Con xin kính đảnh lễ Thầy!

Thưa Thầy, vì quá xúc động khi nhận ra điều thầy dạy trong khóa thiền vừa rồi, nên con đã viết lá thư này đến thầy, như lời tri ân "Sadhu" của con!

Những điều thầy dạy quá giản dị, gần gũi, dễ hiểu như vậy mà từ lâu vì quá mê muội, quá lăng xăng con đã không chịu nhìn lại, không chịu thấy ra, cứ để cho "cái bản ngã lớn dần" lấn át con đến nghẹt thở. Lúc đó con chỉ còn muốn buông xuôi, muốn từ bỏ tất cả để lẩn tránh sự thật. Do vậy con lại tiếp tục đi từ lăng xăng này đến lăng xăng khác để rồi lại cứ bỏ quên thực tại mà chạy theo cái gọi là "tốt hơn". Thực ra là chỉ kéo dài thêm bao nhiêu là hệ lụy khổ đau! Thật đáng tội cho lòng tham chấp cái “tốt hơn” trong ảo tưởng của mình. Khổ đau lại chất chồng lên đau khổ, thầy ơi!

Dạ, con xin thưa với thầy điều mà con đã làm, hay nói đúng hơn là đã mắc phải. Không chỉ riêng con mà hầu như tất cả chúng con đều mắc phải, nhất là những người rất siêng năng tinh tấn trong các trường thiền được các vị thiền sư tổ chức hiện nay, hoặc trong các lớp học Vi Diệu Pháp, các khóa giảng dài ngày hoặc ngắn hạn của nhiều vị giảng sư nổi tiềng. Qua  thu thập kinh nghiệm và kiến thức, chúng con tưởng mình đã là những người có phước đức, trí tuệ và khôn ngoan lắm rồi, nên cứ hiu hiu tự mãn cho mình là đã có sở đắc, sở tri. Ôi! Cái bản ngã mới to lớn mạnh mẽ làm sao! Nó như kẻ giấu mặt có phép tàng hình: ẩn ẩn, hiện hiện biến hóa khôn lường. Thật khó mà nhìn ra được nó lắm, thầy ạ!

Trong lớp học có một chị Phật tử tự hào rằng: "Chị đã từng hành thiền nhiều năm rồi, đã  từng áp dụng nhiều phương pháp thiền khác nhau của các thiền sư Myanmar và Ấn Độ nên chị đã dễ dàng thông suốt hầu hết những gì thầy giảng”. Thế nhưng, hôm sinh nhật thầy vừa rồi, chúng con chia thành hai nhóm, con theo nhóm lên cốc thầy nghe giảng, nhóm kia có chị ấy thì xuống bếp nấu ăn. Nghe giảng xong con xuống bếp phụ dọn bàn. Con nói với chị ấy: "Khi nãy thầy nói đạo hay lắm chị ạ, thầy đã dạy cách buông xả đó chị”. Chị có vẻ rất tiếc đã không lên nghe thầy giảng. Chị hỏi con: “Thầy giảng buông xả là buông cái gì vậy?” Liền khi đó một chị cùng nhóm nghe thầy giảng với con đã lên tiếng: ''Bởi vậy, theo tôi chỉ có phước trí mới là quan trọng, nên đi chùa là tôi chỉ thích nghe pháp, học đạo chứ không bao giờ xuống bếp".

Nghe vậy mà lòng con dâng lên một cảm xúc vừa thương vừa xót thầy ạ. Thương là thương cho thầy đã toàn tâm toàn lực để khai thị pháp cho chúng con, và xót là xót cho những người đã từng nghe thầy giảng, đã tưởng mình thông suốt hết rồi mà bây giờ, người thì không biết buông cái gì, buông ra làm sao! Người thì còn phân biệt, chọn lựa phước trí, phước vật! Thật ra trước đây khi chưa được thầy khai mở “mắt tâm” con cũng đã từng trải qua tình trạng đó. Điều thầy truyền đạt giản dị như vậy nhưng rất khó vào, cũng chỉ vì cái ngã lý trí, chỉ biết thu gom kiến thức, chỉ biết đánh giá hơn thua, chỉ lăng xăng chọn lựa cái tốt nhất cho mình, mà không chịu buông nó ra để thấy pháp ngay trong hiện tại. Hèn gì, ngày xưa có những vị pháp sư tinh thông Tam Tạng mà vẫn bị Đức Phật gọi là trống rỗng!

Trước đây con đã không cho mình cơ hội để lắng nghe lại pháp, lắng nghe chính mình, mà chỉ thích suy diễn, tạo tác, thích khoe khoang kiến thức, thích chứng tỏ cái bản ngã vĩ đại của mình, mà thực chất chỉ là bản năng và ngã mạn không thôi. Con nhớ có lần thầy dạy rằng: “An vui hạnh phúc không ở đâu xa, không phải đi tìm mà nó ở ngay tại đây và bây giờ, chỉ cần buông cái ngã tham sân si xuống thì ngay đó là hạnh phúc”, con nhớ có đúng không thưa thầy? Thì ra không phải cố gắng để đạt thành theo sự thôi thúc của bản ngã tham sân si mà chính là buông ra mọi tham vọng trở thành của nó, để ngay tại đây thấy ra sự thật. Thấy sự thật mới chấm dứt được vô minh, ái dục, chấm dứt mọi hệ lụy ưu phiền.

Có lẽ trước đây con chưa đủ duyên, nên mặc dù biết thầy từ hồi nhỏ mỗi khi theo ba má lên chùa. Con đã nhìn thầy như một bậc chân tu đáng kính vì phong thái trang nghiêm, hiền trí như một cái gì quá thiêng liêng, quá cao cả, khó mà gần được! Cũng vì vậy mà dù con thường đi lễ chùa Bửu Long nhưng con rất ít dám gặp thầy. Con nghĩ: "Ôi chao, thầy tôn quý quá, thầy lại bận rộn với bao nhiêu là Phật sự. Thôi chuyện mình gác lại đi, đừng phiền thầy mà mang tội”. Do đó, con như người trốn tránh, không dám gặp thầy để nhờ thầy chỉ dạy cách tháo gỡ những nỗi khổ đời thường của mình. Cũng may là rồi duyên lành cũng đến, chính cái hôm sinh nhật của thầy, mấy chị trong lớp học rủ con xuống cốc đảnh lễ và nghe thầy nói đạo. Từ lúc ấy đã mở ra cho con một cái nhìn khác về thầy, người thầy con đã biết từ rất lâu, thế mà hầu như trước đây con chưa biết gì cả!

Bây giờ thì sau khóa thiền, mà con cảm nhận được là, thầy đã tận tình, với lòng từ bi mênh mông, đã chỉ dạy, khai mở cho chúng con thấy ra thực tại, thấy ra chính mình và bản chất cuộc sống, biết tự mình nhận diện cái ngã đảo điên, để không bị đánh lừa bởi ảo tưởng của chính mình, biết cái gì cần phải thấy, cái gì cần phải buông, cái gì cần phải nhẫn… và từ đây con không còn hướng ra bên ngoài tìm cầu ảo vọng.

Và con xin sám hối thầy, rằng con đã viết thư kể lể dài dòng này như một lời trình pháp để thầy biết rõ căn cơ trình độ của con mà từ bi chỉ dạy giúp con khám phá những trói buộc vi tế trong thâm sâu mà con chưa nhìn thấy được. Con kính đảnh lễ thầy.

Con Thanh Thúy.


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024