• Nền Tảng Phật Giáo - Quyển VI

    TRÍ TUỆ SIÊU VIỆT

    (Tập 4)

  • Soạn giả: Hộ Pháp

 

Âm Mưu Sát Hại 101 Vua Chư Hầu

 

Nghe Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi, vị quân sư Kevaṭṭa tâu rằng:

- Tâu Chúa Thượng, xin Chúa Thượng truyền lệnh cho tổ chức đại lễ, uống rượu ăn mừng chiến thắng tại vườn thượng uyển, để Chúa Thượng trở thành Đại Vương cao cả nhất, làm bá chủ trong cõi Nam thiện bộ châu này.

Nghe quân sư Kevaṭṭa tâu như vậy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta vô cùng hoan hỷ truyền lệnh trang hoàng vườn thượng uyển, chuẩn bị hằng trăm, hằng ngàn hũ rượu ngon và các món ăn có vị ngon lành.

Những người lính điệp viên của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita gửi tin báo cho Ngài biết: “Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta truyền lệnh các quan tổ chức đại lễ, uống rượu ăn mừng chiến thắng tại vườn thượng uyển”. (Nhưng họ hoàn toàn không hay biết các hũ rượu và các món ăn dành cho 101 Vua chư hầu có trộn thuốc độc, để đầu độc các Vua chư hầu tại nơi ấy).

Nhận được tin báo từ những lính điệp viên của mình, Đức Bồ Tát gửi tin cho họ: “Các ngươi hãy báo tin cho ta biết rõ chính xác ngày đại lễ, uống rượu ăn mừng chiến thắng”.

Họ nghiêm chỉnh thi hành theo lệnh của Ngài. Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita nghĩ: “Khi có ta là Mahosadha paṇḍita thì không bao giờ để cho 101 Đức Vua phải bị băng hà theo mưu kế của quân sư Kevaṭṭa. Ta sẽ cứu sống 101 Đức Vua ấy”.

Nghĩ xong, Ngài cho gọi nhóm bạn 1.000 chiến sĩ anh hùng đến bảo rằng:

- Này các bạn thân mến! Nghe tin báo rằng: “Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta truyền lệnh trang hoàng vườn thượng uyển, để tổ chức đại lễ, uống rượu ăn mừng chiến thắng”.

Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta truyền lệnh cho mời 101 Vua chư hầu đến dự đại lễ ăn mừng chiến thắng ấy. Vậy, các ngươi hãy đến tại vườn thượng uyển ấy trước một ngày, làm bộ tranh giành chỗ ngồi của Đức Vua của mình. Như vậy, cuộc tranh cãi sẽ xảy ra, nhân dịp ấy, các ngươi hãy dùng cây đập bể các hũ rượu dành cho 101 Vua chư hầu và đổ bỏ các món ăn hết thảy.

Hoàn thành xong nhiệm vụ, các người la hét lên rằng: “Chúng tôi là lính của quan Thừa tướng Mahosadha paṇḍita, kinh thành Mithilā, đất nước Videharaṭṭha”, rồi các ngươi hãy mau trở về.

Nghe theo lời bảo của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, nhóm bạn 1.000 chiến sĩ anh hùng mang theo đủ 5 thứ khí giới rời khỏi kinh thành Mithilā tiến thẳng nhanh đến vườn thượng uyển của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta.

Khi xâm nhập vào vườn thượng uyển, họ thấy khu vườn đã được trang hoàng lộng lẫy như vườn Nandavana của Đức Vua trời. Có ngai vàng cao, có lọng trắng của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta nằm ngay ở giữa, dọc theo 2 bên, có 101 ngai vàng thấp cũng có lọng trắng, trước mỗi ngai vàng có hũ rượu và các món đồ ăn đã được bày ra sẵn sàng, chờ đợi đến giờ Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cùng 101 Vua chư hầu ngự đến tham dự đại lễ, uống rượu, ăn mừng chiến thắng.

Thi hành nhiệm vụ đúng theo mưu kế của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, nhóm 1.000 chiến sĩ anh hùng tranh cãi với lính làm phận sự tại vườn thượng uyển, nhân cơ hội ấy, họ đập bể các hũ rượu và đổ bỏ tất cả các món đồ ăn, rồi họ la lớn lên rằng:

“Chúng ta là lính của quan Thừa tướng Mahosadha paṇḍita từ kinh thành Mithilā, đất nước Videharaṭṭha đến đây phá hoại buổi đại lễ ăn mừng chiến thắng của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta.”

Nhóm 1.000 chiến sĩ anh hùng rút lui lẹ làng trở về kinh thành Mithilā được an toàn. Nhóm lính nhân viên làm phận sự tổ chức đại lễ ăn mừng chiến thắng vào chầu Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta, tâu rằng:

- Tâu Bệ hạ, nhóm lính của quan Thừa tướng Mahosadha paṇḍita từ kinh thành Mithilā, đất nước Videharaṭṭha, xâm nhập vào vườn thượng uyển gây gỗ với lính làm nhiệm vụ trong vườn thượng uyển, rồi đập bể các hũ rượu và đổ bỏ các món ăn cả thảy rồi rút đi.

Nghe những người lính tâu như vậy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta nổi cơn phẫn nộ trước hành động phá hoại của nhóm lính của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, bởi vì, họ không những phá hoại đại lễ uống rượu ăn mừng chiến thắng, mà còn phá kế sách của quân sư Kevaṭṭa đầu độc 101 Vua chư hầu băng hà trong ngày hôm ấy.

101 Vua chư hầu không biết mưu kế ấy nên cũng nổi cơn thịnh nộ rằng: 

 “ Bọn lính của Thừa tướng Mahosadha paṇḍita từ kinh thành Mithilā đến phá hoại không cho chúng ta uống rượu ăn mừng chiến thắng.”

Khi ấy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta truyền gọi 101 Vua chư hầu rồi truyền lệnh rằng:

- Này chư vị! Chúng ta sẽ dẫn đầu các đoàn binh hùng mạnh đến xâm nhập kinh thành Mithilā, bắt Đức Vua Vedeha và Thừa tướng Mahosadha paṇḍita đem ra chém đầu, rồi chúng ta sẽ tổ chức đại lễ, uống rượu, ăn mừng chiến thắng hoàn toàn. Vậy, chư vị hãy chuẩn bị chờ lệnh Quả nhân.

Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta truyền gọi vị quân sư Kevaṭṭa đến nơi kín đáo, truyền bảo rằng:

- Thưa quân sư, Trẫm cùng với 101 Vua chư hầu thân chinh dẫn đầu các đoàn binh hùng mạnh, gồm có 18 akkhobhiṇī quân đến vây hãm kinh thành Mithilā, phá thành trì xâm nhập vào cung điện bắt Đức Vua Vedeha và Thừa tướng Mahosadha paṇḍita đem ra chém đầu, để trị tội phá hoại đại lễ của chúng ta, Trẫm xin mời quân sư cùng đi với Trẫm.

Nghe Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta quyết tâm như vậy, quân sư Kevaṭṭa xét thấy dù có bao nhiêu đoàn binh hùng mạnh đến đâu đi nữa cũng vẫn không thể thắng được vị Thừa tướng Mahosadha paṇḍita. Cho nên, ông tìm cách khuyên can Đức Vua thay đổi ý định, ông tâu rằng:

- Tâu Chúa Thượng, nhóm lính xâm nhập vườn thượng uyển, gây gỗ, đập bể những hũ rượu và đổ bỏ các món đồ ăn, cốt để phá hoại đại lễ. Đó chắc chắn là nhóm chiến sĩ anh hùng của Thừa tướng Mahosadha paṇḍita, họ mới dám làm chuyện phi thường như vậy. Đức Vua Vedeha không liên can đến chuyện phá hoại này.

- Tâu Chúa Thượng, kinh thành Mithilā được Thừa tướng Mahosadha paṇḍita cho bảo vệ an toàn, chắc chắn không có một đội quân nào có khả năng xâm nhập vào bên trong được. Nếu Chúa Thượng đem các đoàn binh đến vây hãm kinh thành Mithilā mà không xâm nhập vào bên trong được thì chỉ làm cho chúng ta bị xấu hổ mà thôi. Do đó, kính xin Chúa Thượng bỏ ý định đem các đoàn binh đến bao vây kinh thành Mithilā. Đó là điều hay nhất.

Tuy quân sư Kevaṭṭa khuyên can như vậy, nhưng Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta ỷ lại vào sức mạnh của các đoàn binh và tính ngã mạn của một Đại Vương nước lớn, nên không chịu bỏ ý định ban đầu, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo rằng:

- Thừa tướng Mahosadha paṇḍita dù có trí tuệ đến đâu cũng vẫn không thể chống đỡ nổi sức mạnh phi thường các đoàn binh của Trẫm được!

Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Vua chư hầu ngự dẫn đầu các đoàn binh gồm có 18 akkhobhiṇī quân đến vây hãm xung quanh kinh thành Mithilā. Quân sư Kevaṭṭa không khuyên can được Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta, cũng không dám trái ý của Đức Vua, nên cũng đi theo hộ giá Đức Vua.

Khi ấy, những người lính điệp viên của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita gửi tin báo cho Ngài biết: “Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Vua chư hầu ngự dẫn đầu các đoàn binh gồm có 18 akkhobhiṇī quân đến vây hãm kinh thành Mithilā. Kính xin Thượng quan chớ nên dể duôi”.

Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cùng các đoàn quân đến mỗi chặng đường, thì lính điệp viên đều báo tin về cho Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita biết rõ cuộc hành trình tiến quân của họ. Khi Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta ngự cầm đầu các đoàn binh đến gần kinh thành Mithilā, quân lính triều đình đến chầu Đức Vua Vedeha, tâu rằng:

- Tâu Bệ hạ, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Vua chư hầu ngự dẫn đầu các đoàn binh đông đảo không sao đếm được như đoàn tượng binh, đoàn mã binh, đoàn quân xa, đoàn bộ binh,… đến bao vây xung quanh kinh thành Mithilā rộng 7 do tuần.

Bốn vị quân sư: quân sư Senaka, quân sư Pukkusa, quân sư Kāminda và quân sư Devinda cũng vào chầu Đức Vua Vedeha, tâu rằng:

- Tâu Bệ hạ, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Vua chư hầu ngự dẫn đầu các đoàn binh gồm có 18 akkhobhiṇī quân đến bao vây xung quanh kinh thành Mithilā. Vậy, sinh mạng của Bệ hạ và sinh mạng của các hạ thần cùng dân chúng trong kinh thành khó thoát khỏi cái chết.

Được tin lính điệp viên báo cho biết Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Vua chư hầu truyền lệnh 18 akkhobhiṇī quân bao vây xung quanh kinh thành Mithilā, quan Thừa tướng Bồ Tát Mahosadha paṇḍita ra lệnh cho các quân lính đóng chặt 4 cửa thành, giữ gìn, bảo vệ kinh thành cho được an toàn. Sau đó, Ngài đến chầu Đức Vua Vedeha. Nhìn thấy Ngài đến hầu, Đức Vua rất vui mừng, truyền bảo rằng:

- Này hoàng nhi Mahosadha paṇḍita yêu quý! Con đến thật đúng lúc, Phụ Vương đang khổ tâm vì hoảng sợ, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Vua chư hầu đem các đoàn binh hùng mạnh gồm có 18 akkhobhiṇī quân bao vây hãm kinh thành Mithilā này 3 vòng.

- Này hoàng nhi Mahosadha paṇḍita! Con là bậc đại thiện trí có trí tuệ siêu việt, không một ai sánh được. Con có kế sách nào để cứu giúp cho Phụ Vương, các vương gia, các quan trong triều đình và toàn thể dân chúng trong kinh thành Mithilā này được an toàn sinh mạng hay không?

Nghe Đức Vua Vedeha hoảng sợ truyền bảo như vậy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita nghĩ: “Đức Vua Vedeha sợ chết quá! Thầy thuốc giỏi có thuốc hay là nơi nương nhờ của bệnh nhân; vật thực là nhu yếu phẩm cho người đang đói; nước là thứ thiết yếu cho người đang khát. Ngoài ta ra, không có ai là nơi nương nhờ của Đức Vua Vedeha và của tất cả những người khác trong kinh thành Mithilā này. Vậy, ta nên tâu lời an ủi để làm Đức Vua Vedeha an tâm” nên tâu rằng:

- Tâu Đức Phụ Vương, kính xin Đức Phụ Vương không nên hoảng sợ. Xin Đức Phụ Vương an hưởng mọi sự an lạc trên ngai vàng. Con sẽ làm cho các đoàn binh gồm có 18 akkhobhiṇī quân bỏ chạy, ví như người ném cục đất làm cho đàn quạ bay đi.

Nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu như vậy, Đức Vua Vedeha an tâm. Ngài đảnh lễ Đức Vua, rồi xin phép lui ra ngoài. Ngài ra lệnh cho các lính thông báo cho toàn thể dân chúng trong kinh thành Mithilā rằng:

- Hỡi toàn thể dân chúng trong kinh thành! Quan Thừa tướng khuyên rằng: “Tất cả mọi người không nên lo sợ gì cả. Hãy mở hội lớn vui chơi 7 ngày, mọi người nên trang điểm đẹp đẽ, hãy đánh dàn, thổi kèn, ca hát, nhảy múa, vui chơi, vỗ tay, reo hò. Mọi người đều được ăn uống ngon lành no đủ tại mỗi trại lớn”.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita ra lệnh cho các lính đem cung cấp đầy đủ những đồ ăn uống, vật thơm, vật thoa cho mỗi trại, để cho mọi người đều được ăn uống no đủ, vui chơi thoả thích. Tất cả mọi người trong kinh thành từng đoàn, từng đoàn, đờn ca, nhảy múa, vỗ tay,

reo hò, âm thanh vang ra bên ngoài thành.

Dân chúng ở bên ngoài thành kéo nhau vào nội thành bằng con đường nhỏ có lính kiểm soát, để ăn uống vui chơi. Trong số dân chúng vào nội thành ấy, có số lính của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta. Dù lính canh gác kiểm soát của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita biết lính của kẻ thù, nhưng vẫn cho ra vào tự do như những người dân ngoại thành trong đất nước Videharaṭṭha.

Bên ngoài thành, nghe được âm thanh tiếng đàn, tiếng kèn, tiếng ca hát, tiếng reo hò từ trong thành vang dội ra, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi các quan rằng:

- Này các khanh! Chúng ta vây hãm kinh thành với các đoàn binh gồm có 18 akkhobhiṇī quân như thế này, tại sao dân chúng trong kinh thành không biết sợ, không biết lo lắng gì cả mà chỉ biết vui chơi, đàn ca, múa hát, vỗ tay, reo hò như vậy?

Người lính điệp viên của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu dối với Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta rằng:

- Tâu Đại Vương, một số lính của ta len lỏi theo đám dân chúng ngoại thành vào trong nội thành bằng con đường nhỏ, thấy dân chúng vui chơi, ca hát, nhảy múa, ăn uống no đủ, mới hỏi họ rằng:

- Này các ngươi! Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Vua chư hầu trong cõi Nam thiện bộ châu hỗ trợ, đem các đoàn quân đông đảo gồm có 18 akkhobhiṇī quân vây hãm xung quanh kinh thành Mithilā này của các ngươi. Tại sao các ngươi dể duôi, ham vui chơi, không biết lo sợ vậy?

Dân chúng trong nội thành trả lời rằng:

- Này ông! Ông không biết hay sao! Đức Vua Vedeha của chúng tôi, khi còn trẻ tuổi, lên ngôi vua có mơ ước rằng: “Khi nào các Đức Vua trong cõi Nam thiện bộ châu này đến bao vây kinh thành Mithilā của chúng ta, khi ấy, Đức Vua của chúng tôi sẽ cho phép dân chúng ăn uống, vui chơi, ca hát, nhảy múa suốt 7 ngày đêm”.

Hôm nay, điều mơ ước ấy đã trở thành hiện thực. Cho nên, Đức Vua truyền lệnh cho phép dân chúng trong kinh thành được phép ăn uống no đủ, vui chơi, đờn kèn, ca hát, nhảy múa, reo hò suốt 7 ngày đêm.

Nghe lời tâu dối của người lính điệp viên của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta nổi cơn thịnh nộ, truyền lệnh các đoàn binh rằng:

- Này các tướng sĩ anh dũng! Các ngươi hãy mau tiến quân vào phá thành trì, xâm nhập vào bên trong kinh thành giết sạch dân chúng trong kinh thành, bắt Vua Vedeha và quan Thừa tướng Mahosadha paṇḍita đem ra nạp cho Trẫm, để Trẫm trị tội.

Tuân lệnh của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta, các đoàn quân anh dũng tiến vào, vất vả lắm mới vượt qua được đường nước thứ nhất đầy cá sấu nguy hiểm, đến đường nước đầy sình lầy thứ nhì đầy cá sấu rất nguy hiểm hơn nữa, đến đường nước thứ ba đầy chông gai và cá sấu, họ vất vả khó khăn lắm mới vượt qua 3 đường nước xung quanh bên ngoài thành.

Tiến gần đến tầm mũi tên cách thành trì kiên cố, vững chắc, những người lính của Đức Bồ Tát Mahosadha  đứng trên thành, ném đá, bắn tên xuống làm cho quân lính của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta bị thương vong rất nhiều, không có cách nào tiến gần đến thành trì được, nên đành phải rút lui một cách vất vả cũng như khi tiến vào.

Đoàn quân anh dũng ấy tâu lên Đức Vua Cūḷanī

Brahmadatta rằng:

- Tâu Đại Vương, xung quanh thành trì có 3 đường nước sình lầy có nhiều cá sấu rất nguy hiểm, làm cho các đoàn quân của chúng ta bị chết và bị thương nhiều. Khi đã vượt qua được 3 đường nước ấy, đến gần tầm mũi tên cách thành trì kiên cố, các đoàn quân anh dũng của chúng ta bị lính trên thành ném đá, bắn tên xuống làm cho các đoàn quân anh dũng của chúng ta bị thương vong rất nhiều. Các đoàn quân của chúng ta không có cách nào tiến gần đến thành trì được, nên đành phải rút lui cũng vất vả khó khăn như khi tiến vào.

Nghe tâu như vậy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta đóng quân bên ngoài kinh thành 4-5 ngày đêm, mà không tìm ra phương kế nào để xâm nhập vào bên trong kinh thành Mithilā được. Đức Vua truyền hỏi quân sư Kevaṭṭa rằng:

- Thưa quân sư, đoàn quân anh dũng của chúng ta không thể nào đến gần chân thành trì được. Vậy, quân sư có phương kế nào để cho đoàn quân anh dũng của chúng ta xâm nhập vào bên trong kinh thành được?

Quân sư Kevaṭṭa tâu rằng:

- Tâu Chúa Thượng, nước uống, nước dùng hằng ngày của mọi người dân bên trong kinh thành được lấy từ bên ngoài kinh thành. Khi dân chúng trong kinh thành thiếu nước, họ phải mở cửa thành để đi lấy nước.

Khi ấy, các đoàn quân anh dũng của chúng ta sẽ xâm nhập vào kinh thành bằng cánh cửa ấy. Do đó chúng ta chờ dân chúng trong kinh thành thiếu nước vậy.

Nghe quân sư Kevaṭṭa tâu như vậy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cho là hợp lý. Đức Vua truyền lệnh cấm không cho ai đem nước vào trong kinh thành. Lính điệp viên của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita viết thư cột trên đầu mũi tên, lén bắn vào bên trong kinh thành.

Đức Bồ Tát ra lệnh lính đi tuần, nếu nhìn thấy giấy trên đầu mũi tên thì đem vào trình cho Ngài biết ngay. Lính đi tuần nhặt được giấy trên đầu mũi tên, đem vào trình cho Ngài.

Đọc tờ giấy, biết như vậy, Ngài nghĩ: “Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta thật là không biết ta là Mahosadha paṇḍita!” rồi Ngài ra lệnh cho lính dẫn nước xuống chỗ trũng rồi trồng cây bông sen trắng do một đạo sĩ đem từ hồ nước lớn gần núi Himavanta. Do oai lực của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita cây bông sen trắng lớn nhanh. Ngài ra lệnh cắt cọng bông sen trắng ném ra bên ngoài thành, để cho nhóm lính của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta nhặt được.

Một người lính điệp viên của của Ngài đem cọng bông sen trắng đến trình lên Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta, tâu rằng:

- Tâu Đại Vương, kính xin Đại Vương xem cọng bông sen trắng dài chưa từng thấy như thế này.

- Này các khanh! Cọng bông sen trắng này dài bao nhiêu vậy?

Người lính điệp viên ấy đo cọng bông sen trắng ấy dài 60 cùi tay, nhưng tâu lên Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta là dài 80 cùi tay. Đức Vua truyền hỏi:

- Này các khanh! Các khanh có được cọng bông sen trắng này từ đâu vậy?

- Tâu Đại Vương, chúng thần nhặt được cọng bông sen trắng này từ bên trong kinh thành ném ra ngoài.

- Tâu Đại Vương, một hôm, hạ thần xen lẫn trong đám dân chúng vào bên trong kinh thành ăn uống, vui chơi với họ, hạ thần nhìn thấy một hồ nước rộng lớn. Nghe người ta nói hồ nước sâu hơn 100 cùi tay, trong hồ có nhiều loại hoa sen.

- Tâu Đại Vương, trong kinh thành có nhiều hồ nước rộng lớn sâu như vậy. Những hồ nước này để cho dân chúng trong nội thành dùng để ăn uống hằng ngày.

Nghe người lính điệp viên của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu như vậy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo quân sư Kevaṭṭa rằng:

- Thưa quân sư, các đoàn quân anh dũng của chúng ta sẽ xâm nhập vào bên trong kinh thành Mithilā bằng cách chờ dân chúng thiếu nước, mở cửa thành ra lấy nước uống, nước dùng. Đó là cách vô vọng, bởi vì trong kinh thành có rất nhiều hồ nước lớn và sâu.

Quân sư Kevaṭṭa tâu rằng:

- Tâu Chúa Thượng, thóc gạo là nhu yếu phẩm cần thiết cho sự sống mà dân chúng bên trong kinh thành sống nhờ thóc gạo từ bên ngoại thành đem vào. Đến khi thóc gạo trong kinh thành hết thì dân chúng bên trong kinh thành phải mở cửa thành đi ra lấy thóc gạo.

Khi ấy, các đoàn quân anh dũng của chúng ta sẽ xâm nhập vào bằng cửa thành ấy. Do đó, chúng ta chờ bên trong kinh thành hết thóc gạo vậy.

Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta nghe hợp lý, rồi truyền lệnh cấm dân chúng đem gạo vào bên trong kinh thành Mithilā.

Lính điệp viên của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita viết thư cột vào mũi tên lén bắn vào bên trong kinh thành báo tin cho Ngài biết như vậy.

Đức Bồ Tát ra lệnh cho lính đem bùn đắp trên bờ quanh thành rồi gieo lúa. Do oai lực của Ngài, cây lúa lên cao, xanh rờn quanh trên bờ thành. Nhìn thấy trên bờ thành có màu xanh rờn, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi rằng:

- Này các khanh! Trên bờ quanh thành có đám cỏ gì màu xanh rờn vậy?

Người lính điệp viên của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu rằng:

- Tâu Đại Vương, nghe nói rằng Thừa tướng Mahosadha paṇḍita có trí tuệ siêu việt, thấy rõ, biết rõ những sự việc trong quá khứ, trong hiện tại và những sự việc sẽ xảy ra trong vị lai. Biết trong thời vị lai sẽ có xảy ra sự việc các đoàn quân các nước ngoài đến bao vây kinh thành Mithilā. Cho nên, Thừa tướng Mahosadha paṇḍita làm nhiều kho thóc gạo lớn, đem thóc gạo từ 4 vùng lúa mạch của 4 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc về chất đầy các kho lớn, phần còn dư đem đổ trên bờ thành, nên đám lúa mọc xanh rờn như vậy.

Một hôm, hạ thần đi theo dân chúng vào bên trong kinh thành bằng con đường nhỏ, hạ thần đứng nhìn kho thóc gạo lớn, người ta mời hạ thần

- “Này bạn! Bạn có cần thóc gạo bao nhiêu, mời bạn lấy đem về cho gia đình”.

Nghe người lính điệp viên ấy tâu như vậy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo với quân sư Kevaṭṭa rằng:

- Thưa quân sư, các quân anh dũng của chúng ta sẽ xâm nhập vào trong kinh thành Mithilā bằng cách chờ bên trong kinh thành hết thóc gạo. Đó là cách vô vọng, bởi vì trong kinh thành có nhiều kho thóc lúa đầy đủ. Vậy quân sư còn có cách nào nữa?

Quân sư Kevaṭṭa tâu rằng:

- Tâu Chúa Thượng, dân chúng nấu nướng các món ăn thức uống đều phải dùng đến củi, mà dân chúng bên trong kinh thành phải lấy củi từ bên ngoài thành đem vào. Đến khi hết củi dân chúng bên trong kinh thành phải mở cửa thành ra lấy củi.

 Khi ấy, các đoàn quân anh dũng của chúng ta sẽ xâm nhập vào bên trong kinh thành bằng cửa thành ấy. Do đó, chúng ta chờ bên trong kinh thành hết củi vậy.

Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cho là hợp lý, nên truyền lệnh cấm không cho một ai đem củi vào trong kinh thành Mithilā.

Người lính điệp viên của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita viết thư cột vào mũi tên lén bắn vào  trong kinh thành, báo tin cho Ngài biết như vậy. Nhận được tin báo của người lính điệp viên của mình, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita ra lệnh cho lính đứng trên thành ném củi ra cho lính đang vây quanh thành la lớn rằng:

- Này các bạn! Các bạn hãy lấy củi đem nấu nướng các món ăn thức uống thoải mái, chúng tôi có nhiều củi lắm.

Những người lính trên thành ném củi ra ngoài, chất thành một đống cao lớn, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta ngự đi quan sát, nhìn thấy đống củi cao lớn ấy bèn truyền hỏi rằng:

- Này các khanh! Các khanh lấy củi từ đâu mà chất thành đống cao lớn như vậy?

Người lính điệp viên của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita theo hộ giá Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta tâu rằng:

- Tâu Đại Vương, đống củi này từ những người lính của Thừa tướng Mahosadha paṇḍita đứng trên thành ném ra cho lính của Đại Vương để nấu nướng đồ ăn thức uống.

- Tâu Đại Vương, nghe nói rằng Thừa tướng Mahosadha

 paṇḍita có trí tuệ siêu việt, thấy xa, biết rộng, biết rõ rằng trong thời vị lai, kinh thành Mithilā này sẽ bị quân các nước đến bao vây. Cho nên, Thừa tướng Mahosadha paṇḍita cho đào các hồ nước lớn và sâu để chứa nước, cho xây dựng các kho chứa thóc gạo đầy đủ, chuẩn bị những nhu yếu phẩm cần thiết đầy đủ cho dân chúng, củi chất thành đống lớn xung quanh thành, v.v... để cho toàn thể dân chúng bên trong kinh thành Mithilā có thể sống tự túc thời gian lâu dài, mà không cần bên ngoại thành cung cấp.

Nghe người lính điệp viên của Đức Bồ Tát Maho-sadha paṇḍita tâu như vậy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo quân sư Kevaṭṭa rằng:

- Thưa quân sư, các đoàn quân anh dũng của chúng ta không thể xâm nhập vào trong kinh thành bằng cách chờ bên trong kinh thành hết củi nấu nướng, bởi vì củi dự trữ trong kinh thành nhiều đến nỗi lính trong thành ném ra cho chúng ta đống củi lớn như thế này. Vậy, quân sư còn có cách nào nữa không?

- Tâu Chúa Thượng, Chúa Thượng chớ nên lo lắng, hạ thần còn có cách khác nữa.

Nghe quân sư Kevaṭṭa tâu như vậy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo rằng:

- Trẫm thấy cách nào của quân sư cũng đều vô vọng cả. Nếu chúng ta không thể xâm nhập vào bên trong kinh thành Mithilā này được thì chúng ta chỉ có cách dẫn các đoàn binh trở về nước mà thôi.

Khi ấy, quân sư Kevaṭṭa cảm thấy tự ái, xấu hổ, vì bị Đức Vua xem ông là kẻ bất tài nên nghĩ: “Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Vua chư hầu dẫn các đoàn binh hùng mạnh gồm có 18 akkhobhiṇī quân vây hãm xung quanh kinh thành Mithilā này 3 vòng. Kinh thành Mithilā chỉ là một kinh thành của nước nhỏ mà tại sao các đoàn quân anh dũng của chúng ta không thể xâm nhập vào bên trong được, bởi vì trong kinh thành ấy có Thừa tướng Mahosadha paṇḍita. Mahosadha paṇḍita là bậc đại trí, thì ta cũng là bậc đại trí.


Dhammayuddha: Trận Đấu Pháp

 

Nghĩ xong, quân sư Kevaṭṭa tâu với Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta rằng:

- Tâu Chúa Thượng, hạ thần sẽ bày ra mưu kế đấu nhau bằng Dhammayuddha: Trận Đấu Pháp.

Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi quân sư Kevaṭṭa rằng:

- Thưa quân sư, Dhammayuddha: Trận Đấu Pháp là thế nào?

Quân sư Kevaṭṭa tâu với Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta rằng:

- Tâu Chúa Thượng, Dhammayuddha: Trận Đấu Pháp là đấu tài trí giữa 2 bậc đại trí với nhau, nghĩa là chỉ có 2 bậc đại trí sử dụng tài trí mưu kế đấu với nhau mà thôi.

Một bậc đại trí của nước bên này đấu trí với một bậc đại trí của nước kia. Trên đấu trường chỉ có 2 bậc đại trí mà thôi.

Trong hai bậc đại trí ấy, nếu bậc đại trí của nước nào cúi đầu đảnh lễ bậc đại trí của nước kia, thì nước ấy coi như đã bị thua, còn nước kia coi như đã thắng. Nước thắng sẽ chiếm lấy nước thua.

Tâu Chúa Thượng, như vậy, gọi là Dhammayuddha: Trận Đấu Pháp giữa 2 bậc đại trí với nhau, không sử dụng đến binh hùng tướng mạnh.

Tâu Chúa Thượng, trong Trận Đấu Pháp này, kẻ hạ thần ở thế thượng phong, bởi vì hạ thần là người lớn tuổi, còn Thừa tướng Mahosadha paṇḍita còn trẻ tuổi hơn hạ thần. Cho nên, khi gặp hạ thần, Thừa tướng Mahosadha paṇḍita sẽ cúi đầu đảnh lễ dưới đôi bàn chân của hạ thần.

Ngay khi ấy, hạ thần sẽ lớn tiếng dõng dạc tuyên bố cho toàn thể các Đức Vua, các đoàn binh của 2 nước biết rằng: “Quan Thừa tướng Mahosadha paṇḍita của Đức Vua Vedeha đất nước Vedeha đã bị thua, còn quân sư Kevaṭṭa của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta đất nước Kapilaraṭṭha đã thắng”.

 

Nghe quân sư Kevaṭṭa tâu giải thích rõ như vậy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta vô cùng hoan hỷ, tán dương rằng:

- Thưa quân sư, Dhammayuddha: Trận Đấu Pháp này thật là diệu kế.

Người lính điệp viên của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita viết thư cột trên đầu mũi tên lén bắn vào bên trong kinh thành, để báo tin cho Ngài biết rõ Dhammayuddha: Cuộc Đấu Pháp mà quân sư Kevaṭṭa bày ra.

Nhận được tin, Đức Bồ Tát nghĩ: “Nếu ta thua quân sư Kevaṭṭa thì ta đâu phải là Mahosadha paṇḍita”.

Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta truyền viết tối hậu thư gửi đến Đức Vua Vedeha rằng:

“ Bổn Vương xin thông báo cho Đức Vua Vedeha được rõ: “Ngày mai, Trận Đấu Pháp: Dhammayuddha sẽ xảy ra giữa 2 bậc đại trí của 2 nước:

Nước Kapilaraṭṭha của bổn vương sẽ đề cử một bậc đại trí.

Nước Videharaṭṭha của Đức Vua Vedeha cũng đề cử một bậc đại trí.

Bậc đại trí của nước nào thắng là nước ấy thắng. Bậc đại trí của nước nào thua là nước ấy thua.

Nước thắng chiếm lấy nước thua.”

 

Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta truyền một vị quan làm sứ giả đem tối hậu thư đến trình Đức Vua Vedeha trong kinh thành Mithilā, nước Videharaṭṭha.

Nhận được tối hậu thư của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta, Đức Vua Vedeha truyền gọi Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đến, để cho biết nội dung tối hậu thư ấy, Ngài tâu rằng:

- Tâu Hoàng Thượng, hay lắm! Kính xin Hoàng Thượng trả lời tối hậu thư rằng:

 “Tâu Đại Vương Cūḷanī Brahmadatta, Bổn vương chấp thuận Trận Đấu Pháp: Dhammayuddha này.”

Dân chúng trong kinh thành Mithilā sẽ xây dựng một đấu trường tại cửa thành phía tây. Kính xin mời Đại Vương cùng 101 Vua chư hầu, các đoàn quân đến chứng kiến gần chỗ đấu trường vào ngày mai”.

 

 

Viết bức thư theo lời tâu trình của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita xong, Đức Vua Vedeha đóng dấu ấn, rồi trao cho sứ giả của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta đem về trình tâu lên Đức Vua của họ.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita ra lệnh cho dân chúng xây dựng một đấu trường tại cửa thành hướng tây. Đức Bồ Tát nghĩ: “Chắc chắn quân sư Kevaṭṭa sẽ bị thua nhục nhã vào ngày mai”.

Sáng hôm ấy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Vua chư hầu ngự đến cửa thành hướng tây, ngồi cách xa đấu trường, phía sau là các đoàn quân đứng chỉnh tề. Tất cả Đức Vua cùng các quan, quân, tướng sĩ đứng chờ chứng kiến sự kiện quan trọng sẽ xảy ra tại trên đấu trường kia.

Quân sư Kevaṭṭa trang phục chỉnh tề đến tại đấu trường sớm, ngồi chờ đợi Thừa tướng Mahosadha paṇḍita.

Cũng sáng hôm ấy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita thức dậy, tắm rửa sạch sẽ, ăn uống ngon lành, mặc bộ đồ triều phục sang trọng từ nước Kāsi, giá 1.000 Kahāpana, trang điểm các đồ trang sức quý giá, ngồi trên chiếc xe sang trọng cùng với nhóm bạn hữu 1.000 chiến sĩ anh hùng vào chầu Đức Vua Vedeha, tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Phụ Vương, hạ thần xin phép đi đến đấu trường.

Đức Vua Vedeha truyền hỏi rằng:

- Này hoàng nhi Mahosadha paṇḍita yêu quý! Con cần đem theo thứ gì?

- Muôn tâu Đức Phụ Vương, hạ thần xin phép đem theo viên ngọc maṇi báu để đánh lừa quân sư Kevaṭṭa.

- Này hoàng nhi Mahosadha paṇḍita yêu quý! Phụ Vương chấp thuận.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đón nhận viên ngọc maṇi báu, rồi đảnh lễ Đức Vua Vedeha, xin phép đi với nhóm bạn hữu 1.000 chiến sĩ anh hùng. Đức Bồ Tát  ngồi trên chiếc xe ngựa báu sang trọng giá 900 nghìn Kahāpana, đi thẳng ra cửa thành hướng tây, cửa thành mở ra, Ngài xuất hiện như sư tử chúa cùng với đoàn tuỳ tùng đông đảo phía sau. Ngài bước xuống xe, đi bộ đến nơi đấu trường với dáng đi như con sư tử chúa.

Nhìn thấy Đức Bồ Tát, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Vua chư hầu đều tán dương ca tụng rằng:

 - Quan Thừa tướng Mahosadha paṇḍita có các tướng tốt của bậc đại nhân mà không một ai trong cõi Nam thiện bộ châu này sánh được.

Quân sư Kevaṭṭa đã ngồi chờ đợi Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tại nơi đấu trường, trời nắng nóng, mồ hôi chảy ra nhễ nhại và nghĩ: “Thừa tướng Mahosadha paṇḍita sắp đến!”

Nhìn thấy Thừa tướng Mahosadha paṇḍita đi đến, bước lên đấu trường, quân sư Kevaṭṭa liền đứng dậy đón tiếp Ngài và nói rằng:

- Thừa tướng Mahosadha paṇḍita, cả hai chúng ta đều là bậc đại trí. Khi tôi đã đến đất nước của Thừa tướng lâu ngày rồi, mà Thừa tướng không cho người đem quà gì tặng cho tôi cả, tại sao Thừa tướng đối xử như vậy?

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đáp rằng:

- Thưa quân sư Kevaṭṭa, tôi đã biết quân sư đến đất nước của tôi lâu ngày rồi, nhưng tôi tìm chưa được món quà xứng đáng để biếu quân sư, mãi đến hôm nay mới tìm được viên ngọc maṇi báu này. Viên ngọc maṇi báu này không phải dễ có được.

Nhìn thấy viên ngọc maṇi báu ấy sáng chói, thật là vô giá nằm trong tay của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, quân sư Kevaṭṭa nghĩ: “Thừa tướng Mahosadha paṇḍita muốn biếu viên ngọc maṇi báu ấy cho ta”, nên ông ta ngửa 2 bàn tay ra chờ đón nhận viên ngọc maṇi báu ấy.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita nói rằng:

- Xin Quân sư Kevaṭṭa vui lòng nhận viên ngọc maṇi báu này.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita buông thả mạnh viên ngọc maṇi báu ngay trên đầu ngón tay của quân sư Kevaṭṭa. Vì viên ngọc maṇi báu ấy nặng, lại chỉ vừa đụng trên đầu ngón tay của quân sư Kevaṭṭa, nên ông không thể nắm được, nó liền rơi xuống đất gần 2 bàn chân của Đức Bồ Tát Mahosadha. Với tâm tham muốn tối tăm quên mình, quân sư Kevaṭṭa cúi rạp người xuống ngay 2 bàn chân của Đức Bồ Tát để nhặt viên ngọc maṇi báu ấy.

Ngay khi ấy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đưa một tay nắm cổ của ông ta đè cái mặt xuống đất rồi chà qua xát lại làm cho da mặt của ông trầy da, máu chảy ra đầy mặt, và một tay kia nắm chặt tấm choàng bào dở hỏng lên mặt đất, Ngài nói giọng lớn, vang dội rằng:

- Này quân sư Kevaṭṭa! xin quân sư không nên đảnh lễ tôi.

- Này quân sư Kevaṭṭa! xin quân sư hãy đứng lên, tôi còn nhỏ tuổi đáng con cháu của quân sư. Quân sư không nên đảnh lễ tôi.

Tất cả mọi người gần xa đều nghe rõ tiếng nói của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita như vậy, cho nên, nhóm 1.000 chiến sĩ anh hùng, bạn hữu của Bậc đại thiện trí có trí tuệ  reo hò, la lớn lên rằng:

- Quân sư Kevaṭṭa đảnh lễ dưới đôi bàn chân của quan Thừa tướng Mahosadha paṇḍita.

Tiếng vang dội khắp mọi nơi. Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta ngồi chứng kiến, thấy quân sư Kevaṭṭa cúi đầu đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, còn nghe rõ tiếng nói của Ngài nói như vậy, nên Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta nghĩ:  “Quân sư Kevaṭṭa của ta đã đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Thừa tướng Mahosadha paṇḍita. Như vậy, Trận Đấu Pháp: Dhammayuddha này, bên ta đã bị thua rồi. Thừa tướng Mahosadha paṇḍita đã thắng rồi, chắc chắn họ sẽ không tha mạng sống của ta.

Nghĩ vậy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta lên ngựa báu của mình chạy thoát thân, trở về kinh thành Uttara-pañcāla. Còn 101 Vua chư hầu cũng nhìn thấy quân sư Kevaṭṭa đảnh lễ dưới đôi bàn chân của quan Thừa tướng Mahosadha và nhìn thấy Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta đã lên ngựa báu chạy thoát thân, nên họ cũng lên ngựa của mình chạy theo, các đoàn binh đông đảo của Vua hỗn quân, hỗn quan, cũng tìm cách chạy thoát thân.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita buông thả quân sư Kevaṭṭa ra, trên gương mặt của ông bị trầy trụa máu tươm từ trán, lỗ mũi, 2 gò má, miệng, cằm. Ông ngồi dậy, lau mặt đầy máu, nghe Đức Bồ Tát bảo rằng:

- Này kẻ si mê! Ngươi đừng hòng thấy ta đảnh lễ ngươi!

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita bảo lính của mình, nhặt viên ngọc maṇi báu trao lại cho Ngài rồi lên xe ngựa báu, dẫn đầu nhóm bạn hữu 1.000 chiến sĩ anh hùng trở vào kinh thành Mithilā.

Quân sư Kevaṭṭa cảm thấy xấu hổ, nhục nhã, đau khổ về thể xác lẫn tâm hồn, đi thất tha thất thểu, lên ngựa đuổi theo sau các đoàn quân. Ông bị những người lính khinh thường, mắng nhiếc thậm tệ. Ông gặp lại Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta và 101 Vua chư hầu, tâu rằng:

- Tâu Chúa Thượng, hạ thần không phải đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Mahosadha paṇḍita, mà sự thật Y lừa hạ thần bằng cách đánh rơi viên ngọc maṇi báu xuống tại chỗ 2 bàn chân của Y. Khi hạ thần cúi đầu xuống để nhặt viên ngọc maṇi báu ấy, thì hạ thần bị Y đè cái đầu sát mặt đất, rồi chà qua xát lại cái mặt của hạ thần bị trầy trụa, máu chảy tươm đầy mặt như thế này.

Nghe quân sư Kevaṭṭa tâu như vậy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi rằng:

- Thưa quân sư Kevaṭṭa, bây giờ Trẫm nên làm thế nào?

 Quân sư Kevaṭṭa tâu rằng:

- Thưa Chúa Thượng, bây giờ Chúa Thượng nên kéo quân lại bao vây kinh thành Mithilā, cấm không cho dân chúng bên ngoài thành ra vào bên trong kinh thành bằng con đường nhỏ nữa. Dân chúng bên trong kinh thành Mithilā bị giam lâu ngày, cảm thấy bực bội khó chịu, cuối cùng phải mở cửa thành.

Khi ấy, các đoàn quân anh dũng của Chúa Thượng xâm nhập vào trong kinh thành, bắt Đức Vua Vedeha và Thừa tướng Mahosadha paṇḍita đem ra chém đầu.

Nghe quân sư Kevaṭṭa tâu kế sách như vậy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta chuẩn tấu, và tán dương:“Đó là diệu kế”.

Trên gương mặt của quân sư Kevaṭṭa nhiều vết thương chảy máu, nên ông xin phép Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta, trở về kinh thành Uttarapañcāla, để chữa bệnh. Như vậy, thực hiện theo kế sách ấy mà không có quân sư Kevaṭṭa.

Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Vua chư hầu dẫn đoàn binh gồm có 18 akkhobhiṇī trở lại bao vây hãm kinh thành Mithilā, cấm dân chúng bên ngoài thành ra vào bên trong kinh thành bằng con đường nhỏ nữa. Những người lính điệp viên của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita gửi tin báo cho Ngài biết kế sách ấy của quân sư Kevaṭṭa.

Nhận được tin từ những người lính điệp viên của mình báo như vậy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita nghĩ: “Nếu các đoàn binh của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta vây hãm kinh thành Mithilā lần này lâu ngày, còn cấm dân chúng bên ngoài thành ra vào bên trong kinh thành. Như vậy, toàn thể dân chúng trong kinh thành này như bị nhốt lâu ngày, thì cuộc sống của họ chắc chắn khổ nhiều. Vậy, ta nên tìm kế làm cho Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cùng 101 Vua chư hầu và các đoàn binh gồm có 18 akkhobhiṇī này bỏ chạy thoát thân, không dám quay trở lại nữa.

 

Khổ Nhục Kế

 

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tìm người có tài đức hơn người, có trí tuệ thông minh sáng suốt, có đức nhẫn nại chịu đựng mọi sự hành hạ thể xác nhất là một lòng một dạ trung thành tuyệt đối yêu nước, yêu dân tộc.

Ngài nhận xét thấy một người có đủ những đức tính này đó là vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa đã từng là vị quan lớn trong triều đình. Đức Bồ Tát ra lệnh cho lính mời vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa đến, rồi thưa rằng:

- Kính thưa thầy Anukevaṭṭa, hiện nay các đoàn quân gồm có 18 akkhobhiṇī quân của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta và 101 Vua chư hầu bao vây hãm kinh thành Mithilā lần này lâu ngày. Như vậy, toàn thể dân chúng trong kinh thành này sẽ bị nhốt lâu ngày, thì cuộc sống của họ chắc chắn khổ nhiều.

- Kính thưa thầy, tôi nghĩ ra một kế làm cho Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cùng 101 Vua chư hầu và các đoàn binh gồm có 18 akkhobhiṇī này phải bỏ chạy thoát thân, không dám quay trở lại nữa. Tôi đã xem xét nhiều người mà không tìm thấy ai có đủ đức tính như thầy. Cho nên, tôi ra lệnh cho lính mời thầy đến đây, kính xin thầy đảm đương một công việc rất hệ trọng của đất nước và dân tộc của chúng ta.

Kính thưa thầy, nay sức lực của thầy còn có khả năng đảm đương nổi được không?

Nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita thưa như vậy, vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa bèn hỏi rằng:

- Thưa Thừa tướng đại nhân, tôi sẽ đảm đương công việc như thế nào, xin Thừa tướng trình bày cho tôi rõ.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita thưa rằng:

- Kính thưa thầy, kính xin thầy nhẫn nại chịu đựng thực hiện “khổ nhục kế” như vầy:

Xin thầy lên đứng trên bờ thành, khi nhìn thấy những người lính canh gác trên thành sơ ý, thầy ném đồ ăn xuống cho lính của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta rồi kêu gọi rằng:

“-Này hỡi các bạn! Các bạn hãy đến lấy đồ ăn, bánh trái mà dùng cho được khoẻ mạnh. Các bạn ráng chịu đựng chờ đợi một thời gian ngắn nữa, khi dân chúng bị nhốt trong kinh thành Mithilā này cảm thấy bực bội khó chịu như con gà bị nhốt trong lồng, thời gian không lâu nữa, chắc chắn họ sẽ mở cửa thành đón rước các bạn vào bên trong kinh thành, để bắt Đức Vua Vedeha và quan Thừa tướng Mahosadha paṇḍita đem dâng cho Đức Vua của các bạn trị tội”.

Nghe thầy nói như vậy, những người lính của tôi sẽ bắt thầy, mắng nhiếc, đánh đập, hành hạ thầy, trói 2 tay, lấy sợi dây cột người thầy, thòng dây thả thầy ra bên ngoài thành, để cho lính của Đức Vua Cūḷanī Brahma-datta nhìn thấy. Những người lính sẽ mắng nhiếc thầy rằng: “Này kẻ phản bội đất nước, ngươi hãy đi theo quân giặc của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta đi!”

Khi những người lính ngoại thành dẫn thầy đến chầu Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta, nhìn thấy thầy như vậy, Đức Vua sẽ truyền hỏi thầy rằng: “Này ngươi đã làm tội gì mà bị hành hạ như vậy?”

Khi ấy, xin thầy tâu với Đức Vua Cūḷanī Brahma-datta rằng:

“- Tâu Đại Vương, trước đây hạ thần là vị quan lớn trong triều đình của Đức Vua Vedeha, hạ thần thường hay chống đối kế sách của Thừa tướng Mahosadha paṇḍita, nên ông ta ghét hạ thần và tâu với Đức Vua Vedeha cách chức hạ thần. Hạ thần rất căm thù quan Thừa tướng Mahosadha paṇḍita. Vì vậy, khi nghe tin các đoàn binh của Đại Vương bao vây hãm kinh thành Mithilā, hạ thần rất vui mừng, leo lên trên bờ thành, nhìn thấy quân binh của Đại Vương, quan sát thấy lính của Thừa tướng Mahosadha paṇḍita canh gác thưa thớt, không để ý, nên hạ thần ném đồ ăn, bánh xuống cho lính của Đại Vương ăn cho được khoẻ mạnh, rồi kêu gọi chờ đánh chiếm kinh thành.

Lính của Thừa tướng Mahosadha paṇḍita thấy hạ thần hành động và nghe như vậy, nên báo cho quan Thừa tướng biết.

Để trả thù hạ thần, quan Thừa tướng Mahosadha paṇḍita đã ra lệnh cho lính đánh đập, hành hạ, rồi trói hạ thần thòng dây thả ra bên ngoài cửa thành. Những người lính mắng nhiếc hạ thần là kẻ phản bội đất nước. Nhờ lính của Đại Vương nhìn thấy hạ thần như vậy, nên đem hạ thần đến chầu Đại Vương. Thật là diễm phúc cho cuộc đời của hạ thần.

Khi được gần gũi, thân cận với Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta, thầy tìm mọi cách làm cho Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta tin tưởng nơi thầy, rồi thầy tâu rằng:

“- Tâu Đại Vương, bậy giờ hạ thần rất căm thù Thừa

tướng Mahosadha paṇḍita và ghét Đức Vua Vedeha. Vậy, từ nay hạ thần chỉ có một lòng một dạ trung thành phục vụ Đại Vương mà thôi.

- Tâu Đại Vương, hạ thần đã từng phục vụ trong triều đình Đức Vua Vedeha lâu năm, nên biết rõ các địa hình, địa thế quan trọng trong và ngoài kinh thành, các đường nước xung quanh kinh thành, chỗ nào nguy hiểm có nhiều cá sấu, chỗ nào ít nguy hiểm,… hạ thần đều biết rõ. Cho nên, hạ thần biết đường dẫn các đoàn quân anh dũng xâm nhập vào bên trong, để chiếm lấy kinh thành Mithilā, bắt Đức Vua Vedeha và Thừa tướng Mahosadha paṇḍita đem dâng lên Đại Vương trị tội”. 

Nghe thầy tâu như vậy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta sẽ tin nơi thầy, nếu Đức Vua truyền cho thầy dẫn các đoàn quân anh dũng xâm nhập vào bên trong kinh thành, thì thầy ra lệnh các đoàn quân anh dũng băng qua đường nước nơi có nhiều cá sấu, nên một số quân lính bị cá sấu cắn bị thương. Nhìn thấy cảnh bị thương như vậy, số đông quân lính còn lại không dám băng qua đường nước, mặc dù thầy ra lệnh.

 Khi ấy, thầy trở về tâu lên Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta rằng:

“- Tâu Đại Vương, hạ thần ra lệnh các đoàn quân anh dũng băng qua đường nước ít nguy hiểm, vì ít cá sấu, để xâm nhập vào bên trong kinh thành, nhưng các đoàn quân anh dũng ấy không tuân theo lệnh của hạ thần.

- Tâu Đại Vương, hạ thần biết trong các đoàn quân ấy, có một số quân lính đã bị Thừa tướng Mahosadha paṇḍita mua chuộc, ăn hối lộ của y, nên họ không còn trung thành tuyệt đối với Đại Vương.

Thật vậy, khi Đại Vương thực hiện kế sách gì thì nhóm

quân lính này đều báo tin cho Thừa tướng Mahosadha  biết cả. Nhờ vậy, y đều phá được kế sách của Đại Vương.

- Tâu Đại Vương, hạ thần còn biết rõ 101 Vua chư hầu của Đại Vương đều nhận đồ hối lộ từ Thừa tướng Mahosadha paṇḍita. Nếu Đại Vương không tin hạ thần thì xin Đại Vương truyền lệnh cho 101 Vua chư hầu mặc triều phục đến chầu. Khi ấy, Đại Vương sẽ thấy rõ sự thật.

Nghe thầy tâu như vậy, để biết rõ hư thật thế nào, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta sẽ truyền lệnh mời 101 Vua chư hầu đến chầu. Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta chính mình nhìn thấy 101 Vua chư hầu mặc long bào, mang thanh gươm báu, mang đôi hia vàng, vòng vàng đeo cổ, mỗi thứ đều nổi lên dòng chữ “Mahosadha paṇḍita kính dâng món quà này lên Đức Vua.” Dòng chữ này chỉ có một mình Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta nhìn thấy mà thôi. Do nguyện lực của tôi.

 Còn 101 Vua chư hầu hoàn toàn không thấy, không biết gì cả. Khi nhìn thấy rõ đúng sự thật như vậy, nên Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta tin theo lời của thầy và phát sinh nỗi lo sợ, sẽ truyền lệnh rằng: “Xin mời các Đức Vua ngự trở về chỗ ở của mình”.

Khi ấy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi thầy rằng: “Này khanh! Bây giờ Trẫm phải hành động thế nào?” Thầy nên tâu với Đức Vua rằng:

- Tâu Đại Vương, hạ thần biết Thừa tướng Mahosadha paṇḍita là người có tà thuật, có mưu ma chước quỷ, có thể làm mê hoặc được mọi người nghe theo y, y cũng có thể làm mê hoặc sai khiến các đoàn binh của Đại Vương làm phản, bắt Đại Vương nạp cho y được. Nếu Đại Vương ngự tại nơi này lâu ngày, thì sẽ

không an toàn sinh mạng của Đại Vương.

- Tâu Đại Vương, để bảo vệ sự an toàn sinh mạng của Đại Vương và của hạ thần. Vậy, vào canh giữa đêm nay, thỉnh Đại Vương ngự đi khỏi nơi này, để Đại Vương và hạ thần tránh được sự chết đau đớn do tay của người khác.

Nghe lời tâu như vậy, chắc chắn Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta sẽ làm theo. Khi Đức Vua đã ngự đi ra khỏi doanh trại, thầy tiễn đưa một đoạn đường dài, rồi thầy trở lại báo tin cho nhóm lính điệp viên biết.

Lắng nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita trình bày mưu kế từ đầu đến cuối như vậy, vị Bà-la-môn Anu-kevaṭṭa thưa rằng:

- Thưa Thừa tướng đại nhân, kế này hay lắm! Tôi sẽ thi hành đúng như lời chỉ dẫn của quan Thừa tướng.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita thưa rằng:

- Kính thưa thầy, kính xin thầy ráng nhẫn nại, chịu đựng để thực hiện “khổ nhục kế” này.

Vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa thưa rằng:

- Thưa Thừa tướng đại nhân, trong thân thể của tôi chỉ ngoại trừ sinh mạng, 2 tay, 2 chân, 2 con mắt, 2 lỗ tai ra, còn lại các bộ phận khác tôi ráng nhẫn nại, chịu đựng được cả.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita kính biếu những phẩm vật quý giá đến gia đình vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa, đó là phần thưởng đầu tiên.

Sau đó mọi người thi hành khổ nhục kế hết sức tự nhiên đúng theo bài bản rất nhập vai như thật.

Vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa bị đánh đập hành hạ mà những người lính của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta đều nhìn thấy, rồi đặt vị Bà-la-môn vào chiếc võng thòng dây thả xuống nằm bên ngoài cửa thành.

Quân lính của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta nhìn thấy, đưa ông vào tâu trình Đức Vua xét hỏi. Vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa được Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta tin tưởng và phong làm thống soái.

Mọi sự việc sau đó xảy ra giữa vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa với Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta theo tuần tự từ đầu đến cuối đúng như điều mà Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đã trình bày với vị thầy Bà-la-môn Anukevaṭṭa.

Nghe vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa tâu dối là Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita có mưu ma chước quỷ, có thể sai khiến quân lính làm phản và sợ không an toàn tánh mạng như vậy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta nghĩ: “Thật đáng lo sợ! Ta không còn dám tin vào người nào cả. 101 vua chư hầu đều nhận đồ hối lộ của quan Thừa tướng  Mahosadha paṇḍita, ngay cả quân sư Kevaṭṭa cũng chịu nhận hối lộ viên ngọc Maṇi báu của Mahosadha paṇḍita, cho nên trên mặt bị nhiều vết thương đang nằm chữa trị. Bây giờ, ta chỉ còn cách âm thầm trốn ra khỏi nơi này là thượng sách mà thôi”. Nghĩ xong, Đức Vua truyền lệnh rằng:

- Này vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa! Ngoài khanh ra, Trẫm không biết tin vào ai nữa. Vậy, khanh hãy lo sửa soạn các con ngựa báu cài vào chiếc long xa cho Trẫm.

Vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa tâu rằng:

- Tâu Đại Vương, hạ thần xin tuân lệnh.

Biết Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta chịu ngự trốn đi khỏi nơi ấy, nên vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa đến tìm những người lính điệp viên của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita báo cho biết: “Vào canh chót đêm nay, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta sẽ ngự trốn đi khỏi nơi này. Vậy, các ngươi hãy cài ngựa báu vào chiếc long xa, thay đổi giây điều khiển dừng lại sang vị trí phi nhanh (Đức Vua muốn dừng lại thì con ngựa càng phi nhanh).


Tất Cả Quân Lính Chạy Trốn Không Kịp Mặc Áo

 

Hôm ấy, vào canh giữa đêm, đến giờ vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa đem chiếc long xa đến trước chỗ nghỉ của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta. Mọi quân lính đều đang ngủ ngon, ông đến chầu Đức Vua, thỉnh Đức Vua ngự lên chiếc long xa cùng ông lên ngựa tiễn đưa Đức Vua ngự trốn đi khỏi doanh trại, do những người lính điệp viên của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita canh gác. Cho nên, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta âm thầm lặng lẽ ngự đi trốn khỏi doanh trại mà những người khác không biết được.

Chiếc long xa của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta phi nhanh như bay không ngừng, con ngựa của vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa đưa một quãng đường dài thì quay lui trở lại doanh trại, báo cho những người lính điệp viên gác trại ấy biết rồi la lớn lên:

“Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta không có trong doanh trại”, rồi họ báo cho 101 Vua chư hầu, vừa thức dậy tất cả đều hoảng sợ tưởng rằng “Quân lính của Thừa tướng Mahosadha paṇḍita đã xâm nhập vào doanh trại bắt Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta đi rồi, chắc chắn họ không tha mạng cho chúng ta”, nên các Vua chư hầu đều lên ngựa chạy trốn thoát thân, không kịp mặc áo.

Nghe tiếng ồn ào xôn xao làm cho các đoàn binh gồm có 18 akkhobhinī thức dậy tưởng rằng “Quân lính của Thừa tướng Mahosadha paṇḍita tiến quân xâm nhập vào doanh trại, bắt Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta và 101 Vua chư hầu dẫn đi rồi”. Cho nên, mỗi người lính không kịp mặc áo, tìm có được phương tiện nào thì dùng phương tiện ấy chạy trốn thoát thân, có số đông quân lính không có phương tiện nên chạy bộ trốn thoát.

Các doanh trại đều trống vắng các đoàn binh, chỉ còn các thứ khí giới, đồ đạc để lại mà thôi.

Sáng ngày hôm sau, các quân lính trong kinh thành Mithilā mở cửa thành đi đến các doanh trại, nhìn thấy các thứ khí giới, đồ đạc, các dụng cụ, lương thực, v.v… bỏ lại nhiều vô số kể, nên trình cho Thừa tướng Mahosadha paṇḍita rằng:

- Thưa Thừa tướng đại nhân, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Vua chư hầu và các đoàn binh gồm có 18 akkhobhinī quân lính đều bỏ chạy trốn khỏi nơi này cả thảy, bỏ lại các khí giới, các đồ đạc, dụng cụ, lương thực, v.v … chúng tôi phải làm thế nào?

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita bảo rằng:

- Này các ngươi! Tất cả mọi khí giới, đồ đạc, dụng cụ, lương thực, v.v… của kẻ thù bỏ lại đều thuộc về chúng ta. Vậy, các ngươi đem những vật dụng của các Vua đem dâng lên Đức Vua Vedeha. Những vật dụng của các quan thì các người đem nạp trong kho của ta. Những vũ khí, dụng cụ, phương tiện thì các ngươi đem nạp vào kho của triều đình. Những thứ vật dụng, đồ dùng của lính, lương thực v.v… thì các ngươi lấy sử dụng và cho dân chúng đem về nhà làm của riêng.

Các quân lính và toàn thể dân chúng trong kinh thành và ngoại thành lấy các thứ vật dụng, đồ ăn, lương thực, v.v… suốt thời gian nửa tháng mới hết.

Dân chúng nội thành và ngoại thành Mithilā dọn dẹp các đồ khác suốt thời gian 4 tháng mới xong.

 

Khen Thưởng Vị Thầy Bà-La-Môn Anukevaṭṭa

 

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tán dương, ca tụng vị thầy Bà-la-môn Anukevaṭṭa có công lớn làm cho Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta, 101 Vua chư hầu và các đoàn binh hùng mạnh gồm 18 akkhobhinī quân lính bỏ chạy khỏi đất nước Videharaṭṭha. Đức Bồ Tát ban những phần thưởng quý giá đến vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa.

Từ đó về sau, kinh thành Mithilā, đất nước Videha-raṭṭha được phồn vinh, dân chúng sống trong cảnh thanh bình, được an cư lạc nghiệp.

Đức Vua Vedeha ngự tại kinh thành Mithilā trị vì đất nước Videharaṭṭha được thái bình thịnh vượng, thần dân thiên hạ được sống an cư lạc nghiệp.

Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta ngự tại kinh thành Uttarapañcāla, trị vì đất nước Kapilaraṭṭha và 101 Vua chư hầu trong toàn cõi Nam thiện bộ châu, trải qua một năm thái bình, không chiến tranh.

 

Một hôm, quân sư Kevaṭṭa soi gương nhìn thấy trên mặt nhiều vết sẹo trên trán, đôi má, cằm,... nên nghĩ: “Đây là những vết sẹo mà Mahosadha paṇḍita đã chà qua sát lại trên mặt đất, đến nay vẫn còn lưu lại trên gương mặt. Thật là một điều vô cùng xấu hổ đối với Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta và 101 Vua chư hầu cùng toàn thể các đoàn binh lính nữa”.

Ông phát sinh tâm thù hận Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita nên nghĩ tiếp: “Làm cách nào ta có thể trả được mối thù này!”

  




[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024