em Cūḷakāla bảo người làm công lấy một phần lúa sāli đang thời kỳ ngậm sữa, trộn với sữa bò nguyên chất làm cơm sữa kính dâng, cúng dường đến Đức Phật Vipassī cùng chư Đại Đức Tăng, nhưng người em Cūḷakāla không bằng lòng. Cho nên người anh Mahākāla chia ruộng ra làm hai phần, mỗi người mỗi phần ruộng.

 

Người anh Mahākāla bảo người làm công cắt bông lúa trong phần ruộng của mình, thời kỳ đầu ngậm sữa trộn với sữa bò nguyên chất, mật ong, dầu mè và đường thốt nốt làm thành món ăn bổ dưỡng, rồi ông phú hộ Mahākāla kính dâng, cúng dường đến Đức Phật Vipassī cùng tất cả chư Đại Đức Tăng.

 

Điều thật phi thường chưa từng có! Những bông lúa bị cắt làm món đồ ăn ấy, rồi hoàn trở lại như trước, không bị hao hụt chút nào cả.

Đó là lần thứ nhất cây lúa đầu tiên ngậm sữa.

 

Về sau, cứ mỗi lần đến thời kỳ đầu cây lúa sāli tăng trưởng, người anh Mahākāla đều bảo người làm công cắt bông lúa trong thời kỳ đầu ấy làm món đồ ăn bổ dưỡng, rồi kính dâng, cúng dường đến Đức Phật Vipassī cùng tất cả chư Đại Đức Tăng.

 

Như vậy, trải qua 9 thời kỳ đầu cây lúa Sāli tăng trưởng, người anh Mahākāla đều làm món đồ ăn bổ dưỡng, rồi kính dâng, cúng dường đến Đức Phật Vipassī cùng tất cả chư Đại Đức Tăng. 

 

Điều thật phi thường chưa từng có! Cứ mỗi lần đến thời kỳ đầu của cây lúa sāli tăng trưởng bị cắt làm món đồ ăn kính dâng, cúng dường đến Đức Phật Vipassī cùng chư Đại Đức Tăng xong thì cây lúa sāli không giảm bớt mà lại còn tăng thêm gấp bội lần.

 

Những kiếp Vị Bồ Tát Đại Thanh văn giác, tiền kiếp của Ngài Đại Trưởng Lão Aññāsikoṇḍañña tử sinh luân hồi suốt 91 đại kiếp trái đất, kể từ kiếp trái đất có Đức Phật Vipassī đã xuất hiện trên thế gian cho đến kiếp trái đất gọi là Bhaddakappa hiện tại này có Đức Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, những tiền kiếp của Ngài không hề bị tái sinh trong 4 cõi ác giới: địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh; chính nhờ thiện nghiệp ấy chỉ cho quả tái sinh trong trong các cõi thiện giới: cõi người và các cõi trời mà thôi.

 

Những tiền kiếp của Ngài đại Trưởng Lão Aññāsi-koṇḍañña đã cố gắng tinh tấn thực hành, bồi bổ 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ cho đến kiếp chót được đầy đủ trọn vẹn.

Kiếp Chót Của Ngài Đại Trưởng Lão Aññasikoṇdañña

Trong kiếp trái đất Bhaddakappa này, khi Đức Phật Gotama chưa xuất hiện trên thế gian, kiếp chót của Ngài Đại Trưởng Lão Aññāsikoṇḍañña sinh trong gia đình đại phú hộ tại xóm nhà Bà-la-môn Doṇavatthu gần kinh thành Kapilavatthu, tên là công tử Koṇḍañña.

 

Khi công tử trưởng thành, cha mẹ gởi công tử Koṇḍañña theo học các bộ môn theo truyền thống Bà-la-môn đặc biệt về bộ Mahāpurisalakkhaṇa, bộ môn xem tướng của bậc đại nhân.

 

Khi ấy, Đức Bồ Tát thiên nam Setaketu, tiền kiếp của Đức Phật Gotama chuyển kiếp (chết) từ cõi Tusita (Đâu suất đà thiên), với đại quả tâm thứ nhất làm phận sự tái sinh kiếp chót trong lòng bà Chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī của Đức vua Suddhodana, vào canh chót đêm rằm tháng 6 (âm lịch).

 

 Đúng 10 tháng, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót đản sinh đúng vào ngày rằm tháng 4 (âm lịch).

 

Ngày lễ đặt tên Thái tử, Đức vua Suddhodana truyền lệnh mời 108 vị Bà-la-môn đến cung điện để làm phước cúng dường cơm nấu bằng sữa tươi và y phục đến 108 vị Bà-la-môn. Sau khi lễ cúng dường xong, tiếp theo lễ đặt tên Đức Bồ Tát Thái tử.

Trong 108 vị Bà-la-môn ấy, 8 vị Bà-la-môn thiện trí giỏi về bộ môn xem tướng tốt của bậc đại nhân được chọn để xem tướng Đức Bồ Tát Thái tử.

 

Mỗi vị Bà-la-môn thiện trí đều chú tâm xem tướng Đức Bồ Tát Thái tử, đều thấy Đức Bồ Tát Thái tử có đầy đủ các tướng tốt của bậc đại nhân và các tướng tốt phụ, cho nên 7 vị Bà-la-môn lớn tuổi đều đưa lên hai ngón tay  tiên đoán giống nhau rằng:

 

1- Nếu Thái tử sống tại cung điện thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương.

 

2- Nếu Thái tử đi xuất gia thì chắc chắn sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

 

Riêng một vị Bà-la-môn thiện trí trẻ tuổi nhất trong nhóm 8 vị Bà-la-môn là vị Bà-la-môn Koṇḍañña,  thấy Đức Bồ Tát Thái tử có đầy đủ các tướng tốt của bậc đại nhân và các tướng phụ như thế này, chắc chắn không thể trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương mà chỉ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác mà thôi. Cho nên, vị Bà-la-môn Koṇḍañña chỉ đưa lên một ngón tay, rồi tiên đoán khẳng định rằng:

 

“Thái tử chắc chắn sẽ từ bỏ cung điện, đi xuất gia, và chắc chắn sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác”.

 

Nghe lời tiên đoán khẳng định của vị Bà-la-môn Koṇḍañña trẻ tuổi, 7 vị Bà-la-môn thiện trí lớn tuổi đều nhất trí với lời tiên đoán của vị Bà-la-môn Koṇḍañña trẻ tuổi rằng: “Đức Bồ Tát Thái tử chắc chắn sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.”

 

Đức Bồ Tát Thái tử sẽ giúp cho tất cả chúng sinh được thành tựu mọi lợi ích. Do đó, đặt tên Đức Bồ Tát Thái tử là “SIDDHATTHA” nghĩa là thành tựu lợi ích cho tất cả chúng sinh.

 

Sau đó, 8 vị Bà-la-môn xin phép bái biệt Đức vua trở về nhà. 7 vị Bà-la-môn già gọi các con dạy rằng:

 

- Này các con! Cha đã đến tuổi già không thể sống cho đến khi Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha của Đức vua

Suddhodana trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

 - Này các con! Khi các con nghe tin Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha từ bỏ cung điện, đi xuất gia, thì các con nên đi xuất gia theo Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha. Các con nên nhớ lời cha căn dặn.

                                              

* Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha lên ngôi vua khi được 16 tuổi và kết hôn cùng với công chúa Yasodharā, ngự tại kinh thành Kapilavatthu trị vì đất nước, thần dân

thiên hạ sống trong cảnh thanh bình thịnh vượng.

* Đức vua Bồ Tát Siddhattha làm vua được 13 năm. Năm 29 tuổi, đêm Hoàng hậu Yasodharā sinh hạ được hoàng tử Rāhula, ngay đêm hôm ấy, Đức Vua Bồ Tát Siddhattha cỡi con ngựa Kaṇḍaka cùng với vị quan thân tín Channa trốn ra khỏi kinh thành Kapilavatthu vào đêm rằm tháng 6 (âm lịch) ngự đi xuất gia, để tìm con đường giải thoát khỏi khổ sinh, lão, bệnh tử, tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

 

Vị Bà-la-môn Koṇḍañña thiện trí trẻ tuổi trong nhóm 8 vị Bà-la-môn thiện trí xem tướng Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha chắc chắn sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác năm xưa. Nay vị Bà-la-môn Koṇḍañña này già thêm 29 tuổi duy nhất còn sống.

 

Theo dõi hay tin Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha đã đi xuất gia, vị Trưởng Lão Koṇḍañña đi đến tìm những người con trai của 7 vị Bà-la-môn thiện trí xem tướng Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha năm xưa, báo tin cho họ biết Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha đã đi xuất gia rồi, khuyên họ hãy nên xuất gia trở thành đệ tử của Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha, nhưng chỉ có 4 người con trai chịu đi xuất gia, nên trở thành nhóm 5 tỳ khưu gọi là Pañcavaggiya: nhóm 5 tỳ khưu do Ngài Trưởng Lão Koṇḍañña làm trưởng nhóm.

 

Sau khi xuất gia xong, Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha ngự đến thọ giáo với vị đạo sư Ālāra Kālāmagotta, thực hành pháp môn thiền định không lâu, liền chứng đắc bốn bậc thiền sắc giới và ba bậc thiền vô sắc giới, đến bậc thiền “Vô Sở Hữu Xứ Thiền” ngang bằng với bậc thiền của vị đạo sư Ālāra Kālāmagotta.

Đức Bồ Tát Siddhattha nhận thức biết rõ những bậc thiền này không phải là con đường giải thoát khổ sinh, lão, bệnh, tử, nên Đức Bồ Tát từ giã vị đạo sư Ālāra Kālāmagotta ngự đi đến thọ giáo vị đạo sư Udaka Rāmaputta, thực hành pháp môn thiền định không lâu, liền chứng đắc bốn bậc thiền sắc giới và bốn bậc thiền vô sắc giới, đến bậc thiền tột cùng là “Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiền” ngang bằng với bậc thiền của vị đạo sư Udaka Rāmaputta.

 

Đức Bồ Tát Siddhattha nhận thức biết rõ những bậc thiền này không phải là con đường giải thoát khổ sinh, lão, bệnh, tử. Đức Bồ Tát Siddhattha từ giã vị đạo sư Udaka Rāmaputta đi tìm con đường giải thoát khổ sinh, lão, bệnh, tử, tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

 

Sau khi từ giã vị đạo sư Udaka Rāmaputta, Đức Bồ Tát Siddhattha đi đến khu rừng Uruvelà gần con sông Narañjā. Tại nơi đây có nhóm 5 tỳ khưu: Ngài Trưởng Lão Koṇḍañña là trưởng nhóm cùng với Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji, xin theo hộ độ Đức Bồ Tát Siddhattha. Họ hy vọng không lâu Đức Bồ Tát Siddhattha sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, họ sẽ được nghe Đức Phật Chánh Đẳng Giác thuyết pháp tế độ họ.

 

Đức Bồ Tát Siddhattha thực hành pháp hành khổ hạnh là pháp khó hành (dukkaracāriyā) như ngăn hơi thở, nhịn ăn cho đến nỗi thân hình của Đức Bồ Tát Siddhattha chỉ còn da bọc xương v.v…

 

Dù Đức Bồ Tát Siddhattha đã thực hành các pháp hạnh khổ hạnh suốt 6 năm ròng rã mà vẫn chưa có thể chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chưa trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

Đức Bồ Tát Siddhattha nghĩ rằng: “Các pháp hạnh khổ hạnh là pháp khó hành này chắc chắn không phải là con đường dẫn đến sự chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài”.

 

Đức Bồ Tát Siddhattha quyết định từ bỏ pháp hành khổ hạnh, trở lại thực hành pháp hành thiền định với đề mục niệm hơi thở ra – hơi thở vào mà khi còn thơ ấu đã từng thực hành, nhưng nay sức khoẻ quá yếu, không thể thực hành pháp hành thiền định với đề mục niệm hơi thở được. Đức Bồ Tát Siddhattha cần phải có sức khỏe. 

Đức Bồ Tát Siddhattha ôm bát ngự đi vào xóm Senā khất thực, dùng vật thực trở lại cho có sức khoẻ, để thực hành pháp hành thiền định với đề mục niện hơi thở ra- hơi thở vào ấy.

 

Khi ấy, nhóm 5 tỳ khưu nhìn thấy Đức Bồ Tát Siddhatta từ bỏ sự tinh tấn thực hành pháp hành khổ hạnh, trở lại đời sống ăn uống bình thường sung túc, nên nhóm 5 tỳ khưu hiểu lầm rằng: “Đức Bồ Tát Siddhattha đã thoái chí nản lòng, không tinh tấn thực hành pháp hành khổ hạnh, để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác nữa.”

 

Do sự hiểu lầm, nên nhóm 5 Tỳ Khưu cảm thấy thất vọng, dẫn nhau đi đến khu rừng phóng sinh nai gọi Isipatana, bỏ Đức Bồ Tát Siddhattha ở lại một mình.

 Đức Bồ Tát Siddhattha một mình ngự đi vào xóm Senā để khất thực, dùng vật thực sau một thời gian không lâu, sức khoẻ của Đức Bồ Tát Siddhatta được hồi phục trở lại.  

 

Ngày xưa, trong thời gian thực hành pháp hành khổ hạnh, thân hình chỉ còn da bọc xương, cho nên 32 tướng

tốt của bậc đại nhân và 80 tướng tốt phụ bị biến mất.

Ngày nay, sức khoẻ của Đức Bồ Tát Siddhattha được hồi phục trở lại, nên kim thân của Đức Bồ Tát Siddhattha hiện rõ trở lại 32 tướng tốt của bậc đại nhân và 80 tướng tốt phụ, làn da có màu vàng sáng ngời như trước.

 

Ngày rằm tháng tư âm lịch, thọ nhận vật thực của bà Sujātā cúng dường, Đức Bồ Tát Siddhattha độ 49 vắt cơm nấu bằng sữa tươi rất công phu, đặc biệt chư thiên bỏ thêm vị trời bổ dưỡng.

 

Đức Bồ Tát ngự đến ngồi dưới cội Đại Bồ Đề vào canh chót đêm rằm tháng tư ấy, Đức Bồ Tát Siddhattha không thầy chỉ dạy, tự mình thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, đặc biệt diệt được mọi tiền khiên tật xấu (vāsanā) từ vô thủy, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trên toàn thế giới chúng sinh, gọi là Đức Phật Chánh Đẳng Giác độc nhất vô nhị, có danh hiệu Đức Phật Gotama.

 

Sau khi trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, Đức Phật Gotama thọ hưởng pháp vị giải thoát suốt 7 tuần lễ gồm 49 ngày xung quanh cội Đại Bồ Đề.

Đức Phạm Thiên Sahampati cùng chư phạm thiên các cõi trời sắc giới, các Đức Vua Trời cùng chư thiên các cõi trời dục giới hiện xuống kính thỉnh cầu Đức Phật ngự đi thuyết pháp tế độ chúng sinh có duyên lành nên tế độ. Đức Phật nhận lời thỉnh cầu của Phạm Thiên Sahampati



[1] Đức Phật Padumuttara xuất hiện trên thế gian vào thời kỳ con người có tuổi thọ khoảng 90 ngàn năm.

[2] Từ thời kỳ Đức Phật Vipassī đã xuất hiện trên thế gian cho đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian có khoảng cách thời gian 91 ngàn đại kiếp.


Đức Phật thuyết pháp tế độ ai là người đầu tiên.

 

Trước tiên, Đức Phật nghĩ đến vị Đạo sư Ālāra Kālāmagotta, thì được biết Ngài đã viên tịch 7 ngày rồi. Tiếp đến Đức Phật nghĩ đến vị Đạo sư Uddaka Rāmaputta, thì cũng được biết Ngài đã viên tịch chiều hôm trước.

 

Tiếp đến Đức Phật nghĩ đến nhóm 5 tỳ khưu đã từng hộ độ, phụng sự Ngài suốt thời gian 6 năm hành pháp khổ hạnh. Đức Phật sẽ thuyết pháp tế độ nhóm 5 tỳ khưu đầu tiên.

 

Biết nhóm 5 tỳ khưu hiện đang trú tại khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, Đức Phật Gotama rời khỏi khu rừng Uruvela, ngự đến khu rừng phóng sinh nai  gần kinh thành Bārāṇasī, đúng vào ngày rằm tháng 6 (âm lịch), sau 2 tháng trở thành Đức Phật Gotama.

 

Nhìn từ xa thấy Đức Phật đang ngự đến, nhóm 5 tỳ khưu chưa có đức tin nơi Đức Phật, nhưng họ vẫn đón rước Đức Phật, rồi thỉnh Ngài ngự trên chỗ ngồi cao quý.

Biết được tâm trạng của nhóm 5 tỳ khưu, nên Đức Phật đã thuyết phục nhóm 5 tỳ khưu phát sinh đức tin trong sạch nơi Ngài.

 

Vào buổi chiều ngày rằm tháng sáu âm lịch, lúc mặt trời đang lặn hướng tây, mặt trăng ló dạng hướng đông, Đức Phật Gotama lần đầu tiên thuyết pháp, bài kinh Dhammacakkappavattanasutta: Kinh Chuyển Pháp Luân để tế độ nhóm 5 tỳ khưu: Ngài Trưởng Lão Koṇḍañña, Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji.

 

Sau khi Đức Phật Gotama thuyết bài Kinh Chuyển Pháp Luân này xong, trong nhóm 5 tỳ khưu ấy, chỉ có Ngài Trưởng Lão Koṇḍañña là vị đầu tiên chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Nhập Lưu đầu tiên trong giáo pháp của Đức Phật Gotama mà thôi. Do đó, Ngài có tên là Aññāsikoṇḍañña

và đồng thời có 180 triệu chư thiên, chư phạm thiên cũng chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh nhân cùng một lúc với Ngài Trưởng Lão Aññāsikoṇḍañña.

 

Khi ấy, Ngài Trưởng Lão Aññāsikoṇḍañña kính xin Đức Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ khưu. Đức Phật xem xét duyên lành của Ngài Trưởng Lão đã từng phát nguyện trong quá khứ, nên Đức Phật đưa bàn tay phải chỉ bằng ngón tay trỏ, truyền dạy rằng:

 

“Ehi bhikkhū! svākkhāto dhammo cara brahma-cariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāya…”

 

- Này Aññāsikoṇḍañña! Con hãy đến với Như Lai, con trở thành tỳ khưu như ý nguyện. Chánh pháp mà Như Lai đã thuyết giảng hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối, con hãy nên thực hành pháp hạnh cao thượng, để chứng đắc A-ra-hán Thánh Đạo - A-ra-hán Thánh Quả và Niết Bàn, chấm dứt khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.

 

Sau khi Đức Phật truyền dạy vừa dứt lời, Ngài Trưởng Lão Aññāsikoṇḍañña trở thành tỳ khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng của tỳ khưu được phát sinh do quả của phước thiện, trang nghiêm như một vị Đại Đức 60 hạ.

Ngài Trưởng Lão Aññāsikoṇḍañña là vị tỳ khưu đầu tiên trong giáo pháp của Đức Phật Gotama, đồng thời Tam Bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo đầy đủ trọn vẹn đầu tiên xuất hiện trên thế gian, đúng vào ngày rằm tháng 6 âm lịch tại khu rừng phóng sinh nai gần kinh thành Bārāṇasī (nay gọi tiểu bang Bārāṇasī).

 

 - Ngày 16 tháng 6, Đức Phật nhập hạ thứ nhất cùng với nhóm 5 tỳ Khưu tại khu rừng phóng sinh nai gần kinh thành Bārāṇasī, Ngài tiếp tục dạy dỗ 4 vị tỳ khưu còn lại.

- Ngày 16 tháng 6, Ngài Đại Đức Vappa ([1]) trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, rồi Đức Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ khưu theo cách gọi “Ehi bhikkhu!” Ngài Đại Đức Vappa là vị tỳ khưu thứ nhì.

 

- Ngày 17 tháng 6, Ngài Bhaddiya trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, rồi Đức Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ khưu theo cách gọi “Ehi bhikkhu!” Ngài Đại Đức Bhaddiya là vị tỳ khưu thứ ba.

 

- Ngày 18 tháng 6, Ngài Mahānāma trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, rồi Đức Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ khưu theo cách gọi “Ehi bhikkhu!” Ngài Đại   Đức Mahānāma là vị tỳ khưu thứ tư.

 

- Ngày 19 tháng 6, Ngài Assaji trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, rồi Đức Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ khưu theo cách gọi “Ehi bhikkhu!” Ngài Đại Đức Assaji là vị tỳ khưu thứ năm.

 

Nhóm 5 Tỳ khưu đều trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.

 

- Ngày 20 tháng 6, Đức Phật Gotama thuyết giảng bài kinh Anattalakkhaṇasutta: Kinh Trạng Thái Vô Ngã, để tế độ nhóm 5 tỳ khưu Thánh Nhập Lưu.

 

Sau khi nghe Đức Phật Gotama thuyết giảng bài kinh Anattalakkhaṇasutta xong, nhóm 5 vị tỳ khưu đều chứng đắc đến A-ra-hán Thánh Đạo - A-ra-hán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt tất cả mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng, tại khu rừng phóng sinh nai, gọi là

Isipatana, gần kinh thành Bārāṇasī.

 

Như vậy, 5 bậc Thánh A-ra-hán Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama cũng đã hiện hữu trên thế gian.

 

Tuyên Dương Vị Thánh Nhân Chứng Ngộ Chân Lý Tứ Thánh Đế Đầu Tiên.

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, khi ấy, ngự trên pháp tòa giữa chư tỳ khưu Tăng, Đức Thế Tôn tuyên dương Ngài Đại Trưởng Lão Aññāsikoṇḍañña rằng:

 

“Etadaggaṃ bhikkhave, mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ rattaññūnaṃ yadidaṃ Aññāsikoṇḍañño.”

 

- Này chư tỳ khưu! Aññāsikoṇḍañña là vị Thánh Thanh văn đệ tử chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế đầu tiên, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Nhập Lưu đầu tiên trong giáo pháp của Như Lai, cũng là vị Tỳ khưu đầu tiên có tuổi hạ cao nhất trong hàng thanh văn đệ tử của Như Lai.

Ngài Đại Trưởng Lão Aññāsikoṇḍañña được Đức Phật Gotama tuyên dương là vị Thánh Thanh văn đệ tử chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế đầu tiên, chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu đầu tiên trong giáo pháp của Đức Phật Gotama, cũng là vị Thánh Đại Thanh Văn Giác, cũng là vị Tỳ khưu đầu tiên có tuồi hạ cao nhất trong các hàng thanh văn đệ tử của Đức Phật Gotama.

 

Đó là kết quả thành tựu của 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ mà Ngài đã thực hành, tích luỹ đầy đủ trọn vẹn suốt 100 ngàn đại kiếp trái đất, kể từ thời kỳ Đức Phật Padumuttara cho đến thời kỳ Đức Phật Gotama của chúng ta, đúng theo ý nguyện của Ngài và đã được Đức

Phật Padumuttara quá khứ thọ ký.

Vị Bồ Tát Tối Thượng Thanh Văn Giác có 3 hạng:

 

1- Vị Bồ Tát Tối Thượng Thanh Văn Giác có trí tuệ siêu việt,

2- Vị Bồ Tát Tối Thượng Thanh Văn Giác có đức tin siêu việt,

3- Vị Bồ Tát Tối Thượng Thanh Văn Giác có tinh tấn siêu việt  

 

Vị Bồ Tát Tối Thượng Thanh Văn Giác có trí tuệ siêu việt sau khi được Đức Phật thọ ký xong rồi, còn phải thực hành bổ sung các pháp hạnh Ba-la-mật suốt 1 a- tăng- kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, để cho đầy đủ trọn vẹn 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ.

 

Còn vị Bồ Tát Tối Thượng Thanh Văn Giác có đức tin siêu việt và vị Bồ Tát Tối Thượng Thanh Văn Giác có tinh tấn siêu việt, sau khi được thọ ký xong rồi, còn phải thực hành bổ sung các pháp hạnh Ba-la-mật suốt thời gian lâu hơn vị Bồ Tát Tối Thượng Thanh Văn Giác có trí tuệ siêu việt gấp đôi, để đầy đủ trọn vẹn 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ. 

 

Vị Bồ Tát Đại Thanh Văn Giác có 3 hạng:

 

1- Vị Bồ Tát Đại Thanh Văn Giác có trí tuệ siêu việt,

2- Vị Bồ Tát Đại Thanh Văn Giác có đức tin siêu việt,

3- Vị Bồ Tát Đại Thanh Văn Giác có tinh tấn siêu việt  

Vị Bồ Tát Đại Thanh Văn Giác có trí tuệ siêu việt, sau khi được Đức Phật thọ ký xong rồi, còn phải thực hành bổ sung các pháp hạnh Ba-la-mật suốt 100 ngàn đại kiếp trái đất, để cho đầy đủ trọn vẹn 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ.

 

Vị Bồ Tát Đại Thanh Văn Giác có đức tin siêu việt,   sau khi được thọ ký xong rồi, còn phải thực hành bổ sung các pháp hạnh Ba-la-mật suốt thời gian lâu hơn vị Bồ Tát Đại Thanh Văn Giác có  trí tuệ siêu việt gấp đôi, để đầy đủ trọn vẹn 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ. 

 

Còn vị Bồ Tát Đại Thanh Văn Giác có tinh tấn siêu việt, sau khi được thọ ký xong rồi, còn phải thực hành bổ sung các pháp hạnh Ba-la-mật suốt thời gian lâu hơn vị Bồ Tát Đại Thanh Văn Giác có trí tuệ siêu việt gấp bốn lần, để đầy đủ trọn vẹn 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ. 

 

3.3- Vị Bồ Tát Thanh văn Giác Hạng Thường như thế nào?

 

Vị Bồ Tát Thanh văn Giác hạng thường (Pakatibodhi-satta) này cũng thực hành 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ, nhưng về thời gian không nhất định như vị Bồ Tát Tối Thượng Thanh Văn Giác và vị Bồ Tát Đại Thanh văn Giác.

 

Vị Bồ Tát Thanh văn Giác hạng thường này có thể  thực hành 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ suốt khoảng thời gian 100 đại kiếp trái đất, hoặc từ 1.000 đại kiếp trái đất cho đến dưới 100 ngàn đại kiếp trái đất.

 

Chư vị Bồ Tát Thanh văn Giác hạng thường này cũng sinh ra trong thời kỳ Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian, hoặc sau khi Đức Phật đã tịch diệt Niết Bàn rồi nhưng giáo pháp của Đức Phật vẫn còn đang lưu truyền trên thế gian. 

 

Khi Đức Phật còn đang hiện hữu, chư vị Bồ Tát Thanh văn ấy đến hầu đảnh lễ Đức Phật hoặc bậc Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, lắng nghe chánh pháp của Đức Phật, rồi thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế,

* Có số chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.

*Có số chứng đắc đến Nhất Lai Thánh Đạo-Nhất Lai Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhất Lai.

* Có số chứng đắc đến Bất Lai Thánh Đạo - Bất Lai Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Bất Lai.

* Có số chứng đắc đến A-ra-hán Thánh Đạo-A-ra-hán Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

 

Chư bậc Thánh Thanh Văn hạng thường bậc cao hoặc thấp hoàn toàn tuỳ thuộc vào 5 pháp chủ: tín pháp chủ, tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, định pháp chủ, tuệ pháp chủ và do năng lực 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ của mỗi vị Bồ Tát Thanh văn giác hạng thường ấy.

 

Đức Phật Gotama có vô số bậc Thánh Thanh Văn hạng thường đủ các loài chúng sinh như loài người, chư thiên, chư phạm thiên.

 

Tuy nhiên, cũng có số vị Bồ Tát Thanh văn Giác hạng thường chưa có khả năng chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế, chưa chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả nào, nên vẫn còn là hạng phàm nhân, bởi vì chưa đầy đủ 10 pháp hạnh Ba-la-mật.

 

Chư vị Bồ Tát Thanh văn Giác hạng thường phàm nhân này đang thực hành, bồi bổ các pháp hạnh Ba-la-mật, để mong trở thành bậc Thánh nhân trong kiếp hiện tại này hoặc trong kiếp vị lai.

Chư Vị Bồ Tát Thanh văn Giác hạng thường gồm có nhiều hạng chúng sinh khác nhau như là bậc xuất gia tỳ khưu, sa-di, hoặc cận sự nam, cận sự nữ, hoặc là các hàng chư thiên trong cõi trời dục giới, hoặc là các hạng phạm thiên trong cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới, các loài chúng sinh trong cõi long cung, loài súc sinh v.v

Nếu kiếp hiện tại, vị Bồ Tát Thanh văn hạng thường trong các loài chúng sinh nào thuộc hạng chúng sinh tam nhân (vô tham, vô sân và vô si) và có đầy đủ 10 pháp hạnh Ba-la-mật thì vị Bồ Tát Thanh văn hạng thường ấy lắng nghe chánh pháp của Đức Phật, rồi thực hành pháp hành thiền tuệ, có thể dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Qủa và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh nhân.

Nếu vị Bồ Tát Thanh văn hạng thường trong các loài chúng sinh nào thuộc hạng chúng sinh nhị nhân (vô tham vô sân) và hạng chúng sinh vô nhân (không có nhân nào), trong kiếp hiện tại dù có nghe chánh pháp, rồi thực hành pháp hành thiền tuệ thì cũng chắc chắn không thể chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, không thể chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả nào, mà chỉ có thể thực hành, bồi bổ các pháp hạnh Ba-la-mật mà thôi.

 

Năng Lực Của Pháp Hạnh Ba-La-Mật

 

10 Pháp hạnh Ba-la-mật này chỉ là pháp hạnh của chư Bồ Tát mà thôi. Ngoài chư Đức Bồ Tát ra, các hàng chúng sinh khác (không phải là Đức Bồ Tát) khi tạo phước thiện như bố thí, giữ giới, v.v… không phải là pháp hạnh Ba-la-mật mà chỉ là thiện nghiệp cho quả trong tam giới mà thôi.

10 pháp hạnh Ba-la-mật, mỗi pháp hạnh Ba-la-mật có 3 bậc: bậc hạ, bậc trung, bậc thượng:

 

- 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ,

- 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc trung,

- 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc thượng.

 

10 pháp hạnh Ba-la-mật của mỗi bậc có năng lực khác nhau, nên phân chia ra ba bậc Bồ Tát.

 

1- Vị Bồ Tát Thanh văn Giác cần phải thực hành đầy đủ 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ. Khi Vị Bồ Tát Thanh văn Giác thực hành đầy đủ trọn vẹn 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ, sinh ra trong thời kỳ Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian, hoặc giáo pháp của Đức Phật Chánh Đẳng Giác còn lưu truyền trên thế gian,   vị Bồ Tát Thanh văn Giác ấy đến nghe chánh pháp của Đức Phật, rồi thực hành theo pháp hành thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả, và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Thanh Văn  đệ tử của Đức Phật Chánh Đẳng Giác ấy.  

 

2- Đức Bồ Tát Độc Giác cần phải thực hành đầy đủ 20 pháp hạnh Ba-la-mật: 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ và 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc trung. Khi Đức Bồ Tát Độc Giác thực hành đầy đủ trọn vẹn 20 pháp hạnh Ba-la-mật, sinh ra trong thời kỳ không có  Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian, Đức Bồ Tát Độc Giác xuất gia, không thầy chỉ dạy, tự mình thực hành pháp hành thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, gọi là Đức Phật Độc Giác.

 

3- Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cần phải thực hành đầy đủ 30 pháp hạnh Ba-la-mật: 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc trung và 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc thượng. Khi Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác thực hành đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Ba-la-mật, sinh ra trong thời kỳ không có  Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác xuất gia, không thầy chỉ dạy, tự mình thực hành pháp hành thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế đầu tiên, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, gọi là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thuyết pháp tế độ chúng sinh có duyên lành nên tế độ.

 

Mỗi Đức Bồ Tát có ý nguyện muốn trở thành bậc Thánh Thanh Văn Giác hoặc trở thành Đức Phật Độc Giác hoặc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác hạng nào tùy theo ý nguyện chọn lựa của mỗi Đức Bồ Tát.

Để thành tựu kết quả như ý nguyện của mỗi Đức Bồ Tát hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự đầy đủ trọn vẹn các pháp hạnh Ba-la-mật của mỗi Đức Bồ Tát ấy.

 

 

Vấn: Cuộc hành trình tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài đối với các chúng sinh là chư Đức Bồ Tát với các chúng sinh không phải là Đức Bồ Tát khác nhau như thế nào?

 

Đáp: * Cuộc hành trình tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài đối với chúng sinh là chư Đức Bồ Tát có thể ví như là cuộc hành trình trên con đường thẳng, có một mục đích cứu cánh cuối cùng Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài…

 

Như vậy, chư Đức Bồ Tát có từ vô thuỷ đến hữu chung, có mục đích cứu cánh cuối cùng Niết Bàn.

 * Cuộc hành trình tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài đối với các chúng sinh không phải là Đức Bồ Tát có thể ví như là cuộc hành trình trên con đường vòng, không có mục đích cứu cánh cuối cùng.

 

Như vậy, chúng sinh không phải là Đức Bồ Tát có từ vô thuỷ đến vô chung, không có đích cuối cùng.

 

Đó là sự khác biệt giữa các chúng sinh là chư Đức Bồ Tát với chúng sinh không phải là Đức Bồ Tát.

 

Thật ra, nếu chúng sinh còn tham ái (taṇhā) thì cuộc hành trình tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài của mỗi chúng sinh chỉ đề cập đến phần tâm của mỗi chúng sinh ấy mà thôi. Bởi vì, phần thân (thể xác) hoặc sắc uẩn của mỗi kiếp chúng sinh ấy đều bị tan rã, bị thay đổi mỗi kiếp (chết), song phần tâm (danh uẩn) của mỗi kiếp chúng sinh ấy vẫn diệt rồi sinh, sinh rồi diệt liên tục không ngừng từ kiếp này sang kiếp khác.

 

Tâm (Citta): Mỗi tâm có phận sự biết đối tượng, sinh rồi diệt liên tục không ngừng qua các lộ trình tâm (vīthicitta). Tâm còn có phận sự đặc biệt tích lũy tất cả mọi thiện nghiệp, mọi bất thiện nghiệp (ác nghiệp) của mỗi chúng sinh từ vô thủy trải qua vô số kiếp cho đến kiếp hiện tại.

 

Trong tất cả mọi thiện nghiệp, mọi bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy, nếu nghiệp nào hội đủ nhân duyên và có cơ hội thì nghiệp ấy cho quả của nó, một cách công bằng, không hề thiên vị bất luận là chúng sinh nào dù lớn dù nhỏ.

Tâm của mỗi Đức Bồ Tát cũng có phận sự đặc biệt  tích lũy tất cả mọi pháp hạnh Ba-la-mật từ kiếp này sang kiếp khác, trải qua vô số kiếp tử sinh luân hồi, trong suốt thời gian ấn định thực hành, bồi bổ các pháp hạnh Ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn, để đạt đến ý nguyện cao cả của mình,

* Nếu là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác nào thực hành đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Ba-la-mật thì Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, độc nhất vô nhị.

* Nếu là Đức Bồ Tát Độc Giác nào thực hành đầy đủ trọn vẹn 20 pháp hạnh Ba-la-mật: 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ và 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc trung thì Đức Bồ Tát Độc Giác ấy trở thành Đức Phật Độc Giác, có nhiều Vị.

* Nếu là vị Bồ Tát Thanh Văn Giác nào thực hành đầy đủ trọn vẹn 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ thì vị Bồ Tát Thanh Văn Giác ấy trở thành bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Chánh Đẳng Giác, có vô số.

 

 Đức Phật Chánh Đẳng Giác, Đức Phật Độc Giác và bậc Thánh A-ra-hán Thanh Văn Giác đều đạt đến mục đích cứu cánh tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

 

(Xong phần I)



[1] Theo bộ Mahābuddhavaṃsa của Ngài Trưởng Lão Vicittasārā-bhivaṃsa thì Ngài Bhaddiya thứ nhì, Ngài Vappa thứ ba.





[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024