• Thư Gởi Thầy (3)
  • Tác giả: Tâm Minh

Chúa dạy: "Con hãy lo việc của Chúa, việc của con để Chúa lo".


Thầy kính!

Năm ngoái, chắc thầy ngạc nhiên khi biết con, người thỉnh thầy đến Sydney, lại là một người gốc Thiên Chúa Giáo. Con sinh ra trong một gia đình có Đạo và rất có đức tin nơi Chúa. Chúa là ai và như thế nào con không biết. Con chỉ biết tin và nghe lời Chúa dạy là: “Con hãy thương yêu tất cả mọi người như chính bản thân con”, vì thế, con thường giúp đỡ mọi người không phân biệt đó là ai hay tôn giáo nào. Có lẽ do nhân duyên đó con đã đến với Đạo.

Thầy biết không, hồi còn nhỏ con rất quậy phá, phá đến nỗi có biệt danh là “Sư tử Hà Đông”,  và ngày nào cũng bị ăn đòn! Cho tới lúc 15 tuổi qua định cư Úc, con không còn phá như xưa nữa, mà chuyển qua một lối khác, đó là tính tò mò. Chuyện gì con cũng muốn biết cho ra lẽ, mà phải tự mình trải qua rồi mới chấp nhận, mới chịu thôi. Con giống như con thiêu thân vậy, cứ chạy theo ảo vọng mà không cần biết gì cả, thử hết cái này đến cái kia, thử luôn cả việc lấy chồng và có con nữa đó, thầy có tin không?

Chắc thầy đã biết phần nào về đời sống của gia đình con, lúc thầy ở Sydney. Con dường như làm tất cả mọi công việc trong nhà cũng như bên ngoài mà chẳng quản ngại gì cả. Có đôi lúc, con chán chường và mệt mỏi, chỉ muốn im lặng hưởng thụ những phương tiện vật chất sẵn có mà con gọi đó là hạnh phúc. Nhưng con nào hay con đang bị buộc ràng trong khuôn khổ của cái ngã vô minh.

Theo con được biết, bản ngã khó có thể định nghĩa chính xác trên ngôn từ, nó không có hình tướng nhất định mà luôn luôn thay đổi theo khuôn mẫu của ý niệm, nên con cứ mãi loay hoay trong lập trình của cái ta mộng tưởng. Chỉ những ai đã thấy và biết được hành trình ảo hóa của nó thì mới thật sự hiểu được chính xác bản ngã là gì, phải không thầy?

Mấy năm về trước, con biết đến Phật Giáo là do có một ngôi chùa đang được xây dựng ở gần nhà con. Với tinh thần “kính Chúa thương người”, con đến đó để phụ giúp công việc. Nào ngờ gia đình bên ngoại con phản đối kịch liệt và mẹ con cũng rất buồn. Con cũng cảm thấy khó chịu, nhưng nghĩ mình đang làm theo lời Chúa dạy thì tại sao phải phân biệt tôn giáo, nên con vẫn lặng lẽ đến đó làm công quả cho đến khi ngôi chùa được xây dựng hoàn tất.

Mới đầu con đến chùa với mục đích chỉ giúp làm việc và thấy cũng có ích lợi khi được học hỏi ra nhiều vấn đề. Việc gì con cũng làm, từ việc leo lên nóc chùa, đổ xi-măng cho tới việc làm giấy tờ… nói chung, sai đâu là con làm đó, không một chút ngại ngùng, làm một cách đam mê. Nhờ vậy, con được làm chung với một vị Sư rất khả kính, người đóng vai trò quan trọng trong việc xây cất ngôi chùa. Sư đã dạy cho con giáo lý nhà Phật. Và lúc đó con đã nhận ra giáo lý nhà Phật cũng giống như giáo lý đạo Chúa về lý thuyết, chỉ có khác trên ngôn từ, cách giảng dạy và cách thực hành mà thôi. Từ đó con thích tham khảo thêm về Phật Pháp.

Phật Pháp rất khó hiểu vì đòi hỏi trí tuệ hơn là đức tin nên con không hiểu gì mấy! Con bắt đầu nghe nhiều băng giảng và đọc nhiều kinh sách. Nhưng sự thật vẫn bị màn vô minh và ham muốn tìm kiếm che lấp cho nên con có vẻ như hiểu mà dường như không thấy được gì. Chúa nói: “Cuộc sống này chỉ là tạm bợ”, Phật cũng dạy “Vạn pháp vô thường” nên con hay tự hỏi “Vậy đâu mới thật sự là hạnh phúc?"

Đã hơn 4 năm, lý trí của con lăng xăng tìm kiếm bằng mọi ảo tưởng của mình. Đi đến chùa tụng kinh và tham thiền, con bỏ quên gia đình một cách không thương tiếc, rồi cũng chẳng thay đổi được sự thật. Con chỉ biết chạy theo cái kiến thức mà con thu thập được từ Đạo Phật, Đạo Chúa để áp dụng theo cách hiểu của riêng mình. Thật là nực cười thầy nhỉ?

Con nào có dừng lại đâu, lại tham dự khóa tu 4 ngày! Đối với gia đình con, đó là 4 ngày Giáng Sinh mong đợi nhưng con cũng không màng tới. Đi cứ đi và kết quả cũng không ngoài tụng kinh niệm Phật mà thôi! Rồi thời gian trôi qua, con lại bỏ gia đình của con thêm 4 tuần lễ để đi qua Mỹ làm công quả. Chuyến đi ấy, con học được nhiều lý lẽ nhưng vẫn không thấy ra sự thật. Tuy nhiên, con vẫn siêng năng tọa thiền vào mỗi buổi sáng và làm việc rất chăm chỉ.

Một bữa khác, con nghe đâu, nếu tham dự được khóa tu thiền thì sẽ được nhiều lợi ích và hạnh phúc. Lòng tham lại nổi lên, con quyết định ra đi không ngần ngại. Loay hoay tìm kiếm trên mạng và cuối cùng, qua một người thân, con được giới thiệu đến trung tâm thiền của ngài Goenka tại Blackheath, Sydney. Một lần nữa, con lại lên núi, bỏ lại gia đình trong mùa Giáng sinh năm đó.

Trong khóa tu thiền, con đè nén tâm thức để tập trung theo dõi những cảm thọ từ đầu xuống chân, họa hoằn lắm mới để cho tâm trôi chảy một cách tự nhiên. Nhưng con cũng nhận ra rằng, càng tìm kiếm thì dường như con càng bị chìm đắm trong rừng ngôn ngữ và càng bị ràng buộc trong những quan niệm lý trí. Ví dụ trong tâm con vẫn thì thầm: “Đây là cảm thọ dễ chịu, đây là cảm thọ khó chịu” v.v…, mặc dù trường thiền dạy rằng: “Chỉ quan sát những cảm thọ trên thân và nhận biết sự sanh diệt, vô thường của những cảm thọ đó là đủ”. Thời gian đó, con nào có hiểu một cách đơn giản như vậy, con tập trung theo dõi và cố ý điều khiển sự quan sát cảm thọ của mình theo một lề lối quen thuộc hay một quy trình định sẵn. Nhờ vậy con cũng đã đạt được nhiều cảm giác lạ thường. (Sau này nghe thầy giảng con mới hiểu đó là bản ngã lý trí của con đi tìm biết cảm thọ, chứ không phải chỉ thuần thấy cảm giác một cách như thực và vô ngã). Ngoài ra, con nhận thấy rằng, dù có cố gắng cắt đứt mối quan hệ với gia đình người thân thế nào đi nữa nhưng trong con vẫn còn ẩn chứa một cái gì đó dính mắc trói buộc. Đó có phải là sự chi phối của bản năng và tình cảm vô thức không thầy?

Qua khóa tu thiền này, con rút ra được nhiều kinh nghiệm về cách tu tập và đã quen biết được nhiều bạn đạo hơn, nhưng nghĩ cho cùng thì con vẫn như xưa, trong sâu thẳm con vẫn không thay đổi được gì. Có thay đổi chăng chỉ là có thêm một số kinh nghiệm, và một sự an lạc bên ngoài, mà thực chất vẫn là sự tìm kiếm để thỏa mãn cái ta ham muốn tìm cầu. Thì ra vẫn là cái tính tò mò ấy, chỉ khác là trước đây con tò mò tìm sự trải nghiệm những cái mình muốn biết, muốn được trong đời thường, thì bây giờ con kiếm tìm sự thỏa mãn trong cố gắng thiền tập để đạt được những lý tưởng cao siêu. Có phải đó cũng chỉ là những tham vọng của bản ngã luôn muốn đáp ứng những ước muốn của chính mình không thưa thầy?

Con có quen một cô bạn đạo nên thường trao đổi với nhau về cách tu hành. Cả hai đều mơ hồ thấy ra đàng sau sự tu tập của mình có cái ta lăng xăng điều khiển. Nhưng vẫn không giải quyết được thắc mắc trong lòng là nếu không có cái ta thì làm sao mà tu hành đươc? Con ở Sydney, bạn con ở Perth, tuy xa cách, ít gặp mặt nhau, nhưng bất cứ điều gì, dù đời hay đạo, chúng con đều chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm với nhau.

Rồi một ngày nọ, cô bạn đã kể cho con nghe về thầy qua chuyến du lịch về Việt Nam. Bạn con chỉ gặp Thầy có vài tiếng đồng hồ mà con rất ngạc nhiên về sự thay đổi của bạn ấy. Bạn con đã lấy lại tự tin, không hoài nghi như trước. Bạn ấy nói bạn ấy không còn tìm kiếm nữa, vì cái cần tìm thì ai cũng sẵn có, sở dĩ còn lăng xăng tìm kiếm chỉ vì không thấy ra chính mình. Điều bạn con nói, cùng với sự cởi mở thoải mái của bạn ấy làm con giật mình kinh ngạc. Một người trước đây chỉ nói tới ngồi thiền hết cách này đến cách nọ, mỗi ngày phải ngồi bao nhiêu thời, một thời bao nhiêu tiếng… nhưng càng ngày càng bất mãn, càng xa cách với mọi người, với cuộc sống, mà bây giờ bỗng trở nên tự do tự tại như vậy thật là kỳ lạ! Con thầm nghĩ: “Vậy nếu tự do hạnh phúc là giải thoát khỏi sự ràng buộc của bản ngã thì tại sao mình lại tự ràng buộc mình trong sự kiếm tìm lăng xăng của bản ngã?” nhưng con không tự mình giải đáp được. Thế là con cũng thầm mong ước một ngày nào đó hữu duyên được gặp thầy…

Tháng 10 năm 2009 con bỗng nghe bạn con thông báo: “Thầy sắp qua Úc đó nha!”. Con “Ồ” lên một tiếng rồi buột miệng nói ngay: “Vậy mình thỉnh thầy về Sydney được không?” Bạn con liên lạc xin thầy và cho con biết thầy đồng ý. Thế là cuối tháng 11 năm 2009 con đã được nghe thầy giảng pháp ngay tại nhà con cho một số Phật tử ỏ Sydney.

Thầy không chỉ cho con phương pháp tu nào cả và cũng chẳng nói việc tu hành của con là đúng hay sai, mà thầy đã nhẹ nhàng chỉ thẳng cho chúng con thấy ra đâu là lập trình của cái ta ảo tưởng và đâu là bản chất thật của pháp ngay nơi thực tại thân tâm này. Thầy dạy: “Pháp chính là thực tại hiện tiền, ngay nơi sự tương giao của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, tại đây và bây giờ. Không cần mất thời gian để tìm kiếm đâu xa ngoài những hoạt động bình thường của thân khẩu, ngoài sự sinh diệt của những cảm giác, ngoài những phản ứng đến đi của tâm thức, hay những khởi sinh trong tương giao căn-trần của pháp. Ngay đó mà thấy ra gọi là nghe pháp thuyết; ngay đó mà sống trọn vẹn với tâm rỗng lặng, trong sáng gọi là sống thuận pháp; pháp đến đi thế nào tánh thấy cũng vẫn thong dong tự tại, đó là sống tùy duyên vô ngại, như vậy không phải là giác ngộ giải thoát hay sao mà lại còn khởi tâm tìm kiếm gì nữa!”.

Thì ra con đã sai, đã bị bản ngã đánh lừa để lăng xăng đi làm nô lệ cho dục cầu của nó. Tất cả những cố gắng tu tập của con chỉ là tạo tác của cái ta ảo tưởng. Con đã hiểu chính bản ngã là quỉ Sa-tăng cám dỗ con ra khỏi chân lý muôn đời đã sẵn có nơi con, mà ngay đó chính là Nước Chúa. Bỗng con nhớ câu nói của Chúa: “Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống. Chẳng bởi Ta thì không ai đến được cùng Cha”.  Bây giờ thầy dạy con mới hiểu, không qua thực tại sự sống này thì không bao giờ thấy ra chân lý. Chúa cũng than: “Mùa màng thì phong phú mà không có người gặt” chính là để nói rằng hạnh phúc sẵn có ngay nơi con mà con không biết hưởng để rồi cứ mãi lặn lội kiếm tìm!

Ấn tượng nhất là hôm con thỉnh thầy trai Tăng. Trong khi con đang nấu ăn, thầy nghe tiếng ồn ào do con làm khua chén bát muỗng nĩa, thầy nhẹ nhàng nhắc nhở: “Ngay trong hành động cầm cái chén lên, để cái muỗng xuống, con nên thận trọng kỹ lưỡng, chú tâm trọn vẹn và quan sát rõ ràng mỗi động tác của mình thì sẽ không để khua chén bát theo thói quen mê muội - đó là vô minh. Trọn vẹn với chính mình trong từng hành động cử chỉ rất bình thường vậy thôi nhưng đó lại là hành động lợi mình lợi người, không những không gây phiền hà cho những người xung quanh, mà còn là thiền, là minh đó con ạ, bởi vì con đang sống trong sáng suốt, định tĩnh, trong lành, tức là giới định tuệ hoàn hảo đó, con có biết không?”

Đơn giản vậy mà lâu nay con không hề hay biết! Phải rồi, nếu con không hoàn hảo trong từng giây phút hiện tại này thì làm sao con có được sự hoàn hảo trong tương lai! Thế mà con lại bỏ tánh minh trong hiện tại để mặc cho cái ta vô minh lôi cuốn con vào ảo vọng ở tương lai! Con thật khờ dại phải không thầy? Hèn chi Chúa dạy: “Con hãy lo việc của Chúa, việc của con để Chúa lo”. Việc của Chúa chính là sống trọn vẹn với thực tại, còn việc của con là do pháp vận hành một cách vô ngã, thì sao con lại toan tính để chiếm pháp cho riêng mình được nhỉ!

Khi thầy đi rồi, con cười cho quá khứ khờ dại “gậy ông đập lưng ông” của mình.  Bây giờ con đã biết tại sao bạn con được chuyển hóa nhanh như vậy, và t đây con đã biết lắng nghe pháp thuyết trong từng giây phút của lẽ thật và sự sống đang là. Ngày xưa vì sợ khổ đau và ràng buộc trong cuộc đời nên con lăng xăng đi tìm tự do và hạnh phúc. Ngày nay con đã hiểu câu nói: “Tất cả pháp đều là Phật Pháp” của Lục Tổ Huệ Năng, nếu con biết lấy đó làm bài học giác ngộ. Thầy yên tâm, đứa con khờ dại này đã bắt đầu hiểu câu nói của thầy:

“Tự do là ung dung trong ràng buộc

  Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau”.

Con vô cùng cám ơn thầy, nhờ thầy, không những con hiểu được Phật Pháp mà còn hiểu được cả những lời Chúa dạy. Tạ ơn Phật, tạ ơn Chúa và tạ ơn Thầy. Con kính chúc thầy luôn khỏe mạnh để mang ánh sáng thiêng liêng soi sáng cuộc đời.

Con Tâm Minh.

 


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024