• Nền Tảng Phật Giáo - Quyển VI

    PHÁP HẠNH BA-LA-MẬT

    (Tập 2)

  • Soạn giả: Hộ Pháp

 


 

Trí tuệ có 3 loại:

 

- Sutamayapaññā: Trí tuệ phát sinh do nghe từ các bậc thiện trí, do học hỏi, nghiên cứu chánh pháp.

- Cintāmayapaññā: Trí tuệ phát sinh do suy xét, tư duy sâu sắc đúng đắn theo chánh pháp.

- Bhavanāmayapaññā: Trí tuệ phát sinh do thực hành pháp hành thiền tuệ. trí tuệ thiền tuệ tam giới, trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới.

Trí tuệ phát sinh do nghe như thế nào?

Hạng thanh văn có đức tin trong sạch nơi bậc đại thiện trí, đến gần gũi thân cận với bậc đại thiện trí, lắng nghe chánh pháp của bậc đại thiện trí, ghi nhớ hiểu rõ chánh pháp của bậc đại thiện trí.

Đó là gọi là trí tuệ phát sinh do nghe chánh pháp của bậc đại thiện trí.

 

Chánh pháp là những pháp nào?

 

Chánh pháp đó là 37 Pháp Bodhipakkhiyadhamma: 37 Pháp phát sinh Thánh Đạo như sau:  

 

* 4 pháp niệm xứ (satipaṭṭhāna):

 

1) Niệm thân,

2) Niệm thọ,

3)Niệm tâm,

4)Niệm pháp.

 

* 4 pháp tinh tấn (samappadhāna):

 

1) Tinh tấn ngăn các ác pháp chưa phát sinh, không cho phát sinh,

2) Tinh tấn diệt ác pháp đã phát sinh,

3) Tinh tấn làm cho thiện pháp phát sinh,

4)Tinh tấn làm tăng trưởng thiện pháp đã phát sinh.

 

* 4 pháp thành tựu (iddhipāda):

 

1)Thành tựu do hài lòng,        

2)Thành tựu do tinh tấn

3)Thành tựu do quyết tâm,     

4)Thành tựu do trí tuệ.

 

* 5 pháp chủ (indriya):

 

1)Tín pháp chủ,

 2)Tấn pháp chủ,

3) Niệm pháp chủ,

4) Định pháp chủ,

5) Tuệ pháp chủ.

 

* 5 pháp lực (bala):

 

1)Tín pháp lực, 

2)Tấn pháp lực,

3) Niệm pháp lực,

4) Định pháp lực,

5) Tuệ pháp lực.

 

* 7 pháp giác chi (bojjhaṅga):

 

1) Niệm giác chi, 

2) Trạch pháp giác chi,

3) Tinh tấn  giác chi, 

4) Hỷ giác chi,

5) Tịnh giác chi,

6) Định giác chi, 

7) Xả giác chi.

 

* 8 pháp chánh đạo (magga):

 

1) Chánh kiến, 

2) Chánh tư duy, 

3) Chánh ngữ,

4) Chánh nghiệp,

5) Chánh mạng,

6) Chánh tinh tấn,

7) Chánh niệm,

8) Chánh định.

 

Nếu trường hợp các hạng thanh văn không có cơ hội trực tiếp lắng nghe bậc đại thiện trí, thì nên đọc sách Tam tạng Pāḷi, Chú giải Pāḷi, hoặc nghe máy ghi âm lời giảng giải chánh pháp của bậc đại thiện trí, hoặc nghiên cứu chánh pháp của bậc đại thiện trí, ghi nhớ hiểu rõ chánh pháp của bậc đại thiện trí.

Đó cũng gọi là trí tuệ phát sinh do nghe chánh pháp của bậc đại thiện trí.

 

Trí tuệ phát sinh do suy xét, tư duy như thế nào?

Sau khi có trí tuệ phát sinh do nghe chánh pháp của bậc đại thiện trí, hạng thanh văn suy xét kỹ, tư duy sâu sắc, hiểu biết đúng đắn về chánh pháp của bậc đại thiện trí.

Đó gọi là trí tuệ phát sinh do suy xét, tư duy sâu sắc đúng đắn theo chánh pháp.

 

Trí tuệ phát sinh do thực hành pháp hành thiền tuệ như thế nào?

Sau khi có trí tuệ phát sinh do nghe và do suy xét, tư duy sâu sắc đúng đắn theo chánh pháp, rồi thực hành pháp hành thiền tuệ để phát sinh trí tuệ thiền tuệ tam giới và trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới.

Đó gọi là trí tuệ thiền tuệ phát sinh do thực hành pháp hành thiền tuệ như sau:

 

* Hạng thanh văn phàm nhân thực hành pháp hành thiền tuệ, phát sinh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp, thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo, Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được 2 loại phiền não là tà kiến và hoài nghi, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.

 

* Bậc Thánh Nhập Lưu tiếp tục thực hành pháp hành thiền tuệ, phát sinh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp, thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế lần thứ nhì, chứng đắc Nhất Lai Thánh Đạo, Nhất Lai Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được phiền não sân loại thô, trở thành bậc Thánh Nhất Lai.

 

* Bậc Thánh Nhất Lai tiếp tục thực hành pháp hành thiền tuệ, phát sinh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp, thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế lần thứ ba, chứng đắc Bất Lai Thánh Đạo, Bất Lai Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được phiền não sân loại vi tế, trở thành bậc Thánh Bất Lai.

 

* Bậc Thánh Bất Lai tiếp tục thực hành pháp hành thiền tuệ, phát sinh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp, thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế lần thứ tư, chứng đắc A-ra-hán Thánh Đạo, A-ra-hán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được tất cả mọi phiền não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.

Đó gọi là trí tuệ phát sinh do thực hành pháp hành thiền tuệ.

Trí tuệ là pháp cao thượng, người có trí tuệ là người cao thượng.     

               

(Xong pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc hạ)


[1] Bộ Aguttaranikāya, Aṭṭhakanipāta, Kinh Paññāsutta

  





[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024