• Nền Tảng Phật Giáo - Quyển VI

    PHÁP HẠNH BA-LA-MẬT

    (Tập 3)

  • Soạn giả: Hộ Pháp

 

10- Pháp Hạnh Tâm Xả Ba-La-Mật Có 3 Bậc (Upekkhāpāramī)

 

10.1- Pháp Hạnh Tâm Xả Ba-la-mật Bậc Hạ      
 

Tích Aṭṭhisenajātaka (Ăt-thi-xê-ná-cha-tá-ká)

 

Trong Tích Aṭṭhisenajātaka ([1]) Đức Bồ Tát tiền kiếp Đức Phật Gotama là đạo sĩ Aṭṭhisena thực hành pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật bậc hạ (Upekkhāpāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

 

Trong đất nước Āḷavī, số tỳ khưu Āḷavī không có  thí chủ, tự mình làm cốc lớn để ở, nên đến xin dân chúng những thứ vật liệu làm cốc, mượn xe bò chở vật liệu, xin người đến giúp làm cốc, làm phiền lụy đến nhiều người. Cho nên, những người nào nhìn thấy bóng vị tỳ khưu thì họ sợ hãi, đóng cửa, đi lẩn tránh nơi khác, không dám gặp tỳ khưu.

 Một hôm, Ngài Đại Trưởng Lão Mahākassapa đi vào xóm làng để khất thực. Nhìn thấy Ngài, dân chúng trong làng đều lẩn tránh nơi khác.

Khi trở về, Ngài cho gọi chư tỳ khưu hội họp, Ngài hỏi rằng:

- Này quý vị! Ngày trước, phần đông dân chúng Āḷavī có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, chư tỳ khưu đi khất thực được vật thực đầy đủ dễ dàng. Nay, do nguyên nhân nào mà tỳ khưu đi khất thực được vật thực khó khăn vậy?

 Chư tỳ khưu bạch với Ngài Đại Trưởng Lão rằng:

- Kính bạch Ngài Đại Trưởng Lão, số tỳ khưu không có thí chủ, tự mình làm cốc lớn để ở, nên đến xin dân chúng những thứ vật liệu làm cốc, mượn xe bò chở vật liệu, xin người đến giúp làm cốc, đã làm phiền lụy đến nhiều người. Cho nên, những người nào nhìn thấy bóng vị tỳ khưu thì họ sợ hãi, đóng cửa, đi lẩn tránh nơi khác, không dám gặp tỳ khưu.

Đó là nguyên nhân mà nay tỳ khưu đi khất thực có được vật thực khó khăn.

Ngài Đại Trưởng Lão Mahākassapa đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, bạch về vấn đề số tỳ khưu Āḷavī đã tự làm cốc lớn, làm phiền lụy đến dân chúng như vậy.

Do nguyên nhân ấy, nên Đức Thế Tôn ngự đến đất nước Āḷavī, tại ngôi bảo tháp Aggāḷava cetiya, Ngài cho truyền gọi chư tỳ khưu  Āḷavī đến hội họp đông đủ. Khi ấy, Đức Thế Tôn truyền hỏi rằng:

- Này chư tỳ khưu! Các con tự làm cốc lớn để ở, nên đã đến xin dân chúng những thứ vật liệu xây dựng, xin người đến giúp làm cốc. Sự việc ấy đã xảy ra có thật vậy hay không?

Chư tỳ khưu kính bạch với Đức Thế Tôn, sự việc ấy đã xảy ra đúng sự thật như vậy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn chê trách chư tỳ khưu ấy xin nhiều thứ làm cho nhiều người sợ hãi, đi lẩn tránh nơi khác. Do nguyên nhân đầu tiên ấy, nên Đức Thế Tôn chế định điều giới “Kuṭikārasikkhāpada” đại ý nội dung điều giới này rằng:

(Tỳ khưu không có thí chủ, nếu tự mình làm cốc để ở thì chu vi cốc có chiều ngang khoảng 7 gang Đức Phật và chiều dọc 12 gang Đức Phật.([2])  Nếu tỳ khưu nào làm cốc lớn hơn chu vi mà Đức Phật cho phép thì tỳ khưu ấy phạm giới nặng” Saṃghādisesa” (phải bị chư tỳ khưu Tăng hành phạt.)

Nhân vấn đề xin nhiều thứ đối với người khác,  Đức Thế Tôn truyền dạy chư tỳ khưu rằng:

-  Này chư Tỳ khưu! Trong thời kỳ quá khứ, Đức Phật Chánh Đẳng Giác chưa xuất hiện trên thế gian, bậc thiện trí xuất gia trở thành đạo sĩ. Dù Đức Vua thỉnh mời vị đạo sĩ ấy cần những thứ nào, xin tâu cho biết, Đức Vua sẽ cúng dường những thứ ấy. Nhưng vị đạo sĩ vẫn không hề tâu xin một thứ nào cả, do nghĩ rằng: “Người nào xin đồ vật yêu quý, người ấy không phải là người yêu quý của những người cho khác.”

 

Đức Thế Tôn thuyết về tiền kiếp của Ngài như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi bảo tháp Aggāḷva cetiya trong đất nước Āḷavī. Khi ấy, Ngài  thuyết về tích  Aṭṭhisenajātaka được tóm lược như sau:

 

 Tích Aṭṭhisenajātaka

 

Trong thời quá khứ, Đức Vua Brahmadatta ngự tại kinh thành Bārāṇasī. Khi ấy, Đức Bồ Tát, tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh vào dòng dõi Bà-la-môn trong một tỉnh thành, được đặt tên là Aṭṭhisenakumāra: Công tử Aṭṭhisena.

Khi trưởng thành, Đức Bồ Tát Aṭṭhisena được cha mẹ gởi Ngài đi đến kinh thành Takkasilā, để theo học các bộ môn theo truyền thống dòng dõi Bà-la-môn với vị thầy Disāpamokkha. 

Sau khi học thành tài xong,  trở về cố quốc, Đức Bồ Tát cảm thấy nhàm chán ngũ dục: sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục, xúc dục, nên từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành đạo sĩ, làm cốc lá trong khu rừng núi Himavanta, thực hành pháp hành thiền định, chứng đắc các bậc thiền sắc giới và chứng đắc các phép thần thông thế gian.

Đức Bồ Tát đạo sĩ Aṭṭhisena trú trong rừng núi Himavanta trải qua một thời gian lâu. Sau đó, Ngài rời rừng núi Himavanta, đi khất thực trong xóm làng, tỉnh thành, dần dần Ngài đến kinh thành Bārāṇasī, nghỉ tại vườn thượng uyển của Đức Vua Brahmadatta.

Sáng hôm ấy, Đức Bồ Tát đạo sĩ Aṭṭhisena đi vào kinh thành để khất thực, đi ngang qua cung điện của Đức Vua Brahmadatta. Nhìn thấy Đức Bồ Tát đạo sĩ Aṭṭhisena có dáng đi thu thúc các căn, nên Đức Vua Brahmadatta liền phát sinh đức tin trong sạch, truyền bảo vị quan cận thần đi thỉnh Đức Bồ Tát đạo sĩ Aṭṭhisena vào cung điện.

Tuân lệnh Đức Vua, vị quan đi theo kịp Đức Bồ Tát đạo sĩ Aṭṭhisena, kính thỉnh Ngài đi vào cung điện, để Đức Vua Đức Vua Brahmadatta cúng dường vật thực.

Đức Bồ Tát đạo sĩ Aṭṭhisena đi vào cung điện, Đức Vua thỉnh Ngài ngồi chỗ cao quý, Đức Vua  ngự một nơi hợp lẽ. Đức Vua kính dâng, cúng dường những món ăn ngon lành đến Đức Bồ Tát đạo sĩ Aṭṭhisena.

Sau khi độ vật thực xong, Đức Vua Brahmadatta lắng nghe lời chúc phúc của Đức Bồ Tát đạo sĩ Aṭṭhisena, Đức Vua vô cùng hoan hỷ kính thỉnh Đức Bồ Tát đạo sĩ trú tại vườn thượng uyển ấy, Đức Vua ngự đến mỗi ngày 2, 3 lần để dâng lễ, cúng dường đến Đức Bồ Tát đạo sĩ.

Một hôm, lắng nghe pháp của Đức Bồ Tát đạo sĩ Aṭṭhisena, Đức Vua Brahmadatta vô cùng hoan hỷ chân thành kính thỉnh Đức Bồ Tát đạo sĩ Aṭṭhisena rằng:

- Kính bạch Ngài đạo sĩ, Quả nhân vô cùng hoan hỷ lắng nghe lời giáo huấn của Ngài, nên Quả nhân có đức tin trong sạch nơi Ngài. Quả nhân chân thành kính thỉnh Ngài muốn những thứ nào kể từ ngai vàng của Quả nhân cho đến các thứ nào quý báu khác. Kính xin Ngài tâu cho Quả nhân biết, Quả nhân sẽ kính dâng, cúng dường những thứ ấy đến Ngài ngay.

Nghe Đức Vua Brahmadatta bạch như vậy, Đức Bồ Tát đạo sĩ Aṭṭhisena không hề tâu xin một thứ nào cả, và cũng không tâu một lời nào cả.

Đối với các người khác thường đến tâu xin Đức Vua Brahmadatta những thứ nào, thì họ thường được Đức Vua  ban những thứ ấy theo ý muốn của họ.

Một hôm, Đức Vua Brahmadatta suy nghĩ rằng:

“Những người nào thường đến tâu xin nơi ta những thứ này, những thứ kia. Tất cả những người ấy đều được ta ban cho họ những thứ ấy theo ý muốn của họ. Nhưng riêng Ngài đạo sĩ Aṭṭhisena mà ta tôn kính nhất, từ khi ta chân thành kính thỉnh Ngài cho đến nay, đã trải qua thời gian khá lâu. Ngài chưa hề tâu xin ta một thứ nào cả.

Ngài đạo sĩ Aṭṭhisena là bậc đại thiện trí cao thượng, có trí tuệ siêu việt, có cách sống cao thượng nào đó. Vậy, ta nên bạch hỏi Ngài để biết.”

Một hôm, sau khi dùng bữa ăn sáng xong, Đức Vua Brahmadatta ngự đến vườn thượng uyển, đảnh lễ Ngài đạo sĩ Aṭṭhisena, rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Đức Vua bạch hỏi về nguyên nhân xin của các người khác và nguyên nhân không xin của Ngài bằng câu kệ rằng:

- Kính bạch Ngài đạo sĩ Aṭṭhisena cao thượng, những người nào mà Quả nhân không quen biết đến xin những thứ này, thứ kia, Quả nhân đều ban cho họ những thứ ấy theo ý muốn của họ.

Do nguyên nhân nào mà Ngài đạo sĩ không hề tâu xin một thứ nào nơi Quả nhân vậy?

Nghe Đức Vua Brahmadatta bạch hỏi như vậy, Đức Bồ Tát đạo sĩ Aṭṭhisena tâu rằng:

 

“Yācako appiyo hoti,  yācaṃ adadamappiyo.

Tasmā’haṃ taṃ na yācāmi,  mā me viddesanā ahu”([3])

 

- Muôn tâu Đại Vương,

Người xin là người không yêu quý của người cho,

Không cho những thứ mà người đã xin, người không cho ấy là người không yêu quý của người xin.

Vì vậy, bần đạo không tâu xin thứ nào nơi Đại Vương.

Xin sự phật ý đừng phát sinh trong tâm bần đạo. 

 

Giải thích ý nghĩa bài kệ

 

Người xin rằng: “Cho tôi những thứ này, cho tôi những thứ kia, v.v… cứ xin mãi”  Người xin ấy sẽ trở nên người không đáng yêu quý của cha mẹ, anh chị em, bà con thân quyến, bạn bè, và những người khác, … 

Người không cho dù là cha mẹ, anh chị em, bà con thân quyến, v.v… không cho những thứ nào mà người xin muốn được, thì người không cho ấy cũng trở nên người không yêu quý của người xin.

Do nguyên nhân là người xin là người không yêu quý của người cho, và người không cho những thứ nào mà người xin muốn được, thì người không cho ấy là người không yêu quý của người xin.

Vì vậy, Đức Bồ Tát đạo sĩ Aṭṭhisena không tâu xin một thứ nào nơi Đức Vua Brahmadatta.

 

Đức Bồ Tát đạo sĩ Aṭṭhisena giải thích rằng:

* Nếu bần đạo thường tâu xin Đại Vương ban những thứ này, những thứ kia, mà Đại Vương ban những ấy cho bần đạo được như ý thì bần đạo thì sẽ làm cho Đại Vương phát sinh tâm phật ý nơi bần đạo.

* Nếu Đại Vương không ban những thứ nào mà bần đạo tâu xin thì Đại Vương sẽ làm cho bần đạo phát sinh tâm phật ý nơi Đại Vương.

Như vậy cho nên, bần đạo không muốn có sự phật ý nào phát sinh nơi Đại Vương và bần đạo, để giữ gìn tình thân thiện, lòng tôn trọng giữa bần đạo với Đại Vương được lâu dài.

 

Khi nhận thức biết lợi ích giữa 2 bên như vậy, nên Đức Bồ Tát đạo sĩ Aṭṭhisena không tâu xin một thứ nào nơi Đức Vua Brahmadatta cả.

Sau khi lắng nghe câu kệ của Đức Bồ Tát đạo sĩ Aṭṭhisena như vậy, Đức Vua Brahmadatta bạch Đức Bồ Tát đạo sĩ Aṭṭhisena bằng câu kệ rằng:

 

- Kính bạch Ngài đạo sĩ cao thượng,

 Bậc xuất gia nào nuôi mạng bằng cách khất thực, mà không xin những thứ nên xin, trong thời gian nên xin, bậc xuất gia ấy làm cho tổn phước thiện của thí chủ và chính bậc xuất gia ấy nuôi mạng cũng không được an lạc nữa.

Còn bậc xuất gia nào nuôi mạng bằng cách khất thực,  xin những thứ nên xin, trong thời gian nên xin, bậc xuất gia ấy làm cho tăng trưởng phước thiện của thí chủ và chính bậc xuất gia ấy nuôi mạng cũng được an lạc nữa.

Những thí chủ có trí tuệ, có đức tin nơi phước thiện bố thí và quả của phước thiện bố thí, thấy bậc xuất gia đến, không bực bội, mà phát sinh thiện tâm vô cùng hoan hỷ đón tiếp niềm nở bậc xuất gia ấy. 

 

- Kính bạch Ngài đạo sĩ cao thượng, 

Ngài là bậc thực hành pháp hạnh cao thượng, có trí tuệ siêu việt, Ngài là bậc mà Quả nhân tôn kính nhất.

Cho nên, Quả nhân kính thỉnh Ngài cần những thứ nào, xin Ngài tâu cho Quả nhân biết, Quả nhân sẽ chân thành kính dâng đến Ngài mọi thứ ấy kể cả ngai vàng của Quả nhân.

 

Khi nghe Đức Vua Brahmadatta thỉnh như vậy, Đức Bồ Tát  đạo sĩ Aṭṭhisena không tâu xin một thứ nào cả.

Đức Bồ Tát đạo sĩ trình bày cách thực hành của bậc xuất gia cho Đức Vua Brahmadatta biết, nên tâu rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, sự xin những thứ gì nơi người khác đó là cách thực hành của người tại gia cư sĩ đã trở thành thói quen từ lâu rồi, đó không phải cách thực hành của bậc xuất gia tu sĩ.

Đối với bậc xuất gia, từ khi bắt đầu trở thành đạo sĩ nên thực hành hạnh nuôi mạng chân chánh, trong sạch thanh tịnh bằng cách giữ gìn thân, khẩu, ý trong sạch thanh tịnh.

Đức Bồ Tát đạo sĩ trình bày cách thực hành của bậc xuất gia bằng câu kệ rằng:

 

- Muôn tâu Đại Vương, Chư bậc xuất gia có trí tuệ không xin bằng lời nói.

Thí chủ phục vụ hộ độ có trí tuệ hiểu biết những thứ vật dụng cần thiết của quý Ngài trong lúc mắc bệnh và lúc không mắc bệnh.

Chư bậc xuất gia có trí tuệ ấy cần những thứ nào không bao giờ xin bằng lời nói, mà chỉ có đứng yên trang nghiêm tại nơi ấy bằng cách khất thực mà thôi. Đó là cách xin của chư bậc xuất gia có trí tuệ thực hành hạnh cao thượng.

 

Giải thích ý nghĩa câu kệ

 

Chư bậc xuất gia có trí tuệ đó là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, chư Thanh Văn Giác, chư Đức Bồ Tát đạo sĩ. Chư bậc xuất gia có trí tuệ ấy không bao giờ xin bằng lời nói rằng: “ Xin quý vị bố thí những thứ này, những thứ kia cho bần đạo. ”

Chư bậc xuất gia có trí tuệ ấy cần những thứ nào chỉ đứng yên trang nghiêm tại nơi ấy, không dùng tay chỉ về thứ ấy, cũng không xin bằng lời nói đến thứ ấy, mà chỉ đứng yên trang nghiêm tự nhiên bằng cách khất thực mà thôi. Đó là cách xin của bậc xuất gia có trí tuệ thực hành hạnh cao thượng.

Lắng nghe lời dạy của Đức Bồ Tát đạo sĩ Aṭṭhisena, Đức Vua Brahmadatta bạch rằng:

- Kính bạch Ngài đạo sĩ, Quả nhân kính dâng, cúng dường 1000 con bò sữa màu nâu cùng với bò đực đến Ngài, để Ngài dùng sữa tươi và sữa chua, … Kính xin Ngài nhận những con bò ấy của Quả nhân.

Ngài là bậc thực hành hạnh cao thượng, Quả nhân vô cùng hoan hỷ nghe chánh pháp cao thượng, lời giáo huấn sâu sắc của Ngài như vậy, chẳng lẽ Quả nhân không kính dâng, cúng dường đến Ngài có pháp hạnh cao thượng được sao!

Nghe Đức Vua Brahmadatta bạch như vậy, Đức Bồ Tát đạo sĩ Aṭṭhisena tâu lời từ khước rằng:  

- Muôn tâu Đại Vương, thông thường bậc xuất gia không dính mắc, không ràng buộc vào thứ gì cả.

Vì vậy, bần đạo không thể nhận những con bò ấy của Đại Vương.

Đức Vua Brahmadatta thực hành theo lời giáo huấn của Đức Bồ Tát đạo sĩ Aṭṭhisena, tạo mọi phước thiện bố thí, giữ gìn giới trong sạch, v.v…. cho đến trọn đời.

Sau khi Đức Vua Brahmadatta băng hà, thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau làm vị thiên nam trên các cõi trời dục giới.

Đức Bồ Tát đạo sĩ Aṭṭhisena giữ gìn các bậc thiền sắc giới cho đến chết, sau khi chết. sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau làm vị phạm thiên trên cõi trời sắc giới phạm thiên.

Sau khi thuyết tích Aṭṭhisenajātaka này xong, Đức Thế Tôn thuyết dạy pháp tứ Thánh Đế, chư Tỳ Khưu chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh đạo- Thánh quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh nhân bậc thấp hoặc bậc cao tùy theo năng lực của pháp hạnh Ba-la-mật của mỗi vị.   

 

Tích Aṭṭhisenajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện Tại  

 

Trong tích Aṭṭhisenajātaka, Đức Bồ Tát đạo sĩ, tiền kiếp của Đức Phật Gotama trong thời quá khứ. Đến khi Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, những hậu kiếp của nhân vật trong tích ấy liên quan đến kiếp hiện tại như sau: 

- Đức Vua Brahmadatta nay kiếp hiện tại là Ngài Đại   Đức Ānanda,

- Đức Bồ Tát đạo sĩ Aṭṭhisena nay kiếp hiện tại là

  Đức Phật Gotama.

 

Nhận Xét Về Tích Aṭṭhisenajātaka,

 

Trong bộ Jātakaṭṭhakathā có 547 tích Đức Bồ Tát

tiền kiếp của Đức Phật Gotama, trong những tích ấy, tích Đức Bồ Tát thực hành pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật thật là khó tìm. 

Sở dĩ chọn tích Aṭṭhisenajātaka này là vì Đức Bồ Tát đạo sĩ Aṭṭhisena không ham muốn lợi danh, xem thường 8 pháp thế gian, với tâm trung dung trong mọi đối tượng.

Đó cũng là tính chất đặc biệt của pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật . 

 

(Xong pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật bậc hạ)



[1] Bộ Jātakaṭṭhakathā,   phần  Sattakanipāta, tích  Aṭṭhisenajātaka

[2] 1 gang của Đức Phật gấp 3 gang của người trung bình

[3] Bộ Jātakaṭṭhakathā,   phần  Sattakanipāta, tích  Aṭṭhisenajātaka


 

10.2- Pháp Hạnh Tâm Xả Ba-la-mật Bậc Trung (Upekkhā upapāramī)

 

Tích Kacchapajātaka (cạch-chá-pá-cha-tá-ká)

 

Trong tích Kacchapajātaka([1]) Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm Bà-la-môn thực hành pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật bậc trung (Upekkhā upapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

 

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, Ngài đề cập đến sự mâu thuẫn lắng dịu giữa 2 vị quan của Đức vua Kosala, nên Ngài thuyết về tích Kacchapajātaka này được tóm lược như sau:

 

Tích Kacchapajātaka

 

Trong thời quá khứ, Đức Vua Brahmadatta ngự tại kinh thành Bārāṇasī, khi ấy, Đức Bồ Tát, tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh vào dòng dõi Bà-la-môn trong đất nước Kāsi.

Khi trưởng thành, Đức Bồ Tát theo học các bộ môn theo dòng dõi Bà-la-môn tại kinh thành Takkasilā. Sau khi học thành tài xong, trở về cố quốc. Đức Bồ Tát nhàm chán ngũ dục: sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục, xúc dục, nên từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành đạo sĩ, làm cốc lá tại bến con sông Gaṅgā, gần khu rừng núi Himavanta, thực hành pháp hành thiền định, chứng đắc các bậc thiền sắc giới, chứng đắc các phép thần thông thế gian.

Trong tích này, Đức Bồ Tát đạo sĩ thực hành pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật với tâm trung dung trong mọi đối tượng.  Khi Đức Bồ Tát đạo sĩ đang ngồi trước cửa cốc lá, một con khỉ tinh nghịch đến quậy phá nhảy đến ngồi trên vai của Đức Bồ Tát đạo sĩ, rồi đút dương vật của nó vào lỗ tai bên này, rồi đút lỗ tai bên kia của Ngài. Đức Bồ Tát đạo sĩ vẫn ngồi yên tịnh, còn con khỉ ấy chơi chán, rồi nhảy đi nơi khác. Bởi vì Đức Bồ Tát đạo sĩ thực hành pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật, với đại thiện tâm trung dung trong mọi đối tượng xấu, đối tượng tốt, đối tượng đáng hài lòng, đối tượng không đáng hài lòng, nên không phát sinh tâm sân trong đối tượng không đáng hài lòng, cũng không phát sinh tâm tham trong đối tượng đáng hài lòng.

Đức Bồ Tát đạo sĩ phát sinh đại thiện tâm với tâm trung dung trong mọi đối tượng, dù con khỉ tinh nghịch ấy có hành vi thế nào, Đức Bồ Tát đạo sĩ vẫn giữ thái độ bình thản tự nhiên. 

Hằng ngày, con khỉ tinh nghịch ấy thường đến quậy phá Đức Bồ Tát đạo sĩ, nó có những hành vi xấu xa trở thành thói quen như vậy.

Một hôm nọ, một con rùa từ dưới nước bò lên bờ, nằm nhắm mắt há miệng phơi nắng trên bờ sông Gaṅgā.

Thấy con rùa nằm há miệng, con khỉ tinh nghịch quậy phá ấy nhảy đến, đút dương vật của mình vào miệng con rùa. Ngay khi ấy, con rùa mở mắt, rồi ngậm chặt dương vật con khỉ nằm trong miệng. Nỗi đau khổ cùng cực phát sinh lên đối với con khỉ tinh nghịch ấy không sao chịu đựng nỗi, nên nó nghĩ rằng: “Ai là người có thể giải cứu ta thoát khỏi nỗi khổ đau cùng cực này được?”

Con khỉ ấy nhớ rằng: “Ngoài vị đạo sĩ ra, không còn có ai khác có thể giải cứu ta thoát khỏi nỗi khổ đau cùng cực này. Vậy, ta chỉ nên tìm đến vị đạo sĩ ấy mà thôi.”

Nghĩ vậy, con khỉ tinh nghịch ấy đưa 2 tay ẵm con  rùa vào bụng đi đến tìm Đức Bồ Tát đạo sĩ.

Nhìn thấy con khỉ ấy như vậy, nên Đức Bồ Tát nói lời trêu chọc con khỉ ấy rằng:

Ai kia vậy! Như người ôm choàng 2 tay đầy bọc vật thực đang đi đến vậy? 

Ai kia vậy!  Như vị Bà-la-môn có 2 tay ôm đầy của cải đang đi đến vậy?

- Này chú khỉ! Hôm nay chú đi tìm được vật thực nơi nào vậy? Hoặc chú được nhiều vật thực từ người nào có đức tin như vậy? 

 

Nghe Đức Bồ Tát đạo sĩ nói lời trêu chọc như vậy, con khỉ tinh nghịch cung kính thưa với Đức Bồ Tát đạo sĩ rằng:

- Kính thưa Ngài, tôi là con khỉ tinh nghịch si mê đụng chạm vào nơi không nên đụng chạm.

Cầu mong mọi sự an lạc hằng đến với Ngài. Kính xin Ngài có tâm đại bi tế độ giải cứu tôi thoát ra khỏi nỗi khổ đau cùng cực này.

 Khi tôi được thoát khỏi nỗi khổ đau cùng cực này, do nhờ oai lực của Ngài, tôi sẽ đi vào rừng sâu sống, chắc chắn không bao giờ dám đến quấy phá Ngài nữa. 

Nghe con khỉ tha thiết khẩn cầu như vậy,  Đức Bồ Tát đạo sĩ phát sinh tâm đại bi cứu khổ cho con khỉ, nên khẩn khoản nói với con rùa rằng:

- Này chú rùa! Các loài rùa là chúng sinh nối dòng dõi Kacchapagotta, và các loài khỉ là chúng sinh nối dòng dõi  Koṇḍaññagotta.

 Dòng dõi Kacchapagotta và dòng dõi Koṇḍañña-gotta vốn có quan hệ mật thiết với nhau từ xưa. 

- Này chú rùa! Chú thuộc dòng dõi Kacchapagotta nên tha tội cho chú khỉ thuộc dòng dõi Koṇḍaññagotta được tự do vậy.

Nghe lời khuyên bảo của Đức Bồ Tát Đạo sĩ như vậy, con rùa phát sinh đức tin trong sạch nơi Đức Bồ Tát đạo sĩ, nên tha tội cho con khỉ tinh nghịch ấy được tự do.

Sau khi được thoát khỏi nỗi khổ đau cùng cực do nhờ ân đức của Đức Bồ Tát đạo sĩ, con khỉ cung kính đảnh lễ Đức Bồ Tát đạo sĩ, rồi xin phép từ biệt, nhảy trốn vào rừng sâu, không bao giờ trở lại nơi ấy nữa.

Còn con rùa cũng đảnh lễ Đức Bồ Tát đạo sĩ, rồi xin phép trở về chỗ ở của mình.

Đức Bồ Tát đạo sĩ giữ gìn, duy trì các bậc thiền sắc giới cho đến chết, nên sau khi chết, sắc giới thiện nghiệp cho quả hóa sinh làm phạm thiên trên cõi trời sắc giới phạm thiên.

Sau khi thuyết tích Kacchapajātaka này xong, Đức Thế Tôn thuyết dạy pháp tứ Thánh Đế, chư Tỳ Khưu chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh đạo- Thánh quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh nhân bậc thấp hoặc bậc cao tùy theo năng lực của pháp hạnh Ba-la-mật của mỗi vị.

   

  Tích Kacchapajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện Tại  

 

Trong tích Kacchapajātaka, Đức Bồ Tát đạo sĩ, tiền kiếp của Đức Phật Gotama trong thời quá khứ. Đến khi Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, những hậu kiếp của nhân vật trong  tích ấy liên quan đến kiếp hiện

tại như sau: 

- Con rùa con khỉ tinh nghịch nay kiếp hiện tại là 2 vị quan có mâu thuẫn với nhau trong triều đình của Đức vua Kosala.

 

- Đức Bồ Tát đạo sĩ nay kiếp hiện tại là Đức Phật Gotama.

 

(Xong pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật bậc trung)

 

 

10. 3- Pháp Hạnh Tâm Xả Ba-la-mật Bậc Thượng

         (Upekkhāparamatthapāramī)

 

Tích Mahālomahaṃsacariyā (Má-ha-lô-má-hăm-xá-chá-rí-gia)

 

Trong tích Mahālomahaṃsacariyā([2]), Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama là vị Đạo sĩ thực hành pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật bậc thượng (Upekkhāparamattha-pāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

 

Trong thời kỳ quá khứ, Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh trưởng trong một gia đình giàu sang phú quý có nhiều của cải tài sản lớn. Khi Đức Bồ Tát trưởng thành được cha mẹ của Ngài gửi đến học tại kinh thành Takkasilā, với vị giáo sư Disāpamokkha.

Sau khi học thành tài, Đức Bồ Tát trở về nhà giúp đỡ cha mẹ. Khi cha mẹ của Ngài qua đời, những người bà con dòng họ yêu cầu Ngài thừa kế tất cả tài sản sự nghiệp của cha mẹ Ngài để lại.

Vốn là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác đã từng thực hành và tích luỹ các pháp hạnh Ba-la-mật từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, để mong trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác. Cho nên Ngài không say mê trong của cải tài sản lớn lao ấy, cũng không muốn sống đời sống của người tại gia cư sĩ có nhiều ràng buộc, chỉ muốn bỏ nhà đi xuất gia trở thành đạo sĩ mà thôi. Bởi vì Đức Bồ Tát có trí tuệ sáng suốt thấy rõ, biết rõ ngũ uẩn này là vô thường, ngũ uẩn này là khổ, ngũ uẩn này là vô ngã, thân thể này là bất tịnh đáng nhàm chán, nên Đức Bồ Tát chỉ quyết tâm từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành đạo sĩ mà thôi.

Vì vậy, Ngài đem tất cả mọi của cải tài sản làm phước bố thí đến những người nên bố thí, rồi từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành đạo sĩ với ý định:

 “Ta không tỏ ra cho ai biết ta đang thực hành pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật bậc thượng”

Từ đó, Đức Bồ Tát không quan tâm đến 8 pháp thế gian (lokadhamma) là: được lợi, mất lợi, được danh, mất danh, được khen, bị chê, an lạc, khổ đau. Ngài chỉ quyết tâm thực hành pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật đến bậc cao thượng nhất mà thôi.

Để hỗ trợ cho pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật ấy, Đức Bồ Tát còn phải cố gắng thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật khác, nhất là pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật, mỗi khi có cơ hội xảy đến.

Đức Bồ Tát là vị đạo sĩ có đức hạnh tri túc, chỉ mặc một bộ y phục cũ được vá nhiều mảnh cốt để che thân thể khỏi hổ thẹn mà thôi. Vì vậy, khi các thí chủ có đức tin trong sạch nơi Đức Bồ Tát Đạo sĩ, dâng cúng dường đến Ngài những tấm vải mới. Ngài đều từ khước, không nhận tấm vải mới của một ai cả.

Ngài là bậc đại thiện trí có trí tuệ siêu việt mà Ngài làm như người đần độn.

Một thuở nọ, Đức Bồ Tát Đạo sĩ đến một ngôi làng, lũ trẻ trong làng ấy rất tinh nghịch, khó dạy. Chúng nó là những đứa con của những gia đình làm công, tôi tớ trong làng. Lũ trẻ này hay quấy phá mọi người già qua lại, không ai chịu nổi.

Nhìn thấy Đức Bồ Tát Đạo sĩ ăn mặc khác thường đang ngồi nghỉ mệt, lũ trẻ ấy chạy đến vây quanh Ngài, chúng nhổ nước miếng vào người Ngài, ném vật dơ đến người Ngài… Chúng quậy phá như vậy, mà Đức Bồ Tát Đạo sĩ vẫn giữ thái độ trung dung rất tự nhiên, không hề bực tức lũ trẻ ấy. Khi Ngài đứng đậy đi chỗ khác, thì lũ trẻ ấy cứ đi theo quậy phá như vậy.

Đức Bồ Tát Đạo sĩ đi vào nghĩa địa nơi mà người ta bỏ xác người chết, Ngài gom các bộ xương lại trải làm chỗ nằm, lấy một cái sọ làm gối, Ngài nằm nghỉ.

Khi ấy, lũ trẻ con ấy kéo nhau vào nghĩa địa nơi chỗ nằm của Đức Bồ Tát Đạo sĩ, chúng nó rất tinh nghịch, tiếp tục quậy phá Ngài như: nhổ nước miếng, tiểu tiện lên người của Ngài. Khi Ngài đang nằm nghỉ, chúng nó lấy cỏ ngoáy vào lỗ tai của Ngài, Ngài chịu không được rùng mình, thì chúng cười. Dù lũ trẻ muốn quậy phá thế nào, Đức Bồ Tát Đạo sĩ vẫn giữ thái độ trung dung tự nhiên. Quậy phá Ngài chán, chúng nó kéo nhau về nhà.

Mỗi ngày, lũ trẻ tinh nghịch ấy lại đến quậy phá Đức Bồ Tát Đạo sĩ như vậy, nhưng Ngài vẫn không hề phát sinh tâm sân, không bực tức hoặc ghét chúng nó.

Nhìn thấy lũ trẻ tinh nghịch kia quậy phá Đức Bồ Tát Đạo sĩ như vậy, nhóm người thiện trí ngăn cấm lũ trẻ ấy, nhưng chúng nó không nghe lời, cứ tiếp tục quậy phá Ngài. Nhóm người thiện trí nhận thức: Vị đạo sĩ này là bậc đang thực hành pháp hạnh cao thượng, mà ít có người thực hành được như Ngài”.

Vì nhận thức như vậy, nên họ có đức tin trong sạch nơi Đức Bồ Tát Đạo sĩ. Họ đem những đoá hoa, vật thơm, vật thực ngon lành, những phẩm vật quý giá đến lễ bái cúng dường đến Đức Bồ Tát Đạo sĩ. Dù họ cúng dường như vậy, Ngài vẫn giữ thái độ trung dung, tự nhiên, không phát sinh tâm từ đối với nhóm người thiện trí ấy, cũng không phát sinh tâm tham, hài lòng trong các phẩm vật quý giá ấy. Đức Bồ Tát Đạo sĩ có thiện tâm trung dung, bình đẳng, không thiên vị đối với tất cả mọi chúng sinh, tất cả mọi người.

 

* Dù lũ trẻ tinh nghịch ấy đối xử tàn tệ, có hành vi thô bỉ đối với Đức Bồ Tát Đạo sĩ như vậy, Ngài vẫn không phát sinh tâm sân ghét chúng nó.

*Dù nhóm người thiện trí ấy đối xử tốt, có lòng tôn kính, lễ bái cúng dường đến Đức Bồ Tát Đạo sĩ bằng những phẩm vật quý giá như vậy, Ngài vẫn không phát sinh tâm từ đối với nhóm người thiện trí ấy, và cũng không phát sinh tâm hài lòng trong những phẩm vật quý giá ấy, bởi vì Đức Bồ Tát Đạo sĩ đang thực hành pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật với thiện tâm trung dung, bình đẳng, không phân biệt tất cả mọi chúng sinh và không phân biệt tất cả mọi đối tượng xấu, đối tượng tốt.

Thậm chí Đức Bồ Tát Đạo sĩ không phân biệt đối tượng bất tịnh và đối tượng tịnh. Thật vậy, trong nghĩa địa, Đức Bồ Tát Đạo sĩ gom các bộ xương người lại trải làm chỗ nằm, lấy xương sọ người làm gối, Ngài sống trong nghĩa địa ấy.

 

Đức Phật dạy:

 

Susāne seyyaṃ kappemi, chavaṭṭhikaṃ upadhāya’haṃ.

Gāmaṇḍalā upāgantvā, rūpaṃ dassenti nappakaṃ”([3])

 

Ý nghĩa:

 

Đức Bồ Tát Đạo sĩ, tiền kiếp Như Lai,

gom các bộ xương trải làm chỗ nằm trong nghĩa địa,

Lấy sọ người làm gối, nằm nghỉ ngơi .

Dù lũ trẻ rất tinh nghịch đến quấy phá,

Ngài vẫn không phát sinh tâm sân,

Dù nhóm người thiện trí cung kính lễ bái, cúng dường,

 Ngài vẫn không phát sinh tâm tham.

Đức Bồ Tát Đạo sĩ vẫn giữ thái độ trung dung.

Đó là pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật bậc thượng

của Đức Bồ Tát Đạo sĩ, tiền kiếp Như Lai..

 

10 Pháp Hạnh Ba-La-Mật

 

Tóm lược tích Mahālomahamsacariyā, Đức Bồ Tát Đạo sĩ tiền kiếp của Đức Phật Gotama đã thực hành pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật bậc thượng, ngoài ra, còn có 9 pháp hạnh Ba-la-mật phụ khác cũng đồng thời thành tựu như sau:

- Đức Bồ Tát Đạo sĩ đem tất cả của cải tài sản làm phước bố thí, đó là pháp hạnh bố thí Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát Đạo sĩ giữ gìn giới, đó là pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát Đạo sĩ từ bỏ nhà đi xuất gia, đó là pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát Đạo sĩ có trí tuệ sáng suốt, đó là pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát Đạo sĩ có sự tinh tấn không ngừng, đó là pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát Đạo sĩ có đức nhẫn nại, đó là pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát Đạo sĩ nói lời chân thật, đó là pháp hạnh chân thật Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát Đạo sĩ phát nguyện vững chắc, đó là pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật.

- Đức Bồ Tát Đạo sĩ có tâm từ, đó là pháp hạnh tâm

từ Ba-la-mật.

Đó là 9 pháp hạnh Ba-la-mật phụ đồng thời thành tựu cùng với pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật bậc thượng.

 

Nhận Xét Về Tích Đức Bồ Tát Đạo Sĩ

 

Trong tích Mahālomahaṃsacariyā, Đức Bồ Tát Đạo sĩ tiền kiếp của Đức Phật Gotama, thực hành pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật bậc thượng ((Upekkhāparamattha-pāramī).

Pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật bậc thượng là 1 trong 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc thượng, cũng là 1 trong 30 pháp hạnh Ba-la-mật mà Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cần phải thực hành cho được đầy đủ, để hỗ trợ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha).

Tâm xả Ba-la-mật đó là tâm sở trung dung (tatramaj-jhattatācetasika) đồng sinh với các thiện tâm có đối tượng chúng sinh có nghiệp là của riêng mình và thừa hưởng quả của nghiệp mà chính mình đã tạo.

 

“Sabbe sattā kammassakā:”

 Tất cả chúng sinh đều có nghiệp là của riêng mình.

 

Thiện nghiệp cho quả tốt, quả an lạc.

Ác nghiệp cho quả xấu, quả khổ.

 

Chúng sinh hưởng quả an lạc của thiện nghiệp của họ.

Chúng sinh chịu quả khổ của ác nghiệp của họ.

 

Đức Bồ Tát thực hành pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật với đại thiện tâm trung dung trong đối tượng như sau:

 - Đối tượng chúng sinh: Chúng sinh hưởng quả an lạc của thiện nghiệp của họ và chịu quả khổ của ác nghiệp của họ.

- Đối tượng 8 pháp thế gian: Được lợi, mất lợi; được danh, mất danh; được khen, bị chê; an lạc, khổ đau   

ảnh hưởng đối với chúng sinh, nhưng 8 pháp thế gian ấy không hề bị ảnh hưởng đến với Đức Bồ Tát thực hành pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật, bởi vì thiện tâm của Đức Bồ Tát có đối tượng trung dung, không thiên vị tốt xấu.  

 

Như trường hợp Đức Bồ Tát Đạo sĩ thực hành pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật bậc thượng có tâm sở trung dung đồng sinh với đại thiện tâm, cho nên, dù lũ trẻ con tinh nghịch quậy phá như thế nào, Đức Bồ Tát Đạo sĩ vẫn không hề phát sinh tâm sân ghét chúng nó. Và dù những người thiện trí có đức tin trong sạch nơi Đức Bồ Tát Đạo sĩ, đem những đoá hoa, vật thơm, vật thực ngon lành đến cúng dường Ngài, Ngài vẫn không phát sinh tâm từ thương yêu họ.

Đức Bồ Tát Đạo sĩ không hề có tâm thiên vị đối với tất cả chúng sinh. Tâm của Đức Bồ Tát ví như cái cân không thiên vị bất cứ vật gì dù tốt, xấu, quý, không quý, v.v…, cái cân vẫn chỉ đúng theo trọng lượng của vật ấy.

Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:

 

Sukhapatto na rajjāmi, dukkhe na homi dummano.

Sabbattha tulito homi, esā me upekkhāpāramī.([4])

 Ý nghĩa:

Khi sự an lạc phát sinh, Như lai không say đắm,

Trong cảnh khổ, Như Lai không sầu não.

Như lai cân bằng trong mọi đối tượng.

Đó là pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật bậc thượng

     của Đức Bồ Tát Đạo sĩ, tiền kiếp Như Lai.

(Xong pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật bậc thượng)



[1] Bộ Jātakaṭṭhakathā,   phần Tikanipāta, tích  Kacchapajātaka

[2] Khu. bộ chú giải Cariyāpiṭaka. Tích Mahālomahaṃsacariyā

[3] Bộ chú giải Khuddakamikāya Jātakaṭṭhakathā phần Nidānakathā và bộ chú giải Cariyāpitaka, tích Mahālomahaṃsacariyā.

[4] M. Aṭṭhakathā, Mūlapaṇṇāsa.



Đoạn Kết

 

 10 pháp hạnh Ba-la-mật là pháp hành tất yếu mà chư Đức Bồ Tát cần phải thực hành đầy đủ trọn vẹn các pháp hạnh Ba-la-mật theo ý nguyện của mình, để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác hoặc Đức Phật Độc Giác hoặc bậc Thánh Thanh Văn Giác. Ví dụ như:

 

* Đức Bồ Tát có ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thì  Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy cần phải thực hành đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Ba-la-mật: 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc trung, 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc thượng, để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

 

* Đức Bồ Tát có ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Độc Giác, thì Đức Bồ Tát Độc Giác ấy cần phải thực hành đầy đủ trọn vẹn 20 pháp hạnh Ba-la-mật: 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc trung, để trở thành Đức Phật Độc Giác.

 

 * Vị Bồ Tát có ý nguyện muốn trở thành bậc Thánh Thanh Văn Giác, thì vị Bồ Tát Thanh Văn Giác ấy cần phải thực hành đầy đủ trọn vẹn 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ, để trở thành  bậc Thánh Thanh Văn Giác. 

 

Mong trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác hạng nào, hoặc Đức Phật Độc Giác hạng nào, hoặc bậc Thánh Thanh Văn Giác hạng nào đều do ý nguyện của mỗi Đức Bồ Tát, để được thành tựu ý nguyện ấy, Đức Bồ Tát mỗi hạng cần phải thực hành đầy đủ trọn vẹn các  pháp hạnh Ba-la-mật của mình.

Patthanā

 

Iminā puññakammena,  sukhī bhavāma sabbadā.

Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo, loke sattā sumaṅgalā.

 

Vietnam ca raṭṭhikā sabbe,  janā pappontu sāsane.

Vuḍḍhiṃ viruḷhivepullaṃ,   patthayāmi nirantaraṃ.

 

Do nhờ phước thiện thanh cao này,

Cho chúng con thường được an lạc.

Cầu mong chánh pháp được trường tồn,

Tất cả chúng sinh được hạnh phúc.

 

Dân tộc Việt Nam được phát triển,

Tiến hóa hưng thịnh trong Phật giáo.

Bần sư cầu nguyện với tâm thành,

Hằng mong được thành tựu như nguyện.

 

Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo lokasmiṃ.

Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo Vietnamraṭṭhasmiṃ.

 

Cầu nguyện chánh pháp được trường tồn trên thế gian.

Cầu nguyện chánh pháp được trường tồn trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

 

 

                          Mùa an cư nhập hạ PL: 2555/2011

Rừng Núi Viên Không

Tóc Tiên, Huyện Tân Thành

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

 Tỳ khưu Hộ Pháp

(Dhammarakkhita Bhikkhu)

(Aggamahāpaṇḍita)  






[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024